Vườn Ê đen mới

Sự kính sợ CHÚA sẽ là kho báu của ngươi – DR. DENISON

 

“Trong 75 năm, Trung tâm kiểm soát & Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và cộng đồng y tế đã chuẩn bị cho COVID-19, và trong thời điểm quan trọng này, hiệu suất của chúng tôi đã không đáp ứng được kỳ vọng một cách đáng tin cậy.” Với tuyên bố này, Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC, hôm qua đã công bố một “thiết lập lại” sẽ tập trung vào việc làm cho tổ chức đáp ứng nhanh hơn với các mối đe dọa sức khỏe mới. Bà muốn có một nền văn hóa mới “nhấn mạnh trách nhiệm giải trình, sự hợp tác, thông tin, và tính kịp thời.”

Dr. Walensky nên bắt đầu với việc đầu tiên, trách nhiệm giải trình. Văn sĩ người Mỹ thời thuộc địa là Thomas Paine đã đúng: “Một nhóm người không tự chịu trách nhiệm trước bất cứ ai thì không bất cứ ai nên tin cậy họ.”

Tỷ như vụ bê bối giáo sĩ lạm dụng đã làm rung chuyển giáo hội Báp-tít Nam Phương (SBC) tiếp tục gây xôn xao với các báo cáo gần đây rằng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ “đã bắt đầu một cuộc điều tra” đối với giáo hội. SBC và các nhân viên của họ đã cam kết hợp tác với cuộc điều tra. Và hội thánh Hillsong, một trong những hội thánh lớn nhất thế giới, đang bị một người tố giác kiện hội thánh cực vỉ đại này đã chuyển hàng triệu đô la tiền thanh toán thông qua các tổ chức ở nước ngoài để tránh sự giám sát của cơ quan quản lý từ thiện của Úc Đại Lợi.

Nền văn hóa của chúng ta càng ít tin tưởng vào đạo đức khách quan, chúng ta càng cần người khác giúp chúng ta lựa chọn để trở thành đạo đức. Tuy nhiên, những người phải chịu trách nhiệm với chúng ta cũng là những người sa ngã, những người cần phải tự chịu trách nhiệm. Và văn hóa chính trị có sức lan tỏa toàn diện của chúng ta đang làm vấn đề thêm trầm trọng.

Nhà thần học người Đức Wolfhart Pannenberg nhận xét, “Ý tưởng về dân chủ có nhiều chức năng của tôn giáo chính trị hơn là một mô tả về thực tế chính trị.” Ông chỉ ra những xung đột hàng thế kỷ giữa người Tin lành và Công giáo và giữa người Tin lành với người Tin lành, sự thù địch đã thuyết phục xã hội phương Tây rằng sự thống nhất văn hóa không thể dựa trên sự thống nhất tôn giáo. Vì vậy, chúng ta thánh hóa tôn giáo thế tục, đầu tư vào các đảng phái chính trị và các nhà lãnh đạo của họ.

Cả hai bên đều làm điều này, mỗi bên khăng khăng trung thành với học thuyết của đảng mình và cho rằng bên kia vô đạo đức và không trung thực hơn những người Mỹ khác.

Tuy nhiên, như Pannenberg lưu ý, việc thay thế tôn giáo bằng chính trị dẫn đến “sự giải phóng trật tự chính trị khỏi mối quan hệ của nó với Cơ đốc giáo.” Trật tự thể chế và đạo đức truyền thống mất đi tính hợp pháp. Quyền tự chủ của cá nhân được củng cố với tư cách là người tiêu thụ hơn là một tín hữu.

Quyền tự quyết như vậy thể hiện bản chất của thân phận con người sa ngã: “ý chí quyền lực” trở thành thần tượng của chúng ta (Sáng thế ký 3: 5). Đồng thời, nó đáp ứng nhu cầu cộng đồng bằng cách đoàn kết chúng ta với những người có cùng chí hướng, những người tin chắc về lẽ phải của chúng ta và về sự vô luân của đối thủ.
Trước giả Thi-thiên ghi nhận, “Phước cho những người đường lối mình không có gì đáng trách; Sống theo kinh luật của CHÚA“ (Thi-thiên 119: 1). Nhận xét về câu kinh thánh này, Billy Graham viết: “Những lời này từ ngòi bút của trước giả Thi thiên thể hiện một quan điểm sống hoàn toàn trái ngược với những gì thế giới xung quanh chúng ta quảng bá — thông qua quảng cáo, phương tiện truyền thông, giải trí, thậm chí cả lối sống của những người giàu có và nổi tiếng.
“Hãy sống cho chính mình,” thế giới tuyên bố. ‘Chúc bạn có một khoảng thời gian vui vẻ; tận hưởng những cảm xúc của bạn; theo đuổi mọi thú vui; phấn đấu để thành công. Và nếu bạn làm như vậy, ‘những giọng nói này thêm vào,’ thì bạn sẽ hạnh phúc và được phước.'”

Làm thế nào để điều này diễn ra? Mục sư Tiến sĩ Graham, người đã từng quen biết với nhiều tổng thống Hoa Kỳ và một số nhân vật nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, đã trả lời: “Một số người khốn khổ nhất mà tôi từng biết lại rất thành công trong mắt thế giới. Nhưng bên trong họ là sự bất an và tâm linh trống rỗng.”

Sau đó, ông đặt vấn đề, “Bạn đã rơi vào cái bẫy của thế giới, theo đuổi những mục tiêu buông thả và bị thúc đẩy bởi những động cơ tự cho mình là trung tâm của nó?” Ông cảnh báo, “Nó có thể xảy ra mà bạn thậm chí không nhận thức được nó.” Giải pháp của ông: “Hãy chắc chắn rằng Đấng Christ ở trên hết trong cuộc đời bạn và biến nó thành mục tiêu của bạn để sống theo lời Ngài.”

Chúng ta hãy tập trung vào mệnh lệnh Kinh Thánh, “Vậy thì, hoặc ăn, hoặc uống hay làm gì hãy vì vinh quang của Chúa mà làm.” (1 Cô-rinh-tô 10:31). Khi định hướng cuộc sống của mình xung quanh chiều dọc, chúng ta sẽ được Chúa Thánh Linh sử dụng để biến đổi chiều ngang.

Trong blog mới nhất của vợ tôi, Janet đã chỉ ra lời hứa của Ê-sai 33: 5-6: “CHÚA được tôn cao vì Ngài ngự trên cao. Ngài làm cho Si-ôn đầy dẫy công bình và công chính. Ngài sẽ là sự bền vững cho thời đại các ngươi; Sự cứu rỗi, khôn ngoan, và tri thức sẽ đầy dẫy. Sự kính sợ CHÚA sẽ là kho báu của ngươi.” Việc tôn vinh Đức Chúa Trời là chìa khóa để trải nghiệm “sự công bình và công chính” của Ngài và sự “bền vững” mà chỉ Ngài mới có thể mang lại.

Để kết thúc, Janet lưu ý, “Chúa Thánh Linh là sự hiện diện và quyền năng của Đức Chúa Trời trong cuộc sống của chúng ta. Những ai ‘bước đi trong Thánh Linh’ sẽ mang Đức Chúa Trời vào mọi căn phòng họ bước vào.”

Sau đó, bà hỏi, “Căn phòng có cảm nhận được sự bền vững của Chúa khi bạn bước vào không?”… Ngôi nhà và tấm lòng của Anh chị em có tràn đầy sự bền vững của Đức Chúa Trời không?” Nếu không, tai sao không?

Lược dịch: Nguyễn Thị Bảo Hạnh

Ngày đăng: 08/22/2022