Vườn Ê đen mới
TẤM GƯƠNG CAO ĐẸP CỦA TRINH NỮ MARY – Tiến sĩ Christian Le
Khi Thiên Chúa trong Thân vị của Cứu Chúa Giê-su đến thăm viếng loài người hơn 2000 năm qua, Ngài đã làm chấn động thế giới và nhiều trái tim và cuộc đời đã ăn năn sám hối trở lại thờ phượng, phụng sự và phục vụ Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa tối cao. Thánh Kinh đã nói tiên tri về Chúa Cứu Thế Giê-su, Ngài là Emmanuen (Isai 7:14; Mathiơ 1:23) nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, sinh bởi Trinh nữ Mary. Sự giáng sinh của Chúa Giê-su là một phép lạ diệu kỳ, nhiệm mầu, duy nhất, chưa từng thấy, chưa từng xảy ra trong cả lịch sử nhân loại.
Thiên Chúa đã nhìn thấy một trái tim trong sáng, tinh bạch, thánh khiết, đẹp lòng Chúa của người phụ nữ xinh đẹp này từ bên trong ra. Vì lòng trong trắng, khiêm tốn, yêu mến, và kính sợ Chúa của Mary mà Thiên Chúa đã chọn cô làm người mẹ nhân hậu, hiền lành để rồi Con Thánh được sinh ra đời và sẽ được gọi là Con Đức Chúa Trời. Con Đức Chúa Trời là không ai khác mà là chính Chúa Giê-su Christ đã vào đời và Ngài vào đời với mục đích để tìm và cứu con người lạc mất. Như Chúa đã từng nói về Ngài khi còn trên đất, “Con Người đã đến, tìm, và cứu người lạc mất” (Luca 19:10 Bản dịch khác dùng từ ‘hư mất’ hoặc ‘chết mất’).
Khi thiên sứ Gáp-ri-en đến gặp Mary và nói, “Hỡi người được ơn, chúc mừng cô, Chúa ở với cô.” Khi nghe như thế Mary bối rối và tự hỏi lời chào ấy có nghĩa gì. Thiên sứ nói với cô, “Hỡi Mary, đừng sợ, vì cô đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, cô sẽ có thai, sinh một Con trai, và cô sẽ đặt tên Con trai ấy là Giê-su. Con trai ấy sẽ thành một vĩ nhân và sẽ được gọi là Con của Đấng Tối Cao” (Luca 1:28-32).
Nếu bạn là người phụ nữ được Thiên Chúa chọn làm mẹ của Chúa Cứu Thế về phần xác thì bạn cảm thấy như thế nào trong tâm hồn mình? Đối với Mary, đây là một vinh dự cao cả, một đặc ân cao trọng, một ơn phước vượt trên sự tưởng tượng và hiểu biết của con người. Điều nầy cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa thực thi ý chỉ thánh của Ngài bằng quyền phép siêu nhiên và ân sủng huyền nhiệm và lạ lùng của Ngài. Thiên Chúa muốn cho chúng ta biết rằng Ngài tôn quý vai trò người mẹ, vai trò làm mẹ và các phụ nữ có niềm tin lớn và kính yêu Chúa như Mary.
Tôi được sinh ra một trong gia đình ngoại đạo nhưng tin có “Trời” ngự trên cao. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ tôi nghe chị tôi nói với tôi, “Ông Trời Có Mắt” đó em,” nhưng tôi không hiểu ý nghĩa của câu nói của chị tôi. Khi đến tuổi trưởng thành, tôi mới hiểu ý nghĩa của câu nói đó. “Ông Trời Có Mắt” có nghĩa là Ông Trời hoặc Ông Thiên bao giờ cũng sáng suốt, công bằng (cho nên ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp dữ), theo tín ngưỡng dân gian. “Ông Trời Có Mắt” cũng có nghĩa là Ông Trời nhìn thấy mọi sự – mọi lòng dạ con người, kể cả điều thiện và điều ác con người làm. Lời Chúa cũng nói đến “Ông Trời Có Mắt,” tức “Mắt Chúa” rảo nhìn, soi xét khắp quả đất để giúp sức cho người nào trọn lòng đối với Ngài (2Sử 16:9). Ông Trời là không ai khác mà là chính Đấng Tạo Hoá của muôn vật muôn loài. Và không vật thọ tạo nào có thể che giấu được Đấng Tạo Hóa, nhưng tất cả đều trần trụi và bị phơi bày trước mắt Ngài là Đấng chúng ta phải khai trình (Hêb 4:13).
Tôi muốn kể cho độc giả nghe một câu chuyện ngắn về cuộc đời tôi. Cha mẹ tôi quan tâm đến việc học hành của anh em tôi và muốn gửi chúng tôi đến một trường Công giáo Saint Joseph để học, vì cha mẹ nghĩ rằng trường này rất tốt. Trường này được sáng lập bởi các Giáo sĩ Linh Mục người Pháp và những thầy cô phần đông là các Soeur nói tiếng Pháp và tiếng Việt rất trôi chảy. Trường này cũng dạy luân thường đạo lý hoặc đạo làm người rất hữu ích cho các học sinh Việt nam sinh ra ở xứ người. Khi còn ở tuổi tiểu học các Soeur rất yêu thương tôi các bạn của tôi và dạy chúng tôi phải yêu mến Thiên Chúa, cho nên một buổi sáng khi đến trường các Soeur khích lệ các bạn và tôi đứng dậy đọc kinh trước khi học.
Có hai Soeur mà tôi rất quý mến. Ấy là Soeur Pière và Soeur Victor. Hai Soeur này đã gieo những hạt giống tâm hồn và hạt giống Tin Mừng về Cứu Chúa Giê-su và ơn cứu độ của Ngài vào lòng tôi và tôi không bao giờ quên được và những hạt giống ấy đã trổ hoa nẩy nở trong tâm hồn tôi cho đến ngày nay, cho đến khi tôi trưởng thành nhận biết Ngài, kinh nghiệm Chúa Cứu Thế Giê-su cách cá nhân và mời Ngài vào cuộc đời để làm Chúa và Chủ của đời tôi.
Mỗi lần nghĩ đến các Soeur thì tôi lại nhớ đến những sự dạy dổ và việc làm cao đẹp và lòng nhân ái của các Soeur dành cho những học sinh và gia đình ngoại đạo như gia đình tôi. Mười ba năm qua, khi tôi về Lào thăm gia đình và anh chị em tôi, tôi nhờ một người bạn chở tôi đến thăm trường cũ Saint Joseph dấu yêu của tôi và khi hỏi về thầy của mình thì có người cho biết Soeur Victor đã qua đời lâu rồi, còn Soeur Pière thì còn sống nhưng bị mù vì Soeur cũng hơn 70 tuổi rồi. Hiện Soeur Pière đang ở miền trung của nước Lào và được giáo hội và Kitô hữu khác chăm sóc.
Khi còn trẻ tôi không có sự hiểu biết nhiều gì về Chúa Giê-su và Mary vì tôi là người ngoại đạo và tôi cũng không có một cuốn Thánh Kinh nào để đọc. Cho đến một ngày nọ khi còn là một thanh niên đang sống cô đơn, bơ vơ, lạc lõng ở trại tị nạn tại Thailand, tôi học biết thêm về Chúa Cứu Thế Giê-su và Mary và có hai nhà truyền giáo người Canađa và Mỹ đã tặng cho tôi một cuốn Thánh Kinh bằng tiếng Anh rất dể hiểu gọi là cuốn ‘Good News Bible’ và một cuốn Thánh Kinh Tân Ước bằng tiếng Việt bìa màu xanh trời đậm có ba chữ “Chân lý, Bình an, và Hi vọng” để đọc và suy ngẫm lời Chúa.
Nhờ đọc Thánh Kinh bằng hai ngôn ngữ đã giúp tôi biết thêm về Chúa Giê-su sâu nhiệm hơn, kể cả cuộc đời Mary – Mẹ Chúa Giê-su về phần xác như lời Thánh Kinh bày tỏ cho tôi thấy. Cám ơn Chúa vì Ngài đã đến trần gian ô tội nầy chịu chết trên cây thập tự để đền tội và cứu nhân loại lầm than khổ đau, trong đó có tôi và tôi đã mời Ngài vào cuộc đời để làm Cứu Chúa của mình cho đến ngày nay.
Tôi còn nhớ khi còn trẻ, người bạn thân học cùng trường Saint Joseph với tôi là một Kitô hữu, anh ta rất ngoan đạo và có lòng kính yêu Thiên Chúa, thường nói cho tôi nghe về ChúaKitô và Mary mẹ Ngài, còn người bạn Tin Lành của tôi ở Thailand thì ít nói về Mary – Mẹ Chúa Kitô cho tôi nghe.
Có người tin theo Chúa Giê-su theo Đạo Tin Lành nói với các mục sư trẻ không nên giảng về Mary vì mình không phải là người Công giáo và cũng không cần nghe gì về Mary. Nhưng khi đến định cư ở Úc, mỗi lần Giáng sinh về thì các bạn mới của tôi lại nói đến Mary nhiều lần và chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa và Ngài đã chọn Mary – người phụ nữ cao đẹp nầy để Con Thánh sinh ra đời để cứu nhân loại. Nhiều lần tôi suy gẫm lời Chúa về Mary – người phụ nữ mà tôi khâm phục mà Thiên Chúa chọn cô làm mẹ của Chúa Giê-su, tôi khám phá vài điều cao đẹp về Mary và muốn viết đôi lời chia sẻ cảm tưởng ấy cùng độc giả.
Lời Chúa trong Thánh Kinh mở mắt cho tôi thấy Mary là một phụ nữ khiêm tốn, trong trắng, đức hạnh, kính sợ Chúa. Mary không phải là đối tượng của đức tin, nhưng Mary là một tấm gương cao đẹp chiếu sáng rực rỡ của đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-su.
Độc giả không thể tưởng tượng là một trinh nữ khi được biết là mình sẽ thụ thai mà chưa hề cưới gả trong cái xã hội mà làm nhục, đày ải, hành hạ, bắt chịu cực hình, và đuổi ra khỏi quê hương đất nước của mình, ngay cả giết đi những hạng người phụ nữ như thế.
Theo truyền thống của người Do Thái thời bấy giờ hơn hai nghìn năm qua, dân chúng sẽ mang cô ra cổng thành, lột cởi quần áo cô, cho cô mặc giẻ rách, trói cột cô lại, mời gọi những phụ nữ khác đến xem cô, để học biết một bài học của nỗi nhục nhã qua sự khổ đau của cô. Tham gia với họ là các nhân chứng là những hạng người đàn ông thật đồi bại xấu xa mà chỉ thích nhìn những người phụ nữ bị lột truồng, bị ném đá, bị đánh đập tàn nhẫn.
Mary nhận biết những lời hứa của Thiên Chúa phán qua môi miệng của nhà tiên tri Êsai (Isai, tiếng Anh Isaiah). Mary sống bởi quyền năng của Thiên Chúa và tiếng gọi của Thiên Đàng và nương cậy vào Thiên Chúa và tận hiến cuộc đời mình cho Ngài. Mary sẵn sàng chấp nhận tiếng gọi rất khó của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình và cô đã khiêm tốn hạ mình vâng phục tiếng gọi thiêng liêng của Thiên Chúa – tiếng gọi Thiên Đàng cho số phận và định mệnh của mình.
Mary thưa với thiên sứ Gáp-ri-en, “Vâng, con là đầy tớ Chúa, nguyện việc đó xảy đến cho con như lời ngài nói!” (Luca 1:38). Mary đã sẵn sàng vâng theo ý muốn Thiên Chúa bất cứ giá nào trên cuộc đời mình, như lời cầu nguyện Chúa dạy các môn đệ dấu yêu của Ngài, “Nguyện ý Cha được nên dưới đất như trên trời” (Mathiơ 6:10). Đức tin của Mary là thứ đức tin tận hiến phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa mà bất cứ ai kính yêu Chúa cũng có thể noi theo và tuân phục tiếng gọi của Thiên Đàng.
Bác sĩ Luca đã ghi lại một giai đoạn lịch sử của Hội Thánh đầu tiên, trong đó cũng có Mary là một phụ nữ kính yêu Thiên Chúa cùng các sứ đồ hoặc tông đồ và môn đệ của Ngài. Mary là người phụ nữ biết cầu nguyện (Công Vụ 1:12-14). Mary cùng một trăm hai mươi người ở trên phòng cao đồng lòng hiệp ý cầu nguyện và thờ phượng Chúa Giê-su là Chúa, Đức Chúa Trời, Thiên Chúa duy nhất sau khi Ngài sống lại từ cõi chết trước khi Đức Thánh Linh giáng trên họ để nhận lãnh quyền năng từ trời vào ngày Lể Ngũ Tuần.
Mary là người phụ nữ luôn sẵn sàng thuận phục và vâng lời Chúa khi Ngài bày tỏ ý muốn Ngài cho cô. Sứ đồ Giăng có ghi lại việc Chúa Giê-su đi dự đám cưới tại làng Cana – miền Galilê. Như chúng ta đều biết sứ mạng của Chúa đến trần gian là để cứu người – sứ mạng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Khi Chúa và các môn đệ được mời dự tiệc cưới thì Ngài cũng đi dự và tham gia chung vui với đôi uyên ương và gia đình của họ.
Mary – mẹ Chúa cũng được mời đến dự tiệc cưới. Vừa khi hết rượu, mẹ Chúa Giê-su lo ngại và nói với Ngài rằng: “Họ hết rượu rồi!” Chúa liền đáp: “Thưa bà, việc nầy có liên can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến (Bản TT Hiệu Đính VIE2010 dùng từ “bà”) (1). Còn Bản dịch BD2011 và NVB thì dùng tự “mẹ.” “Mẹ à, mẹ và con phải lo việc này sao? Chưa đến giờ của Con mà.” Mẹ Ngài nói với những người giúp việc: “Người bảo sao hãy làm vậy!” (Giăng 2:1-5). Trong xã hội Do Thái, rượu gắn liền chặt chẽ với sự thịnh vượng, lễ kỷ niệm và niềm vui (Phục truyền 14:26; Thi thiên 104:15), và chắc chắn một đám cưới là một dịp như vậy.Tiệc cưới mà hết rượu là một sai lầm xã hội đáng xấu hổ không báo hiệu điều tốt lành cho lễ cưới được tổ chức và người nhà cụng cảm thấy lúng túng vì nó vi phạm luật bất thành văn của sự hiếu khách và Chúa Giê-su sắp đáp lại nhu cầu ấy. Có người nói rằng mẹ Chúa không yêu cầu Ngài làm phép lạ. Mẹ Ngài chỉ hi vọng rằng Con trai mình có thể giải quyết vấn đề cần thiết cho bữa tiệc cưới vì hết rượu.
Nhưng sự thật là mẹ Ngài muốn Ngài làm điều gì đó để đáp ứng nhu cầu vì hết rượu. Khi Chúa Giê-su nói: “Thưa bà, việc của Tôi có can hệ gì đến bà, giờ Tôi chưa đến!” Có người hỏi, “Có phải Chúa Giê-su đang thô lỗ với mẹ của Ngài không?” Không. Chúa Giê-su đang nhắc nhở mẹ Ngài rằng vẫn chưa đến lúc mọi người biết danh tính thực sự của Ngài. Câu trả lời và chỉ dẫn của bà cho những người hầu cho thấy bà hiểu mong muốn giữ kín danh tính của Ngài và bà tin vào cảm nhận về thời gian của Ngài. Khi Chúa Giê-su nói “Giờ của tôi” là ám chỉ đến cái chết sắp đến của Ngài. Cả ở đây và sau đó trong sách Giăng, Chúa Giê-su đều tuyên bố rõ ràng rằng thời điểm Ngài được bày tỏ là Đấng Métsia và bị đóng đinh như Chiên Con hiến tế vẫn chưa đến. Hoàn toàn đồng điệu với ý muốn của ThiênChúa, Chúa Giê-su đang chờ đợi thời điểm thích hợp để hoàn thành mục đích mà ThiênChúa đã sai Ngài đến thế gian.
Truyền thống cho biết Giôsép, chồng của Mary đã qua đời và Mary đã quen nhờ Con trai mình giúp việc trong nhà và những việc khác nữa. Khi Chúa đáp lại mẹ Ngài: “Thưa bà, việc nầy có liên can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” thì thấy khó hiểu vì cách Chúa dùng thành ngữ ngày xưa, lời nói ấy không vô lễ nhưng đột ngột và bất ngờ. Khi nói chuyện với mẹ mình mà gọi mẹ là “Bà” thì dường như bất kính – không lễ phép cho lắm trong văn hóa của người Á đông và ngay cả người Phương tây. Vì thế mà các dịch giả tìm cách dịch từ “Bà” thành “Mẹ” để bày tỏ tình yêu và mối quan hệ giữa mẹ con hoặc sự sự gần gũi của hai mẹ con.
Trong tiếng hy lạp từ gunai (bà) truyền đạt sự kính trọng và lòng yêu thương trong vài bối cảnh chứ không phải bất kính hoặc vô lễ. Từ này được Chúa dùng khi Ngài nói với mẹ Ngài với thái độ tôn kính và yêu thương khi Ngài bị treo trên cây thập tự “khi Mary được yêu cầu làm mẹ của môn đệ yêu dấu của Ngài.” Chắc chắn Chúa không nói lời xúc phạm đến mẹ mình. Điều chúng ta cần ghi nhớ là Chúa nói với Mary, mẹ Ngài trong ngôn ngữ Aramaic (tiếng Hêbơrơ xưa), chứ không phải tiếng Hy lạp cho nên chúng ta không biết từ nào mà Chúa dùng để nói với mẹ mình.
Mặc dầu Mary không hiểu những điều Chúa Giê-su nói và làm, Mary tin rằng Chúa làm điều phải. Có lúc chúng ta là người tin theo Chúa Giê-su gặp hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta không thể hiểu được, mà phải tiếp tục tin cậy Ngài sẽ thực hiện trong cách tốt nhất trong thời điểm của Ngài. Trong trường hợp nầy, Mary đã phục tùng Chúa và cách Ngài làm việc. Mary nhận thức rằng Đức Giê-su không phải chỉ là Con trai của mình mà Ngài chính là Chúa của mình là Đấng mà Mary phụng sự tôn thờ. Cho nên Mary ý thức điều ấy và sẵn sàng vâng lời, phục tùng Chúa của mình và để cho Ngài giải quyết vấn đề theo cách của Ngài.
Thái độ vâng phục Chúa của Mary nói lên một tâm hồn đầu phục Chúa, kính sợ Chúa và Mary phải bảo những người hầu bàn: “Người bảo gì thì hãy làm y như vậy!” (Giăng 2:5). Đối với tôi, Mary là tấm gương diệu kỳ cao đẹp soi sáng cho mọi Kitô hữu hoặc Cơ Đốc nhân – người tin theo Chúa Giê-su, riêng biệt cho tất cả các phụ nữ và đặc biệt cho các phụ nữ trẻ mới lớn lên. Mary là người của Đức Chúa Trời, yêu mến Đức Chúa Trời, phục vụ Đức Chúa Trời, phục tùng Đức Chúa Trời, kính sợ Đức Chúa Trời, nhưng Mary không phải vô tội như Con Trai phần xác của mình. Mary cũng chỉ là một con người như chúng ta, nhưng đượcThiên Chúa chọn vì Mary sống một cuộc đời trong trắng, đức hạnh, thánh khiết, kính sợ Chúa mà được thể hiện qua đời sống trinh tiết của mình cho đến khi lập gia đình.
Mary là một tấm gương truyền cảm cao đẹp mà cái văn hóa chung chạ tình dục bừa bãi hết sức cần noi theo qua các phụ nữ như cô. Mặc dầu chúng ta là ai đi nữa, tất cả chúng ta cần noi theo gương của Mary – đức tin khiêm tốn của Mary và hết lòng đặt niềm tin cậy vào ý muốn Thiên Chúa cho cuộc đời mình. Xưa kia Linh Mục Tiến sĩ Martin Luther bình luận rằng việc thụ thai mà còn trinh tiết là một phép lạ lớn nhất của Thiên Chúa trong cuộc đời Mary, thực ra, đức tin vào Thiên Chúa của cô có lẽ là phép lạ lớn nhất của cô.
Mong rằng, qua bài viết đơn sơ nầy và nhờ ân sủng Thiên Chúa, các bạn có thể noi theo tấm gương kỳ diệu cao đẹp của Mary, một thanh nữ khác thường nầy người mà được Thiên Chúa tôn quý với sự sinh ra đời và nuôi dưỡng Chúa Giê-su, Em-ma-nu-en (Isai 7:14; Mathiơ 1:23). Thật vậy, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng đã đến trần gian, tìm, và cứu chúng ta là người lạc mất khỏi tội.
Cám ơn Chúa, Ngợi khen Chúa vì sự giáng sinh ra đời của Cứu Chúa Giê-su và cũng nhờ Ngài mà chúng ta được sinh lại từ thiên thượng bởi Thánh Linh Ngài. Đây là những phép lạ nhiệm mầu mà Thiên Chúa thực hiện mà chúng ta cần tiếp nhận bởi đức tin vào cuộc đời mình.
Khi viết điều nầy, tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa hai chị em phự nữ. Khi Mary vội vã lên đường, đến một thành phố miền đồi núi xứ Giuđa, vào nhà Xachari thăm Êlisabét. Vừa nghe Mary chào thì thai nhi trong bụng liền nhảy mừng, Êlisabét được đầy tràn Thánh Linh, nói lớn với Mary: “Em là người có phúc nhất trong giới phụ nữ! Thai nhi trong lòng em là phúc hạnh lớn lao! Thật vinh dự cho tôi vì được mẹ Chúa tôi đến thăm! Vừa nghe tiếng em chào hỏi, thì thai trong bụng tôi đã nhảy mừng. Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em.”
Sau khi Êlisabét nói xong, Mary đã hết linh hồn mình thốt lên những lời ngợi khen ca tụng Chúa, Đức Chúa Trời, Thiên Chúa siêu việt và tối cao của mình. Lời ca tụng quyền năng đáng kính sợ nầy phát ra từ tâm hồn trong trắng của Mary đã trở thành bài ca được dùng vào các buổi lễ của nhiều nhà thờ khắp nơi trên thế giới để nói lên tinh thần và trái tim cao đẹp của người phụ nữ kính sợ Chúa nầy.
Tiến sĩ Christian Le