Vườn Ê đen mới
SỰ KIÊNG ĂN MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI MONG MUỐN – Mục sư Văn Lê
• Kinh Thánh: Êsai 58 (1-12)
• Câu gốc: Sự kiêng ăn mà ta chọn lựa, há chẳng phải là bẻ những xiềng hung ác, mở những trói của ách, thả cho kẻ bị ức hiếp được tự do, bẻ gảy mọi ách hay sao? Há chẳng phải là chia bánh cho kẻ đói, đem những kẻ nghèo khổ đã bị đuổi đi về nhà mình, khi thấy kẻ trần truồng thì mặc cho, và chớ hề trớ trinh những kẻ cốt nhục hay sao? (câu 6, 7)
1. Vì Sao Phải Kiêng Ăn?
Đó là ngày Đại Lễ Chuộc Tội hằng năm, là thời kỳ kiêng ăn duy nhất mà Đức Chúa Trời đã dạy (Lê-vi ký 16: 29, 31).
“Điều này sẽ là một lệ định đời đời cho các ngươi: đến mồng mười tháng bảy, các ngươi phải ép linh hồn mình, không nên làm một việc nào, bất kỳ người bổn xứ hay là khách kiều ngụ giữa các ngươi, để các ngươi được tinh sạch: chắc chắn các ngươi sẽ được tinh sạch những tội lỗi mình trước mặt Đức Giê-hô-va. Ấy sẽ là một lễ Sa-bát, một ngày nghỉ cho các ngươi, phải ép linh hồn mình; đó là một lệ định đời đời vậy.”
Ngày nay, chúng ta không phải bị bắt buộc phải kiêng ăn trước và trong khi cầu nguyện; nhưng hoàn toàn bởi tấm lòng tự nguyện muốn dâng trọn thì giờ cho Chúa. Ăn uống là nhu cầu cần thiết cho cơ thể; nhưng khi tấm lòng chúng ta thiết tha biệt riêng thì giờ và hy sinh cả việc ăn uống, điều ấy có lẽ làm vui lòng Đức Chúa Trời. Kiêng ăn cũng bày tỏ một tấm lòng biết ơn Chúa về những gì mà Ngài đã ban ơn cho đời sống của chúng ta. Sự kiêng ăn thật lòng không những chỉ là sự hy sinh nhu cầu của thân thể mà còn cả tâm trí; muốn dành trọn thì giờ tập trung vào sự cầu nguyện.
Đừng bao giờ nhầm lẫn rằng, khi chúng ta kiêng ăn thì “bắt buộc” Đức Chúa Trời phải ban phước. Đó chỉ là sự đòi hỏi phi lý bởi suy nghĩ của xác thịt. Sự ban phước hay không là quyền của Chúa. Ngài thấy rõ tấm lòng của chúng ta nếu như sự kiêng ăn đẹp lòng Ngài. Đó không phải là nghi thức bề ngoài làm ra vẻ thiêng liêng. Sự kiêng ăn thường là sự kín giấu chỉ mình với Chúa biết; không cần phải “đánh phèn la” cho mọi người đều biết. Tất cả những điều gì đến từ sự tính toan hơn thiệt, hay công bình theo suy nghĩ của lòng người lắm khi không phải là ý của Chúa. Không phải khi chúng ta kiêng ăn, thì bắt buộc Đức Chúa Trời sẽ ban phước. Đây là sự giải thích rõ ràng lý do mà Đức Chúa Trời không ban phước cho những kẻ kiêng ăn giả hình:
“ Họ cầu hỏi sự đoán xét công bình, và vui lòng gần gũi Đức Chúa Trời, mà rằng: sao chúng tôi kiêng ăn mà Chúa chẳng đoái xem? Sao chúng tôi chịu dằn lòng mà Chúa chẳng biết đến? Này trong ngày các ngươi kiêng ăn, cũng cứ tìm sự đẹp ý mình, và làm khổ cho kẻ làm thuê. Thật các ngươi kiêng ăn để tìm sự cãi cọ tranh cạnh, đến nỗi nắm tay đánh nhau cộc cằn; các ngươi kiêng ăn trong ngày như vậy, thì tiếng các ngươi chẳng được nghe thấu nơi cao.”
Ngày nay, con dân Chúa cũng thường có những thì giờ biệt riêng ra kiêng ăn để cầu nguyện. Nếu như chúng ta thật lòng hy sinh nhu cầu của thân thể, và buộc chặt tâm trí mình trong sự cầu nguyện thiết tha cho những nan đề, hoặc nhu cầu mà mình mong đợi Chúa đáp ứng. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời sẽ trả lời. Còn nếu như đang khi kiêng ăn mà chúng ta vẫn sống và hành động của con người xác thịt, thì đừng có mơ Đức Chúa Trời sẽ đáp lời. Tôi đã từng chứng kiến có những anh chị em, ngay cả một vài đầy tớ Chúa khi kiêng ăn thì “bi bô” muốn cho mọi người đều biết; và phê phán những người khác không chịu kiêng ăn giống như mình! Trong khi đó, họ buộc chặt lòng mình với những suy nghĩ tiêu cực, lên án người khác. Họ ngoảnh mặt làm ngơ trước những anh em túng quẩn, nghèo khó. Họ dửng dưng trước những thương đau của những người lân cận như cha mẹ, anh chị em, bà con ruột thịt. Nhưng họ lại thích khoe khoang về sự cầu nguyện cho những người “bên trời Tây”, hoặc những đất nước mà họ không hề biết! Đó là sự giả hình mà Đức Chúa Trời sẽ không nghe tiếng kêu cầu của họ. Ngài cũng chẳng đáp lời về sự kiêng ăn của họ đâu. Đức Chúa Trời cần những tấm lòng chân thật và yêu thương người lân cận.
2. Sự Kiêng Ăn Mà Đức Chúa Trời Chọn Lựa
“ Sự kiêng ăn mà ta chọn lựa há chẳng phải là bẻ những xiềng hung ác, mở những trói của ách, thả cho kẻ bị ức hiếp được tự do, bẻ gãy mọi ách hay sao? Há chẳng phải là chia bánh cho kẻ đói, đem những kẻ nghèo khổ đã bị đuổi đi về nhà mình, khi thấy kẻ trần truồng thì mặc cho, và chớ hề trớ trinh (làm ngơ: turn away) những kẻ cốt nhục mình hay sao?”
Tạ ơn Chúa về sự dạy dỗ của Ngài. Chúng ta có một Đức Chúa Trời yêu thương, nhân từ và rất ư thực tế. Ngài cần chúng ta hành động yêu thương, thực hành những gì chúng ta học được từ nơi Chúa; chứ không phải là lý thuyết suông trên môi miệng!
Chúng ta cần cầu nguyện không những cho bản thân, gia đình, những con cái Chúa cùng Hội Thánh, và những Hội Thánh bạn (không phân biệt giáo phái); mà còn cầu nguyện cho những gì đang xảy ra trên đất nước chúng ta đang sống, cho quê hương nơi chúng ta ra đời, cho bà con, bạn hữu là những người chưa tin nhận Chúa Jê-sus. Lắm lúc, chúng ta quên cầu nguyện cho những đầy tớ Chúa khi họ đang đau ốm, mệt mỏi, ngã lòng vì những áp lực của chức vụ. Chúng ta chỉ cầu nguyện cho những đồng lao quen thân theo kiểu “bánh ít trao đi, bánh qui trao lại” cốt để làm vừa lòng nhau và vì những lý do ích kỷ sâu kín trong lòng!
Hơn lúc nào hết, chúng ta cũng cần cầu nguyện cho những bậc cầm quyền; để Chúa hướng dẫn họ không làm những đìều bất nhân, bất nghĩa, gian trá, trái ngược với luân thường đạo lý, mà họ phải làm những điều ích cho đất nước, lợi cho nhân dân. Cầu nguyện cho những quan toà có sự liêm chính, ngay thẳng, bảo vệ luật pháp và nhất là lòng trắc ẩn cùng với sự yêu thương. Họ cần có sự sáng suốt, không phán xét sai lầm hoặc bị mua chuộc bởi tiền bạc hay bất cứ thế lực nào; nhưng phải đứng trên công lý đi kèm với sự nhân từ. Hình phạt cốt là để răn đe, làm cho phạm nhân tỉnh thức, ăn năn những sai lầm, để tu tỉnh trở nên những công dân tốt. Quan toà phải có tấm lòng nhân hậu, không bừa bãi với bản án tử hình. Giết người là một hành động mà Đức Chúa Trời nghiêm cấm. Giá trị của việc thực thi pháp luật là thực hành những việc công bình, làm cho kể xấu trở thành tốt. Giúp cho kẻ có tội nhận thức được những sai lầm đã vấp phạm, đền bù cho những người bị hại, và có cơ hội để ăn năn, trở thành người lương thiện. Còn việc lấy đi mạng sống của một con người thì nên tránh, bởi đó là hành động tàn nhẫn! Chưa nói đến những oan khiên khi tuyên án tử mà không đầy đủ chứng cớ. Là con dân của Chúa, chúng ta hãy dành những thì giờ biệt riêng ra, cầu nguyện cho thế giới này có thật nhiều người tin Chúa và kính sợ Chúa để họ không làm điều ác.
Nếu chúng ta kiêng ăn mà làm ngơ với những người xung quanh đang có nhu cầu về cơm áo. Họ sống lây lất từng ngày bên vỉa hè không biết được ngày mai, trong khi chúng ta dư thừa hoặc buộc chặt lòng mình, không bao giờ muốn chia sẻ cho kẻ đói; thì sự kiêng ăn ấy sẽ vô ích và vô nghĩa! Nếu chúng ta kiêng ăn đúng theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ban phước:
“ Bây giờ sự sáng ngươi sẽ hừng lên như ban mai, ngươi sẽ được chữa lành ngay lập tức; sự công bình ngươi sẽ đi trước mặt ngươi. Bây giờ ngươi cầu, Đức Giê-hô-va sẽ ứng; ngươi kêu, Ngài sẽ phán rằng: Có ta đây! Nếu ngươi cất bỏ cái ách khỏi giữa ngươi, không chỉ tay và không nói bậy; nếu ngươi mở lòng cho kẻ đói, và làm no kẻ khốn khó, thì sự sáng ngươi sẽ sáng ra trong tối tăm ngươi sẽ như ban trưa. Đức Giê-hô-va sẽ cứ dắt đưa ngươi; làm cho ngươi no lòng giữa nơi khô hạn, làm cho cứng mạnh các xương ngươi, ngươi sẽ như vường năng tưới, như nước chẳng hề khô vậy.”
Cầu nguyện:
Tạ ơn Chúa về sự dạy dỗ của Lời Ngài. Nguyện xin Đức Thánh Linh dẫn dắt và giúp đỡ con dân Chúa có được nhiều thì giờ biệt riêng ra để kiêng ăn và cầu nguyện. Nếu cơ thể chúng con không kiêng ăn được, cầu xin Chúa ban cho chúng con tấm lòng chân thành, thiết tha tìm kiếm Chúa, dâng trình lên cho Ngài điều mà lòng chúng con mong đợi. Trên hết mọi sự, xin Ngài ban cho chúng con sự chân thật, kín giấu và riêng tư thiết tha kêu cầu với Chúa. Không giả bộ hay khoe khoang sự kiêng ăn của mình. Chúng con tin cậy nơi sự thương xót của Chúa và tin rằng Đức Chúa Trời sẽ đáp lời theo ý chỉ của Ngài, amen!
Mục sư Văn Lê
——————————————————-
Nghiệm và Sống là tổng hợp của hai trang Dưỡng Linh và Nghiệm và Sống trước đây.
Đọc lại bài vở cũ:
Dưỡng Linh 1 – 2010-2018
Dưỡng Linh 2 – 2018-2022
Nghiệm và Sống – 2008-2022