Vườn Ê đen mới

TÔI CÓ MỘT LÝ TƯỞNG

Tôi có một ước mơ, I have a dream, là câu nói ai cũng biết của Mục sư Martin Luther King Jr. Ước mơ đó là cuộc cải cách về nhân quyền (civil rights). Ông bị ám sát ngay trên balcony một khách sạn. Mục sư chết, nhưng mơ ước của Mục sư không chết. Người chết vẫn còn nói. Nhiều năm sau chế độ nô lệ bị bãi bỏ, nhân quyền phục hồi. Người ta xây một bức tượng của Mục sư King ngay trong lòng thủ đô Washington DC, cạnh những tượng đài kỷ niệm rất nhiều cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ.

Ai cũng có ước mơ hết. Nhưng hoàn thành ước mơ được hay không lại là một việc khác. Có khi chỉ “nằm mơ” vào ban đêm chứ không thực hiện được trong đời thực vào ban ngày. Ước mơ của Mục sư King là một ước mơ lớn, thay đổi cả một thể chế chính trị của Hoa Kỳ thời đó, ông đã trả giá bằng cái chết của mình nhưng chưa hoàn thành ước mơ. Những người đi sau ông đã tiếp nối ước mơ của Mục sư King khi ông qua đời, và những người này đã biến ước mơ của Mục sư thành hiện thực. The dream come true.

Chúa Jesus không nói rằng Ngài có một ước mơ. Ngài nói rằng Ta Có Một Đam Mê, đam mê đó là đem những tội nhân đáng ra sẽ chết mất đời đời trong hỏa ngục ra khỏi chốn kinh khiếp ấy, để họ sống một đời sống ý nghĩa có mục đích trong đời và sẽ hưởng nhận thiên đàng đời đời mai sau. Đam mê của Chúa Jesus lớn hơn ước mơ của Mục sư King rất nhiều, vì ước mơ của Mục sư King chỉ thay đổi một thể chế chính trị của một quốc gia, còn đam mê của Chúa Jesus là thay đổi vận mệnh, kiếp sống của toàn thể nhân loại. Ngài cũng đã hy sinh thân mình, thân báu, thân vàng, địa vị là Đức Chúa Trời vinh hiển, chấp nhận chết trên thập tự giá đền tội thay cho con người. Cái chết của Ngài tuyên bố ma quỷ và sự chết là sự thua trận. Nhưng cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt.

Trước khi về trời, Chúa Jesus đã để lại Đại Mạng Lệnh trong Ma-thi-ơ 28:18-20: Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. Dường như thấy Đại Mạng Lệnh ấy vẫn chưa đủ… mạnh, Chúa Jesus nói thêm trong Công-vụ các sứ đồ 1:8: Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.

Những người theo Ngài, gọi là bầy chiên của Ngài, là dân sự của Ngài, là các môn đồ, là các tín đồ, là những người “chấp nhận” chúc thư, tiếp tục ra đi đem Tình Yêu của Chúa đến khắp mọi nơi đầu cùng đất, không bất cứ là mảnh đất nào, vì Chúa Jesus không nói về đất đai, lãnh thổ, bèn là nói về con người trên các vùng đất đai, lãnh thổ ấy. Chúa Jesus yêu thương thế gian, những con người, những mảnh đời, chứ không phải là vùng lãnh thổ, quốc gia. Bất cứ nơi nào trên trái đất này có dấu vết của con người, thì những người thừa kế phải đi đến. Họ tiếp nối cuộc hành trình còn dang dở của Ngài cho đến khi “mọi sự đã được trọn”, ấy là ngày Kinh Thánh nói rằng: Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. Ma-thi-ơ 24:14.

Trong thời kỳ các sứ đồ, sau Chúa Jesus, các sứ đồ đã ra đi, đem Tin Lành đến nơi xa. Nhiều sứ đồ đã ra đi, không ở lại trong phạm vi thành phố Giê-ru-sa-lem để lập Hội Thánh, nuôi chiên. Phi-líp đã nghe lời thiên sứ, chạy bộ rượt theo một người gọi là “hoạn quan Ê-thi-ô-bi” đang ngồi trên xe trên con đường vắng về Ga-xa để làm chứng cho ông ta, vị hoạn quan này sau khi nghe giải thích rất rõ ràng về Ê-sai 53, đã tuyên xưng đức tin, ngay lập tức yêu cầu Phi-líp làm báp-têm cho mình trong một vũng nước bên đường, và hân hoan vui mừng tiếp tục cuộc hành trình về xứ. Người ta “đồn” rằng người tin Chúa đầu tiên rất có thế lực này (vì là hầu cận của nữ vương Ê-thi-ô-bi Can-đác), là hạt giống đầu tiên đã đem Tin Lành đến xứ sở “những cây gỗ mun” ? này và phát triển cho đến ngày hôm nay.

Những sứ đồ sau đó, những sứ đồ “cực kỳ” nổi tiếng, trong đó Phao-lô là “hàng đầu ?, đã rời Giu-đa đi đến những miền xa, không còn đi bộ, cưỡi lừa nữa, mà đi tàu qua đại dương, tiến chiếm đất đai của Ý, của Tây Ban Nha, của Hy Lạp, các thành phố Ga-la-ti, Cô-lô-se, Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, La mã, Cô rinh tô…., giỏi lý luận, triết lý rỗng, thờ hình tượng, thờ Thần Không Biết, lần lượt thất thủ ?, ngã rạp dưới bàn chân những người truyền đạo kiên cường, chấp nhận bỏ mình vì chân lý. Không phải vì họ quá giỏi. Họ có một Lý Tưởng. Thời kỳ sau công vụ các sứ đồ, các giáo sĩ từ khắp nơi trên thế giới rời quê hương an toàn của mình, rời những comfort zones, đi đến những nơi tận cùng của sự hẻo lánh, nơi gọi là “khỉ ho cò gáy”, những buôn làng hoang dã nằm trong các rừng sâu, góc biển không bóng người lui tới, không ai dám bén mảng tới, nơi người ta còn đeo xâu chuỗi đầu lâu trên cổ, còn ăn thịt người, để truyền đạo. Họ phần lớn đã tử đạo, thấm máu họ vào đất đai giờ đây đã xanh màu và rộn vang tiếng hát của Tin Lành.

Những người như chúng ta, như tôi bây giờ, không dám nói là Tôi Có Một Ước Mơ hay Tôi Có Một Đam Mê, chỉ là những người lần mò đi theo bước chân của các vị tiền bối đã đi trước. Nhưng có thể nói rằng Tôi Có Một Lý Tưởng. Lý tưởng là một nguyên tắc hoặc giá trị mà một thực thể tích cực theo đuổi như một mục tiêu và giữ nó cao hơn các mối quan tâm nhỏ nhặt hơn, được coi là ít ý nghĩa hơn (Wikipedia). Chẳng hạn như tôi, tôi là một thực thể tích cực theo đuổi một nguyên tắc hoặc giá trị như một mục tiêu và giữ nó cao hơn các mối quan tâm nhỏ nhặt hơn, là những điều ít ý nghĩa hơn. Lý tưởng này giúp tôi mạnh dạn dấn thân vào những unsafe zones (những khu vực không an toàn), more risky (nhiều rủi ro hơn), vì tôi biết mình làm gì, làm cho ai, và những việc làm này có giá trị gì cho đời sống tôi như thế nào.

Tôi không còn trẻ nữa, nếu không nói là đã đi qua thời tuổi trẻ khá xa, dấn mình sâu vào tuổi già. Sau khi về hưu đúng tuổi theo quy định luật pháp Hoa Kỳ đất nước tôi đang sống, dành dụm chắt chiu được một số tiền không bằng số lẻ của nhiều người, lẽ ra tôi nên nghĩ đến việc enjoy life, hưởng thụ đời sống, không có gì lỗi cả. Tôi biết rằng nếu tôi chọn việc hưởng thụ đời sống, Đức Chúa Trời cũng sẽ không trách móc tôi, biết đâu Ngài lại còn khuyến khích ?. Tôi đã đến Hoa Kỳ trễ hơn rất nhiều người, vào trường Thần Học ở lứa tuổi 40, tuổi trung niên, và ngay sau khi rời trường, vừa được phong chức, đã bước ngay vào chức vụ, vào những khu vực không hề an toàn, nhiều rủi ro hơn. Ngay trong thời gian chăn bầy cho Chúa, có lúc tôi cũng đã rời con thuyền đang trôi êm đềm trên sóng nhỏ, vượt trùng khơi đến Nga, đất nước lúc đó hãy còn là một ẩn số, còn là nỗi e ngại cho nhiều người, chấp nhận không lương, sống bằng đức tin trong hơn 3 năm để truyền giáo, trước khi một “biến cố” xảy ra, bắt buộc tôi quay trở lại đồng cỏ. Tất cả đều là ý Chúa hết.

Nhưng sau khi về hưu, tôi đã không hoạch định cho mình những chuyến đi Châu Âu, các tour du lịch 2 tuần, 3 tuần, qua nhiều đất nước, thành phố nổi tiếng của Châu Âu như bao năm ước mơ (dù có thể được và lòng rất muốn). Tôi đã từng mơ đi thuyền trên sông Seine, ngồi bên dòng sông xanh Danube, ngây ngất bên những cánh đồng Tulip bạt ngàn của Hòa Lan. Tôi lại nghĩ đến đất nước Việt Nam, nơi có gần 100 triệu người, có khoảng 63 cái gọi là tỉnh thành, mà chỉ có khoảng 2% người tin Chúa. Thể chế chính trị là một điều mà người ta e ngại, và trận đại dịch càn quét Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, làm chùn thêm những bước chân. Tôi đã suy nghĩ và cầu nguyện nhiều đêm, hàng tuần, hàng tháng về khải tượng ấy: Sau khi Lót lìa khỏi Áp-ram rồi, Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Hãy nhướng mắt lên, nhìn từ chỗ ngươi ở cho đến phương bắc, phương nam, phương đông và phương tây. Sáng-thế-ký 13:14 vẫn nhắc đi nhắc lại, lập đi lập lại ngay cả trong giấc mơ, như khi Áp-ram đi chăn chiên trên núi Hô-rếp: Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng người trong ngọn lửa, giữa bụi gai kia. Người nhìn thấy cả bụi gai đang cháy, nhưng không hề tàn. Môi-se bèn nói rằng: Ta hãy tẻ bước lại đặng xem sự lạ lớn nầy, vì cớ sao bụi gai chẳng tàn chút nào. Tôi bay đi Việt Nam trong giai đoạn ấy mặc dù nhận được khá nhiều lời khuyên, lời ngăn cản từ bạn hữu, từ gia đình. Tôi biết là Tôi Có Một Lý Tưởng, tôi xem điều đó quan trọng hơn những chuyến du lịch vui chơi mà tôi có quyền nhận được sao bao nhiêu năm làm việc miệt mài.

Và quả đúng là uncomfort zones, more risky, tôi nếm trải qua những ngày ấy khi vùi mình trong phòng, miệt mài làm việc, lên ý tưởng, tìm bài vở, kêu gọi các cây bút, và mình viết, đối thoại và đối.. phó với các rào cản ?. Làm sao để tờ báo đẹp về hình thức và súc tích về nội dung, quan trọng nhất là làm sao nó có thể đến được với thân hữu, ngay cả các thân hữu người dân tộc, hạn chế về trình độ đọc, viết, có thể đọc được, hiểu được, nhận được, điều này quả không hề dễ dàng. Dù nắm rất rõ khải tượng trong tay và sự kêu gọi của Chúa trong đầu, nhưng những áp lực, đặc biệt là áp lực về tài chánh cho một tờ báo 100 trang, 8 trang màu, 6000 cuốn, ra hàng tháng, tặng không, miễn phí hoàn toàn 2 số báo đầu, đôi khi làm tôi phải đứng rất lâu trong cánh cửa gương, nhìn qua không gian, nhìn xuống lòng phố Sài Gòn trên độ cao 16 tầng. Tôi nghĩ, nếu không phải vì Chúa, vì lý tưởng tìm kiếm linh hồn cho Chúa, chắc tôi đã tuyên bố… giải nghệ, về Mỹ sớm hơn dự tính, cho khỏe cái thân già ?

Nhưng Đức Chúa Trời quả thành tín, Ngài không để tôi đi một mình, Ngài vẫn hứa ta sẽ ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi, Ngài vẫn ở trong… tổng hành dinh, nhưng sai người đến giúp, viện quân đến trong khi quân ta bị vậy khốn ?. Ngoài 3 thiết hữu ? có mặt từ những ngày đầu tiên, gánh vác phụ những công việc nặng nhọc và… tế nhị nữa, thì Chúa sai một con chim “bồ câu” đến (không dám gọi là quạ vì chim này… đẹp, đẹp trai, đẹp nết, đẹp lòng, đẹp tình ?), bắt đầu như một sự tình cờ trong chuyến đi Đà Lạt, dĩ nhiên là trong Chúa, trong Kinh Thánh, việc Đức Chúa Trời làm không có chữ tình cờ, mà mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, như những mảnh Lego (đồ chơi ráp hình) để rời rạc, ráp lại thành ra một tác phẩm. Đức Chúa Trời đã làm cho… quan điểm sai lầm của tôi phải… hổ thẹn. Trong những giai đoạn bó tay ngửa mặt nhìn lên trên núi xem sự tiếp trợ tôi đến từ đâu, thì con chim bồ câu (không phải chim cút) này đã nhanh chóng thả xuống những hạt ma na lấp đầy khoảng trống một cách tự nguyện vui lòng, không hề… phàn nàn hay vì ép uổng, nhiều hơn những hạt ma na mà… Việt kiều nghĩ mình mới có thể gánh vác được. Thật xấu hổ ? Bộ tứ này, gọi âu yếm là Ban Điều Hành của nguyệt san Hướng Đi, đã cùng tôi đối đầu, đối phó những tình huống, những rào cản trên đường đi tới. Mà một mình, hẳn là tôi đã phải rất chật vật. Tôi nghĩ, tất cả chúng tôi, không phải chỉ mình tôi, đều mang chung một Lý Tưởng, tranh đấu cho mục đích thiên thượng của Đức Chúa Trời.

Nhưng không chỉ thế, Đức Chúa Trời còn cho tôi những sự an ủi qua công việc làm của các anh chị em, những người cùng một Lý Tưởng mở rộng vương quốc Chúa một cách tích cực. Họ là những người mang báo Hướng Đi đến các shopping center đưa báo đến tận tay người, đến phòng mạch nha sĩ, đến tận nhà, vào trong nhà, ngồi trước cửa, bên hàng hiên, tình cờ trú mưa trong một quán cà phê, tặng quà cho những người cơ nhỡ, không bỏ lỡ cơ hội ngồi lại chia sẻ, tâm tình qua các câu chuyện viết trong tờ báo, chia sẻ về tình yêu của Chúa. Chúa Jesus ngày xưa giảng cho những đám đông lên đến năm ngàn người (chưa kể đàn bà con nít), nhưng không từ chối ngồi lại bên bờ giếng Gia-cốp nói chuyện cách cởi mở với một người đàn bà Sa-ma-ri nhiều mặc cảm, vào nhà một người đàn bà đau yếu chữa lành cho bà, biến họ trở thành những chứng nhân tích cực cho Ngài. Tôi không tiếc tiền bạc chắt chiu dành dụm của tôi, sức lực đã dần phai, tôi thấy công việc quăng bánh trên mặt nước của tôi đang được đền bù, ngay lúc này, không phải chờ quá lâu.

Nguyệt san Hướng Đi số 4, mà tổng biên tập ? không nhìn thấy trực tiếp, không cầm nắm trong tay, đã được phát hành tại Việt Nam, từ Sài Gòn đến Hà Nội, ghé đến Hải Phòng, qua Đà Nẵng, đi ngang Phú Yên, lên tới Đà Lạt, tạt qua Ban Mê Thuột, xuôi mái chèo về Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng về đến Cà Mau, trong đôi mắt đức tin đã nhướng lên hết… tần suất, tôi mơ ngày đại hội Hướng Đi, nơi anh chị em tôi làm một cuộc gặp gỡ, cầu nguyện, chia sẻ, kế hoạch cho những ngày trời trên đất, làm sao để có thể, cứu thêm ít nhất một người nữa cho Đức Chúa Trời.

Mục sư Lữ Thành Kiến

———————————————————–

Bài viết cũ trang Cùng Suy Gẫm Với MS Lữ Thành Kiến (2014-2022) được lưu trữ tại đây:
Link tải tài liệu

Ngày đăng: 05/01/2022