Hồi xưa, khi viết một bài gởi cho báo kể chuyện đời mình, mà lung tung linh tinh (như cách nói bây giờ), tòa soạn “âu yếm” hỏi đây là thể loại gì, truyện không phải truyện, tùy bút không phải tùy bút, cái gì cũng không phải cái gì, mình “phịa” ra một từ mới nghĩ trong đầu: tự sự J Vậy mà tòa soạn hiểu liền, cho đăng, dưới tựa đề ghi, Tự Sự- Phạm Khánh Vũ J Đúng là những tâm hồn văn nghệ, đồng điệu đồng cảm, nói ít hiểu nhiều.
Ngày nay, khi viết những cái gì nghĩ ra trong đầu, bất chợt, lúc thế này lúc thế kia, cái gì cũng không ra cái gì, mình nhớ lại chữ Tự Sự ngày xưa, mà dùng làm tựa đề, mình suy nghĩ thực sự nó có nghĩa gì, ngày xưa nó chỉ có thể là vài dòng tâm sự vu vơ vớ vẩn không đầu không đuôi, nhưng bây giờ tự sự cũng có thể là tự gây sự với mình. Một người mới về hưu, chưa cân bằng suy nghĩ còn chông chênh, còn lao đao vì những kế hoạch vừa vẽ ra đã bị bôi xóa không thương tiếc, ngoài những lúc ngồi, đi loanh quanh trong nhà, hoặc đứng… dựa tường vôi ngó ra ngoài đường, vừa lạnh vừa mưa không thể đi bộ được, thì chỉ còn một việc để làm, đó là tự gây sự với mình J
Giờ, buổi sáng, khi những suy nghĩ chưa thành hình, vẫn còn như những sợi mây lãng đãng bay trong bầu trời ban mai chưa tụ lại, thì muốn nghe nhạc, nhớ một bài hát tình cờ nghe mấy ngày trước khi tình cờ nhìn thấy tựa đề, có mỗi một chữ Về, thấy nao nao trong lòng, lại thấy tên Đình Bảo phía dưới, thì nghĩ đủ bảo đảm cho một bài hát hay, mở ra nghe.
về lại chốn tuổi thơ ôi tràn đầy
chỉ khi xa nơi này mới thấy buồn biết mấy
mùa đông đến run đôi tay xứ người
đoái trông nơi quê mình thiết tha bao là tình
… chút tình viễn xứ, hoài hương biết nói sao cho vừa…
Chữ nghĩa vừa phải, vừa đủ, chẳng cầu kỳ rắc rối như thơ mình làm, đơn giản như bụi bình bát đầu xóm, nhưng đậm như canh chua cá bông lau, cá lóc kho tộ, thoảng mùi hương hoa sứ hoa lài ngõ vắng, mùi cà phê quán cóc, bánh xe ngựa lênh đênh. Nhưng làm trái tim mình rung động. Muốn về, mà không thể về được. Chỉ một chữ về thôi mà sao mà nó làm cho mình phải rúng động J
Giờ, tập trung để soạn một bài giảng… để đó phòng hờ được mời giảng… thình lình, mà không tập trung được, thì muốn gọi một cuộc điện thoại cho ai đó, nhưng suy nghĩ, gọi nói chuyện gì. Mình vốn đã ít bạn, mà bạn để tâm tình thì lại càng hiếm, giống như hoa mai mọc trong tuyết J Gọi lại quấy rầy người ta, mình quởn, chứ người ta đâu có quởn mà kiên nhẫn nghe mình nói. Vả, chuyện của mình mà bắt người ta nghe, có unfair lắm không J Nghĩ nên thôi, không gọi, vì biết là gọi thì cũng chỉ than phiền cho qua cơn… phiền L rồi đâu lại vào đấy. Những nỗi niềm của mình, thì mình phải tự gánh lấy, gánh không nổi, thì hãy nói với Chúa, người bạn kiên nhẫn nhất để có thể nghe mình nói, nhưng nói gì thì nói, là con người, thì cũng muốn nghe những lời an ủi, khích lệ từ một con người, chứ không phải từ Đức Chúa Trời, chỉ hiện hữu trong tâm tưởng, chứ không thể… feel như một bàn tay, một lời dí dỏm, một tiếng cười dòn được J
Sáng sớm, nghe điện thoại reng, nhìn thấy tên, thì lòng đã hơi mất bình an. Quả thật vậy, ông nói con quit job rồi, muốn về nhà. Lòng mình chùng xuống một… nốt nhạc, không, phải nhiều nốt L Mình nói: con không về lúc này được. Nó hỏi: Bố bị gì mà sợ. Bố không bị gì hết, nhưng Bố không muốn con về nhà lúc này, ít ra cũng phải sau dịch đã. Ông ok rồi cúp máy. Cuộc nói chuyện ngắn ngủi giữa hai cha con (như mọi lần vẫn vậy) không hứa hẹn cái gì sáng sủa. Ngồi yên lặng rất lâu trên bàn, rồi nghĩ rằng cứ ngồi yên lặng rất lâu thì cũng không giải quyết được gì, chỉ làm mình nặng nề thêm, gọi cho một người quen (hay cầu nguyện cho mình) nhờ cầu nguyện xin Chúa cho môt giải pháp nào tốt nhất L, rồi nói với Chúa vài câu ngắn, than phiền với Chúa, nhờ Chúa giúp mình bớt đi phiền muộn L
Giờ, viết lai rai dăm ba chữ rồi, thì thấy tâm hồn đôi chút nhẹ nhàng, mở TV lên xem Australian Open, giải Tennis lớn đầu năm. Mong cho Rafael Nadal, cho Serena Williams thắng được đối thủ ở vòng 4, đi tiếp vào quarterfinals, để còn cái buổi tối ngồi sofa gác chân lên bàn mà xem, chứ hai em này… bị loại rồi, thì cũng không còn động lực để xem, cũng… máu vậy đấy J Mà Nadal bị thương lưng đang hồi phục, trận nào biết trận nấy, chắc khó đi xa. Serena thì già quá rồi, 39 tuổi rồi, còn đánh được tới vòng 4 là còn… ơn Trời J. Thôi kệ đi, tập cho tâm hồn thôi máu lửa, đứa nào giỏi thì đứa đó thắng, Đức Chúa Trời không muốn thiên vị vì tình cảm cá nhân đâu J
Nhiều ngày mình ngồi trên ghế, nhìn chăm vào mặt monitor, tự hỏi mình chẳng lẽ ngày qua tháng lại cứ ngồi trên ghế nhìn mặt monitor, chẳng thể làm một cái gì khác sao. Mình biết rằng việc xin về hưu vào cuối năm nay, lý do chính chẳng phải là về hưu, mà chính vì là muốn làm một việc gì khác. Mình thì còn biết làm gì hơn là viết. Ngày qua tháng lại, cứ hoài mong một tác phẩm… để đời (tức là để lại cho đời thôi, chứ không mong là để lại thương nhớ cho đời), một truyện dài, không phải là sở trường, dù đã viết những truyện ngắn… để đời, ráp lại đủ cho một truyện dài. Những sáng mai thức dậy thấy thân thể khỏe mạnh, tinh thần vẫn minh mẫn, thì lại nói với Chúa rằng con đã ba mươi năm hầu việc Chúa, và sẽ vẫn còn hầu việc Chúa cho đến khi nào Chúa thấy còn có thể được, nhưng hãy cho con sống một cuộc sống với tâm hồn, với bản chất mà Chúa đã dựng nên con từ những ngày đầu con nhận biết, một nghệ sĩ.
Và mình lại mơ buổi sáng Đà lạt đầy sương mù, đứng trong căn nhà… trọ (vì sẽ chẳng thể nào đủ tiền mua một căn nhà ở Đà lạt, cho dù trong một xóm làng, một núi rừng xa xôi nào đó), nhìn xuống đồi thông, thấp thoáng những bông hồng trong mơ, thế là đủ cho một tâm hồn… nghệ sĩ J
Bạn nghĩ, đọc từ trên xuống dưới, những đoạn ngắt quãng chẳng đâu vào đâu, cái gì cũng không ra cái gì, thế thì có phải là tự sự không. Có điều, là sau khi tự gây sự với mình, thì mình lại buồn, vì chẳng có ai để mình gây sự. Mình lại đứng dựa vào thành bàn, cạnh bình hoa hồng mua hôm trước Tết cho có vẻ Tết, ngày trước còn đầy hoa, hoa còn đầy, mà nay hoa đã ít, hoa đã rơi lác đác trên bàn, cứ để nguyên vậy, ngó ra cửa sổ, nhìn mưa bay, đất trời xám xịt, mà trong lòng không còn nghĩ ra được một điều gì để… gây sự nữa L