Thánh Kinh Giải Đáp

TKGĐ 20 – NHẬN RA CON CÁI CHÚA – VUA ĐAVÍT PHẠM TỘI

Một người Bạn từ Hoa Kỳ viết cho tôi:

Tôi có hai câu hỏi (hay vấn đề) cần hỏi anh:
1- Làm sao để nhận ra con cái Chúa? Chúa dạy nhìn trái biết cây, nhưng tín đồ Cô-rinh-tô mang trái xấu.
2- Luật pháp Môi-se được thực hiện cho vua chúa không và thực hiện thế nào? Vua David phạm tội sát nhân và ngoại tình nhưng không đền mạng, (mặc dù bị hình phạt khác). Mắt đền mắt răng đền răng.

Giải Đáp Câu Hỏi 1.Làm sao để nhận ra con cái Chúa? Chúa dạy nhìn trái biết cây, nhưng tín đồ Cô-rinh-tô mang trái xấu.

Chúa nói trong Ma-thi-ơ 7:15-19 là: “Hãy coi chừng các tiên-tri giả, là những kẻ đến cùng các ngươi trong áo chiên, nhưng bề trong là chó sói tham mồi. Các ngươi sẽ biết chúng bởi trái của chúng. Trái nho chẳng được gom từ bụi gai, trái vả cũng chẳng từ cây kế, có phải chăng? Theo cùng cách đó, mọi cây tốt sinh trái tốt; nhưng cây xấu sinh trái xấu. Cây tốt chẳng có thể sinh trái xấu, cây xấu cũng chẳng có thể sinh trái tốt. Mọi ngọn cây chẳng sinh trái tốt bị đốn xuống và bị quăng vào lửa. Rồi như thế, các ngươi sẽ biết chúng bởi trái của chúng”.

Anh đang hỏi tôi về cách nhận biết con cái Chúa, tức là hỏi làm sao biết ai là tín đồ thật và ai là tín đồ giả. Chúa thì dạy: “Các ngươi sẽ biết chúng bởi trái của chúng”. Chúng ở đây không phải là vấn đề tín đồ thật hay tín đổ giả mà là tiên tri giả hay tiên tri thật. Tiên tri giả lắm khi cũng là con cái thật của Chúa, nhưng họ có những bông trái, việc làm xấu. Tín đồ Cô-rinh-tô có những việc làm, những bông trái xấu xa, như ăn của cúng, cãi cọ, kiện tụng nhau, và nhất là có kẻ loạn luân với kế mẫu mình. Thơ 1 Cô rinh tô 5 xác nhật kẻ loạn luân đã được cứu — “giao kẻ như thế ấy cho Sa-tan cho sự hủy-diệt xác-thịt của hắn, để linh của hắn có thể được cứu trong ngày của Chúa Giê-xu” (5:5). Theo tôi thấy, tiên tri giả ở Ma thi ơ 7 và kẻ loạn luân ở hội thánh Cô-rinh tô là tín đồ thật nhưng có bông trái xấu. Chúng ta không thể vội kết luận hễ tín đồ nào có bông trái xấu đều là con cái giả mạo, không thuộc về Chúa.

Chúng ta có thể dùng hai cách sau đây để dò xem ai là con cái thật của Chúa hay là con cái giả:

a/ Người có thói quen liên tục thực hành phạm tội là con cái giả mạo mượn danh của Chúa:

1 Giăng 2:1 “Hỡi các con bé mọn của ta, ta đang viết cho các con những điều này, để các con có thể không phạm tội. Và nếu người nào phạm tội, thì chúng ta có Đấng Cầu Thay ở với Cha”. Câu nầy nói mọi tín đồ thật đều có thể phạm tội sau khi được cứu. Theo nguyên ngữ Hi lạp, động từ “phạm tội” thứ hai là động từ được dùng theo thể Aorist subjunctive (quá khứ dứt điểm thể giả định), ngụ ý một hành động đơn độc, xảy ra cách dứt khoát, không phải một hành động kéo dài, không phải một hành động theo thói quen, xảy ra liên tu bất tận.1 Giăng 3:8-9, “kẻ cứ thực hành tội thì thuộc về quỷ-vương;– Chẳng có ai được sinh ra bởi Đức Chúa TRỜI lại cứ thực hành tội” (TKTC).

Một bản dịch khác: “ai cứ mãi phạm tội đều thuộc về ma quỉ. Người nào làm con Thượng Đế thì không thể nào cứ mãi phạm tội” (BPT). Động từ “thực hành tội” ở đây diễn tả một hành động kéo dài, như một tập quán, một lối sống mặc định.

Do những điều trên tôi kết luận: mọi con cái thật của Chúa còn có thể phạm tôi từng lúc, từng sự việc cách xa nhau khi họ lở phạm tội. Nhưng tín đồ thật không thể cứ thực hành tội lỗi theo thói quen, không thể dầm mình trong tội lỗi, không thể thoải mái cứ mãi ngụp lặn trong tội mà không được Đức Thánh Linh đánh động ăn năn, lìa bỏ. Đó là dấu hiệu nhận biết ai là tín đồ thật.

b/ Người nào có thể thương yêu tín đồ khác người đó là con cái thật của Chúa. Còn những cách thử nghiệm khác nữa, nhưng tôi chỉ đưa ra thêm một phương pháp thứ hai nầy.

1 Giăng 3:14-15, “Chúng ta biết rằng chúng ta đã đi ra khỏi sự chết vào trong sự sống, bởi vì chúng ta yêu-thương anh em. Kẻ không yêu thương cứ ở trong sự chết. Mọi kẻ ghét anh em của hắn là một kẻ sát-nhân; và anh em biết rằng không có một kẻ sát-nhân nào có sự sống đời đời cứ ở trong kẻ đó” (TKTC).

Trong Giăng 17, Chúa Giê su thưa với Cha: “Cha đã thương yêu Con trước sáng thế”. Đức Chúa Trời chỉ thương yêu chính Ngài. Ma quỷ thì ghét Ngài, nhưng Chúa vẫn thương yêu hắn, dù hắn đã sa ngã. Con cái thật của Chúa đương nhiên phải yêu anh em thuộc linh của mình, là yêu những người con khác của Chúa, vốn có đồng bản chất và có chung sự sống thần thượng như mình. Tín đồ thật không có khả năng ghét cay ghét đắng tín đồ thật nào khác, vì cả hai đều có bản chất của Đức Cháu Trời. Và Đức Chúa Trời không bao giờ ghét chính Ngài.

Thế thì nếu ai tự xưng là Cơ Đốc nhân mà lại cứ mãi ghét bạn, vì bạn biết mình là con cái thật của Chúa, anh ta cứ thực hành thói quen ghét bạn cách cay đắng từ năm nầy đến năm khác, thì tôi có thể kết luận rằng người đó là con cái của ma quỷ. 1 Giăng 4:20, “Nếu một người nào đó nói: “Tôi yêu Đức Chúa TRỜI,” và cứ ghét anh em của mình, kẻ đó là kẻ nói dối; vì kẻ chẳng yêu-thương anh em của hắn là người mà hắn đã thấy, thì không thể yêu-thương Đức Chúa TRỜI là Đấng mà hắn đã chẳng thấy”. kẻ nói dối là con cái giả dối, thuộc về Ma quỷ.

Giải Đáp Câu Hỏi 2: Luật pháp Môi-se được thực hiện cho vua chúa không và thực hiện thế nào? Vua David phạm tội sát nhân và ngoại tình nhưng không đền mạng, (mặc dù không bị hình phạt khác). Mắt đền mắt răng đền răng.

Luật Môi-se được thực hiện, thi hành cho vua chúa Israel trước nhất, nghiêm chỉnh nhất, vì Chúa là Đấng không thiên vị bất cứ ai cả. Thí dụ vua Sa-lô-môn cưới nhiều vợ, sắm nhiều ngựa, nghe lời các bà vợ mà theo con đường thờ phượng các thần tượng ngoại bang. Chúa không giết ông, nhưng trừng phạt con cái ông, bằng cách giựt lấy 10/12 đất nước Israel giao cho người khác. Đáng lẽ Chúa xóa sổ các hậu tự ông, nhưng vì lời hứa Ngài đã hứa cùng David, “Khi các ngày của ngươi được trọn-vẹn, và ngươi nằm xuống với tổ-phụ của ngươi, Ta sẽ dấy lên dòng-dõi của ngươi sau ngươi, là người sẽ được sinh ra từ ruột của ngươi, và Ta sẽ thiết-lập vương-quốc của nó. hi nó phạm tội, Ta sẽ sửa phạt nó .. nhưng sự ân-cần thương-yêu của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã lấy nó khỏi Saulơ, kẻ mà Ta đã cất đi khỏi trước mặt ngươi. Và nhà của ngươi và vương-quốc của ngươi sẽ tiếp-tục tồn-tại trước mặt Ta mãi mãi; ngôi của ngươi sẽ được thiết-lập mãi mãi” (2 Sa mu ên 7: 12-15) nên Chúa dung tha mạng sống ông.Các vua khác như Giê rô bô am, Giô ram, Ma na se…v.v.., khi họ phạm luật Môi-se, Chúa đều đã trừng phạt học cách đích đáng.

Trong sự việc Bát-sê ba, vua David đã vi phạm tất cả 5 điều răn trong bản đá thứ hai: sát nhân, tà dâm, trộm cướp, nói dối, tham lam. Chúa có xử theo cách “Mắt đền mắt răng đền răng” với David hay không, khi ông đã cố ý giết U-ri là chồng của Bát-sê-ba, để cướp nàng và mong sự việc sớm lấy nàng sẽ che đậy được cái bào thai trong bụng nàng, và che giấu được tội ngoại tình với nàng khi U-ri còn sống?

Tiên tri Na than tuyên bố phán quyết của Chúa trên David như sau: “Tại sao ngươi đã khinh-bỉ lời của GIA-VÊ bởi việc làm điều xấu-xa trong cái nhìn của Ngài? Ngươi đã đánh hạ U-ri, người Hê-tít với thanh gươm, đã lấy vợ của nó làm vợ ngươi, và đã giết nó chết với lưỡi gươm của những con trai Am-môn. Bởi vậy bây giờ, thanh gươm sẽ chẳng bao giờ rời khỏi nhà của ngươi, vì ngươi đã khinh Ta và đã lấy vợ của U-ri người Hê-tít, làm vợ ngươi.’ Đức GIA-VÊ phán như vầy: ‘Này, Ta sẽ dấy lên điều xấu-xa chống lại ngươi từ chính gia-hộ của ngươi; thậm-chí Ta sẽ bắt những người vợ của ngươi trước mắt ngươi, mà trao chúng cho bạn bè của ngươi, và nó sẽ nằm với các ngườivợ của ngươi trong bạch-nhựt. Quả thật, ngươi đã làm nó một cách bí-mật, nhưng Ta sẽ làm điều này trước mặt tất cả Y-sơ-ra-ên và dưới mặt trời'” (2 Sa. 12: 9-12).

Sau khi vua David nhìn nhận tội lỗi mình, Na than nói: “Đa-vít nói với Na-than: “Ta đã phạm tội cùng Đức GIA-VÊ.” Và Na-than nói với Đa-vít: “Đức GIA-VÊ cũng đã khiến cho tội của bệ hạ biến mất; bệ hạ sẽ không chết. Tuy nhiên, vì qua hành động này bệ hạ đã cho những kẻ thù-nghịch của Đức GIA-VÊ cơ-hội để phạmthượng, đứa con được sinh ra cho bệ hạ chắc-chắn cũng sẽ chết.” (2 Sa. 12: 13-14).

Tại sao Chúa không xử phạt David theo luật “Mắt đền mắt răng đền răng” với David? Chúa bất công, thiên vị ông chăng? Hay đứa bé vô tội, đã chết thế mạng cho cha nó? Đấy là một điểm bí trong vụ án David Bát sê ba.Trong Thi thiên 51:16 David thưa với Chúa, “Vì Chúa không vui sướng với tế vật, nếu có thì con sẽ dâng nó; Chúa cũng không hài lòng với của-lễ thiêu”.

Theo luật Môi-se mọi tín đồ Israel Cựu ước khi cảm thấy mình có tội thì phải đem bò, dê, hay chiên đến cùng thầy tế lễ dâng tế lễ chuộc tội mình. Kẻ nghèo thì thay gì dâng con chiên, thì dâng chim bồ câu, hay một lượng bột mì suông, Chúa đều chẩn nhận tất cả. David có thừa khả năng dâng 1000 con bò làm của lễ chuộc tội cho mình, như về sau con ông là Sa-lô-môn đã dâng như vậy (1 Các Vua 3: 4 ). Nhưng khi phạm tôi cố ý sát nhân, David đã vượt quá giới hạn chuộc tội trong các của lễ mà Chúa đã quy định. Không có của lễ nào có đủ khả năng bôi xóa tội lỗi cho ông, kẻ cố ý sát thủ một tiểu tướng tài năng của mình.

Dù Chúa trừng phạt David bằng cách dấy lên những tai họa xảy ra trong gia đình ông, và ông cùng gia quyến phải bôn tẩu khi con ông là Áp-sa-lôm cướp ngôi của ông. Thời gian chạy trốn của ông ít ra cũng 3 hay 4 tháng.Sau khi được Chúa tha thứ ông viết Thi thiên 32:1-2 và nói, “Phước thay là kẻ có vi-phạm được tha-thứ, Tội của hắn được bao phủ! Phước cho kẻ mà Đức GIA-VÊ không cho là gian-ác, Và trong linh của hắn không có sự lừa-dối!”.

Dựa trên điều gì, trên luật nào mà Chúa tha tội cho David? Ê-sai 55:3 (TT) dịch “sự nhân từ chắc thật đã hứa cùng Đa-vít”. Hầu hết các bản Kinh thánh Việt văn đều dịch sai câu nầy. Theo tiếng Hi-ba-lai chữ “sự nhân từ” là “sự thương xót”. Bản Jubilee Bible dịch: “even the sure mercies of David’ “các sự thương xót chắc chắn dành cho David”. Câu nầy được Phao lô nhắc lại trong Công vụ 13:34, “I will give you the sure mercies promised to David’—“Ta sẽ ban cho người (Chúa Jesus) các sự thương xót chắc chắn đã hứa cùng David”.

Như vậy Đức Chúa Trời đã ban cho David các sự thương xót chắc chắn, để xá miển ông về tội cố ý sát nhân” hóa giải câu “mắt đền mắt răng đền răng” trong vụ án Bát sê ba. Mà khi nói đến “đức thương xót” của Đức Chúa Trời là phải có một đối tượng quá tồi tệ, vượt quá giới hạn ân điển và tình yêu, một con người không xứng đáng để được Chúa yêu nữa. David được khoan hồng bởi đức thương xót chắc thật của Chúa ban cho ông. Ông thật đáng thương, đáng tội nghiệp trước đức thương xót của Chúa. Chúa đã thương hại ông, và thương xót ông.

Còn một chi tiết nữa liên quan đến việc Chúa xá miễn tội cố ý sát nhân của David. Kinh thánh chép mấy lần câu” David vừa lòng Đức Chúa Trời”. Dù khi còn tuổi thiếu niên, ông bị lộ ra tính ham gái khi cứ hỏi đi hỏi lại phần thưởng vua Sau-lơ sẽ dành cho ai chiến thắng Gô-li-át. Đó là hạnh kiểm của ông. Nhưng động cơ lòng ông là tuyệt đối muốn sống vì vinh quang của Chúa, muốn tìm kiếm sự khát vọng của Đức Chúa Trời, hết lòng yêu mến cùng tìm kiếm Chúa không thôi, chớ không có động cơ tìm đàn bà cả một cuộc đời.

Chúa cho phép ông ngủ trưa, rồi thức dậy quá trễ, sống nhàn rỗi, tình cờ nhìn thấy Bát sê ba đang tắm nên động lòng ham muốn và phát sinh cả một vụ án bi thảm. Nhưng thực tâm ông không cố ý tìm kiếm Bát-sê ba. Ông chỉ chuyên nhất tìm kiếm Chúa, vụ Bát-sê ba là một tai nạn bất chợt, ông không có âm mưu từ trước. Cho nên sau khi được Chúa tha thứ, rửa sạch, David được phục hồi địa vị và giá trị thuộc linh của mình trước mặt Chúa. Thậm chí trong tất cả thánh đồ Cựu ước, giữa mọi vua chúa của Isarel, tên ông còn được xuất hiện bên cạnh Danh cao quý của Chúa Giê-su vào trang cuối cùng của cả bộ Kinh thánh.- “Ta, Giê-xu, đã sai thiên-sứ của Ta làm chứng cùng ngươi các việc này cho các hội thánh. Ta là gốc-rễ và là hậu-tự của Đa-vít, sao mai sáng chói”(Khải 22:16).

Chúa đã cho phép ông sa ngã như vậy để Ngài có cơ hội bày tỏ các sự thương xót chắc chắn của Ngài cho muôn dân thấy. Chúa Giê su là hậu tự của một David sống vừa lòng Đức Chúa Trời.

Minh Khải

Ngày đăng: 10/30/2020