Vườn Ê đen mới

Chết Rồi Mà “Vẫn Sống”! Huỳnh Quốc Bình


Văn hào người Anh William Shakespeare đã từng nói, “Những vị anh hùng chỉ chết một lần, còn những kẻ hèn nhát phải chết đi chết lại nhiều lần…” (Cowards die many times before their deaths; The valiant never taste of death but once)

Thánh Kinh ghi lại nhiều tấm gương về anh hùng đức tin gồm những người dám sống và dám chết cho chân lý của Chúa. Ngày nay, trong niềm tin Thiên Chúa, có nhiều chiến sĩ đức tin dù họ đã chết rồi mà “vẫn sống”. Bên cạnh những hình ảnh tốt lành đó, không thiếu những kẻ hèn nhát trong đức tin, bất xứng trong chức vụ, thích làm dáng đạo đức. https://huynhquocbinh.net/2024/05/28/audio-lam-dang-dao-duc/ Thành phần này luôn “dựa hơi” danh Chúa để tồn tại hay thích bám trụ hầu có thể hưởng danh lợi đời này. Họ thích toa rập làm điều nghịch với sự dạy dỗ của Thánh Kinh dù miệng họ cũng nói chuyện thiêng liêng và dạy người về Kinh Thánh. Họ chết đi sống lại nhiều lần trong tội lỗi và tuy họ đang sống mà như “đã chết.”

Nói theo ngôn ngữ của Tin Lành hay Công Giáo, khi một con dân Chúa lìa trần dù bất cứ lý do gì, người ta đều gọi là “về với Chúa”. Tôi không tin là “con dân Chúa” nào cũng được về với Chúa sau khi chết. Lý do, những kẻ hèn nhát, giết người gián tiếp, dâm loạn, và nói dối trong vỏ bọc thiêng liêng không thể vào được Thiên Đàng.

Ngày nay, người ta thấy có lắm kẻ độc quyền hiểu lời Chúa, độc quyền giảng dạy lời Chúa cho rằng tin Chúa một lần là được cứu mãi mãi, cho nên họ không cần phải sống và chết với những gì họ học, họ giảng hay họ dạy người khác. Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng: Không phải ai có đạo cũng được vào Nước Thiên Đàng bởi vì Kinh Thánh sách Khải Huyền 21:8 đã khuyến cáo về những trọng tội không được vào Thiên Đàng, trong đó có tội hèn nhát, giết người, dâm loạn, và nói dối. Kinh Thánh cho biết rõ, “phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai.”

Bài viết này, tôi xin phép được nhắc đến một con dân Chúa đã qua đời. Mục Sư Lê Tự Cam là người tôi quen biết trên 30 năm tại Portland, Oregon đã về với Chúa. Tôi tin rằng, tuy ông đã lìa trần nhưng tên tuổi và hình ảnh của ông vẫn sống trong lòng nhiều người từng biết đến ông.

Tôi tin rằng linh hồn Mục Sư Lê Tự Cam đã được về với Chúa căn cứ theo lời dạy của Thánh Kinh. Tôi không có nhu cầu ca ngợi MS Cam để lấy lòng bất cứ một ai bởi vì tôi không có nhu cầu đó. Chưa chắc những người thân yêu của MS Cam thích những gì tôi viết trước đây hay cần tôi viết bài này. Tôi viết vì lòng ngưỡng mộ của tôi dành cho ông dù ông đã lìa trần hay đã về với Chúa. Ngoài ra, tôi thích là tôi viết. Tôi thấy đúng là tôi khen. Tôi thấy sai là tôi phê bình, kể cả phê bình giáo quyền bất xứng. Mọi người có thể hiểu thêm những gì tôi viết về loại giáo quyền “ở truồng” tại link này: https://huynhquocbinh.net/2024/10/03/giao-quyen-o-truong/

Tôi có mặt tại hải ngoại này trên 40 năm. Tôi từng tham dự trực tiếp hay gián tiếp qua phim ảnh nhiều tang lễ của người Tin Lành. Tôi có thể nói, tang lễ của Mục Sư Lê Tự Cam khá đặc biệt so với các tang lễ mà tôi từng chứng kiến trước đây. Tôi viết bài này để người Tin Lành hay những ai gọi Thiên Chúa là Cha ở xa cũng nên biết để cùng ca ngợi danh Chúa qua tang lễ của MS Cam.

Tôi không ngại để nói rằng: Hầu hết các tang lễ của người Tin Lành, nhất là tang lễ của hàng ngũ mục sư, người sống dành những lời ca ngợi hay tán dương người chết lên đến “tận mây xanh”. Trong tang lễ, dù ngoài đời hay trong đạo, không ai có thể hồ đồ hay vô ý thức đến độ nói tiêu cực hay chê trách người quá cố. Nếu phải nói, người ta sẽ nói lời tiếc thương và an ủi tang gia chứ không nên ca ngợi “công đức” người quá cố một cách hết sức xa sự thật để người nghe phải nổi da gà hay ớn lạnh. Tôi từng nhiều lần bị “ớn lạnh” hay “nổi da gà” như thế.

Lúc người ta còn sống, mình không nói được một lời khích lệ tinh thần, không thăm viếng, không gọi thăm hỏi, nhưng chờ người ta qua đời rồi mình đến “ca ngợi công đức” người ta để làm gì? Phía người theo phong tục thờ cúng hay thói quen vái lạy, tôi từng nghe lời than thở như vầy: Bạn tốt là khi thấy người ta té thì đỡ, chứ đừng chờ người ta tắt thở rồi đến đốt nhang. Mà thật vậy, lúc còn sống, không quý nhau, chờ người ta chết rồi đến nhà quàng ra vẻ tiếc thương để làm “quái” gì?

Tôi có thể nói mà không sợ sai rằng: Trong các bài viết, hay những cuộc nói chuyện qua lại với nhau giữa mục sư Tin Lành Việt Nam, tôi chưa từng thấy có một mục sư nào dám khen người khác, nhất là khen các mục sư khác. Cho dù lời khen có tính cách khích lệ công việc gọi là “công việc Chúa” của người ta, tôi cũng không thấy. Hầu hết các lời khen đều “để dành” khi có đám tang mang ra sử dụng. Điều đó có nghĩa là khi có mục sư hay tín hữu nào “có thế giá” hay “có máu mặt” trong các nhà thờ Tin Lành qua đời, người đó được ca ngợi lên đến “tận mây xanh” như đã nói. Có những lời khen quá mức bình thường khiến người nghe tưởng rằng người chết là “Thánh Phao-lô thời đại” hay cả các sứ đồ của Chúa ngày xưa cũng không bằng. Nếu các vị ấy còn sống chắc cũng phải giật mình.

Theo tôi, một người nhận mình là con dân Chúa mà khi còn sống không làm một điều gì ích lợi cho nhân quần xã hội, không hết lòng kính yêu Chúa yêu người, thích dây dưa với những điều dối trá, và đạo đức giả trong vỏ bọc thiêng liêng, khi chết rồi, người đó không thể được ca ngợi là “đánh trận tốt lành” như Thánh Kinh sách II Ti-mô-thê 4:7 đã mô tả.

Làm sao mà người ta không “chướng tai, gai mắt” khi chứng kiến những người có lời khen tặng hay ca ngợi người quá cố để tự đánh bóng mình theo kiểu “Muốn ăn gắp bỏ cho người”. Không ai có thể chịu được khi biết rằng có người lợi dụng tang lễ của một người, nói lời ca ngợi tài đức của người chết để rồi mắng xéo hay xách mé nhiều người khác một cách hết sức là kỳ quặc.

Tôi có trực tiếp tham dự tang lễ của Mục Sư Lê Tự Cam. Tôi thấy tang lễ của MS Cam thật đông người tham dự và đầy phước hạnh. Tôi thật sự tạ ơn Chúa về điều này. Kể từ hôm tôi được tin MS Cam về với Chúa cho đến nay, qua các trang điện tử, tôi được hân hạnh đọc nhiều lời thương tiếc dành cho MS Cam. Những người viết về ông đều có nêu rõ những lý do khiến họ ngưỡng mộ và tiếc thương ông, chứ họ không chỉ nói chung chung.

Tang lễ của MS Cam được tổ chức chiều Chúa Nhật, ngày 6 Tháng Mười, 2024. Có khoảng trên dưới 500 người tham dự tại Thánh Đường Cedar Mill Bible Church, Portland, Oregon, USA. Trong giờ tang lễ, tôi được nghe sáu người nói lời tưởng niệm MS Cam mà người nói đã có tên trong chương trình. Lời của Mục Sư Nguyễn Hữu Trang đến từ Seattle Washingotn, Bác Sĩ Lê Văn Báu, và Mục Sư Nguyễn Thế Trung đến từ Việt Nam thật xứng đáng để nhiều người nghe. Tôi chưa từng quen thân hay quen biết ba vị này, nhưng những gì họ nói đã thúc đẩy tôi nên viết ra để nhiều người ở xa cùng biết.

Ba vị ấy chỉ nhắc lại những kỷ niệm giữa họ và MS Cam và ca ngợi những việc làm hay lời nói của MS Cam lúc còn sống. Tuy nhiên, những gì họ kể lại đã giúp người nghe thấy rõ hình ảnh Đức Chúa Jesus hay quyền năng thật sống động của Thiên Chúa trong đó qua đời sống của MS Cam. Điều này khác với những trường hợp có người dùng lời táng tụng người quá cố để cho hình ảnh “công đức” hay “tài năng” của mình nổi bật còn Chúa thì bị lu lờ. Nói một cách khác, qua đời sống của Mục Sư Lê Tự Cam do nhiều người kể lại, khiến người nghe thấy rõ quyền năng và tình yêu nhân loại của Chúa trong đó chứ không phải để đánh bóng cá nhân MS Cam hay người kể được tôn cao. Điểm quan trọng và đáng học hỏi là ngay chỗ đó.

Mục Sư Nguyễn Hữu Trang nói từ phút thứ 128 (2:08). MS Trang kể lại tình bạn giữa ông và MS Cam mà ông gọi là “người bạn yêu dấu” của ông. Hai vị là đôi bạn thân thời Tiểu Học, từng là thiếu niên của Hội Thánh Tin Lành Thanh Quýt ở Quảng Nam. Lớn lên MS Cam vào ngành Quân Bưu còn MS Trang theo ngành giáo dục. MS Cam là người luôn đặt trọng tâm vào lời cầu nguyện với Chúa. Thời điểm 30-4-75, MS Cam và gia đình ông có điều kiện và phương tiện để rời Việt Nam để tìm sự bình an cho riêng mình, nhưng ông đã từ chối vì sau khi ông cầu nguyện, ông chưa thấy ý Chúa bày tỏ cho biết là ông phải rời Việt Nam lúc bấy giờ. Đây là hình ảnh nổi bật của một người thật sự sống bởi đức tin. Ông thật xứng đáng cho tôi và con dân Chúa học hỏi.

Bác Sĩ Lê Văn Báu nói từ phút thứ 152 (2:32) và tiếp theo đó là Mục Sư Nguyễn Thế Trung. Cả hai vị này từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tham dự tang lễ và thọ tang MS Cam. Có thể nói đây là một hình ảnh sống động hay tuyệt vời đã xảy ra giữa người ban ơn và thọ ơn đã cư xử với nhau ở thời buổi mà lắm kẻ lấy ơn trả oán, hay những kẻ mà Thánh Kinh gọi là, “thù người lành và lường thầy phản bạn”. Xin vui lòng xem Thánh Kinh II Ti-mô-thê 3:1-5.

Tôi khích lệ quý con dân Chúa nên nhín chút thì giờ quý báu để theo dõi qua link này: https://www.youtube.com/live/JrT64bmabQ8?si=6jlix6qLh2hVNU8k

Giữa tôi và Mục Sư Cam chưa từng có ân hay “oán” gì nhau. Tôi và ông quen biết tương đối thân tình khoảng 30 năm qua tại Portland, Oregon này. MS Cam là một mục sư có những mục vụ hướng về trong nước. Tôi có mục vụ với những việc làm và bài giảng mà những người Tin Lành quá “thiêng liêng” ngại “đứng gần”. Tôi có lập trường hay ý thức chính trị mà kẻ gian hay con cái ma quỷ không ưa. Vì ý thức điều đó, cho nên tôi cố giữ “khoảng cách” cần thiết cho ông. Chúng tôi chỉ gọi hay gởi điện thư thăm nhau và nhớ đến nhau trong lời cầu nguyện. Năm 2001 tôi khởi đầu mục vụ và giảng Tin Lành qua giáo hội Tin Lành Nazarene Hoa Kỳ, MS Cam từng nói với tôi là trong lời cầu nguyện hằng ngày của ông, có tên tôi trong đó. Tôi tin lời ông nói và dĩ nhiên tôi rất cảm động.

MS Cam thường đọc các bài viết của tôi. Làm sao tôi biết? Chính ông nói với tôi. Dĩ nhiên, không phải phải bài nào tôi viết ông cũng bày tỏ sự ủng hộ. Ông đồng tình với tôi nhiều bài tôi viết về đạo, xã hội, và các bài mà tôi ủng hộ những chính giới Hoa Kỳ nào bảo vệ sự sống và làm theo lời Thánh Kinh.

Hai mùa bầu cử Tổng Thống Mỹ 2016 và 2020, ông đều liên lạc điện thoại với tôi liên tục trong cao điểm để hỏi thăm và thảo luận tình hình bầu cử. Liên quan đến bài viết về niềm tin Thiên Chúa, tôi xin phép nhắc lại một kỷ niệm giữa tôi và ông. Nếu có ai nghĩ rằng tôi muốn “khoe” về tôi cũng chẳng sao. Có lần MS Cam gởi email và gọi điện thoại nói lời khích lệ tôi về bài viết, “Dẹp Bàn Thờ” mà tôi viết năm 2014. Ông nói, “MS Bình viết bài này rất xứng đáng để anh em Tin Lành của mình chú ý khi đi làm chứng đạo”. Bài viết đó lưu trữ tại đây: https://huynhquocbinh.net/2022/04/21/dep-ban-tho/

Kết luận
Nhiều người đã nhắc đến Mục Sư Lê Tự Cam bằng những lời thương mến, kính yêu, và biết ơn ông. Theo tôi, căn cứ vào đời sống tin kính Chúa của ông đã giúp người không có niềm tin Thiên Chúa có thể biết Ngài là ai? Chắc chắn ông không thể là người hoàn toàn, nhưng ông là người thật sự khiêm nhường và kính Chúa yêu người. Nếu tôi có viết thêm, chẳng khác nào làm chuyện “chở cũi về rừng”. Đúng là MS Cam dám sống cho Chúa và đã chết cho Chúa (Rô-ma 14:8). Hãy chịu khó nghe qua tiểu sử Mục Sư Lê Tự Cam và những gì mọi nhắc về ông để chúng ta biết tại sao ông xứng đáng được nhắc đến trong sự thương mến và kính yêu.

Một người nhận mình là con dân Chúa mà khi còn sống không biết khắc khe với bản thân mình, khi qua đời cho dù có bỏ tiền ra “thuê mướn người ta khóc” cũng không được như tang lễ của MS Cam. Tôi có thể nói mà không sợ quá lời, MS Cam đã đánh trận tốt lành (II Ti-mô-thê 4:7) bởi vì người đã chết rồi mà “vẫn sống”. Bà Lê Tự Cam và con cháu của ông bà có quyền hãnh diện về chồng, cha, và ông của mình. Cầu xin Chúa an ủi bà những người thân trong gia đình.
Em chào vĩnh biệt Anh Cam, MS Lê Tự Cam!

Huỳnh Quốc Bình
Viết ngày 12 Tháng Mười, 2024
(Theo FB Binh Huynh)

—————————

Chương trình Cầu Nguyện Và Phát Tang Mục sư Lê Tự Cam (1941-2024)

Lễ Tang Mục Sư Lê Tự Cam Tại Thành Phố Portland Oregon

Tiểu sử cuộc đời Mục Sư Lê Tự Cam

Ngày đăng: 10/12/2024