Vườn Ê đen mới

LÒNG NGƯỜI THẬT DỐI TRÁ, BỆNH HOẠN, VÔ PHƯƠNG CỨU CHỮA – Tiến sĩ Christian Le

Lời Chúa phán:

“Lòng người ta thật dối trá hơn mọi vật, rất bệnh hoạn, vô phương cứu chữa! Ai có thể biết được lòng dạ con người? “Ta là Đức Giavê, là Chúa, Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng người, Ta thử nghiệm trong trí và dò xét trong lòng là nơi sâu thẳm nhất, để báo trả cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm.”
—Giêrêmi 17:9-10

Lòng dạ con người thật khó đoán, không phải cứ đối xử tốt, chân thành với người khác thì ta sẽ nhận lại được điều tương tự. Cuộc sống với nhiều khó khăn và cám dỗ khiến nhiều người sống giả tạo, sống 2 mặt, sống lừa dối, lợi dụng nhau để đạt được mục đích của mình.

Dưới đây là những câu nói hay mà tôi sưu tập được về con người 2 mặt, về lòng người khó đoán trong đó có lồng ghép những bài học quý giá giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc sống và con người.

1. Rất khó để biết được bên trong một con người như thế nào, liệu có thân thiện như cách họ biểu hiện bên ngoài hay không. Vì vậy, bạn phải học cách nhìn 1 phải thấu 10.

2. Thu nhập là tiêu chí nhiều người nhìn vào để kết bạn, đưa ra cách ứng xử với đối phương. 10 năm trước, họ nhìn vào thu nhập của bố mẹ bạn để đối đãi với bạn! 10 năm sau, họ sẽ dựa vào thu nhập của bạn để đối đãi với bố mẹ bạn!

3. Đồng xu tuy có 2 mặt nhưng chỉ một mệnh giá. Con người tuy 1 mặt nhưng lại có rất nhiều lòng, bạn không thể biết được!

4. Xã hội bây giờ, những điều thật lòng lại bị khinh ghét, còn những điều giả tạo lại được yêu thích. Người biết làm không được yêu quý bằng kẻ biết nói, kẻ biết nói lại không bằng kẻ biết giả vờ.

5. Đôi khi, không phải là một người đã thay đổi, chỉ là họ lộ bản chất thật—con người thật của họ ra mà thôi.

6. “Nhìn là biết,” đừng bao giờ dùng 3 từ này để đánh giá cuộc sống, bởi con mắt bình thường sẽ không thể nhìn thấu sự “giả tạo” của một con người đâu.

7. Vẽ người vẽ mặt, khó vẽ xương, biết người biết mặt khó biết lòng. Tin người quá vội là một cái ngu, chân thành quá mức là một cái tội.

8. Thứ đáng sợ nhất trong cuộc sống chính là miệng đời, nó có thể biến không thành có, biến trắng thành đen chẳng ai đoán trước được.

9. Đáy biển tuy sâu nhưng chúng ta còn đo được, lòng người tuy nông nhưng không thể nhìn thấu.

10. Bạn có bao giờ cảm thấy vừa nói chuyện với ai đó là đã thấy nhiều điểm chung, vừa quen ai đó đã thấy hợp cả. Tất cả chỉ là bề ngoài bởi đôi ngôn ngữ trên bờ môi đều là giả tạo. Sự chân thật chỉ được bộc lộ khi trải qua những tháng năm cùng nhau.

11. Sống ở đời ai chẳng muốn mình trở thành người tốt, được mọi người yêu quý. Có ai muốn mình trở thành người xấu đâu. Nhưng cuộc đời lại chẳng như ý muốn, đôi khi dòng đời xô đẩy khiến người ta phải chấp nhận sống hai mặt để đổi lấy hai chữ bình yên.

12. Tình yêu và tình bạn không thể cắt được bằng dao kéo nhưng có thể cắt được bằng tiền, thứ rất sắc.

13. Lòng tham là thứ khó giấu nhất trên đời. Muốn thử một cô gái, hãy dẫn cô ta vào cửa hiệu.

14. Thứ khó đo nhất trên đời là lòng người, thứ đáng sợ nhất là lấy sự đau khổ của người làm hả dạ lòng mình.

15. Nếu bạn nghĩ rằng, chỉ cần đối xử tử tế với mọi người thì họ cũng sẽ tử tế với bạn thì sai rồi. Điều này giống như việc bạn trông chờ một con sư tử không ăn thịt mình chỉ vì mình không ăn thịt nó.

16. Dù bạn có hay không có tiền trong túi thì cũng đừng nên cho người khác biết. Hãy giữ số tiền đó trong túi của bạn và biến nó là điều tuyệt mật.

17. Không ai quen biết cũng là bạn, không phải người bạn nào cũng là thân, không phải ai là người thân cũng tốt và người tốt liệu có mấy người được bền lâu? Vì vậy, không cần quá nhiều chỉ cần một người là đủ nếu có chữ “Chân thành.”

18. Chỉ nhìn bên ngoài chẳng thể biết được lòng người nông sâu. Bởi người thân thiện không phải lúc nào cũng tốt, người dữ dằn không phải lúc nào cũng xấu.

19. Con người cũng giống như đồng tiền, có 2 mặt. Nhưng tiền giả thì có thể dùng máy soi, nhưng chẳng có gì có thể soi rõ lòng người giả thật.

20. Có người, “cái Miệng thì nam mô, nhưng cái Bụng lại bồ dao găm.”

21. Người làm thường không nói, người nói chưa chắc đã làm. Người có không khoe, người khoe chưa chắc đã có. Thẳng thật thì mất lòng, được lòng chưa chắc thật. Làm nghìn việc tốt không ai nhớ, chỉ một lần sai đã thất thời!

22. Sông sâu mười thước dễ đo, con người một thước không đo nổi lòng!

23. Đời thì hối hả, bon chen. Con người thì nhỏ nhen, giả tạo.

24. Dao lam hai lưỡi mỏng manh. Miệng đời nhiều lưỡi bẩn tanh kinh người. Lưỡi không xương trăm đường lắt léo. Miệng không vành méo mó tứ phương.

25. Tôi ghét những người 2 mặt vì họ làm tôi phân vân khi không biết nên tát vào mặt nào trước.

26. Con ong độc nhất ở cái đuôi—đàn bà độc nhất ở tấm lòng. Nếu suy ngẫm thật kĩ chúng ta sẽ thấy điều này là hoàn toàn đúng vì nếu không chọc phá, trêu ghẹo thì con ong nó sẽ chẳng bao giờ chích chúng ta. Cũng như đàn bà, nếu không đẩy họ vào bước đường cùng họ sẽ không bao giờ thâm độc.

27. Mỗi người sinh ra đều có hai mặt Thiện và Ác. Khi cái thiện bị dẫm nát thì cái ác sẽ lên ngôi thế thôi. Bạn cảm thấy thế nào sau khi đọc những câu nói trên? Lòng người thật thâm độc và gian ác!

Thánh Kinh nói gì về người có lòng thâm độc, gian ác và xấu xa? Trong Châm Ngôn 6:18, Thánh Kinh nói về “lòng người toan tính những ý tưởng gian ác.” Nói cách khác, Thánh Kinh nói rằng tấm lòng của bạn đầy những ý tưởng gian ác. Và Thánh Kinh nói, trong Giêrêmi 17:9, rằng “lòng người là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” Chúa nói, “Người tốt từ lòng tích lũy điều tốt mà phát ra điều thiện. Kẻ ác từ lòng gian ác mà phát ra điều ác, vì lòng đầy tràn nên miệng nói ra” (Lu‬ ‭6‬:‭45‬).

Lòng người thật là dối trá! Làm thế nào để giải quyết, tìm sự chữa lành cho lòng thâm độc, gian ác và xấu xa của con người? Lòng thâm độc và gian ác của con người là chuyên gia trong việc tạo ra sự nhầm lẫn và tranh chấp. Họ bóp méo sự thật, gây hiểu lầm, nói dối, tránh chịu trách nhiệm, phủ nhận thực tế, bịa ra câu chuyện, che giấu thông tin và sự thật. Thánh Kinh nói rất nhiều về lòng người đầy đen tối và tội ác.

Thật vậy, “Lòng người ta thật tối tăm và dối trá vô cùng, một bí ẩn—một vấn đề mà không ai có thể giải đáp được. Chính Chúa, Đức Chúa Trời là Đấng dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng.” Có người hỏi, “Liệu Chúa có thể thay đổi một trái tim độc ác của con người không?” Đơn giản thế này: Chúa có thể tha thứ và thay đổi ngay cả người độc ác nhất khi lòng họ thật sự ăn năn thống hối vỡ tan. Hãy cầu nguyện cho họ, xin Chúa phá vỡ sự chai đá trong lòng người ấy và cho người ấy thấy mình cần Chúa Jesus hơn bao giờ để cứu mình khỏi tội ác.

Hãy cầu nguyện rằng bạn có thể trở thành tấm gương cho người ấy về tình yêu và lòng thương xót của Chúa Jesus. Làm thế nào để đối phó với một người thâm độc và gian ác theo Thánh Kinh? Phản ứng đầu tiên theo Thánh Kinh khi chúng ta gặp phải điều xấu là nói thật với Chúa về điều xấu đó. Phản ứng thứ hai chúng ta có thể có là cầu xin Chúa can thiệp. Phản ứng thứ ba theo Thánh Kinh đối với điều xấu là tin cậy Chúa để định nghĩa và thực hiện công lý thuần khiết của Ngài.

Liệu Chúa có tha thứ cho một người độc ác và xấu xa không? Đavít là một vị vua gian ác vì ông đã giết người và cướp vợ người ta. Ông đã phạm tội ngoại tình và giết người mà không hề hối hận. Ông tỏ ra là một người có lương tâm chai sạn. Nhưng Chúa sai nhà tiên tri của Ngài đến với ông để đối đầu và cảnh báo ông về tội lỗi kinh khủng của ông:

“Tại sao con lại khinh dể mạng lịnh của Chúa làm điều ác trước mắt Ngài? Con đã dùng gươm giết U-ri-gia, người Hê-tít! Con lấy vợ nó làm vợ con, rồi con dùng gươm của quân Am-môn giết nó! Vậy, lưỡi gươm sẽ không bao giờ lìa khỏi nhà con, vì con đã khinh dể Ta, lấy vợ của U-ri-gia người Hê-tít làm vợ con.” ‭‭(2Sa‬ ‭12‬:‭9‬-‭10‬).

Khi nhà tiên tri của Chúa Nathan trực diện tội ác của Đavít thì ông thú nhận với tiên tri Nathan: “Tôi có tội với Chúa.” Tiên tri Nathan đáp: “Phải, nhưng Chúa đã tha thứ cho bệ hạ, và bệ hạ sẽ không chết. Tuy nhiên, vì bệ hạ đã tỏ ra khinh thường Chúa trong vụ này, nên bé trai vừa sanh ra cho bệ hạ sẽ phải chết” (‭‭2Sa‬ ‭12‬:‭13‬-‭14‬).

Đavít đã ăn năn sám hối về tội ác của mình và ông thốt lên lời cầu nguyện thống hối vỡ tan thật sâu xa trong bài thơ của mình trong Thánh Thi 51:

“Đức Chúa Trời ôi, xin thương xót con theo tình thương của Ngài; Xin xóa bỏ các vi phạm con theo lòng thương xót lớn lao của Ngài. Xin rửa sạch con khỏi mọi gian ác của con; Xin tẩy sạch con khỏi mọi tội lỗi của con, vì con nhận biết các vi phạm con; Tội lỗi con hằng ở trước mặt con. Con đã phạm tội đối với Ngài và chỉ đối với Ngài mà thôi; Con đã làm điều ác trước mặt Ngài; Vì thế Ngài thật đúng khi Ngài phán xét, và thật chính xác khi Ngài tuyên án.

Kìa, vừa mới sinh ra, con đã là người có tội; Con đã là tội nhân từ lúc được thụ thai trong dạ mẹ mình. Kìa, Ngài muốn sự thật tự đáy lòng; Và trong nơi sâu thẳm nhất, Ngài khiến con biết lẽ khôn ngoan. Xin dùng nhánh bài hương tẩy rửa con, để con được sạch; Xin thanh tẩy con, để con trở nên trắng hơn tuyết. Xin cho con được hưởng niềm vui và sự hân hoan của người được tha thứ, để các xương con đã bị Ngài bẻ gãy được vui mừng. Xin che mặt Ngài để khỏi nhìn thấy các tội lỗi con, xin xóa sạch mọi gian ác con.

Đức Chúa Trời ôi, xin dựng nên trong con một lòng trong sạch, và làm mới lại trong con một tâm linh chính trực. Xin đừng quăng con ra khỏi thánh nhan Ngài, và xin đừng cất Đức Thánh Linh Ngài khỏi con. Xin khôi phục cho con niềm vui hưởng ơn cứu rỗi của Ngài, và xin giữ con luôn có tinh thần đầu phục, để con sẽ chỉ cho những ai vi phạm biết đường lối Ngài, rồi những kẻ tội lỗi sẽ quay về với Ngài.

Đức Chúa Trời ôi, xin giải cứu con khỏi tội làm đổ máu, lạy Đức Chúa Trời, Đấng Giải Cứu của con, để lưỡi con sẽ vui mừng ca ngợi ơn cứu rỗi của Ngài. Chúa ôi, xin mở môi con, để miệng con truyền ra những lời ca tụng Ngài, vì Ngài không vui thích của tế lễ, bởi nếu Ngài thích, con đã dâng rồi; Dù con dâng của lễ thiêu, Ngài cũng chẳng vui lòng. Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời là một tâm linh tan vỡ;

Đức Chúa Trời ôi, một tấm lòng tan vỡ và thống hối Ngài sẽ chẳng khinh thường. Cầu xin Ngài làm điều tốt cho Siôn—Nước Do Thái theo ý tốt của Ngài; Cầu xin Ngài dựng lại các tường thành của Giê-ru-sa-lem. Bấy giờ Ngài sẽ vui lòng về các của lễ dâng lên để được xưng công chính, tức các của lễ thiêu và các của lễ toàn thiêu; Rồi các bò đực tơ sẽ được hiến dâng trên bàn thờ Ngài.” ‭‭
—Thi‬ ‭thiên 51‬:‭1‬-‭19‬ ‭

Làm sao để tôi loại bỏ điều ác khỏi trái tim mình? Việc chống lại tội lỗi sẽ không hiệu quả. Sau khi loại bỏ điều cám dỗ bạn phải đầu hàng trái tim, tâm trí và hành động của mình cho Chúa và xưng tội với Chúa. Hãy đầu hàng trái tim bạn cho Chúa, hướng về Ngài trong lời cầu nguyện và từ bỏ tội lỗi của bạn—kể cả những tội lỗi bạn phạm trong bí mật. Thánh Kinh nói gì về sự ăn năn sám hối:

Bước 1: Nhìn nhận rằng tư tưởng của Chúa cao hơn và tốt hơn tư tưởng của chúng ta. Bước đầu tiên để ăn năn thực sự là thay đổi cách chúng ta suy nghĩ. Chúng ta cần nhìn nhận rằng tâm trí và tư tưởng của Chúa thực sự cao hơn và tốt hơn so với chúng ta. Chúa phán: “Vì ý tưởng Ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối Ta,” Chúa phán. “Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi, và ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Êsai 55:8-9).

Chúng ta không tự nhiên suy nghĩ như vậy. Sứ đồ Phaolô đã xác định cách con người thường suy nghĩ: “Vì những kẻ sống theo xác thịt thì hướng tâm trí mình vào những điều thuộc về xác thịt” (Rôma 8:5). Tâm trí con người không suy nghĩ giống như Chúa. Tâm trí con người suy nghĩ theo xác thịt—đồi bại. Phaolô cũng viết rằng “tâm trí theo xác thịt là thù nghịch với Đức Chúa Trời; vì nó không phục dưới luật pháp của Đức Chúa Trời, và thực ra cũng không thể phục được” (Rôma 8:7).

Thù nghịch có nghĩa là chúng ta tự nhiên chống lại và phản đối những gì luật pháp của Đức Chúa Trời bảo chúng ta làm. Nhưng xác thịt có nghĩa là gì? Ý nghĩa cơ bản của xác thịt là bị thúc đẩy bởi động cơ xác thịt và thế gian—nói cách khác, suy nghĩ và làm những gì chúng ta muốn làm và những gì cảm thấy tốt, mà không quan tâm đến luật pháp và sự hướng dẫn của Chúa. Chúa Jesus Christ đã xác định loại suy nghĩ xác thịt xuất phát từ tâm trí chúng ta: “Những gì từ trong người ra, mới làm cho người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người mà ra những ý tưởng xấu xa, ngoại tình, gian dâm, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, dối trá, dâm đãng, con mắt độc ác, phạm thượng, kiêu ngạo, điên rồ. Tất cả những điều xấu xa này xuất phát từ bên trong và làm cho người ta ra ô uế” (Mác 7:20-23).

Tâm trí xác thịt, xác thịt của chúng ta tạo ra những suy nghĩ và hành động tội lỗi. “Những việc làm tự nhiên của xác thịt là ngoại tình, gian dâm, ô uế, dâm đãng, thờ hình tượng, phù phép, hận thù, tranh chấp, ghen tị, giận dữ, tham vọng ích kỷ, bất hòa, tà giáo, ganh tị, giết người, say sưa, tiệc tùng, và những điều tương tự” (Galati 5:19-21). Tất cả những điều xấu xa này đều là tội lỗi; chúng vi phạm luật pháp của Thiên Chúa (1 Giăng 3:4).

Vì vậy, để ăn năn và làm đẹp lòng Chúa, trước tiên chúng ta phải nhận ra suy nghĩ và thói quen của mình không phù hợp với suy nghĩ và luật pháp của Chúa. Nhưng chúng ta không thể làm điều đó cho đến khi chúng ta nhìn nhận rằng suy nghĩ và đường lối của Ngài cao hơn suy nghĩ và đường lối của chúng ta và là đúng đắn. Và chúng ta cần nhìn nhận rằng chính Chúa dẫn chúng ta đến sự hiểu biết này. Như Phaolô đã viết, “Lòng nhân từ của Đức Chúa Trời dẫn anh em đến sự ăn năn” (Rôma 2:4).

Bước 2: Thừa nhận tội lỗi cá nhân của chúng ta. Bước thứ hai để ăn năn thực sự là hạ mình khiêm tốn thừa nhận tội lỗi cá nhân của chúng ta với Chúa—có nghĩa là thú nhận tội lỗi của chúng ta và nhận ra chúng ta đã thiếu sót như thế nào so với suy nghĩ và cách thức của Chúa trong cuộc đời của chúng ta. Thánh Kinh dạy bảo, “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời” (Rô‬ma 3‬:‭23‬).

Bài giảng đầy cảm hứng của sứ đồ Phi-e-rơ vào Lễ Ngũ tuần tại Jerusalem đã đánh vào lương tâm của những người nghe ông. Lòng hàng ngàn người đã “đau nhói” nên hỏi Phierơ và các sứ đồ: “Anh em ơi, chúng tôi phải làm gì?” Phierơ đáp: “Hãy ăn năn, và mỗi người phải nhân danh Chúa Cứu Thế Jesus mà chịu báp-tem để tội lỗi quý vị được tha thứ, rồi sẽ nhận được ân tứ Thánh Linh” (Công vụ 3:37-38). Họ nhìn nhận tội lỗi của mình và công khai thừa nhận điều đó. Tội lỗi của họ đòi hỏi họ phải tìm cách ăn năn và bắt đầu thay đổi cuộc đời của mình. Sự ăn năn phải đi sâu hơn là chỉ nhìn nhận điều gì đúng hay sai hoặc cảm thấy tồi tệ về tội lỗi của mình. Chúng ta phải thừa nhận tội lỗi cá nhân của mình với Chúa vì đã vi phạm luật thánh của Ngài. Sự ăn năn của người tin Chúa là nỗi buồn theo ý Chúa, sâu sắc và thâm thúy đến mức dẫn đến việc nỗ lực thay đổi cuộc đời của chúng ta (2 Cô 7:9-10).

Ăn năn là sự thừa nhận rằng toàn bộ lối sống của chúng ta đang mâu thuẫn với Chúa—và cần phải thay đổi. Chúng ta phải hiểu rằng tội lỗi của chúng ta đã ngăn cách chúng ta với Chúa và đòi hỏi sự chết của Chúa Jesus Christ, Con Đức Chúa Trời. Mong muốn được tha thứ và vâng lời Chúa từ bây giờ phải xuất phát từ trái tim. Vua Đavít đã trở thành nạn nhân của những sức hút rất mạnh mẽ của bản năng xác thịt. Khi đối mặt với tội lỗi của mình, ông đã không bào chữa cho mình. Ông ngay lập tức nhìn nhận tội lỗi của mình xúc phạm đến Chúa như thế nào và rằng ông đã “phạm tội cùng Đức Giavê (2 Sa 12:13; Thi thiên 51:4).

Chúng ta phải luôn nhớ rằng chúng ta ăn năn với Chúa (Công vụ 20:21), chứ không phải với một con người. Đavít hiểu những gì Êsai đã viết sau này, rằng “sự gian ác của các ngươi đã ngăn cách các ngươi với Đức Chúa Trời các ngươi; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, để Ngài không nghe” (Êsai 59:2). Đavít hiểu được mức độ nghiêm trọng của tội lỗi mình và không muốn phá hủy mối quan hệ của mình với Chúa. Ông đã công khai thú nhận những tội lỗi đó và ăn năn sâu xa với Chúa (Thi thiên 51).

Chúng ta cũng phải trực tiếp đến với Chúa, thừa nhận tội lỗi của mình và cầu xin Ngài can thiệp vào cuộc sống của chúng ta và tha thứ cho chúng ta.

Bước 3: Quay lưng lại với những suy nghĩ và đường lối tội lỗi của chúng ta. Bước thứ ba để ăn năn thực sự là quay lưng hoặc từ bỏ những tội lỗi trong cuộc đời của chúng ta. Nhà tiên tri Êsai đã tuyên bố: “Kẻ ác hãy từ bỏ đường lối mình, người bất chính hãy từ bỏ ý tưởng mình. Hãy trở về cùng Đức Giavê—Thiên Chúa vì Ngài thương xót ngươi, hãy đến cùng Đức Chúa Trời vì Ngài tha thứ dồi dào” (Êsai 55:7).

Không ai miễn nhiễm với tội lỗi: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời” (Rôma 3:23). Ngay cả sau khi chịu phép báp têm và cải đạo, Giăng nói với những người tin Chúa rằng: “Nếu chúng ta nói rằng mình không có tội, thì chính chúng ta tự lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta nói rằng mình không phạm tội, thì chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, và lời Ngài không ở trong chúng ta” (1 Giăng 1:8, 10).

Kết quả cuối cùng của tội lỗi là sự chết—sự chết đời đời. Thánh Kinh nói rất rõ ràng: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rôma 6:23). Chúa Jesus đã tuyên bố, “Nếu các ngươi không ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ hư mất như vậy” (Luca 13:3, 5). Nhiều người tin rằng hậu quả của tội lỗi là sự hành hạ trong hỏa ngục, nhưng những câu Thánh Kinh này và nhiều câu khác nói rõ rằng cái chết là hậu quả và hình phạt cuối cùng cho tội lỗi. Chúa không muốn chúng ta phải trả cái giá cuối cùng này. Ngài mong muốn mỗi người chúng ta học cách ăn năn, để được tha thứ tội lỗi và được xóa bỏ án tử hình. “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9).

Ăn năn đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ tội lỗi của mình—cả hành động và suy nghĩ—và hướng về Chúa. Chúng ta phải xưng tội với Chúa và ngừng phạm tội và sống cuộc đời thanh sạch, đẹp lòng Chúa.

Bước 4: Cố gắng sống theo mọi lời dạy bảo của Chúa. Bước thứ tư để ăn năn thực sự là thay đổi cuộc đời của chúng ta để đưa mình vào sự hòa hợp với Chúa. Luật pháp của Chúa xác định những gì chúng ta phải thay đổi. Chúng ta phải nghiêm túc thực hiện chỉ dẫn của Chúa. Đây là điều mà Thánh Kinh gọi là được cải đạo—quay về với Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ nói rằng sự cải đạo (quay về với Đức Chúa Trời, thay đổi cuộc sống của chúng ta) có liên quan đến sự ăn năn: “Vậy hãy ăn năn, quay về Đức Chúa Trời, ngõ hầu tội lỗi của anh em được tẩy sạch, để thời kỳ tươi mới được đến từ Chúa” (Công vụ 3:19).

Cố gắng thay đổi cuộc sống của chúng ta để phù hợp với đường lối của Chúa đòi hỏi sự khiêm tốn: “Ta sẽ nhìn đến người nghèo khó, có tâm hồn đau thương, và run sợ lời Ta” (Êsai 66:2). Một người ăn năn sẽ tôn trọng Lời Chúa và cố gắng sống theo những gì Lời Chúa dạy. Khi chúng ta tôn trọng Lời Chúa, chúng ta sẽ tìm cách thực hiện lời Chúa Jesus trong Mathiơ 4:4: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.” Một người đang học cách ăn năn sẽ bắt đầu vâng lời Chúa bằng cách vâng giữ các điều răn của Ngài. “Vì nầy là sự yêu thương Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn Ngài” (1 Giăng 5:3).

Sách cuối cùng của Thánh Kinh là Sách Khải huyền tập trung vào những người tin Chúa thời kỳ cuối cùng “những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời” (Khải huyền 12:17; Khải huyền 14:12; Khải huyền 22:14). Chúa hứa sẽ ban cho chúng ta sự quyết tâm và sức mạnh để đối mặt với tội lỗi của mình và vượt qua chúng mà không nản lòng. Cuộc chiến tâm linh này đòi hỏi nhiều hơn quyết tâm của con người. Bất kể chúng ta mất bao lâu để thành công trong quá trình này, Chúa phải tham gia. Ngài ban cho chúng ta sức mạnh thêm “để vừa muốn vừa làm theo ý tốt lành của Ngài” (Philíp 2:13).

Bước 5: Hãy tiếp tục tìm kiếm sự ăn năn và trông cậy vào sự hy sinh của Chúa Jesus. Bước thứ năm để ăn năn thực sự là có “đức tin nơi Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ” (Công vụ 20:21). Chúng ta xưng tội với Chúa, và Ngài tha thứ cho chúng ta nhờ sự hy sinh của Chúa Jesus. Chúng ta cần có đức tin rằng Chúa Jesus không chỉ hy sinh chính mạng sống mình vì tội lỗi của chúng ta, mà sự hy sinh của Ngài còn xóa bỏ tất cả tội lỗi của chúng ta. Chúa Jesus Christ là Chúa Cứu Thế của chúng ta. Cái chết của Ngài trên thập tự giá hơn 2 ngàn năm qua đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta. “Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu vĩ đại của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân, thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta” (Rôma 5:8).

Đức tin của chúng ta đối với Chúa Jesus, vào những gì Ngài đã làm cho chúng ta, tiếp tục trong suốt quãng đời còn lại của chúng ta. Mỗi khi phạm tội, chúng ta phải đến với Đức Chúa Cha và cầu xin sự tha thứ, điều này có thể thực hiện được thông qua sự hy sinh của Chúa Cứu Thế Jesus của chúng ta. Chúng ta phải có đức tin và lòng tin cậy trọn vẹn rằng sự hy sinh của Chúa Jesus sẽ được áp dụng cho chúng ta mỗi khi chúng ta ăn năn sám hối tội lỗi mình. Chúa Jesus hoàn thành vai trò của Thầy tế lễ thượng phẩm thiêng liêng của chúng ta trên thiên đàng bên phải Đức Chúa Trời. “Vậy, vì chúng ta có vị thượng tế vĩ đại đã vượt qua các tầng trời là Đức Chúa Jesus, Con Đức Chúa Trời, nên chúng ta hãy giữ vững niềm tin” (Hê 4:14).

Trong địa vị cao cả này, Ngài không chỉ đóng vai trò là Chúa Cứu Thế của chúng ta mà còn là Đấng Trung Gian giữa Đức Chúa Trời và con người. Nhờ sự chết của Đấng Christ—Chúa Cứu Thế Jesus, chúng ta được hòa giải với Đức Chúa Trời qua sự tha thứ tội lỗi. Chúng ta phải thực hành đức tin hằng ngày đối với Đấng Christ hằng sống khi Ngài hướng dẫn chúng ta trên con đường cứu rỗi. Chúng ta được cứu chính bởi sự sống của Ngài (Rôma 5:10).
Chúng ta phát triển bản tính công chính và thánh thiện nhờ Chúa Jesus Christ sống cuộc đời của Ngài trong chúng ta (Rôma 8:10; Galati 2:20; Côlôse 1:27). Chúng ta phải có tâm trí ăn năn trong suốt quãng đời còn lại của mình. Bản chất con người của chúng ta bị ảnh hưởng bởi tâm trí xác thịt, và nó sẽ không bao giờ biến mất trong cuộc đời này. Chúng ta sẽ dành phần đời còn lại để đấu tranh chống lại những sức hút của bản chất tội lỗi.

Chúng ta sẽ thắng một số trận chiến; chúng ta sẽ thua những trận khác. Nhưng miễn là Chúa thấy chúng ta chân thành không muốn phạm tội, rằng chúng ta ghét tội lỗi và đấu tranh chống lại nó, rằng chúng ta liên tục ăn năn, thì Ngài là Đấng hay thương xót. “Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì lòng thương xót của Ngài đối với những người kính sợ Ngài cũng lớn bấy nhiêu; phương đông cách xa phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã cất sự vi phạm của chúng ta khỏi chúng ta bấy nhiêu. Như cha thương xót con cái mình, thì Đức Giavê thương xót những người kính sợ Ngài cũng vậy” (Thi thiên 103:11-13).

Chúa hiểu rằng chúng ta là xác thịt—là người phàm và nhanh chóng tha thứ cho chúng ta khi chúng ta ăn năn. Sứ đồ Giăng đã tóm tắt cả cách ăn năn và phản ứng lòng thương xót của Chúa đối với sự ăn năn của chúng ta: “Huyết của Chúa Jesus Christ, Con Ngài, làm sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi. Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (1 Giăng 1:7-9; Thi thiên 51:2, 7).
Cầu xin Chúa chữa lành lòng thâm độc và gian ác của chúng con. Cầu xin Chúa dùng Lời Ngài là Chân lý thánh hoá con để con giống như Đấng Christ mỗi ngày một chút. Cầu xin Chúa ban phước lành dồi dào cho tất cả anh chị em gần xa trong và ngoài nước.

Ts Christian Le
Admin SỨ ĐIỆP CỦA SỰ SỐNG

Ngày đăng: 12/15/2024