Vườn Ê đen mới
LÒNG NHÂN TỪ – Mục sư Văn Lê
Câu gốc: “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tinh yêu thương hay nhân từ”(I Cô-rinh-tô 13: 1).
Nhân từ là một trong những phẩm hạnh của kẻ làm tôi tớ Đức Chúa Trời. Nhân từ có thể được mô tả một tấm lòng nhân hậu, từ tâm không tham gia cũng không hành động những điều tựa như điều ác. Nhân từ là hình ảnh của Chúa Jesus đối với tội nhân, và ngay những kẻ chống nghịch, phản bội, đánh đập, giết chết Ngài trên thập tự giá. Người Chăn cần phải noi gương Chúa Jesus; được mặc lấy tấm lòng nhân từ trong mọi lúc, mọi nơi và đối với mọi người.
Trong tự điển tiếng Việt, dịch từ kép “nhân từ” sang tiếng Anh tính từ kép là “kind-hearted”; để chỉ một con người có tấm lòng tử tế, mềm mại, hoà nhã và sẵn sàng cảm thông, tha thứ, giúp đỡ mọi người. Trong Cựu Ước, có đề cập đến “Bổn phận về sự nhân từ.” Và, sự nhân từ ở đây được giảng giải qua những hình ảnh cụ thể: “Nếu ngươi thấy bò hay là chiên của anh em mình bị lạc, thì chớ làm bộ chẳng thấy, phải dẫn nó về cho anh em mình. Ví bằng anh em ngươi không ở gần ngươi, và ngươi không quen biết người, thì phải dắt bò, chiên đó vào nhà ngươi, cho đến chừng anh em ngươi đến kiếm; bấy giờ phải trả nó lại cho. Ngươi làm như vậy cho con lừa,áo xống hay là mọi vật chi của anh em ngươi mất mà ngươi xin được, chớ làm bộ không thấy. Nếu ngươi thấy lừa hay bò của anh em ngươi té trên đường, chớ làm bộ không thấy, khá đỡ nó đứng dậy”(Phục Truyền 22: 1-4).
Ý nghĩa những câu Kính Thánh trên, đã cung cấp cho chúng ta một bức tranh rất cụ thể chỉ về bổn phận và hành động của sự nhân từ. Có thể hiểu rộng ra hơn trong nhiều khía cạnh khác cách chi tiết; đó là sự quan tâm đến những sự mất mác, hay bịnh tật, khó khăn; hoặc những hoàn cảnh nghiệt ngã mà anh em minh gặp phải; chúng ta có bổn phận giúp đỡ trong khả năng của mình, với tất cả tấm lòng trắc ẩn. Bổn phận đó là mệnh lệnh chung cho con dân Chúa trong thời Cựu Ước. Như vậy, đối với một người chăn bầy cho Đức Chúa Trời ngày nay, thì sự ràng buộc đó có còn phải thực hiện đúng theo những nguyên tắc này hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, thiết nghĩ chúng ta nên trở lại với Kinh Thánh Tân Ước có dạy về sự nhân từ và khiêm nhượng theo gương Đấng Christ:
“Vậy trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót, thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng, mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn. Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”(Phi-líp 2:3,4).
Như vậy, Tân Ước đã khẳng định cho chúng ta sự nhân từ không có gì thay đổi. Thời đại nào cũng vậy, con cái Chúa phải sống dư dật trong sự nhân từ đối với mọi người, nhất là anh chị em trong cùng đức tin. Con dân Chúa không thể quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại; không ngoảnh mặt làm ngơ trước những hoàn cảnh cần sự tiếp trợ của anh em mình. Chúng ta không thể chỉ ngợi ca, vui mừng vì những phước hạnh của riêng mình; chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân của bản thân và gia đình mình; thờ ơ với tất cả những người xung quanh đang có nhu cầu cần được cứu giúp. Để nhìn thấy rõ ràng hơn những hành động cụ thể về sự nhân từ, chúng ta hãy phân tích hình ảnh một người Sa-ma-ri nhân lành được chép trong Tân Ước, sách Lu-ca (10: 25-37). Câu chuyện ẩn dụ này cho chúng ta một bức tranh khá chi tiết, làm nổi bật sự tương phản giữa hai hạng người: Kẻ đạo đức giả bên ngoài khoác áo tôn giáo, và người Sa-ma-ri đầy dẫy tình yêu thương. Câu chuyện này được website vi.wikipedia.org/wiki diễn đạt như sau:
“Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là người dân xứ Sa-ma-ri vào thời ấy bị đố kỵ và khinh miệt như là dân bội giáo trong mắt người Do Thái, là những người đang quây quần lắng nghe Chúa Jesus kể câu chuyện này. Như thế, qua dụ ngôn, Chúa Jesus chọn cho mình chủ đề chống phân biệt chủng tộc và đề cao tinh thần hoà hợp dân tộc. Lúc ấy, cộng đồng người Sa-ma-ri đang bị thu hẹp đến mức gần như tuyệt chủng, dẫn đến hệ quả ngày càng ít người gặp gỡ hay tiếp xúc với người Sa-ma-ri, hoặc ngay cả nói về họ. Hầu như không còn ai lưu ý đến sự tồn tại của họ. Suốt trong những ngày sống trên đất, Chúa Jesus luôn bị những thầy thông giáo và người Pha-ri-si theo đuổi để cáo buộc Ngài là gần gũi với những kẻ thâu thuế và phường tội lỗi, “Các người Pha-ri-si và các thầy thông giáo phàn nàn với các môn đồ Ngài rằng: Sao các ông lại ăn uống với phường thâu thuế và bọn người tội lỗi?” Do đó, trong dụ ngôn này, Chúa Jesus khẳng định những lý lẽ khiến Ngài hành động như thế, như được thuật lại trong Phúc âm Lu-ca, “Chúa Jesus đáp: Không phải người khoẻ mạnh cần thầy thuốc, song là người đau ốm. Ta không đến để gọi người công chính, song gọi kẻ có tội ăn năn.”
“Người bị trấn lột trong dụ ngôn là những hình ảnh của những người đau ốm, thương tật trong tâm linh. Những người đầu tiên gặp kẻ khốn khổ bên đường là thầy tế lễ và người Lê-vi, những người có nhiệm vụ giúp đỡ chăm sóc người khác, lại là những kẻ vội vàng tránh đi. Một nghịch lý diễn ra trong dụ ngôn này: Những người được xã hội xem là đạo đức cao trọng lại là những kẻ vô trách nhiệm; trong khi một kẻ bị xã hội khinh miệt, là người chịu đưa lưng gánh vác. Có lẽ thầy tế lễ biện minh rằng, nếu cứu giúp người mắc nạn thì buộc phải chạm tay vào thân thể một kẻ bội giáo. Như thế, theo cách luận giải luật pháp của họ, là trở nên bất khiết. Họ bỏ đi để giữ mình tinh sạch. Người Lê-vi phụng sự trong đền thờ cũng hành động tương tự…”
Nội dung câu chuyện ẩn dụ này quá rõ để chúng ta thấy rằng, những kẻ nhân danh là thông biết luật pháp của Đức Chúa Trời, là những người dạy luật pháp, nhưng không có tình yêu thương. Họ khoác lên những lớp tôn giáo và đạo đức bên ngoài; để được nhiều người kính trọng cái vẻ hào nhoáng bên ngoài đó. Nhưng họ không có lòng nhân từ, thương xót kẻ hoạn nạn, cùng khốn.
Người chăn bầy cho Chúa hôm nay, liệu có tồn tại những hạng người như các thầy dạy luật và Lê-vi ấy chăng? Chắc chắn là có. Chính vì lẽ đó, chúng ta không ngạc nhiên khi nhìn thấy những người chăn trong thời đại hôm nay; vẫn đeo đuổi các chức vị tôn giáo, vẫn thích khoe khoang cái vẻ hào nhoáng bên ngoài, để được con dân Chúa trọng vọng. Nhưng, trước những hoàn cảnh nghiệt ngã thương đau của con dân Chúa hay đồng loại, họ vẫn có thể làm ngơ; hoặc giả vờ cầu nguyện qua loa để che mắt thiên hạ. Lời Chúa được chép trong Lu-ca dạy cho con dân Ngài một bài học sâu xa về sự yêu thương đối với kẻ nghèo khó:
“Khi các ngươi đãi bữa trưa hoặc bữa tối, đừng mời bạn hữu, anh em, bà con và láng giềng giàu, e rằng họ cũng mời lại mà trả cho các ngươi chăng. Song khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những kẻ nghèo khó, tàn tật, què, đui, thì ngươi sẽ được phước, vì họ không có thể trả lại cho ngươi; đến kỳ kẻ công bình sống lại, ngươi sẽ được trả”(Lu-ca 14: 12-14).
Thường thì con cái Chúa không mấy quan tâm đến chức vụ, hay văn bằng của các vị chăn bầy. Điều đó không có nghĩa là phủ nhận những giá trị của kiến thức hay văn bằng tốt nghiệp thần học; bởi vì nếu không học thì làm sao hầu việc Chúa trong những Hội Thánh ngày nay được? Không bằng cấp thì làm sao biết cách quản trị Hội Thánh, giảng dạy lời Chúa? Tuy nhiên, điều chủ yếu mà người ta cần vẫn là tấm lòng nhân ái, đầy dẫy tình yêu thương. Điều đó được đặt ở vị trí cao hơn các văn bằng.
Lòng nhân từ phải là nếp sống cố hữu của người lãnh đạo thuộc linh, không bao giờ tách rời khỏi nó. Lòng nhân từ, không phải là cái vẻ bề ngoài trong các vai diễn của xã hội, trong những hoàn cảnh để thích nghi; nhưng là một tấm lòng mới mà Đức Chúa Trời đã thay đổi con người đó. Lòng nhân từ phát xuất ở bên trong, khiến người chăn bầy luôn được thúc đầy làm điều thiện. Gia-cơ đã khẳng định điều này:
“Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội”(Gia-cơ 4: 17).
Lòng nhân từ được thể hiện qua nhiếu các h, cụ thể qua các sinh hoạt thường ngày của người chăn bầy như sau:
1. Mềm mại, hòa nhã trong lời nói
“Đừng mê rượu cũng đừng hung bạo, nhưng phải mềm mại hòa nhã; lại đừng ham tiền bạc”(1Ti-mô-thê 3: 3).
Người đam mê những lạc thú trần gian nguy hại như rượu chè, cờ bạc, hút sách, tham lam tiền bạc… chắc chắn không thể là người đáng tin cậy. Đơn giản, những hạng người này luôn sống trong sự giả dối mới có thể lừa gạt người khác; để thỏa mãn những thú vui của bản ngã xác thịt. Trong những sự giả ngụy đó, lời nói có lẽ là vũ khí lợi hại nhất để khuynh đảo người khác. Miệng là nơi gây nên nhiều tổn hại nhất, bởi vì “lưỡi không xương, nhiều đường lắc léo.” Gia-cơ đã bày tỏ điều này trong Tân Ước:
“Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mình, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy. Hết thảy loài muông thú, chim chóc, sâu bọ, loài dưới biển đều trị phục được; nhưng cái lưỡi không ai trị phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được; đầy dẫy những chất độc giết chết. Bởi cái lưỡi chúng ta khen ngợi Chúa, Cha chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự ngợi khen và rủa sả!” (Gia-cơ 3: 6-10).
Qua phần Kinh Thánh trên, Gia-cơ đã phơi bày sự nguy hại của cái lưỡi, chính là lời nói. Con dân Chúa luôn dùng lời nói ân hậu để khích lệ và an ủi nhau. Điều này, đối với người lãnh đạo thuộc linh, nhất là vị trí của người chăn bầy, nếu không thực hiện được sự liêm chính qua lời nói thì khó có thể giữ được vài trò Chúa giao. Người chăn bầy luôn cẩn trọng về lời nói. Điều đó không có nghĩa là dùng môi miệng khôn ngoan của mình để hơn thua, cãi lẽ với tín hữu và những người xung quanh; hoặc dùng lời nói để chinh phục người nghe với những động cơ bất chính, thủ lợi về mình. Nhưng môi miệng của người chăn bầy là làm sao thể hiện được sư khiêm cung, nhân từ, hoà nhã, thân ái, đầy trắc ẩn với mọi người. Qua lời nói, người ta có thể nhận ra đó là đầy tớ của Đức Chúa Trời.
Vua Đa-vít đã từng than thở vì lời nói ác độc của loài người, và ông đã rút ra được bài học quý giá khi ông nhận thức được rằng, người gian ác lắm mưu sâu, kế độc săn đuổi người công bình. Tác giả cầu nguyện xin Chúa cứu mình khỏi kẻ thù ghịch và ông biết chắc người thiện lành sẽ có cớ khoe mình trong Chúa:
” Hỡi Đức Chúa Trời, xin hãy nghe tiếng than thở tôi, gìn giữ mạng sống tôi khỏi sợ kẻ thù nghịch xin Chúa giấu tôi khỏi mưu nhiệm của kẻ dữ, khỏi lũ ồn ào của kẻ làm ác. Chúng nó đã mài lưỡi mình như thanh gươm. Nhắm mũi tên mình, tức là lời cay đắng, đặng từ nơi kín giấu bắn vào kẻ trọn vẹn. Thình lình chúng nó bắn đại trên người, chẳng sợ gì. Chúng nó tự vững lòng bền chí trong mưu ác, bàn tính nhau để gài bẫy kín giấu, mà rằng: Ai thấy được? Chúng nó toan những điếu ác; chúng nó nói: Chúng ta đã làm xong; mưu đã sắp sẵn. Tư tưởng bề trong và lòng của mỗi người thật sâu sắc. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ bắn chúng nó: Thình lình chúng nó bị tên thương tích. Như vậy chúng nó sẽ vấp ngã, lưỡi chúng nó nghịch lại chúng nó. Hết thảy ai thấy đều lắc đầu. Cả loài người đều sẽ sợ. Họ sẽ rao truyền công việc của Đức Chúa Trời, và hiểu biết điều người làm. Người công bình sẽ vui vẻ nơi Đức Giê-hô-va, và nương náu mình nơi Ngài, Còn những kẻ có lòng ngay thẳng đều sẽ khoe mình”(Thi Thiên 64:1-10).
Qua những câu Kinh Thánh trên, vua Đa-vít đã cho chúng ta thấy rằng miệng lưỡi của loài người rất độc ác. Miệng lưỡi như mũi tên bắn vào người công bình. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ báo trả kẻ ác. Còn người công bình, biết nhờ cậy Chúa sẽ sống và khoe mình trong Chúa. Là người chăn bầy, không thể nói hai lời, hoặc dối trá hay cay đắng như người thế gian”; nhưng khi đáng nói phải nói những lời lành hầu đem lại sự ích lợi cho người nghe.”
Lời phán của Chúa Jesus cho người đàn bà bị người ta bắt quả tang về tội tà dâm, là một minh chứng cho lòng nhân từ được thể hiện qua lời nói. Khi những thầy thông giáo và Pha-ri-si đem đến cho Chúa Jesus một người đàn bà phạm tội tà dâm, là cốt để thử xem Ngài sẽ đối xử như thế nào. Theo luật Môi-se thì người này phải bị đem ra ném đá cho đến chết. Trong khi mọi người đang chờ ý kiến của Chúa Jesus, thì Ngài ngước mắt lên nhìn mọi người và nói rằng:”Ai trong các ngươi là người không phạm tội, thì hãy ném đá trước đi.”Mọi người đều bỏ đi. Chúa Jesus bèn nói với người đàn bà rằng: “Không ai định tội ngươi sao? Ta cũng không định tội ngươi. Đi đi, và đừng phạm tội nữa”(Giăng 8: 1-11).
Đây là tấm gương của Chúa Jesus trong sự nhân từ đối với người có tội, cho dù tội đó đáng chết. Nhưng lời nói của Ngài phát xuất từ một tấm lòng trắc ẩn, yêu thương kẻ có tội và tha thứ dồi dào. Trong cuộc sống, người ta thường “bới lông tìm vết” những điều xấu xa của kẻ khác để chỉ trích, chà đạp, hạ uy tín của đối phương mà con người ta không ưa thích. Họ dùng chính lời nói như một vũ khí để trấn áp đối thủ. Có những lời nói làm tổn hại đến danh dự, uy tín và đôi khi xúc phạm đến quyền tự do cá nhân và đẩy nạn nhân đến góc tường, và đôi khi yếu đuối tìm đến cái chết để tránh tiếng thị phi!
Ngoài chiến trường người ta giết nhau bằng súng đạn, trong xã hội họ chém giết nhau bằng giáo mác, gậy gộc, dùi cui…Trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời ngày nay, đôi khi lại giết nhau bằng lời nói. Những câu chuyện đau lòng xảy ra mỗi ngày trong các Thánh đường của Chúa khắp mọi nơi. Chấp sự và con cái Chúa muốn “đẩy” các vị Mục sư quản nhiệm đi nơi khác, vì không muốn nghe những bài giảng quở trách, và tính trung thực, ngay lành của những đầy tớ của Chúa. Thế là người ta dùng những lời nói “rỉ tai” nhau qua điện thoại, qua miệng lưỡi ác độc, thiếu trách nhiệm từ người này sang người khác. Kết cục, vị Mục sư dù trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời, lại trở thành “bị cáo” của số người ô hợp, có quyền thế trong Hội Thánh! Đó là tội ác do miệng lưỡi gây nên!
Chính vì vậy, là người chăn bầy của Đức Chúa Trời, vị Mục sư cần phải luôn bước đi trong sự thanh liêm, dùng lời nói ôn hoà, nhân hậu của mình để đối xứ với mọi người. Đừng vội lên án ai hay kết tội người nào. Trong mọi trường hợp, tốt nhất là tìm kiếm sự nhân từ qua những âm thanh ngọt ngào không phải chỉ bằng môi lưỡi, nhưng bằng trái tim.
Bàn về lời nói, sách Bảy Định Luật Thuộc Linh của tác giả John Maxwell nhận định rằng: ” Nói thì dễ, còn làm là chuyện khác! Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo không hiểu sự kiện này, cách nói một điều gì đó có khi cũng quan trọng tương đương với điều được nói ra. Cách sống của một người hỗ trợ cho những gì người ấy nói như thế nào; là một dấu chỉ rõ ràng cho thấy khả năng đích thực của người ấy trong khả năng lãnh đạo người khác. Thiên hạ vốn chẳng quá dễ dàng để cho ta lừa phỉnh như ta tưởng. Không phải chỉ vì một người có chức quyền và được gọi là lãnh đạo, thì đều đó có nghĩa là thiên hạ sẽ nghe theo ông ta.”
Tóm lại, nhân từ trong lời nói phải phát xuất từ bên trong, chứ không phải bằng môi lưỡi. Lời nói phải có ân hậu, giúp cho người nghe được khích lệ và an ủi. Nhưng trên hết mọi sự, lời nói cần phải chân thật, và không cần nói nhiều. Truyền đạo Sa-lô-môn nói:”Ngươi khá ít lời”(5:2).”Nhiều lời thì sinh ra sự ngu dại”(5:3) và ” Đâu có sự nhiều lời quá, đó cũng có sự hư không nhiều” (5:7). Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời, Ngài bày tỏ bản tính của Đức Chúa Trời là yêu thương, nhân từ, mềm mại, chậm nóng giận. Là tôi tớ của Chúa, người chăn bầy cũng phải bày tỏ những bản tính của chủ mình qua cách sống và sự phục vụ đối với mọi người. Trong mối quan hệ với con dân Chúa và cộng đồng xã hội, lời nói phải luôn ân hậu.
2. Nhân từ, độ lượng trong cách sống
“Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu; và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jesus Christ, hầu cho về đời sau tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, mà Ngài bởi lòng nhân từ đã dùng ra cho chúng ta trong Đức Chúa Jesus Christ”(Ê-phê-sô 2: 4- 7).
Vì yêu con loài người bị chết mất trong tội lỗi, bởi vì tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va không vâng phục lời răn dạy của Đức Chúa Trời; nên phải nhận lãnh bản án mà Ngài tuyên phạt đó là sự chết. Nhưng bởi tình yêu vô bờ bến, cho nên Ngài đã phó Con một của mình là Chúa Jesus xuống thế gian, để rồi chịu chết trên thập tự giá để cứu nhân loại thoát khỏi điạ ngục. Ngài yêu thương bằng hành động, chứ không phải chỉ bởi lời nói.
Người chăn bầy cần noi gương Chúa Jesus, sẵn sàng chịu thương đau với Chúa; yêu bầy chiên của mình thì có lúc cũng cần trả giá bởi thiên chức của mình. Yêu chiên thì phải hy sinh thì giờ trong đời sống để cầu nguyện, chăm sóc và nuôi dưỡng bầy chiên lớn lên trong đức tin. Chúa Jesus đi tìm những con chiên lạc, chăm sóc con chiên bịnh hoạn, yếu đuối. Người chăn bầy cũng phải noi gương Ngài làm những công việc tương tự. Người chăn bầy luôn có tấm lòng độ lượng, khoan dung trong mọi trường hợp. Con dân Chúa chịu ảnh hưởng qua cách đối xử của Mục sư hơn là những bài giảng. Bục giảng đôi khi chỉ làm cho người ta nghe về lẽ thật; còn cách sống mới giúp cho con dân Chúa nhìn thấy về lẽ thật.
Một người muốn sống cho Chúa trọn vẹn, thì trước hết phải có lòng nhân từ, độ lượng. Nếu lúc nào người chăn bầy cũng luôn dùng Kinh Thánh, để kết tội hoặc lên án người khác như một quan tòa kết tội phạm nhân; thì chắc hẳn người đó không thể chăn dắt dân sự của Đức Chúa Trời được. Lý do để bảo vệ cho luận chứng này là vì cớ “Đức Chúa Trời là sự yêu thương.”Nếu chỉ vì thi hành sự công chính, kẻ nào phạm tội thì kẻ đó phải bị quăng trong hỏa ngục; thì có lẽ không một ai trong chúng ta được hưởng nước thiên đàng.
Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy rằng, hầu hết các đầy tớ của Chúa được Ngài kêu gọi đều có tấm lòng nhân từ. Vẻ hiền lành, nhân hậu được toát ra trên nét mặt, lời nói và cách sống. Tuy nhiên, không ngoại lệ cũng có những trường hợp dường như đối nghịch lại với khuôn mẫu thông thường! Khi Đức Chúa Trời kêu gọi một người nào bước vào chức vụ chăn bầy, thì Ngài thấy rõ tấm lòng bên trong của họ. Điều đó nhắc nhở chúng ta không có quyền đoán xét tôi tớ của Ngài; mặc dầu chúng ta có quyền cảm nhận qua trực giác. Tuy nhiên, không phải lúc nào trực giác cũng chính xác.
Khi người lãnh đạo thuộc linh đứng trên bục giảng, bao giờ cũng ghi nhớ trong tâm khảm của mình, là họ đang cung cấp thức ăn cho bầy chiên. Không phải tất cả các con chiên đều khỏe mạnh, nhưng cũng có con chiên bịnh tật, ốm o, què quặt. Do đó, người chăn không thể cung cấp một loại thức ăn toàn là “xương”; bời vì những con chiên yếu ớt không thể “gặm” được! Nói cách khác, người giảng dạy lời Chúa không thể lúc nào cũng dùng lời Chúa để răn đe, cảnh cáo hay sửa phạt. Nhưng lắm lúc cũng phải dùng những câu Kinh Thánh đem lại sự an ủi, khích lệ băng bó những vết thương đang bị lở loét và chảy máu. Đó là phẩm tính nhân từ mà người chăn không thể thiếu được.
Vấn đề đặt ra ở đây, là phẩm hạnh tốt đẹp này là do bản chất bẩm sinh của người chăn hay do quá trình luyện tập, trao dồi để có được? Câu trả lời cũng là một câu hỏi; là con người ấy đã được tái sinh hay chưa? Nếu tin Chúa thật lòng, và nghe theo tiếng gọi của Chúa để bước vào chức vụ chăn bầy, thì con người ấy đã được Chúa Jesus thay đổi tấm lòng. Đôi khi, có những người chăn bước vào chức vụ vì những động cơ khác, chẳng hạn như vì tham danh vọng, vì muốn được nổi tiếng, hay vì một động cơ bất chính nào đó, không đến từ Chúa. Tất nhiên người “bất hạnh” ấy, không thể có được sự nhân từ thật sự. Đôi khi, chỉ là cái dáng vẻ bề ngoài trong các vai diễn đáng thương!
Bàn về vấn đề tiêu cực này, John Maxwell đã diễn giải rất cụ thể: ” Một số người sở dĩ muốn nổi tiếng vì muốn người khác biết mình “quan trọng” như thế nào. Một số người muốn như thể vì muốn mình cũng giống như một người nào khác. Có người cảm thấy danh tiếng khiến mình trở nên quan trọng. Châm- ngôn 22: 2 chép: “Kẻ giàu và người nghèo đều gặp nhau. Đức Giê-hô-va đã dựng nên cả hai.”
Mục đích tối thượng của người chăn bầy là tôn cao danh Chúa, chứ không phải núp bóng trong danh Chúa, lấy danh Ngài làm tấm bình phong để tôn cao chính danh phận của bản thân. Dù chúng ta có khéo léo diễn vai của mình như thế nào đi nữa, thì động cơ không chính đáng kia vẫn bị phơi bày trong nhiều cách, trong những con mắt tinh vi của nhiều người. Và, chắc chắn không bao giờ qua được mắt Chúa! Một nhà tư tưởng, John Wooden đã viết lên một ý niệm như một lời nhắc nhở cho những người chăn bầy cho đức Chúa Trời rất thâm thúy: ” Hãy quan tâm đến tính cách của bạn nhiều hơn là danh tiếng của bạn. Tính cách của bạn là những gì bạn thật sự có, trong khi danh tiếng của bạn chỉ đơn thuần là những gì người khác nghĩ về bạn.”
3. Nhân từ trong sự yêu thương và tha thứ
Đây là một trong những phẩm hạnh vô cùng cần thiết cho một người chăn bầy. Người chăn bầy có thể thiếu sót những phẩm hạnh khác, nhưng không thể thiếu sự yêu thương và tha thứ. Như vậy, ý nghĩa của yêu thương là gì?
Có lẽ không có một định nghĩa nào, đầy đù và chính xác hơn về ý nghĩa thuộc linh của cụm từ “sự yêu thương”, mà Phao Lô đã dạy dỗ trong (I Cô-rinh-tô 13). Đây là sự định nghĩa cho thấy những hành động cụ thể của sự yêu thương:
“Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự”(1Côr 13:4-7).
Sự dạy dỗ ở đây là chung cho tất cả con dân Chúa. Với một người được Chúa sử dụng trong chức vụ chăn bầy, thì không thể không có tình yêu thương đối với mọi người, mà gần gũi nhất là chiên trong Hội Thánh. Điều này nói lên sự nhân từ trong mỗi con người phục vụ Chúa. Những cụm từ: Yêu thương, tha thứ, khiêm nhường, mềm mại, hòa nhã, nhịn nhục…thường đi chung với nhau để diễn đạt một tâm tình của người phục vụ Chúa. Chúa Jesus đã từng dạy con dân Chúa không phải chỉ yêu thương những kẻ yêu mình; nhưng phải yêu thương luôn kẻ thù của mình nữa. Sách Ma-thi-ơ chép:
“Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình, song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi”(Ma-thi-ơ 5: 43,44).
Mệnh lệnh này không dễ dàng chút nào cho mỗi chúng ta thực hành. Nói lý thuyết suông thì không khó; nhưng vâng lời và làm theo quả là một thách thức lớn lao cho con người vốn yếu đuối. Ngoài ra, sự dạy dỗ này có vẻ như trái ngược với quan điểm đạo đức xã hội; bởi vì không ai có thể yêu thương kẻ bắt bớ, chống nghịch và thù ghét chúng ta được. Ngay trong Cựu Ước, sách Thi Thiên cũng xác nhận quan điểm “Mắt đền mắt, răng đền răng.” Nhưng ở đây, Chúa Jesus dạy con dân Ngài phải “yêu kẻ thù nghịch.”Nếu không bởi sức Chúa, thì không một ai có thể thực hành được mệnh lệnh này. Có chăng cũng chỉ là những hành vi bề ngoài, giả vờ yêu thương cho có lệ, không thật lòng!
Sự yêu thương trong Chúa khác hẳn với tình yêu của thế gian. Tôi yêu bạn không phải vì bạn yêu tôi, bạn có cảm tình với tôi, bạn luôn giúp đỡ tôi. Đó là tình yêu thường tình của người đời, yêu thương có điều kiện. Tình yêu trong Chúa cao cả hơn, trổi hơn, bởi vì đó là tình yêu phát xuất từ Chúa Jesus. Tình yêu không kèm theo điều kiện nào cả. Cơ đốc nhân chúng ta có thể yêu được kẻ ghét mình, không xứng đáng nhận được sự yêu thương . Thậm chí, chúng ta còn phải yêu luôn kẻ thù nghịch chúng ta nữa.
“Vậy nếu kẻ thù ta có đói, hãy cho ăn, có khát hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người” (Rô-ma 12: 20).
Muốn làm được điều này, hãy noi gương Đấng Christ. Hãy nhìn nhau bằng đôi mắt của Chúa Jesus. Khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài cầu ngyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì”(Lu-ca 23:34). Còn đối với anh chị em trong cùng đức tin, người chăn bầy lại cần phải ghi nhớ nằm lòng những lời dạy dỗ này: “Vậy, anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường , mềm mại, nhịn nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thế nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành” (Cô-lô-se 3: 12-14).
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Cơ Đốc nhân phải yêu thương? Chúng ta phải yêu thương nhau bởi những lý do sau đây:
* Vì Đấng Christ:”Tôi cầu xin Ngài tuỳ theo sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng; đến nỗi Đấng Christ nhơn đức tin mà ngự trong lòng anh em; để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu được bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời”(Ê-phê-sô 3: 14-19).
* Noi gương Đấng Christ: “Vậy anh em trở nên kẻ bắt chước Đấng Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài; hãy bước đi trong sự yêu thương”(Ê-phê-sô 5: 1, 2 ).
* Điều răn của Chúa Jesus: Ta ban cho các con một điều răn mới, ấy là các con phải yêu nhau, như ta đã yêu thương các con thể nào, thì các con cũng phải yêu thương nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau thì bởi đó mọi người nhận biết các con là môn đệ ta”(Giăng 13: 34, 35).
* Chi thể trong Đấng Christ:”Vả, như trong một thân chúng ta có nhiều chi thể không làm một việc giống nhau, thì cũng vậy chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau”(Rô-ma 12: 4, 5).
* Mạng lệnh của Chúa Jesus: Chúng ta phải làm trọn luật pháp,” Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình thì đã làm tròn luật pháp”(Rô-ma 13:8).
Đó là những yêu cầu được xem như là một sự ràng buộc đối với con dân Chúa nói chung, và người hầu việc Chúa nói riêng. Tuy nhiên, ý nghĩa của sự yêu thương là một việc còn mang tính lý thuyết. Người chăn bầy của Đức Chúa Trời không yêu thương bằng môi miệng, nhưng bằng việc làm cụ thể. Đó là phương cách của sự yêu thương:
“Phải thành thật, gớm sự dữ mà mến sự lành”(Rô-ma 12: 9-14).
“Mềm mại, kính nhường nhau, siêng năng, chớ có làm biếng, có lòng sốt sắng, phải hầu việc Chúa”(Rô-ma 12: 10, 11).
“Hãy cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ; hãy ân cần tiếp khách. Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em, chớ nguyền rủa”(Rô-ma 12:13, 14).
” Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau, đừng ước ao sự cao sang; ưa thích sự khiêm nhường. Chớ cho mình là khôn ngoan”(Rô-ma: 12:16).
Yêu thương phải đi với sự tha thứ:
“Tình yêu thương không hề hư mất bao giờ”(1Cô-rinh-tô 13:8a).
“Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không ngươi không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi”(Ma-thi-ơ 6: 14,15).
Nếu không có sự tha thứ, thì khó có thể yêu thương một anh chị em nào đó; bởi lẽ mỗi cá thể của con người chúng ta thường không ai giống ai. Cho nên khi chung đụng với nhau trong giao tiếp, thường xảy ra những sự va chạm; đôi khi làm tổn thương nhau bởi sự khác biệt trong ngôn ngữ, cách suy nghĩ, và nhất là lời nói. Nếu không có sự thông cảm và tha thứ, thì sẽ xảy ra những mối bất hòa làm gãy đổ những mối quan hệ. Do đó, tình yêu thương nguội dần và tắt mất giống như ngọn lửa tàn.
Tha thứ đòi hỏi một tấm lòng độ lượng và đã được biến đổi bởi tình yêu của Chúa Jesus. Nếu chỉ dùng lý trí, sức mạnh của con người phàm tục, thì không ai có thể tha thứ được một khi bị xúc phạm hoặc tổn thương nặng nề. Hãy học câu chuyện tha thứ của Đức Chúa Trời với sự bội nghịch của dân Y-sơ-ra-ên; khi Ngài giải phóng họ ra khỏi xứ nô lệ, để vào đất hứa Ca-na-an. Ngài dẫn họ ban ngày bằng trụ mây, ban đêm bằng trụ lửa. Ngài cung cấp ma-na, chim cút (Xuất 16: 13, 14), nước uống giữa đồng vắng và sa mạc hoang vu; nhưng họ vẫn luôn phản nghịch lại Đức Chúa Trời, quên đi những ân huệ của Ngài, mà đi thờ lạy con bò vàng. Họ luôn nói những lời phàn nàn, phản nghịch. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời nhớ lại giao ước của Ngài cùng với Áp-ra-ham, Y-sác, Y-sơ-ra-ên, nên Đức Chúa Trời tha thứ và bỏ qua tai họa. Dân Y-sơ-ra-ên đã phạm tội không biết bao nhiêu lần (Phục truyền 9: 24); nhưng Đức Chúa Trời vẫn cứ yêu thương (Xuất Ê-díp-tô-ký 32: 7-14).
Tóm tắt bài học này, chúng ta có thể đúc kết một cách cô đọng về hai phẩm tính quan trọng mà Chúa Jesus đã dạy cho con dân Chúa nói chung. Đối với người chăn bầy thì vô cùng cần thiết, đó là: Yêu Chúa và yêu người lân cận. Người lân cận là ông bà, cha mẹ, anh chị em trong cùng gia đình, Hội Thánh và những người mà chúng ta thường gặp mỗi ngày. Ngoài ra, người chăn bầy còn phải noi gương Chúa Jesus, tha thứ và yêu thương luôn kẻ thù nghịch của mình nữa. (bài cầu nguyện chung). Sự yêu thương trong Chúa khác hẳn với tình yêu của thế gian. Tôi yêu thương bạn không phải chỉ vì bạn yêu thương tôi, bạn có cảm tình với tôi. Đó là tìmh yêu theo thói thường của người đời, yêu thương có điều kiện. Tình yêu trong Chúa cao cả hơn, trổi hơn bởi vì đó là tình yêu phát xuất từ Chúa Jesus. Tình yêu không kèm theo điều kiện. Cơ Đốc nhân chúng ta có thể yêu được người ghét mình, không xứng đáng nhận được sự yêu thương; thậm chí chúng ta phải yêu luôn kẻ thù ghét chúng ta nữa; vì đó là mệnh lệnh của Chúa Jesus. Đã là mệnh lệnh, thì tất nhiên chúng ta phải vâng lời.
“Song ta nói cùng các ngươi: hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác. Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu. Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? Lại nếu anh em tiếp đãi anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn. Người ngoại há chẳng làm như vậy sao? Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn”(Ma-thi-ơ 5: 44-48).
Cầu nguyện: Nguyện xin mắt của Chúa luôn đoái xem chúng con, cho chúng con được mặc lấy chiếc áo công bình, và tấm lòng nhân ái đối với mọi người. Cầu xin Chúa giục giã mỗi lòng của chúng con sốt sắng trong sự yêu thương và tha thứ dồi dào. Nguyện xin Thánh Linh Chúa ban cho chúng con thêm sức lực để chúng ta có thể yêu được kẻ ghét mình, và chúc phước cho kẻ bắt bớ, mắng nhiếc, hãm hại chúng con. Nguyện xin Chúa ban cho chúng con tình yêu của Ngài để có được tấm lòng nhân từ thật sự, khiêm nhường đến điều; nhìn xem Chúa là cội rễ và cuối cùng của đức tin, amen!
Thân ái kính chào quý vị, quý bạn hữu, và các bạn sinh viên Trường Kinh thánh với lời chào đắc thắng trong tình yêu của Cứu Chúa Jesus.
Mục sư Văn Lê
——————————————————-
Nghiệm và Sống là tổng hợp của hai trang Dưỡng Linh và Nghiệm và Sống trước đây.
Đọc lại bài vở cũ:
Dưỡng Linh 1 – 2010-2018
Dưỡng Linh 2 – 2018-2022
Nghiệm và Sống – 2008-2022