Vườn Ê đen mới

CHI THỂ TRONG THÂN CỦA ĐẤNG CHRIST – Mục sư Văn Lê

Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ, và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội-thánh, Hội-thánh là thân-thể của Đấng Christ, tức là Đấng đầy đủ gồm tóm mọi sự trong mọi loài (Ê-phê-sô 1:22-23).

Khi đọc hai câu Kinh Thánh trên, chúng ta có thể nhìn thấy bức tranh của Hội Thánh mà Sứ đồ Phao Lô muốn dạy cho chúng ta hiểu về vị trí lãnh đạo và sự hiệp một của Hội Thánh. Không ai trong chúng ta có thể tự hào nói rằng, “Tôi là người thành lập Hội Thánh X hay Y.” Chính Chúa Jêsus là Đấng thành lập Hội Thánh và Ngài là đầu. Điều này có nghĩa là chính Chúa Jêsus là Đấng lãnh đạo Hội Thánh. Con người chỉ là công cụ Chúa sử dụng để hoàn thành kế hoạch của Ngài. Các thành viên trong Hội Thánh là những chi thể trong thân của Đấng Christ. Câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào các thành viên trong Hội Thánh có thể hiệp một với nhau, như các chi thể trong thân của Đấng Christ?

Cuộc sống bên trong của Hội Thánh hoàn toàn khác biệt với bên ngoài xã hội. Trong bất cứ xã hội nào cũng có điều tốt và xấu, thiện và ác, dân chủ, tự do, độc tài và áp bức. Tất cả những sự kiện này cho thấy không có một xã hội nào hoàn hảo là “thiên đường” cả! Cuộc sống của con người thì luôn phải đấu tranh, giành giựt với nhau để tồn tại. Đó là nguyên nhân gây nên chiến tranh, thù hận, tìm mọi cách để thanh toán nhau, chà đạp lên nhau bằng tất cả những mưu mô, xảo quyệt, gian trá và tàn độc. Nói cách cô đọng là tất cả những sự xấu xa, bất an, nan để của con người tồn tại trên đất này chỉ vì hai từ: LÒNG THAM. Chính “lòng tham” tạo nên sự GANH GHÉT. Khác với thế gian, Hội Thánh của Chúa là nơi được biệt riêng ra một số người; mà Chúa đã kêu gọi và chọn lựa để sống theo khuôn mẫu mà Ngài dạy dỗ trong Kinh Thánh. Những con người tin Chúa thật lòng, có đời sống mới được tái sinh và được gọi là thánh đồ.

Câu hỏi tiếp theo ở đây là làm thế nào con dân của Chúa có được sự hiệp một với nhau trong Hội Thánh của Ngài? Chúng ta hãy cùng nhau đọc (I Côrinhtô chương 13: 4-8):
“Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ.”
Lời Chúa dạy qua Sứ đồ Phao Lô quá tuyệt vời. Nó hoàn toàn khác biệt với tình yêu của người thế gian. Tình yêu của thế gian là thứ tình yêu trao đổi, có qua, có lại như tục ngữ Việt Nam có câu: ” Bánh ít trao đi, bánh qui trao lại.”

Tình yêu bên trong của Hội Thánh Đức Chúa Trời hoàn toàn khác biệt với thế giới bên ngoài. Từ tổ chức, trong các mối quan hệ, tiếp xúc, lời nói, việc làm, tất cả là một sự đối lập giữa đen và trắng, giữa ác và thiện, giữa sự nồng ấm, chan chứa tình yêu khác với những tranh giành hơn thiệt, mua bán, để nhận đuợc phần thắng. Tình yêu trong Chúa không tính toán hơn thua. Không phải vì bạn yêu tôi, nên tôi yêu bạn. Nhưng, có thể bạn không thích tôi, ghét tôi, nhưng tôi vẫn có thể yêu bạn. Lý do duy nhất là vì Chúa yêu tôi, nên tôi yêu bạn. Nếu tôi không yêu anh chị em mình trong cùng đức tin, không yêu thương người cận, mà tôi nói rằng tôi yêu Chúa; có nghĩa là tôi nói dối. Lời Chúa dạy như vậy. Nếu cách cách đối nhân xử thế của cộng đồng con dân Chúa cũng không khác mấy so với bên ngoài xã hội, thì đó chỉ là những cộng đoàn núp bóng trong những chiếc áo ” tình yêu thương của môi lưỡi”; lợi dụng Hội Thánh vì những động cơ tư kỷ cá nhân, đánh bóng tên tuổi, hoặc để trục lợi trá hình bởi những mưu chước bán buôn của thương trường.

Nói cách khác Hội Thánh đúng nghĩa là do Đức Chúa Trời thành lập, và Chúa Jê-sus là đầu của Hội Thánh. Con người chỉ là công cụ làm theo ý chỉ và sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Hội Thánh của Chúa Trời phải đặt trên nền tảng của vầng đá muôn đời là Chúa Jê-sus và lấy tình yêu thương làm gốc rễ. Các thành viên trong Hội Thánh là chi thể trong cùng một thân của Đấng Christ, cho nên không thể sống tách rời nhau được. Kinh Thánh chép:

“Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn, chi thể nào chẳng đẹp thì chúng ta lai trau giồi hơn. Còn cái nào đã đẹp rồi thì không cần trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn, hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng” (1Côr 12: 23-26).

Tuy nhiên, thực tế đáng buồn của hiện tại là không thiếu gì những Hội Thánh đã bị thế gian tràn ngập những cỏ lùng chen lẫn với lúa mì! Nói cách khác dễ hiểu hơn, là có những con người đi nhà thờ mỗi Chúa nhật theo thói quen hoặc động lực kín giấu nào đó. Trông họ có vẻ quý phái trong những bộ y phục sang trọng và đạo mạo bên ngoài. Dầu vậy, họ nhìn những đầy tớ Chúa hoặc con dân Chúa đến thăm hoặc nhóm với Hội Thánh băng con mắt lạnh lùng; với vẻ mặt khinh khỉnh đầy kiêu ngạo, nụ cười ẩn chứa một nửa như chế nhạo, xoi mói, nửa còn lại là sự mỉa mai và ngạo mạn mà người nhạy bén sẽ nhận ra ngay.

Họ nhìn những người không thuộc “group” với họ, ngay những đầy tớ Chúa mà họ chưa hiểu biết bằng con mắt nghi ngờ, đố kỵ. Họ không bao giờ chào hỏi. Dường như cái tôi của họ quá lớn, lớn như một cây cổ thụ che khuất ánh sáng của mặt trời. Họ tưởng rằng họ là cột trụ lâu đời của Hội Thánh, là những tín đồ lâu năm nòng cốt, là những người dâng tiền “có máu mặt.” Họ nghĩ rằng nếu thiếu họ thì Hội Thánh cũng chẳng tồn tại, vân vân và vân vân!

Chính vì vậy, cho dù vị Mục sư có kêu gào tắt tiếng trong việc khích lệ mọi người đi ra chứng đạo, hay truyền giảng, cũng chẳng mấy người hồ hởi tham gia. Bởi vì họ yêu bản thân, gia đình, yêu cái hạnh phúc riêng của mình bởi con mắt xác thịt và niềm kiêu hãnh hơn là yêu thương những người chưa biết Chúa. Họ lầm tưởng rằng họ đã mua được cái vé vào cổng thiên đàng trong ngày Chúa Jê-sus tái lâm. Còn những kẻ khác có chết mất hay sống còn thì có liên quan gì đến những điều mà họ đang sở hữu!

Một số anh em khác có tấm lòng với Chúa, yêu thương những linh hồn hư mất, họ tận tụy ngày đêm tìm kiếm những con chiên lạc mất, hoặc những bạn bè thân hữu bên ngoài đưa về với Hội Thánh. Nhưng, những cố gắng ấy cũng mỏi mòn theo năm tháng bởi vì trong Hội Thánh ngày nay một số thành phần có khác biệt gì so với bên ngoài cánh cổng nhà thờ đâu! Cho dù là thiểu số, nhưng những tác hại của nó không nhỏ, ” Con sâu làm rầu nồi canh” “một lỗ nhỏ vẫn làm đắm thuyền!” Hội Thánh không còn là bệnh viện thuộc linh ràng rịt những vết thương của tâm hồn, an ủi những con người mất phương hướng; mà chỉ còn nghe tiếng vang vọng lỗi nhịp của những bài thánh ca mới, lạc lõng, vô hồn!

Xã hội luôn có những nan đề làm cho con người khốn đốn. Cuộc sống vui buồn lẫn lộn. Hạnh phúc cũng mong manh, vật đổi sao dời, nay còn mai mất. Xã hôi bất an, đói nghèo, thất nghiệp, bệnh tật và chết chóc luôn rình rập mỗi người. Tất cả những kịch bản bi thương ấy đến từ một đạo diễn đầy gian manh và xảo trá chính là Sa-tan và tay chân của nó. Cho nên cuộc sống thế gian đầy những mùi vị khác nhau của ngọt, buì, cay, đắng cùng với những sự lạnh lùng và gian trá, tốt ít, xấu nhiều!

Tâm hồn con người chai lạnh băng giá giữa những dòng xe cộ, lo sợ, bồi hồi khi nghe tiếng còi xe cứu thương, hoặc những loạt đèn pha của xe cảnh sát, hoặc những làn âm thanh ồn ào của những tay mê nhạc vô thức, không tôn trong người khác trên đường phố, hay trong đêm thanh vắng khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ.

Cuộc sống là vậy. Thế gian vốn dĩ là thế cơ mà! Bởi vì thế gian thuộc về ma qủy! Cho nên, Chúa Jê-sus mới thành lập Hội Thánh của Ngài để kêu gọi và chọn lựa một số người được biệt riêng ra thánh, họp nhau lại để thờ phượng Chúa và làm theo những điều Kinh Thánh dạy dỗ. Đồng thời, thực hiện đại mạng lệnh của Ngài la rao báo Tin Lành cho muôn dân và làm Báp-tem cho họ, dạy họ những điều mà Chúa đã dạy cho chúng ta.

Thế nhưng, than ôi! Hầu hết Hội Thánh ngày nay thường giậm chân tại chỗ. Từng năm này đến năm khác, phước lắm mới có một đôi người tin Chúa. Nhưng rồi sau mùa Giáng Sinh cũng chẳng còn thấy họ ở đâu? Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao? Câu trả lời tùy thuộc vào tình trạng của mỗi Hội Thánh, môi trường xã hội, động cơ của những người hầu việc Chúa, tình trạng thuộc linh của bầy chiên,v.v…

Chúng ta thử hình dung một ngày nào đó, chúng ta đang buồn bực gia đình, rồi đi thơ thẩn bên ngoài đường phố. Chúng ta sẽ bước vào một công viên sạch sẽ đầy bóng mát của cây xanh, cùng với những chiếc ghế đá đẹp đẽ bên cạnh hồ nước xanh trong, để tận hưởng làn gió mát làm cho tâm hồn êm dịu. Ngược lại, một nơi chốn nào đó xô bồ cũng gây gỗ hơn thua, cũng tranh giành chức tước, cũng nhìn nhau lạnh lùng, liệu có thu hút những con người có tâm hồn tan vỡ đớn đau không? Thật đáng thương cho những “con chiên có sừng” bởi vì họ quên đi hoặc không để ý đến Lời của Chúa. Đức Chúa Trời rất ghét sự kiêu ngạo.

“Có 6 điều Đức Giê-hô-va ghét,
Và bảy điều Ngài gớm ghiếc:
Con mắt kiêu ngạo, lưỡi dối trá,
Tay làm đổ huyết vô tội, Lòng toan những mưu ác,
Chân vội vàng chạy đến sự dữ,
Kẻ làm chứng gian và nói điều dối,
Cùng kẻ gieo sự tranh cạnh trong vòng anh em.”
(Châm ngôn 6: 16-19)

Bên cạnh những cảnh báo, thì Lời của Chúa cũng khuyên dạy chúng ta như sau:
“Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động mà dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, nhưng muốn chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ. Vậy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên và tự gây dựng trong sự yêu thương” (Ê-phê-sô 4: 14-16).

Câu hỏi đặt ra cho mỗi chúng ta hôm này là: chúng ta đã thật sự là chi thể trong thân của Đấng Christ chưa? Chúng ta có thương yêu những con cái Chúa cùng một niềm tin chưa? Chúng ta có nhìn nhau trong sự cảm thông, trìu mến, quan tâm và có bày tỏ một đời sống mới mọi người chưa?

Cầu xin tha thứ sự yếu đuối cho mỗi chúng ta. Cầu xin Ngài mở mắt chúng ta để nhận biết mình chẳng ra gì, mà thức tỉnh ăn năn để tránh khỏi lửa điạ ngục thiêu đốt trong ngày Chúa Jêsus tái lâm. Cầu xin Chúa tha thứ cho chúng ta những sai lầm đã mắc phải; và xin Ngài lột bỏ con người cũ tội lỗi của chúng ta. Cầu xin Ngài cho chúng ta rèn luyện bài học khiêm nhường và nhịn nhục. Không nên mang theo những hào quang của quá khứ như chức tước, điạ vị, quyền thế, sự giàu có của thế gian và niềm kiêu hãnh vào bên trong thánh đường của Chúa. Trước mặt Ngài tất cả chúng ta đều là tội nhân đáng chết, nhưng được Chúa thương xót mà tha thứ. Cầu xin Chúa dẫn dắt chúng ta trở về với nếp sống sung mãn đầy dẫy những bông trái Thánh Linh, toả ra mùi thơm ngọt ngào của yêu thương, hầu có thể thu hút được những người ngoại có thể nhìn thấy Đức Chúa Trời qua nếp sống đạo của mỗi người. Cầu xin Chúa cho con dân của Ngài có thể bày tỏ hình ảnh Chúa Jê-sus chiếu sáng trên khuôn mặt của mình; biểu hiện sự nhân từ, nụ cười đôn hậu, bàn tay nồng ấm của tình yêu thương, bởi vì mỗi chúng ta là chi thể của nhau trong thân của Đấng Christ! Amen!

Mục sư Văn Lê

Ngày đăng: 08/10/2024