Vườn Ê đen mới

Anh Chị Em Sẽ Rửa Chân Cho Ai? Dr. Denison

Một trong những tàu chiến quan trọng nhất của Hải quân Nga đã bị chìm ở Biển Hắc Hải ngày 15 tây. Ukraine tuyên bố tàu Moskva đã bị trúng tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine. Nhưng Nga lại cho rằng một ngọn lửa đã bốc lên trên tàu tuần dương, khiến đạn dược trên tàu phát nổ. Dù nguyên nhân là gì thì kết quả vẫn như nhau: con tàu ngày nay đang nằm dưới đáy đại dương.

Trong các tin tức hàng hải khác, tàu viễn dương Titanic của Anh quốc đã chìm xuống Bắc Đại Tây Dương vào ngày này năm 1912. Con tàu va phải một tảng băng trôi tối ngày 14 tháng 4 và chìm lúc 2 giờ 20 sáng hôm sau. Tuy nhiên, nguyên nhân về vụ chìm tàu ​​Titanic ít liên quan hơn hậu quả của nó. Nếu con tàu bị nổ bên trong hoặc va chạm với một con tàu khác theo cách gây ra thiệt hại tương tự như tảng băng mà nó va phải, hậu quả sẽ giống như nhau.

Và Tổng Thống Abraham Lincoln qua đời vào ngày này năm 1865, một sự kiện bi thảm làm thay đổi quỹ đạo lịch sử Hoa Kỳ và thế giới. Tôi đã đến thăm hý viện nơi ông bị bắn tối ngày 14 tháng 4 và phòng ngủ nơi ông qua đời vào sáng hôm sau. Tôi cũng đã nhìn thấy khẩu súng lục derringer được chưng bày trong hý viện Ford do John Wilkes Booth sử dụng để bắn tổng thống. Tuy nhiên, phương pháp ám sát Lincoln ít liên quan đến lịch sử hơn là kết cuộc của nó. Nếu Wilkes đã đâm tổng thống, đánh ông bằng một vật thể hoặc đầu độc ông, thì hậu quả đau buồn sẽ y như vậy.

Tôi đưa ra những nhận xét này để đặt câu hỏi: Tại sao Chúa Giê-su bị đóng đinh vào Thứ Sáu, Tuần Lễ Thánh?

Tôi không thắc mắc tại sao Ngài chết vào ngày này. Bạn biết câu trả lời: Chúa Giê-xu đã chết thay cho chúng ta để đền tội và mua chuộc sự cứu rỗi cho chúng ta. Như Phao-lô đã nhận xét trong 2 Cô-rinh-tô 5:21: “Đức Chúa Trời đã làm cho Chúa Cứu Thế Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta để nhờ ở trong Chúa Cứu Thế chúng ta trở nên công chính trong Đức Chúa Trời.”

Thắc mắc của tôi là: Tại sao Chúa Giê-xu chịu chết bằng cách bị đóng đinh? Tại sao Ngài không bị ném đá cho đến chết như Ê-Tịiên hoặc bị chặt đầu như Phao Lô? Tại sao Ngài lại chịu chết theo cách hành quyết dã man nhất, khủng khiếp nhất trong thời bấy giờ? Bạn có thể trả lời vì đó là cách người La Mã hành quyết tù nhân. Điều đó đúng nhưng hãy nhớ rằng một đám đông Do Thái đã ném đá Ê-tiên cho đến chết (Công. 7: 54–60) và cố ném Chúa Giê-su xuống vách đá (Lu-ca 4:29).

Bạn cũng có thể trả lời rằng Chúa Giê-xu đã phải chết bằng cách chịu đóng đinh để ứng nghiệm lời tiên tri. Một lần nữa, bạn nói đúng: cách thức chết của Chúa Giê-su đã được dự ngôn từ nhiều thế kỷ trước khi nó xảy ra. Chẳng hạn, Đa-vít đã làm chứng trong Thi thiên 22: 17-18: “Tôi có thể đếm hết xương cốt tôi, Chúng nhìn chòng chọc, chúng nhìn tôi hau háu. Chúng chia nhau áo xống tôi, Bắt thăm để lấy y phục tôi.” Mỗi cụm từ đã được ứng nghiệm bằng việc Chúa Giê-su bị đóng đinh một ngàn năm sau đó.

Tuy nhiên, tôi sẽ trả lời: Tại sao Đức Chúa Trời lại dự ngôn rằng Chúa Giê-xu sẽ phải chết theo cách này? Ngài có thể đã khiến các trước giả Cựu Ước mô tả cái chết của một Tôi Tớ Đau khổ theo những cách ít kinh khủng hơn nhiều. Tỷ như, nếu họ có thể dự đoán cái chết của Chúa Giê-su bằng cách bị đóng đinh, thì họ có thể đoán trước được cái chết của Ngài bằng cách bị chặt đầu. Vậy tại sao Chúa lại sắp đặt Con Ngài chết vào ngày này một cách đau thương như vậy?

Thánh Melito của Sardis là một giám mục thế kỷ thứ hai và là người biện hộ cho đức tin Cơ đốc. Trong một bài giảng lễ Phục sinh, ông nói về Chúa Giê-su, “Chính Ngài đã chịu đựng mọi đau đớn trong tất cả những ai đã được tiên tri qua hình bóng Ngài. Qua A-bên, Ngài bị giết, qua Y-sác bị trói, Gia-cốp bị lưu đày, Giô-sép bị bán, Môi-se chết. Ngài đã bị hy sinh qua chiên con của Lễ Vượt Qua, bị bắt bớ qua Đa-vít, bị sỉ nhục qua các nhà tiên tri.

Chính Ngài đã trở nên hài đồng qua Trinh Nữ Mary, Đấng bị đóng đinh; Chính Ngài đã bị chôn trong lòng đất, từ kẻ chết sống lại, và được cất lên các đỉnh cao trên trời. Ngài là chiên con bị giết, chiên con được sinh ra bởi Mary, chiên con công nghĩa. Nó bị bắt khỏi bầy, bị lôi đi giết thịt, hiến tế vào buổi tối, và chôn cất vào ban đêm.”

Nói cách khác, Chúa Giê-su đã gánh chịu những đau khổ tồi tệ nhất mà một con người có thể trải qua để bày tỏ mối liên kết của Ngài với tất cả những đau khổ của con người.

Bạn không thể cảm thấy đau đớn hơn nỗi đau mà Chúa Giê-xu từng trải khi bị đánh đập và chịu thập hình. Bạn không thể cảm thấy sự xấu hổ nào tồi tệ hơn sự xấu hổ của Ngài khi bị đám đông chối bỏ và bị các thầy tế lễ chế giễu, không sự phản bội nào tồi tệ hơn sự phản bội của Giuđa với Chúa, không sự bỏ rơi nào tồi tệ hơn sự bỏ rơi của các môn đệ, không sự kinh hoàng nào tồi tệ hơn sự kinh hoàng của Ngài khi gánh tội thế nhân, của toàn thể nhân loại đã được đặt trên linh hồn vô tội của Chúa, không có sự cô đơn nào lớn hơn sự cô đơn mà Ngài cảm nhận khi mang tội lỗi của chúng ta và Cha Ngài đã quay mặt khỏi Chúa trong sự phán xét.

Hai kết quả theo sau.

1. Chúa Giê-xu kêu gọi chúng ta hãy phó thác nỗi đau, sự đau buồn, và tội lỗi kinh khiếp nhất của chúng ta vào bàn tay bị đóng đinh của Ngài.

Kinh thánh Hê-bơ-rơ 4:15 bảo đảm với chúng ta: “vì chúng ta không có một vị thượng tế chẳng có thể thông cảm sự yếu đuối chúng ta, nhưng vị tế lễ này đã chịu cám dỗ đủ mọi mặt cũng như chúng ta song không phạm tội.” Do đó, Chúa của chúng ta mời gọi: “Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngai ân sủng, để được thương xót và tìm được ân sủng khả dĩ giúp đỡ chúng ta kịp thời.” (c. 16). Tại sao chúng ta cần lòng thương xót và ân điển như vậy ngày hôm nay?

2. Chúa Giê-xu kêu gọi chúng ta liên kết với tất cả những ai đau khổ, đã được đền trả trước qua ân sủng yêu thương của Ngài. Phao lô giải thích rằng Đức Chúa Trời “luôn an ủi chúng ta trong mọi cơn hoạn nạn để chúng ta, nhờ sự an ủi đã nhận được từ Đức Chúa Trời, có thể an ủi những người khác trong mọi cơn hoạn nạn họ gặp.” (2 Cô-rinh-tô 1: 4).

Br. James Koester thuộc Hiệp hội Thánh sử Giăng ở Boston ghi nhận: “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà Ta là vua. Nhưng quyền công dân của chúng ta không thuộc thế gian này. Chúng ta là công dân của một quốc gia khác, có vua là người hầu, có địa cầu là khăn tắm, có vương trượng là chậu rửa, vương miện là sự khiêm tốn, và phương châm của Người là phục vụ. Là công dân và thần dân của vương quốc đó, chúng ta không thể thề trung thành tối thượng theo bất kỳ cách nào khác ngoài việc nhận lấy khăn tắm, ôm lấy chậu rửa, và quỳ xuống.”

Vào Thứ Sáu Tuần Lễ Thánh này, anh chị em sẽ rửa chân cho ai?

Lược dịch: Nguyễn Thị Bảo Hạnh

 

——————————————————-

Nghiệm và Sống là tổng hợp của hai trang Dưỡng Linh và Nghiệm & Sống trước đây.
Đọc lại bài vở của trang Dưỡng Linh
Dưỡng Linh 1 – Lưu trữ bài vở trang Dưỡng Linh từ năm 2010-2018:
https://www.mediafire.com/file/afx3c7arf2gfvtx/D%25C6%25AF%25E1%25BB%25A0NG_LINH_1.pdf/file
Dưỡng Linh 2 – Lưu trữ bài vở trang Dưỡng Linh từ năm 2018-2022:
https://www.mediafire.com/file/frvwh4nu6c4cd9d/D%25C6%25AF%25E1%25BB%25A0NG_LINH_2.pdf/file
Nghiệm&Sống: Lưu trữ bài vở từ năm 2008-2022:
https://www.mediafire.com/file/tr78fdzzl38bsyk/NGHI%25E1%25BB%2586M_V%25C3%2580_S%25E1%25BB%2590NG_2008-2022.pdf/file

Ngày đăng: 04/18/2022