Vườn Ê đen mới
CẦU NGUYỆN LÀ HƠI THỞ CỦA LINH HỒN- Mục sư Văn Lê
Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người”(I Ti-mô-thê 2:1).
Đây là những phẩm hạnh cuối cùng của luận văn này, tôi muốn nhấn mạnh đến hai phẩm hạnh không thể tách rời nhau được, có thể nói là huyết mạch, và cũng là sự sống còn trong chức vụ của một đầy tớ của Chúa. Người chăn bầy cho dù tốt nghiệp một trường thần học nổi tiếng nhất, với văn bằng tiến sĩ hạng ưu, giảng dạy hùng hồn, có nhiều khả năng quản trị, lãnh đạo xuất sắc; nhưng nếu thiếu sự cầu nguyện thường xuyên với Chúa, thì tất cả mọi ân tứ trên vẫn không đem lại kết quả thuộc linh cho Ngài.
A. SỰ CẦU NGUYỆN
Vậy thì điều gì đã làm cho những đầy tớ của Chúa, hay những người lãnh đạo thuộc linh đem lại những kết quả mà sức người không bao giờ có thể thực hiện nổi? Làm sao một bài giảng có hơn ba nghìn người tin nhận Chúa Jesus như bài giảng của sứ đồ Phi-e-rơ trong ngày Lễ Ngũ Tuần? Trong những chiến dịch truyền giảng của thế kỷ 20 và 21 của nhiều sứ giả Đức Chúa Trời như Billy Graham ở Mỹ, Mục sư David Yonggi Cho, (the founder of the Yoido Full Gospel Church của Nam Hàn). Mục sư bắt đầu với 5 người, nhóm thờ phượng Chúa trong một chiếc lều. Rồi sau đó, có hàng nghìn người tin nhận Chúa Jesus. Gần đây, trong những chiến dịch truyền giảng ngoài trời tại Việt Nam bùng nổ, cũng đã có vô số người tin nhận Chúa tại các sân vận động như ở Sài-Gòn hay Hà-Nội.
Nếu như không có sự hiện diện của Thần Đức Chúa Trời là Đức Thánh Linh, thì ai có thể làm được những sự kiện nổi bật này? Muốn có được sức mạnh đầy quyền năng từ Đức Thánh Linh, rõ ràng không có điều gì khác hơn là sứ dốc đổ cầu nguyện. Chúng ta sẽ lần lượt bàn sâu hơn ở những phần sau đây:
1. Học theo gương Chúa Jesus trong sự cầu nguyện
Hơn ai hết, Chúa Jesus là mẫu mực của một tấm gương tromg sự cầu nguyện. Trong Tân Ước, chép nhiều lần về hình ảnh Chúa Jesus rời khỏi đám đông, tìm môt nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Kinh Thánh Ma-thi-ơ (14:23) chép rằng: “Ngài lên núi để cầu nguyện riêng; đến chiều tối Ngài ở đó một mình.” Trước khi Chúa Jesus bị phản, Ngài lên núi Ô-li-ve, tìm một nơi vắng vẻ để cầu nguyện:
“Đoạn, Đức Chúa Jesus ra đi, lên núi Ô-li-ve như thói quen, các môn đồ cũng đi theo Ngài. Khi đã đến nơi đó, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Hãy cầu nguyện, hầu cho các ngươi khỏi sa vào sự cám dỗ. Ngài bèn đi khỏi các môn đồ cách chừng liệng một cục đá quỳ xuống mà cầu nguyện rằng: Lạy Cha nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi. Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống, cùng Ngài, mà thêm sứ cho Ngài (Lu-ca 22: 39-43).
Không phải bất cứ lúc nào Chúa Jesus cũng ở riêng và cầu nguyện một mình. “Có khi Ngài cầu nguyện với nhiều người khác (Giăng 11:41). Khi bạn Ngài là La-xa-rơ chết, Chúa Jesus cầu nguyện với những người khác tại mộ của La-xa-rơ. Chúa Jesus cũng cầu nguyện với các môn đồ khi nhóm lại, cầu nguyện vào bữa ăn, và cầu nguyện cho những người bị quỷ ám.”[1]
Sự cầu nguyện của Chúa Jesus có thể nhìn thấy trong những tình huống sau đây:
a. Cầu nguyện để đắc thắng sự yếu đuối của xác thịt:
Không một ai trong chúng ta dám nói rằng: “Tôi là người mạnh mẽ, tôi đã có đời sống mới trong Chúa. Tôi luôn đứng vũng vàng trong đức tin, tôi là người hoàn hảo, vv…” bởi vì chúng ta được nắn lên từ cát bụi. Tất cả đều yếu đuối. Khi Chúa Jesus giáng thế làm người, và Ngài đã mang thân xác con người, Ngài cũng biết đói, biết đau đớn, biết buồn, cho nên Chúa Jesus thường tách rời đám đông để tìm một nơi vắng vẻ để cầu nguyện: “Ngài phán rằng: Sao các ngươi ngủ? Hãy đứng dậy cầu nguyện, để cho khỏi sa vào sự cám dỗ.” (Lu-ca 22:46).
Đây là mẫu mực cần thiết mà Chúa đã thực hiện trước khi tên phản Chúa là Giu-đa, một trong mười hai Sứ đồ, đến gần đặng hôn Ngài, để rồi đám lính đông đảo bắt Ngài. Chúa Jesus là Đấng từ trời đến. Ngài là con của Đức Chúa Trời. Ngài có đầy quyền năng để chống lại đám người ô hợp đầy dẫy sự ngu muội và tội lỗi. Nhưng Chúa Jesus thay vì thi thố quyền năng của Đấng Tối Cao, thì Ngài lại bày tỏ sự khiêm nhu đầu tiên là cầu nguyện với Đức Chúa Cha, sau đó là chữa lành cho đứa đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, bị một trong các sứ đồ chém đứt tai:
“Chúa Jesus phán với các thầy tế lễ cả, các thầy đội coi đền thờ và các trưởng lão đã đến bắt Ngài rằng: Các ngươi cầm gươm gậy đến bắt ta, như kẻ trộm cướp. Hằng ngày ta ở trong đền thờ với các ngươi mà các ngươi không ra tay bắt ta. Nhưng này là giờ của các người, và quyền của sự tối tăm vậy” (Lu-ca 22: 52, 53).
Khi Chúa Jesus nói tiên tri về Phi-e-rơ với những gì sẽ xảy ra trên cuộc đời ông, và gần nhất là những khoảnh khắc sau khi Chúa bị nộp trong tay kẻ có tội; Ngài đã làm gì để giải thoát cho Phi-e-rơ nếu như không phải là sự cầu nguyện. Chúa phán:
“Hỡi Si-môn, Si-môn, nầy, quỉ Sa-tan đã đòi sàn sảy ngươi như lúa mì, song ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn. Vậy đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em” (Lu-ca 22: 31).
Qua hình ảnh này, cho chúng ta bài học rằng, chính sự cầu nguyện là vũ khí duy nhất có thể xua đuổi bóng tối và sự ác của ma quỉ. Chính sự cầu nguyện để làm cho con dân Chúa thêm sức lực từ trên cao. Cũng chính sự cầu nguyện làm thay đổi những tấm lòng cứng cỏi, ngay cả những hoàn cảnh đen tối trở nên sáng sủa, những tuyệt vọng trở thành hy vọng, những buồn đau trở nên hạnh phúc, những chết chóc trở nên sự sống còn. Cầu nguyện là chìa khóa vạn năng có thể mở toang những cánh cửa đã đóng lại. Cầu nguyện sẽ chữa lành những thương đau trong đời sống, hàn gắn những đổ vỡ và nối kết lại dây hòa bình cho muôn người.
Đời sống và chức vụ của một người chăn bầy là những chuỗi ngày phải trải qua những gian lao và thách thức. Dường như không có một đầy tớ của Chúa nào hầu việc Ngài được ơn mà không gặp phải những hoạn nạn, bắt bớ, tù đày. Sứ đồ Phao Lô là một trong những bằng chứng cụ thể của sự hoạn nạn. Ông đã trải qua biết bao nhiêu lần bị đòn roi suýt chết, bị tù đày, đói lạnh, bị vu khống, ganh ghét ngay trong Cộng đồng những người Do Thái như ông. Nhưng Sứ đồ Phao Lô đã làm gì để chống chọi lại những đau đớn của xác thịt, mệt mỏi của tâm hồn, nếu như ông thiếu sự cầu nguyện.
Mỗi chúng ta được dựng nên từ bụi đất. Hình hài, thân thể của chúng ta được cấu tạo nên từ hàng vạn tế bào nhỏ bé, tinh vi cách lạ lùng! Thân thể được sống còn là nhờ hơi thở, nhịp đập của tim do máu huyết luân lưu và cũng nhờ ở những tố chất dinh dưỡng. Nhưng, thân thể sẽ có lúc bịnh tật, đau yếu, mệt mỏi. Còn bên trong thân xác là đời sống tâm hồn gồm lý trí, ý chí, tình cảm, và cao hơn hết là linh hồn. Tuy nhiên, những gì thuộc về con người thì luôn có khuynh hướng ngã về tội lỗi. Chính vì vậy, con người sau khi đã tiếp nhận Chúa Jesus, thì trở nên mới, có đời sống mới, nhưng luôn cần có sức mạnh từ Chúa ban cho, mới có thể sống đẹp lòng Chúa.
Muốn nhận được nguồn năng lực siêu nhiên từ Đức Chúa Trời, chỉ có một cách duy nhất là cầu nguyện. Như vậy, cầu nguyện chính là sự giao thông cùng Đức Chúa Trời qua sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Cơ đốc nhân mà không cầu nguyện đồng nghĩa với sự chết tâm linh. Đời sống không có mối giao thông cùng Chúa là đời sống khô héo, quờ quạng bước đi trong bóng tối của tội lỗi. Người chăn bầy chiên cho Đức Chúa Trời mà thiếu sự cầu nguyện, có nghĩa là chức vụ đó thất bại. Người biếng nhác cầu nguyện mà lãnh đạo Hội Thánh, thì dẫn dắt con chiên rơi vào vực thẳm. Hội Thánh sẽ biến thành hội đoàn cùa thế gian; và tất nhiên người đó chắc chắn không phải do Đức Chúa Trời lựa chọn để chăn bầy cho Ngài.
Thông thường, để đo được sự trưởng thành thuộc linh của một con cái Chúa, chỉ cần mời họ cầu nguyện, chúng ta có thể nhận ra ngay. Trách nhiệm chính yếu của người chăn bầy, là giảng đạo và cầu nguyện cùng với sự chăm lo bầy chiên. Tất cả nhiệm vụ đó có đem lại kết quả cho Chúa hay không chính là do sự cầu nguyện. Để chiến thắng được sự yêu đuối, mệt mỏi, ngã lòng và để có thể vượt qua được những sự cám dỗ, chúng ta cần có lời Chúa và cầu nguyện thường xuyên. Có như vậy, thì tâm linh được tiếp sức bởi ngưồn sức mạnh siêu nhiên từ nơi Đấng ban hơi thở cho con loài người. Kinh Thánh Tê-sa-lô-ni-ca chép: “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5: 16, 17).
b. Cầu nguyện là năng lực, trói buộc nguồn gốc của nguyên nhân gây nên tội lỗi của Sa-tan
“Này, ta đã ban quyền cho các ngươi giày đạp rắn, bò cạp và mọi quyền của kẻ nghịch dưới chân, không gì làm hại các ngươi được. Dầu vậy, chớ mừng vì các quỉ phục các ngươi; nhưng hãy mừng vì tên các ngươi đã ghi trên thiên đàng”(Lu-ca 10: 19, 20).
Trong sách Lãnh Đạo Thuộc Linh của J. Oswald Sanders, có trình bày hình ảnh mà Chúa Jesus đã minh hoạ trong một ẩn dụ khá rõ ràng về ý nghĩa, của năng lực trói buộc quyền lực của Sa-tan như sau:
“Trong một thí dụ minh hoạ, Chúa Jesus so sánh Sa-tan với một người có sức mạnh, được vũ trang đây đủ. Trước khi người nào muốn vào nhà của một người như vậy để giải thoát cho các phu tù, thì trước nhất phải bắt trói người ấy lại. Chỉ khi đó, thì sự cứu thoát mới thành công (Ma-thi-ơ 12:29). Trói người mạnh sức có nghĩa là gì nếu không phải là hóa giải sức mạnh của người ấy bằng quyền năng đắc thắng của Đấng Christ. Đấng đã đến để hủy phá công việc của ma quỉ. Làm thế nào điều ấy có thể xảy ra, nếu không nhờ lời cầu nguyện của đức tin, mà nó đã nắm lấy sự chiến thắng ở Gô-gô-tha và công bố trước nan đề đang đối diện.” [2]
Đó là nguyên tắc căn bản thuộc linh mà người chăn bầy không thể thiếu sự trang bị, bởi vì đây là vũ khí để chiến thắng ma quỉ. Cầu nguyện bởi lời của Chúa, chính là gươm của Đức Thánh Linh làm xuyên thủng tất cả những tấm màn đen tối che mờ những đôi mắt yêu đuối của loài người. Cầu nguyện với đức tin, sẽ đập tan mọi ngăn cách của những bức tường ngăn cản bước tiến thuộc linh của con dân Chúa. Hãy học tập tấm gương của Chúa Jesus trong sự cầu nguyện. Đây chính là bí quyết sống đắc thắng của Cơ-đốc nhân.
Tôi đã từng chứng kiến đời sống cầu nguyện của một vài anh em đồng lao trong sự cầu nguyện. Họ rất đơn sơ trong kiến thức thần học. Họ cũng không có học vị gì to lớn, xuất thân từ gia đình nghèo khó ở miền quê Việt Nam. Họ đến Mỹ qua một cơ hội có thể nói là “may mắn” theo ngôn ngữ người đời. Họ được ở lại Mỹ cách lạ lùng khó tin theo con mắt của xác thịt. Nhưng, tôi đã chứng kiến nhiều buổi cầu nguyện của những anh em này. Họ quỳ gối không mệt mỏi, cầu nguyện sốt sắng từ giờ này sang giờ khác. Lời của Chúa tuôn chảy trên đôi môi của họ như những dòng thác mạnh mẽ.
Tôi bị choáng ngợp trong quyền năng của Đức Thánh Linh, khi cùng quỳ gối với những anh em này. Họ luôn đến với Chúa mỗi ngày ở nhà, hằng tuần ở Hội Thánh. Kết quả đã làm lay động những trái tim của những người vốn xem thường và có vẻ khinh miệt những anh em này. Họ chiến đấu nhiều ngày tháng, và đã đưa dẫn vô số những linh hồn hư mất về với Chúa. Họ tạo nên một ấn tượng tốt đẹp trong con mắt của con dân Chúa. Cuối cùng, thì Chúa đã mở cho anh em này một Hội Thánh ở một thành phố nhiều người Việt. Chúa cung cấp tài chánh, chỗ nhóm lại, cảm động lòng nhiều anh em hỗ trợ mọi mặt. Trong đó có tôi là một nhân chứng sống, đuợc thôi thúc giúp đỡ anh em này trong những bước đầu gầy dựng Hội Thánh.
Tuy nhiên, điều mà tôi nhìn thấy ở đây là sức mạnh của lời cầu nguyện, đã bẻ tan xiềng xích mọi sự trói buộc của Sa-tan và thế giới ma quỉ. Có rất nhiều sự tấn công vây quanh tưởng chừng không thể nào vượt qua được. Nhưng, bởi sự bước đi bằng đầu gối mà người anh em này đã giành lấy sự chiến thắng.
“Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin sẽ ban cho, hãy tìm sẽ gặp; hãy gõ cửa sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ”(Lu-ca 11: 8, 9).
c. Cảm hoá người khác thông qua sự cầu nguyện với Đức Chúa Trời
Đối với thế gian, điều này nghe như là một nghịch lý không thể tin được. Và đôi khi người ta cho rằng những người tin Chúa là “mê tín dị đoan” nữa. Làm gì có chuyện thuyết phục người khác qua trung gian một Đấng mà không hề thấy mặt! Nhưng chuyện này, đối với con dân Chúa thì chẳng có gì ngạc nhiên cả. Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy mọi sự, biết rõ mọi sự. Ngài có quyền thay đổi tất cả, làm nên tất cả, và hủy diệt tất cả. Ngài là Đấng dựng nên cũng là Đấng phế bỏ.
Vua Sau-lơ bị phế bỏ khi không vâng theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời, và Đa-vít đã được Ngài thay thế. Môi-se là tôi tớ yêu Chúa của Đức Chúa Trời, được Ngài kêu gọi đưa dân sự của Chúa ra khỏi xứ nô lệ, để vào xứ Ca-na-an, chỉ vì không làm đúng theo lời của Chúa, liền bị phế bỏ, không được vào đất hứa. Đức Chúa Trời đã chọn Giô-suê. Như vậy, chúng ta thấy rằng đối với Đức Chúa Trời không có điều gì là không thể. Điều này chứng minh rằng Ngài là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn Chúa:
“Tất cả đầu gối trên trời, dưới đất đều quỳ xuống, và mọi lưỡi sẽ xưng Chúa Jesus là Chúa”(Phi-líp 2: 10-11).
Đa-vít là vị vua gần gũi với Đức Chúa Trời. Ông thường kêu cầu cùng Chúa qua sự cầu nguyện vào buổi sáng mai, hay buổi chiều, khi gặp thử thách hay hoạn nạn; hoặc đối mặt với kẻ thù:
• Lời cầu nguyện của ông vào buổi sáng, khi trốn khỏi Áp-sa-lôm, con trai của ông:” Đức Giê-hô-va ôi! kẻ cừu địch tôi đã thêm nhiều dường bao! Lắm kẻ dấy lên cùng tôi thay! Biết bao kẻ nói về linh hồn tôi rằng: Nơi Đức Chúa Trời chẳng có sự cứu rỗi cho nó. Nhưng Đức Giê-hô-va, Ngài là cái khiên che chở tôi. Ngài là Đấng làm cho tôi ngước đầu lên…Hỡi Đức Giê-hô-va, hãy chỗi dậy; Hỡi Đức Chúa Trời tôi, hãy cứu tôi! Vì Chúa đã vả má các kẻ thù nghịch tôi, vàbẻ răng kẻ ác”(Thi Thiên 3: 1-7).
• Lời cầu nguyện vào buổi chiều: “Hỡi các con cái loài người, sự vinh hiển ta sẽ bị sỉ nhục cho đến chừng nào? Các ngươi sẽ ưa mến điều hư không, và tìm sự dối trá cho đến bao giờ? Phải biết rằng Đức Giê-hô-va đã để riêng cho mình người nhân đức. Khi ta kêu cầu Đức Giê-hô-va, ắt Ngài sẽ nghe ta. Các ngươi khá e- sợ, chớ phạm tội. Trên giường mình hãy suy gẫm trong lòng và làm thinh. Hãy dâng sự công bình làm của lễ, và để lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va”(Thi Thiên 4: 2-5).
• Lời cầu nguyện nài xin Đức Giê-hô-va khi Đa-vít bênh vực mình cùng kẻ ác: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi nương náu mình nơi Ngài. Xin hãy cứu tôi khỏi kẻ rượt đuổi và giải thoát tôi…Nếu kẻ ác không hối cải thì Đức Chúa Trời sẽ mài gươm.” (Thi Thiên 7:1,12).
Những câu Kinh Thánh trên chứng minh rằng Đa-vít đã cầu nguyện xin Chúa chinh phục người khác, thay đổi hoặc cảnh báo người khác thông qua Chúa. Chính vì vậy, mà người lãnh đạo Hội Thánh hay người chăn bầy chiên của Ngài, phải biết học cách cầu thay cho anh em cùng đức tin; hoặc cho kẻ thù để ngăn trở họ; hoặc thay đổi tấm lòng gian ác của họ, để bảo vệ bản thân mình thoát khỏi nanh vuốt của kẻ ác. Đức Chúa Trời là vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa. Ngài là Đấng cầm quyền trên vũ trụ và con người. Do đó, Ngài có quyền ban phước cho kẻ thiện lành hay trừng phạt kẻ gian ác. Vì vậy, Cơ đốc nhân cũng có thể học biết cách cầu thay, nhờ cậy Chúa để cảm hoá những con người khác thông qua Đức Chúa Trời. Đa-vít đã cầu nguyện với Chúa để xin Ngài làm cho những kẻ thù của ông bị hổ thẹn và lùi lại những mưu ác:
“Đức Giê-hô-va đã nghe sự nài xin ta. Hết thảy kẻ thù nghịch tôi sẽ bị hổ thẹn và bối rối lắm. Chúng nó sẽ lùi lại, vội vàng bị mất-cở” (Thi-Thiên 6: 9, 10).
Là người hầu việc Đức Chúa Trời, nhất là những người được ơn Chúa, không ai có thể tránh khỏi những thử thách; vì họ là đối tượng bị tấn công của Sa-tan và ma qủi. Công việc của Đức Chúa Trời là cứu rỗi con loài người, còn kế hoạch của Sa-tan là hủy phá, đưa con người vào hồ lửa. Hai bên đối nghịch nhau. Người hầu việc Chúa luôn là kẻ thù của ma quỉ, và thế gian ganh ghét. Chính vì lẽ đó, người chăn bầy luôn sử dụng vũ khí của Đức Chúa Trời là sự cầu nguyện với lời của Ngài. Ma quỉ không sợ con người, nhưng sợ lời của Chúa vì danh Chúa trên hết thảy mọi danh. Nắm được lẽ thật này, người chăn bầy và những tôi tớ của Chúa sẽ sống đắc thắng.
2. Đối tượng cầu nguyện
Trong bài cầu nguyện chung, Chúa Jesus đã dạy: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời.” Như vậy, đối tượng để chúng ta cầu nguyện chinh là Đức Chúa Trời. Chúng ta thưa chuyện với Ngài trong danh của Chúa Jesus, để trình dâng lên Chúa những lời cảm tạ; ngợi khen cũng như những chương trình; kế hoạch hầu việc Chúa của bản thân, Hội Thánh điạ phương và tất cả Hội Thánh cũng như con dân Chúa khắp hoàn vũ. Chúng ta không cầu nguyện với con người; vì con loài người không ai xứng đáng và có quyền tha tội cho chúng ta cả.
Giáo sư Phạm Hoàng đề cập đến vấn đề cầu nguyện là đặt Đức Chúa Trời ở trung tâm. Tác giả viết: “Thường thường lời cầu nguyện của Đức Chúa Jesus không chỉ là những lời cầu xin có được mọi việc, nhưng cũng để tôn vinh Cha Thiên Thượng và để cảm tạ Ngài. Mặt khác, chúng ta thường đưa ra một “bản liệt kê những việc phải làm” trong khi chúng ta cầu nguyện. Chúng ta quên rằng mục đích cao nhất của lời cầu nguyện là tôn cao Đức Chúa Trời, cảm tạ Ngài và làm sâu đậm mối liên hệ của chúng ta với Ngài. Rất ngắn, nhưng lời cầu nguyện thật hoàn hảo mà Đức Chúa Jesus đã dạy cho chúng ta, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là tôn vinh Cha Thiên Thượng của chúng ta, chứ không phải là liệt kê ra những lời cầu xin của chúng ta.”[3]
a. Cầu nguyện với ai?
Như chúng ta đã biết, đối tượng mà chúng ta thưa chuyện với, trình dâng những lời cảm tạ, ngợi khen cùng với những nan đề trong đời sống, của Hội Thánh Chúa và con dân của Ngài, không ai khác hơn, chính là Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Chúng ta nhân danh Chúa Jesus mà cầu nguyện, và nhờ cậy Đức Thánh Linh dẫn dắt để lời cầu nguyện của chúng ta được đẹp ý Cha. Hãy nghe Nê-hê-mi cầu xin với Giê-hô-va Đức Chúa Trời khi ông được biết dân Giu-đa, có một số người bị bắt làm phu tù còn sót ở lại trong tỉnh bị sỉ nhục, những vách thành Je-ru-sa-lem thì hư nát, và các cửa nó bị hư cháy. Nê-hê-mi, một tôi tớ của Đức Chúa Trời đã đau đớn than khóc và cầu nguyện với Chúa:
“Ôi! Giê-hô-va Đức Chúa của các từng trời, tức Đức Chúa Trời cực đại và đáng kinh, hay giữ lời giao ước và lòng nhân từ cùng kẻ nào kính mến Ngài và vâng giữ các điều răn của Ngài. Tôi xin mắt Chúa hãy đoái đến và lỗ tai Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của kẻ đầy tớ của Chúa, mà tôi hiện lúc này hằng ngày và đêm cầu nguyện, vì dân Y-sơ-ra-ên là các tôi tớ Chúa, ở tại trước mắt Chúa và xưng những tội của dân Y-sơ-ra-ên mà chúng tôi đã phạm với Ngài. Vả lại tôi và nhà của tổ phụ tôi cũng có phạm tội. Chúng tôi có làm rất ác tệ nghịch cùng Chúa, không vâng giữ điều răn giới mạng và luật lệ của Chúa đã phán dạy Môi-se là kẻ tôi tớ Chúa…” (Nê-hê-mi 1: 5-7).
Các đầy tớ của Chúa hôm nay cũng nên học hỏi gương cầu nguyện này. Trước hết tấm lòng của Nê-hê-mi yêu thương dân sự Chúa vì bị sỉ nhục. Sau nữa là ông xưng tội của dân Y-sơ-ra-ên và chính tội lỗi của ông cùng tổ phụ. Lòng ông tan vỡ, khóc lóc, cư tang cho thấy sự cầu nguyện của ông thiết tha kêu xin Đức Chúa Trời cách thống thiết. Ông cũng yêu mến đền thờ của Chúa, vì một số vách tường bị đổ nát, mà lòng ông muốn xây dựng lại.
Ngày nay, quý vị chăn bầy cũng cần yêu thương bầy chiên mà Chúa đã phó vào trong tay của quý vị. Người chăn bầy biết đau xót nỗi đau của chiên mình, biết xưng ra những tội lỗi của chính mình nữa để được đẹp lòng Cha. Bên cạnh đó, người chăn bầy cũng cần quan tâm đến đời sống thuộc linh của con cái Chúa trong bầy của mình, mà cầu nguyện dâng lên cho Đức Chúa Trời. Đầy tớ của Chúa cầu nguyện cho những “vách tường thành” đổ nát trong tấm lòng nguội lạnh của con dân Chúa. Đồng thời hãy cầu nguyện cho những lỗi lầm, sự vấp phạm các điều răn của con dân Chúa.
Nê-hê-mi mạnh mẽ khích lệ con dân Chúa cầu nguyện với Đức Chúa Trời và không sợ kẻ chống nghịch:
“Tôi xem xét, chỗi dậy và nói với các người tước vị, quan trưởng, và dân sự còn sót lại rằng: Chớ sợ chúng, khá nhớ Chúa là một Đấng cực đại và đáng kính, hãy chiến đấu cho anh em mình, cho con trai, con gái mình cho vợ và nhà của mình” (Nê-hê-mi 4: 14).
Cầu nguyện là một trong những sứ mạng quan trọng của người chăn bầy. Lời của Chúa và đức tin của con dân Chúa, chính là vũ khí thuộc linh phá tan mọi xích xiềng của ma quỉ. Cầu nguyện làm cho tâm linh được tươi mới, ý chí mạnh mẽ, vượt lên trên mọi nghịch cảnh để sống đắc thắng.
b. Cầu nguyện cho ai ?
Trước hết là bản thân. Đời sống của một đầy tớ của Chúa, muốn thành công trong chức vụ, thì trước hết và ưu tiên một là có mối tương giao riêng với Chúa mỗi ngày. Sức mạnh để giúp cho người hầu việc Chúa đến từ quyền năng của Đức Thánh Linh, chứ không phải sức riêng. Con người chúng ta vốn có nhiều yếu đuối, rất dễ phạm tội và bị cám dỗ. Trong khi đó, là một người chăn bầy phải có một đời sống mẫu mực hơn những tín đồ, ít ra cũng có nhiều mặt trỗi hơn về một số phương diện thuộc linh, để con cái Chúa noi theo.
Muốn đạt được những phẩm chất cao đẹp xứng đáng với chức vụ, thì người chăn bầy cần phải sống theo tiêu chuẩn của lời Chúa. Muốn thực hiện được những lời dạy của Kinh Thánh, thì không gì khác hơn là sự quỳ gối kêu xin Chúa giúp đỡ. Hãy nhớ lại câu chuyện Chúa phán cùng Sa-mu-ên, là người biết lắng nghe thuộc linh, mà Giáo sư Phạm Hoàng đã tóm tắt như sau :
” Sa-mu-ên là người con trai mà Đức Chúa Trời đã trả lời cho lời câu xin của An-ne. Khi Sa-mu-ên ba tuổi, An-ne đem cậu lên ở và giúp việc trong đền thờ như lời bà đã hứa nguyện cùng Đức Chúa Trời nếu bà được ban cho một đứa con trai. Hê-li, thầy tế lễ cả hứa sẽ quan tâm đến Sa-mu-ên trong một đêm khi cậu bé đang ngủ. Sa-mu-ên không biết rằng Đức Chúa Trời đang nói. Khi nghe một giọng nói gọi mình, cậu ta nghĩ ngay là Hê-li. Sa-mu-ên lập tức chỗi dậy và chạy đến bên Hê-li và nói, “Có tôi đây” và chờ đợi Hê-li nói lên yêu cầu của ông. Nhưng Hê-li không gọi Sa-mu-ên. Ông nói, ” Ta không gọi con. Hãy đi ngủ lại đi.” Thiên sứ của Đức Chúa Trời không phải đến gọi tên Sa-mu-ên một lần, nhưng nhiều lần.
Một giọng nói lại gọi một lần nữa, “Hỡi Sa-mu-ên !” Cậu bé choàng tình và nhanh chóng đến bên Hê-li. Sa-mu-ên nói, “Có tôi đây vì ông đã kêu tôi.” Một lần nữa, Hê-li trả lời cậu, ” Ta không gọi con. Hãy đi ngủ lại đi !” Giọng nói lại kêu Sa-mu-ên lần thứ ba. Khi Sa-mu-ên chạy đến bên Hê-li, thì ông biết rằng Đức Chúa Trời muốn phán bảo cùng cậu bé. Hê-li nói, “hãy đi ngủ đi, và nếu có ai gọi con, con hãy nói : Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy phán kẻ tôi tớ Ngài đang nghe.” Sa-mu-ên đi ngủ trở lại. Ngay sau đó, cậu nghe tiếng Đức Chúa Trời gọi mình lần nữa,”Hỡi Sa-mu-ên ! Sa-mu-ên” và cậu trả lời, ” Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy phán kẻ tôi tớ Ngài đang nghe.” Đức Chúa Trời nói chuyện cùng Sa-mu-ên trong đêm đó, và Ngài phán cùng cậu về Hê-li và các con trai của ông, sớm bị trừng phạt bởi những hành động xấu xa của các con trai Hê-li.” [4]
Người chăn bầy cần nhìn vào tấm gương của Chúa Jesus là mẫu mực trong mối thông công với Đức Chúa Trời, để tìm biết ý của Ngài. Tất cả những công việc thuộc linh, nếu không nhờ sự dẫn dắt của Đức Chúa Thánh Linh, thì công việc sẽ không đem lại kết quả như ý muốn của Đức Chúa Trời. Người lãnh đạo thế gian lãnh đạo bằng kiến thức của loài người, bởi sự khôn ngoan đến từ thế gian và xác thịt. Những yếu tố đó không thê áp dụng vào công trường thuộc linh được. Hai lãnh vực hoàn toàn khác biệt, trái chiều nhau, không thể cùng chung bước trong sứ mạng hầu việc Chúa. J. Oswald Sander đã đưa ra một hình ảnh của Chúa Jesus trong gương cầu nguyện :
“Chúa Jesus đã thức thâu đêm để cầu nguyện (Lu-ca 6 :12). Ngài thường thức dậy thật sớm để giữ mối thông công không đứt quãng với Đức Chúa Trời (Mác 1:35). Những biến cố quan trọng trong đời sống và trong chức vụ của Ngài khởi đầu bằng những giai đoạn cầu nguyện. Chẳng hạn trong Lu-ca 5 :16.” Nhưng Chúa thường lui vào nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Câu nói này bày tỏ một thói quen đều đặn. Bằng lời nói và gương mẫu, Ngài đã giáo huấn môn đề của Ngài tầm quan trọng của việc ở riêng để cầu nguyện (Mác 6 :46). Đối với người giao phó trách nhiệm lựa chọn nhân sự để gánh vác trách nhiệm thuôc linh, thì thường thức đêm cầu nguyện trước khi chọn lựa các sứ đồ của Chúa Jesus (Lu-ca 6 :12)”
Tôi tớ Chúa cần cầu xin Ngài để có được đôi tai thuộc linh mà nhận biết được tiếng Chúa gọi. Điều này khó có thể giải thích được bằng lý giải vật lý hay khoa học, nhưng có thể cảm nhận được bằng đôi tai thuộc linh. Người có mối tương giao riêng với Chúa có thể lắng nghe được tiếng Chúa. Có khi Ngài gọi đầy tớ của Chúa trong giấc ngủ, Ngài đánh thức dậy và thúc giục người đó đọc Kinh Thánh, nơi Ngài muốn phán dạy bằng lời. Có khi Ngài phán qua lỗ tai thiêng liêng, người có đời sống gần gũi với Chúa vẫn có thể nhận ra tiếng Chúa trong tâm lình của mình bởi những mệnh lệnh. Nếu đầy tớ của Chúa biết tin cậy Chúa 100%, không một chút nghi ngờ, biết phó thác và lắng nghe như cậu bé Sa-mu-ên, thì Đức Chúa Trời sẽ nói chuyện cùng người ấy qua Đức Thánh Linh. Kinh Thánh đã cho biết rằng, linh tánh của một người là ngọn đèn tâm linh, nhìn thấy được những nơi bí ẩn trong lòng của người khác.
Chúng ta không ngạc nhiên, khi biết rằng các trước giả Kinh Thánh đã viết ra những lời mạc khải từ Đức Thánh Linh. Điều đó chứng tỏ họ nghe được tiếng Chúa ; hay ít ra họ ghi nhận được sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh qua tiếng phán của Ngài trong tâm trí của họ. Là người chăn bầy của Đức Chúa Trời rất cần nghe tiếng phán dạy của Chúa qua lời của Ngài đã được mạc khải trong Kinh Thánh, cần phải luôn có mối tương giao riêng với Chúa mỗi ngày, mỗi giờ để nhận được ý muốn và sự dắt dẫn của Đức Thánh Linh.
Chúng ta còn nhớ câu chuyện Pha-ra-ôn không lắng nghe Môi-se ; và hậu quả là đất nước của ông phải nhận lấy mười tai họa thảm khốc, bởi vì những gì Môi-se yêu cầu Pha-ra-ôn là tiếng phán của Đức Giê -hô-va :
“Lòng Pha-ra-ôn cứng cỏi, chẳng nghe Môi-se và A-rôn, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán cùng Môi-se rằng : Pha-ra-ôn đã rắn lòng từ chối không để cho dân sự đi. Sớm mai Pha-ra-ôn sẽ ngự ra bờ sông, ngươi hãy ra mắt người và trong tay cầm theo cây gậy đã biến ra con rắn đó. Ngươi hãy tâu rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của dân Hê-bơ-rơ, sai tôi đến gần bệ hạ đặng tâu rằng : Hãy tha cho dân ta đi, để chúng nó hầu việc ta trong đồng vắng ; mà đến bây giờ người không nghe ta chút nào” (Xuất Ê-díp-tô ký 7: 13-16).
Người chăn bầy của hôm nay, cũng cần nghe được tiếng Chúa phán qua lời của Ngài trong tâm trí, khi người đó biết cất giấu lời Chúa trong lòng như Đa-vít, và biết cầu nguyện để xin Chúa dẫn dắt qua Đức Thánh Linh như Phao Lô.
Bước tiếp theo là cầu nguyện cho Hội Thánh. Hội Thánh ở đây chính là con người, là những thành viên mà người chăn bầy đang chăm sóc. Chiên thì có con yếu con mạnh, cũng có những con chiên èo ọp không lớn lên nổi vì nhiều nguyên do. Con cái Chúa cũng vậy. Không phải mọi người đều hiểu biết lời Chúa như nhau, hay trưởng thành bằng nhau. Chính vì vậy, người chăn bầy phải theo dõi tình trạng thuộc linh của con cái Chúa trong Hội Thánh. Đây là trách nhiệm quan trọng và thường xuyên của người chăn bầy. Ngoài ra, người chăn bầy còn phải nắm vững hoàn cảnh sống của bầy chiên mà mình đang chăn để cầu nguyện cho từng gia đình, từng cá nhân để xin sự quan phòng của Chúa. Làm được như vậy, thì sự phát triển của Hội Thánh không phải đương đầu quá nhiều nan đề, nhưng sự phát triển và kết quả thuộc linh của con cái Chúa chỉ là vấn đề thời gian.
Cầu nguyện trong phạm vi lớn hơn, là cầu nguyện cho những Chấp sự và các ban ngành khác hoạt động đồng đều, hiệp một với nhau trong thân của Chúa để cùng làm việc chung xây dựng nhà Chúa. Bên cạnh đó, bước sang một bước rộng lớn hơn là cầu nguyện cho các Hội Thánh trong vùng, thành phố, các quốc gia trên khắp hoàn cầu.
c. Cầu nguyện trong đức tin.
“Quả thật ta nói cùng các ngươi ai sẽ biểu hòn núi này rằng : Phải cất mình lên và quăng xuống biển, nếu ngươi chẳng nghi ngại trong lòng, nhưng tin chắc lời mình nói sẽ ứng nghiệm, thì điều đó sẽ thành cho. Bởi vậy, ta nói cùng các ngươi : Mọi điều các ngươi xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất điều đó sẽ ban cho các ngươi (Mác 11 : 23,24).
Căn cứ vào hai câu Kinh Thánh trên chúng ta có thể lý giải rằng đức tin chính là nền tảng của sự cầu nguyện. Nếu cầu nguyện, mà trong lòng còn nghi ngờ quyền năng của Chúa, hay chính bản thân người cầu nguyện cũng không tìn rằng sự cầu xin sẽ được Chúa nhậm lời, thì điều cầu xin sẽ không được Chúa trả lời.
Trong đời sống thường ngày của chúng ta, có rất nhiều trường hợp tương tự để minh hoạ điều này. Ví dụ: Chúng ta nhờ ai đó giúp mình làm một việc gì mà chúng ta không tin cậy họ; thì hỏi xem họ sẽ làm điều chúng ta yêu cầu không? Chắc chắn là không. Khi đi khám bệnh ở một vị bác sĩ mà chúng ta nói rằng, tôi không tin là ông sẽ chữa lành chứng bệnh tôi đang mắc phải. Thử hỏi vị bác sĩ đó có vui lòng chữa cho bệnh nhân không ? Chắc là không. Tương tự như vậy, khi cầu nguyện vời Cha Thiên Thượng mà lòng chúng ta nghi ngờ thì làm sao Ngài nhậm lời được !
Kinh nghiệm trong Hội Thánh, có rất nhiều “chuyên viên cầu nguyện.” Họ thường cầu nguyện rất lưu loát, văn hoa, và có vẻ thiêng liêng lắm ; nhưng người nghe cảm nhận được rằng lời cầu nguyện rỗng tuyếch, mang tính hình thức, không đi vào lòng người. Người nghe có cảm giác như là cầu nguyện với con người, để cho con người nghe, chứ không phải để Chúa nghe. Cũng có một số người viết xuống lời cầu nguyện thật bóng bẩy văn chương ; nhưng khi đọc lên thì chỉ là mớ sáo ngữ, vô nghĩa không đụng chạm vào lòng người, thì làm sao đụng chạm vào lòng Chúa ?
Lời cầu nguyện cần phải chân thật, phát xuất từ một tấm lòng tan vỡ, ngợi khen Chúa bằng tất cả trái tim thành thật, xưng ra những lỗi lầm cần được Chúa thứ tha. Và cuối cùng là xin ý Chúa được nên. Nhận định về sự cầu nguyện với đức tin, Giáo sư Phạm Hoàng viết :
“Vì thế, cầu nguyện với đức tin có nghĩa tin rằng Đức Chúa Trời sẽ đáp lời cho lời cầu nguyện. Chúng ta có thể cầu xin và nhậm được chỉ khi lời cầu xin của chúng ta hướng vào Đức Chúa Trời, trong đức tin và theo ý chỉ của Ngài (I Giăng 5:14). Đức tin trong Đức Chúa Trời là chiếc chìa khoá để lời cầu nguyện được đáp lời. Gia-cơ đã tỏ cho chúng ta rằng Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta với các nan đề của chúng ta, và chữa lành sự đau yếu của chúng ta khi chúng ta cầu nguyện với đức tin.”[5]
“Trong anh em có ai chịu khổ chăng? Người ấy hãy cầu nguyện. Có ai vui mừng chăng? Hãy hát ngợi khen. Trong anh em co ai đau ốm chăng? Hãy mời các trưởng lão Hội Thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh. Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội cũng sẽ được tha. Vậy hãy xưng tội cùng nhau, hầu cho anh em được lành bịnh” (Gia Cơ 5: 13-16).
Giáo sư Phạm Hoàng còn cho rằng nếu chúng ta cầu xin một điều gì đó, mà biết rằng điều mình cầu xin không nằm trong ý chỉ của Chúa, hay không đẹp lòng Đức Chúa Trời; thì sự cầu xin đó chỉ lãng phí và mất thời gian mà thôi. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này bởi vì Kinh Thánh cũng đã dạy chúng ta: “chớ có tư tưởng cao quá lẽ”; nghĩa là đừng mong muốn những điều xa hoa, danh vọng, vật chất không cần thiết cho đời sống thuộc linh. Hãy cầu xin những điều nhu yếu để nuôi sống thân thể như “Xin cho chúng con đồ ăn đủ ngày.” Không cầu xin sự giàu có hay những sự việc không có ích cho công việc Chúa; mang tính trần tục hoặc trái với điều răn của Chúa. Vậy nên, người chăn cho con cái Chúa học cách cầu nguyện để được đáp lời. Đây cũng là phẩm cách của người chăn bầy, cần làm gương cho con cái Chúa noi theo.
3. Bền bỉ trong sự cầu nguyện
“Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi”(Tê-sa-lô-ni-ca 5: 16, 17).
Hầu như con cái Chúa nào cũng hiểu cầu nguyện là điều không thể thiếu cho đời sống tâm linh; nhưng lại ít người chuyên tâm cầu nguyện. Đối với sinh hoạt của một người chăn bầy, thì cầu nguyện thiết hữu như hơi thở. Thiếu hơi thở, thân xác sẽ chết. Thiếu cầu nguyện đời sống tâm linh sẽ khô héo và chết dần mòn. Tuy nhiên, để áp dụng được kỷ luật tâm linh này, con dân Chúa cũng phải được trao dồi và tập luyện qua một quá trình lâu dài. Hình ảnh một người quỳ gối chỗ riêng tư nói lên nhiều ý nghĩa về đời sống tâm linh của họ. Trước hết, là một tấm lòng tan vỡ, đầu phục Chúa, biết nhờ cậy Ngài. Sau nữa cho thấy, sự khiêm nhường hạ mình, nhận biết bản thân mình chỉ là tro bụi được Chúa dựng nên, vì vậy luôn cần thiết ca tụng Chúa, biết ơn Đấng Tạo Hóa, và dâng lên Chúa những sự cầu xin trong đời sống, những nan đề hay bất cứ chương trình, kế hoạch nào để bước theo sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng.
Nhiều giai thoại kể rằng Tổng Thống Mỹ George Washington, là vị Tổng Thống luôn quỳ gối trong phòng làm việc của ông để bắt đầu và kết thúc một ngày. Pascal cũng đã từng nói rằng, “Chỉ có bậc thánh mới hiểu được giá trị của lời cầu nguyện.” Chúng ta thấy mỗi lần tổng thống Mỹ nhậm chức đều mời những Mục sư được ơn Chúa đặt tay cầu nguyện cho họ. Tuy nhiên, nếu sự cầu nguyện chỉ là nghi thức bề ngoài, hay chỉ diễn ra một thời điểm, hoặc giai đoạn nào đó đối với một người chăn bầy cho Chúa thì không hợp lẽ!
Lý do dễ hiểu là đời sống thuộc linh không phụ thuộc vào con người, nhưng phụ thuộc vào Chúa. Đức Thánh Linh là Đấng hướng dẫn cho người hầu việc Chúa cũng như tất cả con dân Chúa những nguyên tắc sống và làm việc. Nếu hầu việc Chúa mà thiếu sự cầu nguyện thì sức lực yếu ớt, dễ mệt mỏi, ngã lòng và không đủ sức chống chọi với ma quỉ. Không một ai hầu việc Chúa mà không đối dầu với những khó khăn hay thách thức. Vấn đề giá trị là ở chỗ thái độ của chúng ta như thế nào trước nghịch cảnh và khó khăn? Giáo sư Phạm Hoàng cho chúng ta những ý tưởng rất sâu sắc trong sự cầu nguyện bền bỉ như sau:
“Không phải lúc nào Đức Chúa Trời cũng đáp ứng lời cầu xin của chúng ta ngay tức khắc. Trong một số trường hợp, Ngài muốn con dân của Ngài đến với Ngài nhiều lần trước khi đáp lời cầu xin của họ. Trong thực tế, Đức Chúa Trời muốn nhìn thấy dân sự của Ngài kiên nhẫn và bền bỉ trong sự cầu nguyện. Đôi khi dân sự của Ngài thật sự có thái độ đúng đắn về những gì họ cầu xin. Để dạy chúng ta duy trì về sự cầu nguyện, Đức Chúa Jesus kể ra một ví dụ về một goá phụ được chép trong Lu-ca. ” Trong một thành kia có một người đàn bà goá luôn chạy đến với một vị quan án cũng trong thành ấy với lời cầu xin, ” xin xét lẽ công bình cho tôi về kẻ nghịch cùng tôi (Lu-ca 18:3). Vị quan án là một người không kính sợ Đức Chúa Trời và cũng chẳng quan tâm đến dân chúng, đã từ chối xét lẽ công bình cho người đàn bà goá trong một thời gian. Nhưng đã quyết tâm, người goá phụ ấy đến với vị quan án với lời cầu khẩn của mình. Cuối cùng vị quan án ấy cảm thấy mệt mỏi và tự nhủ, “Dầu ta không kính sợ Đức Chúa Trời, không vị nể ai hết, song vì đàn bà góa này cứ quấy rầy ta, ta sẽ xét lẽ công bình cho nó, để nó không tới làm nhức đầu ta” (Lu-ca 18:4-5). Rồi, Đức Chúa Jesus phán, “Các ngươi có nghe lời quan án không công bình đã nói chăng? Vậy có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công bình cho những người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài, mà lại chậm chạp đến cứu họ sao! Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ. Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng? ((Lu-ca 18: 6-8).”[6]
Từ bài học trên, nguời chăn bầy cho Đức Chúa Trời phải học hỏi sự kiên trì trong sự cầu nguyện. Và phải nhận thức không phải lúc nào lời cầu nguyện cũng “bắt buộc” Chúa trả lời khẩn cấp. Cũng có những lời cầu nguyện mà Chúa không đáp lời vì cầu nguyện trái lẽ (Gia-cơ 4:3). Chính vì vậy, cần học hỏi cầu nguyện như lời phán dạy của Chúa Jesus:
“Khi các ngươi cầu nguyện đừng làm như bọn giả hình, vì họ ưa cầu nguyện nơi nhà hội và góc đường để cho họ đều thấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi. Song khi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó, sẽ thưởng cho ngươi…”(Ma-thi-ơ 6: 5, 6).
Hãy học bài học về sự bền bỉ cầu nguyện của Áp-ra-ham cho thành Sô-đôm. Áp-ra-ham nài nỉ Chúa từ con số năm mươi người công bình sống trong thành thì sẽ được Chúa tha, không hủy diệt thành Sô-đôm xuống còn bốn mươi lăm rồi xuống bốn mươi, ba mươi, hai mươi, và xuống còn mười. Đức Chúa Trời không bực bội Áp-ra-ham nhưng Ngài Ngài lắng nghe những lời cầu xin chân thành và thiết tha cách bền bỉ của con dân Chúa. Nếu không vì lời cầu xin của Áp-ra ham, thì Lót đã bị bỏ mạng trong thành (Sáng Thế Ký 18: 26-33; 19: 29).
Môi-se cầu nguyện để dân Y-sơ-ra-ên được tha thứ. Môi-se lên núi theo lịnh của Đức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô ký 32: 1-14). Dân Y-sơ-ra-ên đã tiếp tục quay lưng lại với Đức Giê-hô-va. Họ yêu cầu A-rôn làm theo ý muốn của họ. Họ gom góp vàng và đúc nên con bò, rồi quỳ mọp xuống mà thờ lạy tượng của nó. Đức Chúa Trời bèn nổi cơn thịnh nộ phán cùng Môi -se rằng:
” … Ta đã xem thấy dân này, kìa là một dân cứng cổ. Và bây giờ hãy để mặc ta làm, hầu cho cơn thịnh nộ ta nổi lên cùng chúng nó, diệt chúng nó đi; nhưng ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn” (Xuất Ê-díp-tô-ký 32: 7-10).
Nhận định về sự lãnh đạo của Môi-se với tấm lòng thương xót dân sự, nên ông đã cầu xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời, Giáo sư Phạm Hoàng viết trong sách “Lãnh Đạo Trong Tình Thần Tôi Tớ ” như sau:
“Môi-se là một nhà lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ vĩ đại, người đã thật sự yêu dân sự theo mình ngay khi họ thường nổi loạn và vô ơn. Môi-se luôn nghĩ đến người khác, và đã cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ cho dân sự. Môi-se đã chứng tỏ đức tin của mình trong lòng thương xót và thành tín của Đức Chúa Trời. Điều này đã đẹp lòng Đức Chúa Trời và kết quả Chúa đã tha thứ cho hành động tội lỗi đáng khinh của dân sự Ngài. Nếu không vì lời cầu nguyện chân thành của Môi-se với Đức Chúa Trời, rất có thể dân Y-sơ-ra-ên đã bị xóa sạch trên đất. Môi-se thật là nhà lãnh đạo gương mẫu vĩ đại trong mọi thời đại.”[7]
Uớc gì những người chăn bầy, lãnh đạo Hội Thánh hôm nay cũng có được tinh thần như Môi-se với tấm lòng yêu thương dân sự của Chúa, xót thương những lỗi lầm sai phạm của dân sự, và hết lòng cầu xin với Đức Chúa Trời cách bền bỉ để được Đức Chúa Trời tha thứ và ban phước. Đây là “sự lãnh đạo trong trong tinh thần tôi tớ” mà những người lãnh đạo thuộc linh cần noi gương và học hỏi.
a. Cầu nguyện trong quyền năng của Đức Thánh Linh
Trong đời sống của con cái Chúa, nhiều khi con người thế gian vẫn còn tồn tại trong mỗi bản thể của con người. Không ai dám nói rằng, tôi đã hoàn toàn là con người mới trong sạch, thánh thiện trước mặt Chúa và xứng đáng làm con của Ngài. Bởi vì sự vấp phạm điều răn của Chúa vẫn tái diễn mỗi ngày. Có ai dám nói rằng: “Tôi hoàn toàn không còn nóng nảy nữa; tôi không bao giờ xét đoán ai; tôi luôn luôn nhịn nhục; nếu ai muốn vả má của tôi, tôi sẵn sàng đưa luôn má bên kia?
Chính vì vậy, trong lời cầu nguyện của mỗi chúng ta, ngay cả những vị chăn bầy cũng thường quan tâm đến những điều thuộc về cá nhân, gia đình, Hội Thánh của mình trước, là ưu tiên số một cần trình dâng lên cho Chúa. Đó là sự cầu nguyện có vẻ như rất bình thường của một người khi quỳ gối thưa chuyện cùng Chúa. Nhưng khi đạt đến một mức độ trưởng thành thuộc linh cao hơn, thì người ấy nhờ cậy Đức Thánh Linh dẫn dắt trong mỗi lời cầu nguyện, thì chắc chắn nội dung cầu xin sẽ khác với sự cầu xin của bản ngã.
Cầu nguyện trong năng quyền của Đức Thánh Linh, trước hết là cầu nguyện nương trên lời của Chúa. Không phải hò hét, la lớn, hay gào thét khóc lóc, làm ra vẻ thiêng liêng; nhưng kỳ thực nội dung cầu nguyện chỉ là sự cầu xin ích kỷ; vì nội dung chỉ xoay quanh những cái của riêng mình. Trái lại, cầu nguyện trong quyền năng của Ðức Thánh Linh, là do sự dẫn dắt của Ngài để đưa chúng ta vào trong mối thông công với Ðức Chúa Trời trong danh Chúa Jesus. Chúng ta có thể nhìn thấy qua Sứ đồ Phao Lô:
“Sứ đồ Phao Lô có lẽ là nhà quán quân trong sự cầu nguyện vĩ đại nhất. Ông thú nhận rằng: “Chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện. Và ông vội vã nói thêm: “Chính Đức Thánh Linh lấy những sự than thở không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta. Đấng dò xét lòng người hiểu biết ý tưởng của Thánh Linh là thế nào, vì ấy là theo ý Đức Chúa Trời mà Ngài cầu thế cho các thánh đồ vậy.” (Rô-ma: 26, 27). Đức Thánh Linh nối kết chúng ta vào sự cầu nguyện và Ngài tuôn tràn lời nài xin của Ngài vào trong chúng ta.”[8]
Ngày nay, trong những chiến dịch truyền giáo đã và đang diễn ra khắm mọi nơi, hàng nghìn người tin nhận Chúa Jesus tại Việt-Nam, rõ ràng kết quả này đến từ sự cầu nguyện trong quyền năng của Đức Thánh Linh. Phi-e-rơ trong ngày lễ Ngũ Tuần, đã có hơn ba nghìn người tin nhận Chúa. Phải chăng những biến cố này đến từ sự cầu nguyện bởi sức lực của con người, và do những tổ chức khôn ngoan của con người? Chắc chắn không phải như vậy. Nó đến từ quyền năng của Đức Thánh Linh. Một bài giảng nếu thiếu quyền năng của Đức Thánh Linh thì biến thành một bài diễn thuyết. Một buổi nhóm thờ phượng Chúa mà không có quyền năng của Đức Thánh Linh, thì những thì giờ thờ phượng trở nên nhợt nhạt, nhàm chán, khô lạnh, chỉ đem lại sự buồn tẻ và đơn điệu!
Tác giả J. Oswald Sender giảng giải tiếp: “Mọi Cơ đốc nhân được dạy dỗ nhiều hơn về sự cầu nguyện và Đức Thánh Linh là vị Giáo sư chủ chốt. Việc Đức Thánh Linh giúp chúng ta trong sự cầu nguyện được Kinh Thánh đề cập đến thường xuyên hơn bất cứ sự giúp đỡ nào khác mà Ngài giúp đỡ chúng ta. Mọi việc cầu nguyện chân thật xuất phát từ việc Đức Thánh Linh hành động trong linh hồn chúng ta. Phao lô dạy sự cầu nguyện linh nghiệm là “Sự cầu nguyện trong Thánh Linh” (nhờ Thánh Linh). Cụm từ này có nghĩa là chúng ta cầu nguyện theo cùng khuôn mẫu, cùng vấn đề trong cùng một danh như Đức Thánh Linh cầu nguyện. Sự cầu nguyện thật trào dâng trong tâm linh người Cơ-đốc xuất phát từ Thánh Linh là Đấng ở trong chúng ta.”[9]
Vì vậy, chúng ta có thể nhìn thấy rằng Chúa Jesus đã xử lý nguyên nhân của tội lỗi hơn là hậu quả thế nào. Cho nên thì người lãnh đạo thuộc linh cũng nên theo những phương thức ấy trong sự cầu nguyện. Người chăn bầy phải biết cách giúp đỡ, hướng dẫn con chiên của mình cầu nguyện trong năng quyền của Đức Thánh Linh, để cùng nhau chiên đấu trong mặt trận thuộc linh này, ngõ hầu có thể cự địch lại quyền lực của sự tối tăm như Kinh Thánh bày tỏ:
“Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài. Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời để đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ. Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối này, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy. Vậy nên hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại, và khi thắng hơn mọi sự rồi anh em được đứng vững vàng” (Ê-phê-sô 6:10-13).
Sứ đồ Phao lô căn dặn trong phân đoạn kinh Thánh này về sự nhờ cậy Đức Thánh Linh: “Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đỗ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các Thánh đồ. Cũng hãy vì tôi mà cầu nguyện để khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự do mọi bề, bày tỏ lẽ mầu nhiệm của đạo Tin Lành…”(Ê-phê-sô 6: 10-19).
b. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn
“Người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện thật có linh nghiệm nhiều.” (Gia-cơ 5:16).
Trong một gia đình, nếu mối giao thông giữa cha mẹ và con cái bị cắt đứt thì gia đình sẽ trở nên bối rối. Những người sống trong gia đình đó sẽ bất an vì cớ sự lạnh lùng; và trở nên một cảnh tượng khủng khiếp khi các mối giao thông bị tắt nghẽn. Đôi vợ chồng khi không còn trò chuyện với nhau, thì không khí của “chiến tranh lạnh” bắt đầu. Khi hai quốc gia không còn các mối quan hệ ngoại giao bình thường; thì rõ ràng đã có những xung đột và mất đi hoà khí ngoại giao. Không ai biết được chiến tranh sẽ xảy ra lúc nào.
Khi con dân Chúa không có, hay không còn có mối giao thông với Đức Chúa Trời thì điều gì sẽ xảy ra nếu không phải là những linh hồn sẽ bị hư mất. Tại sao? Vì sẽ không còn sự dắt dẫn của Cha Thiên Thượng, con người sẽ trở về với đời sống hỗn loạn của một thế giới bất an dưới gọng kìm của ma quỉ. Nhưng khi con dân Chúa được giao thông với Ngài mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút giây trong đời sống thì giống như “cây bên dòng nước.” Chắc chắn sẽ đơm hoa, kết trái trong sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Mối giao thông đó chính là sự cầu nguyện. Trong Kinh Thánh chép rất nhiều về những mối giao thông giữa con người với Đức Chúa Trời. Chúng ta thử học một bài học tiêu biểu sau đây giữa tiên tri Ê-li và Đức Chúa Trời cũng như Chúa Jesus với Cha của mình ra sao. Trước hết là câu chuyện về Ê-li trong đồng vắng:
“A-háp thuật lại cho Giê-sa-bên mọi điều Ê-li đã làm, và người đã dùng gươm giết hết thảy tiên triBa-anh làm sao. Giê-sa-bên sai một sứ giả đến Ê-li mà nói rằng: Nếu ngày mai trong giờ này, ta không xử mạng sống ngươi như một người trong chúng nó, nguyện các thần đãi ta cách nặng nề. Vì vậy, Ê-li sợ hãi chạy đi đặng cứu mạng sống mình, đến tại Bê-e-Sê-ba, thuộc về Giu-đa, người để tôi tớ mình tại đó… Hãy cất lấy mạng sống tôi, vì tôi không hơn gì các tổ phụ tôi. Đoạn người nằm ngủ dưới cây giếng-giêng. Có một thiên sứ đụng đến người và nói rằng: Hãy chỗi dậy và ăn. Người thấy nơi đầu mình một cái bánh nhỏ nướng trên than, và một bình nước. Người ăn uống rồi lại nằm…”
Câu chuyện này còn tiếp diễn cho đến khi thiên sứ hỏi duyên cớ về Ê-li đã làm gì? Ê-li đã trả lời về những gì đã xảy ra và vì cớ nào người ta tìm cách đặng đoạt lấy mạng sống của ông. Cho đến, khi Ê-li được Đức Giê-hô-va sai đi xức dầu cho Ha-xa-ên làm vua Si-ri, người cũng xức dầu cho Giê-hu, con trai của Nim-si làm vua Y-sơ-ra-ên, và người sẽ xức dầu cho Ê-li-sê làm tiên tri thế cho người (I Các vua 19:1-6).
Từ bài học này, chúng ta nhận thấy mối giao thông giữa con người và Đức Chúa Trời vô cùng quan trọng nếu chúng ta hầu việc Chúa. Ê-li sợ người ta đoạt mạng sống ông, nên ông kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va. Và, thiên sứ của Ngài đã hiện đến để cho ông ăn uống và tìm hiểu cớ sự. Ông được Đức Giê-hô-va bảo vệ và tiếp tục làm theo mạng lịnh cuả Ngàì. Đó là mối giao thông cần thiết với Cha Thiên Thượng, với Đức Chúa Trời quyền năng.
Trong Tân Ước có chép câu chuyện Chúa Jesus tại vườn Ghết-sê-ma-nê, Ngài đã cầu nguyện cho đến nỗi “mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất”:
“Đoạn, Đức Chúa Jesus ra đi, lên núi Ô-li-ve theo như thói quen, các môn đồ cùng đi theo Ngài. Khi đã đến nơi đó, Ngài phán cùng môn đồ rằng: hãy cầu nguyện để các ngươi khỏi sa vào cám dỗ. Ngài bèn đi khỏi các môn đồ cách chừng liệng một cục đá, quỳ xuống mà cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi tôi. Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi. Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài. Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất. Cầu nguyện xong, Ngài đứng dậy cùng các môn đồ, thấy đương ngủ mê vì buồn rầu. Ngài phán rằng: Sao các ngươi ngủ? Hãy đứng dậy cầu nguyện để cho khỏi sa vào cám dỗ”(Lu-ca 22:39-46).
Đây là bức tranh tuyệt vời đã cho thấy hình ảnh Chúa Jesus đã cầu nguyện như thế nào. Rõ ràng, Ngài đã dốc hết tâm trí mà dâng lên Cha Thiên Thượng để có thể “cất chén này” khỏi Ngài. Nhưng Ngài đã xin “Ý Cha được nên.”Sự chân thật và thiết tha của một Chúa Jesus trong nhân tánh, thì Ngài cũng cảm nhận được nỗi đau đớn của xác thịt, cũng yếu đuối như con người chúng ta. Nhưng, về thần tánh, thì Ngài thuận phục ý chỉ của Đức Chúa Cha vì đây là kế hoạch cứu rỗi của Ngài. Chúa Jesus cầu nguyện để Đức Chúa Trời ban thêm sức cho Ngài để chuẩn bị cho một bản án của “Đấng Vô Tội, bị xử như kẻ có tội.”
Tại đây, mối giao thông giữa Chúa Jesus và Đức Chúa Trời được khắng khít. Cho nên, một thiên sứ đã xuống mà ban thêm sức cho Chúa Jesus. Điều này dạy dỗ cho chúng ta hôm nay là mối giao thông giữa Đức Chúa Trời và con dân của Ngài phải luôn gẩn gũi, không để bị tắt nghẽn với bất cứ lý do gì. Con dân Chúa cũng phải có tấm lòng thiết tha cầu khẩn Chúa với một tâm hồn và đời sống thánh khiết, để nhận được sự đáp lời từ nơi Chúa. Đừng để cho tội lỗi ngăn cách mối giao thông với Ngài. Đừng để cho bản ngã xác thịt lôi cuốn vào những sự cám dỗ. Đừng buồn rầu mà ngủ mê như các môn đồ của Chúa, khi Ngài đang cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê.
Dễ lắm, tôi tớ Chúa và con dân của Ngài hôm nay rất có thể, sẽ ngủ mê trên sự tham lam của cải vật chất hay công danh điạ vị. Quý đầy tớ của Chúa cũng có thể ngủ mê vì buồn rầu tuyệt vọng giữa muôn nghìn thách thức trên đường hầu việc Chúa. Biết bao nhiêu Mục sư hôm nay đã rời bỏ khỏi chức vụ vì không vượt qua nổi những chặng đường gian nan. Có sức mạnh nào hơn để chiến đấu chống lại những cám dỗ này? Duy chỉ có một phương tiện duy nhất để giúp cho người lãnh đạo thuộc linh vượt lên những yếu đuối của con người đó là sự cầu nguyện trong năng quyền của Đức Thánh Linh mà thôi.
Trong Lu-ca có chép câu chuyện này: “Có một ngày nọ, Đức Chúa Jesus cầu nguyện, ở nơi kia. Khi cầu nguyện xong, một môn đồ thưa rằng: Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện, cũng như Giăng đã dạy môn đồ mình. Ngài phán rằng: Khi các ngươi cầu nguyện hãy nói: Lạy Cha! Danh Cha được thánh, nước Cha được đến; xin cho chúng tôi ngày nào đủ bánh ngày ấy. Xin tha tội chúng tôi; như chúng tôi tha kẻ nghịch cùng chúng tôi. Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ!” (Lu-ca 11: 1-4).
Để có được mối tâm giao gần gũi với Đức Chúa Trời, và nhận được sự dẫn dắt của Cha Toàn Năng, Giáo sư Phạm Hoàng đã viết: “Cầu nguyện gồm những lời cầu xin và cầu thay, và nó cũng gồm có sự truyền thông. Trong sự cầu nguyện xin Đức Chúa Trời thực hiện mọi sự cho chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta đã dành bao nhiêu thời gian để truyền thông với Chúa? Lời cầu nguyện của chúng ta sẽ trở nên ít tư kỷ trung tâm, nhưng Đức Chúa Trời là trung tâm hơn khi chúng ta được kéo đến gần Ngài hơn, tìm kiếm sự vinh hiển của Ngài, đặt lời cầu xin của chúng ta dưới ý chỉ của Ngài. Sự truyền thông là sợi dây kết nối linh hồn chúng ta với nguồn năng lực của Đức Chúa Trời. Khi sợi dây này giảm xuống, các lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là những lời nói huyên thuyên vô ích. Quyền năng của Đức Chúa Trời phải tuôn chảy trong đời sống của chúng ta khi chúng ta chịu khuất phục trước Ngài và xưng nhận Ngài là Chúa của các chuá. Tương thông với Đức Chúa Trời là một đặc quyền to lớn và là yếu tố quan trọng của sự cầu nguyện.”[10]
c. Tầm quan trọng của sự cầu nguyện
“Nhà ta được gọi là nhà cầu nguyện” (Ma-thi-ơ 21 :13).
Hầu như tất cả những nhà lãnh đạo đầy ơn trong Kinh Thánh, đều là những tấm gương cầu nguyện và kiên trì trong sự cầu nguyện. Chính sự cầu nguyện đã giúp họ bước đi trong ý chỉ của Đức Chúa Trời qua sự dắt dẫn của Đức Thánh Linh. Và, tất nhiên bất cứ người lãnh đạo thuộc linh nào của bất cứ thời đại nào cho dù họ thông thái cho đến đâu, khôn ngoan đến đâu mà thiếu sự cầu nguyện, thì sẽ không đạt được kết quả theo đường lối Chúa. Những gì có được bằng sức người hay sự khôn ngoan đến từ thế gian, sẽ trở nên vô nghĩa trong công trường thuộc linh. Nếu một đời sống của con dân Chúa, không cầu nguyện, hoặc hiếm khi cầu nguyện, thì đời sống tâm linh khô héo, yếu đuối bịnh hoạn và rất dễ sa ngã. Chuyện đó không có gì lạ vì nhánh nho đã bị cắt lìa thân của nó. Lá sẽ bị khô héo, cành cũng tàn rụi, hoàn toàn không có sức sống.
Người lãnh đạo thuộc linh vấp phạm lỗi lầm này, là việc đáng trách. Có thể nói ngay rằng người ấy hoặc không được Đức Chúa Trời kêu gọi, hoặc chỉ được bầu lên do con người và đã trải qua sự phong chức của con người, chứ không phải là sự xức dầu và chọn lựa của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta muốn biết trình độ thuộc linh của một người, hãy cứ mời họ cầu nguyện. Ngạn ngữ Pháp có câu :”Nghe tiếng hót, người ta biết loại chim gì.” Tương tự như vậy, nghe lời cầu nguyện của một ai đó, chúng ta nhận ra ngay họ là ai. Vì vậy, là những người chăn thật của Đức Chúa Trời, thì không thể thiếu sự giao thông với Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện và cầu nguyện thường xuyên.
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, chỉ với lời cầu nguyện, những nhà lãnh đạo có thể day động cánh tay của Đức Chúa Trời và làm thay đổi mọi sự. Đa-vít cầu nguyện mỗi sáng mai :
“Đức Giê-hô-va ôi ! kẻ cừu địch tôi đã thêm nhiều dường bao ! Lắm kẻ dấy lên cùng tôi thay ! Biết bao kẻ nói về linh hồn tôi rằng : Nơi Đức Chúa Trời chẳng có sự cứu rỗi cho nó. Nhưng hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là cái khiên che chở tôi. Ngài là sự vinh hiển của tôi, và là Đấng làm cho tôi ngước đầu lên. Tôi lấy tiếng tôi mà kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va. Từ núi thánh Ngài đáp lời tôi. Tôi nằm xuống mà ngủ ; tôi tỉnh thức ; vì Đức Giê-hô-va nâng đỡ tôi…” (Thi-Thiên 3 :1-5).
Đa -vít còn cầu nguyện trong buổi chiều, cầu nguyện xin Chúa cứu ông khỏi điều ác, cầu nguyện xin Chúa thương xót trong cơn hoạn nạn, kêu xin Chúa binh vực đối cùng kẻ ác. Sự cầu nguyện nhờ cậy Chúa trong mỗi trường hợp, chứng mình giá trị của sự cầu nguyện. Đa-vít đã khẳng định đức tin của mình qua sự cầu nguyện :
” Đức Giê-hô-va sẽ làm nơi ẩn náu cao cho kẻ bị hà hiếp, một nơi ẩn náu cao trong thời gian truân. Hỡi Đức Giê-hô-va, phàm ai biết danh Ngài sẽ để lòng tin cậy nơi Ngài. Vì Ngài chẳng từ bỏ kẻ nào tìm kiếm Ngài” (Thi Thiên 9 : 9-10).
Sự cầu nguyện được xem như chiếc chìa khoá mở được bất cứ cánh cửa nào. Giáo Sư Phạm Hoàng viết : Sự cầu nguyện (chữ Hy Lạp là Leiturgia) là chìa khóa trong mối tương giao cá nhân mạnh mẽ giữa Cơ đốc nhân và Đức Chúa Trời…Những Cơ đốc nhân Trung Hoa có câu tục ngữ rất phổ biến : “Cầu nguyện ít, năng lực ít; không cầu nguyện, không có năng lực.” Như là một nguyên tắc sống, các Cơ đốc nhân cần luôn cầu nguyện cách sốt sắng để tìm hiểu ý chỉ của Đức Chúa Trời trước khi giải quyết vấn đề cá nhân hay vấn đề xã hội ; trước khi lập bất cứ kế hoạch từ các mối quan tâm cá nhân cho đến các vấn đề ở cấp độ đoàn thể, trước khi thành lập một nhóm nhỏ hay một tổ chức lớn ; và trước khi bắt đầu bất cứ mối quan hệ nào.”[11]
Điều gì là cốt lõi, là quan trọng nhất của một đời sống tin kính nếu không phải là sự cầu nguyện. Và câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao sự cầu nguyện là vô cùng cần thiết và có thể nói là quan trọng bậc nhất cho một người chăn bầy ? Câu trả lời nằm trong gương cầu nguyện của Chúa Jesus. Ngài cầu nguyện với Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Ngài cầu nguyện cho La-xa-rơ sống lại, cầu nguyện cho nguời bịnh, cầu ngyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê cho đến nỗi mồ hôi như giọt máu, cầu nguyện để chọn mười hai môn đồ. vv…
Hôm nay, từ cá nhân mỗi con dân của Chúa cho đến Hội Thánh điạ phương, và những nhà lãnh đạo thuộc linh trên khắp thế giới, trong mọi khó khăn thử thách hay phước hạnh tràn đầy, trong những căn nhà êm ấm hay trong thiên tai như động đất, hỏa hoạn, núi lửa, lũ lụt, sự hiếp đáp, bắt bớ, chém giết của những kẻ vô thần hoặc chống lại đạo của Chúa. Chúng ta sẽ làm gì nếu không phải là cầu nguyện ? Vâng, cầu nguyện là sự ưu tiên hàng đầu để giải quyết trong các mối xung đột, hàn gắn những vết thương trên cơ thể và trong tâm hồn. Cầu nguyện là vũ khí chống chọi với quyền lực của Sa-tan, cầu nguyện để xin Chúa gìn giữ mỗi cá nhân, gia đình và Hội Thánh vượt lên trên những thách thức gian truân, hoàn thành sứ mạng Chúa giao. Cầu nguyện để phục hưng đức tin của chính mình, gia đình và con dân của Chúa. Cầu nguyện cho mọi quốc gia, dân tộc và trên hết là cầu nguyện cho chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời sớm hoàn tất, danh “Cha được thánh, ý Cha được nên.” Lời cầu nguyện luôn là vị trí trung tâm trong cuộc đời của một cá nhân và Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Amen!
Rev. Van Le
________________________________________
[1] MS Lê Văn Thái. Người Truyền Đạo của Đức Chúa Trời. (Sđd), tr. 11, 12
[2] J. Oswald Saders. Lãnh Đạo Thuộc Linh. (Sđd), tr.118
——————————————————-
Nghiệm và Sống là tổng hợp của hai trang Dưỡng Linh và Nghiệm và Sống trước đây.
Đọc lại bài vở cũ:
Dưỡng Linh 1 – 2010-2018
Dưỡng Linh 2 – 2018-2022
Nghiệm và Sống – 2008-2022