Vườn Ê đen mới
NGƯỜI NÀO NGHE VÀ VÂNG GIỮ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI SẼ ĐƯỢC PHƯỚC – Tiến sĩ Christian Le
Bạn đã ra đời trần truồng.
Bạn sẽ ra đi trần truồng.
Bạn đã ra đời với hai bàn tay trắng, không của cải, tài sản hoặc tiền bạc.
Bạn cũng sẽ ra đi với hai bàn tay trắng, không của cải, tài sản hoặc tiền bạc.
Lần tắm đầu tiên của bạn?
Ai đó đã tắm cho bạn.
Lần tắm cuối cùng của bạn?
Ai đó sẽ tắm cho bạn.
Đây là cuộc đời.
Vậy mà….
Tại sao lại có nhiều ác tâm như vậy?
Tại sao lại có nhiều ác ý như vậy?
Tại sao lại có nhiều hiểm độc như vậy?
Tại sao lại có nhiều đố kỵ như vậy?
Tại sao lại có nhiều tranh chấp như vậy?
Tại sao lại có nhiều ganh ghét như vậy?
Tại sao lại có nhiều đắng cay như vậy?
Tại sao lại có nhiều hận thù như vậy?
Tại sao lại có nhiều oán giận như vậy?
Tại sao lại có nhiều cắn xé như vậy?
Tại sao lại có nhiều ăn nuốt như vậy?
Tại sao lại có nhiều ích kỷ như vậy?
Tại sao lại không đối xử tốt với nhau?
Tại sao lại không làm những điều đúng đắn?
Tại sao lại không yêu thương nhau và tha thứ nhau như lời Chúa dạy bảo?
Trong những năm gần đây khi đọc qua những thông tin về Hội Thánh Chúa ở Việt Nam, Mỹ và Úc thì lòng tôi cảm thấy đau buồn xót xa vì những việc xấu xa như tham nhủng, nói dối, lừa gạt, sân si, tà dâm, kiêu ngạo, đảng phái, tranh chấp, gánh ghét, đắng cay, hận thù, oán giận, và xúc phạm nhau—xúc phạm tính cách của nhau, ám sát nhân cách của nhau, đã xảy ra làm buồn Đức Thánh Linh, làm rạn nứt—tan nát Hội Thánh Chúa, làm cho người đời nhạo báng và cười chê, và ma quỷ vỗ tay vui sướng khi hắn thấy Hội thánh Chúa chia rẽ, cắn xé, ăn nuốt nhau. Khi những điều xấu xa này xảy ra, dường như ít người dám thách thức những người Pharisi hiện đại, tự cho mình là công chính và linh tôn giáo của họ. Không ai dám chất vấn truyền thống của họ vì sợ bị cô lập—khai trừ, một bản án tử hình xã hội. Họ để cho ma quỷ tấn công Hội Thánh tơi bời, cướp lấy niềm vui của sự cứu rỗi. Thật ra, ma quỷ không chỉ muốn cướp đi niềm vui của sự cứu rỗi, nó còn muốn giết và hủy diệt những người phục vụ Chúa—Đấng Christ là những người mang hình ảnh Đức Chúa Trời. Thật vậy, như Lời Chúa Cứu Thế Giê-su phán, “Kẻ trộm [tức là ma quỷ] chỉ đến để cướp, giết và hủy diệt; còn Ta đến để chiên được sống và sống dư dật—sung mãn” (Giăng 10:10).
Khi những sự việc bất chính, xấu xa xảy ra như vậy, thì tôi cảm thấy không còn khâm phục và kính trọng những mục sư truyền đạo vô đạo đức mà mình từng khâm phục, kính trọng và không muốn phí thời gian nghe những bài giảng giả hình của họ trên youtube vì họ đã đánh mất tính cách, nhân cách, sự liêm chính hoặc chính trực vì họ không còn là người đầy tớ chân chính của Chúa nữa. Sứ đồ Phaolô nói với các đầy tớ Chúa xưa kia, “Vậy ai tưởng mình đứng, hãy cẩn trọng kẻo ngã” (1Cô 10:12).
Vì thế ông Thủ tướng Ấn độ Mahatma Gandhi nói rất đúng:
“Tôi thích Chúa Giê-su Christ của các anh chị, tôi không thích Cơ Đốc nhân của anh chị. Cơ Đốc nhân của các anh chị không giống Chúa Giê-su của anh chị chút nào.”
Tôi hoàn toàn đồng ý với câu nói của ông Gandhi. Thậm chí còn đáng thất vọng khi nghĩ rằng những người theo Thầy Rabi Giê-su lại không theo lời dạy của Thầy Rabi Giê-su.
Lý do họ làm những việc xấu xa là vì lòng kiêu ngạo, thiếu sự kính sợ Chúa và họ bước đi trong xác thịt thay vì bước theo Thánh Linh. Sứ đồ Phaolô nói với con cái Chúa ngày xưa, “trái của Thánh Linh là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ; không có luật nào cấm những điều như vậy. Những ai thuộc về Đức Chúa Giê-su Christ đã đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng và ham muốn của nó vào thập tự giá. Nếu chúng ta sống theo Thánh Linh, thì chúng ta cũng hãy bước theo Thánh Linh. Chúng ta đừng nên kiêu ngạo, khiêu khích nhau, và ghen tị nhau” (Ga 5:22-25).
Cùng một điều như sống theo Thánh Linh hoặc giữ “bước theo Thánh Linh” là bước đi trong Thánh Linh hay được Thánh Linh của Đức Chúa Trời kiểm soát bằng cách không đầu hàng thân thể mình cho “xác thịt cùng với các dục vọng và ham muốn của nó.” Phaolô tiết lộ bằng chứng của một tín đồ là lòng trung tín, mềm mại, tiết độ và những trái khác như vậy và rằng “những ai thuộc về Đức Chúa Giê-su Christ đã đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng và ham muốn của nó vào thập tự giá.” Nếu họ chưa làm như vậy thì họ sẽ không đóng đinh xác thịt mà đang bước đi trong xác thịt. Khi bước đi “theo Thánh Linh,” chúng ta sẽ không “thỏa mãn những ham muốn của xác thịt” (Ga 5:16). Khi chúng ta không bước đi theo Thánh Linh của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thỏa mãn những ham muốn của xác thịt, vì vậy đó là sự khác biệt giữa bước đi theo Thánh Linh và bước đi theo xác thịt.
Những thành quả hoặc việc làm mà chúng ta tạo ra là bằng chứng cho thấy chúng ta đang bước đi theo Thánh Linh hay bước đi theo xác thịt. Đó là cách chúng ta có thể biết rằng chúng ta đang bước đi theo Thánh Linh hay không. Đó là lý do tại sao Phaolô viết “Vì dầu chúng ta bước đi theo xác thịt, nhưng không chiến đấu theo xác thịt” (2 Cô 10:3) vì “cuộc chiến của chúng ta không phải là cuộc chiến của xác thịt nhưng có quyền năng của Đức Chúa Trời để phá hủy các đồn lũy” (2 Cô 10:4). Hậu quả của việc bước đi theo xác thịt Phaolô rất quan tâm đến tất cả các hội thánh rằng họ không bước đi theo xác thịt vì hậu quả rất nghiêm trọng và bao gồm cả tiền công của việc bước đi này, đó là sự chết (Rô 6:23).
Sứ đồ Phaolô tiếp tục trong Rôma 8:4b-8 bằng cách nói trong Chúa Giê-su “Ngài đã lên án tội lỗi trong xác thịt” (Rô 8:3c) vì vậy chúng ta “không bước đi theo xác thịt nhưng theo Thánh Linh. Vì những ai sống theo xác thịt thì hướng tâm trí mình vào những điều của xác thịt, nhưng những ai sống theo Thánh Linh thì hướng tâm trí mình vào những điều của Thánh Linh. Vì hướng tâm trí vào xác thịt là sự chết, nhưng hướng tâm trí vào Thánh Linh là sự sống và bình an. Vì tâm trí hướng vào xác thịt là thù nghịch với Đức Chúa Trời, vì nó không phục dưới luật pháp của Đức Chúa Trời; thực ra, nó không thể phục được. Những ai sống theo xác thịt không thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.”
Khi chúng ta bước theo xác thịt thì chúng ta cắn xé nhau. Dó đó sứ đồ Phaolô mạnh mẽ khẳng định rằng, “Nhưng nếu anh chị em cứ cắn xé và ăn nuốt lẫn nhau, hãy coi chừng, kẻo anh chị em sẽ tiêu diệt nhau” (Ga 5:15). Thật vậy, “Nếu anh em chị em trong Hội Thánh Chúa mà cứ cắn xé—ăn nuốt nhau, thì hãy coi chừng, nếu không anh chị em sẽ tiêu diệt lẫn nhau. Vì vậy, tôi nói, hãy bước đi theo Thánh Linh, và anh em sẽ không thỏa mãn những ham muốn của xác thịt. Vì xác thịt ham muốn những điều trái ngược với Thánh Linh, và Thánh Linh ham muốn những điều trái ngược với xác thịt” (Ga 5:15-25).
Vì thế Lời Chúa dạy bảo, “Hãy yêu thương và tha thứ cho nhau.” Vì sự tha thứ là hình thức tốt nhất của tình yêu. Cần một người mạnh mẽ để nói lời xin lỗi và một người thậm chí còn mạnh mẽ hơn để tha thứ với sức lực và quyền năng của Chúa.
Mới đây tôi đọc được một vần thơ thật ý nghĩa về lòng con người:
Kẻ tham lam không bao giờ là thấy đủ.
Kẻ cay nghiệt không bao giờ biết tha thứ.
Kẻ hung bạo không bao giờ biết hối hận.
Kẻ tàn ác không bao giờ biết nhỏ lệ xót thương.
Kẻ ngu si không bao giờ biết mình sai trái.
Chỉ có kẻ thiện lương mới biết cảm thông với người khác.
Chỉ có người trí tuệ mới thấy mình lỗi lầm.
Có người đi nhà thờ cả đời, nghe biết bao bài giảng, học biết bao bài học Kinh thánh, dạy biết bao bài giảng và bài học Kinh thánh mà cuộc đời không hề được thay đổi hoặc biến đổi từ trong ra ngoài? Điều gì đã cản trở họ? Có phải là lòng cao ngạo, chai đá, tự cho mình là công chính hay điều gì khác đang dấu kín trong lòng?
Có người thì lòng mình rất bướng bỉnh—cố chấp. Lời Chúa phán, “Kẻ ngu ngốc bướng bỉnh hay cố chấp cho rằng đường lối của mình là đúng, nhưng người biết lắng nghe lời khuyên là người khôn ngoan” (Châm ngôn 12:15). Bất cứ ai bướng bỉnh hay cố chấp sau khi được sửa sai nhiều lần sẽ đột nhiên bị tổn thương vô phương cứu chữa (Châm ngôn 29:1).
Khi chúng ta bướng bỉnh về mặt tâm linh, cứng lòng và cứng cổ theo nghĩa tiêu cực, thì đó là vì một hoặc nhiều điều sau đây đang ở trong cuộc sống của chúng ta: Lòng không tin (2 Các Vua 17:14). Nhưng dân I-sơ-ra-en không chịu nghe. Họ bướng bỉnh như tổ tiên của họ, những người đã từ chối tin nơi Chúa, Đức Chúa Trời của họ. Kiêu ngạo: Nêhêmi 9:16 “Nhưng họ, tổ tiên của chúng con, đã ngang ngược và cứng cổ; họ đã không vâng theo các điều răn của Ngài.”
Có người thì yêu mến tội lỗi hơn yêu mến Chúa, Lời và Chân lý của Ngài. Việc họ làm giống như câu châm ngôn này: “Chó liếm lại đồ nó đã mửa” và “heo đã tắm sạch lại lăn lóc trong vũng bùn” (2Phi 2:22). Lời Chúa nhắc nhở chúng ta, “Hãy giữ chính mình trong tình yêu của Đức Chúa Trời, và trông đợi ơn thương xót của Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta, để hưởng sự sống đời đời” (Giuđe 1:21).
Chúa Giê-su cảnh báo những người gọi Ngài là Chúa, “Không phải hễ ai nói với Ta, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa,’ thì sẽ được vào vương quốc thiên đàng đâu, nhưng chỉ người nào làm theo ý muốn của Cha Ta trên trời mà thôi. Ngày đó sẽ có nhiều người nói với Ta rằng, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi há chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, hoặc nhân danh Chúa mà đuổi quỷ, hoặc nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?’ Bấy giờ Ta sẽ đáp với chúng, ‘Ta không hề biết các ngươi; hỡi bọn làm việc gian tà, hãy đi ngay cho khuất mắt Ta'” (Mat 7:21-23).
Chúa không muốn con cái Ngài sống hai mặt—giả hình, giả tạo, giả dối, giả bộ, giả vờ. Chúa muốn con cái Ngài sống với lòng thẳng thắn, trung thực, và chân thật vì vinh quang Chúa trong cuộc đời chúng ta. Chúa muốn chúng ta sống với lòng trắc ẩn và thương xót, làm theo lời Chúa dạy, làm theo ý muốn của Cha chúng ta trên trời. Chúa muốn con cái Ngài đối xử với nhau với lòng yêu thương, nhân từ, mềm mại, và dịu hiền.
Đừng để trái tim mềm mại của bạn trở nên chai đá và cứng cỏi. Đừng để thế giới tội ác làm chai đá trái tim bạn. Đừng để nỗi đau hay tổn thương làm bạn ghét. Đừng để sự cay đắng cướp đi sự ngọt ngào và niềm vui của bạn. Đừng bao giờ để những bài học khắc nghiệt làm chai đá trái tim bạn. Những bài học khắc nghiệt của cuộc sống có nghĩa là làm cho bạn tốt hơn, không phải cay đắng và hận thù.
Thời gian của bạn trên đất này thật giới hạn, không còn bao lâu nữa, rồi bạn cũng sẽ nhắm mắt tắt hơi, ra đi vĩnh viễn. Cuộc đời của bạn là gì? Chẳng qua chỉ là hơi nước, hiện ra một lát, rồi lại tan ngay (Giacơ 4:14), rồi bạn phải đối diện với Chúa, khai trình những việc mình làm như thế nào cùng Ngài?
Đừng lãng phí cuộc đời mình vào những thứ vô ích. Hãy nhớ lời Chúa phán: “Hôm nay, khi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng như dân I-sơ-ra-en đã làm khi họ nổi loạn,” ba lần, trong Hêbơrơ 3:7–8, 15 và 4:7. Những câu trích dẫn này từ Thi thiên 95 có ý khuyên giục mọi người tiếp nhận Đấng Christ và không có “trái tim tội lỗi, vô tín, lìa xa Đức Chúa Trời hằng sống” (Hê 3:12). Dân I-sơ-ra-en đã từ chối “sự nghỉ ngơi” của họ trong Đất Hứa, nhưng ngày nay Chúa Giê-su là “sự nghỉ ngơi ngày Sabát cho dân sự Đức Chúa Trời” (Hê 4:9). Đừng cứng lòng chống lại Ngài.
Điều đó có nghĩa gì nếu hôm nay bạn nghe tiếng Chúa, đừng cứng lòng? Sau đây là hai mệnh lệnh: thứ nhất, hãy nhận ra và đáp lại tiếng gọi của Chúa, và sau đó, đừng để lòng mình chai đá.
Sứ điệp của Thi Thiên Đáp Ca, “Nếu hôm nay bạn nghe tiếng Chúa, đừng cứng lòng” cho thấy Chúa nói với chúng ta nhiều hơn chúng ta nghĩ hoặc thực hiện. Chúa muốn giao tiếp trực tiếp và thường xuyên với chúng ta. Nhưng chúng ta có thể “làm cứng lòng” vì sợ hãi, hoài nghi hoặc quá bận tâm đến các vấn đề của cuộc sống. Cũng có nhiều người nghe tin mừng về vương quốc của Chúa ngày nay nhưng thay vì tiếp nhận nó với sự vui mừng và tấm lòng rộng mở, họ lại cứng lòng, có thể nói như vậy, và từ chối những gì họ đang nghe.
Kinh Thánh có ý gì khi nói đến sự chai đá trong lòng? Lòng người tượng trưng cho phản ứng toàn diện của một người đối với cuộc sống xung quanh mình và đối với những đòi hỏi về tôn giáo và đạo đức của Chúa. Sự chai đá trong lòng do đó mô tả một tình trạng tiêu cực mà trong đó người đó phớt lờ, khinh thường hoặc từ chối lời đề nghị ân sủng của Chúa để trở thành một phần trong cuộc sống của mình.
Tác giả Thi Thiên cảnh báo, “Nếu các ngươi muốn nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng,” và tác giả sách Hêbơrơ cũng nhắc lại lời cảnh báo đó. Lời của Đức Chúa Trời đòi hỏi một sự đáp lại, và thật đáng buồn, một số người đáp lại bằng cách cứng lòng. Một số người cứng lòng vĩnh viễn, nhưng ngay cả những người tin Chúa cũng có thể cứng lòng trong một khoảng thời gian. Khi mọi người phớt lờ Đức Chúa Trời là ai và những gì Ngài đã làm, giống như dân I-sơ-ra-en đã làm trong đồng vắng, thì lòng họ sẽ cứng cỏi.
Khi mọi người bám víu vào tội lỗi, thì lòng họ sẽ cứng cỏi. Khi mọi người để hoàn cảnh làm lu mờ suy nghĩ của họ và để cảm xúc chi phối hành động của họ, thì lòng họ sẽ cứng cỏi. Chính Lời của Đức Chúa Trời giữ cho lòng chúng ta mềm mại và trong sạch: “Vì lời Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc bén hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến nỗi phân rẽ hồn với linh, khớp với tủy; xét đoán tư tưởng và ý định của lòng” (Hê 4:12). Chúng ta phải quay lại với Đức Chúa Trời để lắng nghe tiếng phán của Ngài.
Hôm nay nếu các ngươi muốn nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng. Đôi khi, các nhà truyền đạo sử dụng những câu Kinh Thánh này sau khi trình bày phúc âm. Sự sống chỉ là hơi nước, hiện ra chốc lát rồi biết mất vì vậy nếu bạn nghe sứ điệp phúc âm hôm nay, bạn cần phải chấp nhận Đấng Christ ngay hôm nay. Vì hôm nay là ngày cứu rỗi lớn, và có thể bạn sẽ không có ngày mai sau khi bạn ra đi, nhắm mắt tắt hơi. Vì thế, đừng cứng lòng như trong cuộc nổi loạn. Chúng ta không được đảm bảo vào ngày mai. Việc cứng lòng vĩnh viễn chống lại Đức Chúa Trời và từ chối sứ điệp phúc âm về sự cứu rỗi là phải chịu hậu quả đời đời: “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rôma 6:23).
Ngày xưa Chúa có cảnh báo con người: “Thần Ta sẽ chẳng ở mãi với loài người” (Sáng thế 6:3). Chúng ta biết từ Kinh Thánh rằng Đức Chúa Trời vô cùng kiên nhẫn với nhân loại (Xuất hành 34:6; Dân Số Ký 14:18; Thi Thiên 78:38; Êsai 48:9; Công Vụ 13:18; Rôma 2:4). Một trăm hai mươi năm là một thời gian dài để trì hoãn sự phán xét. Sứ đồ Phierơ đã tạo ra mối liên hệ này khi viết về trận hồng thủy: “Họ cố tình quên rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên các tầng trời từ lâu bởi lời truyền lệnh của Ngài, Ngài đã khiến đất ra khỏi nước và bao quanh nó bằng nước. Sau đó, Ngài đã dùng nước để hủy diệt thế giới cổ xưa bằng một trận hồng thủy dữ dội. Và bởi cùng một lời, trời và đất hiện tại đã được tích trữ cho lửa. Chúng đang được giữ lại cho ngày phán xét, khi những kẻ vô đạo sẽ bị hủy diệt” (2 Phi 3:5-7).
Ngay lập tức, Phierơ nhấn mạnh đến sự kiên nhẫn lớn lao của Đức Chúa Trời trong việc trì hoãn sự phán xét: “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9).
Khi Thánh Linh Chúa không còn ở với loài người nữa thì loài người không còn hi vọng để được cứu rỗi. Do đó loài người cần phải nắm lấy cơ hội khi Tin mừng của Đấng Christ được rao giảng và hãy lắng nghe tiếng phán của Chúa và đặt niềm tin vào công việc cứu rỗi đã hoàn tất của Đấng Christ trên thập tự giá để được tha tội, cứu rỗi, và có sự sống đời đời (Giăng 3:16).
Câu hỏi, “Làm sao để khắc phục hoặc đánh bại một tấm lòng chai đá?” “Làm sao một người có lòng chai đá thoát khỏi tình trạng này?” Họ thoát khỏi nó theo cùng cách mà họ đã mắc phải nó—một tấm lòng tan vỡ. Cũng như tấm lòng tan vỡ chưa được chữa lành đã trở nên chai đá, thì tấm lòng chai đã cũng phải trở nên tan vỡ một lần nữa để được chữa lành. Thật vậy, “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời là một tâm linh tan vỡ; Đức Chúa Trời ôi, một tấm lòng tan vỡ và thống hối Ngài sẽ chẳng khinh thường” (Thi Thiên 51:17).
Lạy Chúa, xin thương xót con là một tội nhân! Xin Chúa tha tội cho con, lòng kiêu ngạo, bướng bỉnh, chai đá, không ăn năn của con. Xin máu Chúa rửa sạch mọi tội lỗi của con. Xin Chúa ban cho con một tấm lòng mới—tấm lòng nhân hậu, hạ mình khiêm tốn, thanh sạch, trong sáng và thánh hoá—vâng theo Lời Chúa dạy bảo bằng mọi giá.
Lời Chúa phán dạy rất rõ ràng trong Luca 11:28 “Phước cho người nào nghe và vâng giữ Lời Đức Chúa Trời!” Đúng vậy, nhưng những người thật sự được phước là những người nghe và vâng theo lời Đức Chúa Trời!” Thật vậy, “Phước cho những ai nghe và vâng theo lời Đức Chúa Trời.”
Tiến sĩ Christian Le
SỨ ĐIỆP CỦA SỰ SỐNG