Vườn Ê đen mới

MỌI ĐIỀU TỐT LÀNH HÔM NAY – Dr. Jim Denison

 

Nếu có ai nghĩ rằng quyết định của Tối cao Pháp Viện về việc lật lại vụ án Roe kiện Wade đã giải quyết vấn đề phá thai ở Hoa Kỳ, thì các tiêu đề của ngày hôm nay sẽ thuyết phục họ rằng cuộc chiến thực sự chỉ mới bắt đầu.

Hôm thứ Ba, các cử tri bang Kansas đã bác bỏ một biện pháp bỏ phiếu cho phép cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát để thắt chặt các hạn chế về phá thai hoặc cấm hoàn toàn thủ tục này. Thống đốc bang Massachusetts Charlie Baker đã ký thành luật một biện pháp xác nhận phá thai như một quyền hiến định của tiểu bang.

Bộ Tư pháp đang kiện bang Idaho về các hạn chế phá thai của tiểu bang. Và Tổng thống Biden hôm 4 tây đã ký một lệnh hành pháp nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những phụ nữ muốn phá thai đi qua các bang khác để làm thủ tục này.

Khi quyết định của vụ án Dobbs được đưa ra vào tháng 6, giống như nhiều người đã phản ứng với quyết định này, tôi lưu ý rằng trận chiến bây giờ sẽ chuyển sang các tiểu bang. Và nó xãy ra y như vậy. Tuy nhiên, tôi không lường trước được một thế giới trong đó các thành phố và thị trấn trong các bang sẽ thực hiện các bước để chống lại các phán quyết phá thai do cơ quan lập pháp của bang họ đưa ra.

Ví dụ, một ủy ban hội đồng thành phố ở Dallas, Texas, đã nhất quyết thông qua một nghị quyết hôm thứ Ba để bảo vệ quyền phá thai trong thành phố bằng cách cấm sử dụng ngân quỹ thành phố để điều tra những người nạo thai. Thành phố Austin đã thông qua đạo luật tương tự, được gọi là Bảo vệ Quyền được chăm sóc phá thai cho mọi người, được biết đến (một cách mỉa mai và bi thảm) là Đạo luật GRACE. Bất kể bang Texas thực hiện các bước nào để điều chỉnh việc phá thai, các thành phố này có ý định không tuân thủ chúng.

Một lần nữa chúng ta thấy quyết định của Tòa án Tối cao năm 1973 hợp thức hóa việc phá thai tiếp tục chia rẽ đất nước chúng ta như thế nào. George F. Will đã lưu ý một cách đúng đắn rằng phán quyết “đã làm căng thẳng vấn đề và làm ô uế nền chính trị của chúng ta,” kết luận, “Do đó, Tòa án Tối cao đã làm suy giảm nền dân chủ của Hoa Kỳ”. Ngay cả Justice Ruth Bader Ginsburg cũng coi Roe kiện Wade là một “ví dụ nổi bật” về thực tế rằng “các chi tiết học thuyết quá nhanh chóng, theo kinh nghiệm đã dạy, có thể không ổn định.”

Tôi không thể tưởng tượng được rằng bất cứ ai lại chọn phá thai vì họ muốn trải nghiệm phương pháp này. Không có gì về việc phá thai, bất kể nó được thực hiện như thế nào, là thú vị.

Vậy tại sao rất nhiều người ủng hộ việc phá thai lại say mê bảo vệ cái mà họ gọi là quyền được lựa chọn? Rõ ràng, sự khó chịu (và đôi khi tồi tệ hơn) khi phá thai được coi là một phương tiện cần thiết để đạt được mục tiêu lớn hơn là chấm dứt thai kỳ. Như vậy là vượt qua nền luân lý mà phá thai đại diện. Một số bà mẹ cố gắng thuyết phục bản thân rằng đứa con trong bụng của họ chỉ là một mớ bầy nhầy (mặc dù nhiều người công nhận rằng cuộc sống mà họ đang kết thúc trên thực tế là một bé con). Nhưng xung đột tình cảm mà người mẹ phải cảm nhận khi phá thai một lần nữa được coi là phương tiện cần thiết để đạt được kết quả mong muốn là chấm dứt thai kỳ.

Theo nghĩa này, phá thai tự chọn, trong khi kinh khủng đến mức bi thảm, chỉ là một ví dụ của một khuôn mẫu lớn hơn được dệt nên qua toàn bộ kinh nghiệm của con người.

Trong vườn Ê-đen, con rắn bảo đảm với người nữ rằng nếu bà ăn trái cấm, thì “sẽ trở nên giống như Đức Chúa Trời, biết điều thiện, ác.” (Sáng. 3: 5b). Sau đó, “Người nữ thấy trái cây vừa ăn ngon vừa đẹp mắt, lại quý vì mở mang trí khôn,” (c. 6a). Kết quả là, “liền hái và ăn rồi trao cho chồng đang ở đó; chồng cũng ăn nữa.” (c. 6b).

Tóm lại, tổ phụ đầu tiên của chúng ta đã chọn một thứ mà họ biết là Đức Chúa Trời đã cấm (Sáng. 2:17) vì họ muốn đáp ứng một nhu cầu mà họ không tin là Ngài có thể đáp ứng. Từ đó đến nay, đây là bản chất của sự cám dỗ.
Trên tờ Pensees, Blaise Pascal lưu ý: “Tất cả mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc. Không có ngoại lệ. Tuy nhiên khác nhau về phương tiện mà họ sử dụng, tất cả đều nỗ lực hướng tới mục tiêu này.” Ông tin rằng “khao khát” và “bất lực” này cho thấy “đã từng có trong con người một hạnh phúc thực sự, mà tất cả những gì còn lại bây giờ chỉ là dấu vết và sự trống rỗng”.

Sau đó, con người “cố gắng vô vọng để lấp đầy [khoảng trống này] bằng mọi thứ xung quanh mình…mặc dù không gì có thể giúp họ được, vì vực thẳm vô tận này chỉ có thể được lấp đầy bởi một đối tượng vô hạn và bất biến; nói cách khác, bởi chính Chúa.”

Hãy nghĩ về sự cám dỗ cuối cùng mà bạn vừa đối mặt. Kẻ thù không mời bạn tìm kiếm một vật sở hữu hoặc kinh nghiệm mà bạn biết Chúa sẽ không ban cho bạn. Hay kẻ cám dỗ đã không đề xuất một con đường cấm kỵ trong Kinh thánh để đạt được mục tiêu chính đáng?

Trong thời điểm đó, bạn phải quyết định xem có nên tin rằng “không” của Cha bạn tốt hơn là “có” của kẻ cám dỗ. Dưới đây là một cách để điều chỉnh khoảnh khắc đó từ tiêu cực sang tích cực: xem cám dỗ là cơ hội để tin cậy Chúa đáp ứng nhu cầu của bạn theo những cách tốt hơn tội lỗi có thể. Trong những lúc như vậy, việc lượng giá những gì Đức Chúa Trời làm hay không làm sẽ giúp ích cho những gì Ngài đã làm cho chúng ta.

Nếu bạn bị kết án tử nhưng tôi đã phái một trong những người con trai của tôi để chịu chết thay cho bạn, bạn có còn nghi ngờ tình yêu của tôi dành cho bạn không? Phao-lô hỏi: “Đấng thật đã không tiếc chính Con Ngài nhưng đã phó Con ấy vì tất cả chúng ta thì làm sao mà Ngài chẳng ban mọi sự luôn với Con đó cho chúng ta?” (Rô-ma 8:32).

Để đáp lại câu hỏi của vị sứ đồ, Thánh Anphongsô Liguori (1696–1787) nhận xét: “Bằng cách ban cho chúng ta Con Một của Ngài, Đấng mà Ngài đã không tiếc để Chúa có thể chết thay cho chúng ta, Chúa Cha đã ban cho chúng ta ngay lập tức mọi điều tốt lành: ân điển, tình yêu, và thiên đàng: vì tất cả những của trần gian này gom lại chắc chắn sẽ không thể nào so sánh với Con Độc Sinh của Ngài.”

Trong ánh sáng này, anh chị em có tin cậy Cha mình vì mọi điều tốt lành hôm nay không?

Lược dịch: Nguyễn Thị Bảo Hạnh

 

Ngày đăng: 08/10/2022