I – Giới Thiệu
Trong thời gian giãn cách vì chủng mới Covid, tôi bị bó chân, không thể đi đâu, ngoài đọc Kinh Thánh để hiểu cho bản thân và cùng Chúa môn đồ hoá con cái của Ngài. Tuy nhiên tôi cũng lùng đọc lại tác phẩm văn học khác, để làm giàu, và tìm những chuyện minh họa cho niềm tin của mình. Trong tác phẩm Tinh Hoa Tư Tưởng Việt của những tác giả Việt Nam hải ngoại có viết thế này; ‘Dân tộc Việt không có những triết thuyết được hệ thống hoá chặt chẽ thành những trường phái như Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Phương...’. Thật ra không phải chúng ta không có hoặc không muốn, nhưng quốc gia chúng ta có chiều dài lịch sử với không biết bao nhiêu những cuộc đại chiến chống ngoại xâm và rất nhiều những cuộc nội chiến cho nên chúng ta không có cơ hội cho những tinh hoa được nghiên cứu và phát huy.
Thật ra nhà giáo Chu Văn An (1292-1370) đã từng đề xướng 4 quan điểm đó là: Cùng lý, Chính tâm, Tịch tà và Cự bí (Cùng lý là hiểu phải cho đến nơi đến chốn, Chính tâm là giữ lòng cho ngay thẳng, Tịch tà là trừ bỏ thói hư, tật xấu, chống lại tà thuyết và Cự bí là ngăn ngừa cái dở, cái gàn của thế nhân). Chắc có lẽ khi bàn sâu đến bốn quan điểm trên, người Việt không thể không tìm đến với Thánh Kinh và thần học. Nhân vật như Augustine, hay Thomas Aquinas, và sau này John Calvin viết ra luận điểm và kết luận của họ là; tất cả mọi thứ cùng lý, hay đạo đức, đều tập chung vào Thượng Đế, vào Giê-su, đấng Cứu Chuộc mà ra. Các học giả, triết gia, nhà thần học này không tự suy tư, luận điểm của họ đều rút ra từ trong những trang Kinh Thánh. Và người ảnh hưởng họ, là Cứu Chúa, và sau nữa là Sứ đồ Phao-lô.
Trong thư tín viết cho các tín hữu tại thành Cô-lô-se (1:15-29) Phao-lô viết về một Chúa Cứu Thế, khác hẳn với cách ông trình bày trong thư (Phi-líp 2:5-8). Ở đây ta thấy Phao-lô viết ra một Chúa Cứu Thế cao nhất, hơn hết. Khi học những câu Kinh Thánh này chúng ta cần đọc chậm và học cho kỹ bởi vì niềm tin của ta có vững hay không nằm ở đây. Thế giới của La-mã ngày xưa cũng đa dạng, đa hệ phái và phức tạp không kém gì thế giới chúng ta hôm nay. Và cảm tạ ơn Chúa chúng ta đã có trong tay những thư tín trong Kinh Thánh để giúp ta không chỉ biết rõ tại sao ta tôn thờ Chúa và hiểu lý do Ngài là chủ tể của càn khôn, đã đến với chúng ta bằng xương bằng thịt. Những trang Kinh Thánh này sẽ còn giúp ta củng cố niềm tin và hướng ta vượt qua thách thức hiện tại. Sứ đồ Phao-lô đã gói trọn cách ông biết về Chúa qua câu trong phần này.
II– Bài học
1. Phao-lô viết về đặc điểm của Chúa Cứu Thế Giê-xu ra sao trong câu 15? Lý do gì vị sứ đồ phải nhấn mạnh những điểm này cho các tín hữu tại thành Cô-lô-se hiểu rõ? San sẻ cởi mở và thoải mái cùng nhau về quan điểm của anh chị em.
2. Ta hiểu ra sao cách Phao-lô trình bày Cứu Chúa Giê-xu trong câu 16? Dành thời gian suy ngẫm sâu thêm và chiêm nghiệm rõ những cụm danh từ Phao-lô viết trong câu này.
3. Người Việt có thói quen rất hay hỏi tuổi khi gặp nhau (người Tây phương rất không thích cách hỏi tuổi này) nhưng họ không biết, lý do ta hỏi tuổi để phân định rõ tuổi tác và tìm cách xưng hô với nhau cho đúng lẽ. Bàn về tuổi tác, Phao-lô viết về Chúa Cứu Thế Giê-xu ra sao trong câu 17? Có ai cao tuổi hơn Cứu Chúa?
4. Trong câu 18 Phao-lô bảo Chúa Cứu Thế Giê-xu là đầu của Hội Thánh. Ngày nay Hội Thánh có vẻ không quan trọng với thế giới, nhưng trong ngày lịch sử kết thúc (ngày phán xét) khi đó trước mặt Chúa chỉ có một Hội Thánh mà thôi (Khải Huyền 21-22). Anh chị em có nhận thấy ta đang rất được coi trọng trong tay yêu thương của Chúa hay không?
5. Chúng ta có suy nghĩ gì và có thể hiểu ra sao về cách Phao-lô viết trong câu 19? San sẻ suy nghĩ của quý ông bà anh chị em trong câu này.
6. William Barclay viết rất hay khi ông bảo; ‘Đi sau thần học vững chắc luôn luôn là giá trị đạo đức được áp dụng.’ Trong câu 21-23 Phao-lô đem chúng ta quay trở lại với những điều mà Chúa Cứu Thế Giê-xu đã làm cho chúng ta. Phao-lô khuyên nhủ Hội Thánh Cô-lô-se năm xưa và chúng ta hôm nay ra sao trong những câu này? Nêu nguyện vọng của mỗi chúng ta trong mối tình của Ngài.
7. Phao-lô san sẻ về trách nhiệm của ông ra sao trong câu 24-26? Sự mầu nhiệm của Chúa đã ban cho các thánh đồ năm xưa và chuyển tải đến chúng ta hôm nay. Liệu chúng ta có trách nhiệm bảo tồn và phát huy đi sản đó hay không? Tại sao?
8. Đọc chậm câu 28-29 và nêu lên khám phá của ông bà anh chị em trong những câu từ mà Phao-lô đã bày tỏ.
III – Kết luận
Chúng ta đã có thời gian để thảo luận rất sâu về một trong những chương quan trọng của Kinh Thánh. Chương 1 này đã cho ta hiểu thêm về bản tính, những đặc điểm quan trọng về Chúa Cứu Thế Giê-xu đấng ta phụng sự. Thế gian mà Phao-lô truyền đạo Chúa cũng phức tạp như thế gian mà chúng ta đang sống hôm nay. Dù ở thế hệ nào thì con cái của Chúa cũng phải đối diện với những thách thức, Abraham, Isaac, Jacob, Moi-se và dân Do Thái, của Cựu Ước; Cứu Chúa Giê-xu, Phao-lô của Tân Ước, và muôn vàn những con cái Chúa của Hội Thánh qua lịch sử. Thách thức nào cũng cần có những con người vững chãi trong niềm tin để đồng hành cùng Chúa và là nhân chứng cho chính thế hệ của họ, và thế hệ của chúng ta hôm nay cũng không bị ngoại trừ.