Vườn Ê đen mới

Từ Khải Huyền đến Công Vụ – RYAN DENISON, PHD

Với các cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine và Israel, tình trạng bất ổn chính trị và vô số lời nhắc nhở rằng chúng ta đang sống trong một thế giới sụp đổ, băng hoại, có thể hiểu được rằng nhiều người đã bắt đầu tự hỏi một cách công khai hơn liệu chúng ta có đang sống trong thời kỳ cuối cùng chăng. Mặc dù những câu hỏi đó đáng được đặt ra, nhưng chúng ta không nên để chúng làm chúng ta xao lãng sự thật rằng Chúa vẫn đang hành động theo những cách thường giống với sách Công vụ hơn là sách Khải Huyền.

Câu chuyện của Sriwichai bắt đầu khi còn là một đứa trẻ, anh bị bệnh và cả pháp sư địa phương lẫn những người chữa bệnh truyền thống đều không thể giúp anh khỏi bệnh. Trong lúc tuyệt vọng, cha anh đã đưa anh đến một ngôi chùa Phật giáo và thề trước tượng Phật rằng nếu con ông khỏi bệnh, ông sẽ dâng con cho chùa. Bệnh Sriwichai bắt đầu thuyên giảm dần và khi lên tám tuổi, anh đến sống tại chùa, sau đó quy-y với tư cách là một sa di.

Tuy nhiên, cuộc sống của một phật tử mới tập sự thật khó khăn đối với một đứa trẻ, và khi anh 19 tuổi, Sriwichai rời chùa và chuyển về nhà sống với cha mình. Ngay sau đó, anh bắt đầu giao du với các phạm nhân, buôn ma túy, và sát nhân; cuối cùng gia nhập một trong những băng nhóm địa phương.

Tuy nhiên, cuộc đời anh đã có một bước ngoặt đầy kịch tính khi ở tuổi 29, anh có cuộc gặp gỡ bất ngờ với một nhóm Cơ đốc nhân địa phương.

Như Sriwichai mô tả, “Tôi đang uống rượu rất nhiều và sử dụng ma túy với một người bạn thì chúng tôi nghe thấy tiếng hát ca. “Bữa tiệc kiểu gì vậy?” tôi hỏi. Bạn tôi trả lời: ‘Đó không phải là một bữa tiệc, đó là những Cơ đốc nhân đang tôn vinh Chúa.’ Vì tò mò nên tôi quyết định xem thử.”

Sriwichai tiếp tục kể về việc anh bước vào cuộc họp trong tình trạng say khướt, say xỉn, và trông giống như một mối đe dọa hơn là một người có lòng cải tà quy chính. Nhưng bất chấp tình trạng của anh, người trưởng nhóm đã chào đón anh vào và chia sẻ phúc âm với anh. Điều khiến anh ấn tượng nhất là ân điển và sự tha thứ (của Chúa Giê-xu) hoàn toàn trái ngược với sự hiểu biết về nghiệp báo, thế giới mà anh đã lớn lên.

Khi anh nhớ lại: “Tôi biết rằng, theo tôn giáo của mình, số phận của tôi là phải đầu thai vào một trong các tầng địa ngục vì những tội lỗi mà tôi đã gây ra. Tôi bắt đầu băn khoăn về ân sủng này và hy vọng vào sự tha thứ này.” Người lãnh đạo tiếp tục cầu nguyện với anh và Sriwichai “bắt đầu khóc” và “cảm thấy rằng nhiều tội lỗi của tôi đã được tha thứ. Tôi đã được thay đổi nhưng không biết phải làm gì tiếp theo.”

Mãi cho đến khi anh gặp một nhóm Cơ-đốc nhân khác ba tháng sau ở Chiang Mai, những hạt giống đức tin được gieo vào đêm đó mới bắt đầu nẩy mầm thành mối quan hệ thực sự với Chúa.

Sriwichai cuối cùng đã trải qua ba tháng học Kinh Thánh trước khi bắt tay vào cuộc sống gieo rắc hạt giống phúc âm giống như những thế hệ tín đồ đầu tiên cách đây hơn hai nghìn năm.

Cho dù đó là việc nhận được những khải tượng từ Chúa, đấng đã hướng dẫn anh đến thành phố nơi anh đang phục vụ, tạo được uy tín với những người chưa biết Chúa bằng cách cầu nguyện và chữa lành cho một pháp sư địa phương, hay phục vụ cộng đồng của mình bằng cách chăm sóc những người tị nạn và trẻ em có nguy cơ bị bọn buôn người  bán, cuộc đời của Sriwichai chứng minh quyền năng liên tục của phúc âm để biến đổi cuộc sống và nền văn hóa ngày nay giống như nó đã xãy ra trong thế kỷ thứ nhất.

Khi thảo luận về chủ đề mùa vọng, chúng ta nói đến niềm hy vọng. Trong một thời đại mà việc tự tử tiếp tục gia tăng như một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và mỗi ngày đều có những lý do mới cho sự tuyệt vọng, thì điều đó nổi bật khi chúng ta hành xử bằng niềm hy vọng thay vì tức giận hay hoảng sợi. Tuy nhiên, để hy vọng có tác dụng, nó phải vượt lên trên sự thiếu hiểu biết ngây thơ về thế giới xung quanh chúng ta.

Những Cơ-đốc nhân đầu tiên không hề ảo tưởng về sự sa đọa và khó khăn mà họ sẽ phải đương đầu khi sống bày tỏ phúc âm trong một nền văn hóa ít quan tâm đến việc tuân theo các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, họ đã không để sự chống đối đó cướp đi niềm hy vọng mà họ tìm thấy nơi Đấng Christ. Và điều tương tự cũng đúng với chúng ta ngày nay.

Vì vậy, vào những ngày mà chúng ta cảm thấy như đang sống trong thời đại Khải Huyền, hãy chọn đón nhận niềm hy vọng trong Công vụ. Sau đó, hãy đối diện mỗi ngày với sự nhận biết rằng bạn có cùng một Đức Thánh Linh sống trong bạn, Đấng đã giúp các tín hữu như Phao-lô, Phi-e-rơ đến Somphon Sriwichai thay đổi thế giới của họ bằng phúc âm.

Hôm nay anh chị em có thể noi gương họ như thế nào?

Lược dịch:
Nguyễn Thị Bảo Hạnh

 

 

——————————————————-

Nghiệm và Sống là tổng hợp của hai trang Dưỡng Linh và Nghiệm và Sống trước đây.
Đọc lại bài vở cũ:
Dưỡng Linh 1 – 2010-2018
Dưỡng Linh 2 – 2018-2022
Nghiệm và Sống – 2008-2022

 

Ngày đăng: 12/15/2023