Vườn Ê đen mới
ĐỖ QUYÊN MÙA HÈ
Sau một tuần lễ về lại nhà, tôi lại tập… đi bộ trở lại ?Giật mình chưa? Nói để cười thôi chứ không có gì đâu, sau hơn 4 tháng không đi bộ ở Sài gòn, về đến nhà chưa thích nghi lắm với thì giờ mới, lại bận rộn quá với nguyệt san Hướng Đi số 4 phải ra đúng đầu tháng như đã hứa, hai bài giảng Thương Khó và Phục Sinh cho Hội Thánh nhà Greenville tuần này, sáng nay nhìn thấy mọi cái tạm ổn, nhìn ra đường thấy đỗ quyên hàng xóm rực hồng, đẹp hơn nhà mình, lại thấy các bạn già trong xóm đang lang thang đi cùng con… chó ? quyết định mở cửa, đội mũ và bước đi. Trời nắng, gió nhẹ, thích hợp cho việc… come back ?
Tâm trạng thoải mái, vì sáng nào cũng cầu xin Chúa cho sự bình an, dẹp hết những gì làm cho tâm trí vướng bận, suy nghĩ, và Chúa cho được như vậy. Thật vui sướng cho một tâm hồn được Chúa ngự trị, ban bình an, mặc dù không phải là hết rắc rối khó khăn, nhưng nghĩ làm chi, vướng bận làm chi, vì tự mình đã không giải quyết được, chỉ thêm mệt, không tốt cho tuổi già. Với lại, khi giao hết, giao thật gánh nặng cho Chúa, không vừa leo lên xe ngựa mà vẫn quang gánh trên vai, thì thật là an bình, thong dong, như đang đi trong một thung lũng đầy hoa, nắng và gió.
Nói cho cùng, thì trút bỏ gánh nặng, để muộn phiền sau lưng, không lo xa nữa, đời chẳng còn bao xa để mà lo, mọi sự phó cho Chúa để Ngài lo, vì Ngài vẫn nói: hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, thì ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Tôi cũng kinh nghiệm rằng không cứ phải đi du lịch đây đó, tìm những cảnh đẹp, biển sóng, núi ngàn thì mới vui vẻ thanh thản, niềm vui và sự thanh thản ở ngay trong lòng mình, ngay tại nơi mình ở, nhà mình sống, giường mình nằm. Cứ học sự “thỏa lòng” Chúa phán thì mọi sự ok. Nói thì oai lắm, nhưng để xem được mấy bữa, xem khi tuyết rơi gió nổi, cúp điện thiếu nước, thì có thật thỏa lòng hay không. Kệ, tới đâu hay tới đó, ngày nào đủ cho ngày ấy. Nếu ngày nào cũng tâm trạng như vậy thì thật không có gì để nói ?
Thật ra, thì đây cũng không phải là lý do để viết bài này, nó chỉ mới là intro thôi, mà đã dài dòng đến vậy. Vào nội dung chính đi ạ ?
Nội dung chính là gì nhỉ. Hôm nay mình không có nội dung chính gì để nói. Chỉ muốn vu vơ cùng mọi người một chút về cuộc sống, vì mình đang feel good ? Hai năm trước chúng ta không bao giờ nghĩ rằng có một ngày nào đó sự tấn công của virus corona tràn khắp toàn cầu, như một trận sóng thần vĩ đại vượt qua các bãi bờ thế giới, tràn đến các thành phố lớn, từ các đường phố xa hoa tráng lệ, đến các làng quê, vùng biển hay núi, những ngõ hẻm cũng không thoát khỏi. Thời gian đó mọi hoạt động đóng băng, người ta không dám ra khỏi nhà, không dám đụng chạm đến ai, không dám nói điều gì, khuôn mặt kinh hoàng che dấu trong lớp vải khẩu trang. Người ta không biết lát nữa đây, thời gian sắp tới số phận mình thế nào.
Trong thời gian đó, chúng ta không dám mơ một ngày bình thường trở lại. Cứ hết biến chủng này đến biến chủng khác thay thế nhau, có khi đè lên nhau, đe dọa mạng sống con người, chích vaccine 2 mũi vẫn nhiễm bệnh, suýt chết, 3 mũi vẫn không miễn trừ. Dù các giải pháp mới được đề xuất để cứu vãn tình hình nguy cấp, dù người ta đã chấp nhận sống chung với lũ, lũ tới đâu thì leo lên tới đó. Sài gòn sau cơn bão đã mở cửa trở lại, F0 F1 ra đường sinh hoạt chung, với cái khẩu trang đáng ghét che kín mặt mũi. Tôi trở lại Mỹ, vẫn phải đi test PCR trước khi bay, phi trường Tân Sơn Nhất vẫn đầy những… ninja đầy vẻ đe dọa ?, lên máy bay mỗi người vẫn ủ kín mình trong chiếc mặt nạ… nguyền rủa ?. Tôi đeo khẩu trang, ngộp thở cho tới khi về đến phi trường nhà, Greenville Spartanburg, nơi tôi bắt đầu thấy dấu hiệu thay đổi, có những người không đeo khẩu trang, không ai đến nói với họ: Wear mask please.
Sau một vài ngày… ủ dột vì chưa thích nghi được với thì giờ mới, tôi bắt đầu đi chợ, đi pharmacy, đi shopping center mua những thứ cần dùng trở lại sau gần 5 tháng, chính xác là 4 tháng rưỡi… ly hương ?, tôi vẫn quen vói tay lấy cái khẩu trang lúc nào cũng để trong xe vài ba chiếc, đeo vào tai, kéo lên trên mũi. Tôi lại ngạc nhiên vì không thấy ai… đeo cả, những người đi chợ thoải mái với bộ mặt… thật của mình ?, ngay cả những nhân viên bán hàng cũng vậy, tôi thấy ánh mắt tươi tỉnh của họ, nụ cười trên môi họ. Nhưng cho đến khi đến nhà thờ thì tôi mới thật sự thấy sự an bình đã trở lại, cuộc chiến với covid hầu như đã chấm dứt. Các tín hữu cũng đã hoàn toàn gỡ bỏ khẩu trang khỏi mặt, mọi người chào nhau, ôm nhau, thậm chí… phà hơi thở vào mặt nhau khi đứng gần, không nghe ai nói please, hand sanitizer, social distancing ? Tôi không nghe ai nhắc đến tên loài… yêu quái ? ấy nữa, như một quá khứ đã qua, hoàn toàn qua, trang sách đã lật qua, không nhìn lại trang cũ.
Tạ ơn Chúa, trong mọi sự ấy, trong hoàn cảnh nào, thì Chúa vẫn ở đấy. Chúa Jesus vẫn ở với các môn đồ trong các trận bão biển và vẫn ở với Phi e rơ khi ông đi bộ trên mặt nước mà đến cùng Ngài. Tôi gặp lại các vị Mục sư đồng lao trong vùng khi đi mua cà phê drive through của Starbucks, gặp họ đang vui vẻ ngồi với nhau ở trong sân, ngoắc tay gọi tôi, không vị nào đeo khẩu trang, kể cả một vị vừa … qua cơn mê, vừa thoát khỏi bàn tay quỷ quái của covid trong gang tấc, ai nấy tươi cười. (các Mục sư khi quây quần lại với nhau without mask, dễ thương hơn rất nhiều khi đứng trên bục giảng ?)
Trên đường đi bộ, tôi gặp lại, vui vẻ chào các bạn già trong xóm, nhiều vị ngạc nhiên, giơ hai tay lên trời, kêu… thét lên mừng rỡ vì… thấy tôi còn sống?, sau khoảng 5 tháng không gặp tôi đi bộ mỗi sáng chiều, không biết hỏi thăm ai, ở Mỹ trong những khu vực subdivision như thế này thì mạnh ai nấy ở, hồn ai nấy giữ, có khi người hàng xóm ngay bên cạnh qua đời mình cũng không biết ? Chúng tôi chúc nhau những lời lành, qua khỏi cơn ác mộng, còn nhìn thấy nhau… sống là vui ?
Mắt tôi vui vẻ đậu trên những khóm, bụi hoa đỗ quyên đang ra sức khoe dáng, khoe màu các sân nhà. Đỗ quyên là một loại hoa dân dã, phổ thông, phần lớn người Mỹ thích trồng ngay sân trưóc nhà mình, vì màu sắc đẹp, đủ màu muốn màu gì thì… trồng màu ấy, rực rỡ như… mùa hè đỏ lửa? Có nhà để tự nhiên cho nó mọc cao lên, to ra, có người cắt tỉa cho nó tròn trịa, gọn gàng, giống như một cái bồn hoa tươi thắm, đầy sức sống. Trên đường lái xe qua các khu phố, khu dân cư, ở đâu người ta cũng thấy đỗ quyên. Nhìn đỗ quyên người ta không có cảm giác tiêu cực, mà là tích cực về một đời sống, vẫn đang tiếp diễn, sau những biến cố thương đau.
Mùa hè đang đến, như một lời nhắc nhở của Chúa: Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đang ở trước cửa. Chiến tranh, dịch lệ, đói kém, là những thời triệu nhắc nhở con người về việc Chúa Jesus sẽ trở lại trái đất trong vinh quang, nhưng Kinh Thánh chỉ nói gần tới, gần đến, trước cửa, chứ chưa tới, không nói ngày nào, nay hay maì, tháng mấy. Việc ngày nào Chúa tới chỉ có Đức Chúa Cha biết, thiên sứ và cả Đức Chúa Con cũng không biết, bày tỏ sự huyền nhiệm kín giấu tuyệt mật không bao giờ… bật mí cho bất cứ ai, mọi người hãy cứ… tỉnh táo mà chờ, chuẩn bị đèn lúc nào cũng đầy dầu, lỡ… cúp điện có mà dùng?
Tôi trở lại Hoa Kỳ, trở lại Hội Thánh nhà. Một người hỏi: Mục sư về, Mục sư đi nhóm ở đâu. Tôi hơi… ngạc nhiên: ở đâu, Greenville chứ đâu, Hội Thánh nhà, Hội Thánh mình mà. Hội Thánh có nói tiễn Mục sư đi đâu, Hội Thánh chỉ làm một cái lễ… hưu như ý muốn của Mục sư, để cám ơn Mục sư đã hầu việc Chúa 5 năm qua. Mục sư đi đâu thì đi, khi về thì trở lại với Hội Thánh. Mục sư quản nhiệm Hội Thánh 5 năm, chỉ có bị… chê chứ không có bị ghét ?. Thỉnh thoảng ở Việt Nam, vào facebook vẫn thấy tín đồ nhắc Mục sư, có người còn… âu yếm nhắn tin: con rất là nhớ Mục sư (khi gặp lại chạy vội đến tay mang cái bọc nilon đưa cho Mục sư, chỉ cười, về nhà mở ra thì thấy 4 cái bánh… bao?). Người cứ hỏi thăm ngày Mục sư về, giờ Mục sư đến, sẽ có người ra phi trường đón, không cần phải đi Uber (xuống xe Mục sư nhớ hỏi cháo nhé, con có nấu cho Mục sư cháo, dặn ổng mà ổng hay quên lắm, Mục sư nhắc giùm, đi về khuya… húp (miếng) cháo cũng tốt?) Trước ngày về 2 tuần, có tin nhắn: Hội Thánh mời Mục sư giảng lễ Phục Sinh. Khi Mục sư về tới nơi, thì nói luôn: Mục sư giảng Thương Khó nữa nhé. Thật là một sự an ủi rất lớn, thật vậy, cái này không có đùa ?
Về, nghe đây đó những tin không mấy vui. Thì Hội Thánh nào cũng vậy, không có chiên đầu đàn, bầy chiên dễ bất an, xáo trộn, thấy tụ tập lại vậy chứ không phải vậy. Vẫn cầu nguyện cho Hội Thánh sớm có người chăn bầy mới do Chúa chọn, chứ không phải người, người dễ nhầm lẫn, nhìn bề ngoài, như dân Y sơ ra ên nhìn thấy Sau lơ to lớn, đẹp trai, cứ đòi, nhưng Chúa không bao giờ nhầm lẫn. Giữa những người con trai phương phi hùng dũng của Y sai, Ngài lại chọn người cuối cùng, không cao không to, hơi có vẻ trẻ con (Gô li át nói vậy?), chỉ được cái… đẹp trai ?, nhưng tiềm ẩn một khả năng xuất chúng, một tấm lòng cao thượng, một niềm tin sắt son. Đó là vị Vua đời đời của dân tộc Do Thái mà từ nơi đó sẽ ra một Đấng Cứu thế vĩ đại.
Suy nghĩ nhiều mấy ngày nay, nhất là sau khi giảng tối Thương Khó, tín hữu đến dự đông hơn những lễ Thương Khó mấy năm trước, nhìn bóng họ lờ mờ phía dưới, khi được yêu cầu… dim the light để yên tĩnh cầu nguyện, sao lại thấy lòng mình… rung động, thấy thương bầy chiên của Chúa. Chúa nói gì với tôi lúc này? Chúa muốn tôi nói gì? Tôi dễ… động lòng quá, đó không phải là điều tốt, hãy cứ để Chúa làm việc.
Cô em gái đi làm về chiều tối, lại còn lục đục ra sân trước cắt cắt chặt chặt, lúc sau mang vào một… đống đỗ quyên rực rỡ, nói rằng sợ tối nay mưa, dập thì uổng, cắt vào cắm trong nhà cho đẹp. Sáng mai thức dậy, thì đỗ quyên hồng cả căn nhà, chứ không phải một góc trời ?, trên bàn tôi, trên bàn người, cạnh Ti Vi, trên kệ bếp. Mầu hồng rực rỡ của đỗ quyên góp phần làm tôi tươi tỉnh hôm nay, thấy cuộc sống đơn giản như loài hoa dân dã ấy, mà đẹp cách hồn nhiên, không khoe khoang tạo dáng (mà vẫn xấu ?. Như mọi vật được tạo nên từ Đức Chúa Trời đều đẹp, kể cả… tôi, dù già, vẫn có giá trị của… già ?
Đỗ Quyên Mùa Hè, cái tên nghe cũng hay hay, là lạ, hay lạ hơn những cuốn sách trước đây của mình, có lẽ nên chọn làm tựa đề cuốn sách mới năm nay. Nghĩ là sẽ chụp một bồn hoa đỗ quyên gởi cho họa sĩ nhờ vẽ, rồi đưa cho designer để vào chính giữa của bìa, đơn giản thôi, để mầu hồng rực rỡ chiếm lĩnh cả bầu trời của cuốn sách, tạo sự hứng khởi và niềm vui tươi, hy vọng mới sau dịch lệ. Có lẽ, nhờ cái bìa đẹp, mà người ta sẽ có cảm tình, mua sách chăng ?.
Mục sư Lữ Thành Kiến