Vườn Ê đen mới

NHÂN VẬT NĂM 2024 – Jim & Ryan Denison

Cựu Tổng thống Jimmy Carter đã qua đời vào Chúa Nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024, được một trăm tuổi. Ông đã ra vào bệnh viện nhiều lần trước khi quyết định vào năm ngoái “dành thời gian còn lại ở nhà với gia đình và được chăm sóc tại nhà thay vì để bộ y tế can thiệp.”

Cuộc đời của Carter kết thúc cũng giống như lúc bắt đầu: được bao quanh bởi gia đình và bạn bè trong một thị trấn nhỏ, khiêm tốn của bang Georgia. Tuy nhiên, những gì ông đạt được trong thời gian đó thực sự mang tính lịch sử.

Jimmy (James) Earl Carter Jr. sinh ngày 1 tháng 10 năm 1924 tại Plains, bang Georgia. Cha của ông, Earl Carter, là một nhà nông trồng đậu phộng, phục vụ trong cơ quan lập pháp tiểu bang Georgia trong khi mẹ ông, Lillian, là một y tá (RN). Về sau, bà tình nguyện phục vụ trong Đoàn Hòa Bình ở Ấn Độ.

Jimmy lớn lên ở Plains trước khi tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ với học lực xuất sắc vào năm 1946. Ông kết hôn với Rosalynn Smith, người mà ông đã quen từ nhỏ, ngay sau khi tốt nghiệp. Ông tiếp tục phục vụ với tư cách là sĩ quan Hải quân trên tàu ngầm ở cả hạm đội Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong bảy năm, cấp bực trung úy.

Trong thời gian ở Hải quân, Carter được chọn để đào tạo trong chương trình tàu ngầm hạt nhân, tham gia các lớp học trình độ sau đại học tại Union College về công nghệ lò phản ứng và vật lý hạt nhân. Sau khi hoàn thành khóa học, ông trở thành sĩ quan cao cấp của phi hành đoàn tiền ủy nhiệm của USS Seawolf, tàu ngầm hạt nhân thứ hai của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, sau khi cha mình qua đời, vào năm 1953, Carter rời Hải quân để trở về nhà và quản lý trang trại gia đình. Ông nhanh chóng trở thành trụ cột trong cộng đồng trước khi theo bước chân của cha mình bằng cách ứng cử vào chức vụ công bộc. Ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách là thượng nghị sĩ tiểu bang vào năm 1962 và phục vụ trong vai trò đó cho đến khi thua trong chiến dịch tranh cử thống đốc đầu tiên vào năm 1966.

Trên thực tế, sự mất mát đó đã đóng vai trò quan trọng trong hành trình đức tin của Carter. Theo một bài báo của tờ New York Times năm 1976, Carter: … đã dành những năm tháng hình thành của mình trong một nền văn hóa Báp-tít đặc trưng, một sự pha trộn giữa tôn giáo phục hưng, phong tục dân gian truyền thống và các chuẩn mực thịnh hành. Nhưng mãi đến sau thất bại trong lần đầu tiên cố gắng trở thành Thống đốc vào năm 1966, ông mới có được điều mà những người theo Báp-tít gọi là “trải nghiệm thuộc linh”. Ông Carter không tiết lộ chi tiết, nhưng cho biết ông đã thoát khỏi điều đó với “sự bình yên nội tâm, niềm tin và sự bảo đảm bên trong đã biến đổi cuộc sống của tôi theo hướng tốt đẹp hơn.”

Đức tin của ông đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống chính trị của ông. Ông đã giành chiến thắng trong cuộc chạy đua giành chức thống đốc lần thứ hai, trở thành thống đốc bang Georgia vào năm 1971.

Từ đó, Jimmy Carter vươn lên trở thành chủ tịch chiến dịch của Ủy ban Quốc gia Dân chủ cho chu kỳ bầu cử năm 1974 và tuyên bố rằng ông sẽ tranh cử tổng thống vào tháng 12 năm đó. Ông đã giành được cả đề cử của đảng mình và cuộc bầu cử năm 1976, đánh bại đương kim tổng thống Gerald Ford để trở thành tổng thống thứ ba mươi chín của Hoa Kỳ.

Thời gian làm việc tại Phòng Bầu dục của Carter bị ngăn trở bởi một loạt các vấn đề trong và ngoài nước. Mặc dù mức độ mà ông chịu trách nhiệm cho những vấn đề đó vẫn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng hầu hết mọi người đều đồng ý rằng thời gian làm tổng thống của ông không mấy thành công.

Những chiến thắng mà ông thường đạt được trên trường quốc tế, nơi ông chủ tọa các hiệp ước như kênh đào Panama, Hiệp định Trại David, hiệp ước hạn chế hạt nhân SALT II và việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Cộng. Gần nhà hơn, ông dành phần lớn thời gian để chống lạm phát và ủng hộ luật liên quan đến môi trường, chẳng hạn như Đạo luật Bảo tồn Đất đai vì Lợi ích Quốc gia Alaska.
Tuy nhiên, những thành công của ông không đủ để khắc phục tình trạng thiếu hụt khí đốt, lạm phát, suy thoái kinh tế và các vấn đề quốc tế. Cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô cuối cùng đã đình chỉ việc thực hiện hiệp ước SALT II. Cuộc khủng hoảng con tin ở Iran, trong đó năm mươi hai người Mỹ bị bắt cóc từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tehran, đã ám ảnh Carter trong mười bốn tháng cuối cùng làm tổng thống; các con tin không được thả cho đến ngày ông rời nhiệm sở vào năm 1981.

Cuối cùng, ông đã thua cuộc tái tranh cử vào năm 1980 trước Ronald Reagan. Sau khi rời Tòa Bạch Ốc, gia đình Carter trở về Plains và bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc sống tiếp tục phục vụ, ngoài các chức vụ công bộc.

Năm 1982, Jimmy Carter đảm nhận vị trí Giáo sư danh dự tại Đại học Emory ở Atlanta và thành lập Trung tâm Carter, hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận và phi đảng phái để giải quyết “các vấn đề chính sách công cộng quốc gia và quốc tế.” Thông qua Trung tâm, Carter đã dành phần đời còn lại cho các nỗ lực từ thiện như hỗ trợ Habitat for Humanity—gia đình Carter dành một tuần mỗi năm để xây nhà với tổ chức này cho đến năm 2020—và làm trung gian hòa giải các cuộc xung đột toàn cầu.

Công việc của ông ở những nơi như Bắc Hàn, Bosnia, Sudan và những nơi khác đã mang về cho ông Giải Nobel Hòa bình năm 2002 “cho nhiều thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ của ông nhằm tìm ra các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.”

Tuy nhiên, lý lịch công khai của Carter trong giai đoạn này của cuộc đời ông không hoàn toàn không có tranh cãi. Ví dụ, lập trường của ông về phá thai khiến ông bất đồng quan điểm với cả lưỡng đảng Cộng hòa và Dân chủ. Carter bảo vệ việc phá thai như một luật đã được thiết lập nhưng lập luận rằng Chúa Jesus sẽ không chấp thuận và đã bổ nhiệm một bộ trưởng Công giáo chống phá thai làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Một số người cho rằng việc ông công khai đồng ý cho phá thai đã tạo cớ cho Quốc hội thông qua tu chính án Hyde, cấm sử dụng tiền liên bang để chi trả cho việc phá thai. Tuy nhiên, ông phản đối một tu chính án hiến pháp nhằm lật ngược quyết định của Tòa án Tối cao, vốn đã và vẫn là một bước đi quá xa trong việc ủng hộ phá thai đối với nhiều người trong phong trào ủng hộ sự sống.

Quan điểm của ông về hôn nhân đồng giới đã chứng tỏ là một điểm khác biệt thậm chí còn lớn hơn đối với nhiều người cùng đức tin với ông. Ông tuyên bố, “Tôi nghĩ Chúa Jesus sẽ khuyến khích bất kỳ mối tình nào nếu nó trung thực và chân thành và không gây tổn hại cho bất kỳ ai khác, và tôi không thấy rằng hôn nhân đồng giới gây tổn hại cho bất kỳ ai khác.” Tôi cũng không đồng ý với một số quan điểm của ông liên quan đến Do Thái và người Palestine, một chủ đề mà tôi dự định thảo luận trong bài viết Daily Article sắp tới.

Tuy nhiên, ngay cả những người không đồng tình với cách hiểu của ông về những vấn đề này cũng sẽ khó có thể lập luận rằng ông Carter không phải là một người không học Kinh thánh nghiêm túc và là một người theo Chúa Kitô công khai. Trước khi những cơn bệnh mới nhất của mình, ông đã dạy Trường Chúa Nhật tại hội thánh Daily Article Baptist Maranatha ở Plains từ những năm 1980 và thường xuyên nói về đức tin của mình trong suốt thời gian tại chức và trên trường quốc tế.

Vì vậy, cuộc đời của ông mang đến một lời nhắc nhở quan trọng cho chúng ta ngày nay.
Vài năm trước, tôi đã có vinh dự được gặp riêng ông Carter khi tôi tham gia các cuộc họp về vai trò của đức tin trong nền văn hóa thế tục của chúng ta. Ông rất thông minh, ghi nhớ đáng kinh ngạc các sự kiện và bản chất của các cuộc thảo luận của chúng tôi, và rất đam mê tham gia các vấn đề xã hội vì lợi ích chung.

Tôi chắc chắn không đồng tâm tình với quan điểm của ông về phá thai và hôn nhân đồng giới và lấy làm tiếc về mức độ mà cam kết đức tin công khai của ông có thể đã mang lại uy tín về mặt văn hóa cho những niềm tin mà tôi coi là không có trong Kinh thánh. Đồng thời, tôi biết ơn vì mong muốn không lay chuyển của ông là sử dụng ảnh hưởng toàn cầu của mình để thúc đẩy vương quốc của Chúa.
Ông Carter đã nêu rõ sứ mệnh cuộc đời mình:

“Tôi chỉ có một cuộc đời và một cơ hội để làm cho nó có ý nghĩa. Đức tin của tôi đòi hỏi tôi phải làm bất cứ điều gì có thể, bất cứ nơi nào tôi đến, bất cứ khi nào tôi có thể, miễn là tôi có thể với bất cứ điều gì tôi có để cố gắng tạo ra sự khác biệt.”

Bất kể vai trò công khai của chúng ta trong xã hội thế tục hóa là gì, bạn và tôi đều được kêu gọi trở thành muối và ánh sáng giống như vị tổng thống thứ ba mươi chín của chúng ta (Ma-thi-ơ 5:13–16). Chúa đã gọi bạn đến cả nơi chốn và thời gian mà bạn đang sống ngày hôm nay. Lĩnh vực truyền giáo của bạn bắt đầu từ nơi bạn đang ở và mở rộng ra khắp thế giới (Công vụ 1:8).

Trong các cuộc thảo luận của chúng tôi, Jimmy Carter kiên quyết rằng Cơ đốc giáo là một đức tin thực tế đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng cá nhân với các vấn đề và nhu cầu của thế giới băng hoại của chúng ta. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể thành tâm cầu nguyện, “Nước Cha được đến, ý Cha được nên ở đất như trời.” (Ma-thi-ơ 6:10).

Anh chị em có phải là câu trả lời cho lời cầu nguyện này ngày hôm nay không?
Lược dịch:
Nguyễn Thị Bảo Hạnh

Ngày đăng: 01/05/2025