Vườn Ê đen mới

Lễ Ngũ Tuần, Ngày Lễ Cảm Thông Nhau – MS Vũ Ngọc Văn


Ngày lễ Ngũ tuần là ngày Đức Thánh Linh đến và ở trong chúng ta, trong tôi và trong ông bà, anh chị em, Đức Chúa Trời đổ thần của Ngài trên mọi loài xác thịt (Giô-ên 3:28), khiến những người tin Chúa Jesus được trở thành con cái Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:15). Ngài đến để an ủi chúng ta vì Ngài là thần an ủi, và Ngài ở cùng chúng ta để che chở và ban phước hạnh, bình an. Với tôi quan trọng nhất là Ngài ban sự cảm thông.

Người miền nam Đức (vài vùng) mà nói thì người miền bắc Đức nhiều khi cũng không hiểu, dù rằng nói tiếng Đức. Mỗi lần có những tin tức đặc biệt từ Áo, chúng tôi xem Tivi ở Đức, thì nghe người Áo nói tiếng Đức, mà bên dưới lại có phụ đề tiếng Đức, vì chính người Đức cũng không sao hiểu được! Tôi có lần ăn phở tại thành phố Vinh, nghe tiếng Việt mà tưởng mình đang ở nước khác chứ không phải Việt nam. Người miền trung Việt nam (một số nơi) mà nói tiếng việt thì người việt ở cả miền bắc lẫn miền nam cũng chịu thua vì không sao hiểu được!

Không hiểu nhau, đây là vấn đề lớn ngày nay, trong gia đình vợ chồng không hiểu nhau (gia đình đắng cay, tan vỡ), cha mẹ và con cái không hiểu nhau (gia đình nhiều đau khổ), thân nhân không hiểu nhau (gia đình chia cắt).. bạn bè không hiểu nhau (buồn bã, xa lánh, cô đơn)! Vấn đề càng tệ hơn khi người ta hiểu lầm nhau (bạn có thể trở nên thù!)

Để tránh khổ đau do hiểu lầm đem đến, trong những trường hợp không hiểu rõ, người ta cần đến câu hỏi: Anh (chị) muốn ám chỉ gì khi nói thế?! Nghe thì hơi lạ, nhưng thường thì người ta không hỏi mà tự suy diễn trong lòng ý của người nói, do vậy mà nhiều khốn khổ, vì người nghe thường đoán hay nghĩ theo ý riêng của mình, và người nói thì nhiều khi nói một đàng mà nghĩ một nẻo! Người việt từng có câu nói rất là thú vị: Nói Sơn Tây chết cây Hà nội!

Bạn mình thì nói thế nào mình cũng hiểu, có nói ngang, nói ngược, châm biếm thì cũng cảm thông, thú vị, còn người mình không ưa thì dù nói có tốt đến đâu cũng bị nghi ngờ là nói xấu, hay ám chỉ gì đó không tốt!
Tại sao lại như vậy? Người ta chỉ muốn nghe cái mà họ thích! Cho nên dù là người ta có ngôn ngữ để tương giao, có thể nói những gì mình nghĩ để người kia thông cảm, thế mà người ta vẫn không thể hiểu nhau! Huống gì người việt sống tha hương, phải nghe và cố gắng hiểu khi dùng ngoại ngữ!

Con người không hiểu nhau vì bản tính kiêu ngạo, coi ý mình là nhất, muốn làm rạng danh mình, cho nên cuối cùng họ đã không còn hiểu được nhau, Sáng11:1-9.
Con người tuy gần nhau mà lại cách xa nhau (có ai sẵn sàng lắng nghe hay là chịu thua người khác?), có cùng ngôn ngữ mà không hiểu được nhau thì gần nhau có khác nào xa cách? Biết bao người thở than là tôi cô đơn trong chỗ đông người! Sống bên nhau mà mỗi người là một hòn đảo bí mật, phải chăng là do vậy?

Trái lại, khi cảm thông như trong một đội banh, cầu thủ không cần nói gì thì bạn bè cũng hiểu ý và giao banh, đón banh chính xác. Những người này hiểu ngôn ngữ của nhau vì cái tôi không còn chỗ đứng mà là cái chúng tôi quan trọng nhất!
Để giúp chúng ta có thể hiểu nhau và cảm thông nhau, Chúa Jesus đã dạy chúng ta yêu người lân cận như mình, Lu 10:27. Như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy, Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta, Gi 13: 34-35.

Ngài cũng dạy chúng ta cầu nguyện: Lạy Cha chúng con ở trên trời; Danh Cha được tôn thánh; Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày; Xin tha tội lỗi cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con;
Khi xin cho chúng con, chúng ta xin cho mình và cũng là xin cho anh chị em mình. Khi những lời cầu xin này xuất phát từ lòng thành thật, chúng ta cũng sẽ hiểu nhau và cảm thông nhau. Các sứ đồ cũng nhắc lời Chúa Jesus dạy. Phao-lô khuyên: Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; Ro 12:10. Mọi điều anh em làm, hãy lấy lòng yêu thương mà làm, ICo 16:14. Sứ đồ Giăng cũng khuyên: Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau, IGi 4:11.

Phép lạ của Lễ Ngũ tuần là con người có thể hiểu nhau, dù là khác màu da hay tiếng nói, ai cũng có thể nói thứ tiếng của mình và người khác có thể hiểu được. Cảm giác gần gũi nhau, cảm thông nhau thật là cảm giác tuyệt vời và ấm cúng. Khi có người hiểu mình, cảm thông mình có lẽ chúng ta vui mừng lắm. Các hòn đảo rời rạc mà gần nhau thì trở thành quần đảo, bài hát nào đó đã mô tả là sỏi đá cũng cần có nhau mà phải không?

Chúng ta thường nói: Vui như tết. Người Đức thường nói: Vui như Lễ giáng sinh. Người đau bệnh lâu ngày, bình phục thì thường nói như là mới sống lại (phục sinh).
Đức Thánh Linh được ban trong ngày lễ Ngũ tuần làm cho hồn linh tươi mới, làm cho cảm thông, yêu thương và an ủi, đó không phải là sự yêu thương, an ủi bề ngoài chóng qua như gió thoảng, mà là sự cảm thông yêu thương bền vững trong lẽ thật. Xin ngày lễ Ngũ tuần sẽ đúng là ngày lễ cảm thông trong đời sống, gia đình, và hội thánh của chúng ta.

Lễ Ngũ tuần 2025
Mục sư Vũ ngọc Văn

Ngày đăng: 06/08/2025