Thánh Kinh Giải Đáp

TKGĐ 23 – Chìa Khóa Nước Thiên Đàng – Ngày Chúa Giêsu Chết

Câu Hỏi 1: Ma-thi-ơ 16:19 Ta sẽ giao chìa khóa nước thiên đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ phải buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ được mở ở trên trời. Câu này có nghĩa gì?

Giải đáp: Đọc Lời Chúa, chúng ta có được những nhận xét sau:

1. Nước Thiên đàng (the kingdom of heaven) có ý nghĩa rất phong phú tùy theo văn mạch (context). Thí dụ như:
– Chỉ về Vương quốc Đức Chúa Trời trong một số trường hợp (Ma-thi-ơ 18:3; Mác 10:15; Lu-ca 18:7).
– Chỉ về Thiên đàng (Ma-thi-ơ 7:21)
– Chỉ về Phúc âm/Lời Chúa được gieo ra, được rao truyền (Người gieo hạt giống Lời Chúa, Người gieo giống tốt) (Ma-thi-ơ 13:3-11,19, 24).
– Chỉ về của báu của nước Thiên đàng là ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Cứu Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 13:44 – 46).
– Chỉ về bữa tiệc cưới mà Vua Cha làm cho con trai mình, mời mọi người đến tham dự tiệc Phúc âm Cứu rỗi của Cứu Chúa Jêsus, Con của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 22:2-14).
– v.v…

2. Chìa khóa nước Thiên đàng ở trong Ma-thi-ơ 16:19 mà Chúa giao cho Phi-e-rơ là chìa khóa rao giảng Phúc âm. Chúa đã dùng Phi-e-rơ để khởi đầu rao giảng Phúc âm cho dân Do Thái (Công vụ 2) và sau đó là rao giảng Phúc âm cho Dân Ngoại (Công vụ 10).

3. “Buộc” và “Mở” ở đây chỉ về trách nhiệm của Phi-e-rơ đối với việc rao giảng Phúc âm để cho người khác có thể ăn năn tội và tin Chúa để được cứu rỗi.

Chỉ Cứu Chúa Jêsus là Cánh Cửa cứu rỗi duy nhất (Giăng 10:9) và là Con Đường duy nhất cho tội nhân đến Đức Chúa Trời và Thiên Đàng (Giăng 14:6). Chính Phi-e-rơ xác nhận là sự cứu rỗi chỉ có được từ Cứu Chúa Jêsus và trong Danh của Ngài mà thôi (Công vụ 4:8-12), chứ không phải từ Phi-e-rơ.

Chỉ Cứu Chúa Jêsus mới có quyền tha tội (Ma-thi-ơ 9:6; Mác 2:10; Lu-ca 5:24). Vì vậy, nếu Phi-e-rơ rao giảng Phúc âm cho ai đó, thì ông “mở” cơ hội cho người đó đến với Chúa. Khi người đó ăn năn tin nhận Cứu Chúa Jêsus, thì Chúa ở trên trời sẽ tha tội và cứu rỗi người đó. Nếu Phi-e-rơ không rao giảng Phúc âm thì người khác không có cơ hội ăn năn tin nhận Chúa, và sẽ không được Chúa trên trời tha tội. Trách nhiệm của ông rất lớn! Ông phải làm trọng trách rao giảng Phúc âm cho dù ông bị bắt bớ hoặc bị giết chết.

4. Cứu Chúa Jêsus cũng giao trách nhiệm rao giảng Phúc âm cho những môn đồ khác nữa gồm Phi-e-rơ, “Kẻ nào mà các ngươi tha tội cho, thì tội sẽ được tha; còn kẻ nào các ngươi cầm tội lại, thì sẽ bị cầm cho kẻ đó” (Giăng 20:23). Câu này nói rõ hơn về “buộc” và “mở” trong Ma-thi-ơ 16:19 vì tội lỗi được tha hoặc bị cầm lại tùy thuộc vào Phúc âm được rao giảng cho mọi người. Vì mọi người đều đã phạm tội (Rô-ma 3:23) và chỉ có Cứu Chúa Jêsus mới có quyền tha tội, nên các môn đồ phải rao giảng Phúc âm về Cứu Chúa Jêsus và kêu gọi người ta ăn năn tin Chúa để được tha tội và cứu rỗi. Nếu các môn đồ không rao giảng Phúc âm, thì họ cầm tội người khác lại vì người ta không có cơ hội nghe Phúc âm để ăn năn tin Chúa, được Chúa tha tội và cứu rỗi. Phi-e-rơ đã vâng Lời Chúa khi ông rao giảng Phúc âm và kêu gọi người ta ăn năn, tin nhận Cứu Chúa Jêsus để được tha tội và cứu rỗi (Công Vụ 2:38-39).

5. Phi-e-rơ được Chúa chọn để ông hầu việc Chúa và chăm sóc bầy chiên của Chúa (Giăng 21:15-19). Tuy vậy, Phi-e-rơ nhận biết Chúa là Đấng Chăn Chiên trưởng (chief Shepherd), còn ông chỉ là một trưởng lão và người chăn bầy như những trưởng lão và những người chăn bầy khác. Họ không được cầm quyền trên bầy chiên/những tín đồ như người chủ, nhưng phải làm gương cho cả bầy (neither as being lords over God’s heritage, but being examples to the flock) (1 Phi-e-rơ 5:1-4).

6. Những câu Kinh Thánh sau đây chứng tỏ Phi-e-rơ cũng là người yếu đuối và bất toàn như bao nhiêu người khác. Phi-e-rơ không “vô ngộ” (infallible – nghĩa là không thể sai lầm trong lời nói và đời sống) như nhiều người tin.

– Phi-e-rơ đã từng bị Chúa quở trách vì ông để Ma-quỉ lợi dụng ông ngăn cản Chúa chịu khổ và chết theo ý Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 16:23). – Phi-e-rơ đã chối Chúa ba lần và đã ăn năn thống hối (Ma-thi-ơ 26:69-75).

– Phi-e-rơ đã bị Phao-lô quở trách trước mặt mọi người vì sự giả hình của ông (Ga-la-ti 2:11-14).

7. Tóm lại, chúng ta cảm tạ Chúa đã kêu gọi, chọn lựa và huấn luyện Phi-e-rơ cũng như những môn đồ khác để hầu việc Ngài, rao giảng Phúc âm, và chăm sóc bầy chiên của Chúa. Chúa đã biến đổi họ từ những người yếu đuối và lầm lỗi trở nên những tôi tớ thánh và trung tín của Ngài. Đó hoàn toàn là ân điển của Chúa. Chúng ta kính trọng và tôn thờ Chúa trên hết và tôn trọng các tôi tớ của Ngài, nhưng không tôn thờ họ và bất cứ một người nào, không nghe theo lời của bất cứ ai giảng dạy không đúng Lời Chúa là Kinh Thánh.

Câu Hỏi 2: Ngày Chúa Giê-su chết và ngày phục sinh tương quan thế nào với ngày Lễ Vượt qua, ngày ăn bánh không men, ngày Sabat trong tuần thương khó?

Giải Đáp: Dựa vào Lời Chúa là Kinh Thánh, chúng ta có những nhận xét sau:

1. Sự Tể Trị của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, toàn tri và toàn tại và luôn tể trị. Ngài rao truyền trước từ ban đầu những việc sẽ xảy ra sau này (Ê-sai 46:9-10). Đức Chúa Trời tể trị trên sự rơi xuống của loài chim sẻ (Ma-thi-ơ 10:29), và Ngài cũng tể trị trên những sự kiện xảy ra cho loài người, trên lịch sử loài người, trên dân Do Thái, trên sự Giáng Sinh, sự Chết, sự Phục Sinh, sự Thăng Thiên, và sự Tái Lâm của Cứu Chúa Jêsus, cũng như trên Hội Thánh, v.v… Hết thảy đều xảy ra theo chương trình và thời điểm của Đức Chúa Trời (Đa-ni-ên 2:21; 9:24-27; Giăng 2:4; 7:6,30; 13:1; Công Vụ 1:7; 2:22-24; Ga-la-ti 4:4; v.v…). Vì vậy, không phải là tình cờ hoặc ngẫu nhiên mà Sự Chết của Cứu Chúa Jêsus vào dịp Lễ Vượt Qua, và sự Phục Sinh của Chúa vào ngày thứ nhất trong tuần lễ để thay thế ngày Sa-bát trong Cựu Ước cho ngày nghỉ và ngày thờ phượng Chúa.

2. Lễ Vượt Qua: Đức Chúa Trời truyền cho dân Do Thái phải giữ Lễ Vượt Qua (Passover – Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-13:16) để con cháu của họ luôn nhớ sự kiện giải cứu lớn lao của Chúa đem họ ra khỏi ách nô lệ ở Ai-cập. Chúa đã sai Môi-se và A-rôn đến gặp và xin vua Ai-cập cho dân Do Thái đi. Nhưng vua Ai-cập vẫn không cho họ đi mặc dù Chúa đã dùng Môi-se để giáng trên A-cập 9 tai họa (nước biến thành huyết, ếch nhái, muỗi, ruồi, bệnh dịch gia súc, ghẻ, mưa đá, châu chấu, tối tăm). Tai họa thứ 10 là hết thảy con đầu lòng, cả người lẫn thú vật, đều sẽ bị giết chết tại nhà nào không bôi huyết của chiên con trước cửa (trên thanh ngang cửa và hai cột cửa). Tối hôm đó, thiên sứ của Chúa đi ngang qua, thấy nhà nào có huyết bôi nơi cửa thì vượt qua, và thi hành sự phán xét trên những nhà nào không có huyết chiên con. Vì vậy, dân Do Thái được yên lành vì tin và làm theo Lời Chúa. Trong khi đó,
thiên sứ đã giết hết thảy con đầu lòng người Ai-cập, cả người lẫn thú vật, ngay cả con vua Ai-cập là thái tử. Chỉ có sự phán xét sau cùng này mà vua Ai-cập mới bằng lòng cho dân Do Thái đi!

3. Lễ Bánh Không Men (Feast of Unleavened Bread): Chúa không cho phép dân Do Thái giữ men trong nhà của họ vào dịp Lễ Vượt Qua và họ không được ăn bánh có men trong tuần (bảy ngày) Lễ Vượt Qua, nên Lễ Vượt Qua còn được gọi là Lễ Bánh Không Men (Xuất 12:17; 34:18; 2 Sử Ký 30:21).

4. Sự Chết của Cứu Chúa Jêsus vào dịp Lễ Vượt Qua và Sự Phục Sinh của Ngài vào ngày thứ Nhất trong tuần lễ cho chúng ta những bài học sau:

1. Cứu Chúa Jêsus là “Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất đi tội lỗi của thế gian” (Giăng 1:29) và là “Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế” (Khải Huyền 13:8). Vì vậy, Cứu Chúa Jêsus đã biết trước là Ngài sẽ bị giới lãnh đạo Do Thái đóng đinh và giết chết, Ngài cũng biết trước đến ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại, và Ngài đã nói trước cho các môn đồ của Ngài về điều đó hơn ba lần (Ma-thi-ơ 16:21; 17:22-23; 20:17-19; 26:2).

2. Cứu Chúa Jêsus và các môn đồ cũng dự Lễ Vượt Qua trong lúc dân Do Thái dự Lễ Vượt Qua và họ phải giết con chiên để chuộc tội lỗi của họ. Chúa biết chính Ngài là Chiên con phải chịu chết để chuộc tội lỗi cho nhân loại theo ý định và chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Chính Chúa là Con Chiên của Lễ Vượt Qua (1 Cô-rinh-tô 6:7).

3. Lễ Tiệc Thánh thay thế cho Lễ Vượt Qua: Trong khi dự Lễ Vượt Qua thì Cứu Chúa Jêsus đã thiết lập Lễ Tiệc Thánh và truyền cho môn đồ của Ngài phải giữ Lễ Tiệc Thánh để nhớ đến sự yêu thương, sự thương khó, và sự hy sinh chịu chết đổ huyết của Ngài và để rao giảng Phúc âm cho đến lúc Ngài đến (Ma-thi-ơ 26:17-29; 1 Cô-rinh-tô 11:23-34). Vì vậy, Lễ Vượt Qua trong Cựu Ước đã được Chúa thay thế bằng Lễ Tiệc Thánh trong Tân Ước mà con cái Chúa ngày nay phải giữ như là Lễ Vượt Qua thuộc linh (1 Cô-rinh-tô 6:8), để nhớ và biết ơn Chúa đã chịu chết đổ huyết ra và sống lại để giải cứu chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi, bản tánh xác thịt, thế gian và Ma-quỉ.

4. Loại bỏ “men” (leaven, yeast): Dân Do Thái dự Lễ Vượt Qua thì phải loại bỏ men khỏi nhà của họ, và họ không được ăn bánh có men, nếu không, họ sẽ bị truất khỏi dân sự (Xuất Ê-díp-tô 12:15). Ngày nay, con cái Chúa giữ Lễ Tiệc Thánh cũng phải loại bỏ những “men” của con người cũ, men gian ác, men giả hình của người Pha-ri-si, men vô tín của người Sa-đu-sê, men bè phái của đảng Hê-rốt, v.v…Chúng ta phải dùng bánh không men của sự thật thà và lẽ thật (1 Cô-rinh-tô 5:7-8; Ma-thi-ơ 16:6; Mác 8:15; Lu-ca 12:1).

5. Cứu Chúa Phục Sinh vào ngày thứ nhất trong tuần lễ và Ngài đã thiết lập ngày đó là ngày nghỉ và ngày thờ phượng thay thế cho ngày thứ bảy/ngày sa-bát (Giăng 20:19, 26; 20:6-7; 1 Cô-rinh-tô 16:2) để đánh dấu và kỷ niệm sự Phục Sinh khải hoàn của Ngài: Ngài đã đắc thắng sự chết, thế gian, và Ma-quỉ. Hơn thế nữa, sự Phục Sinh của Ngài chứng thực sự Chết của Ngài như Chiên Con chịu chết chuộc tội cho nhân loại đã được Đức Chúa Trời chấp nhận, và Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên là Chúa, Đấng Christ, Vua, Cứu Chúa, và Thẩm Phán (Công Vụ 2:36; 5:31; 10:42). Hễ ai ăn năn tội, tin cậy và tôn Chúa Jêsus là Chúa, Cứu Chúa, Đấng Christ, và Vua của tấm lòng và đời sống của mình thì sẽ được cứu rỗi. Những ai không ăn năn và tin Cứu Chúa Jêsus thì sẽ ứng hầu trước mặt Ngài là Thẩm Phán vào Ngày Phán Xét. Còn bạn thì sao? 1

MS Nguyễn Gia Hiền
brisbanebpc@gmail.com

Ngày đăng: 08/10/2022