Vườn Ê đen mới
Kế Hoạch Cứu Rỗi Kỳ Diệu Của Đức Chúa Trời
Ánh sáng của thế giới
Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, là Chân lý đời đời. Nó ghi lại câu chuyện sáng tạo, sự bất tuân của con người và sự đau đớn cùng cực của con người khi họ phạm tội. Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho con người bằng cách Chúa lên một kế hoạch để cứu con người sa ngã.
Nó cho chúng ta biết về một Cứu Chúa đã được sinh ra, Ngài đã chết vì tội lỗi của con người và đã sống lại từ kẻ chết để ban cho con người sự cứu rỗi. Bất cứ ai tiếp nhận sứ điệp này sẽ kinh nghiệm sự tha thứ tội lỗi, sự bình an trong tâm trí, tình yêu thương đối với đồng loại, quyền năng đắc thắng tội lỗi và có một hy vọng chắc chắn về sự sống đời đời.
Sự sáng tạo kỳ diệu của Đức chúa Trời.
Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo nên vũ trụ, Ngài là Đấng hằng hữu. Ngài ở khắp mọi nơi. Ngài là Đấng toàn năng và có tất cả mọi sự gkhôn ngoan. Bởi quyền năng siêu việt của Ngài tất cả mọi vật được dựng nên. Đức Chúa Trời đã sáng tạo trái đất này được bao phủ bằng nước, rồi Ngài phán, “Hãy để đất khô xuất hiện” thì có như vậy. Ngài sáng tạo các đồi núi và thung lũng rồi bao phủ nó bằng cỏ xanh, những bông hoa xinh đẹp và mọi thứ cây trên đó. Ngài sáng tạo nên các loài chim hót lên những bài ca khác nhau. Đức Chúa Trời sáng tạo nên các súc vật, lớn và nhỏ. Có loài đi lang thang trên các cánh đồng, trong những khu rừng, có loài nhỏ hơn như côn trùng, bò sát sống trên mặt đất. Ngài sáng tạo nên ao hồ, các đại dương với nhiều sinh vật sống trong đó. Ngài làm nên các lục địa cho mọi chủng tộc, sắc dân cư trú. Đức Chúa Trời làm nên mặt trời để ban ánh sáng hơi ấm ban ngày, mặt trăng để soi sáng trong ban đêm. Ngài tô điểm bầu trời với hàng ngàn vì sao lấp lánh xinh đẹp. Cuối cùng Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người từ bụi đất. Ngài hà hơi, ban sinh khí cho con người, và con người trở nên một linh hồn sống. Đức Chúa Trời đặt tên người đầu tiên là A-đam.
Đức Chúa Trời nhìn thấy A-đam cần có một người giúp đỡ, vì thế Chúa làm cho A-đam ngủ mê rồi Ngài lấy một cái xương sườn của ông ta tạo nên một người nữ là Ê-va. A-đam yêu mến Ê-va và nàng cũng yêu mến ông. Họ có một sự tương tác thông công tuyệt vời với nhau. Đây là kế hoạch của Đức Chúa Trời cho một đơn vị gia đình.
Đức Chúa Trời sáng tạo nên mọi thứ trong sáu ngày, và ngày thứ bảy Ngài nghỉ. Ngài nhìn xem các tạo vật Ngài làm ra và nhận thấy chúng là tốt lành. Vì vậy Đức Chúa Trời chúc phước cho ngày thứ bảy, làm nó nên một ngày thánh và đây cũng là ngày yên nghỉ cho con người.
Kinh Thánh cũng nói về một thiên sứ sa ngã tên là Sa-tan. Nó bị ném khỏi thiên đàng và trở nên căn nguyên của mọi điều ác. Bởi vì nó mà sự đau buồn, thống khổ, bệnh tật và sự chết đến trên thế giới này.
Bi kịch bắt đầu từ tội lỗi
Đức Chúa Trời yêu mến A-đam và Ê-va. Ngài tạo nên một khu vườn xinh đẹp cho họ sống trong đó. Nó được gọi là vườn Ê-đen. A-đam chăm sóc, cai quản mọi thứ trong khu vườn này. Trong đó có nhiều loại rau quả, cây trái cho họ vui hưởng. Nhưng cũng có một cây gọi là cây biết điều thiện ác, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho A-đam không được ăn trái cây đó, vì nếu ăn, ông ta sẽ chết. Thế nhưng một ngày kia Sa-tan đến với Ê-va và nó bịa ra một lời dối trá: “Các người ăn chẳng chết đâu, nhưng nếu ăn sẽ trở nên giống như Đức Chúa Trời, biết điều thiện ác” (Sáng thế ký 3:4-5).
Khi Ê-va nhìn lên trái cây đó, nàng thấy nó có vẻ rất ngon và muốn được mở trí khôn bèn hái lấy và ăn. Nàng cũng đưa cho A-đam nữa và cả hai người cùng ăn. Ngay lập tức họ cảm biết đã làm điều sai quấy. Họ không bao giờ cảm nhận điều đó trước đây. Họ biết họ đã làm điều rất sai lầm. Cả hai cảm thấy hổ thẹn về sự bất phục tùng của họ. Họ sợ phải đối mặt với Đức Chúa Trời. Vì thế họ ẩn nấp giữa các bụi cây trong vườn.
Rồi vào một ngày đẹp trời kia, Đức Chúa Trời gọi A-đam: “A-đam, con ở đâu? Cả hai người biết rằng họ không thể cứ tiếp tục lẩn trốn Đức Chúa Trời, vì vậy họ bước ra từ chỗ nấp và nhận biết hành động sai trái của họ. Chúa cho họ biết rằng tội lớn nhất là bất tuân Lời của Ngài, và họ phải bị trừng phạt vì sự bất tuân đó. Họ sẽ biết thế nào là sự đau khổ và những nan đề khác trong đời sống. Họ sẽ phải làm việc vất vả để mưu sinh. Thân thể họ sẽ già cỗi và chết đi trở về với bụi đất.
Sau khi A-đam và Ê-va bị đuổi khỏi vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời đặt các chê-ru-bin với những thanh gươm sắc bén để ngăn chận không cho con người đi vào vườn ăn trái cây sự sống. Lúc bấy giờ họ bắt đầu hiểu ra hậu quả của tội lỗi và những đau khổ theo sau nó là lớn biết bao!
Hậu quả đáng buồn cho sự phạm tội
A-đam và Ê-va đã rất hối tiếc về tội không vâng phục của họ đối với Đức Chúa Trời. Mặc dù họ phạm tội nhưng Chúa vẫn còn yêu thương họ. Ngài hứa rằng Ngài sẽ gởi đến một Đấng Cứu Chuộc cho sự cứu rỗi của loài người.
Vợ chồng A-đam đã sinh ra hai đứa con trai: Ca-in và A-bên. Một ngày kia chúng nó đem đến các của dâng cho Đức Chúa Trời. Ca-in đem đến thực phẩm mà anh ta đã sản xuất được. Còn A-bên thì chọn một con chiên trong bầy, giết nó để làm của lễ dâng lên cho Chúa. Của lễ của A-bên được Chúa vui lòng đón nhận, nhưng Ngài không hài lòng với của lễ của Ca-in.
Khi Ca-in biết được rằng Đức Chúa Trời vui lòng với của lễ của A-bên thì sự ganh tị và căm ghét trong lòng anh ta trỗi dậy với A-bên. Thế là một ngày kia, khi hai anh em đang ở ngoài đồng, Ca-in xông lên giết chết em trai của mình. Đức Chúa Trời đi đến và hỏi Ca-in: “A-bên, em của ngươi ở đâu?”. Ca-in chối không dám nói lên sự thật: “Tôi không biết, Tôi là người giữ nó sao?” (Sáng thế ký 4:9). Ca-in đã không vâng phục để đi theo sự hướng dẫn của Chúa. Trước đó khi anh ta chưa giết A-bên, Chúa phán bảo nếu anh ta làm điều tốt thì sẽ được chấp nhận. Giá mà anh ta biết thay đổi thái độ và yêu mến em trai của mình! Một lần nữa tội lỗi làm cho con người trở nên phân cách với Đức Chúa Trời. Ca-in đã trở nên một kẻ chạy trốn và lang thang rày đây mai đó.
Đức Chúa Trời quá yêu thương thế nhân đến nỗi Ngài đã ban Con của Ngài
“Hôm nay, trong thành Đa-vít, đã sinh cho các ngươi một Cứu Chúa; Ngài là Đấng Cứu-thế, là Chúa” (Lu-ca 2:11). Sau khi A-bên chết và Ca-in rời khỏi nhà. Vợ chồng A-đam sinh ra một đứa con trai khác là Sết. Sết là một người kính sợ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chúc phước cho hậu tự của Sết. Chúng nó tin cậy lời hứa kỳ diệu của Đức Chúa Trời về một Cứu Chúa sẽ ban sự giải cứu cho chúng trong một ngày nào đó. Đặc biệt hơn cả, có Áp- ra-ham hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời nên được gọi là bạn hữu của Ngài. Áp-ra-ham được nói đến xuyên qua dòng dõi của ông là tất cả những gia đình trên đất sẽ được chúc phước.
Hàng trăm năm sau đó, Đức Chúa Trời đã hoàn thành lời hứa của Ngài bằng cách sai Cứu Chúa đến trần gian. Điều này xảy ra như một phép lạ trong một thị trấn nhỏ Bết-lê-hem của xứ Giu-đa. Ma-ri, một thiếu nữ đồng trinh đã hạ sinh một hài nhi trong máng cỏ của một chuồng nuôi súc vật (Lu-ca 2:17). Một thiên sứ đã mách bảo cho Ma-ri biết trước rằng tên của hài nhi sẽ là Jesus (nghĩa là Cứu Chúa). Hài nhi đó sẽ trở nên một giáo sư vĩ đại để dạy người ta nhiều điều về Đức Chúa Trời. Jesus này sẽ được lớn lên như những đứa trẻ khác. Thế nhưng vào tuổi 12 Chúa Jesus đã có một sự hiểu biết về Lời của Đức Chúa Trời tốt hơn sự hiểu biết của các nhà thông thái và các thầy dạy luật ở Giê-ru-sa-lem. Dường như Ngài biết tất cả về luật pháp và các lời tiên tri. Không có câu hỏi nào của các lãnh đạo tôn giáo và người khác đưa ra mà Ngài không trả lời được.
Chúa Jesus có một mối quan tâm sâu sắc đến nhu cầu của dân Ngài. Năm 31 tuổi Ngài bắt đầu giảng dạy trong nhà hội. Một ngày kia Ngài đọc một lời tiên tri trong Cựu ước nói về sự đến của Đấng Mê-si. Sau khi đọc xong Ngài nói với mọi người: “Hôm nay lời tiên tri này đã được ứng nghiệm” (Lu-ca 4:21). Những lời Ngài dạy người ta có uy quyền. Ngài dạy rằng nước thiên đàng đã đến gần, vì thế hãy ăn năn để được vào nước trời. Ngài dạy người ta phải thờ phượng Đức Chúa Trời với lòng khiêm nhu và thành thật. Ngài lên án những kẻ kiêu ngạo và vô tín vì sự gian ác của họ. Ngài rao giảng một Phúc Âm của tình yêu cho những người nghèo khó.
Chúa Jesus cung ứng sự sống đời đời
Chúa Jesus phán, “Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin Ta thì sẽ sống, mặc dù đã chết rồi. Còn ai đang sống mà tin Ta, thì sẽ không bao giờ chết. Ngươi tin điều ấy không?” (Giăng 11:25)
Chúa Jesus đã làm nhiều phép lạ, bày tỏ cho người ta biết rằng chính Ngài là Cứu Chúa đã đến theo lời hứa của Đức Chúa Trời. Ngài chữa lành kẻ bệnh, ban ánh sáng cho người mù, làm cho kẻ điếc được nghe, đuổi các quỉ và gọi người chết sống lại. Ngài đi bộ trên mặt nước và truyền lệnh cho cơn bão giữa biển phải yên lặng. Ngài quở trách một cây vả và qua ngày hôm sau nó bị khô cho tới rễ. Ngài nuôi đoàn dân đông năm ngàn người ăn chỉ với năm ổ bánh và hai con cá. Khi mọi người đã ăn no rồi vẫn còn lại mười hai giỏ đầy. Khi nghe theo hướng dẫn của Ngài thì các ngư phủ đã bắt được một số lượng cá không tưởng. Một ngày nọ Chúa Jesus gặp 10 người phung, những người này đã nghe nói đến danh tiếng của Ngài trước đó. Họ kêu la: “Lạy Thầy xin thương xót chúng tôi”. Bởi lời phán của Ngài sau đó, những người này được lành.
Một đám đông luôn đi theo Chúa Jesus bất chấp Ngài đang ở trong thị trấn hay đang du hành trên các con đường. Những người này được chúc phước qua những Lời dạy quí báu, sự khoan dung, lòng thương xót và các phép lạ của Ngài.
Ngài bắt đầu bảo cho người ta biết Ngài là Con của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời là Cha của Ngài. Tất cả những ai tin vào Lời Ngài đều được ban phước. Ngài phán dạy họ rằng những người tin Ngài sẽ được gọi là con cái của Đức Chúa Trời.
Chúa Jesus cũng phán với các môn đồ, “Ta đi chuẩn bị cho các ngươi một chỗ? Còn nếu Ta đi để chuẩn bị cho các ngươi một chỗ, thì Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với Ta, để Ta ở đâu, các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:2-3). Nơi này trên thiên đàng được dành sẵn cho mọi cơ đốc nhân chân thật.
“Hỡi những người được Cha Ta ban phước, hãy đến hưởng vương quốc đã chuẩn bị sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất” (Ma-thi-ơ 25: 34)
Chúa Jesus đã chết vì tất cả tội lỗi chúng ta
Khi họ đến một chỗ, gọi là Đồi Sọ, họ đóng đinh Ngài (Lu-ca 23:33).
Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã vô cùng khó chịu khi nghe những lời dạy của Chúa Jesus. Họ thường báng bổ những lời dạy ấy, họ đầy lòng ganh ghét với Chúa Jesus, bởi vì có quá nhiều người tin cậy, đi theo và ngợi khen Ngài. Họ lo sợ đến một lúc nào đó đám đông sẽ tôn Chúa Jesus lên làm vua.
Họ cố gắng gài bẫy, muốn Chúa Jesus phải nói những điều làm cho đám đông mất niềm tin nơi Ngài. Nhưng Chúa Jesus quá khôn ngoan vượt qua hết những cái bẫy của họ. Lòng căm ghét và giận dữ của họ càng nhiều khi sự hâm mộ Chúa Jesus của đoàn dân đông tiếp tục gia tăng không làm sao ngăn chận được. Cuối cùng họ lên kế hoạch phải thủ tiêu Chúa.
Họ bắt Chúa Jesus đến trước Tòa và vu cáo Ngài là kẻ bất lương và nói những lời phạm thượng. Họ làm nên những cáo buộc giả tạo chống lại Ngài. Rồi họ đưa Ngài đến với Thống đốc Phi-lát, là đại diện của chính quyền La-mã cai trị dân Do-Thái thời đó. Phi-lát không tìm thấy một tội nào đối với Chúa Jesus, vì vậy ông quyết định phóng thích Ngài. Nhưng những người cáo buộc gào lên: “Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó”. Phi-lát nhìn thấy yêu sách và sự giận dữ của những người này, ông bèn giao Chúa Jesus cho họ. Theo cách đó họ đã bắt Chúa Jesus, đội mão gai lên đầu của Ngài. Họ nhạo báng gọi Ngài là Vua. Họ cũng nhổ vào mặt Ngài và đánh đập Ngài tàn nhẫn. Cuối cùng họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự và để Ngài chết dần trên cây gỗ.
Chúa Jesus là Đấng vô tội phải chịu chết, cũng giống như chiên con mà A-bên đã dâng lên trên bàn thờ hàng ngàn năm trước. A-bên đã dâng chiên con làm sinh tế là biểu tượng của Chiên Con Đức Chúa Trời bị giết chết vì tội lỗi của cả nhân loại. Các tiên tri cũng đã nói trước về Chúa Jesus phải chịu khổ và chết. Giăng Báp-tít đã nói, “Kìa là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất bỏ tội lỗi thế gian đi!” (Giăng 1:29). “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin Con ấy, không bị chết mất, mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
Chúa Jesus đã sống lại từ kẻ chết để ban cho chúng ta sự tự do
“Ngài không có ở đây. Vì Ngài đã sống lại rồi, như lời Ngài đã phán. Hãy đến xem chỗ Ngài đã nằm” (Ma-thi-ơ 28:6).
Vào ngày thứ 3 sau khi Chúa chết và chôn, đó cũng là ngày thứ nhất trong tuần lễ, một số phụ nữ đến phần mộ mang theo các hương liệu để xức cho xác của Ngài. Lúc đó là vào sáng sớm tinh mơ, họ ngạc nhiên khi nhìn thấy ngôi mộ trống. Thân thể của Chúa Jesus đã bị dời đi. Các chị em thực sự bối rối không biết chuyện gì xảy ra. Thình lình hai thiên sứ với quần áo sáng rực xuất hiện đứng bên cạnh họ và nói: “Tại sao các cô tìm người sống giữa vòng kẻ chết? Ngài không ở đây đâu, Ngài đã sống lại rồi” (Lu-ca 24:5-6). Ngay lập tức các chị em trở về để báo cho các môn đồ Chúa biết về những gì họ đã thấy và nghe. Các môn đồ không tin câu chuyện của họ. Vì vậy Phi-e-rơ và Giăng đích thân đi tới mộ điều tra. Đến lượt hai sứ đồ này cũng nhìn thấy ngôi mộ trống. Họ bước vào bên trong, thấy vải bỏ dưới đất và cái khăn liệm trùm đầu Chúa Jesus chẳng ở cùng một chỗ với vải. Lúc bấy giờ họ mới tin câu chuyện của các chị em. Và đến buổi chiều tối cũng trong ngày đó các môn đồ nhóm với nhau trong một căn phòng cửa đóng kín vì sợ dân Giu-đa. Thình lình Chúa Jesus xuất hiện giữa họ và phán rằng: “Bình an cho các ngươi”. Ngài chỉ cho họ xem tay và sườn của Ngài. Khi họ thấy Chúa thì lòng họ vui mừng và tin. Ngài chính là Đức Chúa Jesus, Đấng đã sống lại từ kẻ chết. Sau những sự kiện này Chúa Jesus cũng hiện ra cho nhiều người để minh chứng đầy trọn về sự phục sinh của Ngài.
Chúa Jesus sống lại từ kẻ chết vào một buổi sáng. Đây là một buổi sáng vẫn còn vinh hiển nhất trong lịch sử. Trong ngày đó kế hoạch cứu rỗi kỳ diệu của Đức Chúa Trời đã hoàn tất. Kế hoạch cứu rỗi này thực hiện một sự thay đổi trong tấm lòng và đời sống của con người bởi ân điển của Đức Chúa Trời xuyên qua sự chết và sự phục sinh của Chúa Jesus. “Vậy nếu ai ở trong Đấng Cứu-thế, thì ấy là người được dựng nên mới. Mọi sự cũ đã qua đi; nầy, mọi sự đều trở nên mới” (2 Cô-rin-tô 5:17). Hôm nay tất cả những ai tiếp nhận Chúa Jesus vào lòng của họ và bước theo Ngài trong sự vâng phục, thì đời sống của họ kinh nghiệm sự phục sinh và sẽ sống đời đời với Chúa trên thiên đàng. “ Bởi vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống” (Giăng 14:9).
Sứ điệp này có đi vào trong tấm lòng của bạn? Sự hưởng ứng của bạn là gì? Bạn sẽ ăn năn và tin nhận Phúc Âm? “Chẳng có ơn cứu rỗi trong đấng nào khác, vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (Công vụ 4:12).
Đừng trì hoãn. Hãy đến với Chúa Jesus ngay hôm nay.
Theo: Nguồn Hy Vọng
—————————————————————————————
Chia Sẻ Niềm Tin gồm hai trang Đức Tin và Tạ Ơn Chúa trước đây cộng lại.
Đọc lại bài vở trang Đức Tin (2009 – 2022):
https://www.mediafire.com/file/99wszrfflvbzn3u/Trang_%25C4%2590%25E1%25BB%25A8C_TIN_2009-2020.pdf/file
Đọc lại bài vở trang Tạ Ơn Chúa (2008-2021):
https://www.mediafire.com/file/zsb1fkd24lxbokh/T%25E1%25BA%25A1_%25C6%25A0n_Ch%25C3%25BAa_2008-2021.pdf/file