Vườn Ê đen mới

A-RÔN VÀ BỐN NGƯỜI CON TRAI CỦA ÔNG – Huỳnh Ngọc Ẩn

Chúa truyền cho Môi-se: “Từ trong dân I-sơ-ra-ên, ngươi hãy chọn A-rôn anh ngươi và các con trai ông đến gần ngươi, để làm tư tế phục vụ Ta – A-rôn và các con trai A-rôn là Na-đáp, A-bi-hu, Ê-lê-a-xa, và I-tha-ma.” (Xuất Ê-díp-tô 28:1)

Tên của người Do thái cũng như tên của người Việt Nam mang một ý nghĩa. Trong bài viết ngắn này, tôi muốn tìm hiểu và chia sẻ với anh chị em vài thông tin về ý nghĩa của tên của thầy tế lễ A-rôn và bốn người con của ông được Đức Chúa Trời giao cho trách nhiệm đứng giữa Chúa và dân Ngài.

A-RÔN
A-rôn nghĩa là ‘ngọn núi của sức mạnh.’ Ngọn núi cũng được biết với tên ‘chổ cao’ trong Kinh Thánh, được dùng làm nơi thờ phượng.
Người viết Thi thiên 121 tin rằng Đức Chúa Trời ngự trên ‘đồi núi’, ông viết:
“Tôi ngước mắt nhìn lên đồi núi;
Sự giúp đỡ tôi đến từ đâu?
Sự giúp đỡ tôi đến từ CHÚA,
Ðấng dựng nên trời và đất.” (121:1-2)
Câu hỏi của người đàn bà Sa-ma-ri “Tổ phụ chúng tôi thờ phượng trên núi này, còn quý ông lại bảo Giê-ru-sa-lem mới là nơi phải đến thờ phượng” cho biết người Sa-ma-ri cũng thờ phượng trên núi như những dân tộc khác.
Giê-ru-sa-lem cũng được xây dựng trong một rặng núi. Từ phương bắc đi về Giê-ru-sa-lem người ta không nói ‘đi xuống,’ nhưng nói ‘đi lên.’
Đức Chúa Trời được ví với hòn núi.
“CHÚA là vầng đá của tôi,
Ðồn lũy của tôi, và Ðấng Giải Cứu của tôi.
Ðức Chúa Trời là vầng đá của tôi; tôi nương náu nơi Ngài.” (2 Sa-mu-ên 22:2-3)
Đa-vít trong những Thi thiên 18, 19, 28, 31, 42 vân vân… cũng xem Chúa như hòn đá, đồn lũy, Đấng giải cứu.
Cứu Chúa Giê-xu là ‘hòn đá góc nhà,’ nền tảng vững chắc cho niềm tin và sự cứu chuộc.
A-rôn, ‘ngọn núi của sức mạnh,’ được chọn để làm thầy tế lễ của Hòn đá cứu chuộc,.và Hòn đá cứu chuộc đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu.

NA-ĐÁP
Tên Na-đáp có nghĩa là ‘món quà miễn phí,.tự nguyện.‘ Chúa Giê-xu tự nguyện chết thay cho tội nhân. Ấy là một món quà miễn phí cho tất cả mọi người. Món quà đó vô giá, không thể mua bằng bạc tỉ, nhưng có thể mua bằng đức tin,
“Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin Con ấy không bị chết mất nhưng có sự sống đời đời.” (Giăng 3;16)

Na-đáp cũng có nghĩa là ‘hoàng tử.’ Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu được gọi là “Vua dân Do thái.” Ai tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa thì được quyền làm con Đức Chúa Trời hay là hoàng tử và công nương.
Na-đáp món quà vô giá của Chúa Giê-xu ban cho mọi người. Ai nhận món quà ấy thật là khôn ngoan.

A-BI-HU
Tên A-bi-hu có nghĩa là ‘Ngài là Cha tôi.’ Chúa Giê-xu gọi Đức Chúa Trời là ‘Cha.’ Đức Chúa Trời gọi Chúa Giê-xu là ‘Con.’
“Con là Con Ta. Ngày nay Ta đã sinh Con.” (Thi thiên 2:7)
“Ðây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn.” (Ma-thi-ơ 3:17)
Khi một người tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa thì người ấy là em thiêng liêng của Cứu Chúa, và Ngài là “con đầu tiên của mọi loài thọ tạo” (Cô-lô-se 1:15).
Rất tiếc, Na-đáp và A-bi-hu về sau dâng lửa lạ trước mặt Chúa, họ phạm tội bất kính đối với Chúa, và bị chết.

Ê-LÊ-A-XA
Tên Ê-lê-a-xa có nghĩa là ‘Đức Chúa Trời là Đấng giúp đở tôi.’ Nếu Đức Chúa Trời là Đấng giúp đở tôi thì Ngài chăm sóc tôi.
Khi bị kẻ thù vây hãm Đa-vít cầu nguyện: “Xin (Chúa) thức dậy để giúp đỡ con; Xin thi hành sự đoán phạt của Ngài.” (Thi thiên 7:6)
Đa-vít cũng kinh nghiệm Đức Chúa Trời giúp đở ông trong khi hoạn nạn (Thi thiên 18:18).
Chắc chúng ta cũng có lần được Chúa giúp đở bởi vì có cha xác thịt còn biết giúp đở con, huống gì Cha thiêng liêng.
Đức Chúa Trời cũng còn được biết dưới tên ‘Ê-bên-ê-xe’ (tảng đá giúp đở).
Trong thời Sa-mu-ên làm quan xét, dân Phi-li-tin tiến gần để tấn công dân I-sơ-ra-ên. Sa-mu-ên dâng của lễ thiêu, “hôm đó CHÚA giáng sấm sét kinh hoàng trên dân Phi-li-tin, khiến chúng bị rối loạn và bị dân I-sơ-ra-ên đánh bại. Dân I-sơ-ra-ên từ Mích-pa xông ra, đuổi theo dân Phi-li-tin, và rượt chúng đến tận miền dưới của Bết Ca. Sa-mu-ên lấy một tảng đá và dựng lên ở giữa Mích-pa và Sên, rồi đặt tên nó là Ê-bên-ê-xe và nói, “CHÚA đã giúp đỡ chúng ta đến đây.” (1 Sa-mu-ên 7:10=12)

I-THA-MA
I-tha-ma có thể có nhiều nghĩa: khát vọng, độc lập, sức mạnh, đáng tin cậy, quả quyết và tính chuyên nghiệp.
Bộ tộc Lê-vi không được chia đất, thầy tế lễ không có khát vọng nào khác hơn là phục vụ dân Chúa và phụng vụ Chúa.
Thầy tế lễ là người tự do, chỉ lệ thuộc vào Chúa, Đấng kêu gọi họ vào chức vụ. Đưc Chúa Trời là năng lực của họ.
“CHÚA là sức mạnh và bài ca của tôi;
Ngài là Ðấng Giải Cứu của tôi;” (Xuất Ê-díp-tô 15:2a)
“Ðức Chúa Trời trang bị cho tôi bằng sức mạnh;
Ngài làm cho đường lối tôi trở nên trọn vẹn.” (Thi thiên 18:32)
Các thầy tế lễ Lê-vi phải có tính chuyên nghiệp, theo những nghi thức riêng biệt, thời khóa biểu riêng biệt, y phục riêng biệt.
Ngày nay, các thầy tế lễ Lê-vi được Thầy Tế Lễ thuộc dòng Mên-chi-xê-đéc thay thế.
“Thật vậy chúng ta cần có một Vị Thượng Tế như thế, một Ðấng thánh khiết, vô tội, trong sạch, tách biệt khỏi những kẻ tội lỗi, và được cất lên cao hơn các tầng trời; một Ðấng không có nhu cầu hằng ngày như bao nhiêu vị thượng tế khác, tức dâng con vật hiến tế chuộc tội cho mình và cho dân, vì Ngài đã dâng chính Ngài một lần đủ cả.” (Hê-bơ-rơ 7:26-27).

GS Huỳnh Ngọc Ẩn

 

Ngày đăng: 10/25/2023