Vườn Ê đen mới
Đến Gần Ngài Hơn – Dr. Ryan Denison
Tin tức ngày 15 tháng hai cho biết Nga Sô đang phát triển vũ khí hạt nhân trên không gian mà “Hoa Kỳ không có khả năng chống lại”.
Cho đến nay, đây là những gì chúng ta biết:
Loại vũ khí này nhằm mục đích:
* tấn công các vệ tinh khác,
* có khả năng làm tê liệt hoạt động giám sát trên không gian,
* liên lạc dân sự cũng như khả năng phối hợp và kiểm soát các hoạt động của quân đội.
Cho đến thời điểm này, có vẻ như vũ khí này không thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các vị trí trên mặt đất. Hiện nay, Nga Sô dường như chưa sẵn sàng triển khai vũ khí này, mặc dù vẫn chưa rõ thời gian triển khai việc này là bao lâu.
Nếu Nga Sô – hoặc bất cứ quốc gia nào – phóng vũ khí hạt nhân vào không gian, điều đó sẽ vi phạm Hiệp ước Ngoài Không Gian năm 1967. Trung Cộng, Nga Sô, và Hoa Kỳ đều đã ký hiệp ước đó, nhưng đây vẫn là một trong số ít hiệp ước từ thời đó vẫn còn hiệu lực.
Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã gặp các đại diện của Ủy ban Tình báo Hạ viện hôm thứ Năm để thảo luận về phản ứng theo kế hoạch của tổng thống.
Chủ tịch ủy ban Mike Turner nói về cuộc họp:
“Tất cả chúng tôi đều có ấn tượng rất tốt rằng chính quyền đang thực hiện vấn đề này một cách rất nghiêm túc và chính quyền đã có sẵn kế hoạch. Chúng tôi mong được hỗ trợ họ khi họ triển khai nó.”
Chúng ta có nên lo lắng không?
Các chi tiết khác đã được giữ kín để bảo vệ các nguồn thông tin tình báo, và cả chính quyền lẫn Quốc hội đều nhanh chóng lưu ý rằng dường như không có mối đe dọa ngay lập tức. Tuy nhiên, bản chất của phản ứng cho đến nay dường như cho thấy mối nguy hiểm còn hơn cả giả thuyết.
Khi được hỏi liệu ông có thể bảo người Mỹ đừng lo lắng hay không, ông Sullivan trả lời rằng “không thể trả lời thẳng thắn là ‘có.’”
Suy cho cùng, Nga Sô không nhất thiết phải sử dụng vũ khí này mới có thể gây ra tác động thảm khốc. Chỉ cần đưa nó vào quỹ đạo là đủ để thay đổi căn bản cách mà các cường quốc thế giới khác như Mỹ và Trung Cộng coi không gian là một chiến trường. Đó là lý do tại sao hiệp định năm 1967 được ký kết ngay từ đầu.
Và mặc dù Tòa Bạch Ốc đã tuyên bố rằng họ không có ý định rút khỏi hiệp ước ngay cả khi Nga Sô làm vậy, sự náo động về khả năng Nga Sô sẽ là nước đầu tiên thực hiện bước đi đó cho thấy những thỏa thuận đó có thể mong manh đến mức nào.
Mệnh lệnh thách thức nhất của Chúa Giê-su.
Trong những lúc như thế này, tôi được nhắc nhở về một trong những mệnh lệnh đầy thách thức nhất của Đấng Christ: “Thế thì, đừng lo sợ cho ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Nỗi lao phiền trong ngày cũng đủ quá rồi!” (Ma-thi-ơ 6:34).
Cụm từ tiếng Hy Lạp thường dịch “đừng lo sợ” là merimnao, và nó mang ý nghĩa “bị chia thành nhiều phần” hoặc “bị kéo theo các hướng ngược nhau”.
Ý tưởng không phải là chúng ta không bao giờ cảm thấy sợ hãi hay lo lắng. Suy cho cùng, Chúa không bao giờ ra lệnh cho chúng ta phải cảm nhận như thế nào. Đúng hơn, lời chỉ dạy của Ngài liên quan đến những gì chúng ta làm với những cảm xúc đó và mức độ chúng ta cho phép chúng kiểm soát suy nghĩ và hành động của mình.
Tội lỗi mà chúng ta được cảnh báo là đang nuôi dưỡng sự lo lắng của chúng ta bằng cách sống trong đó thay vì dâng nó lại cho Chúa và tin rằng nỗi sợ hãi của chúng ta không lớn hơn Cha trên trời của chúng ta. Và mặc dù điều đó thường nói dễ hơn làm, nhưng việc lựa chọn niềm tin giữa nỗi sợ hãi có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cách người khác nhìn nhận về niềm tin đó.
Giải tỏa nỗi lo lắng.
Lo sợ là cảm xúc chung của tất cả mọi người và việc đối mặt với nỗi sợ hãi là một cuộc đấu tranh mà tất cả chúng ta từng trải qua, ngay cả khi nguyên nhân cụ thể của mối lo sợ ở mỗi người là khác nhau.
Cho dù đó là vũ khí hạt nhân của Nga Sô và mối đe dọa của Thế chiến thứ ba hay điều gì đó gần gũi hơn với gia đình như căng thẳng tại nơi làm việc hay mối quan hệ căng thẳng với gia đình, thì việc thành thật về nỗi sợ hãi của mình mà không để chúng lôi kéo chúng ta đi theo cả ngàn hướng có thể chứng minh sức mạnh và tính xác thực của phúc âm cho những người rất cần đối diện cả hai.
Vì vậy, đừng ngây thơ về những nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt và đừng cảm thấy như thể bạn phải hành động như thể mọi thứ đều ổn nếu nó thực sự không ổn. Đó không phải là đức tin; đó là sự thiếu hiểu biết.
Thay vào đó, hãy để Chúa dùng những nỗi sợ hãi đó như một cách kéo bạn đến gần Ngài hơn và nhắc nhở bạn rằng Ngài vẫn vĩ đại hơn bất cứ nan đề nào chúng ta đương đầu trên thế gian này.
Đó là cách chúng ta có thể thoát khỏi nỗi lo lắng đang chia cắt rất nhiều nơi trên thế giới của chúng ta và giúp những người khác học cách làm điều tương tự.
Hôm nay anh chị em cảm thấy căng thẳng như thế nào?
Lược dịch:
Nguyễn Thị Bảo Hạnh