Vườn Ê đen mới

NGƯỜI NỮ ĐẤNG CHRIST- Hồ Galilê


Ngày Quốc tế Phụ nữ là một ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh phụ nữ, được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 hàng năm ở Việt Nam. Vào dịp này, phụ nữ Việt Nam, cũng như phụ nữ tại các nơi khác trên thế giới, được nhiều người bày tỏ sự quan tâm và tôn vinh dưới nhiều hình thức, nhưng phổ biến nhất vẫn là tặng hoa hồng, thiệp và kèm theo những lời chúc mừng.

Hôm nay 8/3 nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, tôi xin chúc mừng tất cả những người phụ nữ Việt Nam yêu dấu lời chúc mừng tốt đẹp nhất với những bó hoa tươi thắm.

Nhân cơ hội này, tôi xin chia sẻ niềm vui riêng với phụ nữ Cơ-đốc về gương hy sinh cống hiến phục vụ Chúa của bà Ma-ri, người xức dầu cho Chúa khi những ngày cuối rốt của Chúa sống giữa mọi người.

Trong Kinh thánh Tân ước có nhắc lại mẫu đối thoại giữa một số người khi bà Ma-ri xức dầu thơm cho Chúa Giê-su.

Có vài môn đồ, nhất là Giu-đa nổi giận mà rằng:
“Sao phí của như vậy? Dầu này có thể bán nhiều tiền để bố thí cho kẻ nghèo nàn”.(Mathiơ 26:9)
Ngày xưa bà Ma-ri xức dầu cho Chúa thì có vài người nổi giận và nói cùng nhau rằng:
“Sao xài phí dầu thơm ấy như vậy?”…
Ngày nay cũng thế:
– Xức dầu cho Chúa là phí phạm!
– Đi nhà thờ là phí thời gian!
– Hoạt động cho Chúa là phí sức!
– Đọc Kinh thánh & Cầu nguyện là phí công!
– Dâng tiền cho Chúa là phí của!
– Bỏ sự nghiệp để phục vụ Chúa là phí đời!
– Hy sinh mọi sự để theo Chúa là phí tương lai!
Rồi người đời lý luận rằng:
Vì có thể bán dầu đó hơn 300 đơ-ni-ê để bố thí cho kẻ nghèo. Bình dầu này sử dụng cách khác có hiệu quả hơn…
– Số tiền này
– Thì giờ này
– Khả năng này
– Cuộc đời này v.v… sao lại đổ xuống chân như thế, phí phạm quá…Giăng 12:4-6 người đời luôn lý luận như thế, lý luận có vẻ thực tế và hữu lý vì: Người đời chẳng yêu Chúa. Thế gian chẳng từng biết Chúa. “Người đã đến trong xứ mình song dân mình không hề nhận lấy.”Giăng 1:10

Bà Ma-ri không có lý luận như thế, bà suy nghĩ khác nên quyết định hy sinh bình dầu. Trong câu chuyện không chỉ riêng ông Giu-đa và vài người phản đối, chính các môn đệ cũng phản đối, sao phí như vậy? “Môn đồ thấy vậy, giận mà trách rằng:
“Sao phí của như vậy?”Ma-thi-ơ 26:8 chính những người biết Chúa, theo Chúa mà không dám phung phí cho Chúa.
Tạ ơn Chúa!

Khi Chúa chết về sau Ni-cô-đem đã dùng 100 cân một dược và lư hội đề tẩm liệm xác Ngài. Ông Giô-sép còn dùng cái huyết mới của mình cho Chúa yên nghỉ.Ma-thi-ơ 27:60 & Giăng 19:40-41
Vâng, họ không làm được lại còn công kích, cho Ma-ri là dại dột, phí của. Họ đâu có ý thức được nhu cầu lớn nên phải cung ứng như vậy mới xứng đáng. Đối với Chúa Jêsus, nếu Ma-ri có thể làm hơn điều bà đã làm cũng nên. Dầu việc làm của chúng ta tốt đến đâu đều có người công kích, vì họ không hiểu nổi nên cũng không vì đó mà nản lòng. Nếu việc đó có ý nghĩa, có ích lợi cho công việc Chúa, và làm sáng danh Chúa mỗi một chúng ta hãy tiếp tục làm giống như Ma-ri để phục vụ, cống hiến những gì tốt nhứt cho Ngài để danh Chúa được tôn cao.

Khi mọi người chống đối việc bà Ma-ri xức dầu thơm cho Chúa trong đó có ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là một sứ đồ, ông ta vốn là thủ quỹ giữ túi bạc nhưng lại chuyên trộm tiền của công.Giăng 12:6 thì chính Chúa Giê-su đứng ra biện hộ cho bà ba điều:

1/”Sao các ngươi làm khó cho người đàn bà đó?”
Chúa muốn nói:
– Một việc đáng khen, sao lại trách?
– Một việc đáng hoan nghinh, sao lại đả đảo?
– Một việc đáng làm gương, sao lại công kích?

2/”Các ngươi thường có kẻ nghèo ở với mình song sẽ không có ta ở cùng luôn”.
Kẻ nghèo lúc nào cũng có chung quanh chúng ta. Muốn giúp đỡ họ lúc nào cũng được. Song Chúa sắp từ giã họ mà về trời, nên đây là cơ hội cuối cùng họ có thể làm gì cho Ngài. Rất tiếc, họ không nhìn thấy cơ hội đó như Ma-ri, nên đã mất cơ hội ngàn năm một thuở. Chúng ta phải biết việc nào nên làm trước, việc nào nên làm sau để khỏi mất cơ hội.
3/Người đã làm việc tốt cho ta.
Người đã đỗ dầu thơm trên mình ta để sửa soạn chôn xác ta đó.”

Thật vậy, trải qua 20 thế kỷ, bao nhiêu tên tuổi và công trình của các vĩ nhân đã bị quên lãng, song tên của Ma-ri và việc làm của bà còn được nhắc mãi. Một lần nữa Ma-ri đã chọn lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được. Cũng chính Ma-ri này đã ngồi dưới chân Chúa mà nghe Ngài dạy dỗ.

“Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không ai cất lấy được”.Lu-ca 10:42 từ câu nầy chúng ta có thể khẳng định rằng: Không phải nhằm vào món ăn mà Ma-thê sửa soạn. Mượn việc nầy, Chúa muốn cho Ma-thê có thái độ về cuộc đời, cũng chỉ cho bà giá trị thật về cuộc đời. Chúa chỉ cho chúng ta con đường chính xác của triết học cuộc đời Cơ-đốc nhân. Chúng ta chỉ thông qua một việc, lời nói nầy của Chúa và việc làm của Ma-ri mới có thể hiểu được ý nghĩa thật sự, chỉ có mỗi một việc là việc tối quan trọng trong bối cảnh hiện tại của gia đình ba anh em La-xa-rơ mà Chúa hằng yêu quí, và Ngài năng tới nhà thăm viếng dạy dỗ.

Ngày xưa khi Chúa Giê-su thi hành chức vụ trên đất, thì Ngài luôn dành thì giờ để rao giảng Tin lành cho đoàn dân đông, có một phụ nữ ở giữa đám đông cất tiếng nói:
“Phước cho dạ đã cưu mang Ngài và vú đã cho Ngài bú! Ðức Chúa Jesus đáp: Những kẻ nghe và giữ lời Ðức Chúa Trời còn có phước hơn.(Lu-ca 11:27-28) Cho nên chúng ta đừng dại dột mà nói rằng:
“Phước cho dạ đã cưu mang Ngài”, nhưng chúng ta sẽ đủ thông minh để tôn ngợi Ðức Chúa Trời rằng, bằng cách nghe và tuân giữ lời Ngài.

Quan điểm của chúng ta trong việc xức dầu của bà Ma-ri thì sao?
Thành thật mà nhận rằng, chúng ta phung phí cho mình nhiều quá, ăn tiệc, vui chơi, may mặc, giải trí lo cho bản thân, lo cho gia đình nhiều quá, nhưng đối với Chúa chúng ta luôn tiết kiệm, có lúc chúng ta lại hà tiện, thỉnh thoảng nữa chúng ta lại còn nghiêm ngặt, lắm khi chúng ta nhỏ vài giọt và kì kèo với Ngài.

Khi ôn lại cuộc đời tuổi xuân trôi qua, nhà Truyền đạo Sa-lô-môn nuối tiếc nói rằng:
“Ta không lấy làm vui lòng”.Truyền-đạo 12:1
Các cụ chúng ta cũng thường nuối tiếc tuổi trẻ không hầu việc Chúa, để khi về già thì mất cơ hội. “Lúc ấy cây hạnh trổ bông, cào cào trở nên nặng và sự ước ao không còn nữa”.Truyền-đạo 12:5
Ước chi chúng ta tiết kiệm với đời và phung phí cho Chúa như bà Ma-ri, nhiều tín hữu kỳ cựu 20-30 năm theo Chúa mà chưa từng trải kinh nghiệm này.

Thật ra, không phải là ta không xức dầu cho Chúa, ta không hầu việc Chúa, ta không dâng tiền bạc cho Chúa, nhưng thật sự ta chỉ nhỏ vài giọt lác đát cho Ngài thôi. Chúng ta dâng vài đồng tiền lẻ nhàu nát, chúng ta dùng thì giờ rảnh chúng ta không biết làm gì, thì phải làm một cái gì đó cho Chúa. Khi phục vụ cho đời, chúng ta rất là gương mẫu, đi đúng giờ, vui vẻ, kỷ luật cao, hòa thuận với mọi người, hoàn thành công việc một cách nghiêm túc. Nhưng khi thờ phượng, phục vụ Chúa chúng ta thường hay bê trễ và chểnh mảng. chúng ta thụ động trong công việc, chúng ta chờ người khác mời gọi, năn nỉ, ỉ ôi… rồi hẹn rày, hẹn mai, khó khăn lắm. Nhiều khi phung phí chúng ta lại dâng dầu giả, loại dầu rẻ tiền cho Chúa, có khi chúng ta xức nước lả cho Chúa rồi ta lại hỏi:
“Tại sao thân thể Chúa lại không nức mùi thơm?”.

Chúng ta có phung phí cho Chúa không? Nhiều khi chúng ta cứ tưởng là chúng ta đã phung phí cho Chúa, nhưng kỳ thật ra Chúa đã phung phí cho chúng ta trước rồi. Trước khi chúng ta đập vỡ bình dầu xức cho Chúa, thì Ngài đã đập vỡ thân thể Ngài trên thập tự giá đền tội cho chúng ta rồi. Trước khi chúng ta dốc đổ cuộc đời cho Chúa, thì Ngài đã đổ huyết ra cho ta rồi. Thật vậy, khi chúng ta còn là người yếu đuối thì Chúa Cứu Thế đã theo kỳ hẹn đã chết đến tội cho ta rồi. Vì thế, không có gì là phung phí cho Chúa cả. Bình dầu tuy có quí, nhưng thật ra không xứng đáng để ta xức cho Chúa đâu. Sở dĩ chúng ta được tôn Chúa làm vua, yêu mến Ngài, phục vụ Ngài, là vì ân sủng và tình yêu của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Khi mở mắt tâm linh ra chúng ta mới thấy giá trị đích thực của của Chúa và của chúng ta. Chúng ta thấy không có gì là phung phí cho Chúa cả.

Chúa đã khen ngợi việc làm của bà Ma-ri cho đến tận hôm nay chúng ta còn nhắc lại câu chuyện này qua lời Ngài phán:
“Qủa thật, ta nói cùng các ngươi, trong khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin lành nầy được giảng ra, việc người đã làm cũng được nhắc lại để nhớ đến người”.Mác 14:9
Dầu cam tùng trong Kinh thánh là biểu tượng của sức mạnh, sự đẹp đẽ và thánh khiết, và đó là cách mà người nữ này được nhớ đến, hơn bất kỳ tội lỗi nào mà nàng đã phạm phải.

Câu chuyện này biện minh cho nàng và dạy dỗ chúng ta. Nàng hiểu rất rõ Chúa Giê-su quý giá như thế nào. Ngài giá trị hơn nhiều so với tất cả các loại nước hoa đắt tiền trên thế giới. Bài học về Ma-ri và chai dầu cam tùng của nàng là:
– Hãy sống và hành động làm sao để chứng minh được rằng Chúa Giê-su là quan trọng với chúng ta hơn tất cả những điều quan trọng nhất trên đất này.
“Người này là ai mà xuất hiện như rạng đông, xinh đẹp như mặt trăng rực rỡ như mặt trời, oai phong như đội quân nhấp nhô cờ hiệu?”.Nhã ca 6:10

Hồ Galilê – 2024

(XUẤT XỨ NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ)
Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8 tháng 3 ra đời từ phong trào đấu tranh của công nhân nữ ở Mỹ nhằm đòi quyền sống. Vào khoảng cuối thế kỉ 19 là thời kì chủ nghĩa tư bản thịnh vượng đặc biệt là ở Mỹ. Công nghiệp kỹ nghệ thời đó phát triển, người ta tuyển dụng rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, thời buổi bấy giờ quyền lợi của phụ nữ bị xem nhẹ, tư bản đã chèn ép, bóc lột sức lao động của phụ nữ và trẻ em đến cùng cực nhưng trả lương lại rất rẻ mạt. Cuộc sống của phụ nữ, trẻ em ngày càng nghèo túng, khắc nghiệt.
Phản đối sự bóc lột tàn nhẫn đó, vào ngày 8/3/1899 thành phố Chicago lẫn New York đã bùng nổ cuộc đấu tranh của nữ công nhân ngành dệt may với mục đích đòi tăng lương, giảm giờ làm. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này nhanh chóng bị đàn áp thẳng tay, các nữ công nhân bị đuổi khỏi nhà máy. Song điều đó không làm nhụt chí tinh thần đấu tranh của chị em phụ nữ, họ vẫn sôi sục ý chí vùng dậy buộc tư bản phải nhượng bộ.
Tháng 2 năm 1909 tất cả phụ nữ ở mọi nơi trên nước Mỹ đã tổ chức cuộc họp “Ngày phụ nữ” sôi nổi đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho nữ giới.
Phong trào đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã lan tỏa, có sức cổ vũ mạnh mẽ đến chị em phụ nữ trên toàn thế giới. Hai nữ chiến sĩ Cách mạng nổi bật là bà Cơ-la-re-Zet-Kin (người Ðức) và bà Rô-da-luya-Xăm-Bua (người Ba Lan) cùng bà Nadezhda Krupskaya (vợ của Lê-nin) đã vận động phụ nữ thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo các phong trào đấu tranh.
Phong trào ngày càng lớn mạnh thu hút được nhiều người tham gia, chất lượng cũng ngày càng được tăng cao. Vì vậy, tại đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ trên thế giới được tổ chức tại Copenhagen (thủ đô Ðan Mạch) vào ngày 26, 27 tháng 8 năm 1910. Cuộc họp này có sự tham dự của 100 nữ đại biểu đến từ 17 nước. Theo đó, hội nghị quyết định lấy ngày mùng 8 tháng 3 là ngày quốc tế phụ nữ, đòi bình đẳng, các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

Hồ Galilê – 2024

 

Ngày đăng: 03/08/2024