Sách Báo Cơ Đốc

ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI – Mục Sư Ngô Việt Tân

Lời giới thiệu:
Sống Đạo hân hạnh giới thiệu cùng quý độc giả sách mới của Mục Sư Ngô Việt Tân

ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
The Grace Of God
Tác giả Mục Sư Ngô Việt Tân

Sách dày 152 trang. Quý vị muốn mua sách, xin liên lạc
Tel: 403-922-2209
Email: ngoviettan53@gmail.com Facebook.com/CâuLạcBộViếtSáchTinLành Facebook.com/SachTinLanh

Mục Lục – Contents

Lời Mở Đầu
Chương 1
Ân Điển Phổ Quát – Common Grace……………
Chương 2
Ân Điển Cứu Chuộc – Saving Grace……………
Chương 3
Ân Điển Biến Đổi – Transforming Grace……….
Chương 4
Ân Điển Trang Bị – Equipping Grace……………
Chương 5
Ân Điển Quan Phòng – Keeping Grace………….
Chương 6
Ân Điển Thêm Sức – Empowering Grace……….
Chương 7
Ân Điển Phục Hưng – Revival Grace……………

Lời Mở Đầu
Ân điển là tất cả những gì Đức Chúa Trời tự do làm cho con người dựa trên công việc đã hoàn thành của Chúa Giê Su trên thập tự giá. Nhà Thần Học John Stott mô tả ân sủng là “Đức Chúa Trời yêu thương, Đức Chúa Trời khom lưng, Đức Chúa Trời đến giải cứu, Đức Chúa Trời quảng đại ban chính Ngài và qua Chúa Giê-su – God loving, God stooping, God coming to the rescue, God giving Himself generously in and through Jesus Christ” (Stott, 112).

Ân huệ của Đức Chúa Trời còn có thể hiểu là ân điển, ân sủng được thể hiện một cách rõ ràng và trọn vẹn nhất qua chương trình cứu rỗi của Chúa Giê-su trên thập tự giá. Cái chết tự nguyện, hi sinh, cứu chuộc của Chúa Giê-su trên thập tự giá để trả món nợ mà chúng ta mắc phải với Đức Chúa Trời vì tội lỗi của chúng ta là nền tảng của sự xưng công chính của chúng ta. Trong thế giới cổ đại, sự cứu chuộc bao gồm việc trả một khoản tiền chuộc hoặc khoản nợ của người khác để giải phóng một người.

John Stott đã mô tả ân điển (grace) như là sự giàu có của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua sự hi sinh của Chúa Giê-su trên cây thập tự giá như câu nói trong Anh Ngữ là “sự giàu có của Đức Chúa Trời Qua sự trả giá của Đấng Christ”: “God’s Riches At Christ’s Expense”.

Để chúng ta cảm nghiệm được sự giàu có của Đức Chúa Trời, Đấng Christ đã trả cái giá cho chúng ta. Ê-sai 53:4-6 mô tả cách Chúa Giê-su trả cái giá cho chúng ta:
• Chúa Giê-su đã gánh vác những bệnh tật của chúng ta.
• Chúa Giê-su mang nỗi buồn rầu của chúng ta.
• Chúa Giê-su đã chịu nhục hình và bị đóng đinh trên cây thập tự giá vì tội ác của chúng ta.
• Chúa Giê-su đã chịu sự trừng phạt thay cho chúng ta.
• Vết thương của Chúa Giê-su đã chữa lành cho chúng ta.
• Chúa Giê-su đã gánh lấy những tội ác của chúng ta do Đức Chúa Trời là Cha đặt lên Ngài.

Ân điển là một món quà mà không ai trong chúng ta xứng đáng được hưởng. Đó là món quà của tình yêu vô điều kiện, và tình yêu bất diệt. Nhờ ân điển của Ngài, chúng ta có thể kinh nghiệm sự giàu có của Đức Chúa Trời. Sự giàu có của Chúa thật vô hạn. Tình yêu của Ngài giàu có và không phai tàn. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta tình yêu thương, niềm vui, sự bình an, kiên nhẫn, nhân từ, tốt lành, nhơn từ, trung tín và tiết độ (Ga-la-ti 5:22-23). Ngài ban cho chúng ta sự chữa lành giữa đau khổ và an ủi, giữa đau đớn và niềm hi vọng. Ngài ban cho chúng ta sức mạnh mỗi ngày để đắc thắng mọi nan đề và thách thức trong cuộc sống. Ngài hứa sẽ ban cho chúng ta sự bình an nội tâm khỏi những đau khổ cá nhân và sự chữa lành khỏi vết thương tâm linh của chúng ta.

“Ân điển” là một trong những khái niệm quan trọng nhất trong Kinh Thánh, cộng đồng Cơ đốc giáo và thế giới. Ân huệ hay lòng thương xót của Chúa được thể hiện rõ ràng nhất trong những lời hứa của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Kinh Thánh, được hiện thân trong Chúa Giê-su, và qua quyền năng của Chúa Thánh Linh.

Ân điển là tình yêu của Đức Chúa Trời bày tỏ cho những tội nhân; sự bình an của Đức Chúa Trời ban cho những người bất an; và lòng nhân ái vô biên của Đức Chúa Trời cho những người cô đơn và tuyệt vọng. J. Gresham Machen khẳng định rất hợp lý rằng “Trọng tâm và cốt lõi của toàn bộ Kinh Thánh là giáo lý về ân điển của Đức Chúa Trời – The very center and core of the whole Bible is the doctrine of the grace of God.”

Ân điển Trong Cựu Ước
Trong Thánh Kinh Cựu Ước, ân điển của Đức Chúa Trời được xem như là ân huệ cứu giúp và giao ước liên hệ giữa Đức Chúa Trời và con người. Ân huệ cứu giúp mô tả lòng nhân ái của Ngài đối với những người bị áp bức, nghèo khổ, và những người cần sự tha thứ cũng như cần giải phóng khỏi kẻ thù (Xuất hành 34:6-7).

Danh từ tiếng Do Thái “hen” xuất hiện 67 lần trong Cựu Ước và “có hai nghĩa cơ bản: “ân sủng (grace)”và “ân huệ (favor).” Từ “ân huệ” có nghĩa quan trọng hơn bởi vì nó đề cập đến “thái độ tích cực” mà một người thể hiện tâm tình đối với người khác.

Danh từ “hen” xuất hiện thường xuyên nhất trong câu thành ngữ quen thuộc “tìm được ơn trong mắt ai đó.” Ví dụ, “Ê-xơ-tê được ơn trước mọi người nhìn thấy cô” (Ê-xơ-tê 2:15 BHD). “Vua yêu mến Ê-xơ-tê hơn tất cả các cung nữ khác và cô được ơn trước mặt vua hơn tất cả những trinh nữ khác” (Ê-xơ-tê 2:17 BHD). Vì vậy, “Vừa khi vua thấy hoàng hậu Ê-xơ-tê đứng chầu nơi nội điện thì bà được ơn trước mặt vua. Vua đưa vương trượng vàng trong tay về phía Ê-xơ-tê. Bà Ê-xơ-tê lại gần và chạm vào đầu vương trượng” (Ê-xơ-tê 5:2 BHD).

Động từ được ơn “favor” được ghi lại qua các câu Kinh Thánh như:
• Ban ân huệ – give favor (Sáng thế 39:21).
• có được ân huệ – obtain favor (Xuất hành 3:21).
• tìm kiếm ân huệ – find favor (Sáng thế 6:8).

Ân huệ (favor) mà con người nhận được từ Đức Chúa Trời phụ thuộc vào về cách sống đẹp lòng Chúa và đời sống công chính trước mặt Ngài. “Vì CHÚA, Đức Chúa Trời là mặt trời, là cái khiên; Ngài ban ân huệ và vinh quang; CHÚA không từ chối điều tốt lành nào Cho những kẻ sống ngay thẳng” (Thánh thi 84:11).

Trong lời chúc phước của Môi-se cho mười hai chi phái, ông nói về sự thịnh vượng và thành quả của Giô-sép là người được hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời (Phục truyền 33:16).

Thiên sứ Gabriel nói với Ma-ri (Lu-ca 1:30 BHD) rằng cô đã “được ơn (favor) trước mặt Đức Chúa Trời” và “Nầy, cô sẽ mang thai, sinh một con trai và đặt tên là JÊSUS”. Khi Đấng Christ sinh ra, thiên sứ đã loan báo cho những người chăn chiên rằng Đức Chúa Trời sẽ ban “…Bình an dưới đất, ân ban cho người!” (Lu-ca 2:14 BHD).

Tuy nhiên, khi toàn lực phán xét của Ngài giáng xuống dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời không bỏ dân tộc mà phục hồi họ khỏi cảnh lưu đày. Ngài thể hiện lòng thương xót với dân tộc này và cứu họ khỏi cảnh khốn cùng (Thi thiên 106:4; Ê-sai 60:10). Ê-sai gọi sự giải cứu này là “thời gian” hay “năm ân huệ của Chúa” (Ê-sai 49: 8; 61: 2), được liên kết với ngày cứu rỗi trong Tân Ước (Lu-ca 4:19; 2 Cô-rinh-tô 6:2). Những ai tin theo Phúc âm sẽ nhận được món quà cuối cùng của ân huệ của Đức Chúa Trời tức là sự sống vĩnh cửu qua Chúa Cứu Thế Giê-su.

Ân điển Trong Tân Ước
Qua Tân Ước, ý tưởng nhấn mạnh về ân điển của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế Giê-su tức là Đấng cứu chuộc (redeems) chúng ta, tể trị (governs) chúng ta, và ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu cũng như niềm hi vọng phước hạnh. Ân điển như là một tặng phẩm Chúa ban cho (Rô-ma 6:14; 5:15; Ê-phê-sô 2:8). Chính ân điển này giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi, sự hình phạt, và sức mạnh của tội lỗi (Rô-ma 5:12-21; 6:1-23). Ân điển cứu chuộc đã được bày tỏ qua Chúa Giê-su nhằm giúp tể trị đời sống người tin Ngài, trang bị, thêm sức, và cai quản mọi lãnh vực của đời sống (2 Cô-rinh-tô 8:6; Cô-lô-se 4:6; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:16; 2 Ti-mô-thê 2:1). Ân điển trong Tân Ước chú trọng vào sứ mạng của Chúa Giê-su.

Ân điển trong Hi ngữ là “charis” mang ý nghĩa về lòng biết ơn, lòng tạ ơn (1 Ti-mô-thê 1:12; 2 Ti-mô-thê 1:3). Sứ đồ Phao-lô đã bày tỏ trong 1 Cô-rinh-tô 10:30 “Nếu tôi tạ ơn rồi ăn thì tại sao tôi lại bị trách cứ về bữa ăn mà tôi đã tạ ơn?” Phúc lợi của Hi ngữ “charis” là ân điển cứu chuộc của Chúa Giê-su (1 Phê-rơ 1:10,13; 2 Cô-rinh-tô 8:9). Ân điển ban cho (the grace of giving) được ghi chép lại trong 1 Cô-rinh-tô 16:3; 2 Cô-rinh-tô 8:6-7). “Đức Chúa Trời có thể ban cho anh chị em mọi ân phúc dồi dào để anh chị em luôn luôn được đầy đủ trong mọi sự lại còn dư dả để làm mọi việc lành,” (2 Cô-rinh-tô 9:8).

Ân điển Trong Các Sách Phúc Âm
Thuật ngữ “Ân điển – Grace” không tìm thấy trong sách Ma-thi-ơ và Mác, mà chỉ tìm thấy từ ân điển khoảng 8 lần trong sách Lu-ca (1:30; 2:40,52; 4:22; 6:32,33,34; 17:9), và 3 lần trong sách Giăng (1:14,16,17).
Trọng tâm của ân điển là món quà, Chúa Cứu Thế Giê-su, Đấng đã chịu chết trên cây thập tự để cứu chuộc tội lỗi thay cho chúng ta (Mác 10:45; Giăng 1:1-2; 10:11,17; Rô-ma 5:15; 1 Phê-rơ 2:21-25).

Ân điển trong Sách Công Vụ
Hội Thánh đầu tiên trong sách Công vụ ghi lại sự giảng dạy về ân điển của Đức Chúa Trời (Công vụ 13:43; 14:3; 20:32), cũng như rao giảng về Phúc âm ân điển trong Chúa Giê-su (Công vụ 15:11; 18:27; 20:24) cho người Do Thái lẫn dân ngoại.
Ân điển của Chúa đã trở thành điểm hội tụ của quyền năng biến đổi và phấn hưng Hội Thánh đầu tiên. Do đó, “Đạo của Đức Chúa Trời ngày càng phát triển, số tín hữu tại Giê-ru-sa-lem gia tăng nhiều lắm, cả một số đông các vị tế lễ cũng thuận phục Đạo. 8Sê-tiên đầy dẫy ân sủng và quyền năng Đức Chúa Trời, thực hiện nhiều phép mầu và dấu lạ vĩ đại giữa dân chúng” (Công vụ 6:7-8).

Ân điển Trong Các Thư Tín Của Phao-lô
Sứ đồ Phao-lô khẳng định rằng Ân điển Grace đến từ Đức Chúa Cha và Chúa Giê-su; vì thế ân điển là một thuộc tính thần hựu (a divine attribute). Ngoài sự dạy dỗ của Cơ-đốc-giao, không tôn giáo nào giáo huấn về một Đức Chúa Trời yêu thương, chấp nhận, và tha thứ con người. Bởi vì, chính Ngài là Đấng yêu thương nhân loại (1 Giăng 4:8; 1 Giăng 4:16). Vì thế, Ân điển được xem như là mối tương tác giữa Đức Chúa Trời và loài người cũng như sứ điệp của Phúc Âm.

Sứ đồ Phao-lô mô tả ý nghĩa của ân điển là chiều kích về tình yêu giàu có của Đức Chúa Trời, ý định tốt lành của Ngài, lòng nhơn từ, và ân huệ mà Ngài ban cho nhân loại.
Khi bắt đầu viết mỗi Bức Thư, sứ đồ Phao-lô thường chào thăm các tín hữu của các Hội Thánh bằng lời chúc phước ân điển (grace) của Đức Chúa Trời.

Ân điển Trong Sách 1 Phê-rơ, 2 Phê-rơ, Gia-cơ, 2 Giăng, Giu-đe
Chúa sẽ ban cho ân điển khi gánh nặng gia tăng. Ngài sẽ ban thêm sức mạnh khi gian lao thêm chồng chất. Ngài sẽ ban thêm lòng thương xót khi thử thách đến mọi bề. Ngài sẽ lo liệu và chăm sóc khi nhu cầu của chúng ta cần có. Ngài sẽ ban sự bình an cho chúng ta khi tâm tư của chúng ta bối rối và bất ổn.

Đức tin và niềm hi vọng của Cơ-đốc-nhân được xây nền trên ân điển thần hựu và mục đích vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa vĩ đại và Đấng Cứu Chuộc. Ân điển của Đức Chúa Trời đã được thể hiện qua tình yêu thương và quyền năng của Ngài trong định hướng phước hạnh vĩnh hằng cho những người đặt trọn lòng tin nơi Ngài với thái độ kính yêu, tôn thờ, trung tín, và phụng vụ.

Nhiều thuật ngữ trong Kinh Thánh như sự thương xót (mercy), lòng nhơn từ (compassion), yêu thương (love), ân điển (grace) và sự trung thành liên quan đến từ ngữ Hê-bơ-rơ “hesed (חֶסֶד)” trong tiếng Do Thái. Thuật ngữ “Hesed” không chỉ đơn thuần là một cảm xúc (emoton) hay cảm giác (feeling) mà bao gồm hành động thay mặt cho người đang cần. “Hesed” mô tả cảm giác yêu thương và lòng trung thành truyền cảm hứng cho hành vi nhân từ và nhân ái đối với người khác.

Từ ngữ Hê-bơ-rơ “Hesed” được tìm thấy khoảng 250 lần trong Cựu Ước, thể hiện một phần thiết yếu về thuộc tính của Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời hiện ra với Môi-se để ban Luật pháp lần thứ hai, Ngài mô tả chính Ngài là Đấng thành tín và Đấng yêu thương như “tình yêu không phai tàn”, “tình yêu trung thành”, “tình yêu bền vững”, tùy thuộc vào phiên bản dịch Kinh Thánh (Xuất Ê-díp-tô-ký 34:6–7). Ý tưởng cốt lõi của thuật ngữ này truyền đạt sự trung thành hoặc chung thủy trong một mối quan hệ. Do đó, “hesed” có liên quan mật thiết đến giao ước của Đức Chúa Trời với dân tộc của Ngài, tức là dân Y-sơ-ra-ên. Vì nó liên quan đến khái niệm tình yêu thương, “hesed” thể hiện sự trung thành của Đức Chúa Trời đối với dân sự của Ngài.

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:6, Đức Chúa Trời nói rằng Ngài để mắt của Ngài đã “bầy tỏ tình thương đến ngàn đời cho ai yêu mến Ta và vâng giữ các điều răn Ta.” Khía cạnh đáng tin cậy, bền bỉ và trung thành này của tình yêu thương theo giao ước của Đức Chúa Trời vang vọng trong suốt Cựu Ước (Nê-hê-mi 1:5; Đa-ni-ên 9:4; Giê-rê-mi 32:18).

Trong Kinh Thánh, Từ ngữ Hê-bơ-rơ “hesed” thường mô tả lòng nhân từ và lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Khi Môi-se cầu thay cho dân sự, ông đã cầu xin theo lời hứa của Đức Chúa Trời:
“CHÚA chậm giận, dư dật tình yêu thương, tha thứ tội lỗi và sự phản nghịch. Nhưng Ngài không để kẻ có tội thoát khỏi hình phạt; Ngài phạt con cháu về tội lỗi của cha mẹ cho đến đời thứ ba và thứ tư. 19Xin Chúa tha tội cho dân này; vì tình thương không hề thay đổi của Ngài; cũng như Ngài đã bao lần tha thứ cho họ từ khi còn ở Ai-cập cho đến ngày nay” (Dân số ký 14:18–19).

Mối quan hệ giao ước của Đức Chúa Trời với dân Ngài là kết quả của tình yêu trung thành và sự thành tín của Ngài “hesed”, ngay cả khi dân Ngài không trung thành với Ngài. Trọng tâm của vấn đề nằm ở tình yêu thương rộng lượng của Đức Chúa Trời về lòng nhơn từ, ân điển và lòng thương xót.

Thông điệp của Phúc âm thể hiện qua hành động tha thứ và cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Chúa Giê-su bắt nguồn từ thuật ngữ “hesed”. Hesed mô tả tấm lòng của Đức Chúa Trời không chỉ hướng về dân Ngài mà còn đối với toàn thể nhân loại. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời vượt xa bổn phận hay sự mong đợi. Sự tha thứ tội lỗi của Ngài đáp ứng một nhu cầu cơ bản đối với tất cả các nhu cầu khác trong mối quan hệ giữa con người và Đức Chúa Trời. Bởi vì, Ngài nhìn thấy nhu cầu của con người là cần sự phục hồi và tiếp tục mối tương giao với Đức Chúa Trời trong Chúa Giê-su. Sự tha thứ của Đức Chúa Trời được thể hiện qua ân điển cứu chuộc làm cho mối quan hệ với Ngài trở nên khả thi. Sự tha thứ đó đến với chúng ta một cách tự do như một món quà từ Đức Chúa Trời dựa trên hành động hi sinh của Đấng Cứu Chuộc.

Tất cả chúng ta đều nhận biết rằng ân sủng có nghĩa là ân huệ Chúa ban cho người không xứng đáng. Trong tiếng Hi Lạp, từ “ân sủng” là “charis” có nghĩa là ưu ái, được ban cho như một món quà, một ân huệ từ Thiên Chúa.

Mục Sư Ngô Việt Tân
Quý vị muốn mua sách, xin liên lạc:
Mục Sư Ngô Việt Tân
Email: ngoviettan@hotmail.com
Facebook.com/CâuLạcBộViếtSáchTinLành
Facebook.com/SáchTinLanh

 

 

Ngày đăng: 11/12/2024