Vườn Ê đen mới

Người Việt Nam của anh chị em hôm nay là ai?

Dr. Denison

Một thiếu niên khắc chạm gỗ 12 tuổi gần đây đã phát động một cuộc bốc thăm cho một trong những chiếc bát thủ công của cậu — được khắc bằng một chiếc vòng màu xanh và màu vàng, màu cờ của Ukraine — để quyên tiền cho trẻ em Ukraine. Tính đến thứ Sáu tuần trước, cậu đã quyên góp được hơn 109 ngàn đô la cho Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Ukraine.

Một thành phố ở Tennessee đã từ chối dỡ bỏ thập tự giá đã có từ những năm 1950 của một nhóm người vô thần. Hội đồng giám học trường Pennsylvania đã bỏ phiếu bác bỏ yêu cầu của phụ huynh về việc thành lập Câu lạc bộ Satan sau giờ học. Một tòa án cấp cao của Giáo hội Giám lý Thống nhất đã bác bỏ nỗ lực cho phép phong chức những người đồng tính luyến ái.

Các nhà truyền giáo văn hóa có ý nghĩa gì trong điều kiện thực tế này? Bước đầu tiên là nắm bắt chủ quyền của Vua Thiên Thượng chúng ta.

Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang sống và hành động trong nền văn hóa của chúng ta. Các tín hữu Đấng Christ ban sơ sống trong một thế giới vô luân và trái ngược với đức tin của họ hơn cả nền văn hóa hiện tại, tuy nhiên theo Công vụ 17: 6, họ đã “gây rối thế giới”.

Cha Thiên Thượng của bạn có cả một sự kêu gọi về địa lý và thời gian đối với cuộc sống của bạn. Đó là bởi sự quan phòng của Chúa rằng bạn đang sống ở nơi bạn đang ở. Ngài sẽ không ủy thác bạn đến nơi này và thời gian này nếu Ngài không thể sử dụng bạn ở nơi này và thời gian này.

Lời Đức Chúa Trời nói với Giô-suê (1: 9) khi ông đối mặt với dân Ca-na-an là lời Ngài nói với chúng ta hôm nay khi chúng ta đối mặt với nền văn hóa chống đối Cơ đốc giáo: “Hãy mạnh dạn và can đảm lên. Đừng sợ hãi, đừng nản lòng, vì CHÚA, Đức Chúa Trời con sẽ ở với con trong mọi nơi con đi.” Kinh thánh hứa rằng Chúa của chúng ta là “cái khiên cho những người trú ẩn nơi Ngài.” (Châm ngôn 30: 5b). Chúng ta được kêu gọi để “trao gánh nặng mình cho CHÚA,” (Thi thiên 55:22a). Bạn cần trao “gánh nặng” nào cho Cha Thiên Thượng hôm nay?

Mùa hè năm 1979 tôi đã phục vụ như một người truyền giáo ở Đông Malaysia trên đảo Borneo. Đó là một kinh nghiệm thú vị về nhiều mặt, nhưng thách thức lớn là sự cô đơn dai dẳng và đôi khi gặp nguy hiểm về thể chất.

Tuy nhiên, trước khi đi, mục sư của tôi đã tặng tôi một cuốn sách tĩnh tâm, trong đó ông có ghi những lời này: “Ý muốn của Đức Chúa Trời không bao giờ dẫn đến nơi mà ân điển của Ngài không thể duy trì.” Tôi thấy sự khôn ngoan của ông vừa đúng vừa có năng quyền. Khi trở nên đặc biệt nản lòng, tôi đã làm điều mà vô số người truyền giáo đã làm trong suốt hai mươi thế kỷ qua: Tôi nhớ lại ân điển của Đức Chúa Trời mà tôi đã nhận được và bây giờ được kêu gọi để chia sẻ.

Cyril là giám mục thành Giêrusalem vào giữa thế kỷ thứ tư. Trong “Bài giảng giáo lý”, ông giảng luận về tuyên bố của Phao-lô trong Rô-ma 6: 4, “Vậy, qua Báp-tem chúng ta được chôn với Ngài trong sự chết, cho nên cũng như Chúa Cứu Thế nhờ vinh quang của Cha được từ chết sống lại thì chúng ta cũng có thể sống trong đời sống mới thể ấy.”

Cyril lưu ý: “Không phải chúng ta thực sự đã chết, đã được chôn cất, và sống lại. Chúng ta chỉ làm những điều này một cách tượng trưng, ​​nhưng trên thực tế, chúng ta đã được cứu, và tất cả điều này được quy cho chúng ta. Thật là một tình yêu vô bờ bến đối với loài người! Đôi bàn tay không tỳ vết của Đấng Christ đã bị đinh đâm xuyên qua; Ngài đã chịu đau đớn. Tôi đã không trải qua đau đớn, không trải thống khổ, nhưng phần tôi có trong những đau khổ, Ngài ban cho tôi sự cứu rỗi cách nhưng không.”

Tội lỗi mới đây của bạn mà Chúa đã tha thứ là gì? Lời cầu nguyện mới đây của bạn mà Chúa đã trả lời? Nhu cầu gần đây của bạn mà Chúa đáp ứng là gì? Bạn sẽ đền đáp tình yêu mà bạn đã trải qua với Chúa như thế nào?

Vance Pitman là một mục sư ở thành phố lớn đã từ nhiệm để giúp gầy dựng các hội thánh trên khắp miền Tây Hoa Kỳ.

Ông nói với phóng viên, “Có quá nhiều người gầy dựng hội thánh ở các đô thị suy nghĩ như mục sư của hội thánh hơn là người truyền giáo, đang nghĩ về cách gắn kết một thành phố với phúc âm. Bạn bắt đầu xây dựng những nhịp cầu quan hệ như thế nào? Làm cách nào bạn xây dựng cơ hội để phục vụ thành phố và xây dựng những mối quan hệ cho phép vun đắp tác động phúc âm trong thành phố?

Trước khi chuyển đến Las Vegas, tôi không suy nghĩ về thành phố của mình. Tôi nghĩ đến hội thánh mà tôi đã từng chăm sóc và nếu hội thánh mà tôi đã từng làm việc tốt thì tôi đang làm tốt. Nhưng khi Chúa đặt tôi vào một nơi như Las Vegas, tôi bắt đầu nghĩ về một đô thị và để nhận ra rằng thành công thực sự của vương quốc ở thành phố đó không chỉ là nhiều người hơn đi nhóm thờ phượng.” Vậy làm thế nào để chúng ta gắn kết các đô thị của mình với phúc âm?

Pitman giải thích: “Nó có thể đơn giản như cái mà một số người gọi là truyền giáo phục vụ, nơi bạn tìm kiếm những nhu cầu trong một cộng đồng mà bạn có thể đáp ứng và bạn bắt đầu đáp ứng những nhu cầu đó, không phải với động cơ thầm kín là chia sẻ Đấng Christ mà là với động cơ cuối cùng của việc chia sẻ Đấng Christ. Tôi không đáp ứng nhu cầu đó để tôi có thể chia sẻ phúc âm với bạn — tôi đáp ứng nhu cầu đó bởi vì Đức Chúa Trời mong muốn nhu cầu đó trong cộng đồng của chúng ta được đáp ứng. Nhưng khi tôi đáp ứng được nhu cầu đó, tôi tìm kiếm cơ hội cho bạn biết Chúa Giê-xu là ai trong cuộc đời tôi.”

Lời Chúa trong Ê-sai 58:10 hứa: “Nếu ngươi dốc lòng nuôi kẻ đói, đáp ứng yêu cầu người khốn cùng thì ánh sáng ngươi sẽ toả ra nơi tối tăm và sự âm u của ngươi sẽ như giữa trưa.” Bạn sẽ phục vụ những người “đói” và “khốn cùng” hôm nay ra sao?

Tôi đã từng nghe một nhà truyền giáo kỳ cựu đến Việt Nam mô tả một ngày đặc biệt khó khăn. Thời tiết cực kỳ nóng bức và những người mà ông tìm cách phục vụ đều xa lánh. Về đến nhà ông khám phá ra rằng bọn trộm đã lấy cắp mọi thứ ngoại trừ chiếc ghế sa-lon quá lớn không thể khiêng qua cửa.

Ông buông mình xuống chiếc ghế dài đó và kêu cầu Chúa: “Con không yêu người Việt Nam nữa. Chúa phải gửi con đi nơi khác. Con không thể yêu những người này.” Ông nói, khoảng 2 giờ sáng hôm sau, Chúa nói với ông: “Con không đến đây vì con yêu người Việt Nam. Con đến đây vì Ta yêu người Việt Nam.” Đó là lời nhắc nhở ông cần tiếp tục trong ơn kêu gọi của mình.

“Người Việt Nam” của anh chị em hôm nay là ai?

Lược dịch: Nguyễn Thị Bảo Hạnh

——————————————————-

Nghiệm và Sống là tổng hợp của hai trang Dưỡng Linh và Nghiệm & Sống trước đây.
Đọc lại bài vở của trang Dưỡng Linh
Dưỡng Linh 1 – Lưu trữ bài vở trang Dưỡng Linh từ năm 2010-2018:
https://www.mediafire.com/file/afx3c7arf2gfvtx/D%25C6%25AF%25E1%25BB%25A0NG_LINH_1.pdf/file
Dưỡng Linh 2 – Lưu trữ bài vở trang Dưỡng Linh từ năm 2018-2022:
https://www.mediafire.com/file/frvwh4nu6c4cd9d/D%25C6%25AF%25E1%25BB%25A0NG_LINH_2.pdf/file
Nghiệm&Sống: Lưu trữ bài vở từ năm 2008-2022:
https://www.mediafire.com/file/tr78fdzzl38bsyk/NGHI%25E1%25BB%2586M_V%25C3%2580_S%25E1%25BB%2590NG_2008-2022.pdf/file

Ngày đăng: 04/24/2022