I – Giới Thiệu
‘Mục sư ơi, ông có biết không? Nước quá trong thì không có cá...’ Người đàn ông đã lớn tuổi muốn lấy cái thứ triết lý của thế gian để thách thức tôi. ‘Hội Thánh mà quá thánh thiện thì sẽ không có tín đồ, ông biết chứ?’ Thành viên đã rất lớn tuổi nói như thế, bởi vì ông ta muốn được hoàn toàn tự do thoải mái, sẵn sàng bỏ bê người vợ nơi đây để đi một nơi khác cưới cho mình một cô vợ trẻ hơn. Tôi biết ông ta đang muốn nói gì.
‘Thế ông đang muốn nói nước đục trong ao tù hay nước trong sạch không bị ô nhiễm ngoài đại dương? Chắc là ông đã quen nhìn vào những cái sông ngòi nước đục hay các ao tù để áp dụng triết lý nước phải đục mới có cá của ông đúng không? Đại dương rất trong xanh và rất nhiều cá, ông biết chứ?’ Tôi hỏi lại và không quên nhắc rõ: ‘Hội Thánh đang có cả hằng trăm thành viên... Ông không thể nói rằng Hội Thánh không có tín đồ. Nay ông đã sang tuổi bảy mươi...và bỗng nhiên vô cớ chạy theo dục vọng, bỏ bê người vợ đã hằng chục năm chung sống, đã san sẻ với ông bao nhiêu nỗi khổ đau. Tôi không chấp nhận mọi lý do không chính đáng. Dù Hội Thánh có bị mất thêm thành viên, nhưng tôi nhất quyết sẽ dứt phép thông công với ông. Và tôi cũng sẽ thông báo trước Hội Thánh, để mọi thành viên biết rõ về quyết định này.
Chúng tôi chia tay khi cả hai đều không lấy gì làm vui vì qua bao nhiêu lần cố gắng giải quyết việc của gia đình này nhưng không đi đến kết quả khả quan nào, bởi vì người đàn ông kia đã quyết phải làm như thế, nhưng lại vẫn rất muốn sinh hoạt trong Hội Thánh. Là Mục sư, tôi không thể không đi đến quyết định như thế, mặc dù tôi cảm thấy rất đau lòng.
Người Cô-rin-tô đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thứ triết lý, hay quan sát của thế nhân và họ nghĩ…hoặc là phải thật khắc kỷ...hoặc là phải hoàn toàn thoả mãn. Đây là nan đề của một số thành viên trong Hội Thánh Cô-rin-tô, họ nghĩ mình đã có Chúa, không cần phải theo phái khắc kỷ và chọn theo phái thoả mãn, và áp dụng triết lý này ngay trong khi vẫn sinh hoạt trong Hội Thánh. Phao-lô viết cho người Cô-rin-tô trong chương 5 và đề cập trực tiếp đến cách mà họ phải biết rõ mình là ai và biết coi trọng nhau nhưng phải biết chấm dứt hành động vô luân của một số thành viên trong Hội Thánh. Những con người có hành động vô luân đã biến Hội Thánh trở thành trò cười của cộng đồng xung quanh. Phao-lô không vui gì khi viết: ‘Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy...’ (Cô-rin-tô 5:1). Làm người lãnh đạo chân chính sẽ không ai vui gì khi nghe tin đồn về thói vô luân ấy đã xảy ra trong Hội Thánh.
II – Bài học
1. ‘Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Đấng Thánh Linh...ở trong anh em sao?’ Lời nói của Phao-lô là tất cả những gì trong giá trị của mỗi con người. Có nghĩa là cuộc sống của ta là linh thiêng, là nơi Chúa cư ngụ, cuộc sống không có giá trị nào hơn thế nữa. Nhưng trong cộng đồng của Chúa ở Cô-rin-tô có kẻ đã cố tình lạm dụng. Phao-lô viết gì cho người Cô-rin-tô trong câu 1-2? Anh chị em có toàn quyền mổ xẻ vấn đề này.
2. Khi Phao-lô viết: ‘Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy: là đến nỗi trong anh em có kẻ lấy vợ của cha mình.’ Ai đem tin đồn thất thiệt về Hội Thánh Cô-rin-tô? Thói xấu này ảnh hưởng ra sao với Hội Thánh và danh thơm của Chúa?
3. Nan đề của những kẻ kiêu ngạo là không nhìn ra góc khuất của họ. Hội Thánh Cô-rin-tô có đầy ân tứ nhưng cũng có nhiều nan đề vậy mà họ vẫn kiêu ngạo. Phao-lô khuyên họ ra sao trong câu 2 này?
4. Trong cộng đồng của Chúa phải có những người có tiếng nói để mang cộng đồng của Ngài đi đúng lộ trình. Lý do gì người Cô-rin-tô không thể phân định giữa tốt và xấu, đúng và sai trong cộng đồng của họ, khiến cho tiếng xấu bị đồn ra? Phao-lô nêu điều gì cần phải là cho người Cổ-linh trong câu 3-5?
5. Hội Thánh có nền tảng và có những giá trị nhất định. Kẻ không biết nhìn trước nhìn sau, dâm loạn và phá vỡ quy tắc, theo Phao-lô phải tiễn người này đi. Ngôn từ ‘hãy giao phó họ cho quỷ Sa-tan’ có nặng lắm không?
6. Trong câu 6 Phao-lô dùng ngụ ngôn ‘men’ để nói về người hư làm hỏng Hội Thánh. Người Việt bảo ‘con sâu làm rầu nồi canh’. Chúng ta đã trải nghiệm ra sao về nồi canh thơm ngon nhưng lại có con sâu, có đỉa trong nồi canh đó? San sẻ trải nghiệm ấy và liên quan đến Hội Thánh bị người xấu làm hư.
7. Cuộc sống mới đã bắt đầu, hành trình mới cùng Chúa cũng đã bắt đầu. Ta hiểu ra sao trong câu 8 để làm hành trang mới vào đời của ta và danh Chúa được sáng ra sao trong cuộc hành trình này?
8. Gian dâm là chuyện của thế gian, và Phao-lô khuyên chúng ta nên để cho Thượng Đế can thiệp, nhưng gian dâm lại không thể có đất diễn trong Hội Thánh. Phao-lô dặn ta ra sao trong câu 9-13?
9. Ngoài gian dâm, Phao-lô còn liệt thêm một loạt những cụm tĩnh từ nào để diễn tả những người không thể là đền thờ của Chúa? Anh chị em thử liệt kê xem, có bao nhiêu tĩnh từ trong câu 9-13.
III – Kết luận
Ai đó viết rằng: ‘Arguments are like eels: however logical, they may slip from the mind’s weak grasp unless fixed there by imagery and style. We need metaphors to derive a sense of what cannot be seen or touched, or else we forget.’ ‘Tranh luận như loài lươn: không cần biết logic ra sao, nó sẽ dễ tuột ra khỏi tâm trí nếu không được chốt xuống bởi minh hoạ và dụ ngôn. Ta cần dụ ngôn để đem ra ánh sáng những gì không thể sờ vào được, kẻo ta sẽ quên đi.’ Chương 5 Phao-lô đã đem ra dụ ngôn về loại men làm dậy đống bột, để biết sự nguy hiểm của những thói vô luân trong Hội Thánh. Và trách nhiệm của các tín hữu là phải biết phân biệt để giữ Hội Thánh đi đúng lộ trình cho đến ngày Chúa tái lâm.
Trần đời hay coi rẻ lẫn nhau, nhưng Chúa thì không. Ngài đến và lên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta và lập chúng ta thành đền thờ của Ngài. Chúa ban ân điển để ta biết Chúa, biết ta và biết dùng ân điển để sống với nhau trong cộng đồng của Ngài. Tuy nhiên Hội Thánh phải có tiêu chuẩn rõ ràng, và tiêu chuẩn cao nhất ấy là, chúng ta là đền thờ của Chúa. Tình ái, gia đình được Chúa thiết lập, để chúng ta đem ra được thiên mệnh của Chúa. Do đó mọi thứ vượt qua tính thiêng liêng như đền thờ của Ngài như gian dâm, thờ hình tượng hay những thứ ô uế khác, đều có thể huỷ hoại cá nhân ta và Hội Thánh của Ngài. Chương 5 là nơi Phao-lô đã chỉ cho ta biết rõ những nguyên lý để ta có thể sống và tôn thờ Đức Chúa Trời của ta giữa vòng nhân gian.
MS Uông Nguyễn