Vườn Ê đen mới
NIỀM HY VỌNG TRONG CHÚA GIÊ-XU – Dr. Denison
Các nhà lập pháp Hạ viện đã bỏ phiếu bãi nhiệm Kevin McCarthy làm chủ tịch Hạ Viện, lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ có một chủ tịch bị loại. Dân biểu Patrick McHenry (Cộng Hòa – NC) sau đó được bổ nhiệm làm chủ tịch mới tạm thời. Ông đóng cửa phòng họp và đặt mục tiêu bỏ phiếu chọn chủ tịch mới tiếp theo vào thứ Tư ngày 11 vừa qua. Công việc nước nhà đã bị đình trệ.
Điều này xảy ra trong khi phiên tòa xét xử gian lận dân sự của cựu Tổng Thống Donald Trump vẫn tiếp tục ở Manhattan, lần đầu tiên một cựu tổng thống Hoa Kỳ phải đối mặt với những cáo buộc như vậy.
Trong khi đó, một sự kiện khác chưa từng có đang diễn ra ngoài tiêu đề thậm chí còn mang tính căn bản hơn đối với những Cơ Đốc nhân theo Kinh thánh trong một nền văn hóa thế tục hóa.
Sau khi năm vị hồng y bảo thủ thách thức giáo hoàng Francis khẳng định giáo huấn Công giáo hiện hành về đồng tính luyến ái trước một thượng hội đồng lớn sắp tới, ông đã đưa ra một phán quyết mà nhật báo Washington Post đã mô tả theo cách này: “Đức Francis đã viết rằng có những ‘tình huống’ có thể không ‘chấp nhận được về mặt đạo đức’ nhưng nơi linh mục có thể lượng giá, tùy theo từng trường hợp, liệu các phép lành (blessings) có thể được ban hay không- miễn là các phép lành đó được giữ tách biệt khỏi bí tích hôn nhân.”
Tuyên bố của Giáo hoàng mâu thuẫn với tuyên bố năm 2021 của tòa thánh Vatican xác nhận lệnh cấm chúc phúc cho các cặp đồng giới vì “Thiên Chúa không thể ban phước lành cho tội lỗi”. Điều này đã được một người ủng hộ LGBTQ hoan nghênh: “Việc cho phép các tăng sĩ chúc phước cho các cặp đồng giới ngụ ý rằng giáo hội thực sự công nhận rằng tình yêu thánh thiện có thể tồn tại giữa các cặp đồng giới và tình yêu của những cặp đôi này phản ánh tình yêu của Chúa.”
Nói cách khác, miễn là chúng ta tiếp tục dạy giáo lý Kinh thánh rằng hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ, thì chúng ta có thể “chúc phước” cho những cuộc hôn nhân vi phạm giáo lý này, hoặc có vẻ như Giáo hoàng tin như vậy. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội có một giáo hoàng có quan điểm như vậy về tình dục và hôn nhân.
Đây là sự kiện diễn ra ngay sau Hội nghị Unconditional Conference được tổ chức vào cuối tuần trước tại đại thánh đường của Andy Stanley ở ngoại ô Atlanta, một sự kiện đã gây ra nhiều tranh cãi đến mức Mục sư Stanley đã đề cập đến nó trong bài giảng ngày Chúa Nhật. Như Tiến sĩ Ryan Denison đã trình bày, mục sư Stanley đã tuyên bố rõ ràng rằng “hôn nhân theo Kinh thánh là giữa một người nam và một người nữ”. Tuy nhiên, ông lưu ý, nhiều cặp “chọn hôn nhân đồng giới” và giờ đây giáo hội phải quyết định “chúng ta phản ứng như thế nào trước quyết định của họ”.
Quan điểm của mục sư Stanley là ủng hộ hôn nhân theo Kinh thánh đồng thời chào đón những người không làm như vậy vào hội thánh: “Chúng tôi không chỉ đường – chúng tôi chỉ vẽ những vòng tròn lớn. Chúng tôi không dung túng tội lỗi; chúng tôi đang khôi phục các mối quan hệ và chúng tôi đang cứu mạng sống con người theo đúng nghĩa đen.”
Một trong những bài viết trong cuộc đời tôi là lời kêu gọi “hãy tiếp tục chiến đấu cho đức tin, là đức tin không thay đổi đã được ban cho các thánh đồ một lần đầy đủ cả” (Giu-đe 1:3b). Bản nghiên cứu Kinh thánh ESV ghi nhận: “Vào thời điểm Giu-đe viết lá thư của mình, ‘đức tin’ đã được cố định và thiết lập trong sự dạy dỗ của các sứ đồ của hội thánh đầu tiên, và do đó không thể thay đổi được, nhưng nó đang bị tấn công và cần được giúp đỡ.”
Giáo huấn của Sứ đồ này đề cập rõ ràng đến tội lỗi tình dục: “Vì thế theo dục vọng của lòng họ, Đức Chúa Trời đã bỏ mặc họ đắm chìm vào trong sự nhơ nhuốc đến nỗi họ cùng làm nhục thân thể mình với nhau. Họ đổi chân lý Đức Chúa Trời lấy điều giả trá và thờ lạy, phụng sự tạo vật thay vì Đấng Tạo Hóa, là Đấng đáng được chúc tôn đời đời, A-men.”
Do đó, “Đức Chúa Trời đã bỏ mặc họ cho tình dục bỉ ổi, ngay cả đàn bà cũng đổi cách luyến ái tự nhiên ra cách trái tự nhiên, đàn ông cũng vậy, bỏ cách luyến ái tự nhiên với đàn bà mà un đốt cuồng dục lẫn nhau, đàn ông làm điều đồi bại với đàn ông, và chuốc lấy cho mình quả báo xứng với sự sai lạc của họ.” (c. 26–27).
Xem xét lẽ thật rõ ràng như vậy, chúng ta phải “đấu tranh” vì đức tin trong Kinh Thánh ngay cả—và đặc biệt—khi nó không được ưa chuộng. Chúng ta không được làm lu mờ chân lý vì mục đích khoan dung hay thỏa hiệp. Trong khi Andy Stanley muốn “vẽ những vòng tròn lớn”, có một số ranh giới trong Kinh thánh mà chúng ta không được vượt qua: “Và nếu người ta không phân biệt được tiếng kèn thổi thì làm sao chuẩn bị ra trận?” (1 Cô-rinh-tô 14:8).
Điều này không chỉ để “bảo vệ” đức tin của chúng ta (1 Phi-e-rơ 3:15)—mà còn vì lợi ích của những người không đồng ý. Nếu “Đức Chúa Trời là tình yêu” (1 Giăng 4:8), thì những giáo huấn của Ngài là vì lợi ích cho chúng ta, đóng vai trò như những rào cản giúp chúng ta không vượt qua ranh giới dẫn đến sự hủy diệt của chính mình.
Vì vậy, chúng ta không thực sự có lòng bao dung khi “ôm đồm” và dung túng những điều Ngài nghiêm cấm.
Chúng ta hãy đón nhận niềm hy vọng trong Chúa Giê-xu, Đấng có thể tha thứ mọi tội lỗi và biến đổi mọi tâm hồn.
Chúa Giê-xu “yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi,” (Khải Huyền 1:5b). Giờ đây chúng ta có thể “chết đối với tội lỗi và sống cho sự công chính” (1 Phi-e-rơ 2:24b) vì “chúng ta nhờ huyết Ngài được cứu chuộc, được tha thứ các tội phạm,” (Ê-phê-sô 1:7a). Tuy nhiên, giống như bất kỳ món quà nào, sự tha thứ phải được tìm kiếm và đón nhận để trải nghiệm.
Đây là cách ngắn gọn để trình bày quan điểm của tôi hôm nay: Cha chúng ta yêu thương con người thật của chúng ta, nhưng Ngài yêu chúng ta quá đỗi nên không thể bỏ mặc chúng ta ở trong vũng lầy tội lỗi đó.
Tại sao anh chị em cần năng quyền như vậy? Hôm nay anh chị em sẽ chia sẻ nó với ai đây?
Lược dịch:
Nguyễn Thị Bảo Hạnh
——————————————————-
Nghiệm và Sống là tổng hợp của hai trang Dưỡng Linh và Nghiệm và Sống trước đây.
Đọc lại bài vở cũ:
Dưỡng Linh 1 – 2010-2018
Dưỡng Linh 2 – 2018-2022
Nghiệm và Sống – 2008-2022