Chiều hôm qua, từ trong nhà nhìn ra thấy bầu trời xanh và nắng bình thường, đội mũ, mở cửa, mang giày chuẩn bị đi bộ, vừa bước ra cửa nghe tiếng mưa rơi nhỏ, vài giọt rơi trên áo, dội vào nhà, đứng nhìn bâng quơ một hồi không thấy gì, nghe tiếng xe cắt cỏ nhà hàng xóm, người bên này, người bên kia, vẫn bình an… cắt cỏ, nghĩ chắc không sao, mạnh dạn bước ra, đi ngang người đàn bà đang cắt cỏ, bà ngước mắt lên chào, chào lại, đi tiếp. Chưa được một vòng, chưa được nửa vòng xóm nhỏ, thình lình nghe tiếng mưa rơi mạnh, mưa ào ào trút xuống, trên đầu, trên áo quần. Nhìn đường xa thì biết là không thể nào chạy về nhà cho kịp, tìm một nơi ẩn núp, đứng đại dưới một tàng cây lớn, hy vọng cơn mưa bóng mây chóng qua. Nhưng bóng mây này lớn quá, mưa tiếp tục đổ xuống, đổ từng … tảng nước chứ không rơi từng giọt J, tàng cây không còn là nơi trú ẩn an toàn nữa, và gió rất mạnh hắt cả dòng nước vào người. Nhìn quanh im vắng, đành vội vã chạy vào căn nhà trước mặt có một cái porch nhỏ vừa đủ che tấm thân nặng 162 pounds J Đứng trước cửa, nép hẳn vào cửa lớn, mà mưa vẫn tạt vào người, dù sao thì vẫn còn đỡ hơn là đứng dưới tàng cây. Vừa nép vào cho sát hơn, lưng dựa vào cửa, vừa suy nghĩ những câu nói nếu chủ nhà thình lình mở cửa ra nhìn thấy… người lạ đang đứng trước nhà mình. Nhưng mưa này ai mở cửa ra làm gì, nếu không phải là một… thi sĩ J Mà nếu là thi sĩ thì không phải lo, sẽ cùng nhau đọc thơ trong mưa J Người sẽ đọc thơ Walt Whitman bằng tiếng Anh, còn mình sẽ đọc Chữ Nghĩa Của Đán bằng tiếng Việt J Tưởng rằng cơn mưa mạnh bạo sẽ chóng qua, nhưng mình cũng phải đứng trú dưới… mái hiên người cả tiếng đồng hồ.
Những điều đó đã là hôm qua rồi. Bây giờ là buổi sáng ngày hôm nay. Cửa sổ buổi sáng vẫn còn đọng lại hơi nước do cơn mưa lớn ngày qua, nhưng nhìn ra bầu trời sáng sủa. Tôi nhớ đến những lời thơ tôi viết, đã nhờ một nhạc sĩ trẻ phổ nhạc, tôi muốn đưa những lời ấy đến những con người đang chìm trong cơn mưa lớn. Tôi muốn góp phần đưa hy vọng đến những con người đang rất thất vọng. Cơn mưa dữ dội đổ xuống trên cả thế giới đã biến thành giông bão, gieo đau thương và tang tóc cho hàng triệu triệu người, hơn một năm rưỡi qua, vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Nếu mưa tạm ngưng ở vùng trời này, thì sẽ đổ xuống ở một vùng trời khác, ánh nắng vừa le lói ở bầu trời này, thì lại lặn tắt ở bầu trời khác. Mây trắng đang bay về trên bầu trời Hoa Kỳ, thì mây đen đang dồn lại ở Việt Nam, và nhiều nơi khác. Giống như đám cháy vừa dập tắt nơi này thì lại bùng lên ở một nơi khác. Nơi này có hy vọng, thì nơi khác đang rất thất vọng.
Người ta đang chiến đấu, như chiến đấu với một cuộc chiến tranh. Chiến tranh thế giới lần 1, lần 2, thì cũng chỉ xảy ra ở một số vùng đất nào đó, nhưng cuộc chiến này là toàn thế giới, không chừa một quốc gia nào, to nhỏ lớn bé giàu nghèo. Thế giới chưa phải là chưa từng đối mặt với một trận dịch lệ nào, nhưng chưa bao giờ có một trận dịch nào có sức phá hoại ghê gớm như vậy, nó làm con người ta co mình lại, thu mình lại, càng nhỏ càng tốt. Người ta nín thở, như sợ những con virus nhỏ xíu đó sẽ theo không khí mà bay vào mũi, vào miệng. Chưa bao giờ có con số người chết nào trong lịch sử có mức độ tàn khốc như vậy, đến nỗi người ta không thể tính bằng ngày, mà bằng giờ, bằng phút, đến nỗi người ta nghĩ rằng có phải là ngày tận diệt nhân loại đang đến, đã đến? Nhưng người ta không thể chạy trốn nó, người ta phải đối đầu với nó.
Những nhà khoa học đã vùi đầu trong các phòng thí nghiệm, chạy đua với từng giây đồng hồ, mà mỗi giây qua, con số người chết lại cộng vào, lại nhân lên. Những Cơ đốc nhân ẩn mình trong các phòng riêng, gục mặt xuống, ngẩng đầu lên, giơ hai tay, mắt hướng về trời cao mà khẩn cầu ngày đêm. Những y bác sĩ, y tá, công nhân trong bệnh viện ngày đêm đối diện với những ca cấp cứu ồ ạt đổ vào những phòng cấp cứu đến nỗi không còn chỗ chứa, mặc quần áo bảo hộ kín mít, đeo găng tay, mang khẩu trang 2 lớp, faceshield, lại rất gần bệnh nhân, và nguy cơ dành cho họ không phải là nhỏ nếu không nói là lớn. Trong những ngày đó, không ai có thể biết những giây phút sắp tới của đời mình sẽ thế nào.
Tôi cũng là một trong số họ. Trong những ngày đó, nhà thờ đóng cửa, tín hữu không thể đến nhà thờ, nhưng Mục sư vẫn phải đến nhà thờ. Hội Thánh không thể nhóm lại, nhưng vẫn phải tìm cách để phục vụ con dân Chúa, không thể bỏ mặc họ trong hoàn cảnh bi đát đó mà không có lời của Chúa. Chúng tôi vâng lời chính phủ đeo khẩu trang, rửa tay với hand sanitizer, giãn cách xã hội 6ft, nhiều nhà thờ đưa phòng nhóm ra ngoài trời, Hội Thánh Việt nhỏ, tổ chức livestream. Tín đồ ở nhà, chỉ có Mục sư và một số ít người đến nhà thờ để điều khiển kỹ thuật, và Mục sư giảng tại nhà thờ mỗi tuần. Ai có thể vắng mặt, Mục sư thì không. Mục sư có sợ không? Có chứ. Người theo Chúa được dạy không sợ chết, vì có Chúa ngay trong trũng bóng chết, nhưng đã là người thì ai cũng muốn sống.
Rồi cơn mưa dữ dằn cũng dần dần nguôi. Những hạt mưa mạnh bạo tan nát đất trời cũng nhỏ giọt dần ở một vài nơi, đặc biệt là tại đất nước Hoa Kỳ nơi mình đang sống, nơi chịu sự tàn phá nặng nề nhất trên thế giới. Nhờ vaccine. Những khoa học gia đã chế biến thành công một số vaccine, thật nhanh chóng chưa từng có, đến nỗi gây sự nghi ngờ. Nhưng bắt đầu từ tháng 12, từ người Mỹ đầu tiên được chích ngừa đến nay, hơn nửa năm qua, sự hiệu quả của vaccine đã được chứng minh. Những con số nhiễm bệnh đã giảm, con số người vào bệnh viện cũng giảm, con số người chết cũng giảm, giảm rất nhiều, rất nhanh. Những luật bắt buộc trong đại dịch dần dần đã được gỡ bỏ, và gỡ hẳn. Những người đã chích vaccine hai liều không bị bắt buộc đeo khẩu trang nữa, trong nhà, và cả nơi công cộng. Người ta đã thấy khán giả ngồi kín các stadium trong các trận đấu thể thao, các sự kiện, các buổi ca nhạc trong nhà, ngoài trời đã đầy người, và nhà hàng, khu ăn uống mở cửa lại. Và các chuyến bay cũng trở lại trên bầu trời, nhưng trong những khu vực chật hẹp, người ta vẫn khuyến cáo mang khẩu trang cho an toàn. Và tôi, cũng cất cánh bay. Tháng 6, Caloifornia, tháng 7 New Jersey, lái xe đi Georgia, và tháng 8, hy vọng, Texas. Bắt đầu tập quen sống trở lại những ngày không sợ hãi, để có thể bay đi Việt Nam, ngày gần đây.
Nhưng khi Hoa Kỳ dần phục hồi, thì Việt Nam lại bị thương. Sài gòn bị thương nặng và dai dẳng. Những đợt phong tỏa thành phố, liên tiếp hết đợt này đến đợt khác, làm cho vết thương trầm trọng hơn. Con số ca nhiễm bệnh không hề giảm mà tăng lên mỗi ngày. Sài gòn đã lan ra tới Nha Trang, vài nơi khác, chưa biết bao giờ ngừng lại. Những đợt vaccine từ các nước chuyển về đang tới, từ Nhật, từ Anh, từ Mỹ, cố gắng tiếp sức cho Việt Nam. Việt Nam chống dịch… thủ công, khi phát hiện có ca nhiễm, thì phong tỏa, khoanh vùng, cắt liên lạc, nhưng người ta biết rằng không có cách gì cứ ngăn sông cấm chợ, con bạch tuộc cắt này tay lại mọc lên tay kia, chỉ có vaccine mới có thể ngăn chận được sự lây lan nhanh chóng chết người của dịch lệ.
Chúng ta còn hy vọng không? Chúng ta vẫn hy vọng. Sự hy vọng có cơ sở, dĩ nhiên là vaccine ngày càng nhiều, Hoa Kỳ sau khi được phục hồi, đã gởi vaccine của mình tiếp cứu thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam hy vọng khi dân chúng chích ngừa được 70% sẽ miễn nhiễm cộng đồng. Chúng ta hy vọng Việt Nam rồi cũng sẽ vượt qua như Trung Quốc, như Ý, như Anh, như Mỹ, như Ấn Độ, chúng ta hy vọng vaccine sẽ đến các vùng đất nghèo khó khác đang oằn mình chống đỡ trận dịch. Giông bão đang giảm tốc độ, mưa lớn đang nhỏ lại, vài nơi ánh sáng đã le lói, mây trắng đã bay về.
Chúng ta còn một hy vọng khác, hy vọng chính, hy vọng lớn nhất, đó là Đức Chúa Trời, Đấng đã sáng tạo vũ trụ, có quyền cai trị, điều khiển hoàn vũ trong tay Ngài. Đấng có quyền cho sống, Đấng có quyền bắt phải chết. Đấng đã để lại một quyển Kinh Thánh chứa đầy những lời hứa của Ngài, lời của Ngài. Lời ấy là toàn hảo và thành tín: Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn. Sự thành tín Ngài là lớn lắm. Lời của Chúa không chỉ đúng, mà hoàn toàn đúng: Thật như Đức Chúa Trời là thành tín, lời chúng tôi nói với anh em cũng chẳng phải khi thì phải khi thì chăng vậy. Ngài đã hứa thế nào thì Ngài sẽ làm như vậy. Ngài đã bảo dân Ngài rằng: Hỡi dân ta, hãy đến vào buồng và đóng cửa lại. Hãy ẩn mình một lát, cho đến chừng nào cơn giận đã qua. Ngài cũng từng thẳng thắn nói rằng: Trong cơn nóng giận, ta ẩn mặt với ngươi một lúc, nhưng vì lòng nhân từ vô cùng, ta sẽ thương đến ngươi, Đấng Cứu chuộc ngươi là Đức Giê-hô-va phán vậy. Dầu núi dời, dầu đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi, lời giao ước bình an của ta chẳng chuyển, Đức Giê-hô-va, là Đấng thương xót ngươi, phán vậy,
Cơn giận đã vào cuối mùa rồi. Cơn giận đã nguôi ngoai, Chúa không giận lâu, chỉ ẩn mặt một lúc, Ngài đã nghe lời kêu cầu của dân Ngài, Ngài quay lại, lấy đôi mắt xót thương mà nói rằng: nhưng vì lòng nhân từ vô cùng, ta sẽ thương đến ngươi. Những đám mây đen vần vũ trên bầu trời đang nhạt nhòa dần, từ chân trời mây trắng đang trôi về, đã bay khắp bầu trời Hoa Kỳ, sẽ phủ kín bầu trời Việt Nam và cả thế giới. Tôi ơi đừng tuyệt vọng.
Chúng tôi có hy vọng, chúng tôi vẫn hy vọng
Chúng tôi hy vọng Đấng xua mây đen u ám
Đấng đang đưa mây trắng về từ những chân trời
Bàn tay chúng tôi đang chạm đến mây trắng
Chúng tôi khen ngợi Chúa, Đấng cai trị hoàn vũ
Đấng đã đem mây trắng về lại bầu trời nước Mỹ
Sẽ đem mây trắng phủ kín bầu trời Việt Nam
Phủ kín cả thế giới bằng oai quyền trời biển
Mục sư Lữ Thành Kiến