Vườn Ê đen mới

CƠ ĐỐC NHÂN & THẾ GIAN – MS Văn Lê

• Kinh Thánh: Cô-Lô-Se 3:1-14
• Câu gốc: “Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất.”
Đọc thêm: “Vì vậy, hỡi các vua, hãy khôn ngoan; Hỡi các quan xét thế gian, hãy chịu sự dạy dỗ. Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách kính sợ, và mừng rỡ cách run rẩy…Phàm kẻ nào nương náu mình nơi Ngài có phước thay!”

Giới thiệu:
Thế gian là gì, xấu hay tốt? Thưa quý ông bà anh chị em! Có lẽ bao gồm cả hai: xấu lẫn tốt. Kinh Thánh (Sáng Thế Ký 1 và 2) cho biết Đức Chúa Trời đã dựng nên trời đất, thú vật, chim trời, côn trùng, con người, vạn vật và Ngài là Đấng thiết lập hôn nhân. Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật tốt lành (Sáng I: 31). Trong ý nghĩa này, tất cả mọi sự được tạo nên bởi Đức Chúa Trời; và thế gian vũ trụ ở đây được xem là tốt lành. Tuy nhiên “thế gian” cũng được xem là xấu xa trong ý nghĩa của Kinh Thánh (IGiăng 2: 15,16, 17) khuyên dạy:

“Chớ yêu thế gian cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa. Nếu ai yêu thế gian thì sự kính mến Đức Chúa Trời chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra. Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.”
Như vậy, thế gian có hai mặt tốt và xấu. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta có thái độ sống như thế nào cho xứng hợp với ý muốn tốt đẹp của Đấng Tạo Hóa trong ý chỉ của Ngài, khi dựng nên thế gian này. Dựa theo phân đoạn Kinh Thánh Cô-lô-se (3: 1-14) làm nền tảng cho bài học hôm nay, có thể chia thành 3 phần:

I. Đấng Christ là sự sống (câu 1- 4)
Hãy quan sát một hạt giống khi gieo, bị chôn lấp dưới đất, phải chết rồi sau đó mới nảy mầm và mọc lên. Cơ đốc nhân cũng vậy, nếu xem Đấng Christ là sự sống của mình, là mục đích cho cuộc đời để vươn tới thì bản ngã tội lỗi của con người cũ cũng phải chết đi. Rồi sau đó mới có thể sống lại trong con ngườì mới tốt đẹp; và sẽ hiện ra với Chúa Jê-sus trong sự vinh hiển của Ngài. Một vài ví dụ về con người mới, sự yêu thương chẳng hạn. Kinh Thánh dạy:
“Hãy yêu nhau cách sốt sắng hết lòng, anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 1: 22b; 23).

Cảm tạ Đức Chúa Trời, ngược dòng lịch sử trở về với thời Cựu ước, chúng ta có thể nhìn thấy “hạt giống yêu thương” này đã nảy mầm và mọc lên cách xinh xắn qua tình yêu giữa Giô-na-than và Đa-vít. Yêu tức là cho. Cho tất cả sự chân thành và sốt sắng. “Giô-na-than khế hiệp cùng lòng Đa-vít, đến đỗi Giô-na-than yêu mến Đa-vít như mạng sống mình… Người cởi áo mình mặc và trao cho Đa-vít, luôn với áo xống khác, cho đến gươm cung, và đai của mình nữa.” (I Samuên18:3,4).

Làm sao có được một tình yêu cao cả, tuyệt vời như vậy? Phải chăng đó là tình yêu vị kỷ, chỉ cốt trao đổi bằng lợi lộc hay tình dục? – Không, hoàn toàn không phải như vậy. Đó là thứ tình yêu được mặc lấy bởi giống không hay hư nát, phát xuất từ tấm lòng chân thật của Đức Chúa Trời ban cho.
“Khi tôi tớ đã đi rồi, Đa-vít chỗi dậy từ phía nam, sấp mình xuống đất và lạy ba lần, đoạn hai người ôm nhau và khóc, Đa-vít khóc nhiều hơn. Giô-na-than nói cùng Đa-vít rằng: Anh hãy đi bình an: chúng ta đã nhân danh Đức Giê-hô-va lập lời thề cùng nhau rằng: Đức Giê-hô-va sẽ làm chứng giữa tôi và anh, giữa dòng dõi tôi và dòng dõi anh đến đời đời.” (I Samuên 20: 41,42)

Ôi, thật là một tình bạn cao đẹp quá đỗi! Có lẽ mỗi chúng ta đều thèm khát có được một người bạn tri âm, tri kỷ như vậy, để được cùng khóc với nhau. Tìm người cùng cười với chúng ta không khó; nhưng tìm được một người cùng khóc thật không dễ dàng chút nào! Quý ông bà anh chị em có bao giờ nghĩ đến một tình yêu vượt lên trên tất cả những thứ tình yêu của thế gian này chưa? – Đó là tình yêu của Chúa Jê-sus. Ngài không những chỉ khóc cho chúng ta thôi đâu; mà còn chịu chết thay trên thập tự giá vì tội lỗi của chúng ta nữa. Còn chúng ta nói yêu Ngài, nhưng đã làm những gì cho Ngài, đã thực sự cảm thông với và khóc cho nỗi đau đớn mà Ngài đã từng gánh chịu vì tội lỗi của chúng ta chưa?

II. Hãy làm chết các chi thể của con người cũ (câu 5-11)
Chi thể của con người cũ ở đây bao gồm những điều xấu xa thuộc về thề gian như: tà dâm, ô uế, tình dục luông tuồng, ham muốn xấu xa, tham lam, nói dối nhau, thạnh nộ, buồn giận, hung ác, nói hành, nói lời tục tỉu…Tất cả những thứ ấy cần phải làm chết đi, tức là trừ khử nó mà mặc nên con người mới trọn lành, đẹp lòng Đức Chúa Trời như Phi-e-rơ khuyên bảo:
“Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh vì ta là thánh. Nếu anh em xưng Đấng không tây vị ai, xét đoán từng người theo việc họ làm, bằng Cha, thì hãy lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời này…”(I Phi-e-rơ 1: 15-17)

Vâng, thế gian đối với Cơ đốc nhân chỉ là quán trọ; chỗ tạm dừng chân trên đường dài đăng đẳng đến Thiên Quốc. Vậy: “Hết thảy phải đồng lòng đầy thương xót và tình yêu anh em, có lòng nhân từ và đức khiêm nhượng. Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi để hưởng phước lành.” (I Phi-e-rơ 3:8,9)
Có lẽ chúng ta còn nhớ lời cầu nguyện của Chúa Jê-sus cho các môn đệ của Ngài: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh, Lời Cha tức là lẽ thật”. (Giăng 17: 15-17).

Đây là chứng thực sống động mà Chúa Jê-sus muốn dạy dỗ về nếp sống đạo của Cơ đốc nhân, sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, thể hiện cuộc sống thánh thiện nhờ vâng theo Lời của Đức Chúa Trời. Đọc Cựu Ước, chắc hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện của vua Sau-lơ không khứng nghe theo tiếng của Chúa, nhưng lại nghe theo tiếng của con người:
“Vả Đức Giê-hô-va đã sai người đi mà rằng: Hãy đi diệt hết những kẻ phạm tội kìa, là dân A-ma-léc, và giao chiến cùng chúng nó cho đến chừng ngươi đã diệt chúng nó. Sao ngươi không vâng theo lời phán của Đức Giê-hô-va? Cớ sao ngươi xông vào của cướp, làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va. Sau-lơ đáp cùng Sa-mu-ên rằng: Tôi thật có nghe lời phán của Đức Giê-hô-va. Tôi đã đi làm xong việc Đức Giê-hô-va sai tôi đi làm; tôi có đem A-ga, vua dân A-ma-léc về, và diệt hết dân A-ma-léc. Nhưng dân sự có chọn trong của cướp, chiên và bò, về vật tốt nhất về của đáng tận diệt, đặng dâng cho Đức Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông tại Ghinh- Ganh. Sa-mu-ên nói: Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ, sự vâng theo tốt hơn mỡ chiên đực; sự bội nghịch cũng đáng trọng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như sự cúng lạy hình tượng. Bởi người đã từ bỏ lời của Đức Giê-hô-va, nên Ngài cũng từ bỏ người không cho làm vua. Sau-lơ đáp cùng Sa-mu-ên rằng: Tôi có phạm tội. Tôi đã can phạm mạng lịnh Đức Giê-hô-va và lời của ông. Tôi sợ dân sự, nên nghe theo tiếng của họ. Bây giờ xin ông tha tội tôi, trở lại cùng tôi, thì tôi sẽ sấp mình xuống trước mặt Đức Giê-hô-va. Sa-mu-ên trả lời cùng Sau-lơ rằng: Ta không trở lại cùng ngươi đâu; vì ngươi đã từ bỏ lời của Đức Giê-hô-va, nên Đức Giê-hô-va từ bỏ ngươi, để ngươi chẳng còn làm vua dân của dân Y-sơ-ra-ên nữa.” (I Samuên 15: 18- 26)

Thưa quý ông bà anh chị em!
Đó là bài học quý giá, đáng ghi nhớ cho mỗi chúng ta khi khước từ mạng lịnh Chúa, mà nghe theo tiếng của con loài người, bối rối, run sợ trước dư luận của người thế gian. Tất nhiên hậu quả là Đức Giê-hô-va sẽ từ bỏ đối với con bạn nghịch. Hãy nghe lời khuyên dạy của Đa-vít được chép trong (Thi Thiên 1: 10, 11, 12 b):
“Vì vậy, hỡi các vua, hãy khôn ngoan; Hỡi các quan xét thế gian, hãy chịu sự dạy dỗ. Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách kính sợ, và mừng rỡ cách run rẩy…Phàm kẻ nào nương náu mình nơi Ngài có phước thay!”
Từ đây, có thể rút ra bài học về hậu quả của những kẻ luôn hướng lòng về thế gian, nghe theo thế gian để làm điều ác trước mặt Chúa. Chúng ta hãy nghe kinh nghiệm về sự dạy dỗ của Đa-vít:
“Vì Chúa chẳng phải là Đức Chúa Trời bằng lòng sự dữ;
“Kẻ ác sẽ không được ở cùng Chúa
“Kẻ kiêu ngạo chẳng đứng nổi trước mặt Chúa
“Chúa ghét hết thảy những kẻ làm ác
“Chúa sẽ hủy diệt các kẻ nói dối
“Đức Giê-hô-va gớm ghiếc người đổ huyết và kẻ gian lận
“Còn tôi nhờ sự nhân từ dư dật của Chúa, tôi sẽ vào nhà Chúa
“Lấy lòng kính sợ Chúa mà thờ lạy trước đền thánh của Chúa
(Thi Thiên 5: 4-7)

Lưỡi người dối trá, ưa thích hãm hại người khác bởi lòng ghen tương ích kỷ:
“Hỡi người mạnh dạn, sao ngươi tự khoe về sự dữ
“Sự nhân từ của Đức Chúa Trời còn mãi mãi
“Lưỡi người toan sự tà ác và làm điều giả dối
“Khác nào dao cạo bén
“Ngươi chuộng điều dữ hơn là điều lành,
“Thích sự nói dối hơn là nói sự công bình
“Hỡi lưỡi dối trá
“Ngươi ưa mến các lời tàn hại
“Đức Chúa Trời cũng sẽ phá hại ngươi đời đời
“Ngài sẽ bắt ngươi, rứt ngươi khỏi trại ngươi, và nhổ ngươi khỏi đất kẻ sống.
(Thi Thiên 52: 1-5)

III. Cơ đốc nhân phải mặc lấy tình yêu thương (câu 12- 14)
Giữa thế gian tăm tối đầy sự ác và hung dữ, chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự chết chóc và rên xiết xảy ra từng ngày. Làm thế nào để có thể thay đổi được thế gian xấu xa này nếu không phải đó là tình yêu của Chúa Jê-sus? Là Cơ đốc nhân chúng ta hãy mặc lấy tình yêu thương của Đấng Christ. Chính huyết Ngài sẽ bôi xóa, làm sạch tội lỗi của thế gian này (I phi-e-rơ 2: 23). Chỉ khi nào loài người được giải phóng khỏi sự mù loà tâm linh, nhận ra tội lỗi của mình trước sự thánh khiết, công bình của Đức Chúa Trời, ăn năn tội lỗi trở lại sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài; thì lúc đó thế giới này sẽ được thay đổi.
” Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót, hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhượng, mềm mại, nhịn nhục…Trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành.” (Cô-lô-se 3: 12, 14).
“Hãy có lòng thương xót.” Vâng, đã là con cái Chúa mà không có lòng thương yêu những người khốn khổ, đói rách, những kẻ nghèo ngặt tâm linh, không xót thương những trẻ mồ côi, người goá bụa, quay lưng lại với người cùng túng, dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại; thì tình yêu của Đức Chúa Trời không có trong con người đó. Sự thương xót ở đây là những cảm xúc chân thành, lòng trắc ẩn sâu xa, không tính toan hơn thiệt, không cần bất cứ sự hoan nghênh cổ vũ nào, không cần ai tán dương khen ngợi.
“Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chỏa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm và mọi sự hay biết, dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.” (1Cô-rinh-tô 13: 1-3)
“Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục.” Vâng, ấy là những đức tính không thể thiếu của con dân Ngài. Ấy là trang sức tốt đẹp nhất mà Cơ đốc nhân nên nghĩ đến, tập luyện, trui rèn theo ơn thương xót của Chúa. Hãy làm những bông hoa cỏ dại bên đường nhưng ngào ngạt mùi hương; hơn là những đoá hoa to lớn rực rỡ chưng bày trong tủ kiếng mà là hoa “ni-lông.”
Thế gian đang bị giam hãm trong gọng kìm của Sa-tan. Chúng luôn rình rập con dân Chúa, dùng mọi thủ đoạn gian ngoa để quyến dụ họ quay lưng lại với Đức Chúa Trời (IPhi-e-rơ 5:  “Sự ham mê của mắt, sự kiêu ngạo của đời” đã làm cho đức tin của nhiều người trở nên nguội lạnh, bởi vì sự tham lam cùng với những nỗi lo toan của đời thường khiến cho họ mệt mỏi, ngã lòng trên đường tin kính.

Kết luận:
Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta đã được chuộc bằng huyết của Chúa Jê-sus. Ngài đặt chúng ta giữa thế gian này không phải để thoả hiệp với tội lỗi; cũng không phải chạy theo thế gian trong những dục vọng tư kỷ, và thoả mãn những ước vọng chóng qua; nhưng phải dùng đời sống của chính mình để mang lại nguồn tình yêu và ánh sáng cho thế gian. Chúng ta đã được tha thứ mọi gian ác, được xưng công bình, lẽ nào còn hụp lặn trong vũng bùn của con người cũ: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người được dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (II Côr. 5:17). Còn tồn tại trên thế gian ngày nào, chúng ta quyết sống theo nếp sống thánh sạch, tách biệt với thế gian ngày nấy. Chúng ta lệ thuộc vào Chúa chứ không hoà tan trong những điều trái ngược với Kinh Thánh của người thế gian.
Câu hỏi quan trọng cho mỗi chúng ta hôm nay là: Làm thế nào qua cách ăn, nết ở, nếp sống của chúng ta mỗi ngày; mà người chưa biết Chúa chạy đến với Ngài để thờ phượng? Thân ái kính chào quý ông bà anh chị em trong tình yêu của Cứu Chúa.

MS VĂN LÊ

Ngày đăng: 02/22/2024