Vườn Ê đen mới

Đức Tin Cứu Chuộc – MS Vũ Ngọc Văn


Đức tin cứu chuộc Luca 17:11-19

Lễ giáng sinh là lễ vui mừng đón Chúa giáng sinh, là mùa gia đình đoàn viên vui mừng và cũng là dịp tạ ơn, nhớ đến những người thân, người ơn và tặng quà đền đáp ân tình. Chúng ta có cảm tạ Chúa vì đã đến thế gian cứu vớt mình không?
Chủ đề bài giảng là đức tin cứu chuộc, thế thì đức tin hay niềm tin có nghĩa là gì. Nhiều người chỉ tin vào chính mình, vào khả năng hay tài trí của mình, nhưng rồi bi kịch đã xảy ra, trắng tay, nghèo đói và khốn khổ khiến mọi giá trị bị đảo lộn. Thế là người ta lại phó thác đời mình cho số phần nghiệt ngã, và phong thủy trở thành thời trang! Nhưng không ai biết ngày mai cái gì sẽ xảy ra mà lo tính trước.
Kinh thánh cho biết: Không có đức tin, thì không thể làm hài lòng Đức Chúa Trời; vì người nào đến gần Đức Chúa Trời thì phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài. Heboro 11:6.

Đức tin đúng là tin rằng có Đức Chúa Trời và đấng ấy sẽ thưởng cho người hết lòng tìm kiếm Ngài. Chúa phán: Các con sẽ tìm ta, và gặp được khi các con tìm kiếm ta hết lòng. Gieremi 29:13. Chúng ta có hết lòng tìm kiếm Chúa?

Đức tin giúp bệnh được chữa lành
Rất nhiều người tìm kiếm Chúa trong khi bệnh hoạn và tuyệt vọng và nhiều người đã được chữa lành. Lu-ca cho chúng ta biết rằng Chúa Jesus đang trên đường đi đến Jêrusalem để chịu chết đền tội cho người tin Ngài ở đó.
Trên tuyến đường được này, có miền Samaria và Galilê. Trên đường đi Chúa gặp mười người bị bệnh phong cùi trong một ngôi làng.
Theo Levi ký 13:45 người đã bị bệnh phung phải xé quần áo, đầu trần, che râu lại và la rằng: Ô uế! Ô uế! Để người khác không lại gần và bị lây sự ô uế!
Thành ra. những người này đã không dám lại gần, mà đứng ở một khoảng cách và kêu lên: Lạy Jêsus, lạy Thầy xin thương xót chúng tôi. Họ kêu gọi Chúa là vì nhu cầu cần được chữa bệnh và như thế là đủ để Ngài chú ý đến lời cầu xin thương xót của họ.
Ngài nhìn họ và nói: Hãy đi trình diện với các thầy tế lễ. Thầy tế lễ sau khi khám sẽ xác nhận, ai bị bệnh phong cùi và ai đã lành bệnh. Nên khi sai họ đi gặp thầy tế lễ, Chúa Jesus muốn nói rằng nếu vâng theo lời Chúa thì họ sẽ được chữa lành!
Tất cả 10 người đều tin lời phán của Chúa, ra đi với niềm tin đó để đến gặp thầy tế lễ và trên đường đi cả mười người đều được chữa lành bệnh.
Các thầy tế lễ sau khi khám có quyền quyết định ai là người được lành bệnh và không bị ô uế theo nghi lễ nữa. Được chữa lành bệnh phung là sự vui mừng và phước hạnh lớn. Được lành rồi thì được phép gần gũi thân nhân, và những người lân cận quen biết, được phép vào nhà hội, vào đền thờ gần gũi hội thánh và nhất là không lo bị chết sớm vì căn bệnh hiểm nghèo.
Ngày nay, nhiều người tin Chúa đã được chữa lành khỏi các bệnh mà bác sĩ đã chê, hay được cứu khỏi nghiện ngập các loại ma túy, ma men, làm hủy hoại cuộc sống, nhiều người được cứu đã trở thành chứng nhân cho Chúa, giúp cho người khác cũng được phước như mình.
Đức tin giúp được chữa lành và đức tin giúp được cứu chuộc khác nhau thế nào?

Đức tin được cứu chuộc
Một người trong số họ, là người Sa-ma-ri sống ở miền trung Do thái, thấy mình đã khỏi bệnh thì không chạy đến gặp các thầy tế lễ nữa. Ông đã trở lại với Chúa vì đã tin nhận rằng Chúa cứu thế Jesus chính là nguồn phước hạnh đến từ Đức Chúa Trời.
Người Sa-ma-ri được chữa lành đã quay lại và dâng lên Chúa lời tạ ơn nồng nhiệt bằng cách sấp mình xuống trước Chúa, dấu hiệu của sự tôn kính, thờ phượng Đức Chúa Trời và cảm ơn Ngài vì sự chữa lành của mình.
Người Sa-ma-ri không thuộc Do Thái giáo và do đó không bị ràng buộc vào luật truyền thống là phải đi gặp thầy tế lễ để được chứng nhận mình được chữa lành, nhưng lại là người duy nhất hiểu rằng Chúa Jesus là đấng quyền năng và là Đức Chúa Trời.
Chúa Jêsus phán: Không phải mười người đều được sạch cả sao? Nhưng chín người kia đâu? Chẳng ai trở lại tôn vinh Đức Chúa Trời ngoại trừ người ngoại quốc nầy sao?
Chúa thất vọng vì chín người Do Thái thuộc tuyển dân của Chúa, nhưng đã không đến với Ngài, sau khi được hưởng sự chữa lành từ Ngài, họ tiếp tục đi theo ý mình, không có lời tạ ơn nào dành cho Chúa Jesus, có thể họ nghĩ là số phần may mắn đã cứu mình, quên đi rằng chính đức tin đã chữa lành bệnh cho mình!!
Chúa Jesus nhấn mạnh đến lòng biết ơn của một người dù là không thuộc tuyển dân của Chúa, nhưng giờ đây lại thực sự thuộc về Chúa, và là dân của Ngài.

Chúa Jêsus nói với người Sa-ma-ri: Hãy đứng dậy, đức tin của con đã cứu con.
Chỉ có người Sa-ma-ri nhận được một phước lành đặc biệt là sứ điệp cứu rỗi mà chính Chúa phán cho ông, trong khi chín người kia chỉ được tuyên bố là bệnh cùi của họ được lành.
Người Sa-ma-ri đã tìm thấy Chúa, đã trải nghiệm quyền năng đầy ân điển của Đức Chúa Trời trong việc chữa lành bệnh phong cùi của mình, và đó là lý do ông trở lại tôn vinh Chúa và thờ phượng Ngài.
Bệnh cùi thời đó được coi như là bất trị và cuộc sống khổ đau trong sự chết dần, về mặt tôn giáo họ bị mọi người xa lánh vì bị coi là ô uế, dơ bẩn. Ai chạm vào họ sẽ bị lây ô uế.
Được chữa lành thật là điều kỳ diệu. Nhưng 9 người được phước lớn đã vô ơn, họ đã nhận được phước, nhưng không phải là phước đời đời.
Người biết ơn Chúa, nhận Ngài là Chúa thì được trở nên con cái Đức Chúa Trời và là công dân thực sự trong vương quốc đời đời của Đức Chúa Trời.
Câu hỏi đáng buồn là: Chín người kia đâu rồi? Họ đã từng là ai? bây giờ họ đang ở đâu? Được lành rồi thì sống thêm nhng cuối cùng cũng sẽ phải về nơi gió cát.
Người nào tôn trọng ơn lành nhận được thì xứng đáng nhận được ân điển lớn hơn!
Người Samari khiêm tốn trong lời cầu xin; can đảm tin cậy lời Chúa dạy! Và biết ơn lành của Chúa rồi thì vui mừng tạ ơn.
Sự thương xót tạm thời sau đó sẽ được nhân đôi và ngọt ngào hơn đối với chúng ta, khi được tiếp nhận bằng những lời cầu nguyện của đức tin và được đáp trả bằng những lời khen ngợi của đức tin.
Con người mong chứng kiến phép lạ, và vì thương xót Chúa đã làm phép lạ để cứu họ, nhưng Ngài sẽ không tiếp tục làm phép lạ, khi con người không có lòng tin. Chính tại thành Na-xa-rét quê hương của Ngài, Chúa đã không làm nhiều phép lạ, vì chúng không có lòng tin. Mat 13:58
Nhiều lần trong Kinh thánh Chúa Jesus đã phán: đức tin của con đã chữa lành con
Thật ra đức tin của người Samari đã không chữa lành ông được, mà chính Chúa Jêsus đã làm điều đó. Tuy nhiên, Chúa đã đưa ra một bài học quan trọng ở đây.
Đức tin lay động bàn tay Thiên Chúa để làm những điều phi thường, kỳ diệu. Khi chúng ta hết lòng tin Chúa về điều gì đó, Ngài sẽ đáp lại bằng cách thực hiện điều đó.
Đức tin của những người phong cùi là niềm tin tưởng vào lòng thương xót và quyền năng của Chúa, họ đang tuyệt vọng và Chúa Jesus là niềm hy vọng duy nhất của họ nên họ được lành, nhưng nếu chỉ là đức tin tìm kiếm ơn phước thì chỉ nhận được ơn lành nhỏ bé nhất trần gian. Cũng có người cho rằng, chỉ cần tin Chúa mạnh mẽ, cầu nguyện lớn, mạnh và nhiều thì Chúa sẽ nghe và ban ơn phước khiến bệnh hoạn sẽ được lành và phước ơn đầy dẫy, nhưng đây không phải là công thức ma thuật khiến Chúa Jêsus bắt buộc phải chữa lành và ban phước. Chúa không phải là cái máy bán thức ăn hay nuớc uống, chỉ cần bỏ vài đồng vào và nhấn nút thì sẽ ra bánh ngọt, hay lon Coke.
Dù Chúa hứa sẽ nghe lời cầu xin của các tấm lòng đau thương thống hối, nhưng cũng không phải con người cứ tin, cứ cầu nguyện mạnh mẽ thì Chúa phải chữa lành! Không ai có thể dựa vào những câu Kinh thánh bị tách ra khỏi văn mạch để ép Chúa làm theo ý họ.
Khi Chúa hành động, Ngài không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì, nhưng Ngài luôn đáp lại lòng tin cậy bằng tình yêu và lòng thương xót của mình.
Cũng cần lưu ý rằng Đức Chúa Jesus khen ngợi đức tin của người Sa-ma-ri vì ông đã quay lại ca ngợi Đức Chúa Trời và biết ơn Chúa về những gì đã xảy ra.
Chúng ta đã từng nhận nhiều ơn phước của Chúa, có quay lại, có nhìn lại để tạ ơn Ngài, hay lại oán trách tại sao Ngài không làm phép lạ, không chữa lành và ban phước nữa!

Vào thời Chúa Jesus, người Do Thái và người Samari sống trong mối quan hệ căng thẳng với nhau. Lời hứa cứu rỗi cho dân Y-sơ-ra-ên ban đầu nhắm vào người Do Thái và phải được thực hiện, trước khi các dân tộc khác như người Sa-ma-ri có thể được nhập vào dân Chúa.
Tuy nhiên, trong câu truyện này, khi cứu người Samari, Chúa Jesus đồng thời đã tuyên bố qua sứ mạng của Ngài, rằng thời kỳ cứu chuộc cho nhân loại đã bắt đầu.
Con người chúng ta có thể cảm nghiệm được sự hiện diện vương quốc của Ngài khi chúng ta mở lòng ra đón nhận chính Chúa. Người Sa-ma-ri đã mở lòng mình ra với Chúa, đón nhận chính Ngài và thờ phượng Ngài. Đức tin của ông đã thật sự chữa lành cho ông!
Chín người được chữa lành vô ơn trong dụ ngôn của Luca nói với chúng ta điều gì? Chúng kể cho chúng ta về những cơ hội bị bỏ lỡ trong cuộc đời mình, về những sự chữa lành hay ơn phước mà chúng ta đã coi là tình cờ, may rủi và đương nhiên vì tài trí của mình.
Bài học dạy cho chúng ta biết về nền văn hóa biết ơn. Niềm vui và lòng biết ơn có thường xuyên xảy ra trong sự ban cho và nhận lãnh của mình không?

Bất cứ khi nào chúng ta cảm biết được sự chữa lành thiên thượng trong cuộc sống của mình, không phải chỉ là chữa bệnh nan y, mà chữa lành các thói hư tật xấu, chữa lành lòng gian ác, ích kỷ, tham lam khiến trở nên người tốt lành, vui vẻ và có ich cho người khác, thì lúc ấy chúng ta có thể tin rằng đức tin của mình đang cứu chính mình!
Và chỉ khi chúng ta biết rằng cái chết của mình sẽ là dấu lạ chữa lành cuối cùng, cho phép chúng ta bước vào vương quốc của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ ở với Chúa đời đời trong vui mừng và phước hạnh.
Ước mong rằng chúng ta có thể phân biệt được niềm tin để được chữa lành, được ban phước về vật chất và tinh thần trong đời này, khác với niềm tin để được cứu chuộc, trong đó chẳng những những Thân, hồn và linh được vui mừng, bình an, và phước hạnh, mà tất cả phước hạnh ấy còn kéo dài đến đời đời.

Mong rằng thông điệp của Chúa về đức tin cứu rỗi sẽ được ứng nghiệm trong đời sống của chúng ta, là những người tin cậy Chúa, biết ơn và phục vụ Ngài.
Mến chúc ông bà, anh chị em và các cháu đêm giáng sinh vui mừng, phước hạnh và năm mới 2025 tràn đầy sức khoẻ, niềm vui và ơn phước Chúa. Amen.

MS Vũ Ngọc Văn

Ngày đăng: 12/23/2024