Vườn Ê đen mới
Tản mạn xung quanh ngày lễ VALENTINE – Hồ Galilê
Valentine’s Day được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 hằng năm, là cơ hội để những đôi tình nhân thể hiện cảm xúc, đồng thời và củng cố mối quan hệ thông qua việc trao nhau những lời chúc yêu thương, quà tặng ý nghĩa và những hành động lãng mạn. Ý nghĩa ngày Valentine không chỉ giới hạn trong khía cạnh tình yêu lãng mạn, mà còn liên quan đến nhiều giá trị văn hóa và xã hội khác nhau. Đây cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn với sự chung thủy của người mình yêu thương và cùng sẻ chia những giây phút ý nghĩa, lãng mạn hiếm thấy trong cuộc sống thường ngày.
Nếu mở tự điển Việt Nam chúng ta sẽ gặp ngay định nghĩa từ ngữ YÊU theo nhiều nghĩa:
– Yêu là quyến luyến nhớ thương nhiều
– Yêu là đòi hỏi, là yêu cầu.
– Yêu là một loại ma quỉ v.v…
Xuân Diệu được mệnh danh là ông hoàng trong thơ tình, trong bài “Vì sao” tặng Đoàn Phú Thứ có câu:
Đố ai cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu….
Thi sĩ Hàn Mặc Tử thì đổ cho trời, trong bài “Đà Lạt trăng mờ”:
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu…
Hồi còn học phổ thông, tôi rất thích mấy câu ca dao:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Có lượm thì cho anh xin
Hay là em giữ làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa cưới, mẹ già chưa khâu…
Mượn chuyện cái áo bỏ quên, không biết có bỏ quên thật hay không, mà nếu bỏ quên thì cố ý hay vô tình (?) rồi lấy đó làm duyên cớ tỏ tình và cũng cho biết gia cảnh mình chưa có vợ. Người con gái chưa yêu nào đó, nghe qua cách tỏ tình nầy sẽ vướng víu một chút cảm mến, vì vẻ hiền lành chân thật đó.
Trong tất cả các loại bệnh, bệnh ái tình là bệnh khó chữa nhất, nên nhà thơ Nguyễn Bình có viết:
Chao ôi! Yêu có Ông Trời cứu
Yêu có Ông Trời trói được chân.
Cũng thi sĩ Nguyễn Bính trong bài “Cô lái đò”:
Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông…
Chúng ta cùng trở lại với Tình yêu Cơ-đốc, nhân ngày Valentine 14/02 hằng năm, để chiêm nghiệm và chứng quyết Tình yêu của Chúa, rồi từ đó chúng ta mới có Tình yêu lứa đôi bước đi cách đẹp lòng Ngài.
Tình yêu Cơ-đốc là một điều rất mới, nên các nhà văn Cơ-đốc đã chế tác ra từ mới hay ít ra cũng dùng từ ngữ Hy-lạp ít dùng đó là Agape:
1- Yêu nam nữ liên quan đến tình dục “Eros”
2- Yêu Pilia: Tình yêu đồng ấm giữa hai người gần gũi gắn bó.
3- Tình yêu đặc biệt trong gia đình “Sioger”
4- Tình yêu Agape: Sự thương xót – Lòng nhân từ.
Chúng ta sử dụng Agape với một người, dù người ấy có xấu xa hãm hại làm thương tổn ta, nhưng ta vẫn cứ tử tế, điều nầy chứng tỏ tình yêu Agape. Không phải là cảm xúc thương hại, mà là tình yêu trí tuệ và ý chí, lúc nào cũng có thiện chí tốt, Agape giúp Cơ đốc nhân không cảm thấy cay đắng và không ý thức trả thù, luôn luôn tìm kiếm một sự tốt đẹp nhất cho mọi người.
A- Yêu nhau là dấu hiệu chúng ta được Chúa cứu, được sanh lại bởi Đức Chúa Trời. IGiăng 3:4 – 4:7
B- Yêu nhau là dấu hiệu Đức Chúa Trời ngự trong lòng chúng ta. IGiăng 4:12
C- Yêu nhau là dấu hiệu chúng ta yêu Chúa.
D- Yêu nhau là dấu hiệu chúng ta là môn đồ của Chúa.
Chúa cũng bảo chúng ta yêu kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ… Đức Chúa Trời khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng người công bình, làm mưa cho kẻ công bình cùng người gian ác. Yêu người yêu mình, yêu người đáng yêu, thì ai cũng yêu được, song yêu người ghét mình, yêu người không đáng yêu, mới là tình yêu, vì đó là tình yêu Chúa, Ngài đã yêu chúng ta như vậy. Ma-thi-ơ 5:43.
Nếu vì lý do nào đó, mặt trời không soi rọi những tia nắng ấm lên quả đất nầy, chắc chẳng bao lâu, tất cả sinh vật, kể cả loài người đều chết cóng. Có người bảo tình yêu Thiên Chúa ban cho con người để thương yêu nhau. Nơi đâu thiếu sự yêu thương, nơi đó sinh ra lộn xộn. Nhìn vào thế giới chúng ta đang sống, chắc hẵn chúng ta cũng nhận thấy tình yêu thương đang héo úa dần, nên bất an, loạn lạc, chiến tranh ngày càng gia tăng… kể cả cuộc chiến thuộc linh với thế giới tà linh ma quỷ, cuộc chiến tranh giành ngôi vị chức tước, cuộc chiến của xác thịt và tâm linh.
Kinh Thánh là lá thư tình yêu Thiên Chúa gửi cho con người, trong đó Ngài bày tỏ Ngài muốn yêu thương (Đức Chúa Trời là sự yêu thương)IGiăng 4:9 và phương cách để đưa con người sống trong nguồn yêu thương ấy. Câu chuyện người Sa-ma-ri nhơn lành ở Lu-ca 10:25-37 đã nói lên tất cả tình yêu giữa người với người, để thể hiện tình yêu của người Sa-ma-ri một dân tạp chủng, người bị dân Do Thái khinh bỉ, nhưng ông ta đã làm một việc thật là tình người. Yêu đồng loại, yêu kẻ đang lâm nạn, yêu người ghét mình, tình yêu ấy mà Chúa Jêsus dùng để trả lời cho Thầy dạy luật hỏi “Ai là là kẻ lân cận tôi?”.Ma-thi-ơ 19:20-21 – Mác 10:20-21 & Lu-ca 18:21-22
Tôi rất tâm đắc câu chuyện tình Jacop và nàng Rachen trong Kinh Thánh:
– Trở lại tình yêu của Gia-cốp với Ra-chên là bản tình ca tuyệt vời, dù Ra-chên có trải qua những ngày đen tối, sầu thảm, những rẻ khinh khi bị son sẻ, nhưng Gia-cốp vẫn yêu thương nàng. Luật Do Thái ngày xưa, nếu vợ là người đàn bà son sẻ, không sinh được con, thường hay bị khinh rẻ mĩa mai, thì người đàn ông có quyền lấy vợ khác. Chuyện Gia-cốp chúng ta liên tưởng đến Ên-ca-na người Ép-ra-im dâng tế lễ hằng năm trên đền thờ, ông vẫn chia phần cho An-ne là người vợ ông bị son sẻ được một phần gấp hai, vì người thương yêu nàng. Ông vẫn chia phần của lễ cho người vợ nữa là Phi-nê-a, và các con của bà, gia đình rất hạnh phúc, được chép ở sách ISa-mu-ên 1:4. Chúa thương xót Ên-ca-na và cho nàng thọ thai để sanh ra tiên tri Sa-mu-ên là thầy tế lễ xức dầu cho Đa-vít thay cho Sau-lơ làm vua nước Do Thái, đây là vị vua thứ hai cai trị nước Do Thái trước Chúa giáng sinh khoảng 900 năm, một thời kỳ hoàng kim của tuyển dân Đức Chúa Trời. Tạ ơn Thiên Chúa, trong ơn thần hựu của Ngài, cho đến thời điểm, Đức Chúa Trời đoái đến và cho nàng sinh ra Giô-sép… tên Giô-sép lại một lần nữa nói lên sự thương của Chúa, vì nàng đã rửa đi sự hổ nhục vì son sẻ, Chúa cho thêm và còn thêm hơn nữa là một chàng Bên-gia-min hiền lành, rồi nàng an nghỉ sau khi sinh nhọc nhằn trên dọc đường trong cuộc trình trở về cố hương xứ Ca-na-an.
Chúng ta muốn nhớ tên 12 người con trai của Gia-cốp vì cả nước Y-sơ-ra-ên từ họ mà ra. Thật thế, 12 chi phái Y-sơ-ra-ên được gọi bằng tên mười người con của Gia-cốp và hai người con của Giô-sép. Y-sác còn sống thêm nhiều năm sau khi tất cả các đứa cháu trai này sinh ra, và hẳn ông sung sướng lắm vì có nhiều cháu nội như thế.
Giô-sép trở thành vị Tể tướng của xứ Ai-cập sau khi bị các anh ghen ghét bắt bán làm nô lệ đưa qua xứ Ê-díp-tô. Đây là câu vua Pha-ra-ôn nói:
“Pha-ra-ôn phán cùng Giô-sép rằng: Vì Đức Chúa Trời xui cho ngươi biết mọi này, thì chẳng còn được ai thông minh trí huệ như ngươi nữa. Vậy ngươi sẽ lên cai trị nhà trẫm; hết thảy dân sự của trẫm, đều sẽ vâng theo lời ngươi. Trẫm lớn hơn ngươi chỉ vì ngự ngôi vua mà thôi”.Sáng-thế-ký 41:39-40
Được viết lại trang lịch sử tình yêu của chàng trai trẻ Gia-cốp ngày xưa, mà lòng tôi vô cùng thán phục mối tình của chàng thanh niên Hê-bơ-rơ dành cho nàng này ấy. Nó để lại trong lòng các bạn trẻ Cơ-đốc hôm nay rất nhiều về bài học, trả giá cho tình yêu đích thực quả không là dễ dàng chút nào. Khi mà trong văn hóa Việt về hôn nhân vẫn còn ấp ũ những câu ca dao:
“Cưới vợ thì cưới liền tay
Chớ để lâu ngày tiếng nọ tiếng kia”.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ảnh hưởng rất lớn trên nền tảng hôn nhân, những cụm từ quen thuộc như: “mì ăn liền”… “sống thử”… đã làm băng hoại đạo đức giới trẻ hôm nay. Vậy, bạn là một thanh niên Cơ-đốc bạn sống theo mô-típ nào?
Nguyện xin thiên tình sử Thánh Kinh ghi chép về tình yêu Gia-cốp và Ra-chên sẽ là tấm gương cho tôi và bạn noi theo, để sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.Lu-ca 2:5
Thay lời muốn nói!
Chúc các bạn nam nữ thanh niên yêu quí trong Chúa có một Ngày Valentine 14/02/2020 Ý nghĩa và Phước hạnh!
Hồ Galilê – Valentine 2025