Vườn Ê đen mới

HOÀNG TỬ BÌNH AN – Dr. Jim Denison

 

Lực lượng Israel đã tấn công mạnh trong đêm về phía thành phố Gaza, đánh dấu bước tiến sâu nhất của họ vào lãnh thổ Palestine kể từ khi họ tiến vào dải đất này vào vài tuần trước. Một binh sĩ Israel bị Hamas bắt cóc vào ngày 7 tháng 10 cũng đã được giải thoát qua đêm trong các cuộc tấn công trên bộ. Trong khi đó, trong một cuộc họp báo ngắn gọn, Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu đã bát bỏ khả năng ngưng chiến trong cuộc xung đột với Israel. Ông đang đáp lại những lời kêu gọi hành động như vậy từ Liên Hợp Quốc và Tổ chức Ân xá Quốc tế, cùng nhiều tổ chức khác.

Những người chỉ trích việc Israel tiếp tục tiến hành quân sự chống lại Hamas đang phản ứng với các báo cáo từ Bộ Y tế Gaza rằng số người chết ở Palestine đã vượt quá 8.000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ vị thành niên. Tính xác thực của những con số của tổ chức này bị nghi ngờ vì nó được điều hành bởi Hamas, nhưng những bức ảnh về sự tàn phá ở Gaza đã cho thấy một sự thật bi thảm của chính họ.

Tất cả chúng ta đều cảm thấy đau buồn trước những tàn phá trong cuộc xung đột này. Tuy nhiên, quân đội Israel phải đối mặt với thực tế là Hamas đã giấu vũ khí trong các bệnh viện, trường học, và đền thờ Hồi giáo trong khi binh lính của họ cải trang như thường dân. Chiến lược của họ là dùng mạng sống của người dân Palestine như những tấm bình phong để cộng đồng quốc tế chống lại Israel.

Chiến lược bốc lửa bỏ tay người của Hamas dường như đang mang lại kết quả cho họ. Vậy Israel có nên tìm kiếm giải pháp đình chiến với Hamas?

Khi theo dõi báo cáo về cuộc xung đột này từ nhiều nguồn và quan điểm khác nhau, tôi nhận thấy một bài bình luận của khách mời New York Times là Dennis B. Ross, đặc biệt chứa đựng nhiều thông tin. Ông Ross đã từng phục vụ trong Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống George H. W. Bush, là điều phối viên đặc biệt về Trung Đông dưới thời Tổng thống Bill Clinton, đồng thời cũng từng là cố vấn đặc biệt cho khu vực. Bài bình luận của ông có tiêu đề là “Tôi có thể đã từng ủng hộ lệnh ngưng bắn với Hamas, nhưng không phải bây giờ.”

Đểm chính trong bài bình luận của ông: “Đối với tôi, rõ ràng là hòa bình sẽ không thể thực hiện được bây giờ hoặc trong tương lai chừng nào Hamas vẫn còn ngang nhiên tung hoành và kiểm soát Gaza. Quyền lực và khả năng của Hamas trong việc đe dọa Israel – và khiến thường dân Gaza phải hứng chịu nhiều đợt bạo lực hơn bao giờ hết – phải chấm dứt.”

Ross lưu ý rằng nếu Israel đồng ý ngưng bắn ngay bây giờ, cơ sở hạ tầng quân sự, khả năng lãnh đạo, và kiểm soát Gaza của Hamas sẽ vẫn nguyên vẹn. Như đã xảy ra sau các cuộc xung đột với Israel vào năm 2009, 2012, 2014 và 2021, nhóm khủng bố gần như chắc chắn sẽ tái vũ trang cho cuộc xung đột tiếp theo. Nó cũng sẽ có thể bổ sung vào hệ thống đường hầm chạy trong khu vực.

Do đó, ông cảnh báo, “cuộc chiến tranh kế tiếp sẽ không thể tránh khỏi, bắt cả người dân Gaza và phần lớn người dân Trung Đông còn lại làm con tin cho các mục tiêu của Hamas.”

Điều gì làm cho cuộc xung đột này khác với những cuộc xung đột trong quá khứ? Mặc dù sự tàn bạo ngày 7 tháng 10 đã làm gia tăng sự phẫn nộ của Israel một cách dễ hiểu và biện minh cho một phản ứng quân sự mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc xung đột trước đây, nhưng câu chuyện còn nhiều điều hơn thế.

Như tôi đã báo cáo trong suốt cuộc xung đột này, mục đích của Hamas và Hezbollah, cả hai đều được Iran hậu thuẫn, là tiêu diệt Israel và đòi lại khu vực này cho Palestine. Nhưng những nhóm này hành động đơn lẻ hoặc phối hợp với nhau cũng không có đủ phương tiện quân sự để đánh bại Israel, trong một cuộc chiến tranh thông thường. Iran cũng vậy, ngay cả khi nước này giao chiến trực tiếp với Lực lượng Phòng vệ Israel.

Nhưng những gì họ có thể làm, như Ross lưu ý, là khiến Israel trở thành nơi không thể sinh sống được và do đó khiến người dân Israel phải di tản. Đây dường như là mục tiêu rõ ràng của họ bây giờ. Ross chỉ ra những dự đoán của Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao của Iran, rằng Israel sẽ không tồn tại được thêm 25 năm nữa. Và ông trích lời một chỉ huy của Israel, người đã nói sau ngày 7 tháng 10, “Nếu chúng tôi không đánh bại Hamas, chúng tôi không thể tồn tại ở đây.”

Tôi hiểu được tâm tư của người chỉ huy theo cách mà tôi sẽ không thể hiểu được nếu tôi không dẫn đầu hơn 30 chuyến tham quan học tập tới Israel trong gần 30 năm qua. Israel là một quốc gia nhỏ bé, có diện tích xấp xỉ bang New Jersey. Iran tiếp tục trang bị cho Hamas và Hezbollah những công nghệ tinh vi hơn bao giờ hết, hiện có khả năng phóng tên lửa với số lượng lớn đến mức hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel không thể bảo vệ tất cả thường dân của họ ở Tel Aviv, Jerusalem, và trên khắp đất nước. Và cuộc xâm lược ngày 7 tháng 10 đã gây sốc cho người dân Israel, những người tin rằng tình báo quân sự tinh vi và lực lượng phòng thủ hùng mạnh sẽ bảo vệ họ khỏi những hành động tàn bạo như vậy.

Các cuộc chiến trước đây của Israel đều do binh lính của họ chiến đấu chống lại binh lính của kẻ thù. Chưa bao giờ có nhiều thường dân bị tàn sát hoặc bắt làm con tin đến như vậy. Tất cả những điều này có nghĩa là, trong thế giới mới được tạo ra bởi cuộc xâm lược ngày 7 tháng 10, nếu lệnh ngưng bắn được tuân thủ và Hamas vẫn tồn tại, người Israel sẽ biết rằng họ và gia đình họ sẽ gặp nguy hiểm theo những cách chưa từng có trong 75 năm lịch sử tồn tại của đất nước.

Thực tế này rất quan trọng vì theo sự tính toán thì rất nhiều người Do Thái chọn sống ở Israel. Lực lượng lao động của họ là một trong những lực lượng lao động có trình độ học vấn tốt nhất, có tay nghề cao nhất trên thế giới. Mọi người Israel mà tôi gặp đều có thể được tuyển dụng ngay tại bất kỳ quốc gia nào trong thế giới phương Tây. Họ đã chọn sống ở Do Thái với mục đích bảo đảm tương lai cho người Do Thái.

Nếu quốc gia không còn có thể bảo vệ sự an toàn cho họ nữa thì lý do tồn tại của quốc gia đó đang bị nghi vấn. Và việc người dân sẵn sàng mạo hiểm mạng sống và gia đình của họ cũng có thể bị nghi ngờ, có thể dẫn đến một cuộc di tản ra khỏi đất nước.

Do đó, thông qua sự kết hợp giữa vũ khí tối tân hơn và các cuộc tấn công khủng bố tàn bạo hơn, Hamas và các đồng minh của họ lần đầu tiên đã làm dấy lên nỗi ám ảnh về một thế giới không có chính phủ Israel như chúng ta biết hiện nay. Đây là lý do tại sao những người bạn của tôi ở Israel đã nói kể từ cuộc xâm lược kinh hoàng ngày 7 tháng 10 của Hamas rằng những kẻ khủng bố này phải bị đánh bại. Họ hiểu trực tiếp điều mà tôi đã cố gắng giải bày ngày hôm nay: tương lai của đất nước hiện đang ở thế cân bằng.

Thực tế này khiến tôi phải kết thúc Bài Tiểu Luận này bằng cách xin các bạn cùng tôi khẩn nài và tiếp tục cầu thay cho Israel và dân tộc của họ.

Hãy cầu nguyện để họ chú ý đến lời chỉ dẫn của Chúa dành cho vị tổng tư lệnh đầu tiên dẫn họ vào đất hứa: “Hãy mạnh dạn và can đảm lên. Đừng sợ hãi, đừng nản lòng,” (Giô-suê 1:9a).

Hãy cầu nguyện cho lực lượng Israel đánh bại những kẻ khủng bố đang đe dọa tương lai của đất nước họ.

Hãy cầu nguyện để Chúa bảo vệ thường dân Palestine và Israel trong cuộc xung đột này.

Và hãy cầu nguyện rằng tất cả sẽ hướng về một Hoàng Tử Bình An duy nhất (Ê-sai 9:6) để họ có thể làm chứng rằng, “Quả thật, Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi của tôi, tôi sẽ tin cậy và không sợ hãi. Vì CHÚA, chính CHÚA là sức mạnh và bài ca của tôi. Ngài đã trở nên sự cứu rỗi của tôi.” (Ê-sai 12:2).

Anh chị em sẽ cùng tôi tham gia trong việc cầu thay như vậy ngay trong giờ này?

Lược dịch:
Nguyễn Thị Bảo Hạnh

——————————————————-

Nghiệm và Sống là tổng hợp của hai trang Dưỡng Linh và Nghiệm và Sống trước đây.
Đọc lại bài vở cũ:
Dưỡng Linh 1 – 2010-2018
Dưỡng Linh 2 – 2018-2022
Nghiệm và Sống – 2008-2022

 

Ngày đăng: 11/12/2023