Vườn Ê đen mới

HỘI THÁNH NHẮM MẮT LÀM NGƠ – Tiến sĩ Christian Le

Một Hội thánh mà nhắm mắt làm ngơ trước việc các thành viên hoặc tín hữu công khai bình thường hóa tội lỗi của mình là câu lạc bộ của trần thế, chứ không phải là Hội thánh Cơ đốc—Hội thánh chân chính của Đức Chúa Giê-su Christ—Hội thánh Đức Chúa Trời.

Vô luân, tà dâm hoặc quan hệ tình dục trước hôn nhân hoặc ngoại tình. Bây giờ, tình dục giống như một cái bắt tay. Tham lam, gian dâm, thờ thần tượng. Hầu như mọi tội lỗi “chết người” như kiêu ngạo, tham lam, gian dâm, tham ăn, đố kỵ, tức giận và lười biếng, và những tội khác nữa như nói dối, lừa gạt, tầm phào, ngồi lê đôi mách, chia rẽ hoặc chia bè phái, hoạt động đồng tính, quan hệ tình dục bất hợp pháp, phá thai, vv đều được coi là “bình thường” trong xã hội của chúng ta, ngay cả trong Hội thánh ngày nay.

Vô luân hoặc gian dâm là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất mà vương quốc bóng tối sử dụng để thống trị thế giới loài người. Không có tội lỗi nào khác trên trái đất được biết đến là có thể hạ gục nhiều người hơn chính sự vô luân. Theo tôi, vô luân có nghĩa là bất cứ hình thức hoạt động tình dục nào ngoài hôn nhân. Thật ra, mỗi lần Thánh Kinh đưa ra danh sách các tội lỗi, bản thân sự vô luân lại nằm trong số những tội lỗi hàng đầu sau tội thờ thần tượng. Đây là một tội lỗi nguy hiểm hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ. Nhiều người Đức Chúa Trời như mục sư truyền đạo đã sa ngã, phạm tội và đánh mất chức vụ thánh vì sự vô luân này cho nênhọ sống trong sự xấu hổ, nhục nhã và cô đơn xa cách cộng đồng xã hội.

Sạtđe là một Hội thánh chết, mặc dù họ có tiếng tăm lớn. Họ không thực sự có sự sống. Chúa Giê-su phán, “Các ngươi đã chết.” Họ được ưa chuộng nhưng bất lực. Họ có chủ nghĩa hình thức chết. Chúa đã cảnh báo Hội thánh này rằng: “Ta biết các công việc con, con có tiếng là sống nhưng thực ra là chết. Con hãy tỉnh thức và củng cố những gì còn lại, tức là những gì sắp chết, vì Ta thấy công việc con bất toàn trước mặt Đức Chúa Trời Ta. Vậy, con hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe thế nào, rồi giữ vững và ăn năn đi. Vậy, nếu con không tỉnh thức, Ta sẽ đến như kẻ trộm và con không thể biết được giờ nào Ta đến với con” (Khải 3:1-3).

Việc bình thường hóa những tội lỗi trên đất nước chúng ta đang sinh sống là lỗi của Hội thánh thụ động, đang ngủ quên, từ chối giảng dạy chân lý—lẽ thật trắng đen của Đức Chúa Trời trong Thánh Kinh.

Bất kể chúng ta có cố gắng bình thường hóa hay biện minh cho tội lỗi như thế nào, thì đó vẫn là sự xúc phạm đến một Đức Chúa Trời thánh khiết. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã nhân từ đầy lòng thương xót ban cho chúng ta một con đường thoát khỏi vũng lầy tội lỗi bất kể tội lỗi của chúng ta có đáng khinh và đáng xấu hổ đến đâu. Con đường thoát ra là nhờ Chúa Giê-su Christ, Đấng không bao giờ dung túng cho tội lỗi, nhưng đã chết vì những tội lỗi ghê tởm nhất của chúng ta để chúng ta có thể được tha thứ và có được sự sống đời đời.

Ngày nay, Đấng Christ bị ghét bỏ vì tội lỗi được yêu mến, cũng vì chúng ta bình thường hóa tội lỗi, dung túng tội lỗi. Chúng ta thiếu lòng kính sợ Chúa trong linh hồn chúng ta. Chúa kêu gọi chúng ta phải kính yêu Ngài, “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí, hết sức mà yêu kính Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (Mác 12:30). Đạo của Chúa là Đạo kính sợ Đức Chúa Trời. Lời Chúa phán, “Kính sợ Chúa là ghét điều ác; Ta ghét kiêu ngạo, tự cao, đường lối ác và miệng gian tà” (Châm 8:13).

Thật buồn thay, khi người lãnh đạo thuộc linh hoặc mục sư quản nhiệm trong Hội thánh cũng đã nhắm mắt làm ngơ trước các tín hữu bình thường hóa tội lỗi của mình. Thay vì dùng Thánh Kinh là Lời Chúa là gươm Đức Thánh Linh để cảnh báo, dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, đào tạo người trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời có đầy đủ bản lĩnh, được trang bị sẵn sàng cho mọi việc lành” (2Ti 3:16-17) thì mục sư quản nhiệm lại luôn tránh giảng dạy hoặc không dám giảng dạy hoặc từ chối giảng dạy về tội lỗi con dân Chúa đang phạm phải, giảng dạy về sự ăn năn tội, sự công chính của Đức Chúa Trời, sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, sự thánh hóa hoặc nên thánh và sự phán xét của Đức Chúa Trời chống lại tội lỗi vô luân trong hội thánh vì sợ xúc phạm, chọc giận, đụng chạm, và làm mích lòng người ta.

Nếu mục sư quản nhiệm thực sự yêu Hội thánh, có lòng thương xót đối với con cái Chúa trong Hội thánh, thì ông phải can đảm giảng dạy, khuyên lơn, chia sẻ, và nói lên lẽ thật hoặc sự thật trong tình yêu thương để cảnh báo con cái Chúa về hậu quả của tội lổi, để cứu họ khỏi sự chết, hoả ngục và sự phán xét, nói theo ngôn ngữ của sứ đồ Giuđê tức cứu họ bằng cách giật họ ra hoặc kéo họ ra khỏi lửa (Giuđê 1:23). Mục sư quản nhiệm giảng dạy chân lý Đức Chúa Trời là vì yêu thương Hội thánh—con dân Chúa, chăm sóc và quan tâm đến đời sống thuộc linh—linh hồn họ, và muốn họ được cứu vào Vương quốc Thiên đàng, chứ không phải lên án hoặc phán xét họ.

Lời Chúa khích lệ, khuyên bảo con dân Chúa rằng, “Con ơi, đừng xem thường sự sửa dạy của Chúa. Khi Ngài khiển trách, đừng ngã lòng. Vì Chúa sửa dạy những người Ngài yêu, và ai được Ngài nhận làm con thì Ngài cho roi cho vọt. Anh chị em hãy chịu đựng sự sửa dạy, Đức Chúa Trời đối đãi với anh chị em như con, vì có người con nào mà không được cha sửa dạy? Nhưng nếu anh chị em không chịu sửa dạy như tất cả đều phải chịu, thì anh chị em là con hoang, không phải con chính thức. Hơn nữa, cha phần thân xác sửa dạy mà chúng ta còn tôn kính, huống chi Cha phần tâm linh, ta phải vâng phục Ngài càng hơn để được sự sống. Cha phần thân xác chỉ sửa dạy chúng ta một thời gian ngắn theo điều người cho là phải, nhưng Đức Chúa Trời sửa dạy chúng ta vì lợi ích để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài. Tất cả những sự sửa dạy, lúc đầu dường như đau đớn, không có gì vui, chỉ là chuyện buồn bã, nhưng về sau đem lại kết quả bình an, công chính cho những người chịu rèn luyện như thế” (Hê 12:5-11).

Hội thánh cần người lãnh đạo hoặc người chăn chiên có lòng yêu thương, trắc ẩn, đồng cảm, dũng cảm, mạnh mẽ, và công chính, kính sợ Đức Chúa Trời để dẫn dắt bầy chiên của Chúa đến sự công chính và đời sống thánh khiết. Đấng Chăn Chiên vĩ đại đã dẫn người chăn vào lối công chính—đường công chính (Thi 23:2) thì người chăn bầy cũng có trách nhiệm dẫn bầy chiên của Chúa vào đường công chính—công chính liên quan đến lẽ phải, công bằng, công minh, chính trực, ngay thẳng, thỏa đáng, đúng đắn, thẳng thắn, thành thật, chính xác, đơn sơ, khiêm tốn, thanh cao, trong sáng, thánh khiết. Công chính là một trong những đặc tính căn bản khi nói về Đức Chúa Trời. Đối với con người, công chính liên quan đến cách hành xử phù hợp với luân thường đạo lý (Lêv 19:36). Người công chính là người biết kiềm chế bản thân và hành xử theo lẽ phải, lẽ công minh, chính trực (Êx 18:5-9).

Người chăn chiên cũng có trách nhiệm dẫn bầy chiên Chúa vào Đường Thánh là Đường thuần khiết mà những kẻ ô uế sẽ không được đi trên đường ấy, đường ấy chỉ dành cho những người thuộc về Chúa mà thôi. Những lữ khách điên rồ sẽ không được lang thang trên đường ấy (Êsai 35:8). Đường Công Chính—Đường Thánh là đường tốt nhất vì đó là Đường hẹp, Đường đúng đắn, ngay thẳng, và thật đáng tin cậy được người chăn chiên và có lẽ cả đàn chiên yêu kính Chúa biết đến mà Chúa đã dạy bảo họ trong lời của Ngài, “Hãy vào cổng hẹp, vì cổng rộng và đường rộng dẫn đến sự hủy diệt; có nhiều người đi vào đường đó; trong khi cổng hẹp và đường hẹp dẫn đến sự sống, lại có ít người tìm vào” (Mat 7:13-14).

Và chính Chúa Cứu Thế Giê-su là Con Đường ấy vì Ngài đã từng phán cho cả nhân loại rằng, “Ta chính là Con Đường, Chân Lý và Nguồn Sống, chẳng bởi Ta thì không ai đến cùng Cha được” (Giăng 14:6). Thật vậy, “Không ai trên đời này có thế tự đến với Đức Chúa Trời hằng sống và tối cao nếu không nhờ Chúa Giê-su.” Và ngoài Chúa Giê-su Christ thì không có Con Đường cứu rỗi nào khác hoặc trong đấng nào khác, vì dưới trời không có Danh nào khác được ban cho loài người để chúng ta phải nhờ Danh ấy mà được cứu (Công 4:12). Tác giả Hêbơrơ đã xác nhận rằng, “Vậy, thưa anh chị em, vì chúng ta vững tâm bước vào nơi chí thánh nhờ huyết Đức Giê-su, qua con đường mới và sống mà Ngài đã mở xuyên qua bức màn, nghĩa là xuyên qua thân xác Ngài” (Hê 10:19-20). Qua cái chết của Ngài, Chúa Giê-su đã xóa bỏ rào cản giữa Đức Chúa Trời và con người. Bây giờ chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời một cách tự do và dạn dĩ.

Là môn đệ, chúng ta cần cam kết các mối quan hệ của mình với Chúa. Hãy tin rằng nếu họ thực sự thuộc về Ngài, Ngài đang hành động! Hãy cầu nguyện để họ cảm thấy bị cáo trách vì tội lỗi, đói khát sự công chính và trưởng thành, thánh khiết và có đức tin lớn để theo Chúa. Sau đó, hãy tin cậy Chúa để họ tiến triển trong việc theo đuổi sự công chính, sống đẹp lòng Chúa bằng mọi giá.

Nhưng khi người lãnh đạo thuộc linh thỏa hiệp lời Đức Chúa Trời, không đủ can đảm dùng lời Đức Chúa Trời là chân lý để giảng và cảnh báo về sự phán xét của Đức Chúa Trời, dạy dỗ chân lý khó một cách rõ ràng và trần trụi, khiển trách, sửa trị, đào tạo con cái Chúa trong Hội thánh trong sự công chính của Đức Chúa Trời, để sống cuộc đời công chính, thánh hóa, đẹp lòng Đức Chúa Trời, thì điều gì sẽ xảy ra cho họ?

Dĩ nhiên, họ sẽ bắt chước nhau phạm tội, tiếp tục phạm tội, sống trong tội lỗi, bình thường hóa tội lỗi, và trở nên nô lệ cho tội lỗi. Chúa Giê-su phán rằng, “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi, ai phạm tội là nô lệ của tội lỗi” (Giăng 8:34). Chúa cũng phán dạy, “Nếu các ngươi tiếp tục vâng giữ lời Ta thì các ngươi mới là môn đệ thật của Ta. Các người sẽ biết chân lý và chính chân lý sẽ giải phóng các người” (Giăng 8:31-32).

Khi Hội thánh dung túng tội lỗi và bình thường hóa tội lỗi, thì từ đó, sớm hay muộn, Hội thánh sẽ cho phép tội lỗi, hợp pháp hóa tội lỗi, cổ động tội lỗi, công khai ca ngợi tội lỗi, bách hại những người vẫn còn gọi tội lỗi là tội lỗi. Nhiều người chăn chiên trong Hội thánh ngày nay sợ người hơn là sợ Trời—Đức Chúa Trời, sợ mích lòng người ta hơn là sợ Chúa quyền năng, thánh khiết, siêu việt, hằng sống, ngọn lửa thiêu đốt. Thánh Kinh cảnh báo, “Bởi vậy, vì chúng ta được hưởng một vương quốc không thể nào rúng động, nên ta hãy ghi ơn và hãy lấy lòng kính sợ, tôn kính mà phục vụ Đức Chúa Trời cách đẹp lòng Ngài. Vì Đức Chúa Trời chúng ta là ngọn lửa thiêu đốt” (Hê 12:28-29). Chúa đang hùng hồn phán với những người chăn trong Hội thánh Ngài rằng, “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn. Thà sợ Đấng có thể hủy diệt cả linh hồn lẫn thân thể nơi hỏa ngục” (Mat 10:28). Người đó là không ai khác mà là chính Chúa Giê-su Christ—Chúa tể của hoàn vũ—Thẩm phán tối cao của Nước Đức Chúa Trời.

Lời Chúa cũng hứa sẽ có phần thưởng cao trọng cho những người chăn chân thật của Ngài, “Rồi đây khi Đấng Chăn Chiên Tối Cao xuất hiện, anh chị em sẽ nhận được mão miện vinh hiển không phai tàn” (1Phi 5:4).

Vì thế người chăn bầy của Đức Chúa Trời phải có tinh thần giống như các nhà tiên tri thật của Chúa thuở xưa như Êsai, Giêrêmi, Êxêchiên, Đaniên, Samuen, Nathan đã trung tín truyền đạt sự điệp của Chúa cho dân Do thái. Người chăn bầy phải là Đại sứ của Đấng Christ, như thể Đức Chúa Trời đang mời gọi qua mình. Thay cho Đấng Christ họ nài xin những người phạm tội—những kẻ bình thường hóa tội lỗi trong Hội thánh hãy ăn năn tội lỗi mình, làm hòa với Đức Chúa Trời” (2Cô 5:20).

Sứ đồ Phaolô đã từng khuyên dạy mục sư Timôthê, “Trước mặt Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-su Christ, Đấng sẽ phán xét người sống và người chết, với viễn ảnh về sự hiện đến của Ngài và vương quốc của Ngài, ta nghiêm túc truyền cho con: Hãy giảng Đạo, hãy sẵn sàng bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy thuyết phục, khiển trách, khuyên bảo, với tất cả lòng nhẫn nại và tinh thần dạy dỗ. Vì sẽ có lúc người ta không muốn nghe giáo lý lành mạnh, nhưng muốn theo dục vọng mình, quy tụ quanh mình các giáo sư giảng những lời làm đã ngứa lỗ tai. Họ sẽ ngoảnh tai không muốn nghe chân lý, nhưng hướng tai về những chuyện hoang đường. Tuy nhiên về phần con, hãy điềm tĩnh trong mọi sự, hãy chịu đựng gian khổ, hãy thi hành công việc của người rao giảng Tin Mừng, hãy chu toàn chức vụ của con” (2Ti 4:1-5).

“Hãy làm hết sức để trình dâng chính con là một người được tôi luyện lên Đức Chúa Trời, một người làm việc không có gì hổ thẹn, thẳng thắn giảng dạy sứ điệp của chân lý” (2Ti 2:15). Do đó người chăn chân chính của Chúa phải chuyên tâm phục vụ cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời, như người làm công không có gì phải hổ thẹn, thẳng thắn dạy lời chân lý hoặc lẽ thật, giảng dạy và nói ra sự thật trong tình yêu thương, ân sủng, và lòng thương xót của Đức Chúa Trời trong quyền năng Đức Thánh Linh.

Hỡi người chăn của Gia-vê Đức Chúa Trời! Hãy lắng nghe tiếng phán của Ngài đến với nhà tiên tri Giêrêmi, “Ta sẽ làm cho những lời Ta thành một ngọn lửa trong miệng ngươi” (Giê 5:14). Nguyện xin Lời Chúa trở thành hiện thực trong linh hồn người chăn bầy của Đức Chúa Trời để họ công bố Tin mừng—sứ điệp cứu rỗi vĩ đại và đời đời của Ngài cho Hội thánh và muôn dân. Lời Chúa phán với tiên tri Giêrêmi đã trở thành hiện thực trong linh hồn ông và ông nói với Chúa những lời bốc cháy, sâu xa từ cõi lòng, “Mỗi khi con tự nhủ, “Con sẽ không nhắc đến lời Ngài nữa, con sẽ không nhân danh Ngài mà rao truyền nữa,” thì lời Ngài dồn nén trong xương cốt con, như ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng con. Con rất mệt mỏi vì phải đè nén nó và con không chịu đựng nổi” (Giê 20:9).

Hỡi người đọc! Người chăn chiên của Chúa phải biết nương cậy nơi Chúa Thánh Linh bằng mọi giá vì Ngài là Đấng Thánh—Thần Chân lý và rất quyền năng. Ngài sẽ cáo trách những kẻ không vâng phục về tội lỗi, về sự công chính, và về sự phán xét” (Giăng 16:8). Đức Thánh Linh là Đấng cáo trách chúng ta về tội lỗi, không phải để lên án chúng ta, mà để khiến chúng ta nhận thức về tội lỗi, để chúng ta có thể được tha thứ và được tẩy sạch bởi dòng huyết báu—máu thánh của Chiên Con của Đức Chúa Trời. Trong quá trình này, chống lại tội lỗi, Đức Thánh Linh đặt sự cáo trách theo một kiểu khác vào trong lòng chúng ta. Có vô số điều chúng ta biết trong cuộc sống. Đầu tiên, sự cáo trách về tội lỗi là khi Đức Thánh Linh tiết lộ một lĩnh vực tội lỗi như kiêu ngạo, ghen tị, tức giận, tham lam, ham muốn, nói dối, ích kỷ, chia bè phái trong Hội thánh mà chúng ta cần phải xưng tội và ăn năn thật sự trước Chúa. Sự cáo trách dẫn chúng ta đến với Chúa để xin ân sủng, lòng thương xót và sự tha thứ từ Ngài.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta sống vì Ngài. Đức Chúa Trời muốn giúp chúng ta sống vì Chúa là tất cả những gì mà “công việc thánh hóa” của Thánh Linh hướng đến. Như sứ đồ Phierơ chỉ ra, sự tham gia của chúng ta vào công việc này chủ yếu có thể được mô tả là sự vâng lời. Sự thánh hóa là quá trình từng khoảnh khắc mà chúng ta ngày càng đầu phục trái tim, tâm trí và thân thể mình để theo Chúa Giê-su. Chúng ta có thể tự mình làm điều này không? Chúng ta biết rằng ý chí của mình không đủ mạnh để vâng lời hoàn toàn nếu không có sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh. Không có Thánh Linh, chúng ta không làm gì được! Chúa nói, “Chính Ta là cây nho, còn các ngươi là nhánh; người nào cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy thì chắc sẽ sinh nhiều quả, vì ngoài Ta các ngươi không làm gì được” (Giăng 15:5).

Cảm ơn Chúa vì nhờ Ngài chúng ta sinh nhiều quả. Đồng thời cũng cảm ơn Chúa vì Thánh Linh thánh hóa chúng ta bằng cách làm việc trong và qua chúng ta! Thánh Linh không chỉ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi mà còn sống trong lòng chúng ta, nhắc nhở chúng ta đừng làm buồn Ngài, trung tín tôn vinh Chúa Giê-su, theo Chúa Giê-su chặt chẽ hơn. Khi chúng ta theo Chúa Giê-su mỗi ngày, chúng ta trở nên thánh khiết, được biệt riêng để phục vụ Chúa. Vì thế chúng ta hãy cầu xin Thánh Linh đầy dẫy chúng ta, cũng như để lời của Đấng Christ tràn ngập chúng ta—tâm trí chúng ta. Xin Thánh Linh thánh hóa lòng chúng ta ngày hôm nay bằng lời và chân lý Chúa để chúng ta sẽ yêu những gì Ngài yêu, ghét những gì Ngài ghét và làm những gì Ngài mong muốn chúng ta làm.

Vì thế nếu chúng ta thật sự muốn được thánh hóa mỗi ngày thì chúng ta phải đọc và học Thánh Kinh là Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta phải phản ánh, suy gẫm ngày và đêm hầu cho cẩn thận làm theo lời Chúa dạy vì như vậy đường lối chúng ta mới được thịnh vượng và thành công trên đường đời (Giôs 1:8). Nếu chúng ta hết lòng muốn được thánh hóa thì chúng ta phải để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng mình (Cô 3:16). Ấy là ý muốn Chúa cho cuộc đời chúng ta.

Câu hỏi là, “Bạn đã bình thường hóa tội lỗi cụ thể nào trong cuộc sống của mình?”
Bình thường hóa tội lỗi thật là nguy hiểm cho linh hồn bạn! Nó là kẻ ăn sống nuốt tươi, hủy diệt và tàn phá lớn nhất của một môn đệ, tín hữu—người tin theo Chúa. Nó hủy phá mối quan hệ mật thiết chúng ta với Chúa vì sự bất khiết. Lòng yêu mến Chúa chúng ta trở nên nguội lạnh. Lòng nhiệt thành và đam mê về nhà Chúa không còn thiêu đốt lòng và tâm trí chúng ta như xưa mà chúng ta đã từng hăng say hầu việc Chúa.

Chiến lược của Satan thật dối trá và xảo quyệt và vô cùng tinh vi nhưng rất đơn giản, hắn khiến tội lỗi trở nên bình thường và khiến sự công chính trở nên kỳ quặc. Hắn bóp méo lời Chúa, bôi đen sự thật, cố làm cho lời Chúa mâu thuẫn.

Do đó, khi con người nghe theo lời dụ dỗ và lừa dối của Satan—quỷ vương thì con người bắt đầu có khuynh hướng coi nhẹ tội lỗi và bình thường hóa tội lỗi trong nhiều cách trong cuộc sống hàng ngày, đi ngược lại với ý muốn Đức Chúa Trời.

Khi tội lỗi được coi là bình thường, chúng ta sẽ trở nên giống như người xưa mà nhà tiên tri Êsai đã mô tả với sự lên án này: “Khốn cho kẻ gọi ác là thiện và thiện là ác. Lấy tối làm sáng và sáng làm tối. Lấy đắng làm ngọt và ngọt làm đắng” (Ês 5:20).

Khi tội lỗi được bình thường hóa, con người trở nên giống như những người ngoại mà sứ đồ Phaolô đã xác định là “làm nhục thân thể mình với nhau, đổi chân lý Đức Chúa Trời lấy điều giả dối, thờ lạy và phụng sự tạo vật thay vì Đấng Tạo Hóa, là Đấng đáng được ca ngợi đời đời” (Rô 1:24).

Khi tội lỗi được bình thường hóa, thì con người như sứ đồ Phaolô viết “trở thành kẻ thù của thập tự giá Đấng Christ” và “khoe mình trong sự xấu hổ” (Philíp 3:18-19).

Khi tội lỗi được bình thường hóa, các tổ chức tôn giáo như Hội thánh Mennonite Hoa Kỳ, Luther, Methodist, Presbyterian và Uniting dung túng cho hôn nhân đồng giới. Các thành viên của những Hội thánh này kỷ niệm Ngày Tự hào Thế giới hàng năm trên khắp thế giới. Họ treo lá cờ sáu màu bắt chước cầu vòng bảy màu của Chúa. Việc sử dụng cầu vồng làm biểu tượng cho “niềm tự hào của họ” là bóp méo sụ thật và phạm thượng cùng Chúa và giao ước của Ngài với con người. Họ còn nói: “Đây là một trải nghiệm thiêng liêng, vui tươi và thuần túy cho tất cả chúng tôi.”

Hôn nhân đồng giới xúc phạm đến Chúa. Bất cứ khi nào một người vi phạm trật tự đạo đức tự nhiên do Chúa thiết lập, người đó phạm tội và xúc phạm đến Chúa. Hôn nhân đồng giới cũng vậy. Vì thế, bất cứ ai tuyên bố yêu Chúa thì phải giữ lời Ngài, bất cứ người nào thật sự yêu Chúa đều phải phản đối nó, từ bỏ ý tưởng bất khiết ấy, ý tưởng ngược lại ý chỉ của Chúa. Hôn nhân không phải là sáng tạo của bất cứ nhà nước nào. Chính Chúa là Đấng đã thiết lập hôn nhân cho tổ tiên đầu tiên của loài người. Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài. Chúa dựng nên nam và nữ. Chúa ban phước cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở, làm cho đầy dẫy đất và thống trị nó” (Sáng thế 1:28-29). Chúa Cứu Thế Giê-su cũng dạy điều tương tự: “Nhưng từ lúc ban đầu trong cuộc sáng tạo, Đức Chúa Trời đã dựng nên một nam và một nữ. Vì thế người nam phải lìa cha mẹ mình để kết hợp với vợ, và cả hai sẽ trở nên một thịt” (Mác 10:6-8).

Là người Đức Chúa Trời, chúng ta phải có lòng trắc ẩn và cầu nguyện cho những người đang tranh chiến chống lại thế lực bóng tối và sự cám dỗ đối với tội lỗi đồng tính. Cầu nguyện cho những người sa vào tội lỗi đồng tính vì sự yếu đuối của con người để họ ăn năn và cầu xin Chúa giải cứu họ bằng quyền năng và ân sủng của Ngài.

Lời Chúa nhắc nhở rằng, “Những kẻ không tin kính, đã biến ân sủng của Đức Chúa Trời thành đời sống phóng đãng, chối bỏ Đấng Chủ Tể duy nhất và Chúa chúng ta là Chúa Cứu Thế Giê-su” (Giuđê 1:4).

Thánh Kinh đã cảnh báo qua sứ đồ Giuđê, “Hãy nhớ lại thành Sôđôm, Gômôrơ và các thành xung quanh hai thành ấy đã buông mình theo sự dâm ô [phạm tội tà dâm] và những ham muốn tình dục đồng giới ngược với tự nhiên, nên đã bị hình phạt bằng lửa đời đời để làm gương cho chúng ta” (Giuđê 1:7).

Sư đồ Giuđê khuyến khích Hội thánh ngày xưa, “Hãy gây dựng lẫn nhau trong đức tin rất thánh. Hãy cầu nguyện trong Đức Thánh Linh. Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Mong đợi lòng thương xót của Chúa Cứu Thế Giê-su chúng ta để hưởng sự sống đời. Hãy thương xót những người này, là người nghi ngờ [đang bị chao đảo đức tin]. Hãy cứu vớt những người kia, bằng cách giật họ ra khỏi lửa. Còn những người khác, hãy thương xót cũng vừa sợ, ghét luôn cả cái áo bị xác thịt làm ô uế” (Giuđê 1:20-23).
Thánh Kinh mạnh mẽ cảnh bảo là khi tội lỗi được bình thường hóa, sự công chính bị khinh thường, sự gian ác được ca ngợi và tội lỗi trở thành sự sỉ nhục cho quốc gia chúng ta (Châm ngôn 14:34).

Thật ra, chúng ta đã và đang chọn bình thường hoá tội lỗi trong nhiều cách trong cộng đồng xa hội trong đời sống hàng ngày: Trước hết, chúng ta chọn phơi bày bản thân trước tội lỗi. Thật ra, tội lỗi ở khắp mọi nơi. Tất cả chúng ta đều phơi bày trước tội lỗi mỗi ngày và thậm chí không chỉ phơi bày trước tội lỗi, chúng ta còn sa vào tội lỗi nữa. Nhưng cảm tạ Chúa vì Chúa Giê-su vì Ngài đã đánh bại tội lỗi và chúng ta đang được biến đổi theo hình ảnh của Ngài mỗi ngày.

Khi tôi nói rằng chúng ta phơi bày bản thân trước tội lỗi, tôi đang nói về khi chúng ta có sự lựa chọn. Không phải khi chúng ta buộc phải ở gần một người chửi thề ở nơi làm việc, mà là khi chúng ta về nhà và xem những chương trình trên truyền hình TV. Chúng ta tự nhủ rằng mặc dù chúng ta chọn xem, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ thực sự làm điều đó. Tội lỗi trở nên bình thường khi chúng ta ngừng cẩn thận canh giữ lòng và tâm trí mình. Lời Chúa dạy bảo: “Hãy cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết vì các nguồn sự sống đều từ đó mà ra” (Châm 4:23).

Thứ 2, chúng ta chỉ cần ra khỏi nhà.
Nghiêm túc mà nói, chúng ta không cần phải tìm kiếm quá kỹ để tìm ra điều mà xã hội cho là bình thường. Văn hóa của chúng ta củng cố những ý tưởng tội lỗi mà chúng ta đã phơi bày, vì vậy những hạt giống chúng ta gieo trồng chắc chắn sẽ được tưới nước. Chúng ta thực sự phải đấu tranh với xác thịt để loại bỏ những ý tưởng này khỏi tâm trí, bất cứ điều gì ít hơn là chấp nhận thất bại.

Thứ 3, chúng ta đặt mình vào những môi trường đầy cám dỗ.
Bất cứ đức tin nào chúng ta có trong xác thịt đều là công thức cho thảm họa. Không phải những tình huống khó khăn mà Chúa cho phép trải qua để giúp chúng ta trưởng thành, mà là những tình huống khác. Những lúc chúng ta đi xa nhất có thể chỉ để xem mình có thể đi xa đến đâu mà không thực sự đi. Khi chúng ta quá phụ thuộc vào ân sủng của Chúa đến nỗi ngay cả trọng lực cũng không thể giữ chúng ta lại. Khi chúng ta đi chơi một mình với người mà chúng ta thích, biết rằng chúng ta không nên làm vậy. Khi chúng ta chọn uống một ly rượu mạnh thay vì chỉ đi ngủ. Hoặc khi chúng ta đến một bữa tiệc, chỉ để xem coi ai ở đó?

Lời Chúa dạy bảo: “Hãy thức canh và cầu nguyện kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ. Tâm linh thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” (Mat 26:41).

Thứ 4, chúng ta không để những suy nghĩ của mình bị bắt làm tù binh.
Ý tôi là đó chỉ là một suy nghĩ. Nó thực sự có thể gây ra bao nhiêu thiệt hại? Suy nghĩ có sức mạnh. Đặc biệt là đối với những người suy nghĩ nhiều hơn nói. Chúng ta phải khiển trách và ăn năn về suy nghĩ tiêu cực, không lành mạnh, bất khiết của mình, bởi vì chúng ta có tâm trí của Đấng Christ và kẻ thù không thể có không gian đó.

Lời Chúa phán: “Các con đã nghe lời dạy rằng: ‘Chớ ngoại tình.’ Còn Ta dạy các con rằng: ‘Hễ ai nhìn đàn bà với lòng tham muốn người ấy đã ngoại tình trong lòng rồi” (Mat 5:27-28).

Thứ 5, chúng ta không lên tiếng vì những gì chúng ta tin.
Một trong những cách tốt nhất để thuyết phục trái tim chúng ta ghét tội lỗi, là bảo vệ sự công chính bằng mọi giá. Đơn giản như nói “có” khi ai đó ở sở làm việc hỏi liệu điều gì đó cảm thấy rất tốt có thực sự tệ đối với bạn không. Hoặc lịch sự từ chối lời mời vì mặc dù nghe có vẻ vui, nhưng không có gì tốt đẹp khi đi. Vậy hãy đứng vững, thắt lưng bằng chân lý, mặc áo giáp bằng sự công chính, mang giày bằng sự sẵn sàng của Phúc âm bình an (Êph 6:14-15).

Tội lỗi trong cuộc sống chúng ta không trở nên bình thường chỉ sau một đêm. Khi chúng ta phớt lờ tiếng nói nhẹ nhàng của Đức Thánh Linh dẫn chúng ta đến sự công chính, chúng ta sẽ trượt vào vùng đất không an toàn. Chỉ bằng cách ở lại trong lời Chúa và giữ vững lập trường trong chân lý, chúng ta mới có thể chiến thắng chính điều mà tất cả chúng ta từng là nô lệ: Tội lỗi.

Ý KIẾN CỦA BẠN KHÔNG PHÙ HỢP VỚI LỜI CHÚA. ĐÓ KHÔNG PHẢI LỜI CHÚA CẦN PHẢI THAY ĐỔI.
TRONG CON MẮT CỦA CHÚA, TỘI LỖI VẪN LÀ TỘI LỖI, CHO DÙ CẢ THẾ GIAN ĐỀU CHẤP NHẬN NÓ, YÊU MẾN NÓ, BÌNH THƯỜNG HÓA NÓ!
Chính tội lỗi mà chúng ta yêu mến sẽ dẫn chúng ta đến hỏa ngục—hỏa ngục kinh khiếp. Ở hỏa ngục hoặc âm phủ không có ăn uống, tiệc tùng tại đó. Không có nhạc rock kích động hay, không có tụ tập với bạn bè để tán gẫu và nhậu nhẹt. Bạn cô đơn. Bạn một mình. Và bạn đang cháy. Mãi mãi. Chúa Giê-su nói: “Nơi mà giòi bọ của chúng không hề chết và lửa không hề tắt” (Mác 9:48).

Vì thế mà Chúa nghiêm nghị phán: “Nếu tay ngươi gây cho ngươi vấp ngã, hãy chặt nó đi; thà cụt một tay mà vào sự sống còn hơn có cả hai tay mà vào hỏa ngục, nơi lửa không hề tắt. Nếu chân ngươi gây cho ngươi vấp ngã, hãy chặt nó đi. Thà què chân mà vào sự sống còn hơn có cả hai chân mà bị ném vào hỏa ngục. Nếu mắt ngươi gây cho ngươi vấp ngã, hãy móc nó đi; thà chột mắt mà vào vương quốc Đức Chúa Trời còn hơn có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục” (Mác 9:43-47).

Vì yêu thương nhân thế, Chúa Giê-su mới cảnh báo loài người về hậu quả của tội lỗi vì Ngài không muốn người nào chết mất, nhưng muốn mọi người có cơ hội ăn năn. Thật vậy, Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và tiến đến sự hiểu biết chân lý (2Ph 3:9; 1Tim 2:4). Chỉ có Chúa Giê-su thôi mới có thể cứu bạn khỏi sự chết và hỏa ngục. Hãy ăn năn, kêu cầu danh Chúa Giê-su và bạn sẽ được cứu!

Vì thế chúng ta phải ghét tội lỗi bằng mọi giá vì chính tội lỗi sẽ dẫn chúng ta đến hỏa ngục kinh khiếp. Vì tiền công của tội lỗi là sự chết! (Rôm 3:23). Sự chết đời đời! Không phải sự sống đời đời trong hỏa ngục, sự đau đớn và khốn khổ. Không chỉ là cái chết thể xác, mà mọi người đều trải qua, mà là cái chết đời đời,” nghĩa là sự xa cách với Chúa trong hỏa ngục (Mác 9:43-48).

Hỏa ngục chỉ dành cho những tội nhân không ăn năn, cho những người yêu mến tội lỗi, yêu mến thế gian thay vì yêu mến Chúa—Đức Chúa Trời và sống cuộc đời công chính, biết kính sợ Chúa với cả linh hồn mình. Giám mục JC Ryle nói rằng: “Chỉ một ngày trong hỏa ngục còn kinh khiếp hơn cả cuộc đời vác thập giá” [để theo Đấng Christ]. Thật vậy, không có gì xúc phạm đến danh thánh của Chúa hơn là tuyên xưng Ngài bằng môi miệng nhưng lại chối bỏ Ngài trong cuộc sống của mình.

Lời Chúa phán: “Dân này tôn kính Ta bằng đầu môi chót lưỡi, còn lòng chúng cách xa Ta lắm. Việc chúng thờ phượng Ta là vô ích. Giáo lý chúng dạy toàn là quy tắc của loài người” (Mat 15:8-9).

Lời Chúa dạy bảo: “Vì ân sủng của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ, đem sự cứu rỗi đến cho mọi người. Ân sủng ấy dạy chúng ta phải từ bỏ tinh thần không tin kính hoặc nếp sống tội lỗi và các dục vọng, đam mê trần tục, mà phải sống tiết độ, công chính và tin kính trong đời này” (Tích 2:11-12).

Người Chăn bầy của Đức Chúa Trời là người có sự hiểu biết Thánh Kinh là lời Đức Chúa Trời. Người phải biết ý muốn (ý định hoặc ý chỉ) của Đức Chúa Trời là gì! Theo độc giả, ý muốn của Đức Chúa Trời là gì? Ý muốn của Đức Chúa Trời cho Hội thánh là gì?
Sự đồ Phaolô trả lời rằng, “Ý muốn của Đức Chúa Trời là anh chị em phải thánh khiết, tức anh chị em phải tránh gian dâm. Mỗi người trong anh chị em phải biết giữ thân thể mình thánh khiết và tôn trọng… Vì Đức Chúa Trời không kêu gọi chúng ta đến sự ô uế nhưng đến sự thánh khiết” (1Tê 4:3-4, 7).

Thật vậy, ý muốn của Đức Chúa Trời cho Hội thánh phải nên thánh, tức Hội thánh phải tránh gian dâm. Hội thánh phải biết giữ thân thể mình thánh khiết và tôn trọng… Vì Đức Chúa Trời chẳng kêu gọi Hội thánh sống ô uế nhưng sống thánh khiết đẹp lòng Ngài vì Chúa là Đấng Thánh! Chúa Cứu Thế Giê-su yêu Hội Thánh và hiến thân Ngài vì Hội Thánh, để thánh hóa Hội Thánh sau khi đã thanh tẩy bằng nước tức là lời Ngài, hầu tạo cho chính Ngài một Hội Thánh quang vinh, không hoen ố, không vết nhăn, không khiếm khuyết, nhưng thánh khiết và vẹn toàn (Êph 5:25-27).

Chúa Giê-su cầu nguyện cho các môn đệ Ngài, ngay cả cho Hội thánh Chúa ngày nay, “Xin Cha thánh hóa họ bằng chân lý. Lời Cha chính là chân lý” (Giăng 17:17).

Cầu xin chính Đức Chúa Trời bình an thánh hóa anh chị em hoàn toàn và nguyện tâm linh, tâm hồn và thân thể anh chị em được gìn giữ trọn vẹn, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta quang lâm (1Tê 5:23).
Lạy Chúa Giê-su—Chúa dấu yêu của chúng con, xin Ngài đến! Nguyện xin ân sủng của Chúa Giê-su ở với tất cả mọi người
(Khải:22 21).

Tiến sĩ Christian Le
Admin SỨ ĐIỆP CỦA SỰ SỐNG
https://www.facebook.com/share/p/kVL1XBpsofwz37hY/

Ngày đăng: 08/26/2024