Vườn Ê đen mới
LÀM SAO CÓ THỂ CÓ BA NGÔI TRONG MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI? Tiến sĩ Christian Le
Làm sao Chúa có thể là ba mà vẫn là một? Đây không phải là một mâu thuẫn sao? Có vẻ như Chúa có thể là một mà không phải là ba, hoặc là ba mà không phải là một. Nhưng Chúa không thể vừa là ba vừa là một cùng một lúc. Điều đó sẽ vi phạm luật cơ bản nhất của tư tưởng, cụ thể là luật phi mâu thuẫn.
Trước hết, niềm tin của Cơ đốc giáo vào Chúa Ba Ngôi gồm ba ngôi vị trong một Chúa không phải là một mâu thuẫn. Mâu thuẫn chỉ xảy ra khi một cái gì đó vừa là A vừa không phải là A cùng một lúc và theo cùng một nghĩa. Chúa vừa là ba vừa là một cùng một lúc nhưng không cùng một nghĩa. Ngài là ba ngôi vị nhưng về bản chất là một. Ngài là ba ngôi vị nhưng chỉ là một về bản chất.
Sẽ là một mâu thuẫn khi nói rằng Chúa có ba bản chất trong một bản chất hoặc ba ngôi vị trong một ngôi vị. Nhưng không phải là một mâu thuẫn khi tuyên bố rằng Chúa có ba ngôi vị trong một bản chất. Chúa giống như một hình tam giác. Đồng thời nó có ba góc nhưng lại chỉ là một hình tam giác. Mỗi góc không giống với toàn bộ hình tam giác.
1 x 1 x 1 = 1. Chúa không phải là 1 + 1 + 1 = 3, tức là tam thần giáo hay đa thần giáo. Chúa là một Chúa, hiện hữu vĩnh hằng và đồng thời trong ba ngôi vị riêng biệt.
Chúa là tình yêu (1 Giăng 4:16). Nhưng để có tình yêu, phải có một người yêu (Chúa Cha), một người được yêu (Chúa Con) và một tinh thần yêu thương (Chúa Thánh Linh). Vì vậy, bản thân tình yêu là một tam vị nhất thể.
Một minh họa khác về Chúa Ba Ngôi là Chúa giống như tâm trí, ý tưởng và lời nói của tôi. Có một sự thống nhất giữa chúng, nhưng chúng lại khác biệt với nhau. Tất nhiên, Chúa Ba Ngôi là một điều huyền nhiệm. Nó vượt trên lý trí mà không đi ngược lại lý trí. Chúng ta có thể hiểu được nó, nhưng chúng ta không thể hiểu hoàn toàn nó. Như một người đã từng nói một cách khôn ngoan, “Nếu chúng ta cố gắng hiểu Chúa hoàn toàn, chúng ta có thể mất trí, nhưng nếu chúng ta không tin nơi Chúa Ba Ngôi một cách chân thành, chúng ta sẽ mất linh hồn!”
GIÁO LÝ BA NGÔI CÓ MÂU THUẪN, PHÙ HỢP VỚI THÁNH KINH KHÔNG?
Cũng thế Thiên Chúa là Chúa Ba Ngôi—mặc dù ‘từ Ba ngôi’ không có trong Thánh Kinh, nhưng sự dạy dỗ về Chúa Ba Ngôi thì quá rõ ràng trong Thánh Kinh. Thật vậy, Ba ngôi Thiên Chúa đã được mạc khải cách huyền nhiệm, rõ ràng, và đầy năng quyền trong Thánh Kinh. Chúa phán với các môn đệ, Tất cả thẩm quyền trên trời và dưới đất đã giao cho Ta. Vậy hãy đi làm cho mọi dân trở thành môn đồ Ta; hãy nhân danh Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa Con, và Ðức Thánh Linh làm báp-tem cho họ, và dạy họ giữ tất cả những gì Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế (Mat 28:18-20). Ba Ngôi Thiên Chúa có nghĩa là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Linh đều là thần cả nhưng thân vị lại riêng biệt, nhưng không phải là ba chúa mà chỉ một Chúa mà thôi (Phục 6:4; Es 44:6).
Hội Thánh, trong lịch sử, đã xác định giáo lý Chúa Ba Ngôi, đề cập đến sự thống nhất Ba ngôi của Thiên Chúa. Những người hoài nghi thường phản đối giáo lý Chúa Ba Ngôi cho rằng Cơ đốc nhân thờ ba vị thần (ba chúa). Tuy nhiên, Cơ đốc nhân chính thống chưa bao giờ thờ ba vị thần (ba chúa). Thay vào đó, họ tôn thờ một Đức Chúa Trời trong ba ngôi vị – Cha, Con và Thánh Linh. Giáo sư biện giáo Norman Geisler nhận xét, Ba Ngôi vượt trên lý trí nhưng không chống lại lý trí… nó phức tạp nhưng không mâu thuẫn.
Một sự hiểu biết rõ ràng về vai trò và mối quan hệ của ba ngôi vị trong Thiên Chúa Tam Nhất sẽ chứng minh rằng Ba Ngôi không phải là một sự mâu thuẫn, mà là một sự hiểu biết thiết yếu về dữ liệu Thánh Kinh. Chỉ có một Thiên Chúa. Ba ngôi vị được gọi là Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị là khác biệt. Sự dạy dỗ chính của cả Do Thái giáo và Cơ đốc giáo là sự đồng nhất của Thiên Chúa. Phục truyền 6:4 tuyên bố, Hỡi I-sơ-ra-en! Hãy nghe: Gia-vê, Đức Chúa Trời chúng ta là Chúa có một không hai. Sứ điệp rõ ràng suốt cả Cựu Ước là Đức Chúa Trời có một không hai. Mười Điều Răn bao gồm điều này: Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác (Xuất 20:3). Ta là Chúa, ngoài Ta không có thần nào khác. Ngoài Ta không có Đức Chúa Trời nào khác (Es 45:5).
Trong Tân Ước, khi Chúa Giê-su được hỏi về điều răn quan trọng nhất, Ngài bắt đầu bằng cách khẳng định lời dạy này và nói, Điều răn quan trọng nhất là, ‘Hỡi I-sơ-ra-en, hãy lắng nghe, Chúa, Đức Chúa Trời chúng ta là Chúa duy nhất (Mác 12:29). Các bức thư của sứ đồ Phaolô nhiều lần ghi nhận Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời có một và là Cha của mọi người: Chỉ có một Đức Chúa Trời, Cha của mọi người, Ngài ở trên mọi người, giữa mọi người và trong mọi người (Êph 4:6); Nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời là Cha; mọi vật do Ngài sáng tạo và chúng ta sống cho Ngài; và chỉ có một Chúa là Chúa Cứu Thế Giê-su, nhờ Ngài mọi vật hiện hữu và chúng ta cũng nhờ Ngài mà sống (1 Cô 8:6); Vì chỉ có một Đức Chúa Trời và một Đấng Trung Gian giữa Đức Chúa Trời và loài người, là Chúa Cứu Thế Giê-su, cũng là người (1 Ti 2:5). Rôma 3:30 khẳng định rõ ràng Đức Chúa Trời là một. Ngài cũng được gọi là Đức Chúa Trời duy nhất (Gi 1:18; 5:44; 1 Ti 1:17; Giu 1:25), loại trừ khả năng có bất cứ vị thần nào khác. Giacơ 2:19 lập luận rằng, Bạn tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời, bạn tin đúng; ngay cả ma quỷ cũng tin như vậy và run sợ. Cả Cựu Ước và Tân Ước đều nhấn mạnh rõ ràng sự kiện là chỉ có một Đức Chúa Trời chân thật và duy nhất.
Đức Chúa Trời Tam Nhất tồn tại với tư cách là ba ngôi vị riêng biệt, nghĩa là Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Con hay Chúa Thánh linh; mỗi ngôi vị là Đấng riêng biệt. Đầu tiên, Cha được gọi là Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Đức Chúa Trời là Cha chúng ta ở trên trời (Mat 6:9). Đức Chúa Trời cũng là Cha tâm linh, Cha về phần hồn hoặc Cha thiên thượng chúng ta (Hê 12:9). Những người thờ phượng thật thờ phượng Cha trong Thánh Linh và trong lẽ thật [chân lý] (Gi 4:23). Ngài được gọi là Cha chúng ta (Rô 1:7), Cha (Gi 5:54; 6:27), và Đức Chúa Trời là Cha (2 Côr 1:3). Như đã nói ở trên, Đức Chúa Cha cũng được gọi là Đức Chúa Trời có một (1 Cô 8:6). Hơn nữa, Đức Chúa Cha được gọi là Cha của Chúa Giê-su Christ chúng ta (Rô 15:6).
Thứ hai, Đức Chúa Con được gọi là Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su khác biệt với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh trong đại mạng lệnh (Mat 28:18-20). Chúa Giê-su cũng đã nghe tiếng Chúa Cha khi Ngài chịu phép báp-tem (Mat 3:17) và Sự Hóa Hình (Mat 17:5). Chúa Giê-su đã nhiều lần thưa chuyện với Chúa Cha trong lời cầu nguyện, lưu ý đến sự giao tiếp giữa Cha và Con. Chúa Giê-su cũng khác với Chúa Thánh Linh, Đấng đã xuất hiện tại lễ báp-tem của Ngài và được Chúa Giê-su đề cập riêng trong Đại Mạng Lệnh. Tuy nhiên, Chúa Giê-su rõ ràng được tôn thờ như Đức Chúa Trời (Mat 8:2; 14:33; 15:25; 20:20; 28:17; Mác 5:6). Thôma gọi Chúa Giê-su là Chúa và Thiên Chúa: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! (Gi 20:28). Sứ đồ Phaolô gọi Chúa Giê-su như sau, Trong Ngài tất cả thần tính đầy đủ của Đức Chúa Trời ngự trong thân xác (Côl 2:9). Trong Giăng 8:58, Chúa Giê-su tuyên bố chính Ngài là Gia-vê, Đức Chúa Trời, Đấng Hằng Hữu. Ngài tuyên bố bình đẳng và vĩnh cửu với Chúa Cha. Lời tuyên bố này khiến những kẻ chống đối Ngài muốn giết Ngài. Trước khi Chúa Giê-su đến thế gian, Ngài là một với Đức Chúa Trời. Khi sứ mệnh của Ngài trên đất gần kết thúc, Chúa Giê-su xin Cha khôi phục lại vị trí danh dự và uy quyền ban đầu của Ngài mà Cha-Con đã từng cùng chia sẻ vinh quang trước khi dựng nên trời đất. Chúa Giê-su cầu nguyện: Cha ơi, xin Cha làm vinh hiển Con trước mặt Cha bằng vinh quang Con vốn có lúc ở cùng Cha trước khi có thế gian (Gi 17:5).
HÃY LƯU Ý: “Thánh Kinh là Lời Đức Chúa Trời đã mạc khải rõ ràng như vậy về Chúa Giê-su và thần tính hay thiên tính của Ngài, mà đối với một số Cơ đốc nhân hay tà giáo như Nhân Chứng Giêhôva, giáo lý về Chúa Ba Ngôi có vẻ không phù hợp với sự hiệp nhất của Đức Chúa Trời…. do đó họ đã phủ nhận nó và chấp nhận Chúa Giê-su Christ, không phải là Đức Chúa Trời nhập thể, mà là tạo vật cao nhất của Đức Chúa Trời Đấng đã tạo nên mọi thứ khác.”
Thứ ba, Chúa Thánh Linh được gọi là Đức Chúa Trời. Thánh Linh khác biệt với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con trong Đại Mạng Lệnh (Mat 28:18-20) cũng như tại Lễ báp-tem của Chúa Giê-su (Mat 3:17). Thánh Linh của Đức Chúa Trời tham gia vào sự sáng tạo, Ban đầu Đức Chúa Trời sáng tạo trời và đất. Lúc ấy, đất không có hình thể và còn trống không. Bóng tối bao trùm vực thẳm và Thần Linh của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước (Sáng 1:1-2). Thánh Linh cũng được đặc biệt gọi là Đức Chúa Trời trong Công vụ 5:3-4, Phêrơ hỏi: Anh Anania, sao anh để Satan đầy dẫy lòng anh, khiến anh nói dối Đức Thánh Linh mà giữ lại một phần số tiền bán đất? Khi miếng đất chưa bán, nó chẳng phải là của anh sao? Sau khi bán rồi, chẳng phải anh có quyền giữ số tiền đó sao? Tại sao anh chủ tâm làm điều ấy? Không phải anh dối gạt loài người đâu mà dối gạt Đức Chúa Trời. Thánh Linh có những thuộc tính mà chỉ Đức Chúa Trời mới có, bao gồm sự toàn năng (Thi 139:7-12) và toàn tri (1 Cô 2:10-11). Đức Thánh Linh được định nghĩa thêm là ngôi thứ ba của Đức Chúa Trời Tam Nhất trong những lời chúc tụng ban phước lành của Tân Ước, chẳng hạn như 2 Cô 3:14, và trong các câu bao gồm cả ba thân vị của Chúa Ba Ngôi (Hê 9:14). Chúa Thánh Linh là một ngôi vị riêng biệt của Thiên Chúa. Ngài không chỉ là hiện thân của Thiên Chúa; Ngài là Thiên Chúa (Đức Chúa Trời).
Trong Đại Mạng Lệnh, Chúa Giê-su bảo những người theo Ngài làm phép báp-tem cho những người mới tin Chúa nhân danh Cha và Con và Đức Thánh Linh (Mat 28:19). Học giả tiếng Hy lạp A.T. Robertson cho rằng phép báp-tem này nhân danh Chúa Ba Ngôi. Đây không phải là một ngôi vị (thân vị) có ba tên, mà là ba ngôi vị riêng biệt. Dù khác biệt, nhưng ba ngôi vị (thân vị) của Đức Chúa Trời Tam Nhất là một Đức Chúa Trời. Đây cũng là lý do tại sao sứ đồ Phaolô có thể viết về một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem, một Đức Chúa Trời và là Cha của mọi người (Êph 4:5-6). Các chú dẫn tham chiếu về phép báp-tem nhân danh Chúa Giê-su (Công 2:38; 8:12; 10:48: 19:5) không loại trừ Chúa Ba Ngôi, nhưng nhấn mạnh tính độc đáo của phép báp-tem Cơ đốc – đặc biệt đối với những người Do Thái tin Chúa. Tiến sĩ Grant Osborne nhận xét rằng: Có một thuyết thần học về Chúa Ba Ngôi trong Tân Ước, được thấy trong 1 Cô 12:4-6; 2 Cô 13:14; Êph 4:-4-6; và điều này phù hợp với từng thành viên của Đức Chúa Trời.
Thánh Kinh nói rằng Cha đã chọn những người tin qua Đức Con (Êph 1:4-5), tạo dựng thế giới qua Đức Con (Gi 1:2; 1 Cô 8:6; Hê 1:2) và sai Đức Con vào thế gian (Gi 3:16). Về Chúa Ba Ngôi, 2 Cô 1:21-22 nói: Chính Đức Chúa Trời đã lập vững chúng tôi với anh chị em trong Đấng Christ, và xức dầu cho chúng tôi. Ngài cũng đã đóng ấn Ngài trên chúng ta, và ban Thánh Linh của Ngài vào lòng chúng ta để làm bảo chứng. Cha, Con và Thánh Linh đều đóng những vai trò quan trọng trong đời sống của Hội thánh và trong đời sống của từng tín đồ. Chúng ta được mời gọi để thờ phượng trong Thánh Linh và trong lẽ thật (Gi 4:24), chịu phép báp-tem nhân danh Cha, Con và Thánh Linh (Mat 28:19), và sống vì vinh quang Đức Chúa Cha nhờ đức tin nơi Chúa Giê-su bởi quyền năng của Chúa Thánh Linh. Trong mỗi trường hợp, sự hiệp nhất ba ngôi của Đức Chúa Trời được thể hiện vì vinh quang của Ngài và vì lợi ích của chúng ta.
HUYỀN NHIỆM CỦA CHÚA BA NGÔI
Chúa Ba Ngôi là một quan niệm khó để hiểu thấu vì chúng ta là con người hữu hạn cố gắng giải thích một Đức Chúa Trời vô hạn là Đấng toàn năng, toàn tri, toàn quyền vượt xa hơn sự hiểu biết giới hạn của chúng ta. Nhưng một người kính sợ Chúa với lý trí thông minh sáng suốt được Đức Thánh Linh soi sáng đôi mắt tâm linh, đọc những lời giải thích sâu sắc, logíc và sự dạy dỗ rõ ràng từ Thánh Kinh sẽ cảm nhận nghịch lý của sự huyền nhiệm, và tin rằng niềm tin nơi Chúa Ba Ngôi không có sự mâu thuẫn, và niềm tin đó rất phù hợp với Thánh Kinh.
Ba Ngôi Đức Chúa Trời là một huyền nhiệm của Chúa nhưng huyền nhiệm ấy nằm ngoài sự hiểu biết của con người hoặc vượt trên mọi hiểu biết con người. Nhưng vì Chúa yêu thương loài người và Ngài muốn mạc khải chính Ngài cho con người biết Ngài là ai! Như xưa kia Chúa mạc khải—bày tỏ chính Ngài và nói với dân Do thái rằng: “Ta là Yahweh (Giavê—tức là Chúa), đó là Danh Ta. Ta sẽ không nhường vinh quang Ta cho ai khác. Ta cũng không nhường sự ca ngợi Ta cho các tượng thần vô tri” (Êsai 42:8).
Nhờ Đức Thánh Linh, chúng ta đã khám phá ra Lời Đức Chúa Trời đã mạc khải huyền nhiệm (mầu nhiệm) của Chúa Ba Ngôi trong Thánh Kinh. Cũng như ngày xưa, Chúa đã mạc khải sự huyền nhiệm sâu xa cho dân sự Ngài mà sứ đồ Phaolô đề cập đến—tức là huyền nhiệm đã giấu kín qua các thời đại và thế hệ, nhưng bây giờ được tỏ ra cho các thánh đồ của Chúa. Đức Chúa Trời muốn tỏ cho họ biết vinh quang phong phú của huyền nhiệm đó giữa dân ngoại, tức là Đấng Christ ở trong anh chị em, là hy vọng vinh quang. Chúng tôi truyền giảng Đấng Christ dùng tất cả sự khôn ngoan để cảnh cáo mọi người, dạy dỗ mọi người, ngõ hầu chúng tôi trình diện mọi người cho Đức Chúa Trời như những người trưởng thành trong Đấng Christ. Nhằm mục đích ấy, tôi đang lao khổ đấu tranh, nhờ tất cả quyền năng của Ngài đang tác động mạnh mẽ trong tôi” (Côl 1:26-29).
Do đó, chỉ có những người vô tín, mù tâm linh, lười biếng, dốt nát, không chịu sưu tầm, nghiên cứu, chịu học hỏi, và cố tình chống đối—không muốn tin “Chúa Ba Ngôi” mà chính Chúa Giê-su bày tỏ trong Thánh Kinh, mới cho là mâu thuẫn vì chúa của bóng tối—thần đời này đã làm mù lòng và tâm trí họ để họ không thấy ánh sáng Phúc Âm toả sáng vinh quang của Đấng Christ, chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời (2 Cô 4:4).
Sau khi nghiên cứu kỹ càng về Chúa Ba Ngôi, tôi có thể nói với lòng tin quyết mạnh mẽ rằng: “Không có Chúa Giê-su thật nếu không có Chúa Ba Ngôi vì chính Thánh Kinh và Chúa Giê-su là Đấng mạc khải—bày tỏ huyền nhiệm này cho chúng ta thấy Ba Thân Vị Thánh hoặc Ba Ngôi Vị Thánh: “Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Linh” trong sự dạy dỗ của Ngài. Cho nên nếu có ai nói cho bạn nghe về một Chúa Giê-su mà không có Chúa Ba Ngôi thì họ là tà giáo.”
Đáng buồn thay, những người này kể cả những người tin theo tà giáo thường khinh dể Phúc Âm cũng như Chúa Ba Ngôi và họ có thái độ mỉa mai, châm biếm, nhạo báng Phúc Âm và Chúa Ba Ngôi và tìm mọi cách bóp méo, xuyên tạc Lời Chúa và giáo lý chính thống và chân chính của Cơ đốc giáo đưa đến sự hủy diệt cho chính mình.
Do đó, chúng ta phải cầu xin Chúa khai sáng chúng ta bởi Thánh Linh để rồi con mắt lòng chúng ta được soi sáng, để hiểu biết huyền nhiệm của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cần ánh sáng của Chúa hơn bao giờ, ánh sáng đó cần thiết cho đôi mắt thể xác, ánh sáng đó cũng cần thiết cho đôi mắt tâm linh. Và đôi mắt tâm linh chúng ta cũng cần có ánh sáng mới thấy được thế giới tâm linh và quyền lực bóng tối chung quanh chúng ta. Vì vậy, Sứ đồ Phaolô đã cầu nguyện cho các tín hữu tại Hội thánh Êphêsô xin Chúa soi sáng con mắt lòng họ tức đôi mắt tâm linh, để họ có thể thấy nhiều điều mầu nhiệm hơn trong Lời của Chúa. Sứ đồ Phaolô viết: Tôi cầu xin Đức Chúa Trời của Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta, chính Cha vinh quang ban cho anh chị em tâm linh khôn ngoan và được mạc khải để nhận biết Ngài. Tôi cầu xin Ngài soi sáng con mắt lòng anh chị em để hiểu thấu niềm hy vọng mà Chúa đã kêu gọi anh chị em đến là gì, thế nào là cơ nghiệp giàu có vinh quang của Ngài giữa vòng các thánh đồ là thể nào (Êph 1:17-18).
Chúa Giê-su cầu nguyện cùng Chúa Cha: Xin Cha dùng chân lý thánh hóa họ (các môn đệ Chúa). Lời của Cha là chân lý (Gi 17:17). Thật vậy, Lời Chúa là chân lý có một không hai. Chính Chúa Giê-su cũng là chân lý (Gi 14:6) và Lời Chúa là khuôn vàng thước ngọc, chứa đựng tất cả chân lý sâu nhiệm mà Chúa muốn truyền đạt cho dân sự Ngài. Do đó, tác giả Thi Thiên tâm tình với Chúa trong lời cầu nguyện, nói với Chúa rằng: Lời Chúa là ngọn đèn cho chân con, là ánh sáng cho đường lối của con (Thi 119:105). Cho nên chúng ta cần đọc, học, suy gẫm, phản ánh Lời Chúa trong Thánh Kinh thì đôi mắt tâm linh chúng ta sẽ được soi sáng một cách lạ lùng. Chúng ta cần sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh để soi dẫn thì mới hiểu, nhớ, và áp dụng Lời Chúa vào đời sống chúng ta. Chúa Giê-su dạy chúng ta về Chúa Thánh Linh như sau: Nhưng Đấng an ủi, tức Đức Thánh Linh, Đấng Cha nhân danh Ta phái đến, sẽ dạy các ngươi mọi sự và sẽ làm cho các ngươi nhớ lại mọi điều Ta đã nói với các ngươi (Gi 14:26). Khi Thần Chân Lý đến. Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi chân lý, vì Ngài sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng sẽ nói những gì Ngài đã nghe, và Ngài sẽ báo cho các ngươi biết những viêc sẽ xảy đến (Gi 16:13). Vì vậy, khi đọc, học, suy gẫm, và phản ánh Lời Chúa trong Thánh Kinh, chúng ta phải cầu xin Thánh Linh soi sáng chúng ta. Do đó, nếu bạn muốn thấy và cảm nghiệm sự huyền nhiệm của chân lý tâm linh, thì hãy nhờ Chúa soi sáng con mắt lòng mình bằng Lời Ngài, bằng Thánh Linh của Ngài thì bạn cần phải bước đi với Đức Chúa Trời một cách khiêm nhường. Cầu xin Chúa soi sáng con mắt của lòng con, giúp con hiểu Lời Ngài, thấy được những huyền nhiệm sâu xa của Ngài để con ca ngợi, tôn vinh, và yêu mến Ngài hơn bao giờ.
Tôi muốn các giáo sư Thánh Kinh và thần học là những người yêu mến và kính sợ Chúa chia sẻ cảm tưởng mình về Chúa Ba Ngôi:
“Sự hợp nhất của Chúa là bí mật của vẻ đẹp của Ngài. Nếu chúng ta phủ nhận điều này, chúng ta sẽ có một Chúa không có sự hào quang rực rỡ và không có niềm vui (và không có sự hài hước!); một Chúa không có vẻ đẹp.” —Giáo sư Ts Michael Reeves
“Giáo lý về Chúa Ba Ngôi không phải được phát minh ra—mà là được khám phá. Giáo lý về Chúa Ba Ngôi…không phải là một mệnh lệnh tùy tiện và lỗi thời được ban hành bởi một hội đồng hỗn loạn nào đó.”
—Giao sư Ts Alister McGrath
“Ba Ngôi Đức Chúa Trời vượt trên lý trí nhưng không chống lại lý trí… nó phức tạp nhưng không mâu thuẫn.”
—Giáo sư Norman Geisler
“Để có được sự kết trái của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng mà chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, quả thực là sự viên mãn của niềm vui của chúng ta, không có niềm vui nào lớn hơn thế nữa.”
—Thánh Augustine
Cầu xin Giavê—Đức Chúa Trời là Đấng siêu việt và tối cao của Đấng Christ—Chúa chúng ta, và Cha vinh quang ban cho anh chị em tâm linh khôn ngoan và được khải thị để nhận biết Ngài—như lời Chúa bày tỏ—Sự sống đời đời chính là nhận biết Cha là Đức Chúa Trời chân thật duy nhất và Chúa Cứu Thế Giê-su—Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3).
Cầu xin Chúa Thánh Linh soi sáng con mắt tâm linh của anh chị em để hiểu thấu huyền nhiệm sâu nhiệm của Chúa Ba Ngôi, cũng như Đấng Christ trong anh chị em là hy vọng vinh quang! Chúng con và các thiên sứ thánh trên trời sẽ ngày đêm ca ngợi—tung hô không dứt—Đức Giavê—Chúa, Đức Chúa Chúa Ba Ngôi: “Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Linh”—Thánh thay, thánh thay, thánh thay, Chúa là Đức Chúa Trời toàn năng, đã có, hiện có và đang đến!” (Khải huyền 4:8).
“Lạy Đức Chúa Trời là Chúa của chúng con, Chúa đáng được vinh quang, tôn trọng và uy quyền, vì Chúa đã tạo dựng muôn vật, và do ý muốn của Chúa mà muôn vật hiện hữu và được tạo dựng” (Khải Huyền 4:11).
Ngợi khen Chúa vì Ngài là Đấng Sống. Chúa đã chết, hiện nay Chúa sống đời đời, cầm chìa khóa của Sự chết và Âm phủ”(Khải huyền 1:18).
“Lạy Chúa Giê-su, xin Ngài đến! Nguyện xin ân sủng của Chúa Giê-su ở với tất cả mọi người!” (Khải huyền 22:21).
Tiến sĩ Christian Le
Admin SỨ ĐIỆP CỦA SỰ SỐNG
https://www.facebook.com/share/p/1B9LjBDBMK/?