Tôi xem đi xem lại một video trên Tiktok và không nhịn được cười khi nhìn cảnh một thiếu nữ không nỡ xóa đi hình trang điểm là một đôi cánh thiên nga trắng muốt trên đôi mắt. Cô bé đã đấu tranh rất dữ dội với nội tâm mình, một bên là “xóa đi, nửa đêm rồi, đi ngủ thôi”; Một bên là “không thể, nó đẹp tuyệt, không nỡ xóa”; Cuộc chiến của xác thịt và nội tâm cô bé cứ giằng xé cho đến ba giờ sáng…
Tôi xem và cười rất thoải mái về video của người khác, một câu chuyện chẳng hề liên quan đến mình. Nhưng sau đó vài phút, tôi giật mình khi nghĩ đến bài viết của đứa con gái lớn, nó viết về “vết sẹo trong cuộc đời”. Lòng tôi chùng xuống, tim tôi như có ai bóp nghẹt; Tôi đã định sẽ cố tình bỏ qua nhưng suốt hơn hai tuần, tôi dành thời gian riêng tư với Chúa, đã có rất nhiều chuyện đã xảy ra và tôi quyết định sẽ viết, không giữ cho riêng mình nữa vì chính tôi đã không thể quên được thì đám nhỏ mà tôi chịu trách nhiệm trước mặt Chúa, chúng còn chịu đau đớn vì vết sẹo kia đến nhường nào…
Suốt những năm tháng tôi cầm bút để viết về tất cả mọi chuyện, hay đứng trước đám đông vài ngàn người tâm tình, tôi cũng chưa hề rụt rè, lo lắng như chính hôm nay, ngày tôi viết về những vết sẹo trong lòng con trẻ…
Câu chuyện gần đây nhất đã làm lòng tôi thêm dậy sóng đó là việc một đứa trẻ gái tám tuổi bị chính ba mình và người dì ngược đãi cho đến chết với những vết thương bầm tím trên cơ thể. Sự việc đau lòng như khẳng định sự thất bại mang tính hệ thống về việc bảo vệ trẻ em ở Việt Nam.
Tôi cũng đọc được một câu chuyện về một gia đình người Việt qua Úc, họ đã cạo gió cho đứa bé lúc nó bị cảm cúm; Khi nhà trường nhìn thấy những vết bầm tím trên lưng đứa trẻ thì đã báo cảnh sát; Rất may cho gia đình Việt là có một bác sĩ người Việt đã giải thích cho cảnh sát biết rằng đó là một cách chữa trị theo y học cổ truyền chứ không phải là đứa trẻ bị bạo hành. Câu chuyện nói lên sự bảo vệ nghiêm chỉnh và chặt chẽ cho trẻ từ trong cộng đồng của một nền văn minh phương tây. Biết trẻ bị bạo hành mà không báo cáo thì đã là vi phạm pháp luật.
Nhưng ở Việt Nam thì do văn hóa và truyền thống nên nhận thức về bạo hành hay trẻ bị lạm dụng, xâm hại chưa được đúng đắn. Người ta bị/ được gieo vào tư tưởng “đèn nhà ai nấy sáng, chuyện nhà ai nấy lo” và họ không quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh mình khi điều đó không ảnh hưởng tới họ. Chính vì nhận thức lệch lạc so với chuẩn mực hiện đại mà tình trạng ngược đãi, xâm hại trẻ ở Việt Nam rất nghiêm trọng.
Theo như điều tra xã hội thì trẻ em ở độ tuổi 1-14 có đến 68% từng bị ngược đãi ở người thân (Ba mẹ, ông bà, chú bác, cô cậu…) và theo thống kê của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) ước tính rằng có 1/4 bé gái và 1/6 bé trai từng bị lạm dụng tình dục trước năm 18 tuổi. Ở Việt Nam theo thống kê thì có 90% nạn nhân bị lạm dụng là bé gái, 10% là bé trai, cứ 8 giờ trôi qua thì có 1 trẻ bị xâm hại và 93% thủ phạm là người quen nạn nhân.
Đây là một đại dịch thầm lặng nhưng nó tàn hại những đứa trẻ mà chính chúng là mầm non tương lai của đất nước. Có 93% trẻ em biết người lạm dụng mình nhưng khoảng 90% trường hợp trẻ không nói ra hay bị người thân bắt phải im lặng.
Đã rất nhiều lần tôi dạy những đứa trẻ của mình về sự khác biệt giữa một điều ngạc nhiên an toàn và một bí mật không an toàn. Tôi đã kể cho đám trẻ nghe về chuyện tôi bị lạm dụng khi còn nhỏ. Rồi con gái lớn của tôi cũng bị xâm hại khi còn nhỏ bởi chính người anh họ (đó là vết thương ứa máu tim tôi mỗi ngày cho đến ngày nay) mà lỗi lầm thuộc về người lớn, về chính tôi đã không lường trước được những chuyện như vậy sẽ xảy ra cho con mình.
Khi tôi nói về những điều cần phải cẩn thận ngay cả với chính họ hàng của mình thì những đứa trẻ bắt đầu kể cho tôi nghe về người bố nuôi, người anh nuôi, người họ hàng… Đã có những hành động khốn nạn trên thân thể chúng. Tôi đã dạy chúng những bài học an toàn, kêu trẻ tránh càng xa càng tốt đối với những kẻ có hành vi như vậy. Không có gì là quá muộn khi ta giúp đỡ một em nhỏ tránh những tình trạng như vậy lặp lại.
Tôi thường “thủ thỉ” với Chúa (vì tôi nói chuyện với Chúa như với một người Cha của mình bất kể nơi đâu, lúc nào trong ngày) rằng “Cha ơi, phải chăng con được muối trong lửa đỏ để giúp những đứa trẻ mà Cha đã đặt chúng vào tay con? Những chuyện đã xảy ra trong cuộc đời con, cho đến những căn bệnh mà con đang mang, nó như một cái dằm luôn nhắc nhở chính con về lời hứa nguyện, để con không được xao nhãng mục vụ Cha đã giao cho con.”
Tôi hiểu rằng chuyện nầy thật không dễ chịu cho người đọc và thật ra nó cũng chẳng dễ chịu gì cho tôi và gia đình tôi cả nhưng một chị bác sĩ tiến sĩ tâm lý ở Mỹ (tôi đã được học chương trình Tâm Vấn Cơ Đốc của chị Hoa- vợ MS Hải Đăng, người anh trai kết nghĩa của chúng tôi vì chúng tôi có cùng một cha thuộc linh là MS Kiến Lữ) đã dạy cho tôi hiểu rằng hãy vượt qua những ký ức đau buồn bằng việc thực sự công nhận cái việc ấy đã xảy ra và nhờ ơn thương xót của Chúa mà chúng tôi tiếp tục với cuộc sống nầy và dâng mình cho những đứa trẻ mồ côi sắc tộc. Những đứa trẻ dễ bị ngược đãi, lạm dụng và xâm hại nhất.
Và tôi nghĩ rằng, thay vì chú tâm vào bài viết không dễ chịu nầy thì chúng ta nên chú trọng vào việc đây là cơ hội để giúp đỡ trẻ, những đứa trẻ mồ côi với những vết sẹo mà chỉ có Lời Chúa mới có thể vực chúng dậy, sống có ích cho mình cho người và cho xã hội. Đó là lý do chúng tôi xây dựng nên ngôi nhà tình thương trên vùng người sắc tộc Ê Đê; Những đứa trẻ mồ côi sẽ được nuôi nấng, dạy dỗ và huấn luyện để trở nên người hầu việc Chúa trong các lĩnh vực Chúa kêu gọi chúng.
Tôi thường dấy lên câu hỏi “Tại sao có trung tâm cai nghiện ma túy, có trung tâm phục hồi nhân phẩm, có trung tâm tái hòa nhập cộng đồng… cho người lớn mà không hề có một nơi cho trẻ mồ côi tránh được nạn ngược đãi, xâm hại, lạm dụng ngoài làng trẻ SOS của nhà nước?(chỉ là nơi nuôi dưỡng trẻ cho đến 18 tuổi). Các chuyên gia quốc tế nhận định rằng Việt Nam thiếu một khung pháp lí để bảo vệ trẻ em từ những ngược đãi, hành hung, xâm hại hay lạm dụng sex. Việt Nam cũng không có hệ thống chăm sóc và yểm trợ nạn nhân.
Vậy nên khi quý vị đọc được bài viết nầy, nếu được Thánh Linh cảm động để làm một người anh hùng mà không cần đến áo choàng, xin hãy đứng cùng chúng tôi trong công trường mà Chúa kêu gọi nơi cao nguyên Daklak nầy, một nhà tình thương dành cho trẻ mồ côi đang được xây dựng (đã xong phần thô tầng 1; đang cạn kinh phí để tiếp tục để có thể làm xong tầng 2 và phần hoàn thiện) ngôi nhà sẽ là nơi nuôi nấng, dạy dỗ, huấn luyện trẻ xuyên suốt trải dài qua các đời, không được mua bán trao đổi, chỉ để sử dụng trong một mục đích nuôi dạy và huấn luyện trẻ mồ côi trở nên người hầu việc Chúa mà thôi.
Trong những ngày cuối năm nầy, tôi đã mất vài ngày trong bệnh viện, bác sĩ thông báo tôi sẽ phải cắt bỏ tử cung vì có nhiều khối u lạc nội mạc đang phát triển. Tôi đã thưa với Chúa rằng “Chúa ơi, đây không phải là lúc con phải chết, xin cho con trị liệu bằng những viên thuốc, xin đừng cho con phải chạm đến dao kéo vì Chúa đã cho con sống cùng khối u não thì giờ đây có thêm vài khối u nữa thì cũng chẳng sao.” Tôi đã từ chối phương pháp mà bác sĩ đưa ra và về nhà cầu nguyện trong một tuần. Chúa thúc giục tôi đi đến một bác sĩ quen chuyên khoa sản. Thật tuyệt vời với ý nghĩ Chúa sẽ luôn luôn lo toan cho một đứa nhiều suy nghĩ lắng lo như tôi. Bác sĩ nói y học phương tây không cắt bỏ tử cung như Việt Nam mà điều trị u lạc nội mạc tử cung bằng thuốc để teo những khối u đó, mặc dù tôi phải uống thuốc cho đến năm 60 tuổi nhưng tin đó là một tin tức tuyệt vời. Cảm tạ Chúa vô cùng.
Vậy nên năm mới giống như là một cuốn sách trắng. Cây bút nằm trong tay bạn. Đó là cơ hội để bạn viết một câu chuyện đẹp cho mình.
…
Những ngày Tết luôn được những đứa trẻ đủ đầy coi là bình thường vì mỗi ngày đối với chúng đều là ngày tết vì muốn gì cũng có; nhưng đối với những đứa trẻ vùng cao mà đặc biệt hơn là chúng mồ côi nữa thì nỗi trông ngóng những ngày Tết dường như là niềm vui hay hi vọng của chúng. Món ăn mà chúng có chỉ là những hạt Kơ Nia nướng lùi trong đống lửa trước nhà vì Tết đến cũng là mùa lạnh vùng cao.
Tôi hi vọng sẽ có ai đó cùng chúng tôi làm những điều kỳ diệu cho 20 đứa trẻ với 1 bộ quần áo mới và đôi giày ấm kèm một ít lương thực để chúng có một cái Tết đáng nhớ trong cuộc đời mình. Điều gì được trao đi sẽ còn mãi.
...
Mọi câu hỏi và sự cộng tác, hỗ trợ, dâng hiến xây dựng cho nhà tình thương, xin vui lòng liên hệ:
*Mục Sư Nguyễn Văn Huệ: Chủ Nhiệm Hướng Đi Magazine (469-493-2307)
Email: dacsanhuongdi@gmail.com
*Mục Sư Lữ Thành Kiến: Chủ Bút Hướng Đi Magazine (740-547-7168)
Email: kienlu@aol.com
*Giáo sĩ Nguyễn Thiên Quốc tại Việt Nam (0927080903)
Email: nguyenthienquoc1975@gmail.com
*Tài khoản ngân hàng tại Việt Nam
Chủ tài khoản: Đinh Huỳnh Hải Yến
Số tài khoản: 0061001124752
Ngân hàng Vietcombank Khánh Hòa
*Địa chỉ liên lạc: Đinh Huỳnh Hải Yến
Lô 12, Ô DC 1; Khu Tái Định Cư Phường Vĩnh Trường; Thành Phố Nha Trang
Điện thoại: 0927080903/ 0584137048
*Huong Di The Way
P.O Box 570293
Dallas, TX 75357
(ghi chú: góp phần cho mục vụ nhà tình thương Ê Đê)
Trong Christ,
Thiên Quốc, Hải Yến (Giáo sĩ cho người sắc tộc.)