Thôn làng kia có vị thiền sư sinh sống từ nhiều năm. Một hôm có người đem một hài nhi tới trả vì quyết rằng thiền sư có con với một phụ nữ trong làng. Thiền sư trầm tĩnh nhận đứa bé và nuôi nó. Hằng ngày ông ẵm bé đi xin sữa. Ông thường bị người trong làng mắng nhiếc, xua đuổi. Thiền sư vẫn bình tĩnh, hiền hòa, kiên nhẫn xin sữa cho bé. Sau vài năm, có cặp vợ chồng tới xin lỗi và xin lại đứa bé. Đứa bé là con của họ. Họ ăn ở với nhau và có thai, nhưng người cha không dám nhận là con của mình vì một lý do gì đó, nên cô gái tìm người “dễ thương” nhất để gán tội. Thiền sư nhờ có công phu hàm-dưỡng cao, sức kham-nhẫn* lớn nên chịu đựng hàm oan một cách thản nhiên.
Mỗi người chúng ta trong đời sống hằng ngày có thể bị vu oan điều này, điều nọ.
Ca dao VN có câu:
Ví dầu tình bạn muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra!
Những người con có cha mẹ bị chứng “lú lẫn” sống chung nhà hay mắc hàm oan nhất. Vì mất trí nhớ nên cha hay mẹ già không nhớ mình vừa ăn xong, mà cứ phàn nàn con dâu không cho ăn, hay than phiền con rể ăn cắp tiền.
Trong xã hội, giới lãnh đạo tinh thần (mọi tôn giáo) là bị tiếng thị phi, bị vu oan nhiều nhất.
Khó mà giữ thản nhiên khi bị oan ức, nhưng bằng mọi cách, chúng ta nên tránh quá nhạy cảm mà có thể đưa đến một trong hai phản ứng cực đoan : hoặc thảm sát, gieo chết chóc cho nhiều người vô tội ; hoặc tự sát (như trường hợp cố Tổng thống Nam Hàn Lư Vũ Huyền (Roh Moo-hyun) nhảy núi tự tử tháng Năm 2009.
Những năm qua, khi gặp các vị Mục sư, tôi hay đặt câu hỏi: có bao giờ ông (hay bà) bị ai lấy điều dữ nói vu chưa? (Như trong câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:11). Thật không ngờ, như động đến chỗ nặng lòng, các vị này tuôn ra rất nhiều nỗi khổ vì bị hiểu lầm, bị nghi ngờ sự dữ, bị vu oan, vu khống… nhiều lần trong quá khứ.
Chức vụ trong ban chấp hành hội thánh thì vị thủ quỹ dễ bị vu oan, vu khống nhất vì liên quan tới đồng tiền.
Có vị giữ im lặng, giữ lòng bình an, trao gánh nặng lòng này cho Chúa. Có vị tìm cách biện bạch khi có thể cho những ai muốn nghe, nhưng kết quả thường khiêm tốn.
Tôi đã gặp một số người can trường khi bị hàm oan, hay sỉ nhục. Các vị này không yếu hèn, mà có trái tim mãnh dõng của con sư từ (Châm Ngôn 28 :1).
Có vị cười cười cho biết đó là chuyện bình thường nếu không phải là điều vui mừng vì thường suy gẫm câu tiếp theo là Ma-thi-ơ 5:12 “Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy”.
Hỏi các người từng trải kinh nghiệm có lời khuyên gì cho người trẻ mới bước vào chức vụ thì được những lời vàng ngọc sau:
1. Tránh là thủ phạm gieo hàm oan cho người khác. Thường học câu: “Vậy anh em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian giảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét và sự nói hành” (I Phi-ê-rơ 2:1)
2. Mừng vì mình là nạn nhân, chớ không phải là người gieo đau khổ.
3. Giữ bình tĩnh vì những giờ phút đầu tiên mình dễ phản ứng lại bằng cách nổi nóng có thể đưa đến nói năng, hành động, cư xử không hay.
4. Phải nhớ rằng xã hội nào cũng có những người xấu nết, xấu miệng, nhìn sự việc một cách phiến diện, một chiều rồi kết luận.
5. Có nhiều người suy bụng ta ra bụng người, rồi “nghi ngờ sự dữ”, ước gì họ học được như câu: I-Phi-ê-rơ 3:10 “Ai muốn yêu sự sống, và thấy ngày tốt lành, thì phải giữ gìn miệng lưỡi, đừng nói điều ác và lời gian giảo”.
6. Khi bị vu oan, vu khống là mình được thử thách ở cấp cao. Chúa thấy hết, biết hết và Chúa là đấng công bình, đấng báo ứng sẽ giải oan cho mình. Chính Chúa Giê-su thời còn tại thế, cũng thường bị vu oan, vu khống.
7. Cách sống và cư xử với lòng yêu thương, vui mừng, bình an trong mọi cảnh ngộ sẽ là bài làm chứng rất tốt cho người khác.
Vì danh Chúa, vì công trình thuộc linh mà chịu khổ là có phước như câu: 1Phi-ê-rơ 4:12-14 “Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót. Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em.”
Châu Sa
*kham nhẫn: 堪忍. Dịch nghĩa chữ Phạn SAHA: sa bà thế giới 娑婆世界 "sahalokadhātu" hay kham nhẫn thế giới 堪忍世界 tức là cõi đời ta ở đây, theo Phật giáo là cõi phải chịu đựng, nhẫn nhịn mọi phiền não.