Vườn Ê đen mới

BIẾT ƠN ĐẤNG TẠO HÓA – Mục sư Văn Lê

BIẾT ƠN ĐẤNG TẠO HÓA
Sứ điệp truyền giảng Thanksgiving 2023
• Mục sư Văn L ê
• Kinh Thánh: Giăng 3: 16-21
• Câu gốc: “Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể.” (2 Cô-rinh-tô 9: 15)
Kính thưa quý tôi tớ Chúa, quý ông bà anh chị em và quý thân hữu. Xin thay cho Hội Thánh Acts Church In San Diego, CA chúng tôi kính gửi đến quý ông bà anh chị em lời chào mừng thân ái trong tình yêu của Chúa Jê-sus. Cầu xin Ba Ngôi Đức Chúa Trời ban phước dư dật trên quý ông bà anh chị em, quý vị thân hữu một Lễ Tạ Ơn tràn đầy niềm vui và phước hạnh!

Thưa quý ông bà anh chị em,
Mỗi năm một lần, tại xứ sở Hoa Kỳ, nơi chúng ta đang sinh sống ở đây. khắp mọi nơi từ gia đình cho đến Hội Thánh, cho dù tin Chúa hay chưa tin Chúa, người ta cũng thường tổ chức Lễ Thanksgiving để bày tỏ lòng biết ơn Chúa; hoặc tổ chức những buổi tiệc mừng để gia đình đoàn tụ trong những dịp này. Như vậy, ý nghĩa của Thanksgiving là gì? Tại sao chúng ta phải biết ơn Đấng Tạo Hóa? Nương trên lời Chúa, chúng tôi xin lần lượt giải bày qua hai phần giảng luận sau đây:

I. Ý nghĩa Thanksgiving
Thanksgiving trong tiếng Anh là danh từ kép: Thanks là cảm ơn; giving là sự ban cho. Trong tiếng Việt, chúng ta có thể hiểu Thanksgiving là sự tạ ơn Đức Chúa Trời về sự ban cho của Ngài. Thông thường trong văn hóa và ngôn ngữ của người Việt, chúng ta dùng động từ “tạ ơn” là một hành động biết ơn kèm theo một của lễ, với thái độ khiêm cung, kỉnh kiềng đối với người đáng kính trọng. Còn biết ơn một người nào đó, đôi khi chỉ là những lời nói bày tỏ sự cảm ơn chân thành, một ánh mắt thân thiện, một nụ cười diễn tả sự cảm nhận trước sự giúp đỡ của người khác. “Tạ ơn” dịch từ tiếng Anh “Thanksgiving” ở đây, mang ý nghĩa biết ơn Đấng cao trọng, đáng kính, và được tôn thờ ở vị trí cao nhất trong đời sống của chúng ta ; chính là Thượng Đế, là Đức Chúa Trời .
Thanksgiving gắn liền với lịch sử nước Mỹ, khi những người đi tìm Tự Do vì chế độ hà khắc trong việc thu thuế cao của chính quyền Anh Quốc. Đặc biệt trong số đó, có nhiều con dân của Chúa tin nhận Chúa Je-sus, thờ phượng Đức Chua Trời bị bắt bớ đạo. Cho nên, họ tìm đất mới để được tự do thờ phượng và thực hành nếp sống đạo của mình.
Theo tài liệu của Wikipedia (Bách khoa toàn thư) có ghi chép như sau:

1. Lễ Tạ Ơn Và Lịch Sử Nước Mỹ
Lễ Tạ ơn gắn liền với các lễ hội ngày mùa thường được tổ chức ở châu Âu từ xưa.
Trong truyền thống Anh, ngày tạ ơn và nghi lễ tôn giáo tạ ơn đặc biệt trở nên quan trọng trong quá trình “Cải chánh” tại Anh trong thời kỳ trị vì của vua Henry VIII.

Tại Bắc Mỹ, lễ hội này đầu tiên được tổ chức tại Newfoundland bởiMartin Frobisher và nhóm Thám hiểm Frobisher năm 1578, để mừng tạ ơn Chúa đã cho sống sót, qua cuộc hành trình dài và nhiều bão tố từ Anh. Một lễ hội khác được tổ chức vào ngày 4 tháng 12 năm 1619 khi 38 người khai hoang từ giáo khu Berkeley xuống thuyền tại Virginia và tạ ơn Thượng đế.

Tuy nhiên trước đó, cũng có thông tin về một buổi tiệc Tạ ơn tổ chức bởi Francisco Vásquez de Coronado (cùng với nhóm người da đỏ Teya) ngày 23 tháng 5 năm 1541 tạiTexas, để ăn mừng việc họ tìm ra lương thực. Một số người cho rằng đây là cuộc tổ chức Tạ ơn thật sự đầu tiên tại Bắc Mỹ. Một sự kiện tương tự xảy ra một phần tư thế kỷ sau, vào ngày 8 tháng 9 năm 1565 tại St. Augustine, Florida khi Pedro Menéndez de Avilés gặp đất liền; ông và những người trên thuyền đã tổ chức một buổi tiệc với người bản xứ.

2. Sự Tích Về Lễ Tạ Ơn

(Bức tranh The First Thanksgiving của Jean Leon Gerome Ferris, người da trắng mời người da đỏ cùng ăn)
Vào khoảng thế kỷ 16-17, một số người theo Công giáo và Thanh giáo tại Anh bị hoàng đế lúc đó bắt cải đạo để theo tôn giáo của ông ta, trong cuộc Cải cách Tin Lành. Những người này không chấp nhận và bị giam vào tù. Sau khi giam một thời gian vị hoàng đế truyền họ lại và hỏi lần nữa, họ vẫn quyết không cải đạo. Hoàng đế không giam họ vào tù nữa mà nói với họ rằng nếu họ không theo điều kiện của ông ta thì họ phải rời khỏi nước Anh.

Những người này rời khỏi Anh đến Hà-Lan sinh sống nhưng họ sớm nhận ra mình không thể hoà nhập ở nơi này và lo sợ con cháu của họ sẽ bị mất gốc, một số nhóm người rời khỏi Hà Lan để đến Tân -Thế- Giới (Châu Mỹ) sinh sống, và sau này thường được gọi làNgười lữ hành (Pilgrims). Những người này đi trên một con thuyền tên là Mayflower, họ đặt chân đến Thuộc địa Plymouth thuộc vùngTân-Anh (New England) khi đang mùa đông. Đói và lạnh, một nửa trong số họ không qua nổi mùa đông khắc nghiệt. Đến mùa xuân, họ may mắn gặp được những thổ dân da đỏ tốt bụng và cho họ ít lương thực. Người da đỏ dạy họ những cách sinh tồn ở vùng đất này như cách trồng hoa màu, săn bắt,… Khi người Pilgrims đã có thể tự lo cho bản thân được, họ tổ chức một buổi tiệc để tạ ơn Đức Chúa Trời vì đã cho họ có thể sống đến ngày hôm nay, họ mời những người da đỏ và cùng nhau ăn uống vui vẻ. Từ đó về sau, hằng năm con sống. cháu của người Pilgrims luôn tổ chức lễ tạ ơn để cảm ơn cho những gì tốt đẹp đã đến với cuộc sống.

Tại Hoa Kỳ, Tổng Thống George Washington lúc lên cầm quyền đã chọn ngày 26 tháng 11, năm 1789 là ngày Lễ Tạ Ơn chung cho toàn quốc. Sau đó thì mỗi tiểu bang có một ngày Lễ Tạ Ơn riêng. Đến năm 1863, Tổng Thống Lincoln chọn ngày Thứ Năm chót của tháng 11 là ngày Lễ Tạ Ơn chung cho toàn quốc cả Nam lẫn Bắc. Tới năm 1939, TổngThống Roosevelt ấn định lại ngày Lễ Tạ Ơn cũng vào ngày Thứ Năm tháng 11, nhưng sớm hơn một tuần. Năm 1942, Quốc Hội quyết định ngày Lễ Tạ ơn trở lại ngày cũ của Tổng Thống Lincoln.

3. Tổ Chức Truyền Thống: Theo tài liệu, buổi Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại Hoa Kỳ, do người Pilgrims tổ chức, là vào năm 1621 tại Thuộc địa Plymouth, ngày nay thuộc Massachusetts, sau một vụ thu hoạch được mùa.

(Gà tây nướng lò, một món ăn thường thấy trong ngày Lễ Tạ Ơn)

& Bánh Pumpkin (Pumpkin pie) thường dùng trong mùa Lễ Tạ Ơn tại Bắc Mỹ
Lễ Tạ Ơn thường được tổ chức với một buổi tiệc buổi tối cùng với gia đình và bạn bè với món thịt gà tây. Tại Canada và Hoa Kỳ, nó là một ngày quan trọng để gia đình sum họp với nhau, và người ta thường đi xa để về với gia đình. Người ta thường được nghỉ bốn ngày cuối tuần cho ngày lễ này tại Hoa Kỳ. Lễ Tạ Ơn thường được tổ chức tại nhà, khác với ngày Lễ Độc lập Hoa Kỳ hay Giáng Sinh.

II. Tại Sao Chúng Ta Phải Biết Ơn Đấng Tạo Hoá ?

1. Noi Gương Chúa Je-sus
Thưa quý ông bà anh chị em! Kinh Thánh (2 Cô-rinh-tô 9: 15) có chép rằng:
“Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể.”

Sự biết ơn Đức Chúa Trời là nếp sống tự nhiên của Cơ Đốc Nhân. Sự biết ơn là nền tảng đạo đức mà Đức Chúa Trời đã đặt trong lòng của mỗi con người mà Ngài đã tạo dựng. Chúa Jê-sus cũng đã làm gương cho chúng ta trong sự tạ ơn Đức Chúa Trời:
“Đức Chúa Jêsus lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, tạ ơn, rồi bẻ bánh ra mà trao cho môn đồ, đặng phát cho đoàn dân; lại cũng chia hai con cá cho họ nữa.” (Mác 6:41).

Trong đời sống của chúng ta, chắc không ai muốn lam một kẻ vô ơn, bội nghĩa đối với những người đã từng giúp đỡ mình trong cơn hoạn nạn, khó khăn. Thái độ biết ơn vừa là một nét văn hóa tốt đẹp của con người, thuộc bất cứ dân tộc nào. Thái độ đó làm vui lòng mọi người. Biết ơn người khác, cho dù chỉ là sự giúp đỡ mình nhỏ nhặt trong cơn khốn khó, hoặc sự thăm viếng, an ủi, trong những lúc gia đình gặp tang chế, tai nạn, ốm đau, vv… Dù sự ban ơn trong hoàn cảnh nào đi nữa, là con người biết đạo nghĩa, chúng ta không thể quên ơn. Ngược lại, kẻ vô ơn luôn bị xã hội lên án, khinh rẻ. Tôi có đọc được một bài viết mà tác giả so sánh giữa hai hạng người ” biết ơn” và “vô ơn” như sau:

” Người càng biết ơn càng thấy mình hạnh phúc vì tất cả những gì họ lãnh nhận được từ Thượng Đế, từ những người khác đều nhắc nhở họ về cái nguồn gốc hạnh phúc mà mình có được. Họ biết rằng họ được thương yêu, và được mọi người giúp đỡ. Cũng như họ biết họ phải làm gì đối với những người kém may mắn và đang cần sự giúp đỡ của họ.

Biết ơn và vô ơn là hai thái độ sống mà chỉ cần quên đi cái cội nguồn của mình, quên đi con người thật của mình là con người rất dễ rơi vào lối sống vô ơn. Vì thái độ và lối sống vô ơn không gì khác hơn chính là chối bỏ tất cả những gì mình đã và đang lãnh nhận từ Thượng Đế, từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên, từ sự giúp đỡ của anh chị em, những người chung quanh, hay từ xã hội.

Đối với những kẻ vô ơn, thì mặc cảm nhận ơn dẫn đến lối sống ích kỷ của họ. Những người vô ơn chính là những người không muốn trao ra, không muốn để mình bị ràng buộc bởi thái độ biết ơn để rồi phải trả ơn. Nhưng càng ích kỷ sống cho riêng mình, những người vô ơn càng trở thành nghèo nàn, cô độc, và dĩ nhiên cuộc sống của họ là một chuỗi những bất hạnh. Họ luôn luôn canh chừng có ai đó đến xin xỏ, hoặc cặp mắt họ phải nhìn thấy những hình ảnh đánh động lương tâm mà họ phải ra tay giúp đỡ. Đối với họ, một đồng giúp đỡ người nghèo khó là một nhát giao cắt tỉa vào cái túi tham và ích kỷ của họ. Họ là những người thực hiện đúng nhất câu: “Đồng tiền liền khúc ruột.” Và chính vì vậy, họ khổ sở, đau đớn mỗi khi bất đắc dĩ phải cho ai, giúp ai dù chỉ là một đồng, hoặc ngay cả đến một ánh mắt yêu thương, một nụ cười cảm thông. Những người vô ơn, do đó, luôn sống trong tâm lý nghèo nàn, co cụm. Họ không có bạn bè; không có ai thân thiết.

Ngoài thái độ ích kỷ, người vô ơn còn rơi vào tư tưởng tự tôn và tự đại. Họ sống với ảo tưởng cho rằng tất cả những gì họ đang có là đến từ tài năng, trí tuệ, và sức lao động của họ. Ảo tưởng tự mình mà có ấy cũng dẫn đến thái độ chối bỏ tất cả. Không nhìn nhận sự hiện diện của Thượng Đế trong đời sống của mình, người vô ơn cứ tưởng rằng mình là chủ vũ trụ này, là chủ cuộc đời này, và là chủ của chính mình. Do đó, khi việc gì xảy ra không như ý họ muốn, lập tức họ trở nên cay đắng, giận hờn, và thù ghét tất cả kể cả chính họ. Họ sống trong tâm lý bất an. Thêm vào đó, tâm lý tự tôn cũng làm cho họ chối bỏ những đóng góp của mọi người. Người vô ơn không hiểu được câu nói: “Không ai là một hòn đảo.” Chính vì tự cho mình là một hòn đảo giữa biển trần mênh mông, nên đời sống của những ngưòi vô ơn rất cô đơn, lạc lõng…(1)

Quả thật như vậy, chúng ta thường thấy người vô ơn luôn sống trong bất hạnh vì mọi người xa lánh. Người vô ơn không biết ” vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” như sự dạy dỗ của lời Chúa. Thấy anh em mình gặp khốn khó, họ giả bộ làm ngơ. Thấy anh em mình nhận được nguồn phước hạnh nào đó, họ trốn tránh không muốn chia sẻ niềm vui, vì tấm lòng nhỏ mọn và ganh tị. Thật đáng thương thay!
Người vô ơn chỉ muốn sống trong cái vỏ sò cô độc, họ giao du với người khác chẳng qua là để lợi dụng. Sau đó, họ liền quên ơn, bội bạc. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh) Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) của nước Việt đã từng than thở:

” Còn bạc còn tiền, còn đệ tử
” Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi!
Ca-dao Việt Nam có câu:
” Thớt có tanh tao ruồi muỗi đậu
” Gan không mật mỡ kiến bò chi!

2. Gìn Giữ Nét Văn Hóa Tốt Đẹp
Trở về với câu chuyện của người Việt của bốn mươi năm trước. Tôi không muốn nhắc lại những dấu ấn thương đau này; bởi vì tôi rất sợ khơi lại những vết thương lòng; tưởng chừng như đã chôn sâu vào quá vãng. Nhưng, sự thật những vết thương ấy vẫn còn ở đâu đó trong tâm khảm của những người dân Việt chúng ta, thật khó phai mờ! Làm sao quên được những ngày lênh đênh trên biển cả, biết bao nhiêu anh chị mình, con cháu mình, bạn bè và thân hữu của mình đã nằm xuống trong tức tưởi, bởi những nỗi oan khiêng. Họ đã chết vì cướp biển, bị hãm hiếp, bị bão tố, bị đói lạnh và kiệt sức. Họ đã làm mồi cho cá, bỏ thây trên những mồ chôn tập thể. Những kẻ sống sót vì đã kêu cứu “Ông Trời.” “Ông Trời” đã nghe thấy và đáp lời giải cứu họ khỏi sự hiểm nguy. Khi đến được bến bờ tự do, thay vì thờ phượng “Ông Trời”, một số đông người trong chúng ta lại đi thờ lạy “ông bình vôi”, “ông địa…” được nắn lên bằng đất sét, bởi tay người làm ra, là những vật câm, điếc, vô tri, vô giác. Điều đó, có hợp lý chút nào không, thưa quý ông bà anh chị em?

Giả sử chúng ta biết ông Nguyễn Văn X là cha đẻ của mình; nhưng chúng ta từ chối ông X, không bào giờ nhận ông ấy là cha, không hề thăm viếng, chuyện trò hay chăm sóc. Chúng ta xem ông ấy như người xa lạ, chẳng quen biết gì với mình! Chúng ta đi nhận người hàng xóm làm cha nuôi. Chúng ta mua thức ăn, hoa quả cung phụng cho người hàng xóm đó. Thử hỏi người cha ruột của mình có vui lòng chăng?

3. Sự Hiểu Biết Kinh Thánh
Cũng một thể ấy, Đấng Tạo Hoá chính là Đức Chúa Trời, Ngài đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật và con người, trong đó có ông bà tổ phụ chúng ta, và chúng ta ra từ cha mẹ ông bà tổ phụ của mình. Nhưng, chúng ta từ chối Đấng Tạo Hóa, phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời; thay vì thờ phượng Ngài, chúng ta đi thờ ma lạy quỷ, thờ tiền tài, danh vọng, thờ điểu thú côn trùng Điều đó có hợp lý không, thưa quý ông bà anh chị em?

Kinh Thánh Cựu Ước, sách Sáng Thế Ký chép như thế này:

” Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất (Chương 1:1)
” Đức Chúa Trời phán rằng phải có các vì sáng trên trời, đặng phân ra ngày và đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm (Chương 1: 14)
” Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh các vật sống tuỳ theo loại, tức súc vật, côn trùng,và thú rừng đều tùy theo loại, thì có như vậy.” (Chương 1: 24).
” Đức Chúa Trời phán rằng: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên đất và khắp cả đất ( Chương 1: 26).

Thưa quý ông bà anh chị em,
Kinh Thánh là quyển sách độc nhất vô nhị không bao giờ sai trật. Nếu sai trật thì đã bị đào thải từ lâu rồi. Nhưng từ bao nhiêu thế kỷ qua, trước khi Chúa Je-sus ra đời thì Kinh Thánh Cựu ước đã có. Sau khi Chúa Jesus vào đời, Kinh Thánh Tân ước đã được viết và tồn tại ho đến ngày nay. Hàng tỉ người trên thế giới đang đọc, học, và suy gẫm Kinh Thánh từng phút giây. Kinh Thánh là quyển sách bán chạy nhất trong tất cả những quyển sách trên thế gian này. Như vậy, Kinh Thánh không thể là quyển sách chép những chuyện hoang đường. Sách Tân ước, Ti-mô-thê (chương 3: 16) khẳng định:

” Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ich cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.”

Chúng ta tạ ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã dựng nên muôn loài vạn vật, và con người. Còn một lý do khác nữa là chính vì tình yêu của Đức Chúa Trời đối với loài người. Chúng ta đã và đang vấp phạm nhiều tội lỗi, từng trải từ bản thân những suy nghĩ, hành động, lời nói… theo bản ngã của xác thịt. Chúng ta ít nhiều cũng đang nhìn thấy những gì đang xảy ra cho thế giới hôm nay. Con người đang say sưa chém giết, chỉ vì lòng tham, ganh ghét và sự kiêu ngạo. Cuộc chiến đã và đang xảy ra giữa Nga và Ukarein đã lấy đi hàng vạn người lính; làm cho đất nước hoang tàn, gieo rắc đau thương cho cả hai dân tộc. Mới nhất là trong những ngày qua, chiến tranh giữa Hamas, quân đội của nhà nước Palestine đã tấn công vào lãnh thổ của Isarael, giết chết gần hai nghìn người trong đó có cả đàn bà, trẻ em và người già cả bị bắt làm con tin. Và rồi, Isarael đã ph ản công lại Hamas ở dải Gaza gây nên thương tích với số người thương vong xấp xỉ những nạn nhân của Isarael. Thế giới hỗn loạn, chém giết, cướp giật đang diễn ra mỗi ngày. Những hình ảnh con người tra tấn con người, bóc lột tận cùng những kẻ nghèo khó, neo đơn, hà hiếp kẻ bần cùng, khố rách xảy ra mỗi lúc một nhiều hơn.

Tuy nhiên, thay vì hủy diệt con loài người như cơn lụt đại hồng thủy được chép trong Thánh Kinh Cựu ước; Đức Chúa Trời lại sai Chúa Je-sus là Con độc sanh của Ngài, xuống trần gian làm người và chịu chết trên thập tự giá cách đây 2015 năm; để chuộc tội lỗi của chúng ta. Kinh Thánh (Giăng 3: 16) chép:

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”

Đức Chúa Trời vì quá yêu thương loài người mà chính Ngài đã nắn lên từ bụi đất, nhưng con loài người đã không vâng theo đường lối của Ngài, cho nên hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va đã phạm tội trong vườn Ê-den, chống nghịch lại mạng lịnh của Đức Chúa Trời, đã ăn trái cấm. Từ đó, con người bị đuổi ra khỏi vườn, và đó là nguyên nhân tạo nên sự lao khổ và cái chết. Đức Chúa Trời không muốn con loài người bị chết mất trong lửa điạ ngục, nên Ngài đã ban Con của Ngài xuống trần gian, và Ngài đã chết thay cho chúng ta, để cứu vớt linh hồn của chúng ta có được sự sống đời đời.

Người dân Hoa Kỳ hôm nay biết ơn Đấng Tạo Hóa qua Lễ Thanksgiving; vì họ tưởng nhớ đến sự ban cho của Đức Chúa Trời qua những vụ được mùa, có đầy đủ luơng thực trong những ngày đông lạnh lẽo, đi tìm đất mới. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta được sống sót sau những cuộc hành trình vượt biển đầy chết chóc, chúng ta được sống sót qua những trại tù kinh khiếp mà con người bị đối xử tàn bạo hơn bao giờ hết. Hôm nay đây, chúng ta có nhà ở, có xe hơi đi lại, có lương thực dư thừa, nhất là có hai chữ TỰ DO. Nhận được những ân sũng như vậy, chúng ta có nên biết ơn Đức Chúa Trời hay từ chối Ngài vĩnh viễn, gạt bỏ luôn Chúa Je-sus là Đấng đã chết thay cho tội lỗi chúng ta?

Kết luận:
Tôi xin kể câu chuyện sau đây về tấm lòng biết ơn của một người học trò có tên là James Mitchener. Ông ta là một nhà văn danh tiếng, được Tổng Thống Eisenhower mời dự một dạ tiệc tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn. Nhưng nhà văn viết thư từ chối, lời lẽ đại khái như sau:

– Thưa, Tổng Thống, ba ngày trước nhận được thư mời của Tổng Thống, tôi lại được một trường trung học nhỏ mời dự bữa ăn tối, và nhân dịp này tôi được nói ít lời để tỏ lòng biết ơn một vị giáo sư đã dạy tôi ở ban trung học, là người tôi hết sức kính mến. Tôi nghĩ rằng trong buổi dạ tiệc ở dinh Tổng Thống, tôi có mặt hay không cũng không quan trọng. Nhưng, nếu tôi vắng mặt ở buổi tiếp tân của trường trung học ở đây, chắc giáo sư của tôi sẽ buồn lắm.
Khi nhận được thư từ chối này, Tổng Thống Eisenhower liền trả lời rằng:
– Trong một đời người, chúng ta có thể có đến mười lăm hay mười sáu vị Tổng Thống, nhưng không dễ gì có được một vị giáo sư đáng kính mến như vậy.

Thưa quý vị thân hữu,
Thế gian này, đầy những trò lừa thầy, phản bạn. Nhưng, cao quý thay còn có những người như nhà văn James Mitchener còn nhớ đến vị thầy của mình và biết ơn thầy, sợ thầy buồn khi mình vắng mặt. Nếu mỗi chúng ta không biết ơn và không thờ phượng Đấng tạo Hóa thì chắc chắn chúng ta sẽ bị đóan xét, nghĩa là chúng ta sẽ bị hư mất trong lửa điạ ngục. Lời Chúa dạy:
” Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét ( Truyền đạo 11:9)
” Trong buổi còn thơ ấu, hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hoá ngươi, trước khi những ngày gian nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng: Ta không lấy làm vui lòng, trước khi ánh sáng mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao chưa tối tăm, và mây chưa lại tuôn đến sau cơn mưa (Truyền đạo 12: 1,2).

Thưa quý vị thân hữu,
Lời của Chúa cho chúng ta biết rằng, mọi thứ rồi sẽ đi qua, không có gì tồn tại vĩnh viễn. Như vậy, đừng mãi mê chất chứa của cải trần gian, đừng mãi chạy theo những danh vọng hão huyền! Khi ngày Chúa Je-sus đến, những kẻ chối Chúa không thờ phượng Ngài sẽ nhận lấy số phận kinh khiếp, đó chính là hồ lửa của điạ ngục. Lời của Chúa được chép trong sách Giăng (chương 3: 17, 18) khẳng định điều này:

“Vả, Đức Chúa Trời đã sai con Ngài đến thề gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu. Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu, ai không tin Ngài đã bị đoán xét rồi vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời.”

Thưa quý vị thân hữu!
Qua các tiết mục tôn vinh Chúa, cũng như nội dung bài giảng luận của chúng tôi hôm nay, tôi tin rằng quý vị thân hữu và các bạn đã hiểu được ý nghĩa về ngày Lễ Tạ Ơn. Là một tôi tớ của Đức Chúa Trời, tôi thiết tha kêu gọi quý ông bà anh chị em hãy bày tỏ sự biết ơn Đấng Tạo Hóa; bằng cách tiếp nhận Chúa Je-sus làm Cứu Chúa của mình ngay hôm nay và giờ này. Ngày Thanksgiving năm nay sẽ đánh dấu sự cứu rổi mà quý vị và các bạn nhận được từ Chúa Jesus.

Từ đây, cuộc đời của quý vị và các bạn sẽ sang trang. Một con người mới sẽ bắt đầu những ngày tháng phước hạnh, hy vọng, tràn ngập niềm vui trong tâm hồn. Quý vị sẽ không còn cảm thấy cuộc đời vô vị, trống không khi tuổi mỗi ngày mỗi lớn. Quý vị sẽ không hối tiếc những ngày đáng sống, vì được làm con của Đấng Tối Cao, là Đức Chúa Trời Hằng Hữu. Quý vị sẽ được bàn tay của Chúa Je-sus nắm lấy bàn tay của mình, dắt đi trên mọi nẻo đường. Quý vị sẽ không bước đi trong cô đơn, buồn tủi. Trái lại, những ngày tháng được Chúa Thánh Linh đồng hành, quý vị sẽ nếm trải được tình yêu vô bờ bến mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho mình qua Chúa Cứu Thế Je-sus. Kinh Thánh (Giăng 3: 16) đã hứa: ” Hễ ai tin Con ấy, thì không bị hư mất mà nhận được sự sống đời đời.”

Quý vị và các bạn ôi! Ngay trong giờ phút trọng đại này, cuộc sống của quý vị và các bạn sẽ bước sang một ngã rẽ mới đầy ý nghĩa; nếu quý vị sẵn sàng mời Chúa Je-sus ngự vào lòng và làm chủ cuộc đời của mình. Vì vậy, chúng tôi thiết tha kêu gọi quý vị thân hữu và các bạn hãy mạnh dạn rời chỗ ngồi của mình, lên đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cho quý vị và các bạn tiếp nhận Chúa Jê-sus làm Cứu Chúa của mình.

Hãy nhanh chân, đừng bỏ qua cơ hội quý giá này!

Mục sư Van Le

________________________________

(1) Trần Mỹ Duyệt

———————————————————-

Chia Sẻ Niềm Tin gồm hai trang Đức Tin và Tạ Ơn Chúa trước đây cộng lại. Đọc bài vở trang:

Đức Tin (2009 – 2022)
Tạ Ơn Chúa (2008-2021)

Ngày đăng: 10/19/2023