Vườn Ê đen mới
Tấm Lòng Khôn Ngoan – MS Ngô Việt Tân
Tấm Lòng Khôn Ngoan
The Wise Heart
Thánh thi 111:10
Mark Twain có một câu nói rất thâm thúy và thực nghiệm cho cuộc sống của mỗi chúng ta như là “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy. – Kindness is the language which the deaf can hear and the blind can see.” Trong cùng một quỹ đạo và nhịp tim, Gioachino Rossini cũng tin rằng “Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, bởi nó được hiểu bằng trái tim. – The language of music is common to all generations and nations; it is understood by everybody, since it is understood with the heart.” Và theo William Arthur Ward “Một nụ cười ấm áp là thứ ngôn ngữ chung của lòng tốt – A warm smile is the universal language of kindness.”
Tấm lòng là nơi ngự trị của điêù thiện hay điều ác, khoan dung hay căm hờn, rộng lượng hay ích kỷ, và chúc phước hay nguyền rủa. Do đó, Lessing nói rằng “Người khôn ngoan luôn chú trọng đến hạnh kiểm và lời nói của mình. Họ không nói hết những điều họ nghĩ, nhưng suy nghĩ hết những điều họ nói.” Còn A.Wydeville tin rằng “Người khôn để miệng trong tim, người dại để tim trong miệng.” Lòng khôn ngoan luôn thể hiện thái độ và lời nói tế nhị đúng người, khôn khéo đúng lúc, cũng như hợp lý trong từng hoàn cảnh. A.Tolstoi quan niệm rằng “Người khôn có hai lưỡi: Một cái nói lên sự thật, còn cái kia nói lên những điều thích hợp.”
Trong ca dao và tục ngữ Việt Nam của chúng ta thường truyền khẩu các quan niệm về tấm lòng của con người như:
“Sanh con há dễ sanh lòng”,
“Dò sông dò biển dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người.”
“Ở sao cho được lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”
“Ở lâu mới biết lòng người
Nếm lâu mới biết mùi đời đắng cay”
Thánh Kinh mô tả “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được? 10 Ta, Đức Giê-hô-va, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm” (Giê-rê-mi 17:9,10). Chúa Giê-su cũng dạy rằng bản chất hay ý tưởng của con người luôn phát xuất từ tấm lòng.
“Vậy, Ngài phán: Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm dơ dáy người! 21 Vì thật là tự trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, 22 tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. 23 Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người” (Mác 7:21-23).
Tấm lòng là tâm điểm của chỗ nghĩ ngợi, động lực của suy tính, và nguyện ước cho định hướng cuộc sống của mình hay thế giới chung quanh.
Tấm lòng (heart) hay con tim của con người là vị trí của đời sống tri thức, bởi vì tấm lòng có chứa đựng tư tưởng (Hê-bơ-rơ 4:12), tư tưởng gian ác (Ma-thi-ơ 15:19), và cũng là nơi giấu lời Chúa (Thánh thi 119:11). Tấm lòng là nơi của đời sống tình cảm (emotion), ý chí (will), và tâm linh (Spiritual).”
Trong tiếng Do Thái chữ “lèb” có nghĩa là “heart – con tim, tấm lòng” biểu hiện cho cá thể, tư duy, cảm xúc, và ý chí (Thánh thi 22:26; 1 Các vua 3:12; Xuất hành 36:2). Trong tiếng Hi-lạp, chữ “kardia” đồng nghĩa với từ “heart – con tim, tấm lòng (Lu-ca 21:34; Công vụ 14:17; 2 Cô-rinh-tô 5:12).”
Khi con tim trọn thành yêu Chúa hình thành, những ca khúc tâm linh bừng lên trong tâm hồn chúc tụng Danh Chúa, và nguồn cảm xúc tôn kính Chúa trở thành bản năng tự nhiên khi tung bay ngoạn mục trên quỹ đạo thuộc linh.
Tấm Lòng Khôn Ngoan
The Wise Heart
Thánh thi 111:10
“Kính sợ CHÚA là khởi đầu của sự khôn ngoan. Tất cả những ai làm theo các mạng lệnh Ngài được nhiều sáng suốt. Nguyện lời ca ngợi Ngài còn đến đời đời” (Thánh thi 111:10).
1. Tấm lòng khôn ngoan vâng theo mạng lệnh của Chúa (A wise heart obeys God’s commandments).
A) “Lòng khôn ngoan chấp nhận mệnh lệnh; Nhưng môi miệng ngu dại sẽ đưa đến hủy hoại” (Châm ngôn 10:8).
B) “Tất cả những người khéo tay trong dân phải đến để làm mọi thứ CHÚA truyền bảo:…Như vậy, Bết-sa-lê-ên, Ô-hô-li-áp cùng với những người được CHÚA phú cho tài khéo và khả năng để hiểu biết và thực hiện tất cả công việc liên quan đến việc thờ phượng trong nơi thánh phải làm công việc đúng theo mạng lệnh CHÚA truyền” (Xuất hành 35:10; 36:1).
C) “Vậy, ai nghe lời Ta dạy và làm theo, sẽ giống như một người khôn ngoan xây nhà mình trên nền đá” (Ma-thi-ơ 7:24).
D) “Kính sợ CHÚA là khởi đầu của sự khôn ngoan. Tất cả những ai làm theo các mạng lệnh Ngài được nhiều sáng suốt. Nguyện lời ca ngợi Ngài còn đến đời đời” (Thánh thi 111:10).
E) “Lòng người khôn ngoan hướng về điều phải, Lòng kẻ ngu dại hướng về điều sai trái” (Giáo huấn 10:2).
F) “Đường lối của kẻ ngu dại tự cho là đúng theo mắt nó, Nhưng người khôn ngoan lắng nghe lời cố vấn” (Châm ngôn 12:15).
2. Tấm lòng khôn ngoan vui thích học Lời Chúa
(A wise heart delights in learning God’s Word).
A) “Tôi yêu kinh luật Chúa biết bao, Suốt ngày tôi suy gẫm luật ấy” (Thánh thi 119:97).
B) “Mỗi ngày tôi ca ngợi Chúa bảy lần Vì các phán quyết công chính của Ngài” (Thánh thi 119:162,164).
C) “Tôi vui mừng theo lời chứng của Chúa như Vui vì giàu có” (Thánh thi 119:14).
D) “Các lời chứng của Chúa là niềm vui cho tôi, Là những vị cố vấn của tôi” (Thánh thi 119:24).
“Thật vậy, tôi yêu mến các điều răn của Chúa Hơn vàng, hơn cả vàng ròng” (Thánh thi 119:127).
“Lòng khôn ngoan dạy dỗ miệng mình, Và làm cho môi tăng sự thuyết phục” (Châm ngôn 16:23).
3. Tấm lòng khôn ngoan kiến tạo ơn lãnh đạo
(A wise heart produces skill of leadership).
A) “Khi cả Y-sơ-ra-ên đã nghe phán quyết của vua, họ lấy làm kính phục vua, vì họ thấy rằng vua có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời để thi hành công lý” (1 Các vua 3:28).
B) “Đa-vít đáp lời bà A-bi-ga-in: “Tôi ca ngợi CHÚA là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên vì Ngài đã sai bà đến gặp tôi hôm nay. 33 Tôi cám ơn CHÚA và xin Ngài ban phước cho bà vì ngày hôm nay bà đã hành động sáng suốt, bà đã ngăn cản không cho tôi gây đổ máu và tự trả thù cho chính mình” (1 Sa-mu-ên 25:32-33).
4. Tấm lòng khôn ngoan giúp chúng ta biết phân biệt (A wise heart helps us to distinguish).
A) Tấm lòng khôn ngoan giúp chúng ta biết phân biệt thời gian và sự phán xét.
“Người nào tuân lệnh sẽ không gặp phải nguy khốn, Người khôn ngoan hiểu biết thời thế và định được tình hình” (Giáo huấn 8:5).
“Người có lòng khôn ngoan được gọi là người sáng suốt; Lời nói ngọt ngào làm tăng thêm sự thuyết phục” (Châm ngôn 16:21).
“Nầy, Ta sẽ ban cho ngươi điều ngươi cầu xin. Nầy, Ta sẽ ban cho ngươi tâm trí khôn ngoan thông sáng, đến nỗi trước ngươi chưa có ai bằng và sau ngươi sẽ không ai sánh kịp” (1 Các vua 3:12).
“Chúng ta không tiếp nhận thần trí của thế gian, nhưng nhận Thánh Linh đến từ Đức Chúa Trời để chúng ta hiểu những ân phúc Đức Chúa Trời ban cho mình. 13 Chúng tôi truyền giảng không phải bằng lời nói khôn ngoan do loài người dạy dỗ nhưng do Đức Thánh Linh dạy dỗ, giải thích những vấn đề thiêng liêng cho người thuộc linh. 14 Nhưng người thiên nhiên không thể nhận những ân phúc do Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời ban, vì cho rằng đó là những điều ngu dại; họ cũng không thể hiểu nổi vì phải nhờ Đức Thánh Linh mà suy xét” (1 Cô-rinh-tô 2:12-14).
B) Tấm lòng khôn ngoan giúp chúng ta biết phân biệt điêù thiện và điều ác.
“Anh chị em đừng để ai lừa dối mình bằng những luận điệu rỗng tuếch, chính vì những điều đó mà Đức Chúa Trời giáng cơn thịnh nộ trên những kẻ phản loạn chống Ngài. 7 Vậy, anh chị em đừng tham dự với họ. 8 Vì trước kia anh chị em tối tăm, nhưng hiện nay anh chị em là ánh sáng trong Chúa, hãy xử thế như con cái ánh sáng, 9 vì ánh sáng nẩy sinh ra tất cả những điều tốt đẹp, công chính và chân thật. 10 Hãy thử nghiệm cho rõ điều gì đẹp lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:6-10).
“Đa-vít đáp lời bà A-bi-ga-in: “Tôi ca ngợi CHÚA là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên vì Ngài đã sai bà đến gặp tôi hôm nay. 33 Tôi cám ơn CHÚA và xin Ngài ban phước cho bà vì ngày hôm nay bà đã hành động sáng suốt, bà đã ngăn cản không cho tôi gây đổ máu và tự trả thù cho chính mình” (1 Sa-mu-ên 25:32-33).
5. Người có tấm lòng khôn ngoan luôn tìm kiếm sự khôn ngoan từ Chúa (A wise hearted person always seeks wisdom from God).
A) Dân sự của Chúa cần sự khôn ngoan để sống đạo. “Nếu trong anh chị em có ai thiếu kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời thì sẽ được Ngài cho; Ngài là Đấng ban cho mọi người cách rộng lượng, không quở trách” (Gia-cơ 1:5).
“Hãy để lời Chúa Cứu Thế sống phong phú trong lòng anh chị em với tất cả sự khôn ngoan. Hãy dạy dỗ, khuyên răn lẫn nhau, hết lòng hát thánh thi, thánh ca, linh khúc với lời cảm tạ để ca ngợi Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 3:16).
B) Dân sự của Chúa cần sự khôn ngoan để xây dựng
đền thờ.
“Như vậy, Bết-sa-lê-ên, Ô-hô-li-áp cùng với những người được CHÚA phú cho tài khéo và khả năng để hiểu biết và thực hiện tất cả công việc liên quan đến việc thờ phượng trong nơi thánh phải làm công việc đúng theo mạng lệnh CHÚA truyền” (Xuất hành 36:1).
Khi chúng ta nhận thức Đấng Tể Trị và Đấng Tạo Hóa quyền năng, quan điểm thần học của chúng ta sẽ đồng thuận với Lời Chúa như trong Đa-ni-ên 2:21 chép rằng:
“Chính Ngài thay đổi thời kỳ và mùa tiết, Phế và lập các vua. Sự khôn ngoan của người khôn ngoan là do Ngài ban, Và tri thức của người thông sáng cũng đến từ Ngài”.
Khi chúng ta hiểu biết bản chất và giá trị khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta sẽ phân định được đặc tính của người khôn và người dại, người kính yêu Chúa và người chống nghịch Ngài. Thật vậy, Thánh thi 36:1-3 chép:
“Sự vi phạm của kẻ ác nói nơi sâu kín lòng tôi rằng: Không có sự kính sợ Đức Chúa Trời trước mắt nó. 2 Trong ánh mắt nó có sự khoe khoang rằng Tội lỗi mình không bị lộ và chẳng bị ai ghét bỏ. 3 Những lời nói từ miệng nó đều gian ác và lừa gạt. Nó không còn hành động khôn ngoan và lương thiện”.
Khi Chúa muốn sử dụng một người nào cho công việc nhà Ngài, Ngài ban ơn khôn ngoan và ân điển trang bị cho chức vụ. Điển hình như Môi-se cũng nhận biết sự ban ơn cho những người phục vụ trong sách Xuất hành 36:2 ghi rằng “Môi-se triệu tập Bết-sa-lê-ên, Ô-hô-li-áp và những người khác đã được CHÚA phú cho khả năng và có tinh thần tự nguyện đến để bắt tay vào việc”. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể lắng nghe những lời tư vấn cho đời sống tâm linh của mình; giống như vua Sa-lô-môn đã chia sẻ “Tôi quyết tâm noi theo nguyên tắc khôn ngoan của các bậc hiền triết, nghiên cứu và khảo sát tường tận mọi việc xảy ra trên cõi đời này. Đó là một công việc khó khăn Đức Chúa Trời ban cho loài người” (Giáo huấn 1:13).
Trong thời Cựu Ước, muốn lãnh đạo dân sự của Chúa cách hiệu quả và đầy quyền năng, “Giô-suê con trai của Nun được đầy dẫy thần trí khôn ngoan, vì Môi-se có đặt tay trên ông. Như vậy toàn dân Y-sơ-ra-ên vâng phục Giô-suê và làm theo điều CHÚA đã truyền dạy Môi-se” (Phục truyền 34:9).
Chúa sẵn sàng ban ơn khôn ngoan cho chúng ta khi chúng ta khẩn thiết cầu xin cùng Ngài. Như khi Sa-lô-môn cầu xin Chúa ban cho ông sự khôn ngoan để hướng dẫn và lãnh đạo dân sự của Ngài, “Đức Chúa Trời ban cho vua Sa-lômôn sự khôn ngoan, thông sáng, và một khả năng hiểu biết uyên bác vô kể như cát trên bờ biển vậy” (1 Các vua 4:29). Vì vậy, “Nếu trong anh chị em có ai thiếu kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời thì sẽ được Ngài cho; Ngài là Đấng ban cho mọi người cách rộng lượng, không quở trách” (Gia-cơ 1:5). Điêù quan trọng hơn hết cho người muốn sống cách công chính và đẹp lòng Chúa là “Hãy để lời Chúa Cứu Thế sống phong phú trong lòng anh chị em với tất cả sự khôn ngoan. Hãy dạy dỗ, khuyên răn lẫn nhau, hết lòng hát thánh thi, thánh ca, linh khúc với lời cảm tạ để ca ngợi Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 3:16). Và hãy luôn cầu nguyện với Chúa rằng “…xin dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, Để chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thánh thi 90:12).
MỤC SƯ NGÔ VIỆT TÂN