Vườn Ê đen mới

CÂU CHUYỆN ĐI NHÀ SÁCH – Tuyết Mai

Đọc sách là cái thú đã có trong tôi từ những ngày còn rất nhỏ, những ngày của cấp một, là lớp nhì, lớp nhất ngày ấy tức lớp bốn, lớp năm bây giờ.

Tôi vẫn nhớ cái quán “cho thuê sách” nhỏ bên cạnh trường học, bốn bức tường của cái quán chỉ chừa cái cửa nhỏ xíu cho mấy đứa học trò chui vô lựa sách. Bốn kệ sách to, cao tận mái nhà. Bọn con gái chúng tôi đọc sách theo hạng tuổi, truyện tranh, sau đó lên cấp hai chúng tôi chuyển sang Duyên Anh, Từ Kế Tường, Mường Mán, Nhất Linh, Khái Hưng, Tô Hoài….Đến cấp ba chúng tôi phiêu lưu thưởng ngoạn đến sách dịch, Victor Hugo, Lev Nikolayevich Tolstoy…

Tôi mê Thi Nhân Tiền Chiến, tôi nhớ ngày ấy tôi có cả ba quyển Thượng, Trung, Hạ, và gần như tôi thuộc nhiều thơ cho mãi đến bây giờ. Tuổi thanh niên của tôi trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn. Thanh xuân của tôi không son môi, không bóp xách. Nhưng mỗi khi trong túi có được ít tiền là đạp xe một lèo vào nhà sách, những quyển Kiến Thức Ngày Nay và Hạt Giống Tâm hồn luôn làm tôi sạch túi.

Và thế đó chúng tôi cùng lớn lên theo dòng chảy của văn chương nước nhà và văn chương nổi tiếng thế giới. Tâm hồn chúng tôi được trưởng dưỡng, đồng hành với những tư tưởng đẹp đẽ trong văn học.

Ngày ấy học trò chúng tôi không biết chửi thề, không biết thô bạo, không biết chanh chua hơn thua. Mãi đến bây giờ nhóm bạn học tôi đã tròn tuổi sáu mươi, mỗi đứa một phương trời, đứa Australia, đứa Hoa Kỳ, đứa Sài Gòn, đứa Sóc Trăng, đứa vùng nông thôn sâu xa lắc. Đứa giàu đi xe hơi, có đứa vẫn đạp xe đạp cà tàng. Nhưng chúng tôi vẫn thân nhau, vẫn yêu quý nhau, chúng tôi vẫn có giờ hẹn những buổi tối cuối tuần gặp nhau trên online cả nhóm gọi nhau, nhìn thấy nhau, những khuôn mặt đầy dấu vết thời gian. Chúng tôi nói chuyện đời xưa, đời nay, vẫn cười giòn như thuở học trò.

Điều gì đã giúp chúng tôi giữ được tình bạn đẹp như thế, mặc dù chúng tôi quen nhau đã trải qua năm mươi năm trong đời, chúng tôi đã trải qua bao sóng gió thăng trầm thế cuộc. Tôi tin chắc rằng đó là do chúng tôi yêu văn chương, chúng tôi lớn lên trong nền văn hóa thanh sạch, hấp thụ văn minh của văn học, những kiến thức trong văn học đã lớn song hành cùng tuổi đời chúng tôi và hình thành nên tính cách con người chúng tôi.

Sau nầy, khi hai mươi mốt tuổi tôi tiếp nhận Chúa Jesus, tôi lại say mê kinh Thánh, tôi bắt đầu đọc những sách về lĩnh vực thần học. Và tôi được nuôi dưỡng tâm linh tôi bởi văn hóa Cơ Đốc, Văn hóa có sức mạnh, có năng quyền giúp tôi đắc thắng về đời sống thuộc linh.

Văn hóa và niềm Cơ Đốc giúp người thảm sầu trở nên vui thỏa, giúp người bệnh tật được chữa lành, giúp người sa ngã biết nương cậy Chúa để đứng lên, để trổi dậy, để đắc thắng và làm lại cuộc đời.

Văn hóa Cơ Đốc cũng dạy người và người biết yêu thương nhau một cách chân thành để cùng tìm về một nơi ở vĩnh hằng cho tương lai mình. Giữa cái thế giới xô bồ đầy dẫy tội ác nầy, văn hóa Cơ Đốc gieo những mầm yêu thương, những hy vọng mãnh liệt vào tương lai làm cho con người đủ niềm tin vươn lên, tội nhân ý thức vùng dậy chạy đến với Chúa Jesus, vì Chúa là đường đi lẽ thật và là sự sống.

Trở lại chuyện đi nhà sách của tôi chiều qua, lâu lắm tôi mới đãi mình một hôm, đó là tôi đi nhà sách. Muốn mua quyển sách tặng sinh nhật bố tôi, ông cũng là người mê đọc sách, mê nghiên cứu lịch sử.

Qua mấy nhà sách lớn của thành phố Sóc Trăng, điều làm tôi thật buồn viết lại những dòng nầy đó là quyển sách Bố tôi cần đã không còn. Và nỗi buồn thứ hai là qua mấy nhà sách, qua mấy cái kệ sách to đùng nhan đề “ Sách Tôn Giáo” tôi chỉ thấy toàn sách luật tôn giáo, sách Phật học, sách Thiền… Chỉ duy nhất một quyển sách của Cơ Đốc. Tôi muốn chụp hình “người lữ hành cô đơn“ ấy nhưng lại không mang theo điện thoại, và bây giờ thì lại quên mất tựa rồi (tôi biết bệnh già của tôi là vậy).

Trên suốt khoảng đường về tôi mãi băn khoăn về điều nầy, tại sao chúng ta thiếu sách của biết bao nhiêu bài viết rất-rất hay, hữu ích, những bài mang thông điệp nặng trĩu để gây dựng đời sống đức tin, để gây dựng gia đình, để xây dựng một gia đình hoàn hảo, xây dựng xã hội lành mạnh yêu thương, đánh thức lòng nhân ái, đánh thức lòng chân thực, đánh thức đạo đức….đánh thức nhiều vấn đề mà người Việt Nam chúng ta đang ngủ mê ngủ sâu…

Trong ba năm tổ chức cuộc thi “Viết Cho Niềm Tin”, các vị Mục Sư ở nước ngoài đã vất vả tổ chức và mấy mươi cây bút Việt, hải ngoại cùng nỗ lực. Ba quyển Viết Cho Niềm Tin ra đời , dày cộm về độ dày, nặng trĩu vì bao nhiêu nỗ lực. Nhưng chỉ được phát hành ở Mỹ, còn trong nước nhà mình, trên quê hương chỉ một vài người được vinh dự nâng quyển sách trong tay.

-Tại sao chúng ta không cố gắng thêm chút nữa ?

– Sao chúng ta không chọn những bài có tính nhân văn, gần gũi cuộc sống đời thường, tìm cách xin phép xuất bản trong nước, những tập truyện ngắn, chừng năm, mười truyện, người mua không ngán tiền, người đọc không ngán độ dày. Cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ câu chuyện “Người Thầy, của Bão Biển”, nhẹ nhàng nhưng đánh thức lương tâm, lòng độ lượng của con người. Truyện không thần học cao thâm, không sướt mướt ẻo lả mộng mị liêu trai, đơn sơ nhưng đi sâu vào tim tôi mãi đến bây giờ. Và tôi nghĩ những truyện ngắn thể ấy, người ngoại sẽ đón nhận chúng ta một cách ân cần, trân trọng.

-Tại sao văn hóa Cơ Đốc của chúng ta chỉ ở trên trang mạng Huong Di, Oneway, Sống Đạo online mà lại không đi sâu vào những nhà sách, sao không ngồi trên những kệ sách mỉm cười với thanh thiếu niên, người trí thức, những người chỉ mới tới nhà sách mà chưa đến nhà thờ (như tuổi học trò của tôi). Vì nếu một con người chỉ nuôi mình bằng văn chương của đời nầy thì chưa phải là một người hoàn thiện, chỉ mới mở “ trí ” thôi, khi nào được tiếp cận với văn hóa Chúa Jesus, với Kinh Thánh, thì quyền năng Thánh linh mới khai “Tâm”. Và sau đó mới thật sự là người hoàn chỉnh cả Tâm, Trí!

Tôi xin kính gửi tâm tình nầy của tôi đến những người có từng tham gia vào lĩnh vực của văn hóa Cơ Đốc, Xin Chúa cho các vị có đủ kinh nghiệm, đủ khả năng, Xin Chúa ban ơn cho các vị là thế hệ tiên phong của Việt Nam, đưa văn hóa Cơ Đốc vào từng nhà sách một cách hợp pháp (không sản xuất nội bộ nữa) đưa văn hóa Cơ Đốc vào từng kệ sách gia đình. Thực hiện được điều nầy tôi tin là người Việt Nam chúng ta ở khắp mọi miền đất nước, mọi thành phần trong xã hội sẽ có cơ hội thưởng thức văn hóa niềm tin Cơ Đốc và là cơ hội để nhiều người được Chúa Thánh Linh chạm vào lòng để thức tỉnh, để yêu thương.

Tuyết Mai

Ngày đăng: 11/03/2024