Vườn Ê đen mới
VINH QUANG SỐNG LẠI CỦA ĐẤNG CHRIST – MSTS Christian Le
Khi Chúa Giê-su còn ở trần gian Ngài đã nói trước về sự sống lại của Ngài với các môn đệ, “Bấy giờ, Ngài bắt đầu dạy các môn đệ rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ, sẽ bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo chối bỏ, và sẽ bị giết, và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mác 8:31). Thật ra, sự sống lại của Ngài đã được các nhà tiên tri nói trước, và cũng được Ngài nói trước. Cái chết của Chúa Giê-su không phải là chuyện ngẫu nhiên hoặc là cái tội giết người cần phải giải quyết. Thật ra, Thánh kinh đã nói trước, Ngài phải chịu khổ hình và sống lại từ cõi chết. Ngài đã nói về biến cố tiên tri này trong nhiều cách và ngay cả các môn đệ của Ngài cũng cảm thấy sửng sốt.
Chẳng hạn, Chúa đã nói trước về sự sụp đổ đền thờ của người Do Thái (xảy ra sau CN70), rồi nói Ngài sẽ sống lại sau ba ngày, Ngài nói đến thân thể Ngài. Chúa Giê-su đáp: “Hãy phá đền thờ nầy đi, trong ba ngày Ta sẽ dựng lại.” Người Do Thái lại nói: “Người ta xây dựng đền thờ nầy mất bốn mươi sáu năm, mà Thầy lại nói sẽ dựng lại trong ba ngày sao?” Nhưng Ngài nói về đền thờ của thân thể Ngài. Vì vậy, khi Ngài từ cõi chết sống lại, các môn đệ nhớ Ngài đã nói điều nầy, thì tin Thánh kinh và lời Chúa Giê-su đã nói” (Gi 2:19-22).
Có thể một trong nhưng câu chuyện lạ thường và có thể gây ra tranh luận nhiều nhất trong cả Thánh kinh khi Chúa nhắc đến nhà tiên tri Giôna bị một con sinh vật biển nuốt và sau đó ở trong bụng nó ba ngày. Chúa Giê-su dùng câu chuyện này như một dấu hiệu về sự chết và sự sống lại của Ngài, “Thế hệ gian ác, dâm loạn nầy tìm kiếm một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng nhận được một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ của nhà tiên tri Giôna. Vì như Giôna ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm” (Mat 12:39-40).
Các nhà tiên tri nói về sự sống lại của Chúa Giê-su trong Thánh kinh Cựu Ước, và những lời tiên tri mà các sứ đồ nói đến trong sự giảng dạy của mình:
Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại, giải thoát Ngài khỏi nỗi đau đớn thống khổ của sự chết, vì nó không thể cầm giữ Ngài được. Vì Đavít đã nói về Ngài rằng: “Tôi luôn thấy Chúa ở trước mặt tôi, vì Ngài ở bên phải tôi, nên tôi không hề bị rúng động. Do đó, lòng tôi vui vẻ, lưỡi tôi mừng rỡ, và thân xác tôi cũng sống trong hi vọng. Vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ, Ngài sẽ không để cho Đấng Thánh của Ngài bị hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống, cũng sẽ khiến tôi tràn đầy niềm vui trước mặt Ngài” (Công 2:25-28).
“Thưa anh em, tôi có thể nói quả quyết với anh em rằng tổ phụ Đavít là người đã chết, được an táng và hiện nay ngôi mộ của người vẫn còn ở giữa chúng ta. Nhưng người là một nhà tiên tri, biết Đức Chúa Trời đã thề hứa rằng Ngài sẽ đặt một người thuộc dòng dõi người ngồi trên ngai mình. Do đó, người đã thấy trước và nói về sự sống lại của Đấng Christ rằng: Ngài chẳng bị bỏ nơi âm phủ, thân thể Ngài chẳng thấy sự hư nát” (Công 2:24-31).
Sự sống lại của Đấng Christ cung cấp cho nền tảng lời tiên tri và lịch sử vì một đức tin mạnh mẽ và vững chắc. Chính Sự sống lại của Đấng Christ là lời biện giải hoặc phản biện quyền năng và hùng hồn nhất trong lịch sử nhân loại. Khi thiếu điều này thì hậu quả sẽ trở nên thê thảm cho đức tin chúng ta. Vì thế mà sự sống lại của Chúa Giê-su là sự thử nghiệm tối hậu cho chân lý đức tin Cơ đốc. Khi ấy, sự sống lại hổ trợ sự cảm ứng hà hơi soi dẫn và sự đáng tin cậy của Thánh kinh là Lời Đức Chúa Trời, chứ không phải điều ngược lại. Có người có lần gặp khủng hoảng đức tin khi họ khám phá ra điều khó hiểu trong Thánh kinh mà họ không thể giải thích. Có người tìm cách giải quyết bằng cách kiên nhẫn và áp dụng luật không mâu thuẫn một cách khách quan hoặc luật của sự hiểu biết thông thường.
Cơ Đốc giáo đã tăng trưởng và lan tràn khắp thế giới vì các sứ đồ giảng dạy và công bố Đấng Christ đã sống lại từ cõi chết, ứng nghiệm những lời tiên tri trong Thánh kinh. Sự chết của Ngài làm thỏa mãn sự đòi hỏi của công lý vì vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, và cuộc đời toàn hảo của Ngài làm cho Ngài đủ điều kiện trở nên Chiên Con của Đức Chúa Trời, một sinh tế trong sáng tinh bạch không tì vết, cất đi tội lỗi của nhân loại.
Các sách Phúc Âm Tân Ước và các thư tín của sứ đồ Phaolô chưa được viết xuống gần hai thập niên, nhưng Hội Thánh Chúa tăng trưởng cách đột ngột và nhanh chóng trong thời đó. Cốt lõi chính của sứ điệp của các sứ đồ là hiện thực của sự sống lại của Đấng Christ từ cõi chết. Thật ra việc bảo vệ thẩm quyền Thánh kinh là điều cần thiết và là một công tác đáng khâm phục của những học giả Thánh kinh và những nhà thần học thuần túy, nhưng chúng ta không nên phải đi quá xa hơn điều Thánh kinh nói đến về nội dung chính trong việc công bố Tin Mừng.
Thật ra, nhiều câu chuyện được kể lại thể nào sự sống lại của Đấng Christ đã cứu đức tin của nhiều người khỏi sự hoài nghi vì họ nhận thức rằng họ có thể tin cậy lời của Chúa Giê-su vì Ngài đã từ cõi chết sống lại trong lịch sử vì Ngài là Chúa của lịch sử. Ấy là một phép lạ siêu nhiên phi thường mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm được. Cho nên nếu Chúa Giê-su thực sự sống lại từ cõi chết thì Ngài thật sự tiêu biểu cho sự hiện diện, hiện thực và hiện hữu của Đức Chúa Trời trên đất, và những sự thuật lại của các môn đệ của Ngài đều chính xác.
Chúa đã mong đợi sự chết và sự sống của Ngài để rồi Ngài chuẩn bị cho các môn đệ đầy đủ để truyền lại sự giảng dạy vĩ đại, quyền năng và thẩm quyền của Ngài cho những thế hệ tương lai sau này. Thêm vào đó Đức Thánh Linh hướng dẫn những tác giả, lịch sử gia, và người góp nhặt Thánh kinh như bác sĩ Luca để đảm bảo những thông tin đáng tin cậy được bảo tồn và duy trì. Vì thế mà Chúa Giê-su hứa với các sứ đồ rằng Đức Thánh Linh sẽ nhắc nhở họ tất cả những điều Ngài dạy bảo, và Ngài sẽ dạy họ bất cứ điều gì khác mà họ cần am hiểu, “Nhưng Ðấng An Ủi, Ðức Thánh Linh, Ðấng Cha nhân danh Ta phái đến, sẽ dạy các ngươi mọi sự và sẽ làm các ngươi nhớ lại mọi điều Ta đã nói với các ngươi” (Gi 14:26).
Chúa Giê-su ủy thác cho các môn đệ đi truyền bá sứ điệp của Ngài cho muôn dân và Ngài hứa sẽ ở với họ cho đến ngày tận thế (Mat 28:18-20). Cho nên chúng ta có thể biết chắc rằng họ đã trung tín rao giảng sứ điệp quyền năng của Ngài và tiếp tục thuật lại chức vụ của Ngài cho đến hai thập niên. Họ cũng đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai để truyền lại những sứ điệp của Ngài cho thế hệ tới. Và các nhà lãnh đạo ấy cũng truyền lại truyền thống cho thế hệ tới nữa. Quá trình này cứ tiếp túc tốt đẹp sau khi các sách Phúc Âm được viết xuống và sao chép cho cả thế giới biết đến Cứu Chúa Giê-su là Đấng mà có thể cứu con người khỏi tội.
Clement, người thừa kế sứ đồ Phierơ tại Rome viết: Các sứ đồ tiếp nhận Phúc Âm cho chúng ta từ Chúa Giê-su Christ; và Chúa Giê-su Christ được Đức Chúa Trời sai phái đến. Cho nên, Đấng Christ đến từ Đức Chúa Trời, và các sứ đồ đến từ Đấng Christ. Vậy thì, hai sự sắp xếp thứ tự này là bởi ý muốn của Đức Chúa Trời. Tiếp nhận sự hướng dẫn dạy bảo của họ và đầy lòng tin cậy vì sự sống lại của Chúa Giê-su Christ, và xác nhận trong đức tin bởi lời Đức Chúa Trời, họ đã thi hành trong sự đảm bảo hoàn hảo của Đức Thánh Linh, truyền giảng Tin Mừng rằng Vương quốc Đức Chúa Trời đã đến gần. Họ đã truyền giảng khắp các miền quê và đô thị; và họ đã bổ nhiệm những người mới tin Chúa, thử nghiệm họ bởi Thánh Linh, trở thành giám mục và chấp sự cho những tín hữu tương lai.
Thánh kinh tuyên bố rằng:
Chúa Giê-su bị đóng đinh và sống lại từ cõi chết trong lịch sử.
Sứ sống lại của Ngài hợp thức hóa đặc tính của Ngài là Con Đức Chúa Trời.
Tác phẩm Thánh kinh Tân Ước, lịch sử mà nói, đáng tin cậy và làm chứng cho những sự kiện này.
Do đó, cả lịch sử và Thánh kinh xác nhận rằng Chúa Giê-su Christ, Người Naxarét bị đóng đinh, chịu chết, và được chôn và đến ngày thứ ba Ngài sống lại từ cõi chết đúng như lời Kinh Thánh.
Nhà biện giáo đại tài TS Gary Habermas thuộc đại học Liberty, tác giả cuốn, ‘The Case for the Resurrection of Jesus – Trường hợp cho Sự sống lại của Chúa Giê-su’ minh họa tầm quan trọng về sự độc đáo này khi ông thuyết trình về hiện thực của sự sống lại của Đấng Christ. Ông cầm cuốn Thánh kinh trong tay và nói với khán giả, “Nếu cuốn Thánh kinh này là Lời không sai được của Đức Chúa Trời, thì Chúa Giê-su được sống lại từ cõi chết. Nếu cuốn Thánh kinh này không không thể sai được nhưng vẫn còn đáng tin cậy, thì Chúa Giê-su được sống lại từ cõi chết. Nhưng nếu như Thánh kinh không đáng tin cậy cũng không không thể sai được? Chúa Giê-su vẫn được sống lại từ cõi chết.”
TS Habermas đã nhấn mạnh vài câu thật lôgic vì đây là một chân lý rất quan trọng sống còn để nắm lấy khi chúng ta đối diện chướng ngại hoài nghi đang chờ đợi các tín hữu trong Chúa Giê-su trong xã hội ngày nay. Chúng ta phải để ý về tầm quan trong của sự sống lại của Đấng Christ. Lịch sử có thể chỉ đến sự sống lại như sự giải thích tốt nhất về sự kiện, nhưng nó không thể nói cho chúng ta ý nghĩa trọn vẹn của nó là gì. Khi chúng ta đọc, học, nghiên cứu, suy gẫm, nhìn xem, và phản ánh Thánh kinh, chúng ta học được sự khôn ngoan thật giá trị, và ý nghĩa thực sự của nó là gì.
Thí dụ đặc tính của Chúa Giê-su được xác minh trong bức thư sứ đồ Phaolô viết cho người Rôma. Phaolô, đầy tớ của Chúa Giê-su Christ, được kêu gọi làm sứ đồ, được biệt riêng để rao giảng Tin Mừng mà Đức Chúa Trời, là Tin Mừng đã được hứa từ trước qua các nhà tiên tri của Ngài trong Thánh kinh. Ấy là Tin Mừng về Con Ngài, là Đấng mà về mặt thể xác được sinh ra từ dòng vua Đavít, còn về thần thánh được xác chứng là Con Đức Chúa Trời đầy quyền năng qua sự sống lại từ cõi chết, đó là Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta (Rô 1:1-4).
Sự sống lại xác minh rằng Chúa Giê-su thật là Con Đức Chúa Trời. Với rất nhiều điều phán dạy sâu sắc của Ngài, Ngài nói Ngài là ai. Ngài là sứ giả của Đức Chúa Trời tối cao, là đại diện Đức Chúa Trời, là Đấng Mếtsia – Đấng được xức dấu của Đức Chúa Trời, vì thế mà chúng ta cần phải biết chắc đặc tính của Đấng Christ đã được xác nhận bởi Đức Chúa Trời. Sự kiện này nhắc chúng ta về tầm quan trọng để xác minh đặc tính của Ngài. Chúng ta là ai phải được thành lập vượt xa hơn lời chứng của mình. Chúng ta không thể đến phi trường quốc tế và mong được phép vào nơi an ninh mà không có sự xác nhận mình là ai. Sự sống lại của Đấng Christ từ cõi chết xác minh Ngài là ai. Trong cái thế giới hổn loạn trộm cướp đặc tính hay nhận diện và sự gian dối lừa đảo, chúng ta có thể có lòng tin, đặt lòng tin cậy nơi Chúa Giê-su. Vì Ngài sống lại từ cõi chết, chúng ta có thể tin cậy rằng lời của Ngài là thật và đáng tin cậy. Lời của Chúa Giê-su chính là lời của Đức Chúa Trời.
Mấy năm trước đây tôi có đọc sách và nghe youtube về ‘sự trải nghiệm cận tử’ (tiếng Anh là: near-death experience) là một trải nghiệm được kể lại bởi một người suýt chết hoặc đã bị chết lâm sàng và được cứu sống. Một số nhà khoa học tin rằng trải nghiệm này có thể được giải thích bằng các ảo giác do bộ não đang chết tạo ra. Tuy nhiên, mô hình này bị phản bác ngày càng mạnh bởi các nghiên cứu thực hiện tại Hà Lan và các nới khác. Những trải nghiệm cận tử là một ngành mê hoặc quyến rũ của cuộc nghiên cứu và có những lời chứng mà không thể gạt bỏ được như chỉ là ảo giác hoặc là sự sản xuất của một tâm trạng tâm thần thay đổi. Nhưng sự sống lại của Chúa Giê-su không như những lời khẳng định này. Sau khi bị khổ hình, tra tấn dã man như một tên tử tội, Đấng Christ đã bị đóng đinh và được chôn. Sau ba ngày, Ngài đã sống lại từ cõi chết như Ngài đã nói trước.
Biến cố này cho chúng ta thấy bằng chứng rất mạnh mẽ là có sự sống sau cái chết. Như Chúa Giê-su đã phán với các môn đệ Ngài, “Ta đi chuẩn bị cho các người một chỗ” (Gi 14:2). Sự thật Thiên Đàng tồn tại là căn cứ vào lời chứng năng quyền, đáng tin cậy của Con Đức Chúa Trời. Tất cả những gì Cha cho Ta sẽ quy về Ta, người nào đến với Ta, Ta sẽ không bao giờ ruồng bỏ! Vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý riêng Ta, nhưng theo ý Đấng đã sai Ta. Đây là ý của Đấng đã sai Ta: tất cả những người Ngài ban cho Ta, Ta sẽ không để cho hư mất, nhưng Ta sẽ làm cho sống lại trong ngày cuối cùng. Vì đây là ý Cha Ta, ấy là người nào nhận ra Con và tin theo Ngài thì sẽ được sự sống đời đời, và chính Ta sẽ khiến người ấy sống lại trong ngày cuối cùng!” (Gi 6:37-40). Chúa Giê-su phán: “Các ngươi ra từ dưới, còn Ta đến từ trên. Các ngươi ra từ thế gian nầy, còn Ta không ra từ thế gian nầy. Vì thế, Ta đã bảo các ngươi rằng các ngươi sẽ chết trong tội lỗi mình, vì nếu các ngươi không tin Ta là Đấng Hằng Hữu thì các ngươi sẽ chết mất trong tội lỗi mình!” (Gi 8:23-24).
Vì thế, là Cơ đốc nhân, chúng ta có niềm hi vọng lớn, niềm hi vọng thật, niềm hi vọng phước hạnh, và nguồn an ủi lớn trong sự kiện là sự tồn tại của chúng ta không chấm dứt với cái chết về thể xác khi còn trên đất này. Vì thế mà những người tin cậy Chúa Giê-su là những người lạc quan nhất trên mặt đất này vì họ có hi vọng sống và hi vọng thật vì Ngài đã đi sắm sẵn cho họ một chỗ trên Thiên Đàng vì Ngài từ Thiên đàng xuống.
Sứ đồ Phaolô viết: “Khi thân thể hư nát mặc lấy thân thể không bao giờ hư nát (bất diệt). Thân thể chết này sẽ mặc lấy thân thể không bao giờ chết (bất tử), thì lúc ấy sẽ ứng nghiệm lời đã chép: “Sự chết bị nuốt mất bởi sự đắc thắng.” “Hỡi sự chết, chiến thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, nọc độc của mầy ở đâu?” (I Cô 15:54-55).
Sứ đồ Phaolô cũng viết thế nào chúng ta được làm sống lại trong tâm linh với Đấng Christ:Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, do tình yêu lớn lao của Ngài, Ngài đã yêu chúng ta. Ngay cả khi chúng ta còn chết trong các vi phạm của mình, Ngài đã làm cho chúng ta được cùng sống lại với Đấng Christ. Ấy là nhờ ân sủng mà anh chị em được cứu và trong Đức Chúa Giê-su Christ, Ngài đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng được ngồi trên trời với Đấng Christ (Êph 2:4-6).
Chúa Giê-su nói với nhà lãnh đạo tôn giáo Nicôđem là ông phải được sanh lại (Gi 3:3). Lời Chúa qua môi miệng sứ đồ Phaolô hứa rằng, “Vậy nếu ai ở trong Đấng Christ, thì người ấy là một tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới” (II Cô 5:17). Lời tuyên bố này có nghĩa là chúng ta được thay đổi biến hóa từ bên trong ra ngoài. Sự sống lại của Đấng Christ ban cho chúng ta năng quyền để sống một cuộc đời mới. Chúng ta không còn bị trói buộc làm theo xác thịt mong muốn. Vì năng quyền của sự sống lại của Đấng Christ có sẵn cho chúng ta, chúng ta nhờ ân sủng Chúa có thể sống một cuộc đời vinh hiển, đáng tôn trọng và đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Sứ đồ Phaolô cũng nhấn mạnh sự sống lại của Đấng Christ minh chứng sứ phán xét sắp tới của Ngài: “Thế thì, Đức Chúa Trời đã bỏ qua thời kỳ ngu dốt đó; nhưng bây giờ, Ngài ra lệnh mọi người ở khắp mọi nơi phải ăn năn. Vì Ngài đã định một ngày để phán xét cả thế gian theo lẽ công chính qua một Người Ngài đã lập, và để xác nhận cho thẩm quyền của Người đó trước mọi người, Ngài đã làm cho Người đó sống lại từ cõi chết” (Công 17:30-31).
Sự sống lại của Chúa Giê-su là sự minh chứng quyền năng Ngài là Con Đức Chúa Trời và là Thẩm phán tối cao, Đấng mà chúng ta phải đối diện và khai trình vào ngày tận thế tại tòa án chung thẩm tối cao của Nước Đức Chúa Trời. Đối với nhiều người, quan niệm về sự phán xét thật là kinh khiếp cho chúng ta suy nghĩ, nhưng khi phớt lờ hay làm ngơ chủ đề này thì nó cũng không thể gạt bỏ được hoặc làm cho nó biến mất. Vì Chúa là Thẩm phán tối cao của Nước Trời, cho nên nhiệm vụ của Ngài là sẽ phán xét người sống và kẻ chết khi Ngài quang lâm với đại quyền đại vinh.
Đức Chúa Trời hứa Ngài sẽ phán xét thế gian qua Đấng Christ, Đấng được xức dầu, Đấng Mếtsia. Sự thật một ngày gần đây khi tất cả chúng ta đều phải ứng hầu trước tòa án của Đấng Christ để mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hoặc ác mình đã làm lúc còn trong thân xác (IICô 5:10; Rô 14:10-12). Chúa kêu gọi chúng ta đến gần với Ngài, kháng cự chống lại tội ác và chọn đức công chính để sống công bình khi còn trên đất. Khi chúng ta đọc lời Chúa trong Tân Ước, chúng ta thấy sứ điệp của sự phán xét sắp tới là một phần không thể thiếu khi trình bày, công bố Tin Mừng Nước Trời của Hội Thánh đầu tiên cho dân tộc Do Thái. Trong khi chúng ta được kêu gọi phải thương xót và chớ phán xét người khác, tuy nhiên chúng ta đang hướng về Ngày mà chúng ta ứng hầu trước Chúa Tể của hoàn vũ trong cõi vĩnh hằng. Sự mong đợi này cần phải truyền cảm hứng lòng và linh hồn chúng ta để chúng ta hết lòng phục vụ Đấng Christ, mở mang Hội Thánh Chúa, trung tín biện giải, bảo vệ đức tin, và truyền bá Phúc Âm của Ngài cho đến khi Ngài quang lâm.
SỰ SỐNG LẠI LÀ SỨ ĐIỆP CHÍNH CỦA HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN
Sự sống lại của Đấng Christ là cốt lõi của sứ điệp mà Hội Thánh Chúa đã được sinh ra đời giữa một văn hóa thù nghịch. Khi chúng ta đọc, học, và nghiên cứu Thánh kinh cách kỹ lưỡng, đặc biệt trong sách Công vụ các sứ đồ, chúng ta thấy có ít nhất “mười biến cố quan trọng xảy ra trong lịch sử Hội Thánh Chúa” liên quan đến sứ điệp về sự sống lại của Đấng Christ mà các sứ đồ trình bày trong nhiều nước khác nhau, thường là cho những nhà lãnh đạo lỗi lạc – có tôn giáo hay thế tục không có tôn giáo.
Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, năm mươi ngày sau khi Đấng Christ bị đóng đinh. Sứ đồ Phierơ lên tiếng công bố về Chúa Giê-su cho người Do Thái ở thành Giê-ru-sa-lem:
“Thưa đồng bào I-sơ-ra-en, xin hãy nghe tôi nói đây: Chúa Giê-su người Naxarét đã được Đức Chúa Trời xác chứng trước anh chị em bằng những việc quyền năng, phép lạ, và dấu kỳ. Qua Ngài, Đức Chúa Trời đã thực hiện những điều đó giữa anh chị em như chính anh chị em đã biết. Ngài đã bị phản nộp theo kế hoạch đã định và theo sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ông đã mượn tay những kẻ gian ác đóng đinh Ngài trên cây thập tự và giết đi. Nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài sống lại, giải thoát Ngài khỏi nỗi thống khổ của sự chết, vì sự chết không thể cầm giữ Ngài được” (Công 2:22-24).
Đoàn dân đông kinh ngạc khi một người què được chữa lành: “Đức Chúa Trời của Abraham, Đức Chúa Trời của Isác và Đức Chúa Trời của Giacốp, Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã tôn vinh đầy tớ Ngài là Chúa Giê-su, Đấng mà anh chị em đã bắt nộp và chối bỏ trước mặt Philát trong khi ông ấy có ý định phóng thích Ngài. Anh em đã khước từ Đấng Thánh và Đấng Công Chính mà lại xin tha cho một kẻ sát nhân. Anh chị em đã giết Chúa của sự sống, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài sống lại từ cõi chết; chúng tôi là những nhân chứng cho điều đó” (Công 3:13-15).
Khi nói với các nhà cầm quyền Do Thái sau khi người què được chữa lành: “Xin tất cả quý vị và toàn dân I-sơ-ra-en hãy biết rằng: Ấy là nhờ danh của Chúa Giê-su Christ người Naxarét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh trên cây thập tự, và Đức Chúa Trời đã làm sống lại từ cõi chết; chính nhờ danh Ngài mà người nầy được lành mạnh và hiện đứng trước mặt quý vị đây” (Công 4:10).
Các môn đệ bị các nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái đe dọa vì họ tiếp tục công bố về Chúa Giê-su: “Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã làm cho Chúa Giê-su sống lại, là Đấng mà các ông đã treo trên cây gỗ và giết đi. Đức Chúa Trời đã tôn Đấng ấy lên bên phải Ngài làm Vua và Cứu Chúa để ban sự ăn năn và sự tha tội cho dân Isơraen. Chính chúng tôi là những nhân chứng cho các việc ấy cùng với Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho những người vâng lời Ngài.” Khi nghe những lời nầy thì họ giận điên lên và bàn mưu giết các sứ đồ (Công 5:30-33).
Khi Tin Mừng đến với dân ngoại: “Thể nào Đức Chúa Trời đã xức dầu cho Chúa Giê-su người Naxarét bằng Đức Thánh Linh và quyền năng, rồi Ngài đi khắp nơi làm việc nhân đức và chữa lành tất cả những người bị tà ma ác quỷ khống chế, vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài. Chúng tôi là những nhân chứng về mọi điều Ngài đã làm ở Giuđê và Giê-ru-sa-lem. Người ta đã treo Ngài trên cây gỗ mà giết đi. Nhưng ngày thứ ba, Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại và hiện ra cách tỏ tường, không phải cho cả dân chúng, mà cho chúng tôi là những nhân chứng Đức Chúa Trời đã chọn trước, tức là những người đã ăn uống với Ngài sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. Ngài đã truyền dạy chúng tôi phải rao giảng cho dân chúng, và minh chứng Ngài là Đấng Đức Chúa Trời đã lập lên để phán xét người sống và kẻ chết. Tất cả các nhà tiên tri đều làm chứng rằng ai tin Ngài thì nhờ danh Ngài được tha tội” (Công 10:38-43).
Trong Nhà hội Do Thái: “Vì dân chúng và các vị lãnh đạo của họ ở thành Giê-ru-sa-lem không nhận biết Chúa Giê-su, cũng không hiểu các lời tiên tri mà người ta thường đọc mỗi ngày Sabát. Tuy nhiên, khi kết án Ngài, họ đã làm cho những lời tiên tri ấy được ứng nghiệm. Mặc dù chẳng tìm thấy lý do nào để lên án tử hình, họ vẫn yêu cầu Philát giết Ngài. Khi họ đã làm ứng nghiệm mọi điều chép về Ngài rồi thì hạ Ngài xuống khỏi cây thập tự và an táng trong mộ. Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại từ cõi chết. Trong nhiều ngày, Ngài đã hiện ra cho những người theo Ngài từ Galilê lên Giê-ru-sa-lem; hiện nay họ đều làm chứng về Ngài cho dân chúng. Còn chúng tôi thì rao truyền cho anh em Tin Mừng mà Đức Chúa Trời đã hứa cho tổ phụ chúng ta rằng Ngài đã làm ứng nghiệm lời hứa đó cho chúng ta, là con cháu của họ, bằng cách khiến Chúa Giê-su sống lại, như đã chép trong Thi Thiên thứ hai: ‘Con là Con Ta, ngày nay Ta đã sinh ra Con.’ Ngài đã khiến Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, không bao giờ bị hư nát, như lời Ngài đã phán: ‘Ta sẽ ban cho các con phước hạnh thánh và chắc chắn mà Ta đã hứa với Đavít.’ Do đó, một Thi Thiên khác cũng có nói: ‘Chúa sẽ không để cho Đấng Thánh Ngài thấy sự hư nát.’ Thế mà sau khi phục vụ cho mục đích của Đức Chúa Trời trong thời đại mình, vua Đavít đã qua đời, được chôn cất bên cạnh các tổ phụ mình và đã thấy sự hư nát; còn Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm cho sống lại không hề kinh nghiệm sự hư nát” (Công 13:27-37).
Giới thiệu Tin Mừng trong thành Thêsalônica: “Theo thói quen, Phaolô đến nhà hội; trong ba ngày Sabát, ông biện luận với họ, lấy Thánh kinh giải thích và chứng minh rằng Đấng Christ phải chịu khổ hình, rồi sống lại từ cõi chết. Ông nói: “Chúa Giê-su nầy, Đấng tôi rao truyền cho các ông đây chính là Đấng Christ.” Một số người trong họ được thuyết phục đi theo Phaolô và Sila; cũng có rất nhiều người Hi Lạp vốn thờ kính Đức Chúa Trời, và khá đông quý bà thuộc giới thượng lưu tin Chúa nữa” (Công 17:2-4).
Tại Athen giữa những thành phần trí thức ưu tú đang cầm quyền trong xã hội: “Thế thì, Đức Chúa Trời đã bỏ qua thời kỳ ngu dốt đó; nhưng bây giờ, Ngài ra lệnh mọi người ở khắp mọi nơi phải ăn năn. Vì Ngài đã ấn định một ngày mà Ngài sẽ lấy sự công chính phán xét thế gian bởi Người Ngài đã lập. Và để xác chứng cho mọi người thấy, Ngài đã khiến Người sống lại từ cõi chết.” Khi nghe nói về sự sống lại từ cõi chết, một số người chế giễu, nhưng một số khác lại nói: “Chúng tôi muốn nghe ông nói chuyện nầy một lần nữa” (Công 17:30-32).
Trước Thống đốc: “Vì thế, khi họ đến đây, để khỏi mất thời gian, tôi chủ trì phiên tòa ngay hôm sau và ra lệnh dẫn đương sự đến. Các nguyên cáo đều đứng trước tòa, nhưng không thể buộc tội đương sự được một tội ác nào như tôi tưởng. Họ chỉ tranh luận về vài điều trong đạo riêng của họ và về một ông Giê-su nào đó đã chết, mà Phaolô cứ quả quyết vẫn còn sống” (Công 25:17-19).
Trước Một Vị Vua: “Nhưng tôi được Đức Chúa Trời phù hộ cho đến ngày nay, và vì vậy, tôi đứng đây làm chứng cho những người thấp kém lẫn những bậc chức quyền, không nói gì khác hơn là điều các nhà tiên tri và Môise đã báo trước phải xảy ra: tức là Đấng Christ phải chịu khổ hình, và là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, để rao truyền ánh sáng cho dân Do Thái cũng như các dân ngoại” (Công 26:22-23).
Khi sách Công Vụ Các Sứ Đồ kết thúc, Sứ đồ Phaolô đang ở thành Rôma, chờ đợi ứng hầu trước Hoàng đế Sêsa vì tội giảng Tin Mừng Nước Đức Chúa Trời, ngay cả vinh quang sống lại của Đấng Christ. Tôi tin rằng sứ đồ Phaolô vẫn còn mãnh mẽ đứng dậy dũng cảm lên tiếng nói với Sêsa, như ông đã từng nói với Thống đốc, các vua chúa, và những bậc trí thức ưu tú thượng lưu, công bố sự sống lại của Đấng Christ từ cõi chết, và nói cho họ biết Ngài là Đấng đang cầm quyền tối cao trên đất, và là Thẩm phán tối cao của Nước Trời, và Ngài là Chúa của các chúa, Vua của các vua (Khải 17:14; ITim 6:15). Chính Chúa Giê-su là Đấng sẽ phán xét người sống và kẻ chết khi Ngài trở lại thiết lập Vương Quốc Ngài, làm Vua tể trị vũ trụ (IITim 4:1).
Thật vậy, Chúa Giê-su là Chúa của lịch sử – Chúa của trời đất là Đấng Christ – Chúa Cứu Thế của đức tin. Sự sống lại của Đấng Christ tách biệt Ngài khỏi những giáo chủ và tách biệt Cơ Đốc giáo khỏi tất cả những tôn giáo của thế gian. Thánh kinh đã cho chúng ta thấy biến cố quan trọng này để xác minh đặc tính của Chúa Giê-su và chân lý của lời Ngài. Nếu ai có thể bày tỏ Đấng Christ không sống lại, vậy thì đức tin Cơ đốc sẽ minh chứng sai.
Sự giải thích tốt nhất về sự kiện Chúa bị đóng đinh, ngôi mộ trống, những sự hiện ra của Chúa cho các môn đệ thấy sau khi cái chết của Ngài, và sự nổi lên đột ngột của đức tin Cơ đốc là Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết. Biến cố vĩ đại này là cốt lõi của sứ điệp hùng hồn mà các môn đệ Chúa giảng dạy và truyền bá cho muôn dân trên toàn thế giới. Chân lý và năng quyền của sự sống lại của Đấng Christ mạnh mẽ thuyết phục, buộc các sứ đồ và môn đệ Ngài phải đi đến đế quốc thù nghịch La mã và công bố Đức Giê-su Christ là Chúa, chứ không phải Sêsa. Đây là sứ điệp thật quyền năng và hùng hồn mà họ sẵn sàng hi sinh mạng sống mình vì Tin Mừng vì Đấng Christ là Đấng họ tôn thờ và phục vụ và họ cũng biết rằng Chúa Cha yêu mến, vô cùng quý trọng họ vì họ hầu việc Đấng Christ. Vì thế mà Sứ đồ Phaolô viết: “Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi, và chúng tôi nghĩ rằng nếu một người đã chết vì mọi người, thì mọi người đều đã chết. Và vì Ngài đã chết thay cho mọi người, để những người đang sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình” (2 Cô 5:14-15). Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi (Ga 2:20).
Đồng thời, do lòng kính sợ Chúa và vì là Đại sứ của Đấng Christ, các sứ đồ và môn đệ Ngàicố gắng thuyết phục mọi người phải giải hòa với Đức Chúa Trời (IICô 5:11,20), và cũng vì tình yêu của Đấng Christ cảm động thúc giục họ và họ không còn sống cho mình nữa, nhưng sống cho Đấng đã chết và đã sống lại cho họ (II Cô 5:14-15). Thêm vào đó, họ cũng không dám bất tuân khải tượng từ trời và đại mạng lệnh tối cao của Chúa, Vua Nước Thiên Đàng (Công 26:19; Mat 28-18-20).
Ở các nước Phương tây, ngay cả ở Á châu hay Việt Nam, chúng ta thường nghe các vị mục sư truyền đạo truyền giảng ân sủng và tình yêu của Chúa trên thập tự giá. Vì ấy là sứ điệp nổi bật trong những buổi chiến dịch truyền giảng trong các ngôi nhà thờ cũng như ngoài trời. Dĩ nhiên tình yêu của Đức Chúa Trời đã thúc đẩy Ngài sai Chúa Giê-su đến thế gian để cứu vớt nhân loại. Tuy nhiên, chỉ sự chết và sự sống lại của Ngài mới thành toàn đại mạng lệnh, sứ mạng cao trọng này.
Do đó, sự sống lại của Đấng Christ từ cõi chết là đề tài thật tuyệt vời, thật hùng hồn, thật năng quyền trong sự rao truyền, giảng dạy của các sứ đồ thời bấy giờ, chứ không phải tình yêu hay ân sủng của Đức Chúa Trời. Nhưng trong các thư tín của sứ đồ Phaolô, ông nhấn mạnh tình yêu và ân sủng của Chúa, “Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu lớn của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta” (Rô 5:8). Thần học mà nói, vì chính tình yêu của Đức Chúa Trời mà Chúa Giê-su phải đến cây thập tự, chịu khổ hình, đổ huyết ra, chết đền tội cho nhân loại. Vì vậy mà Thánh kinh mạnh mẽ công bố, “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời. Vì Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến thế gian không phải để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con mà được cứu” (Gi 3:16-17). Con Một ấy chính là Chúa Giê-su Christ, Cứu Chúa của nhân loại. Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian! (Gi 1:29). Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta đã được bày tỏ trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài đến trần gian để chúng ta nhờ Con ấy mà được sống. Tình yêu thương ở trong điều nầy: Không phải chúng ta đã yêu thương Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con Ngài làm tế lễ chuộc tội chúng ta (1Gi 4:9-10).
Khi viết điều này không có nghĩa là tôi coi nhẹ đề tài tình yêu hoặc ân sủng vĩ đại này, hoặc không hề giảng về tình yêu hay ân sủng của Đức Chúa Trời hoặc cho rằng hai đề tài này không quan trọng. Tôi chỉ phản ánh kinh nghiệm sống, kinh nghiệm phục vụ Chúa của sứ đồ Phierơ và sứ đồ Phaolô khi hai người được Đức Thánh Linh soi dẫn cảm thúc công bố Tin Mừng quyền năng của Đấng Christ và sự sống lại của Đấng Christ khi đối diện với thế giới thù nghịch của để quốc La mã, một hệ thống đen tối gian ác chống cự lại Đạo của Chúa cách tàn nhẫn và dã man trong thời bấy giờ. Sứ điệp hùng hồn mà các sứ đồ Chúa công bố, truyền giảng, bày tỏ năng quyền của sự sống lại của Đấng Christ làm cho Hội Thánh Ngài đạt được kết quả vì nhiều người được cứu, đem vào Hội Thánh, bất chấp khó khăn hay bắt bớ mà dường như không thể vượt qua được. Vì thế nếu chúng ta muốn kết quả như Hội Thánh đầu tiên, thì chúng ta phải giảng sứ điệp năng quyền của sự sống lại của Đấng Christ mà các sứ đồ Chúa đã từng giảng. Mùa Phục sinh năm nay quý mục sư truyền đạo là đầy tớ Đức Chúa Trời tối cao sẽ giảng sứ điệp gì để đồng bào mình được cứu? được cứu khỏi tội và sự phán xét lớn sắp đến?
Anh chị em yêu dấu, sự sống lại của Đấng Christ là tâm điểm của Cơ Đốc giáo! Suốt cả lịch sử nhân loại, những nhà cách mạng, những vị anh hùng, những nhà lãnh đạo chính trị, những giáo chủ, những vĩ nhân đến rồi đi, nhưng Đức Giê-su, danh tiếng của Ngài vẫn còn sống mãi trong lòng của nhiều người trải qua bao nhiêu thời đại và tư tưởng của Ngài thật quang vinh muôn đời! Đồng thời, Ngài cũng luôn sống mãi trong lòng trong linh hồn của những người kính yêu Ngài.
Hêrốt không thể giết Ngài, Satan không thể cám dỗ Ngài, tử thần không thể tiêu diệt Ngài, mồ mả kinh khiếp không thể cầm giữ được Ngài! Vì Đức Giê-su là Đấng Hằng Hữu. Ngài là Đấng Tạo Hóa vĩnh hằng. Trước khi Abraham sinh ra đời, Ngài đã hiện hữu, Ngài đã tồn tại. Ai thấy Ngài là thấy Cha. Ai thấy Ngài là thấy chính Giavê Đức Chúa Trời tối cao. Ngài là Con đường. Ngài là Chân lý. Ngài là Nguồn sống. Không ai có thể đến cùng Cha là Đức Chúa Trời, Đấng siêu việt nếu không bởi Ngài. Ngài là Đấng Mếtsia, là Đấng Christ. Ngài là Cha của cõi vĩnh hằng. Ngài là Chiên Con. Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Ngài là Con Đức Chúa Trời. Ngài là Ngôi Lời vĩnh hằng. Ngài là Chúa là Vua đời đời. Ngài là Đấng Hằng Sống, Ngài cầm chìa khóa của tử thần và âm phủ vì Ngài có quyền trên tử thần hay sự chết. Vì thế mà Ngài phán, “Không ai có quyền cất lấy mạng sống Ta. Nhưng Ta tự mình phó cho. Ta có quyền phó mạng mình và Ta có quyền lấy lại” (Gi 10:18). Ngài phán, “Ta là Sự sống lại và Ta là Sự sống đời đời. Người nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dù đã chết rồi. Còn ai sống mà tin Ta thì sẽ không bao giờ chết” (Gi 11:25-26).
Vì thế mà nhà thần học kỳ cựu đáng kính TS James Packer chia sẻ vài cảm tưởng mình về sự sống lại của Ngài như sau, “Biến cố phục sinh bày tỏ thần tính của Chúa Giê-su; xác nhận sự giảng dạy của Ngài có giá trị và chính đáng; chứng nhận công việc đền tội của Ngài được hoàn thành vì tội lỗi; xác nhận quyền tể trị hiện giờ và sự xuất hiện sắp đến của Ngài như vị Thẩm phán; đảm bảo chúng ta sự tha thứ, sự hiện diện, và năng quyền cá nhân của Ngài trong đời sống của nhiều người hôm nay là sự thật; đảm bảo sự hiện thân của mỗi tín hữu bởi sự sống lại của Ngài trong thế giới sắp đến.”
Anh chị em yêu dấu, không có sự sống lại của Đấng Christ thì không có Cơ Đốc giáo. Không có sự sống lại của Đấng Christ, thì không có Hội thánh và chúng ta cũng không nên đi nhà thờ vì đây chỉ là một câu lạc bộ tôn giáo mà thôi. Nhưng Tin Mừng là Đấng Christ thực sự đã sống lại từ cõi chết. Hiện Ngài đang sống, đang sống trong lòng, trong cuộc đời của biết bao người trên thế giới. Hiện Ngài đang ngồi bên phải Đức Chúa Trời trên Nước Thiên Đàng. Chúa Giê-su cũng đang sống trong lòng của anh chị em và tôi bởi Thánh Linh Ngài. Anh chị em và tôi chứng kiến điều đó, kinh nghiệm điều đó. Ấy là thực tại của Chúa, Ngài đang sống, đang tồn tại trong linh hồn của những kẻ dấu yêu của Ngài. Thật vậy, trong Chúa chúng ta được sống, hoạt động, và hiện hữu (Công 17:28).
Vì thế Chúa Giê-su phán, “Ta sẽ xây dựng Hội Thánh của Ta, và các cửa âm phủ sẽ không thắng được Hội Thánh ấy” (Mat 16:18). Thật vậy, không quyền lực của âm phủ nào có thể thắng được Hội Thánh mà Chúa Giê-su xây dựng. Hiện kẻ thù của Tin Mừng và những kẻ ghét Chúa có thể bách hại, đe dọa, giết chết các thánh đồ của Ngài. Nhưng khi Chúa Giê-su quang lâm, Ngài sẽ làm cho các thánh đồ chết trong Ngài, sống lại từ cõi chết và được Ngài hoanh nghênh tiếp đón vào Vương quốc đời đời của Ngài. Đồng thời, khi Chúa Giê-su quang lâm, kẻ thù của Tin Mừng và những kẻ ghét Đức Chúa Trời sẽ bị Chúa phán xét nặng nề trước toà án chung thẩm Nước Trời và chính Chúa Giê-su sẽ hủy diệt chúng và linh hồn chúng sẽ bị trừng phạt khổ hình đời đời trong hỏa ngục kinh khiếp, nơi mà Chúa nói, ‘lừa không hề tắt, giòi bọ không hề chết.’ Sứ đồ Phaolô viết: “Bấy giờ kẻ gian ác sẽ xuất hiện, và Chúa là Đức Chúa Giê-su sẽ giết chết nó bằng hơi thở từ miệng Ngài, hủy diệt nó bằng hào quang khi Ngài quang lâm” (2 Tê 2:8).
Anh chị em ơi, sự sống lại của Đấng Christ là một sự kiện lịch sử. Sự chết, sự chôn cất, và sự sống lại của Chúa Giê-su là trung tâm của mọi lịch sử loài người. Trong sự sống lại của Chúa Giê-su Christ từ cõi chết, quyền năng Đức Chúa Trời được thể hiện, bày tỏ cho cả vũ trụ biết Ngài là Chúa. Quyền năng của sự sống lại của Chúa Giê-su trực tiếp ảnh hưởng cách sâu xa cả cuộc đời chúng ta – quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Anh chị em còn nhớ không? Sau khi Chúa Giê-su bị đóng đinh, chịu thương khó, chịu chết trên cây thập tự, các môn đệ của Ngài đã thất vọng và họ cảm thấy bị đánh bại, không biết tương lai mình sẽ đi về đâu, vì Thầy của mình đã chết rồi. Nhưng vài ngày sau, sau khi Chúa sống lại từ cõi chết, Ngài hiện ra cho họ thấy chính Ngài, hứa ban Đức Thánh Linh cho họ và quyền phép trên cao sẽ giáng trên họ. Sau khi họ được mặc lấy quyền phép từ trên cao bởi Thánh Linh, họ trở nên mạnh mẽ, đứng dậy trong thành Giê-ru-sa-lem công bố Phúc Âm, giảng Tin Mừng cách dạn dị, với thái độ tinh thần dũng cảm không sợ hãi. Họ giống như sư tử gầm thét, công bố Tin Mừng với quyền năng Thánh Linh và quyền uy của Chúa từ trên cao. Họ tiếp tục giảng đạo Chúa mặc dầu họ bị bách hại, bỏ tù, đánh đập hay tran tấn. Chúa hứa với họ, “Nhưng ít ngày nữa các ngươi sẽ được báptem bằng Đức Thánh Linh. Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, các ngươi sẽ nhận lãnh quyền năng và làm những nhân chứng của Ta tại Giê-ru-sa-lem, khắp miền Giuđê, miền Samari, cho đến tận cùng trái đất” (Công 1:5,8).
Sau khi Chúa Giê-su ban cho các môn đệ đại mạng lệnh và phán với họ rằng: “Tất cả thẩm quyền trên trời dưới đất đã giao cho Ta. Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đệ Ta, hãy nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh làm báptem cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến ngày tận thế” (Mat 28:18-20). Từ khi đó trở đi, các môn đệ Chúa đi ra trong năng quyền, công bố sự sống lại của Ngài, làm chấn động cả thế giới. Điều gì đã xảy ra cho họ? Điều gì đã xảy ra trong họ? Điều gì đã biến đổi họ, cuộc đời họ từ trong ra? Họ thấy Chúa của họ sống lại từ cõi chết! Chúa hiện ra cho họ thấy chính Ngài!
Chính sứ đồ Phaolô đã ghi lại tường trình của các môn đệ Chúa sau khi Ngài sống lại từ cõi chết, “Ngài đã hiện ra cho Sêpha (Phierơ), rồi cho nhóm mười hai sứ đồ. Sau đó, cùng một lúc, Ngài hiện ra cho hơn 500 anh em; phần lớn trong số nầy hiện vẫn còn sống, nhưng có vài người đã ngủ rồi. Ngài cũng hiện ra cho Giacơ, sau đó cho tất cả các sứ đồ. Sau hết, Ngài cũng hiện ra cho tôi (Phaolô) như cho một người sinh sau đẻ muộn. Vì tôi là người hèn mọn nhất trong các sứ đồ, một người không đáng được gọi là sứ đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Nhưng nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời mà tôi được như ngày nay, và ân sủng của Ngài ban cho tôi không phải là vô ích. Trái lại, tôi làm việc nhiều hơn tất cả những người khác; nhưng nào phải tôi mà là ân sủng của Đức Chúa Trời ở với tôi. Vậy, dù tôi hay các sứ đồ thì đó là điều chúng tôi rao giảng và là điều anh em đã tin” (ICô 15:5-11).
Có một người nọ đi gặp người bạn là nhà tâm lý học và nói nếu 500 người cho rằng họ đã thấy Chúa Giê-su sống lại sau khi Ngài chết, có phải đây chỉ là một ảo giác? Thì nhà tâm lý trả lời, ‘Những ảo giác là một biến cố cá nhân. Còn nếu 500 người có cùng ảo giác, ấy là một phép lạ lớn.’
Các môn đệ thấy Chúa của họ sống lại từ cõi chết. Chúa đã ban cho họ quyền năng và quyền uy để công bố Tin Mừng Nước Đức Chúa Trời, chữa lành các bịnh tật, giải cứu nhiều người khỏi tà ma ác quỷ và quyền lực của bóng tối. TS John Stott, môt học giả lỗi lạc, nay đã về với Chúa, mạnh mẽ tuyên bố, “Sự biến đổi của các môn đệ là sự kiện vĩ đại nhất cũng vì sự sống lại của Chúa Giê-su.” Thật vậy, sự sống lại của Chúa Giê-su là biến cố vĩ đại và quan trọng nhất trong lịch sử thế giới và nhân loại và nó căn cứ vào sự kiện lịch sử rõ ràng và mãnh liệt nhất mà không ai có thể chối cãi được.
Tiếc thay, có những nhà hoài nghi vô thần mỗi năm thỉnh thoảng vào mùa Phục sinh, đưa ra những lý thuyết này lý thuyết nọ trên truyền hình BBC ở Anh hoặc ABC ở Mỹ. Mục đích của họ là làm cho nhiều người tin Chúa nghi ngờ về sự sống lại của Chúa từ cõi chết, và cố tìm cách cản trở người khác đến với Chúa Giê-su để nhận sự sống đời đời. Thánh kinh có kể lại lòng vô tín của một sứ đồ của Chúa. Sau khi Chúa sống lại, Ngài hiện ra cho các môn đệ nhưng Thôma vắng mặt. Các môn đệ nói với Thôma: “Chúng tôi đã thấy Chúa.” Nhưng Thôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh trong hai bàn tay Ngài, nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào chỗ có dấu đinh, và đặt bàn tay tôi vào hông Ngài, tôi sẽ không tin. Sau đó, Chúa hiện ra lần thứ hai, đứng giữa họ và nói: “Bình an cho các ngươi!” Rồi Ngài bảo Thôma: “Hãy để ngón tay con vào đây và xem hai bàn tay Ta, cũng hãy đưa bàn tay con ra và đặt vào hông Ta. Đừng vô tín, nhưng hãy tin!” Thôma trả lời và nói với Ngài, “Lạy Chúa của con và Đức Chúa Trời của con!” Chúa Giê-su nói với Thôma: “Có phải vì thấy Ta nên con tin chăng? Phước cho những người chẳng hề thấy mà tin!” (Gi 20:24-29).
Đối với tôi, sau khi đọc Thánh kinh kỷ càng, nghiên cứu biết bao tài liệu sách vỡ thần học Cựu ước và Tân ước và biện giáo học về sự sống lại của Chúa, làm tôi càng tin cậy nơi Chúa Giê-su và sự sống lại của Ngài hơn bao giơ cả. Mặc dù tôi không thấy Ngài đi nữa nhưng tôi vẫn tin Ngài như lời Ngài phán và tôi cảm thấy được khích lệ và truyền cảm hứng khi nghe Ngài nói, “Phước cho những người không thấy mà tin!” Đúng vậy, mặc dù tôi chưa thấy Ngài với con mắt xác thịt, nhưng tôi vẫn tin Ngài vì nhờ ân sủng bởi đức tin, tôi thấy Ngài, và tôi thấy Ngài với con mắt tâm linh, con mắt đức tin của tôi, và những sự kiện mà Thánh kinh ghi lại, và tôi đã tin cậy Ngài, giao phó cả cuộc đời mình cho Ngài. Dù chưa thấy Ngài, nhưng tôi vẫn yêu mến Ngài vì Ngài đã yêu tôi trước và đã phó mạng sống mình vì tôi. Hiện tôi sống, nhưng không sống cho tôi, nhưng sống cho Ngài vì Ngài, và công bố rao truyền Tin Mừng của Ngài bằng mọi hình thức, ngay cả qua Facebook vì Ngài là Chúa và Cứu Chúa của tôi.
Huyền nhiệm và chân lý quan trọng chúng ta phải luôn nhớ:
Là Cơ đốc nhân, mặc dù chúng ta không thấy Ngài với con mắt trần, nhưng tâm linh mà nói, sự thật mà nói chúng ta thấy Ngài bằng con mắt tâm linh, con mắt đức tin, và kinh nghiệm Ngài trong chúng ta, trong lòng chúng ta, trong linh hồn chúng ta bởi Thánh Linh Ngài ngay bây giờ. Thật ra, Đức Chúa Trời trong Đấng Christ và bởi Thánh Linh Ngài đang ở trong chúng ta, đang ở với chúng ta như lời Ngài hứa ban Thánh Linh: “Nếu các con yêu mến Ta thì sẽ vâng giữ các điều răn Ta. Ta sẽ cầu xin Cha, Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An Ủi khác để ở với các con đời đời, tức là Thần Chân Lý mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì không thấy và không biết Ngài. Nhưng các con biết Ngài vì Ngài đang ở với các con, và sẽ ở trong các con. Ta không để các con mồ côi đâu, Ta sẽ đến với các con. Không bao lâu, thế gian sẽ chẳng còn thấy Ta nữa, nhưng các con sẽ thấy Ta. Vì Ta sống thì các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ biết rằng Ta ở trong Cha Ta; các con ở trong Ta, và Ta ở trong các con. Ai có các điều răn của Ta và vâng giữ, ấy là người yêu mến Ta. Người nào yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu thương, Ta cũng sẽ yêu thương người, và bày tỏ chính Ta cho người” (Gi 14:15-21) và Chúa và phán: “Tất cả thẩm quyền trên trời dưới đất đã giao cho Ta. Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đệ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế” (Mat 28:29-30).
Lời Chúa phán, “Ai kêu cầu danh Chúa đều sẽ được cứu.” Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Không có người rao giảng thì nghe cách nào? Nếu chẳng có ai được sai đi thì làm sao rao giảng? Như có lời chép: “Bàn chân của những người truyền rao Tin Mừng thật xinh đẹp biết bao!” (Rô 10:13-15; Êsai 52:7).
Ôi tôi thật yêu câu nói cao trọng tuyệt vời này, “Bàn chân của những người truyền rao Tin Mừng thật xinh đẹp biết bao!” Vì thế mà tôi biết rằng chỉ Tinh Lành của Đấng Christ mới có thể cứu linh hồn của loài người khỏi tội và sự phán xét sắp tới khi Ngài quang lâm. Linh hồn tôi lấy làm sung sướng biết bao, khi biết tội mình được tha, linh hồn mình được cứu, và tên mình được ghi trên trời trong Sách Sự Sống của Ngài.
Vì thế sau khi đọc Lời Chúa, kinh nghiệm tình yêu bao la của Chúa như sứ đồ Phaolô mô tả là ông, “cầu nguyện để anh chị em ở Hội Thánh Êphêsô đâm rễ và vững lập trong tình yêu thương; để cùng với tất cả các thánh đồ, và họ có thể thấu hiểu chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu của tình yêu ấy, và biết được tình yêu của Đấng Christ, là tình yêu vượt quá mọi sự hiểu biết, để họ được tràn đầy mọi sự sung mãn của Đức Chúa Trời” (Êph 3:17-19). Cho nên sau khi kinh nghiệm tình yêu vô biên của Chúa, tôi không thể nào im lặng, mà chỉ biết công bố sự chết và sự sống lại của Ngài cho đến khi Ngài đến (Công 11:26; IPhê 1:3; ICô 15:14).
Linh hồn tôi cảm thấy được an ủi và gây dựng khi đọc những dòng chữ của sứ đồ Phierơ, người chăn bầy, khích lệ Hội Thánh Chúa và con cái Ngài ngày xưa để có niềm hi vọng, nhờ sự sống lại của Đấng Christ từ cõi chết, trong lúc chịu thử thách: “Chúc tụng Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-su Christ! Bởi lòng thương xót dư dật của Ngài, chúng ta được tái sinh để có một hi vọng sống, nhờ sự sống lại từ cõi chết của Chúa Giê-su Christ, và hưởng một cơ nghiệp không hư hoại, không hoen ố, không suy tàn, để dành trên Thiên Đàng cho anh em, là những người nhờ đức tin được gìn giữ bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, để nhận sự cứu rỗi là điều sẵn sàng bày tỏ ra trong thời kỳ cuối cùng! Hãy vui mừng về điều ấy, dù bây giờ anh em còn chịu đau buồn trong ít lâu bởi muôn vàn thử thách; để đức tin của anh em sau khi được thử nghiệm sẽ quý hơn vàng — dù vàng đã được thử lửa, vẫn có thể hư hoại — đem lại sự ca ngợi, vinh quang và tôn trọng khi Chúa Giê-su Christ hiện đến. Dù chưa thấy Ngài, anh em vẫn yêu mến Ngài, dù chưa gặp Ngài anh em vẫn tin Ngài, và hân hoan trong niềm vui rạng ngời, khôn tả; vì anh em nhận được thành quả của đức tin, là sự cứu rỗi linh hồn mình” (IPhi 1:3-9).
Sự thật mà nói, kẻ thù của Tin Mừng luôn tìm mọi cách chống đối chê cười nhạo báng Đạo Chúa, nhưng không ai trên đời này, ngay cả bác sĩ phẫu thuật hay nhà khoa học đại tài và uyên thâm nào có thể sản xuất thi hài của Chúa. Ngôi mộ của Ngài thật sự trống không! Nếu có người nói, “Đây là thi hài của Giê-su thì Cơ Đốc giáo sẽ không còn tồn tại và sẽ biến mất trong chốc lát.” Nhưng Đấng Christ, Ngài đã sống lại từ cõi chết. Ngài thực sự sống lại từ cõi chết. Ngài đã hiện ra cho rất nhiều người thấy. Hiện Ngài đang sống, và Ngài đang ngồi trên ngai của Ngài trong Nước Đức Chúa Trời, và Ngài đang sống trong lòng trong linh hồn của những người yêu kính Ngài.
Do đó mà sứ đồ Phaolô viết lên những lời biện giải thật hùng hồn, mạnh mẽ, năng quyền, và sâu sắc trong sách Côrinhtô thứ nhất đoạn 15 nhấn mạnh sự sống lại của Đấng Christ, “Nếu Đấng Christ không sống lại thì đức tin của anh em cũng vô ích” (ICô 15:17). Đi nhà thờ mỗi tuần, đi thông công mỗi tuần, đi học Thánh kinh mỗi tuần, đi cầu nguyện mỗi tuần, làm việc thiện giúp người nghèo mỗi tuần, nấu chào cho bệnh nhân trong bệnh viện mỗi tuần, sống cuộc sống Cơ đốc mỗi tuần chỉ là những sự tập luyện vô dụng không đáng kể, không ích lợi gì nếu chính Chúa Giê-su và thân thể Ngài không sống lại từ cõi chết. Không có sự sống lại của Đấng Christ, chúng ta có thể quên mất Đức Chúa Trời, Hội Thánh, và làm theo những luân thường đạo lý của người đời và chúng ta chỉ biết ăn uống vì ngày mai chúng ta sẽ chết! (ICô 15:32).
Trái lại, nếu Đấng Christ sống lại từ cõi chết, thì Ngài hiện đang sống giữa chúng ta ngay giờ phút này, và chúng ta có thể biết Ngài cách cá nhân và có mối quan hệ mật thiết với Ngài. Trong sách Côrinhtô thứ nhất đoạn 15 từ câu 1 đến câu 58 cho chúng ta sự đảm bảo và chắc chắn tội chúng ta được tha. Sứ đồ Phaolô đã mạnh mẽ nói điều này, “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh chị em những gì chính tôi đã nhận lãnh, đó là Ðấng Christ đã chịu chết vì tội chúng ta theo lời Thánh kinh” (c3) và Đấng Christ đã đánh bại bẻ gãy quyền lực của tử thần (hay sự chết), đúng vậy, “Tử thần bị nuốt mất trong sự đắc thắng” (c54).
Nói cách khác, “Tử thần bị Đấng Toàn Năng Chiến Thắng tiêu diệt.” Hơn nữa Chúa hứa chúng ta cũng sẽ sống lại một ngày nào đó, “Do Chúa Cứu Thế mọi người đều sẽ sống lại” (c22). Vì thế mà chúng ta có thể tin cậy Đấng Christ vì Ngài là Đấng siêu việt tối cao cầm quyền trên thế giới và cả vũ trụ này, “Vì Đức Chúa Trời bắt vạn vật đầu phục dưới chân Ngài. Khi nói vạn vật đầu phục Ngài, tất nhiên ngoại trừ Đức Chúa Trời, là Đấng khiến vạn vật đầu phục Chúa Cứu Thế” (c27). Và Ngài sẽ ban cho chúng ta sự chiến thắng cuối cùng (c57) và chương trình cho cuộc đời chúng ta. Cho nên sứ đồ Phaolô mới khuyến khích những người đã và đang phục vụ Đấng Christ với những lời khích lệ như sau, “Vậy thưa anh chị em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh chị em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (c58). Và chính Đấng Christ nói với các môn đệ Ngài rằng, “Ai phục vụ Ta sẽ được Cha Ta quý trọng” (Gi 12:26). Thật vậy, ai phục vụ Đấng Christ, Đấng sống lại từ cõi chết, thì Chúa Cha sẽ tôn quý, tôn trọng, hay quý trọng người ấy! Chúa, Đức Chúa Trời, ngày xưa Ngài đã phán rằng, “Vì hể ai tôn kính Ta, Ta sẽ tôn trọng người ấy (ISam 2:30).
Hỡi độc giả dấu yêu, hiện Chúa Giê-su đang ngồi trên Ngai Đức Chúa Trời trong Nước Thiên Đàng cầu thay cho Hội thánh Ngài, cho các thánh nhân của Ngài, cho anh chị em, cho tôi là những người được cứu chuộc bởi huyết báu của Ngài. Chúa Giê-su sẽ quang lâm để đem chúng ta về Thiên Quốc. Chúa sẽ lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà đến cùng các thiên sứ thánh của Ngài. Ngày tương gần đây, “Chúa sẽ lau ráo mọi giọt nước mắt khỏi mắt chúng ta. Sự chết sẽ không còn nữa; tang chế, đau buồn, khóc than sẽ không còn nữa” (Khải 21:4).
Anh chị em có thấy Chúa trong đời sống mình? Quý vị có tin, Chúa Giê-su đang ở với anh chị em bởi Thánh Linh Ngài không? Thánh Phaolô nói, “Không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; bây giờ tôi sống trong thân xác nầy là sống trong đức tin vào Con Đức Chúa Trời, Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi” (Gal 2:20).
Anh chị em có kinh nghiệm Đấng Christ sống lại chưa? Có thể, anh chị em đi nhà thờ nhiều năm nhưng không bao giờ cảm nghiệm, kinh nghiệm, gặp Đấng Christ hằng sống trong cuộc đời mình. Anh chị em đi nhà thờ cả đời nhưng không bao giờ cầu nguyện tương giao với Ngài, kinh nghiệm sự hiện diện của Ngài trong đời sống mình vì anh chị em không sống bởi quyền năng sống lại của Ngài. Anh chị em ơi, Chúa đang ở đây, Ngài đang ở với chúng ta trong khi chúng ta đọc dòng chữ này. Ngài đang ở giữa chúng ta bởi Thánh Linh Ngài. Ngài là Immanuen – Đức Chúa Trời ở với chúng ta.
Anh chị em yêu dấu, nếu anh chị em không biết Chúa Giê-su và chưa bao giờ kinh nghiệm tình yêu, ân sủng, và lòng thương xót của Ngài. Tôi mời anh chị em đến với Ngài ngay bây giờ, mời Ngài vào tâm hồn để làm Chúa làm vua của đời mình. Thánh kinh phán, “Vì nếu miệng ngươi thành thật xưng nhận Chúa Giê-su là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại từ cõi chết, ngươi sẽ được cứu” (Rô 10:9). Là người tin cậy Chúa Giê-su và cuộc đời mình cho Ngài, chúng ta được kể là công chính bởi sự chết và sự sống lại của Ngài (Đấng Christ).
Quý vị đã kinh nghiệm quyền năng sống lại của Đấng Christ trong lòng anh chị em chưa? Để xin Ngài tha thứ tất cả tội lỗi mà mình đã từng vi phạm. Quý vị phải nhìn nhận mình là tội nhân, không thể tự cứu mình khỏi tội, ăn năn tội mình, và tin nhận Chúa Giê-su Christ chết trên cây thập tự vì tội của mình. Ngài được chôn và Ngài là Con Đức Chúa Trời – Ngài sống lại từ cõi chết. Quý vị hãy tiếp nhận Giê-su, Đấng sống lại làm Chúa Cứu Thế và Chúa đời mình. Quyền năng duy nhất trong vũ trụ có thể giải quyết tội lỗi của quý vị, mặc cảm phạm tội của quý vị, thất bại của quý vị là quyền năng sống lại của Chúa Giê-su Christ.
Khi quý vị tin cậy Chúa Giê-su hằng sống làm Chúa Cứu Thế và Chúa của đời mình, thì quyền năng sống lại của Đấng Christ sẽ cất đi tất cả tội lỗi mình. Với quyền năng sống lại của Ngài đang sống trong chúng ta, không gì mà chúng ta không thể thắng được, ngay cả ma quỷ và quyền lực tối tăm.
Anh chị em yêu dấu, bạn có yêu mến Đức Chúa Trời không? Anh chị em có yêu Chúa Giê-su không? Nếu anh chị em yêu kính Chúa Giê-su với tất cả linh hồn thì cuộc đời anh chị em sẽ không chấm dứt với cái chết đâu. Anh chị em sẽ sống lại từ cõi chết khi anh chị em nghe tiếng gọi của Con Đức Chúa Trời – Chúa Cứu Thế Giê-su.
Chúa Giê-su phán, “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi, giờ sắp đến và bây giờ đã đến, khi người chết sẽ nghe tiếng Con Đức Chúa Trời, và ai nghe sẽ sống.” “Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin Ta sẽ sống, mặc dù đã chết rồi. Còn ai đang sống mà tin Ta sẽ không bao giờ chết!” (Gi 5:24; 12:25-26).
Đức Chúa Trời có năng quyền làm cho chúng ta sống lại trong Ngài vì Chúa Giê-su sống lại. Quyền năng của sự sống lại của Ngài không chỉ thắng sự chết của mình, nhưng một ngày gần đây nó sẽ tiêu diệt Satan và sự cầm giữ tử thần của nó trên tất cả chúng ta.
Đấng Christ phải trị vì cho đến khi Ngài đặt mọi kẻ thù của Ngài dưới chân Ngài. Và kẻ thù cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết… Khi vạn vật đầu phục Chúa Cứu Thế, đến lượt chính Ngài đầu phục Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời cầm quyền tuyệt đối (ICô 15:25-26,28).
Vì Chúa Giê-su đã từ cõi chết sống lại, những Cơ đốc nhân chân thật tin theo Ngài không bao giờ phải sợ Satan, ma quỷ, ngay cả sự chết nữa. Sự sống lại của Chúa đã làm rúng động quyền lực của hỏa ngục. Những ác quỷ phải run sợ khi chúng biết Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết.
NHƯNG SỰ THẬT CHÚA GIÊ-SU ĐÃ TỪ CÕI CHẾT SỐNG LẠI
Sứ đồ Phaolô khẳng định và mạnh mẽ lý giải rằng, ‘Nếu Chúa Giê-su đã không sống lại thì sự giảng dạy của chúng tôi là vô ích, và đức tin của anh chị em cũng vô ích.’ Tuy nhiên, nếu Chúa Giê-su thực sự sống lại thì chân lý Ngài là tuyệt đối, có nghĩa là nếu Cơ Đốc giáo là thật, thì tất cả các tôn giáo khác đều giả.
Hồi giáo không thật. Ấn Độ giáo không thật. Do Thái giáo không thật. Phật giáo không thật và dĩ nhiên chủ nghĩa vô thần nhất định là giả rồi. Vì thế nền tảng Cơ Đốc giáo được dựng trên chân lý sự sống lại của Chúa Giê-su, nhưng nền tảng của tất cả các tôn giáo khác gồm cả chủ nghĩa vô thần và niềm tin về thuyết tiến hóa, không dựa vào sự sống lại. Nếu Chúa Cha không làm cho Chúa Giê-su sống lại thì sự giảng dạy của mọi người khác đều vô nghĩa và họ là các tiên tri giả, giáo sư giả.
Cơ đốc giáo và Do Thái giáo không thể thật cùng một lúc. Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết hoặc Ngài không sống lại từ cõi chết. Cơ Đốc giáo và Hồi giáo không thể thật cùng một lúc. Thần Allah của Hồi giáo đã tha cho Ngài khỏi bị đóng đinh hoặc là Chúa Giê-su chịu chết và Chúa Cha làm cho Ngài sống lại từ cõi chết. Hai điều nầy không thể thật cùng một lúc. Cơ Đốc giáo và Chủ nghĩa vô thần không thể thật cùng một lúc. Đức Giê-su là Chúa hoặc Ngài không phải là Chúa.
Nhưng sự thật là Ðức Chúa Giê-su đã từ cõi chết sống lại. Vì Ngài sống lại từ cõi chết, chúng ta có thể tin cậy rằng Lời của Ngài là chân lý, Lời của Ngài là thật và đáng tin cậy. Lời của Chúa Giê-su chính là Lời của Đức Chúa Trời. Sự sống lại của Chúa Giê-su là sự minh chứng hùng hồn nhất rằng ‘Ngài chính là Con Đức Chúa Trời và là Đức Chúa Trời ngôi hai. Ngài cũng là Thẩm phán tối cao, Đấng mà loài người chúng ta phải đối diện vào ngày tận thế tại tòa án chung thẩm tối cao của Nước Trời.’
Vì Chúa Giê-su là Chúa của các chúa, Vua của các vua, và là Thẩm phán tối cao của Nước Trời, cho nên nhiệm vụ của Ngài tất nhiên là sẽ phán xét loài người, người sống và kẻ chết, ngay cả phán xét ma quỷ, các quyền thống trị, các thế lực, các kẻ nắm quyền bá chủ thế giới mờ tối nầy, và các thần dữ ở các nơi trên trời khi Ngài quang lâm với đại quyền đại vinh trong sự oai nghi của Ngài.
MSTS Christian Le
Admin SỨ ĐIỆP CỦA SỰ SỐNG