Năm vừa qua, ngày 6 tháng giêng, tôi đã viết một bài tiểu luận đặc biệt khi cuộc khủng hoảng đang diễn ra với tựa đề: Sự hỗn loạn ở Washington. Hàng triệu người trong chúng ta đã xem trên truyền hình khi các nhà lập pháp được di tản khỏi phòng làm việc của lưỡng viện quốc hội. Xướng ngôn viên của đài Fox News Chad Pergram cho rằng, “Đây là sự vi phạm đáng kể nhất đối với thể chế chính phủ Hoa Kỳ kể từ khi người Anh đốt cháy Điện Capitol sau trận Bladensburg vào ngày 24 tháng 8 năm 1814.” Cựu Tổng thống George W. Bush đã gọi vụ tấn công là “một cảnh tượng đau lòng và bệnh hoạn”.
Qua hôm sau, tôi đề nghị độc giả cùng tôi cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo và dân chúng tìm cách hòa giải trong ôn hòa, cho Cơ đốc nhân đối đáp bằng sự thành thật và ân hậu, và thêm nhiều Cơ đốc nhân hơn tham gia vào nền dân chủ của đất nước. Bạn và tôi cần tiếp tục cầu nguyện nhiều như chúng ta đã làm cách đây một năm. Và chúng ta cần cấp bách đổi mới cam kết của mình trước những cách thức biến đổi quá nhanh nhưng phản văn hóa mà chúng ta có thể đáp lại, bằng những lời cầu nguyện cho quốc gia.
Giải đáp tối hậu cho mọi vấn đề mà con người phải đối mặt được tìm thấy trong mối quan hệ yêu thương với Chúa Giê-xu Christ. Chỉ một mình Ngài có thể tha thứ tội lỗi chúng ta, ban năng quyền để chúng ta có thể thực sự tha thứ kẻ khác, và biến đổi chúng ta thành những “vật thọ tạo mới” (2 Cô-rinh-tô 5:17) để kinh nghiệm cuộc sống dồi dào trong thế giới sa đọa này (Giăng 10:10). Satan cũng biết điều này như chúng ta.
Giả sử là Satan, tôi sẽ cố gắng thuyết phục tất cả người Mỹ trở nên vô thần. Thế kỷ 20 đã tận mắt chứng kiến hậu quả của việc phủ nhận Thiên Chúa, với một trăm triệu người chết vì chủ nghĩa cộng sản vô thần trên khắp thế giới. Erwin Lutzer đã nói đúng: “Người ta nói rằng sau khi Đức Chúa Trời chết vào thế kỷ 19, con người chết vào thế kỷ 20. Vì khi Đức Chúa Trời chết, con người trở thành một con thú chưa được thuần hóa."
Nếu tôi không thể thuyết phục người Mỹ trở nên vô thần, tôi sẽ cố gắng thuyết phục họ theo thuyết bất khả tri, trên thực tế thì chúng giống nhau.
Satan thành công trên cả hai mặt trận: theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, tỷ lệ người Mỹ xác định là người vô thần đã tăng từ 2% vào năm 2009 lên 4% vào năm 2019. Tỷ lệ những người tự gọi mình là người theo thuyết bất khả tri đã tăng từ 3% thập niên trước, ngày nay lên 5%. Chúng ta cần phải làm gì với 91% còn lại, những người vẫn kiên trì theo một số hình thức đức tin nào đó vào Chúa?
Nếu tôi không thể thuyết phục người Mỹ từ bỏ đức tin hoàn toàn, tôi sẽ chuẩn bị sẵn một chiến lược thứ ba: đặt niềm tin vào đức tin. Là "thiêng liêng nhưng không cần tôn giáo." Tin rằng miễn chúng ta tin vào một “sức mạnh vô hình”, một cảm giác tâm linh nào đó, đó là tất cả “tôn giáo” mà chúng ta cần.
Satan đang thành công rực rỡ ở đây. Như đã báo cáo, 63% người Mỹ cho rằng “có đức tin quan trọng hơn là tin điều gì”. Đây là một cách giao tiếp hậu hiện đại tinh túy: chúng ta có thể nhân nhượng với tất cả các tín ngưỡng trong khi không đòi hỏi gì cả. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể tin cậy Chúa hoặc các thần khác.
Tuy nhiên, điều này cũng giống như miễn là có niềm tin vào y học, bạn dùng loại thuốc nào cũng không sao. Miễn là có niềm tin vào những con đường, bạn đi đường nào cũng không quan trọng. Miễn là có niềm tin vào mọi người, không quan trọng khi bạn kết hôn với ai. “Tin trong đức tin” hoạt động ra sao trong cuộc sống?
Đây là một chiến lược bậc thầy của Satan. Nó khiến chúng ta bị “cấy” bởi niềm tin theo cách khiến chúng ta không nhận được điều thực sự. Chúng ta bước đi bằng ánh sáng trăng trong đêm tăm tối mà không được tiếp xúc với ánh sáng của mặt trời. Chỉ có một con đường lên thiên đường, nhưng có rất nhiều con đường dẫn đến địa ngục. Đây là một trong những giáo lý phổ biến nhất hiện nay.
Nếu không khước từ tâm trạng “tin trong đức tin” quá phổ biến và lừa đảo, chúng ta hãy xem xét sự hấp dẫn ngấm ngầm của nó ngay cả đối với Cơ đốc nhân. Nếu Satan không thể khiến chúng ta tẩy chay các buổi thờ phượng, nghiên cứu Kinh thánh, cầu nguyện, và các sinh hoạt tâm linh khác, thì hắn sẽ cám dỗ chúng ta biến những buổi thờ phượng, nghiên cứu Kinh thánh, cầu nguyện, … thành mục đích thay vì phương tiện — chúng ta đánh dấu vào “hộp của Chúa” bằng cách đi hội thánh vào Chúa nhật và dành ít phút cho các hoạt động tôn giáo trong tuần.
Nếu chúng ta không ở trong sự hiện diện của Chúa trong sự thờ phượng, nghe tiếng Chúa qua lời Ngài, và kết nối mật thiết với Ngài trong lời cầu nguyện, thì chúng ta đang đặt niềm tin trong đức tin. Chúng ta đang thay thế tôn giáo cho mối quan hệ. Và chúng ta đang bỏ lỡ cuộc gặp gỡ năng quyền, hằng ngày với Đấng Christ, đó là con đường duy nhất để trở nên “hoàn toàn chiến thắng nhờ Đấng đã yêu thương chúng ta” (Rô-ma 8:37).
Ngoài ra, nếu chúng ta rơi vào tình trạng ảo tưởng “tin trong đức tin”, chúng ta sẽ bỏ qua lời kêu gọi truyền giáo trong Kinh thánh (Công vụ 1: 8) mà nền văn hóa của chúng ta coi là “không khoan nhượng” vì người khác cũng có “đức tin” của riêng họ., Đây là một cách hấp dẫn để tỏ ra khoan dung trong một nền văn hóa hậu Cơ Đốc. Nhưng nó khiến những người cần sự cứu rỗi, mà chúng ta đã nhận lãnh, vào cõi vĩnh hằng, xa cách Đức Chúa Trời mãi mãi.
Nếu muốn chấm dứt sự thù địch chính trị và sự chia rẽ trong thời đại của chúng ta, thì tin vào các nhà lãnh đạo và đảng phái chính trị là chưa đủ. Nếu chúng ta muốn ngăn chặn một cuộc bạo động ngày 6 tháng Giêng xãy ra lần nữa, thì tin vào việc thực thi pháp luật là chưa đủ. Nếu chúng ta muốn có hy vọng thực sự trong mùa đại dịch, hòa bình thực sự giữa các mối đe dọa địa chính trị đang gia tăng, niềm vui thực sự giữa nỗi khủng hoảng kinh tế, thì tin trong đức tin vẫn chưa đủ.
Janet Denison viết những lời quan trọng này: “Cơ đốc giáo chỉ hoạt động khi Cơ đốc nhân cho phép Đức Chúa Trời làm việc trong cuộc sống của họ”. Tôi muốn nói thêm rằng Hoa Kỳ hoạt động hiệu quả nhất khi Cơ Đốc nhân cũng làm như vậy.
Chúng ta có thể có tin trong đức tin, hoặc chúng ta có thể đặt đức tin vào Chúa Giê-xu, nhưng chúng ta không thể làm cả hai.
Chúa Giê-xu xác nhận anh chị em đã chọn điều gì, hôm nay?
Lược dịch: Nguyễn Thị Bảo Hạnh