Vườn Ê đen mới

Hạnh Phúc Thật từ Đấng Tạo Hóa – MS Nguyễn Gia Hiền

Kinh Thánh: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, Được khỏa lấp tội lỗi mình” (Thi thiên 32:1, Bản TT 1926).

Vào Năm Mới, người ta thường trao đổi những lời chúc tốt đẹp nhất, chúc rằng, “Chúc Mừng Năm Mới! Chúc bạn được sức khỏe tốt, hạnh phúc, bình an, thành công và thịnh vượng.” Tuy nhiên, nhiều người không nhận ra rằng hạnh phúc thật và mọi phước lành chỉ đến từ một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, là Đấng Tạo hóa – chứ không phải từ chính họ, nỗ lực cố gắng của họ, tôn giáo của họ, hay thậm chí là những lời chúc của họ. Vì cớ đó mà nhiều người cảm thấy không cần đến Đức Chúa Trời, họ cũng không tin cậy hay tìm kiếm Ngài. Còn bạn thì sao? Lời Đức Chúa Trời phán rằng, “Đức Giê-hô-va khiến cho chết, cho sống; Ngài đem người xuống mồ mả, Rồi khiến lại lên khỏi đó. 7 Đức Giê-hô-va làm cho nghèo nàn, và làm cho giàu có; Ngài hạ người xuống, lại nhắc người lên, Đem kẻ khốn cùng ra khỏi bụi đất.” (I Sa-mu-ên 2:6-7), và “Ví chẳng từ trên trời ban cho, thì không một người nào có thể lãnh chi được” (Giăng 3:27). Chỉ có Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo hóa, mới có quyền năng và thẩm quyền ban phước cho chúng ta hoặc lấy đi mọi phước lành của chúng ta. Theo www.fire.ca.gov/incidents, vụ cháy rừng mới đây ở Los Angeles, California, kèm với gió mạnh đã thiêu hủy 16.249 ngôi nhà và tòa nhà và cướp đi mạng sống của 29 người vào tháng 1 năm 2025. Nhiều người nổi tiếng đã mất tài sản và của cải của họ! Ngoài ra, rất nhiều người đã mất mạng vì động đất, lũ lụt, tai nạn máy bay, tai nạn xe hơi, chiến tranh và các thảm họa khác.

Do đó, nếu hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào tài sản vật chất hoặc các giá trị thế gian, thì hạnh phúc đó sẽ không dài lâu. Bạn có thể nhớ lại giây phút vui sướng khi nhận được một món quà mong đợi từ lâu, tốt nghiệp hạng xuất sắc, được thăng chức hoặc trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, bạn cũng phải thừa nhận rằng hạnh phúc đó chỉ là tạm thời và thoáng qua. Cuộc sống trên thế giới này không luôn đơn giản, dễ dàng, tươi sáng hay đẹp đẽ như bạn tưởng. Những thách thức như khó khăn, đau khổ, cạnh tranh, hiểu lầm, chỉ trích, gia đình tan vỡ, con cái không vâng lời, sự chống đối, buồn bã, cám dỗ, bệnh tật, tai nạn, thiên tai và chiến tranh có thể nhanh chóng lấy đi hạnh phúc mà bạn từng có. Nhiều người không tìm thấy hạnh phúc thật sự nơi người bạn đời, gia đình, sự nghiệp hoặc của cải của mình. Cũng vậy, nhiều người không tìm thấy sự mãn nguyện lâu dài trong các triết lý hoặc tôn giáo thế gian. Trong khi một số người có vẻ hạnh phúc bên ngoài, thì lòng của họ thường nặng trĩu với sự bất mãn, thất vọng, kiêu ngạo, tham lam, ghen tị, đố kỵ, cay đắng, tức giận hoặc tham dục. Nguyên nhân gốc rễ của sự trống rỗng trong tấm lòng là tội lỗi và bản chất tội lỗi của loài người, như Kinh Thánh đã phán, “tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước” (Giê-rê-mi 5:25).

Chúa Jêsus phán, “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại” (Ma-thi-ơ 16:26). Trong câu này, Chúa Jêsus nhấn mạnh rằng ngay cả khi bạn có được cả thế gian – hưởng được sức khỏe tốt, của cải, gia đình yêu thương đầm ấm, thành công, và danh tiếng – thì cũng vô nghĩa nếu bạn mất linh hồn mình theo tiến trình đó. Nếu bạn mất linh hồn mình trong Hỏa ngục sau khi qua đời vì tội lỗi của mình, thì bạn không thể cống hiến bất cứ thứ gì, ngay cả sự giàu có hay danh tiếng, để đổi lấy linh hồn của mình lại. Một khi bạn đã ở trong Hỏa ngục, bạn không thể làm gì để cứu linh hồn của mình. Chúa Jêsus nói về một người giàu có, sau khi chết, thấy mình ở Hỏa ngục, phải đau khổ chịu sức nóng, cơn khát và sự hành hạ của ngọn lửa. Ông kêu cứu, nhưng đã quá muộn. Nếu bạn từ chối tình thương của Đức Chúa Trời và ơn cứu rỗi mà Ngài ban cho qua Đấng Christ trong khi bạn vẫn còn sống, thì bạn sẽ bị phân cách với Đức Chúa Trời đời đời. Hạnh phúc thật còn lại đời đời nằm ở sự cứu rỗi linh hồn của bạn. Lời Đức Chúa Trời phán rằng, “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, Được khỏa lấp tội lỗi mình” (Thi thiên 32:1). Điều đó có nghĩa là gì? Ai có thể tha thứ sự vi phạm của bạn và che đậy tội lỗi của bạn? Bạn nên làm gì để được cứu rỗi và hưởng được phước lành hay hạnh phúc này?

Ý NGHĨA CỦA THI THIÊN 32:1
Lời Đức Chúa Trời phán rằng, “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, Được khỏa lấp tội lỗi mình.” Câu này có nghĩa là gì?

1. Phước có nghĩa là trạng thái hạnh phúc của một người, đặc biệt là một người hoặc một quốc gia hưởng mối quan hệ với Đức Chúa Trời (The Complete Word Study Dictionary). Bạn có mối quan hệ hạnh phúc với Đức Chúa Trời là Cha Thiên Thượng và Chúa Jêsus Christ là Chúa và Cứu
Chúa của bạn không? Hạnh phúc thật chỉ đến từ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, là Đấng Tạo Hóa, là Đấng có thể lấp đầy tấm lòng của bạn với sự vui mừng và sự bình an lâu dài. Nếu Đức Chúa Trời không phải là Cha Thiên Thượng của bạn và Chúa Jêsus Christ không phải là Cứu Chúa của bạn, thì bạn đang bỏ lỡ hạnh phúc thật đời đời chỉ đến từ nơi Ngài.

2. Sự vi phạm có nghĩa là sự phản nghịch lại Đức Chúa Trời và luật pháp của Ngài (The Complete Word Study Dictionary). Bạn có đang phản nghịch lại Đức Chúa Trời và các điều răn của Ngài không? Chúa Jêsus đã tóm tắt cốt lõi của Mười Điều Răn trong hai câu sâu sắc này: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. 31 Nầy là điều thứ hai: Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó” (Mác 12:30-31). Bạn có thật sự kính mến Đức Chúa Trời với hết cả tấm lòng, linh hồn, tâm trí, và sức lực của mình và yêu người lân cận như chính mình không? Nếu không, thì bạn đã vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Bạn có ưu tiên sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời hơn mọi sự không, bao gồm cả mối quan hệ của bạn với cha mẹ, vợ chồng, con cái và những người khác trong cuộc sống của bạn – dù là trong gia đình, công việc làm, sự thờ phượng hay sự hầu việc? Nếu không, thì bạn đã vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Nếu bất cứ điều gì, bao gồm các giá trị thế gian hoặc ngay cả là những ước muốn riêng của bạn, được ưu tiên hơn Đức Chúa Trời và ý muốn của Ngài, thì điều đó đã trở thành một thần tượng trong lòng bạn. Khi làm như vậy, bạn đã vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Bạn có tôn trọng cha mẹ mình không? Bạn có chung thủy với người bạn đời của mình trong cả hành động và suy nghĩ không? Nếu không, bạn đã vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời! Bạn có bao giờ cảm thấy ghen tị, ấp ủ sự ghen ghét hay nói dối không? Nếu có, bạn đã phạm luật pháp của Đức Chúa Trời!

3. Tội lỗi có nghĩa là sự vi phạm cũng như sự thiếu sót theo tiêu chuẩn thánh của Đức Chúa Trời. Theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, tội lỗi diễn ra khi chúng ta thiếu hụt sự vinh hiển, sự thánh khiết, sự công bình, v.v. của Ngài (Rô-ma 3:23). Tội lỗi cũng là khi chúng ta nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, tình yêu của Ngài, quyền năng của Ngài, Lời của Ngài hoặc các công việc của Ngài (Rô-ma 14:23). Tội lỗi cũng là khi chúng ta chỉ vâng theo ý muốn của Chúa một phần, rồi thay vào đó chọn làm theo những ước muốn riêng của mình hoặc ý muốn của người khác (1 Sa-mu-ên 15:19-23). Tội lỗi cũng là khi chúng ta biết điều gì là tốt lành mà lại không làm theo (Gia-cơ 4:17). Hơn nữa, tội lỗi là khi chúng ta hành động sai trái, phạm lỗi, hoặc phán xét sai người khác, dù là qua suy nghĩ, lời nói hay hành động của chúng ta, vì mọi sự không công bình đều là tội lỗi (1 Giăng 5:17). Bạn có thể thành thật nói rằng mình không có tội lỗi không? Lời Đức Chúa Trời xác nhận rằng tất cả mọi người đều đã phạm tội và thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta” (1 Giăng 1:8).

4. Tất cả tội nhân sẽ ở trong Hỏa ngục sau khi qua đời và phải đối mặt với hình phạt đời đời trong Hồ Lửa vào Ngày Phán Xét theo Lời Đức Chúa Trời, “Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: Đó là sự chết thứ hai” (Khải Huyền 21:8). Bạn có chắc rằng mình không có tội lỗi và có thể thoát khỏi sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời không?

5. Bạn và tôi thật sự được phước nếu những vi phạm của chúng ta được tha thứ, và tội lỗi của chúng ta được che phủ bởi huyết báu và sự công bình của Chúa Jêsus Christ (Rô-ma 3:25; Hê-bơ-rơ 9:22). Phước hạnh và hạnh phúc vô biên này là món quà từ Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa của chúng ta! Tất cả mọi người, bao gồm bạn và tôi, đều đã phạm tội và chống lại Đức Chúa Trời và luật pháp của Ngài. Kết quả là, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với sự phán xét và đoán phạt, với hậu quả cuối cùng là bị phân cách với Đức Chúa Trời đời đời, và phải ở trong Hỏa ngục và Hồ Lửa.

Vì mọi người đều sinh ra với bản chất tội lỗi, nên không ai có thể tự cứu mình nhờ vào các việc tốt lành, tự kỷ luật, ăn chay, hoặc ép xác khổ tu. Chúng ta không thể nào cải thiện vị thế của mình trước mặt Đức Chúa Trời bằng những nỗ lực cố gắng mình. Tất cả các tôn giáo, triết lý, của cải và tài sản trên thế giới này không thể cứu chúng ta hoặc thay đổi bản chất tội lỗi của chúng ta. Trong tình trạng tuyệt vọng và bất lực như vậy, chúng ta nhận ra rằng chúng ta rất cần tình yêu thương, ân điển và sự thương xót của Đức Chúa Trời – nếu không, chúng ta chắc chắn sẽ bị hư mất! Khi đó chúng ta hiểu rằng ơn phước lớn nhất và hạnh phúc thật nằm ở sự tha thứ và ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Với một tấm lòng khiêm nhường, chúng ta lặp theo Lời Ngài, nói rằng: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, Được khỏa lấp tội lỗi mình.” Còn bạn thì sao?

CHỈ CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG TẠO HÓA VÀ CON NGÀI LÀ CHÚA JÊSUS CHRIST MỚI CỨU RỖI CHÚNG TA

Chúng ta nên luôn biết ơn Đức Chúa Trời vì tình thương vô biên của Ngài dành cho nhân loại. Ngài đã ban Con độc sinh của Ngài, là Đấng đã khiêm nhường trở thành Người trọn vẹn, chịu đau khổ và chết để chuộc tội lỗi của chúng ta bởi huyết báu của Ngài đổ ra trên thập tự giá. Đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại để ban sự tha thứ và cứu rỗi cho tất cả những ai ăn năn, từ bỏ tội lỗi, và tôn Ngài là Chúa và Cứu Chúa của mình (Giăng 3:16; Rô-ma 4:25). Vậy chúng ta nên làm gì để được cứu rỗi?

1. So sánh mình với tiêu chuẩn thánh của Đức Chúa Trời, là Chúa Jêsus và Lời của Ngài
Chúa Jêsus phán, “Chẳng phải kẻ mạnh khỏe cần thầy thuốc đâu, nhưng là kẻ có bịnh; ta chẳng phải đến gọi người công bình, nhưng gọi kẻ có tội đến sự ăn năn” (Mác 2:17). Cũng giống như chúng ta chỉ tìm đến bác sĩ khi chúng ta bị bệnh, thì chúng ta chỉ nhận thấy nhu cầu của mình cần Đấng Cứu Rỗi, là Chúa Jêsus Christ, khi chúng ta thấy chiều sâu của tội lỗi và sự thật của sự đoán phạt mà tội lỗi mang lại. Nhiều người tin rằng họ tốt, hoặc ít nhất là không quá tệ, và do đó họ cảm thấy không cần một Cứu Chúa. Các triết lý và tâm lý học hiện đại khuyến khích mọi người tránh nói tiêu cực về chính mình, thúc giục họ suy nghĩ rằng, “Đừng bao giờ tin rằng bạn xấu xa, tội lỗi, xấu xí, bất tài, bất lực hoặc vô vọng; thay vào đó, hãy tập trung vào mình tốt, có giá trị và có khả năng.” Suy nghĩ như vậy có thể che khuất bản chất thật của tội lỗi chúng ta. Kết quả là, nhiều người không nhận ra nhu cầu của mình cần Đấng Cứu Rỗi, là Chúa Jêsus Christ.

Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa của muôn vật, đã tạo dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, và với tư cách là Đấng Tạo Hóa của chúng ta, Ngài có thẩm quyền tuyệt đối trên đời sống chúng ta. Ngài có quyền đòi hỏi tình yêu, sự thờ phượng, sự hầu việc và sự vâng lời của chúng ta. Một trong những mạng lệnh quan trọng nhất của Ngài là chúng ta phải thánh khiết, như Ngài là thánh khiết (1 Phi-e-rơ 1:16). Tuy nhiên, khi chúng ta không đạt được tiêu chuẩn này, thì chúng ta nổi loạn nghịch lại Đức Chúa Trời, và sự nổi loạn này được gọi là tội lỗi.

Chúng ta dễ dàng so sánh chính mình với người khác hoặc với các tiêu chuẩn đạo đức của loài người và cảm thấy rằng mình tốt – thậm chí có thể tốt hơn người khác. Nhưng tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời cao hơn nhiều, và thước đo thật sự duy nhất cho đời sống của chúng ta là Lời Ngài. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta phải so sánh đời sống của mình với luật pháp thánh của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:20) và gương mẫu của Con Ngài, là Chúa Jêsus Christ, là mẫu mực toàn hảo về sự thánh khiết (Rô-ma 8:29). Khi làm như vậy, chúng ta sẽ thấy rõ tội lỗi và những thiếu sót của mình và được nhắc nhở về nhu cầu của chúng ta cần ân điển, sự tha thứ và ơn cứu rỗi của Ngài.

2. Nhận biết tội lỗi, sự vi phạm, và thiếu sót của mình
Nhiều người không nhận ra tội lỗi và bản chất tội lỗi của mình, điều này ngăn cản họ thấy nhu cầu sâu xa của mình cần sự tha thứ và ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Tuy nhiên, Vua Đa-vít đã nhìn nhận tội lỗi và tình trạng sa ngã của mình, và kêu cầu Đức Chúa Trời, “Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi,… 4 Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi,…5 Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi” (Thi Thiên 51:3-5). Sự khiêm nhường này trước Đức Chúa Trời là sự thừa nhận chúng ta cần ân điển và sự thương xót của Ngài. Chúa Jêsus dạy chúng ta trong Ma-thi-ơ 5:3 rằng chúng ta được phước khi nhận biết sự nghèo nàn thuộc linh của mình vì Ngài đến để cứu những ai nhận ra sự bất lực của mình và cần đến Ngài. Còn chúng ta thì sao?

3. Xưng tội và khiêm nhường cầu xin sự thương xót, sự tha thứ và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời
Chúa Jêsus dạy chúng ta khiêm nhường cầu xin sự thương xót và ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, giống như người thu thuế đã làm, để chúng ta có thể nhận được sự tha thứ và được xưng công bình (Lu-ca 18:13-14). Khi chúng ta thừa nhận và xưng tội mình trước Chúa, thì Ngài là thành tín và công bình để tha thứ tội lỗi chúng ta và làm sạch chúng ta khỏi mọi điều gian ác (1 Giăng 1:9). Còn chúng ta thì sao?

4. Cầu xin một tấm lòng mới và một tâm linh mới
Vua Đa-vít nhận biết bản chất tội lỗi của mình, và trong sự ăn năn, ông đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời, xin Ngài tạo nên trong ông một tấm lòng trong sạch và làm mới một tâm linh ngay thẳng (Thi Thiên 51:10). Đức Chúa Trời, trong sự khôn ngoan vô hạn của Ngài, hiểu rằng nhân loại, với bản chất tội lỗi của họ, không thể tự mình thay đổi được tấm lòng của mình, giống như người Ê-thi-ô-pi không thể thay đổi màu da của mình hoặc con beo không thể thay đổi được các đốm của nó (Giê-rê-mi 13:23). Do đó, Đức Chúa Trời, bởi ân điển của Ngài, hứa sẽ ban cho những tội nhân ăn năn một tấm lòng mới và một tâm linh mới với sự ngự trị của Đức Thánh Linh, giúp họ có thể bước đi trong sự vâng phục và giữ theo các điều răn của Ngài (Ê-xê-chi-ên 36:26-27). Còn chúng ta thì sao?

5. Đầu phục sự cai trị của Vua Jêsus và sự kiểm soát của Đức Thánh Linh
Nhiều người tuyên xưng mình tin Chúa Jêsus, đi nhà thờ và đã chịu báp têm, nghĩ rằng mình đã được cứu. Tuy nhiên, họ không đầu phục sự cai trị của Vua Jêsus và sự kiểm soát của Đức Thánh Linh. Họ vẫn tiếp tục sống theo ý riêng của mình – xem coi, lắng nghe, nói, dạy dỗ và rao giảng theo ý riêng của riêng mình thay vì theo ý của Ngài. Mặc dù họ có thể nói tiên tri, đuổi quỷ hoặc làm phép lạ trong danh Ngài, nhưng Chúa Jêsus sẽ từ chối họ khi Ngài trở lại vì họ không bao giờ thật sự đầu phục Ngài (Ma-thi-ơ 7:21-23; Lu-ca 19:27; Ê-phê-sô 5:18). Còn chúng ta thì sao?

6. Luôn luôn nhờ cậy Chúa Jêsus để sống một đời sống đắc thắng
Sống một đời sống thánh khiết và đắc thắng như một Cơ Đốc Nhân không phải là điều dễ dàng trong một thế giới đầy những cám dỗ, sự chống đối, và các cuộc tấn công từ Satan. Chúa Jêsus hiểu rằng ngoài Ngài, chúng ta không thể sinh ra bông trái của Đức Thánh Linh hoặc bước đi trong đắc thắng. Do đó, Ngài dạy chúng ta phải luôn luôn nương cậy vào Ngài và đầu phục sự kiểm soát của Ngài, để sự sống của Ngài được bày tỏ ra trong chúng ta (Giăng 15:5; 2 Cô-rinh-tô 4:10). Khi chúng ta luôn luôn ở trong Đấng Christ, thì chính Đức Chúa Trời, là Đấng “làm cho chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn, và bởi chúng tôi, Ngài rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài khắp chốn” (2 Cô-rinh-tô 2:14). Đó là điều khiến Cơ Đốc Giáo khác biệt với tất cả các tôn giáo khác trên thế giới – Cơ Đốc nhân phải có Chúa Jêsus sống trong họ. Nhưng chúng ta đã luôn luôn nương cậy vào Ngài và hoàn toàn đầu phục Quyền cai trị của Ngài chưa?

7. Được tình thương của Đấng Christ thúc ép để sống cho Ngài và chia sẻ ơn cứu rỗi của Ngài với người khác
Phao-lô đã từng là một người phạm thượng và người bắt bớ, không tin Chúa Jêsus. Ông đã xúc phạm Danh của Ngài và bắt bớ những Cơ Đốc nhân. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi khi ông được gặp Chúa! Trong sự hạ mình và bị cáo trách tội lỗi, ông đã ăn năn và hoàn toàn đầu phục đời mình cho Chúa. Sự biến đổi của ông đến tận gốc – không còn là kẻ thù của đức tin, ông đã trở thành một tôi tớ tận tụy của Chúa và Phúc âm. Được thúc đẩy bởi tình yêu thương của Chúa, ông đã tận tụy sống cho Chúa và chia sẻ tin mừng về tình yêu và ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời với người khác (Rô-ma 1:14-15; 2 Cô-rinh-tô 5:14). Còn chúng ta thì sao?

Theo tiêu chuẩn thánh khiết của Đức Chúa Trời thì tất cả mọi người đều đã phạm tội, và mọi tội nhân không ăn năn sẽ phải đối mặt với sự phán xét và đoán phạt trong Hỏa ngục. Có ích gì khi được cả thế gian nhưng lại mất linh hồn của mình đời đời? Sự hối tiếc trong cõi đời đời không thể nào xóa bỏ được! Không có nỗ lực cố gắng nào hoặc tôn giáo nào của loài người có thể tha thứ, cứu rỗi hoặc biến đổi chúng ta. Hạnh phúc thật sự chỉ đến từ Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa của chúng ta mà thôi! Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể tha thứ tội lỗi, cứu rỗi chúng ta, và ban cho chúng ta một tấm lòng mới và tâm linh mới để chúng ta có thể trở thành con cái của Ngài và sống với Ngài mãi mãi trên Thiên đàng, ngay cả sau khi qua đời. Đây là món quà cứu rỗi vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, được thực hiện qua Con của Ngài, là Chúa Jêsus Christ. Bạn đã tiếp nhận Chúa Jêsus Christ là Chúa và Cứu Chúa của mình chưa? Xin Đức Chúa Trời thương xót tất cả chúng ta và ban cho chúng ta ân điển để tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài với lòng biết ơn, và hưởng được hạnh phúc thật này trước khi quá trễ. Amen.

 Mục sư Tiến sĩ Nguyễn Gia Hiền
brisbanebpc@gmail.com.

Ngày đăng: 03/01/2025