Thánh Kinh Trắc Nghiệm
THÁNH KINH GIẢI ĐÁP – Bài 45&46 MS Lữ Thành Kiến
Bài 45 – Dân-số Ký 11-17
NGƯỜI KHIÊM HÒA – LẠC QUAN
1. Câu hỏi: Vả, Môi-se là người rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian. (Dân số 12:3). Xin mô tả người khiêm hòa và cách thức để rèn luyện đức tánh nầy như Môi-se.
Môi-se được mô tả là một người khiêm nhường, khiêm tốn hơn những người khác trên thế gian. Câu hỏi là mô tả người khiêm hòa và cách thức để rèn luyện đức tính này. Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần phải biết Môi-se đã sống thế nào, là một người như thế nào để được Kinh Thánh xác nhận như vậy.
Môi-se là ai?
Bắt đầu bằng việc Môi-se được Chúa gọi dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi sự bắt bớ của người Ai-cập trên núi Hô-rếp qua hiện tượng bụi gai cháy. Ông đã từ chối lời kêu gọi với lý do là không có khả năng nói tốt, nhưng Đức Chúa Trời đã khích lệ ông bằng cách cho A-rôn, anh của ông phụ giúp. Rất có thể đây là một sự khiêm nhường, nhận biết mình. Sau 10 tai vạ Đức Chúa Trời giáng trên dân Ai-cập, Môi-se đưa dân Y-sơ-ra-ên rời Ai-cập qua sự kiện lễ Vượt Qua. Cho tới lúc này vẫn chưa bày tỏ nhiều về tánh tình của Môi se.
Cho tới khi dân Y-sơ-ra-ên than phiền về sự vất vả khó khăn trong đồng vắng, để giải quyết những than phiền này Môi-se kêu cầu Chúa thay vì dùng sức mình để cai trị. Đức tính lớn nhất của Môi-se là cầu nguyện, tìm kiếm Chúa và hết lòng tin cậy Ngài
Một điều nữa là việc ông bố vợ Giê-trô đến thăm và đưa ra giải pháp chia để trị khi thấy ông một mình ngồi xử án dân sự, Môi-se đã nghe lời.
Dầu vậy chúng ta cũng thấy nhiều lúc Môi-se khiêm mà không nhường, những lúc ông rất thẳng thắn nói chuyện với Chúa và với dân sự, Môi se cũng nổi giận khi thấy dân Chúa thờ bò vàng, và vài lần khác.
Khiêm nhường theo tôi không phải là yếu ớt cái gì cũng chìu nhưng biết lúc nhu lúc cương, biết lúc nào nhường và lúc nào không nên nhường, biết xử sự khôn ngoan, biết vâng lời và thuận phục ý Chúa. Vì vậy theo tính cách của Môi-se, ông đúng là một người khiêm nhường, và là người khiêm nhường nhất trong số những người khiêm nhường. Dù vậy chúng ta cũng biết rằng có khi Môi-se đã không dằn được sự nóng nảy khi dùng gậy đâp hòn đá cho chảy nước ra, trái với lời phán của Chúa và vì thái độ này ông đã không thể vào đất hứa, chỉ thấy đất hứa từ xa, từ trên núi mà không được vào, chết và chôn ngoài đất hứa. Điều này cho thấy dù là một người thánh của Đức Chúa Trời không có ai là toàn vẹn hết
Học theo Môi-se là bắt chước những gì Môi-se làm, không yếu đuối nhu nhược, xử sự khôn ngoan trong những tình huống khó khăn, biết vâng lời và thuận phục Chúa cho dù có những lúc đối diện với những khó khăn không giải quyết được.
2. Câu hỏi: Xứ mà chúng tôi đã đi khắp đặng do-thám thật là một xứ rất tốt; nếu Đức Giê-hô-va đẹp lòng cùng chúng ta, ắt sẽ đem chúng ta vào xứ nầy mà ban cho; ấy là một xứ đượm sữa và mật. Chỉ các ngươi chớ dấy loạn cùng Đức Giê-hô-va, và đừng sợ dân của xứ, vì dân đó sẽ là đồ nuôi chúng ta, bóng che-chở họ đã rút đi khỏi họ rồi, và Đức Giê-hô-va ở cùng ta. Chớ sợ chi. Dân số 14: 7-9). Trong 12 do thám, chỉ Giô-suê và Ca-lép có nhận định chính xác và lạc quan về đất hứa Canaan. Làm sao nhìn thấy cơ hội trong khó khăn và giữ lòng lạc quan?
Môi-se đã sai 12 thám tử do thám xứ Ca-na-an, và khi trở về họ đã tường trình lại. Tường trình của họ là giống nhau, về điều họ thấy. Nhận định của cả hai nhóm đều chính xác về Đất Hứa. Dân-số 13:27: Vậy, các người ấy thuật cho Môi-se rằng: Chúng tôi đi đến xứ mà người đã sai chúng tôi đi; ấy quả thật một xứ đượm sữa và mật, nầy hoa quả xứ đó đây.Và 14:7-9 là nhận định. Nhưng thái độ khác: Nhóm này: Ca-lép bèn làm cho dân sự, đang lằm bằm cùng Môi-se nín lặng đi, mà nói rằng: Chúng ta hãy đi lên và chiếm xứ đi, vì chúng ta thắng hơn được. (13:30) Nhóm kia: Nhưng những người đi cùng Ca-lép nói rằng: Chúng ta không đi lên cự dân nầy được, vì chúng nó mạnh hơn chúng ta. (13:31)
Tại sao khác? Phân tích thì thấy 10 thám tử kia không có gì sai khi nhận định, họ nhận định đúng, Ca-lép và Giô-suê cũng thấy giống như vậy, chỉ có cách suy nghĩ khác. Trong khi 10 thám tử kia nói Đừng, tránh họ đi, tránh voi chẳng xấu mặt nào, thì Ca-lép nói Hãy Đi Lên Và Chiếm Xứ, nào, hãy tấn công vào con voi. Ca-lép có tinh thần lạc quan, nhưng trên hết, chúng ta nghĩ rằng ông lạc quan bởi vì đức tin. Vì ông tin rằng Đức Chúa Trời có thể giúp dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng kẻ thù mạnh hơn, sức mạnh của Đức Chúa Trời là vô địch.
Trong khi những thám tử kia thấy sự to lớn của Ca-na-an mà sợ hãi, thì Giô-suê và Ca-lép cũng nhìn thấy vậy nhưng không tập trung vào điều đó mà tập trung vào điều khác. Cách suy nghĩ của họ khác với cách suy nghĩ của những thám tử kia. Đúng là Giô-sép Ca-lép đã nhìn sự vật bằng đôi mắt lạc quan. Nhưng trên hết có thể nói là họ đã nhìn sự vật bằng đôi mắt đức tin. Họ tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời chứ không bằng sức của họ
Đức tin theo định nghĩa của Hê-bơ-rơ 11:1: Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.
Vậy chúng ta sẽ làm sao khi đối diện với khó khăn? Thay vì nghĩ tiêu cực, hãy nghĩ tích cực. Hãy nghĩ rằng mình không làm được, nhưng Đức Chúa Trời có thể làm được, không có gì mà Ngài không làm được. Hãy nắm lấy những lời hứa của Đức Chúa Trời
3. Sách TRẢ LỜI TỪ KT CHO 100 CÂU HỎI KHÓ NHẤT
Phần 4 – Câu 36: Làm Thế Nào Ðể Một Người Trở Thành Cơ Ðốc Nhân?
Lần cuối cùng gần đây nhất khi bạn chia sẻ Phúc âm với một ai đó là khi nào? Bạn đã từng có kinh nghiệm vui mừng khi hướng dẫn một thân hữu tiếp nhận Chúa Giê-su Christ?
Nếu bạn chưa bao giờ giới thiệu cho người khác biết về Chúa Giê-su, bạn đang bỏ lỡ nhiều cơ hội để kinh nghiệm quyền năng của Đức Thánh Linh hướng dẫn bạn trong hành động đưa người khác đến với Phúc Âm. Một phần quan trọng trong nếp sống đạo là giới thiệu tin lành của Chúa Giê-su cho người khác.
Chúng ta đều nhận biết rằng mỗi chúng ta là một tội nhân (Ê-sai 64:6; Rô-ma 3:23; 1 Giăng 3:4) và cần một Cứu Chúa. Chúng ta biết rằng chúng ta không phải là lời giải đáp cho những nan đề của con người (Giê-rê-mi 17:9; Rô-ma 3:10). Chỉ có Chúa Giê-su mới là lời giải đáp thực sự cho thế giới. Tuy nhiên hãy tự hỏi câu này: Tôi có thường xuyên chia sẻ sứ điệp Phúc âm cho những người đang chết trong tội lỗi?
Chúng ta cần nói cho người khác biết là Đức Chúa Trời yêu thương họ, Ngài đã cung ứng cho nhân loại một con đường để giải phóng họ ra khỏi tội lỗi và sự chết. Hãy nói cho người khác biết rằng họ cần thừa nhận tội lỗi của mình, và tin rằng Chúa Giê-su đã chết và sống lại vì tội lỗi của họ (Công vụ 16:31). Hãy xem Kinh Thánh giải thích vấn đề này như thế nào.
Thừa Nhận Tội Lỗi – Rô-ma 6:23 75
Phao-lô viết: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta.” (Rô-ma 6:23). Theo Kinh Thánh tội lỗi của chúng ta phải bị trả giá là sự chết. Sự chết xứng đáng cho bản chất tội lỗi và phản nghịch của chúng ta (Rô-ma 5:12; 7:13). Nhưng bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Ngài đã ban cho chúng ta sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-su Christ. Vì vậy điều đầu tiên một người cần biết là thừa nhận rằng tôi đã phạm tội chống lại Đức Chúa Trời (Thi thiên 51:4) và ăn năn tội lỗi đó (Lu-ca 13:3; Công vụ 3:19; 1 Giăng 1:9). “Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi.” (Công. 3:19)
Tin Nhận Chúa – Rô-ma 10:9-10
Điều thứ hai mà một người cần biết là tin rằng Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã chết vì tội lỗi toàn nhân loại và đã sống lại. Phao-lô viết, “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-su ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi.” (Rô-ma 10:9-10). Vì vậy đặt đức tin vào ân điển của Chúa Giê-su Christ là cần thiết để tiếp nhận ơn cứu rỗi (Ê-phê-sô 2:8-9)
ÁP DỤNG
Điều tuyệt vời là khi nhìn thấy một người đến với Đấng Christ, nhưng chúng ta phải bảo đảm rằng người tín hữu mới này phải được môn đồ hóa trong Lời Đức Chúa Trời và trở nên thành viên của một hội thánh tại địa phương. Trở thành một Cơ đốc nhân có nghĩa là cam kết cầu nguyện trong Đức Thánh Linh mỗi ngày (Ê-phê-sô 6:9), nhận sự đổ đầy Thánh Linh (Ê-phê-sô 5:18), thực hành các việc lành (Gia-cơ 2:14-26), suy gẫm Lời Đức Chúa Trời (Thi. 1; 2 Ti-mô-thê 2:15), thực hành các ân tứ thuộc linh (Rô-ma 12:3-8) và phục vụ người khác (Phi-líp 2:1-4).
KINH THÁNH THAM KHẢO
Giăng 1:12; 3:16-17; Rô-ma 1:16; 3:23; 7:24-25; 10:9-10; Ga-la-ti 3:26; 1 Giăng 5:13
BÀI 46 – Lu-ca 7-9
ĐẤT TỐT – CHÍNH CÁC NGƯƠI
1. Câu hỏi: Nầy, lời thí-dụ đó nghĩa như vầy: Hột giống là đạo Đức Chúa Trời. Phần rơi ra dọc đường, là những kẻ đã nghe đạo; nhưng về sau ma-quỉ đến, cướp lấy đạo từ trong lòng họ, e rằng họ tin mà được cứu chăng. Phần rơi ra đất đá-sỏi là kẻ nghe đạo, bèn vui-mừng chịu lấy; nhưng họ không có rễ, chỉ tin tạm mà thôi; nên khi sự thử-thách xảy đến, thì họ tháo lui. Phần rơi vào bụi gai, là những kẻ đã nghe đạo, nhưng rồi đi, để cho sự lo-lắng, giàu-sang, sung-sướng đời nầy làm cho đạo phải nghẹt-ngòi, đến nỗi không sanh trái nào được chín. Song phần rơi vào nơi đất tốt, là kẻ có lấy lòng thật-thà tử-tế nghe đạo, gìn-giữ, và kết-quả một cách bền lòng. (Lu-ca 8:11-15). Làm sao để dọn lòng mình và bạn hữu thành “đất tốt” cho hạt giống đạo?
Bài học về 4 loại đất là bài học được giảng đi giảng lại nhiều lần, và trong ví dụ này Chúa Jesus đã giải thích rõ về ý nghĩa của nó, không cần mình phải cố gắng tìm hiểu. 4 loại đất tượng trưng cho tình trạng của tấm lòng khi nhận lấy hạt giống đạo Đức Chúa Trời. Nguời nhận đã nhận lấy hạt giống đó như thế nào.
Mảnh đất lòng thứ tư là mảnh đất tốt nhất, đúng theo ý muốn của Đức Chúa Trời hơn cả. Nhưng không phải ai cũng sở hữu mảnh đất mơ ước đó. Vì tấm lòng tự nhiên của mình là tấm lòng được cai trị bởi ba tấm lòng kia. Chúng ta không có thể tự mình sở hữu tấm lòng thứ tư. Tấm lòng này phải được Chúa ban cho.
Khi Chúa Jesus nói với Ni-cô-đem về việc sanh lại, ông ta đã nói một câu dường như rất ngớ ngẩn, Giăng 3:4: Ni-cô-đem thưa rằng: Người đã già thì sanh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao?. Nhưng không ngớ ngẩn chút nào, vì Ni-cô-đem đã nói lên một sự thật: việc sanh lại khó như việc trở lại vào lòng mẹ để sinh ra lần nữa. Đó là việc con người không thể làm được. Phải là do Đức Chúa Trời làm. Giăng 3:5-6 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời. Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần.
Cho nên, làm sao để dọn lòng mình trở thành mảnh đất tốt thứ tư? Đơn giản là hãy để cho Thánh Linh làm việc dọn dẹp, mình không thể tự dọn được. Một người hoàn toàn để cho Chúa Jesus làm chủ đời sống mình, cai trị, hướng dẫn và vâng lời. Tập làm theo lời Chúa dạy cho dù là khó khăn, nghịch cảnh, thử thách. Đây là nguyên tắc chúng ta học nhưng phải biến nguyên tắc ấy trở thành hành động, đây không phải là điều dễ dàng vì bản tính con người xác thịt, tội lỗi. Dầu vậy hãy nhờ cậy Chúa mỗi ngày.
Nhưng để Thánh Linh dọn dẹp có nghĩa là gì? Bằng một ý thức rõ ràng là mình không thể tự làm một điều gì để cải hóa mình, giống như người Ê-thi-ô-bi không thể đổi được mầu da mình và con beo không thể đổi được vằn nó, hãy để Thánh Linh chiếm hữu mình và toàn quyền dọn dẹp mình bằng lời của Ngài và hoàn toàn vâng phục Ngài
2. Câu hỏi: Khi gần tối, mười hai sứ-đồ đến gần Ngài mà thưa rằng: Xin truyền cho dân-chúng về, để họ đến các làng các ấp xung-quanh mà trọ và kiếm chi ăn; vì chúng ta ở đây là nơi vắng-vẻ. Song Ngài phán rằng: Chính các ngươi hãy cho họ ăn. (Lu-ca 9: 12-13). Xin khích lệ tín hữu về tinh thần trách nhiệm đối với tha nhân.
Đây là một trong những phân đoạn Kinh Thánh tôi thích, đặc biệt thích nhất câu nói của Chúa Jesus: chính các ngươi phải cho họ ăn. Phản ứng tự nhiên của 12 sứ đồ khi thấy bữa ăn tối đã đến, nơi họ đang ở là một nơi vắng vẻ không có hàng quán gì, và chính họ cũng không có thức ăn gì, họ không thể cung cấp thức ăn.
Nhưng lạ thay Chúa Jesus lại bảo chính các ngươi phải cho họ ăn. Ngài không nói chúng ta, (tính cả Chúa), nhưng là các ngươi, chỉ 12 sứ đồ thôi, rằng họ có trách nhiệm về vấn đề thức ăn cho đoàn dân đông.
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng mình chỉ có bổn phận rao truyền lời Chúa cho tha nhân, vì nghĩ rằng tâm linh quan trọng hơn thuộc thể. Nhưng đừng quên rằng khi đến thế gian, ngoài việc giảng đạo cứu người là chính, Chúa Jesus không bao giờ từ chối việc giúp đỡ người khác về vấn đề thuộc thể. Cụ thể trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Jesus đã làm phép lạ hóa bánh cho đoàn dân đông khi họ đang cần ăn. Ngài không nói rằng: ta chỉ lo thuộc linh, còn việc thuộc thể để người khác lo. Bài học là: để nói về vấn đề thuộc linh, phải thêm vào thuộc thể. Chúa Jesus không chỉ giảng đạo, nhưng còn lo đến bao tử người khác. Ngài không quá thiêng liêng nói rằng Người ta phải lo thức ăn, còn ta lo giảng đạo.
Giảng đạo và làm việc xã hội là hai việc có liên quan với nhau trong bài học này. Đoàn dân đông theo Chúa là để nghe giảng đạo, nhưng họ không thể nghe giảng đạo với cái bụng cồn cào, một bao tử trống rỗng. Họ cũng có nhu cầu ăn uống. Khi họ cần, thì Chúa Jesus đáp ứng. Một cách nói khác: thuộc linh và thuộc thể bổ túc nhau, thuộc thể giúp cho việc chuyển giao thuộc linh dễ dàng hơn, vì người ta biết mình không nói suông, mà còn biết giúp đỡ. Đôi khi chính sự giúp đỡ vật chất là một hành động bày tỏ tình yêu thương thật, đưa người ta đến gần tình yêu của Đức Chúa Trời.
Bài học lớn nhất về điều này có thể thấy trong Gia-cơ 2:14-17: Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? 15 Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, 16 mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng? 17 Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.
Vì vậy, giúp đỡ thuộc thể là một việc cần không nên quên hay bỏ qua. Cả hai có thể đi song song trong một số trường hợp.
Xin MS chọn một câu KT trong 2 bài học vừa qua để gởi đến thính giả thông điệp cần thiết, kết thúc bài học hôm nay.
Tôi chọn Lu-ca 9:12-13. Tôi có viết một bài tên là Từ Thiện Tâm Linh (Từ Thiện Và Truyền Giáo) đăng trên Sống Đạo và Hướng Đi 72, kết hợp việc giúp đỡ vật chất và truyền giáo, cả hai nên đi cùng nhau, đừng chỉ làm từ thiện, giải quyết những nhu cầu trước mắt, nhưng trong khi làm từ thiện hãy giảng đạo cho họ, là nhu cầu đời đời. Xét cho cùng nhu cầu truyền giáo vẫn là mục đích chính của Chúa Jesus và Ngài đã giao phó lại cho cúng ta qua Đại Mạng Lệnh. Nhựng nhà từ thiện và những nhà truyền giáo hãy kết hợp với nhau để mở mang vương quốc Đức Chúa Trời.