Vai trò lãnh đạo của người đàn ông trong gia đình đã và đang là một quan ngại trong nhiều năm. Không biết bao nhiêu cuốn sách đã được viết về chủ đề này, bao gồm những cuốn như 'Đàn Ông Thụ Động, Phụ Nữ Năng Động và Những Ông Chồng Không Chịu Lãnh Đạo và Những Người Vợ Không Vâng Phục'. Chúng ta đang nói tới lãnh đạo thuộc linh- đặc biệt là thẩm quyền của người đàn ông để lãnh đạo.
Động lực lãnh đạo của quí ông có thể bị mờ nhạt bởi những lý do cá nhân, nhưng khi người đàn ông để Chúa dẫn dắt, và khi trái tim của quí ông rộng mở đối với Đức Chúa Trời và mục đích của Ngài, thì khi đó sự lãnh đạo của quí ông được Chúa ủng hộ.
Vậy lãnh đạo như vừa nêu sẽ ra sao trong thực tế?
Phục Vụ
Thẩm quyền Chúa ban cho quí ông để lãnh đạo được xây dựng trên sự phục vụ. Điều này đòi hỏi nhiều khó khăn để có sự cân bằng đối với quí ông. Vấn đề không phải ở sự dậy dỗ về vai trò lãnh đạo của đàn ông, nhưng vấn đề ở chỗ người đàn ông sử dụng sai sự kêu gọi lãnh đạo và dùng nó để phục vụ cho chính nhu cầu và tham muốn của bản thân. Một số quí ông hành xử giống như vị sĩ quan quân đội ra lệnh cho vợ con, điều không phản ánh sự dạy dỗ trong Kinh Thánh, mà chỉ phục vụ cho sự ích kỷ và thiếu tự tin của họ.
Sự thật là người chồng được kêu gọi để lưu tâm tới người khác, đặc biệt là nghĩ cho vợ mình trước cả bản thân. Đó không phải là điều dễ làm đối với nhiều ông. Thứ nhất lối suy nghĩ mình làm người lãnh đạo-phục vụ trái ngược với lối suy nghĩ vị kỷ (nghĩ cho tôi trước) trong thời đại ngày nay. Nhưng với những hy sinh và tấm lòng miệt mài với công việc thì quí ông có thể làm trọn vai trò lãnh đạo của mình.
Tôi đã chứng kiến cả hai cách lãnh đạo. Tôi chứng kiến những người là "độc tài tự phong" những người bóp méo lời Chúa để phục vụ cho mục đính của họ. Hậu quả của kiểu lãnh đạo này là gia đình và hôn nhân phải chịu đựng và tan vỡ. Nhưng tôi cũng chứng kiến những người đàn ông là người lãnh đạo-phục vụ, những người mà gia đình họ phát triển và đơm bông kết trái cho Chúa.
Tình Yêu Thương
Lời Chúa cũng kêu gọi người chồng không chỉ là người lãnh đạo-phục vụ mà còn là người tình. Điều này có nghĩa vai trò lãnh đạo của người chồng không phải để bày tỏ sự thống trị mà để biểu đạt tình yêu thương hy sinh của Chúa Giê-xu. Và Chúa Giê Xu bày tỏ tình yêu ra khi Ngài ở trên đất? Ngài chú trọng tới mục tiêu bày tỏ tình yêu thương qua việc dành thời gian cho các môn đệ khi họ yếu đuối. Ngài bênh vực họ, khen ngợi họ trước mặt người khác và bộc lộ bản thân với họ. Tại sao Chúa Giê xu làm điều này? Ngài quan ngại tới phúc lợi của hội thánh và sự vinh hiển trong tương lai.
Đó là cách người chồng yêu thương vợ mình. Người chồng là đại diện của Chúa Giê xu trong gia đình, và vai trò của người chồng là bày tỏ sự vinh hiển của Chúa trong người vợ và nâng nàng lên vì phúc lợi của nàng. Cách lãnh đạo như vậy khiến người vợ cảm thấy mình đặc biệt, được đánh giá cao và được yêu thương.
Vậy người chồng có thể bày tỏ một cách cụ thể ra sao? Có rất nhiều cách. Một điều quan trọng nhất là người chồng đặt vợ mình trước con trẻ, cha mẹ, anh chị em, công việc, TV và những sở thích riêng. Thực hiện điều này sẽ làm vững mạnh hôn nhân. Ngược lại, nếu không thực hiện điều này sẽ dẫn đến một hôn nhân bị suy yếu và có nguy cơ tan vỡ. Một điều khác người chồng có thể làm để bày tỏ tình yêu là học "ngôn ngữ tình yêu" của vợ mình, nói cách khác người chồng học để nhận biết vợ mình sẽ cảm nhận được tình yêu thương qua hình thức nào (ngôn ngữ, bày tỏ qua hành động vân vân) để có thể gửi thông điệp yêu thương mà người vợ có thể nhận biết và đón nhận bởi chúng đáp ứng nhu cầu yêu thương của nàng.
Quí ông cũng được kêu gọi yêu thương vợ vô điều kiện, theo cùng một cách mà Chúa yêu thương tất cả chúng ta. Quí ông không yêu vợ theo kiểu "nếu như em" mà yêu "cho dù, hay mặc dầu". Khi người chồng yêu vợ vô điều kiện và hy sinh vì nàng thì nàng sẽ dễ dàng nhận biết tình yêu của Chúa và sự quan tâm của Ngài hơn. Điều này đem vinh hiển về cho Đức Chúa Trời.
Chúa mong muốn chúng ta quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Một người chồng bỏ bê hay xem thường vợ cướp đi của nàng điều Chúa muốn ban tặng cho nàng trong đời sống vợ chồng, và đồng thời người chồng cũng tước đoạt sự phát triển và trưởng thành thuộc linh của chính bản thân.
B Chapell có nhận xét về việc vợ chồng quan tâm tới nhau như sau: ‘Vì hai người cưới nhau để trở nên một, nếu một trong hai bị tổn thương, hạ nhục, hay coi thường, thì cả hai đều không trọn vẹn. Giống như quả bóng rổ bị xì hơi một phía nó sẽ không hoàn thành được mục đích của nó, hôn nhân cũng vậy, nếu một phía bị hạ thấp thì điều này sẽ cướp đi cơ hội để cả hai vợ chồng trở nên trọn vẹn và thực hiện những gì Chúa mong muốn trong đời sống họ. Đức Chúa Trời tạo ra những điều trùng hợp và khác biệt trong người vợ và người chồng để chúng bổ xung và hỗ trợ cho nhau trong quá trình trưởng thành thuộc linh của hai người. Không có phần nào trong hôn nhân được phát triển đầy đủ nếu một trong hai người bị cản trở và không được phát triển những tiềm năng của mình’.
Thật là một cơ hội quí báu cho tôi và bạn. Cũng giống như việc Chúa Giê xu đã chuộc hết tội lỗi cho hội thánh, người chồng không chỉ sống cho bản thân mà thôi mà nên sống một đời sống để Chúa xử dụng như ống dẫn phước lành của Ngài tới vợ mình.
Vũ Hồng Nga
(Dịch thuật)