Vườn Ê đen mới

Người Mẹ Ảnh Hưởng – MS Ngô Việt Tân

Người Mẹ Ảnh Hưởng
An Influence Mother – 2 Ti-mô-thê 1:5

Từ điển tiếng Việt định nghĩa Hiếu là “lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ” (Hoàng Phê, 1992). Trong tiếng Hán, chữ “Hiếu” 孝 được ghép từ một phần của chữ “Lão” 老 ở trên và chữ “Tử” 子 ở dưới. Như vậy, “Hiếu” là mối quan hệ tôn ti giữa cha mẹ và con cái; suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
HIẾU là đức tính đặc trưng của nền văn hóa phương Đông, là nền tảng của đạo lý làm người được diễn tả trong phương châm:
Bách hạnh dĩ HIẾU vi tiên:
Trong một trăm hạnh, HIẾU đứng hàng đầu.
Người Việt nam thường tôn trọng chữ hiếu và mong cho cha mẹ sống lâu gia đình được phước, vì thế họ luôn cầu Trời cho cha mẹ để sống hạnh phúc và vui thỏa.
“Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.
“Con nay tóc bạc da mồi
Nhớ thương cha mẹ trọn đời không nguôi.”
“Mẹ già đầu bạc như tơ,
Lưng đau con đỡ, mắt mờ con nuôi.”
Chịu ảnh hưởng của đạo đức Khổng giáo, Lão giáo nên người Việt nam thường bảo nhau về cách sống cho phải đạo, nhất là đạo làm con, đạo vợ chồng.
Người Việt Nam chúng ta vốn là dân tộc hiếu đễ, tôn trọng luân thường đạo lý, kính trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ nên trong các hình thức văn chương bình dân như ca dao, tục ngữ những vấn đề đạo đức, luân lý cũng được nói đến với tất cả sự đề cao, trân trọng:
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
hoặc:
Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
hay là so sánh:
Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,
Con nuôi mẹ con kể từng ngày.
Hiếu kính cha mẹ nghĩa là bày tỏ lòng kính trọng qua lời nói và hành động và cần có một thái độ kính trọng từ tận sâu tấm lòng đối với địa vị của cha mẹ. Trong tiếng Hi Lạp, từ “hiếu kính” có nghĩa là “kính trọng, yêu quý, và xem trọng.” Hiếu kính là phải thể hiện sự tôn trọng không chỉ vì người đó xứng đáng được tôn trọng, nhưng còn là việc phải tôn trọng địa vị của họ.
Chúa đặc biệt nhấn mạnh chúng ta cần phải hiếu kính cha mẹ của mình. Ngài nhắc đến bổn phận hiếu kính cha mẹ trong Mười Điều răn trong Sách Xuất Ê-díp-tô ký 20:12 chép “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho”.
Và nhắc lại trong Tân Ước: “Hỡi những người làm con, hãy vâng lời cha mẹ mình trong Chúa, vì đây là điều phải lẽ. “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” — ấy là điều răn thứ nhất, có kèm theo lời hứa — “để ngươi được phước và được sống lâu trên đất” (Ê-phê-sô 6:1-3).
Điều răn hiếu kính cha mẹ là điều răn duy nhất trong Kinh Thánh có kèm theo lời hứa được sống lâu trên đất. Những ai hiếu kính cha mẹ mình thì sẽ được ban phước (Giê-rê-mi 35:18-19). Trái lại, những ai có “tâm trí hư hoại” và những người nào hành vi sai trật thì trong ngày cuối cùng sẽ chịu xử phạt vì đã không vâng lời cha mẹ (Rô-ma 1:30; 2 Ti-mô-thê 3:2).
Vua Sa-lô-môn, là người khôn ngoan nhất, cũng thúc giục những đứa con phải luôn hiếu kính cha mẹ (Châm ngôn 1:8; 13:1; 30:17). Dù cho chúng ta không trực tiếp ở dưới quyền của cha mẹ cách lâu dài, nhưng chúng ta cũng không thể vượt qua được điều răn của Chúa trong việc phải hiếu kính cha mẹ. Ngay cả Chúa Giê-su, Con Đức Chúa Trời, cũng vâng phục cha mẹ thuộc thể của Ngài (Lu-ca 2:51) và Cha trên trời của Ngài (Ma-thi-ơ 26:39). Theo ví dụ của Đấng Christ, chúng ta nên đối đãi với cha mẹ như cách chúng ta thuận phục Cha trên trời của chúng ta (Hê-bơ-rơ 12:9; Ma-la-chi 1:6).

1. Tình Yêu Của Mẹ Là Ảnh Hưởng Của Mẹ
(Mother’s Love is her influence)
Chữ “mẹ, má – mother” trong tiếng Hi-bá-lai là “AME” (đọc như “ah-may”) nghĩa là “sự ràng buộc, sự liên kết với gia đình – the bond of the family”. Người mẹ có thể xem như là một lực, chất keo để đem gia đình lại gần nhau, giữ chặt mối thông công mật thiết trong gia đình. Vì thế, khi người mẹ nuôi nấng và chăm sóc con cái mình bằng tình cảm và tình yêu sẽ là một sự ảnh hưởng rất sâu đậm trong cuộc đời và tiềm thức của con cái.
Tình yêu thương mà Kinh Thánh mô tả là tình yêu thương vững bền, có giá trị thuộc linh năng động và chữa lành. Đây là “Tình yêu thương hay nhẫn nại, tình yêu thương nhân từ, không ghen ghét, không khoe khoang, không kiêu ngạo, 5 không khiếm nhã, không tìm tư lợi, không dễ nóng giận, không ghi nhớ việc ác,6 không vui về việc bất chính nhưng chung vui trong sự thật. 7 Tình yêu thương dung thứ mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự.” (1 Cô-rinh-tô 13:4-7).

2. Sự Hi Sinh Của Mẹ Là Ảnh Hưởng Của Mẹ
(Mother’s sacrifice is her influence)
Người mẹ Việt Nam được văn học Việt mô tả qua những bài ca của tình thương con, là những vầng thơ của bao dung và diệu hiền, là những dòng nước ngọt của hy sinh và tình nghĩa. Thứ tình thương và tình nghĩa mà Đào Nguyên mô tả:
“Tình của Mẹ muôn đời khắc mãi Nghĩa sinh thành đó phải lòng ghi Mẹ cho tất cả, nên thì… Đền ơn, đáp nghĩa, đường đi tỏ tường”.
Chữ hiếu, chữ tình, và chữ nghĩa của người con đối với cha mẹ vẫn là tâm tư hoàn thiện và lẽ đạo đức của con người. Tác giả Xuân Hòa diễn đạt chữ “Hiếu” qua bốn câu thơ rất thâm thúy:
“Ơn nghĩa sinh thành tựa núi non Mẹ cha là Thánh của đời con Dù đi xa cách muôn phương ấy Chữ hiếu con đây mãi giữ tròn.”

3. Sự Dạy Dỗ Của Mẹ Là Ảnh Hưởng Của Mẹ (Mother’s Teaching Is Mother’s Influence).
Trong sách Phục truyền 4:9 chép “…hãy giữ lấy ngươi,… lo canh cẩn thận linh hồn mình… phải dạy cho các con và cháu ngươi.” Môi-se khuyên dân sự Y-sơ-ra-ên kính yêu Chúa, chớ quên các điêù răn và ơn phước Ngài ban. “Phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức yêu kính CHÚA, Đức Chúa Trời của anh chị em. 6 Anh chị em phải ghi lòng tạc dạ các điều răn tôi truyền lại cho anh chị em hôm nay. 7 Phải ân cần dạy dỗ con cái những điều này, dạy chúng khi ngồi ở nhà cũng như khi đang đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Phục truyền 6:5-7).
Đức Giê-hô-va đã phán cùng Áp-ra-ham về mạng lệnh dạy dỗ con cháu rằng: “Vì Ta đã chọn Áp-ra-ham để người hướng dẫn con cháu và gia nhân theo người vâng giữ đường lối của CHÚA, làm điều phải và công chính, để CHÚA có thể thực hiện các lời Ngài đã hứa với Áp-raham” (Sáng thế 18:19).
Trong Thánh thi 78:7 ghi lại thơ của A-sáp dạy dỗ dân sự, truyền đạt giao ước, lời của Đức Chúa Trời cho các hậu tự, con cháu họ biết kính sợ mà vâng phục Ngài; “Hầu cho chúng nó để lòng trông cậy Đức Chúa Trời, Không quên những công việc Ngài đã làm Và gìn giữ các điều răn Ngài.”
Chúa Giê-su đã trân quý trẻ con và đã có lần nói: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy” (Ma-thi-ơ 10:14). Ngày nay cũng như trải qua nhiều thời đại, Thiên Chúa luôn mong muốn các bậc cha mẹ “Hãy huấn luyện trẻ thơ con đường chúng nên theo, Để khi về già chúng cũng không đi lạc.” (Châm ngôn 22:6).

4. Lời Cầu Nguyện Của Mẹ Là Ảnh Hưởng Của Mẹ (Mother’s prayer is her influence).
Cố Tổng Thống Ronald Reagan nói rằng “Tôi học được từ mẹ tôi về giá trị của sự cầu nguyện, về những ước mơ và niềm tin để biến nó thànhy hiện thực.” Mục sư C. H. Spurgeon (1834-1892) đã rất ghi nhận công ơn dưỡng dục và tình yêu của người mẹ của ông và tâm tình rằng:
“Tôi không thể diễn tả được hết những điêù mà tôi đã mang ơn những lời trân quý và những lời cầu nguyện của mẹ tôi. Đây là thói quen của mẹ tôi khi chúng tôi còn tuổi thơ ngồi quay quần chung quanh bàn và đọc từng câu Kinh Thánh trong khi mẹ tôi giải thích cho chúng tôi hiểu. Sau đó thì là thời giờ cầu nguyện với Chúa…”

YOUTUBE: MỤC SƯ NGÔ VIỆT TÂN CHANNEL

Ngày đăng: 05/12/2025