Thánh Kinh Trắc Nghiệm
THÁNH KINH GIẢI ĐÁP – Bài 47&48 MS Lữ Thành Kiến
BÀI 47 – DÂN-SỐ KÝ 18-23
VÂNG PHỤC CHÚA – CON RẮN ĐỒNG
1. Câu hỏi: Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy cầm lấy cây gậy ngươi, rồi với A-rôn anh ngươi, hãy truyền-nhóm hội-chúng và hai ngươi phải nói cùng hòn đá trước mặt hội-chúng, thì hòn đá sẽ chảy nước ra; ngươi sẽ khiến nước từ hòn đá chảy ra cho hội-chúng và súc-vật của họ uống. (Dân-số ký 20:7-8)
Môi-se giơ tay lên, đập hòn đá hai lần bằng cây gậy mình. Nước bèn chảy tràn ra nhiều, hội-chúng uống, và súc-vật họ uống nữa. Đoạn, Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se và A-rôn rằng: Bởi vì hai ngươi không có tin đến ta, đặng tôn ta nên thánh trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội-chúng nầy vào xứ mà ta đã cho nó đâu. (Dân số 20: 10-12). Xin cho biết tầm quan trọng của sự vâng phục Chúa.
Trong câu hỏi đầu tiên chúng ta đã thảo luận về đức tính khiêm hòa của Môi-se, nhưng tại đây chúng ta thấy một hình ảnh khác của Môi-se. Trong câu 7-8 Đức Chúa Trời đã bảo Môi-se và A-rôn nói với hòn đá, nhưng trong câu 10-12, thay vì nói Môi-se đã đánh hòn đá, không một lần, mà là hai lần. Câu ông nói trước khi đánh hòn đá: hỡi dân phản nghịch, hãy nghe… cho thấy Môi-se đang ở trong tình trạng giận dữ với dân sự vì sự lằm bằm của họ. Vì điều đó Môi-se đã phạm tội cùng Đức Chúa Trời và hình phạt dành cho ông là: Bởi vì hai ngươi không có tin đến ta, đặng tôn ta nên thánh trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội chúng nầy vào xứ mà ta đã cho nó đâu.
Môi-se bị phạt vì tội đánh hòn đá? Không, tội đánh hòn đá là tội nhỏ, nhưng tội lớn vì ông đã không vâng lời Đức Chúa Trời. Trở lại câu chuyện Adam và Eve, nhiều người vẫn thắc mắc rằng hai người chỉ phạm tội ăn trái cây sự sống, hình phạt có quá nặng với họ không? Không phải vì tội ăn trái cây, mà là tội không vâng lời. Chúa nói rằng Môi-se không làm vinh hiển danh Ngài giữa vòng dân sự. Không vâng lời Chúa là một tội quan trọng. Trước đây vua Sau-lơ cũng vì tội không vâng lời mà dẫn đến việc bị truất bỏ khỏi ngôi vị, trong 1 Sam 15:22: Sa-mu-ên nói: Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.
Qua các câu chuyện trên, chúng ta thấy việc vâng lời Chúa là một vấn đề quan trọng, nếu không nói là quan trọng hơn hết. Chúng ta có đi nhà thờ trung tín mỗi tuần không bỏ bữa nào, dâng hiến đều đặn, nhưng trong đời sống không thật sự vâng lời Chúa, việc có việc không, đời sống không làm sáng danh Chúa, thì không ích lợi gì cả.
Nếu nói về vấn đề vâng lời, chúng ta sẽ thấy rằng mình rất nhiều lần không vâng lời Ngài. Có rất nhiều việc Đức Chúa Trời phán dạy mà chúng ta không làm theo. Việc dâng hiến 1/10, đại mạng lệnh truyền giáo, sự tha thứ…. Thật là một bài học đáng sợ.
2. Câu hỏi: Dân-sự bèn đến cùng Môi-se mà nói rằng: Chúng tôi có phạm tội, vì đã nói nghịch Đức Giê-hô-va và người. Hãy cầu-xin Đức Giê-hô-va, để Ngài khiến rắn lìa xa chúng tôi. Môi-se cầu-khẩn cho dân-sự. Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy làm lấy một con rắn lửa, rồi treo nó trên một cây sào. Nếu ai bị cắn và nhìn nó, thì sẽ được sống (Dân số 21:8). Xin cho biết biểu tượng của con rắn đồng và thể nào con người được sống nhờ “nhìn lên cây sào” trong thời Tân ước.
Biểu tượng con rắn đồng trong thời Cựu ước là lời tiên tri về chức vụ của Chúa Jesus, và sự chết của Ngài trên thập tự giá là sự ứng nghiệm của biểu tượng con rắn đồng. Nói một cách khác, con rắn đồng treo trên cây sào là hình bóng của Chúa Jesus bị treo trên cây thập tự.
Trở lại Dân-số 21:1-8. Khi dân Y-sơ-ra-ên than phiền Đức Chúa Trời và Môi-se, thì Ngài sai con rắn lửa đến cắn chết họ, chết rất nhiều đến nỗi họ sợ hãi, nhận biết vì tội lỗi nên bị hình phạt như vậy, bèn tới Môi-se xin ông kêu cầu Chúa tha thứ và cứu họ khỏi tai họa này. Môi-se kêu cầu, và Chúa bảo ông làm một con rắn lửa bằng đồng treo lên cây sào, ai nhìn nó thì được sống.
Chúa Jesus đến, bị bắt, bị xử tử hình, hình phạt là đóng đinh treo lên cây thập tự. Người nào tin việc Ngài bị đóng đinh treo trên cây thập tự để đền tội cho mình thì sẽ không chết mà được sự sống đời đời.
Sự khác biệt giữa hai câu chuyện là hai chữ “nhìn” và “tin”. Dân Y-sơ-ra-ên chỉ cần nhìn lên con rắn trên cây sào thì sẽ được sống. Còn ai nhìn lên và “tin” rằng Chúa Jesus bị treo trên thập tự giá để đền tội cho mình thì sẽ được sống. Nếu về phần con rắn chỉ cần nhìn thì trong phần Chúa Jesus không chỉ nhìn thôi mà còn phải tin, khi tin thì phải nói ra, thì mới nhận được sự sống đời đời. Rô-ma 10:9-10: Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; 10 vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi.
Nhiều người thắc mắc là sao Đức Chúa Trời không chọn một cái chết khác cho Chúa Jesus, tại sao phải là treo thân trên cây thập tự? Nếu Chúa Jesus chết một cách khác thì lời tiên tri về con rắn đồng treo trên cây sào sẽ không ứng nghiệm. Đức Chúa Trời đã muốn dùng hình ảnh con rắn treo trên cây sào để giải thích về cái chết của Chúa Jesus trên cây thập tự cứu sống nhân loại tội lỗi.
3. Sách TRẢ LỜI TỪ KT CHO 100 CÂU HỎI KHÓ NHẤT
Phần 5 – Các câu hỏi về Thiên đàng & Hỏa ngục
Câu 37. Thiên Ðàng Trông Như Thế Nào?
Có nhiều sách viết về thiên đàng, chúng ghi lại những giấc mơ hay khải tượng của một số người về thiên đàng. Thiên đàng rất quyến rũ vì đây là một điều huyền nhiệm và cũng là nơi mà nhiều người muốn tới đó. Vậy thì, thiên đàng trông như thế nào? Chúng ta biết rằng: “Những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta; song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời.” (Phục truyền 29:29). Đức Chúa Trời đã bày tỏ những chi tiết về thiên đàng cho chúng ta.
Kinh Thánh nói đến ba thiên đàng (hay ba từng trời). Thiên đàng thứ nhất là bầu trời (bầu khí quyển của trái đất, Ma-thi-ơ 6:26). Từng trời thứ hai là các ngôi sao (lĩnh vực của các ngôi sao, Giê-rê-mi 8:2). Và từng trời thứ ba là nơi ở của Đức Chúa Trời, hay nơi Chúa đang ngồi trên ngai (E-xơ-ra 1:2; Ma-thi-ơ 6:9; 2 Côr. 12:2). Đa-vít công bố, “Đức Giê-hô-va ngự trong đền thánh Ngài; Ngôi Ngài ở trên trời.” (Thi. 11:4). Lưu ý là Đức Chúa Trời ở từng trời thứ ba không có nghĩa là Ngài bị giới hạn ở một chỗ hay bất cứ không gian nào. Ngài có mặt ở khắp mọi nơi trong mọi lúc. Đức Chúa Trời không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Sa-lô-môn viết, “Nhưng quả thật rằng Đức Chúa Trời ngự trên đất nầy chăng? Kìa, trời, dầu đến đỗi trời của các từng trời chẳng có thể chứa Ngài được thay, phương chi cái đền nầy tôi đã cất!” (1 Các vua 8:27)
Thiên đàng là nơi Đức Chúa Giê-su “ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao.” (Hêb. 1:3). Phi-e-rơ nói rằng Chúa Giê-su là “Đấng đã được lên trời, nay ngự bên hữu Đức Chúa Trời, các thiên sứ, các vương hầu, các quyền thế thảy đều phục Ngài.” (1 Phi-e-rơ 3:22). Chúa Giê-su đã nhắc nhở Ma-ri-ma-đơ-len, “Chớ rờ đến ta; vì ta chưa lên cùng Cha! Nhưng hãy đi đến cùng anh em ta, nói rằng ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi.” (Giăng 20:17). Thiên đàng cũng là nơi các thiên sứ cư ngụ (Ma-thi-ơ 18:10; Mác 13:32). Nê-hê-mi diễn tả các từng trời, “Ôi! Chỉ một mình Chúa là Đức Giê-hô-va có một không hai; Chúa đã dựng nên các từng trời, và trời của các từng trời, cùng toàn cơ binh của nó, trái đất và các vật ở trên nó, biển và muôn vật ở dưới nó; Chúa bảo tồn những vật ấy, và cơ binh của các từng trời đều thờ lạy Chúa.” (9:6)
Thiên đàng là nơi phước hạnh nhất. Một vài người đã được đem lên đến từng trời thứ ba, hay được tiếp lên cùng Đức Chúa Trời. Chúng ta đọc các phần Kinh Thánh sau đây:
“Tôi cần phải khoe mình, dầu chẳng có ích gì; nhưng tôi sẽ nói đến các sự hiện thấy và sự Chúa đã tỏ ra. Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến từng trời thứ ba (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết). Tôi biết người đó (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi 77 cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết) được đem lên đến chốn Ba-ra-đi, ở đó nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra.” (2 Côr 12:1-4)
“Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi.” (Sáng. 5:24)
“Hai người cứ vừa đi vừa nói với nhau, kìa, có một cái xe lửa và ngựa lửa phân rẽ hai người; Ê-li lên trời trong một cơn gió lốc.” (2 Các vua 2:11)
“Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.” (Lu-ca 23:43)
Phao-lô cũng diễn tả niềm ao ước, “Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa (trên thiên đàng) thì hơn.” (2 Côr. 5:8). Thiên đàng là một nơi bình an kỳ diệu vượt quá suy tưởng, nơi đó đầy tràn vẻ đẹp, sự vui mừng, đầy dẫy sự sống (Thi. 16:11; 1 Ti-mô-thê 4:8; Khải. 14:13; 21:18-21). Vị trí của thiên đàng chưa được bày tỏ. Có thể nó ở một góc xa nào đó của vũ trụ hay là một khu vực khác, là nơi mà thân thể phục sinh của Chúa Giê-su đã từ đó đến với các môn đồ (Lu-ca 24:31; Giăng 20:26).
Một thực tế thú vị khác về thiên đàng là nơi đó không có tội lỗi hay sự chết (Ê-sai 35:8; Khải. 21:4). Nơi đó con người không còn cưới gã vì Đấng Christ là Tân Lang và tập thể các tín hữu là Cô Dâu của Ngài (Ma-thi-ơ 25:1-13; Mác 2:19; Giăng 3:29; Ê-phê-sô 5:22-33; Khải. 22:17)
Thiên đàng cũng là nơi đến cuối cùng của mỗi tín nhân tiếp nhận Chúa Giê-su Christ (Ma-thi-ơ 5:17-20; 2 Phi-e-rơ 3:13). Cơ đốc nhân được dạy bảo là phải “tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời.” (Cô-lô-se 3:1-4) và tích trữ của cải trên thiên đàng (Ma-thi-ơ 6:20). Làm như thế, tín nhân sẽ nhận được phần thưởng và cơ nghiệp đời đời (Ma-thi-ơ 25:14-30; 1 Phi-e-rơ 1:4)
Chúa Giê-su hứa rằng Ngài đi chuẩn bị cho tín nhân một chỗ trên thiên đàng (Giăng 14:2). Vào một thời điểm trong tương lai, thiên đàng (thành thánh) sẽ trở nên trời mới và đất mới (2 Phi-e-rơ 3:12-13; Khải. 21:1-2). Các Cơ đốc nhân bước vào đó trong một thân thể phục sinh vinh diệu (Giăng 5:28-29; Phi-líp 3:21)
ÁP DỤNG
Thiên đàng là nơi cực kỳ xinh đẹp và vinh diệu, Chúa Cứu Thế Giê-su ở đó đang chờ đợi hiệp nhất với tập thể các Cơ đốc nhân là Cô Dâu của Ngài. Vì vậy hãy tập chú tâm trí và tấm lòng của chúng ta vào nơi đó (Cô-lô-se 3:1-4)
KINH THÁNH THAM KHẢO
Ê-sai 65:17; 66:22; Giăng 14:2; 2 Phi-e-rơ 3:10-13; Khải. 5:9-13; 21:1-27
BÀI 48 – Lu-ca 9-10
HỔ THẸN – LỰA PHẦN TỐT
1. Câu hỏi: Nếu ai hổ-thẹn về ta và lời ta, thì Con người sẽ hổ-thẹn về họ, khi Ngài ngự trong sự vinh-hiển của mình, của Cha, và của thiên-sứ thánh mà đến. (Lu-ca 9:26). Những biểu hiện nào chứng tỏ chúng ta hổ thẹn về Chúa, lời Chúa và làm sao khắc phục?
Đọc cả Lu-ca 9:24 để làm rõ câu 26: Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu. Hai lời nói hai mục đích: ai tin cậy Chúa thì sẽ được sự sống, ai không tin cậy Chúa thì sẽ không được sự sống, một cách giải nghĩa khác của câu hổ thẹn về Chúa và lời Ngài.
Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng câu 26 là để dành cho những người chưa tin Chúa, vì họ không tin Ngài, không tin Kinh Thánh, hổ thẹn, chối bỏ lời của Ngài. Nhưng trong bối cảnh của đoạn Kinh Thánh này, thì không phải Chúa Jesus nói với đám đông, mà nói với các môn đồ (câu 1) Vậy thì có phải là những người tin Chúa cũng có thể hổ thẹn về Chúa và lời của Ngài?
Đúng vậy, ngay cả những người tin Chúa cũng có thể hổ thẹn về Ngài và lời của Ngài. Những biểu hiện về sự hổ thẹn về Ngài có thể là: chúng ta không dám đi ra nói về Chúa cho người khác, sợ họ phản đối, phản kháng mình, chế nhạo mình. Sống trong một cộng đồng người không tin Chúa, chúng ta không dám nhận mình là một người tin Chúa, không dám bày tỏ niềm tin của mình. Khi lời Chúa đụng chạm đến các vấn đề nóng bỏng của xã hội như phá thai, đồng tính, hay văn hóa Việt Nam như thờ cúng, chúng ta không dám phản ứng, sợ người ta chê mình lạc hậu, thay vì phản ứng, lại làm theo cách số đông làm. Khi tiếp cận với cộng đồng trong các cuộc hội họp ăn uống, chúng ta sống theo cách người đời sống, sợ họ kỳ thị mình. Ngay cả khi đi nhà thờ học lời Chúa, những lời Ngài dạy dỗ, chúng ta cũng không muốn làm theo vì lời Chúa lên án những hành động tội lỗi mà mình không muốn dứt bỏ, còn nhiều nữa, nhưng tóm lại, khi chúng ta làm một điều gì đó không bày tỏ được Chúa, ngược lại cách Ngài dạy, chúng ta quả thật đã hổ thẹn về Ngài.
Làm sao để khắc phục?
Trở lại câu 24, nguyên tắc để khắc phục sự hổ thẹn là không hổ thẹn, chúng ta phải hoàn toàn tin cậy Ngài, như Phao-lô nói trong 2 Ti-mô-thê 1:12: Nhưng ta chẳng hề hổ thẹn vì biết ta đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó. Chúng ta phải biết rõ về Chúa của mình và hoàn toàn đặt niềm tin vào lời hằng sống của Ngài, tuyệt nhiên không có một chút nào sai, đều là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống, là thước đo mọi giá trị đạo đức. Không bất cứ một điều gì trong lời Chúa là khiếm khuyết hay mơ hồ. 2 Ti 3:16: Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình
2. Câu hỏi: Hỡi Ma-thê, Ma-thê, ngươi chịu khó và bối-rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được. (Lu-ca 10: 41-42). Xin định nghĩa “phần tốt” và khích lệ tín hữu biết “lựa phần tốt”.
Xem lại toàn bộ câu chuyện Ma-ri, Ma-thê để nắm thật rõ ý nghĩa câu nói này. Khi Chúa Jesus đến thăm nhà gia đình này, gồm La-xa-rơ, Ma-thê và Mari, thì bà Ma-thê ngay lập tức chuẩn bị thức ăn đãi Chúa và phái đoàn. Bà làm việc này với một ý tốt, nghĩ rằng Chúa và các môn đồ đi xa đói bụng cần ăn, cũng bày tỏ tấm lòng yêu mến Chúa của bà. Việc làm của bà không có gì sai cả, Chúa Jesus cũng không nói gì về việc bà lăng xăng nấu nướng. Cho đến lúc bà nhìn thấy Ma-ri ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Ngài thì bà cảm thấy khó chịu, bà phàn nàn về sự “làm biếng” của Ma-ri, và lên tiếng yêu cầu Chúa Jesus khuyên nhủ Ma-ri nên đứng dậy vào bếp giúp bà. Lúc này thì Chúa Jesus mới lên tiếng.
Câu nói trên của Chúa Jesus không có hàm ý chê trách việc làm bếp của Ma-thê, nhưng Ngài sửa lại cho đúng, cho bà biết thứ tự ưu tiên của một người khi Chúa đến thăm nhà. Việc Ma-ri ngồi dưới chân Chúa cho thấy Chúa Jesus đến đây là để giảng dạy lời Ngài. Ngài không có nhiều thì giờ, Ngài phải đi nhiều nơi để giảng dạy, và giảng dạy là một benefit (phúc lợi) cho những người theo Ngài. Ưu tiên lúc đó của mọi người là ngồi xuống, chuẩn bị tinh thần để nghe lời của Ngài. Ăn uống cũng là một nhu cầu, nhưng nó không phải lúc này, và cũng không quá cần thiết. Khi nghe lời Chúa xong mọi người có thể cùng vào bếp và làm chung các món ăn. Nhu cầu vật chất không có gì sai, nhưng nó sai khi đặt thứ tự ưu tiên sai.
Chúa Jesus có thể muốn nói với chúng ta: lúc này đây, điều cần thiết nhất là ngồi xuống nghe lời Ngài. Đó là phần tốt nhất Ma-ri đang làm. Và đó là điều duy nhất để làm trong lúc này, mọi thứ khác có thể gác lại. Chúng ta lăng xăng với rất nhiều việc trong đời sống mình, lăng xăng kiếm tiền, điều này không có gì sai, vì là người thì ai cũng phải kiếm sống, nhưng đừng để nó là ưu tiên số một. Ma-thi-ơ 6:25-34 Chúa Jesus đã nói rõ về sự lo lắng của con người về vấn đề nhu cầu vật chất và nói rằng: nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. Điều ưu tiên số một là việc tìm kiếm Chúa qua lời của Ngài, thì những nhu cầu khác Đức Chúa Trời sẽ lo. Chúng ta có tin không?
Xin MS chọn một câu KT trong 2 bài học vừa qua để gởi đến thính giả thông điệp cần thiết, kết thúc giờ TKGĐ hôm nay.
Bài học của Ma-thê là bài học tôi chọn gởi đến thính giả để kết thúc giờ TKGĐ hôm nay. Một lần nữa chúng ta thấy mình vẫn là một Ma-thê lăng xăng trong công việc đời sống hàng ngày. Đây cũng là bài học nhắc nhở chính tôi. Tôi thấy mình lăng xăng nhiều thứ quá. Đây cũng là bài học cho nhiều người trong chúng ta trong thời đại này. Có quá nhiều điều trong cuộc sống làm chúng ta lăng xăng. Chúng ta thấy mình chưa phải là một Ma-ri yên lặng ngồi dưới chân Chúa nghe lời Ngài. Chúng ta đã tìm kiếm những điều khác, đặt những thứ tự ưu tiên khác hơn là tìm kiếm Ngài. Xin Chúa giúp đỡ để chúng ta đặt lại thứ tự ưu tiên của mình như Ma-thi-ơ 6:33 chép: Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.