Vườn Ê đen mới

LÒNG TRẮC ẨN – Tuyết Mai


Tôi già rồi, ít khi đi chợ, một tháng nhiều lắm là bốn lần. Những ngày đầu tháng con gái gửi cho ít tiền đi chợ mua thêm một chút thức ăn để dành.
Hôm nay sáng đầu tháng, chợ tỉnh lẻ dạo nầy không đông lắm vì bệnh dịch, tôi cho chiếc xe đạp điện chạy chậm tốc độ như xe đạp thường cho mình cảm giác thư thả, ung dung. Chạy qua một đoạn sông giữa lòng thành phố, dãy bờ kè kiên cố có hành lang để sáng sáng, chiều chiều dân trong chợ ra tập thể dục. Con đường quen, rất quen đồng hành cùng tôi từ những ngày còn tuổi hoa niên. Có những hàng cây phượng đỏ rợp nghiêng bóng xuống dòng sông vào mùa hè.
Và nơi đó nhiều năm gần đây mỗi buổi sáng đi qua tôi vẫn gặp một bà già tóc bạc trắng xóa, tôi ngưỡng mộ cái mái tóc trắng rất quý phái của bà. Bà ngồi đó bên dòng sông, bên góc phố, có nhiều người đi qua với chiếc gánh chuối nướng và khoai nướng… Rất rất nhiều lần tôi muốn dừng lại chụp bà tấm hình, nhưng thường thì hơi vội, nên ý tưởng ấy lại đi qua theo vòng quay của chiếc bánh xe. Và bà ấy theo thời gian trôi, mái tóc càng bạc trắng hơn…
Tôi đến cuối đường công viên, lại một người già làm lòng tôi xót xa. Lưng còng dưới cái gánh sịa làm bằng tre, hai đầu gánh treo gần hai mươi cái sịa lớn. Rất nặng, vì đan bằng tre tươi, những loại hàng thủ công nầy làm từ những vùng ngoại thành rất xa chợ, nơi những làng quê còn lại những hàng tre xanh. Những chiếc gánh nầy thường gặp là những người đàn ông có sức khỏe, họ phải gánh đi bộ xa 5 đến 10 kilomet. Nhưng hôm nay gặp chiếc lưng còm oằn gánh, bỗng dưng tôi thắng xe dừng trước mặt bà:
– Bà ơi, một cái bao nhiêu?
– Sáu chục ngàn.
– Bán tôi một cái nhé.
Tôi quyết định mua nhưng thật ra chẳng biết xài việc gì, bởi nó to quá, chỉ mong cho vơi bớt trên lưng bà chút nặng, chỉ mong thế thôi. Rồi tôi đưa bà tờ một trăm ngàn, bà nhìn tờ bạc (không lớn lắm đâu). Bà lại nhìn tôi vẻ bối rối:
– Ôi, bà không có tiền thối đâu, bà không có tiền!
Có ý tưởng chạy nhanh trong đầu tôi: chắc bà chỉ có bụi tre trước nhà hay là sau vườn gì đó, chắc bà còn ông rồi hai người cặm cụi vót đan, rồi bà lặn lội đường xa quảy gánh ra chợ…chắc là….chắc là….nhiều thứ lắm, nhưng ý tưởng cuối cùng giải quyết vấn đề “mình được Chúa ban phước cho nhiều hơn bà!”. Tôi nói nhanh:
-Bà giữ luôn nhé, tôi tặng bà.
Gương mặt mệt nhọc của bà tươi lên một nụ cười, nụ cười làm những nếp nhăn trên khuôn mặt cháy nắng nổi cộm lên như mấy con sóng nhỏ chập vào bờ biển vắng. Nhưng tôi thấy thương làm sao, và thấy vui vì mình nhìn thấy được nụ cười trên cảnh đời nặng gánh vất vả mưu sinh.
Một chiếc xe khá sang tấp vào chỗ tôi với bà, người phụ nữ xinh đẹp hỏi:
– Cái này bao nhiêu, bà?
Tôi vội vã trả lời giúp:
-Có sáu chục ngàn hà cô, mua giúp bà cái đi cho bà nhẹ bớt gánh.
Người phụ nữ nói một câu ngây ngô:
-Có lớn hơn không? Tôi mua cái lớn để đem vô chùa, trong ấy đựng nhiều chén bát.
Tôi thấy khó chịu câu hỏi của cô ấy cái gánh ngay trước mắt, mà đi hỏi có lớn hơn không? Một khi trái tim mình biết cảm xúc trước gánh nặng của một người già thì mình không tìm những lời vu vơ như thế để nói ra, tôi thuyết phục:
– Cô ơi, cô mua đem cho thì tầm nào người ta cũng nhận mà, hơn nữa cô mua một cái là giúp bà cụ nhẹ gánh một chút, đó là cô làm lành thiết thực nhất.
Người phụ nữ sang trọng rồ ga xe chạy đi không nói một lời, lòng trắc ẩn của cô ấy bay vào không trung cho gió cuốn đi thật xa…
Tự dưng tôi thấy buồn, khi nghĩ về “lòng trắc ẩn” trong trái tim những người trẻ tuổi hôm nay, cụm từ ấy có còn trong tâm trí của họ hay không?
Tôi quyết định quay lại tìm gánh chuối nướng và mái tóc trắng như mây, tôi quay lại dòng sông, dù sao hôm nay cũng đầu tháng, dù sao “tôi cũng được phước hơn bà.“
Chiếc gánh đã biến mất, tôi lại chạy quanh tìm.
Tôi lại thấy một người già ăn xin ngồi bên bờ sông, người ta cho bà mớ quần áo cũ để ngổn ngang bên cạnh, cho bà một chút tiền, rồi tôi lại cho xe chạy tiếp, tôi vẫn muốn tìm mái tóc bạc. Lại một bà cụ ngồi ăn xin giữa chợ, lại một bà cụ bán vé số…
Những mái tóc bạc vẫn cứ xuôi ngược theo dòng người để mưu sinh, vì đất nước mình không có tổ chức chế độ an sinh xã hội, nên tuổi già con cái nghèo khó thì dù tuổi già cỡ nào cũng phải lê la kiếm sống.
Cuối cùng tôi cũng nhìn thấy được nơi một góc chợ, mái tóc trắng như mây của tôi đang ngồi nướng chuối, tôi kể việc tôi tìm, bà cười tươi sung sướng vì bà nghĩ có người “thèm chuối nướng” đi tìm bà.
Khi tôi về, dòng sông nước đã ròng cạn nước, nhưng trong tôi tràn ngập niềm vui vì thấy lòng trắc ẩn trong tôi vẫn còn…còn nguyên, nó làm cho tôi thấy mình hạnh phúc khi đem được dù một chút thôi sự giúp đỡ đến với người khác.
Tôi tạ ơn lòng nhân từ của Chúa vì Ngài đã đặt vào lòng tôi “ Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình Mathio 22:39.”

TUYẾT MAI
Hậu Giang 2019

Ngày đăng: 12/16/2024