Vườn Ê đen mới

SỨ MẠNG CẤP THIẾT CỦA HỘI THÁNH CHÚA NGÀY NAY – Mục sư Văn Lê

Kinh thánh nền tảng: “Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin-lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục; đặng rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va, và ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta; đặng yên ủi mọi kẻ buồn rầu; đặng ban mão hoa cho lẻ buồn rầu ở Si-ôn thay vì tro bụi, ban dầu vui mừng thay vì tang chế, ban áo ngợi khen thay vì lòng nặng nề; hầu cho những kẻ ấy được xưng là cây của sự công bình, là cây Đức Giê-hô-va đã trồng để được vinh hiển” (Êsai 61: 1-3).

Kính chào quý ông bà anh chị em trong tình yêu của Cứu Chúa Jesus. Để mở đầu cho Năm Mới Âm Lịch Quý Tỵ này; tôi xin kính gửi đến quý vị và các bạn những thôi thúc trong lòng tôi bởi Thánh Linh Chúa. Thật sự trong những ngày đầu Năm Mới này, tôi chưa biết rõ ràng về ý định của Chúa muốn chúng tôi làm ghì cho Ngài vui lòng và nằm trong kế hoạch của Chúa? Tuy nhiên, tình cờ tôi nhận được những emails của một nhà xuất bản sách có tên DGE do bà Esther R Rodriguez phụ trách. Vừa bất ngờ, vừa vui mừng, vì tôi tin rằng đây là tín hiệu mà Chúa báo cho biết những việc cần làm trong Năm Mới này?

Trước hết phải đầu tư thêm nhiều, về sự rao giảng Phúc Âm cho người chưa được cứu qua phương tiện truyền thông. Thứ đến, là cho ra đời cuốn sách mà tôi đã đặt hết tâm huyết đã viết xong cách đây mười năm. Cuốn sách ghi lại tất cả những phép lạ mà Chúa đã bày tỏ qua bản thân và gia đình chúng tôi trong suốt 45 năm qua. Vào một đêm trước giờ tĩnh nguyện chúng tôi thường chọn một phân đoạn Kinh Thánh để làm nền tảng. Bất chợt phân đoạn Kinh Thánh Ê-sai 61 đang mở ra ở trên bàn. Khi đọc qua, lòng tôi tràn ngập một niềm vui khó tả! Phân đoạn Kinh Thánh này, tôi đã gạch dưới màu vàng và đỏ để ghi nhớ. Xin mời quý vị và các bạn cùng tôi suy gẫm những gì mà Chúa muốn dạy dỗ và truyền tải một mệnh lệnh; mà chúng ta phải thực hành trong Năm Mới này. Chúng ta sẽ lần lượt đi qua những phần sau đây:
• Sách tiên tri Ê-sai đã ứng nghiệm trong thời Chúa Jesus
• Đại mạng lệnh của Chúa Jesus trước khi Ngài về Trời
• Những thách thức và khó khăn trong việc chứng đạo ngày nay

I. Phần thứ nhất: Sách tiên tri Ê-sai đã ứng nghiệm trong thời Chúa Jesus
Tiên tri Ê-sai, tên của ông có nghĩa là “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”, được biết đến nhiều nhất vì ông đã viết cuốn sách mang tên mình trong Kinh Thánh Cựu Ước. Các sách của ông đặc biệt quan trọng đối với những lời tiên tri ông chỉ ra về sự đến của Đấng Mê-si, hàng trăm năm trước khi Chúa Giê-su giáng sinh (Ê-sai 7:14; 9:1-7, 11:2-4; 53:4-7, 9, 12). Ma-thi-ơ đã trích dẫn lời trong sách Ê-sai khi mô tả chức vụ của Giăng Báp-tít (Ma-thi-ơ 3:3; Ê-sai 40:3), và khi Chúa Giê-su dời đến vùng Ga-li-lê để bắt đầu chức vụ của Ngài, lời tiên tri của Ê-sai đã được ứng nghiệm (Ma-thi-ơ 4:13-16; Ê-sai 9:1-2 ). Chúa Giê-su đã trích dẫn lời tiên tri của Ê-sai khi kể các chuyện ngụ ngôn (Ê-sai 6:9; Ma-thi-ơ 13:14-15), và sứ đồ Phao-lô cũng nhắc đến lời tiên tri tương tự khi ông ở Rô-ma (Công vụ 28:26-27). Khi Chúa Giê-su đọc sách Ê-sai (Ê-sai 61:1-2) trong nhà hội ở Na-xa-rét, Ngài đã khiến nhiều người Do Thái kinh ngạc khi tuyên bố lời tiên tri được ứng nghiệm nơi Ngài (Lu-ca 4:16-21). Điều thú vị cần lưu ý là các sách Phúc âm trích dẫn nhiều từ các bài viết của Ê-sai hơn bất kỳ nhà tiên tri nào khác của thời Cựu Ước.

Khi xem xét tấm lòng của một người, chúng ta có thể biết được người đó là người như thế nào, và Chúa Giê-su đã nói rằng chính từ trong lòng mà người ta mới nói ra (Ma-thi-ơ 12:34). Chính từ những bài viết của Ê-sai mà chúng ta học được về lòng trung tín kiên định và sự khiêm nhường hoàn toàn của ông trước mặt Đức Chúa Trời. Ông cũng được triều đình của Vua Ê-xê-chia và những người đồng lứa rất kính trọng, điều này thể hiện rõ trong thời kỳ khủng hoảng. Một số tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và thơ ca vĩ đại nhất thế giới đã đến từ những người đồng đi với Đức Chúa Trời, và chúng ta có thể kể đến Ê-sai trong số họ. Khả năng hiểu ngôn ngữ Hê-bơ-rơ của ông được ví như khả năng hiểu tiếng Anh của Shakespeare, như chúng ta đọc thấy trong sách Ê-sai những viết lách hay nhất trong Kinh thánh. Mặc dù sách Ê-sai đã được viết cách đây hơn 2,500 năm, nhưng cũng rất đáng để đọc hết sách, vì trong đó chúng ta thấy nhiều sự khôn ngoan vẫn còn áp dụng cho đời sống Cơ Đốc nhân của chúng ta ngày nay.

Có vẻ như Ê-sai là một người rất kín đáo. Khi gặp mặt trực tiếp một số diễn giả nổi tiếng ngày nay, chúng ta có thể thất vọng khi thấy họ có vẻ hơi xa cách. Tuy nhiên, như với Ê-sai, chúng ta có thể biết rằng chức vụ của họ chỉ nhằm hướng người ta đến với Đức Chúa Trời, chứ không phải đến với chính họ. Và bất chấp sự dè dặt của mình, sự nổi bật của Ê-sai là ở sự tác động của chức vụ ông đối với dân sự. Trong những ngày sau rốt này, chúng ta cần phải làm cho mọi lời mình nói đều có giá trị đối với Vương quốc của Chúa. Và từ lối sống của Ê-sai, chúng ta học được rằng, khi Đức Chúa Trời hoàn thành một phần kế hoạch của Ngài qua chúng ta, thì chúng ta cần đảm bảo rằng mọi sự vinh hiển thuộc về Ngài. (1)

Qua phần Kinh Thánh trích dẫn trên, chúng ta có thể nhận thấy Đức Chúa Trời dùng Ê-sai để loan báo lời tiên tri trong chương trình cứu rỗi của Ngài. Điều đó xảy ra trong thời Cựu ước; nhưng đã ứng nghiệm trong Tân Ước; khi chính Chúa Jesus mang tin-lành đến cho dân tộc Do Thái.
“ Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta đặng giảng Tin Lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai ta đến rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục; đặng rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va và ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta, đặng yên ủi mọi kẻ buồn rầu; đặng ban mão hoa cho kẻ buồn rầu ở Si-ôn thay vì tro bụi, ban dầu vui mừng thay vì tang chế, ban áo ngợi khen thay vì lòng nặng nề, hầu cho những kẻ ấy được xưng là cây của sự công bình, là cây Đức Giê-hô-va đã trồng để được vinh hiển” ( Esai 61: 1-3).

Chúng ta dâng lời tạ ơn Đức Chúa Trời; vì Ngài đã dùng tiên tri Ê-sai loan báo tin mừng này. Điều đó đã hoàn toàn ứng nghiệm và không ai có thể phủ nhận hay chối cải được. Câu hỏi thách thức cho mỗi con dân Chúa hôm nay nói chung; và những vị được Chúa giao cho trách nhiệm chăn bầy chiên của Ngài; cũng như những người đã nhận lãnh chức vụ giáo sĩ hay truyền giáo, chúng ta sẽ phải làm gì để noi gương Chúa Jesus đặng rao tin-lành cho muôn dân theo Đại Mạng Lịnh của Chúa Jesus trước khi Ngài về Trời ? (Ma-thi-ơ 28:19).

II. Đại mạng lệnh của Chúa Jesus trước khi Ngài về Trời
Trước khi về Trời, Chúa Jesus đã phán: Vậy hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép Báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết các mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế ( Ma-thi-ơ 28: 19).

Là con dân của Chúa, tôi nghĩ rằng hầu hết ai cũng biết đến Đại mạng lệnh này. Bởi lẽ nhiều tôi tớ Chúa đã nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong các bài chia sẻ vào những ngày Chúa nhật. Đồng thời quý vị và các bạn cũng phải học qua các lớp Kinh Thánh Trường Chúa nhật. Chính vì vậy, việc thực hành Đại mạng lệnh của Chúa la ưu tiên số một trong nếp sống tin kính của mỗi tín đồ. Nhưng muốn thực hành được Đại mạng lệnh này, chúng ta tưởng cũng phải nắm được chân lý quan trọng của đức tin. Tin Chúa để được điều gì mà phải rao báo cho những người khác? Phải chăng để được giàu có, nhận được sự tiếp trợ tiền bạc, thức ăn, được mặc áo quần sang trọng đẹp đẽ vào mỗi ngày Chúa Nhật, vv…?
Tôi tin rằng câu trả lời không phải như vậy. Cho nên, con dân Chúa cần phải nắm rõ được mục đích của việc Tin Chúa trước khi thi hành Đại mạng lệnh của Ngài. Trước hết và quan trọng hơn cả, đó là SỰ CỨU RỖI LINH HỒN. Trong kinh nghiệm của sự cứu rỗi, chúng ta cần phải nắm chắc những điều sau đây:
• Bước ra khỏi đời sống tội lỗi: Ý thức được những gì chúng ta đã sống, suy nghĩ, hành động, lời nói của chúng ta không phù hợp với sự răn dạy của Lời Chúa.
• Bước ra khỏi quyền lực của thế giới tối tăm: Thế giới tối tăm do ma quỷ sai khiến và dẫn dụ. Chúng gieo rắc vào đầu óc của chúng ta những suy nghĩ tà vạy, bất khiết, không xứng hợp cho một đời sống tin kính Chúa. Cụ thể như những ham muốn xác thịt, tà dâm, gian dối, trộm cắp, khoe khoang, tham lam, kiêu ngạo, lạnh lùng vô cảm trước những người nghèo khổ đáng thương, vv…
• Bắt đầu một cuộc sống mới: Nhờ cậy sức Chúa và sự răn dạy từ Kinh Thánh, quyết tâm từ bỏ đời sống buông thả của quá khứ, quyết tâm sống theo sự dạy dỗ của Lời Ngài. Mặc lấy con người mới sống trong sự khiêm nhường, nhịn nhục, yêu thương, bình an, hy vọng, được trồng trong nhà của Chúa và lớn lên trong quyền năng của Đức Thánh Linh. Tất cả những kinh nghiệm đó đều dựa trên quyền năng biến đổi của Chúa; chứ không phải sức của con người. (2)

Ngoài những kiến thức căn bản về sự cứu rỗi, chúng ta cũng cần chia sẻ cho bạn bè thân hữu về những giá trị cốt lõi về Tình Yêu và sự Tha Thứ của Đức Chúa Trời, qua huyết vô tội của Cứu Chúa Jesus đã đổ ra trên thập tự giá. Chúng ta cũng cần cung cấp cho họ niềm tin và hy vọng qua những lời chứng của chính đời sống mình. Kinh nghiệm tái sinh về những người sau khi gặp Chúa là những bằng chứng mà người ngoại muốn nghe. Trước hết, chúng ta có thể kể lại những thay đổi của bản thân mình trước và sau khi tin Chúa. Những thói hư, tật xấu, tham tiền, kiêu ngạo, nói đối, yêu đương tự do và thoải mái…Và sau khi tin Chúa, chúng ta rất sợ tội lỗi, không dám làm những việc vấp phạm điều răn Chúa. Chú ý một điều quan trọng đừng bao giờ nói với người tin Chúa rằng, trước khi tin Chúa bản thân nghèo khó, thiếu ăn. Sau khi tin Chúa, trở nên giàu có, dư ăn, dư để. Điều đó cho dù là sự thật đã và đang xảy ra cho nhiều người. Bởi lẽ Chúa là Đấng chu cấp mọi nhu cầu cho con dân Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta gợi mở cho người ngoại rằng tin Chúa để được giải thoát sự nghèo khó; thì e rằng người ta tin Chúa chỉ vì nhu cầu vật chất, và đi lạc hướng trong mục đích tin Chúa của mình. Tôi có làm chứng cho một người cháu họ bên vợ về đức tin qua mạng xã hội. Sau một thời gian cháu đọc nhiều bài chia sẻ của chúng tôi qua chương trình phát thanh Tin Lành; cháu nhắn tin cho tôi giúp cháu đến nhà thờ để tin Chúa. Tôi chờ đợi mãi mấy lần vẫn không thấy bóng dáng của cháu vì nhiều lý do khác nhau. Cuối cùng tôi thấy cháu đặt bàn thờ cúng lạy nhân ngày Tết, và cháu ghi nốt rằng: “Hễ đấng nào ban phước cho con làm ăn khấm khá, thì con sẽ cúng kiếng thịnh soạn.” Tôi chợt hiểu ra rằng cháu muốn đến nhà thờ là để tìm kiếm tiền bạc chứ không phải vì sự cứu rỗi linh hồn. Đó là kinh nghiệm sai lệch của những người đi ra chứng đạo. Bản thân tôi cũng rút ra từ bài học này. Khi về quê hương thăm bà con và mấy đứa cháu ruột thịt. Tôi hăm hở nắm bàn tay của các cháu nhiều đêm để cầu nguyện tạ ơn Chúa vì sự hội ngộ sau hơn mười mấy năm xa cách. Tôi dâng Lời tạ ơn Chúa trong nước mắt, và lòng tôi rộng mở rút hầu bao ra phát quà Tết cho các cháu. Các cháu vui mừng nhảy nhót vì có tiền tiêu Tết thoải mái; và có điều kiện để sinh sống cho những ngày sau Tết. Lòng tôi tràn ngập niềm vui vì đã giúp cho các cháu gần gũi với Kinh Thánh và sự nhờ cậy Chúa.

Sau khi trở lại Mỹ, tôi được tin các cháu không còn đến nhà thờ nữa. Lâu lâu chỉ có một cháu còn cầu nguyện với tôi qua mạng xã hội. Tất cả đều biến mất! Tôi nhịn tiền tiêu cho chuyến đi; mua cho chiếc xe máy để chạy xe ôm kiếm sống qua ngày; cũng đem đi cá độ! Bài học ở đây mà mỗi chúng ta phai ghi nhớ: Đừng bao giờ gây cớ cho người ta vấp phạm khi tin Chúa chỉ vì “tiền” và “ sự giúp đỡ vật chất.” Nhưng, phải nói rõ cho người ta biết rằng: Tin Chúa là vì muốn được làm con cái của Ngài, được Chúa tha thứ tội lỗi, thay đổi đời sống cũ, mặc lấy con người mới; và thoát khỏi lửa địa ngục.

III. Những thách thức và khó khăn trong việc chứng đạo giữa thời buổi hôm nay
Có thể nói rằng điều này không sai với hầu hết các Hội Thánh Việt Nam ở hải ngoại. Lý do là vì con người quá tất bật với sự mưu sinh. Con dân Chúa có rất ít thì giờ để đi ra chứng đạo. Vả lại, chúng ta không dễ dàng đến gõ cửa từng nhà để làm chứng và mời gọi người ta đến nhà thờ để nghe Tin Lành! Hầu hết các Hội Thánh của người địa phương cũng không ngoại lệ. Có thể quý vị và các bạn sẽ đặt ra câu hỏi này: Tại sao ở hải ngoại, đặc biệt là nước Mỹ được hoàn toàn tự do sinh hoạt và truyền bá Tin lành, tại sao công việc chứng đạo lại khó khăn và hầu như kết quả không có gì đáng nói! Hầu hết các Hội Thánh địa phương chỉ thực hiện sự thờ phượng Chúa vào những ngày Chúa nhật, thì giờ còn lại dành cho các lớp Trường Chúa nhật. Còn công tác truyền giảng và chứng đạo dường như làm qua loa cho có lệ, ít khi quan tấm vào đầu tư cho SỨ MẠNG này!

Tuy nhiên, không phải vì cớ đó mà chúng ta cứ mặc kệ buông trôi. Khi có những chương trình ca nhạc của Paris By Night, và có những ca sĩ nổi tiếng thì vô số người tham dự cho dù phải mua vé rất đắt tiền. Là những tôi tớ Chúa được Ngài giao cho chức vụ quản nhiệm Hội Thánh của Ngài, chúng ta không thể sống mặc kệ buông trôi. Chúng ta hãy cùng nhau kết nối với những anh đồng tâm tình; tìm mọi cách để thu hút người ngoại cho những chương trình chứng đạo và truyền giảng. Trước hết, chúng ta phải sống với khải tượng và quỳ gối kêu xin Chúa, để Ngài bày tỏ và dẫn dắt. Bằng mọi cách để chúng ta có cơ hội rao giảng Phúc Âm và đem người về cho Chúa.

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế .” (Ma-thi-ơ 28: 19-20)
Vai trò của Hội Thánh là phải có ảnh hưởng tốt đặc biệt, lan toả cho cộng đồng và xã hội. Hội Thánh không phải là nơi chỉ thờ phượng Chúa không thôi, mà còn phải thực hiện ĐẠI MẠNG LỆNH của Chúa Jesus trước khi Ngài thăng thiên.
Muốn làm được công việc đó, tất nhiên con dân Chúa phải được trang bị Lời Chúa vững vàng, học chứng đạo pháp, cùng với sự cầu nguyện bền bỉ, phải đầy dẫy Đức Thánh Linh mới có thể chinh phục được những linh hồn đem về cho Chúa.
Chính vì vậy, vai trò lãnh đạo của Mục sư quản nhiệm vô cùng quan trọng. Truớc hết, ông phải là người được Chúa kêu gọi và chọn lựa vào chức vụ chăn bầy. Ông đuợc Chúa ban cho kiến thức và ân tứ lãnh đạo. Ông yêu mến bầy chiên, quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng cho bầy chiên được lớn lên trong đời sống đức tin.
Ông phải có khải tượng cho Hội Thánh, và sau đó là kế hoạch phát triển Hội Thánh từng giai đoạn trong nhiều năm, từng quý một cách rõ ràng và cụ thể. Khải tượng và kế hoạch cần phải được trình bày cho Ban Chấp hành trước, rồi đến con dân Chúa trước Hội Thánh, để nghe ý kiến chung của nhiều người. Một khi con dân Chúa đồng tình với khải tượng và kế hoạch thì Hội Thánh cần tổ chức nhiều buổi cầu nguyện để xin Đức Thánh Linh dẫn dắt.

Hội Thánh trong giai đoạn cuối rốt này, sứ mạng đưa dắt những người chưa tin Chúa có cơ hội đến với Ngài là cấp bách. Hội Thánh không phải là nơi để con dân Chúa chỉ thoả mãn sự phước hạnh riêng tư cho bản thân và gia đình mình. Vai trò của người lãnh đạo Hội Thánh là phải đầu tư và suy nghĩ cách để phát triển Hội Thánh, hoàn thành ĐẠI MẠNG LỆNH Chúa Jesus đã giao phó.

Mục sư Quản nhiệm phải được mặc lấy UY QUYỀN LÃNH ĐẠO THUỘC LINH, không nhu nhược đến nỗi để cho con cái Chúa sống tự do theo bản ngã xác thịt, sống như người ngoại đạo. Khiêm nhường là đức tính cần thiết cho người chăn bầy; nhưng khiêm nhường không có nghĩa là quá nhu nhược chìu theo bản tính tự do của những người mang danh là tín đồ, nhưng chưa được tái sanh.

Người lãnh đạo cần có cái nhìn nhạy bén và khích lệ, tạo cơ hội cho những người có tấm lòng và ân tứ muốn phục sư Chúa theo nhu cầu của Hội Thánh. Mục sư Quản nhiệm luôn có tấm lòng rộng mở, biết trọng dụng nhân tài, sẵn sàng mời gọi và hợp tác với những nhân tố có khả năng và ân tứ. Không nên e ngại về chỗ đứng của mình mà hạn chế và ngăn trở công việc Chúa chung. Mỗi bàn tay cộng lại góp sức với nhau sẽ làm nên những việc phi thường. Làm đuợc như vậy thì Hội Thánh sẽ KHÔNG GIẬM CHÂN TẠI CHỖ.
“Nếu ai hầu việc ta, ắt Cha ta tôn quý người.” (Giăng 12: 26b)

Cầu xin Chúa Thánh Linh dẫn dắt và kết nối chúng ta lại với nhau trong tình yêu thương. Cầu xin Chúa ban phước cho tất cả chúng ta hoàn thành sứ mạng Chuá giao trong thời kỳ cuối rốt này, amen!

Mục sư Văn Lê
Hội Thánh Công Vụ Các Sứ Đồ, San Diego, California
(Acts Church in San Diego, CA)
________________________________
(1) Gotquestion.org
(2) Dựa theo ý chính của một tài liệu chứng đạo không tìm thấy tên tác giả

Ngày đăng: 03/08/2025