Vườn Ê đen mới

GREENFIELDS – Mục sư Lữ Thành Kiến

… I’ll never know what made you run away.
How can I keep searching when dark clouds hide the day?
I only know there’s nothing here for me,
Nothing in this wide world left for me to see.
But I’ll keep on waitin’ ’til you return.
I’ll keep on waiting until the day you learn
You can’t be happy while your heart’s on the roam.
You can’t be happy until you bring it home,
Home to the greenfields and me once again.

Tôi không hiểu, nhưng tôi nghĩ là Chúa biết, những buổi sáng sớm này, trong tuần lễ khá thảnh thơi sau 3 tuần khá bận rộn vì các bài giảng tâm huyết, vì định giảng cho Hội Thánh trước khi rời khỏi lần nữa, tôi lại mở Greenfields để nhìn những cánh đồng xanh bất tận trong khung hình giới hạn của youtube và nghe tiếng hát của Phạm Hoài Nam mới khám phá vài tuần gần đây, giọng Nam uể oải, hờ hững, lãnh đạm, không cố ý cầu kỳ trau chuốt cho thật bài bản, nhưng là cả một sự cố ý của anh ta, nghe rất đụng chạm. Tuấn Ngọc và Bằng Kiều hát điêu luyện nhưng không cảm xúc. Ngay cả khi nghe nguyên bản The Brothers Four cũng không thấy chút luyến tiếc nhớ nhung gì.

Tôi nghe Đồng Xanh từ thời niên thiếu đến giờ cũng cả trăm lần, nào có lạ gì, và chính mình bây giờ vẫn có thể hát được chính xác không cần nhìn lời bài hát. Nhưng Greenfields thời tuổi trẻ và Greenfields của thời tuổi già hoàn toàn khác biệt. Trong khi nghe, tâm trí tôi lang thang trên những cánh đồng, dòng sông, thung lũng, mái nhà thấp thoáng phía xa, đám mây bay trên bầu trời, và sự hoang vắng trong tâm hồn.

Tôi không có thiện cảm lắm với những cánh đồng quê hương Việt Nam, dù nó thật đẹp, nhưng lại yêu những cánh đồng của đất nước tôi đang sống dù ít khi nào nhìn thấy, chỉ thỉnh thoảng những lần lái xe đi xa, và cố ý đi lạc, để lạc vào vùng ngoại ô mênh mông im lặng, đẹp hắt hiu của các làng quê Hoa Kỳ, đặc biệt khi nhìn thấy một ngôi nhà thờ nhỏ như một căn nhà với tháp chuông cao nổi bật trên bầu trời sắp ngã bóng hoàng hôn. Có khi, dù đang chở người (thường là nhà tôi khi bà còn sống), tôi cũng tấp vào lề đường cây cỏ, đưa cái điện thoại cũ kỹ lên chụp vài hình ảnh, rồi để quên trong trí nhớ.

Cho đến khi nó trở lại hôm nay.

Ban đầu tôi có ý định dịch lời bài hát, vì thấy nó hay quá, nhưng nghe Nam hát xong, biết rằng chính những lời trong bài hát này gây thương nhớ cho mình, thì từ bỏ ý định, thứ nhất biết rằng mình sẽ không dịch hay hơn, mà lại có thể làm cho dở hơn. Thứ hai, vì biết rằng mình yêu những ca từ lời Việt này trong bài hát, và nếu có một người nào dịch khác đi, chắc mình cũng sẽ không vừa ý. Lời ấy là đủ rồi.

Nhưng giai điệu của bài hát đi cùng với lời. Nếu chỉ có lời mà không có giai điệu, bài hát cũng sẽ không cảm động mình. Chính những giai điệu đưa ca từ lên, đẩy nó lên bầu trời, lẫn vào mây xanh, vương vấn, bảng lảng trên cánh đồng xanh, thổi hồn vào khung cảnh hoang vắng của vùng đồng xanh bát ngát. Và quan trọng hơn cả, chính là sự quyến rũ mời gọi của thiên nhiên hoang dã cho một tâm hồn nhạy cảm rất dễ xúc động.

Khi nhìn thấy những ngôi nhà thờ nhỏ ở làng quê, tôi thường nói với nhà tôi rằng sau này khi Chúa cho về hưu, không còn quản nhiệm Hội Thánh nào nữa, thì muốn sống ở những làng quê này, dĩ nhiên là không thể quản nhiệm Hội Thánh Mỹ, dù cho nó nhỏ, nó càng nhỏ càng khó, vì là một Hội Thánh quê, một Hội Thánh gia đình, dăm ba người, chục người, và người quản nhiệm Hội Thánh phải là một người bản xứ, sống trong làng, gắn bó với làng, hiểu được văn hóa tập tục và tình cảm dân làng. Ao ước là một người quét dọn nhà thờ thôi cũng được, để sáng chiều quẩn quanh thôn xóm, ngắm nhìn đồng xanh, vui với cỏ cây, với những đàn gia súc không phải của mình, để chỉ nhìn mà không chăm sóc ?

Nhà tôi chỉ cười nói: anh ở không quá một tuần đâu.

Tôi cũng biết đó chỉ là mơ ước… viễn vông, vì thấy dễ nhưng mà khó, khó nhất vẫn là chính mình. Nói vậy chứ không phải vậy. Tôi biết rằng nếu ngày xưa Chúa không cho tôi làm một con người, thì Ngài sẽ để tôi làm một con… chim, vì nó muốn bay, thích bay, chứ không muốn một chỗ, trừ khi bệnh ? Tôi vẫn nhớ lời má tôi nói ngày xưa: con là một ngọn cỏ lạc loài trong gia đình, không giống bất cứ ai (từ cha mẹ cho đến anh chị em, từ tánh tình, khả năng thiên hướng, ước muốn…) Chỉ một mình tôi đi dạy học, viết văn, làm thơ, ca hát, làm báo, và hay bay đi. Và đặc biệt nhất: là Mục sư. Ở một chỗ lâu ngày, tôi cảm thấy ngột ngạt, và muốn lên… mốc ? Cho đến khi… già, vẫn cứ muốn bay đi, cho đến khi nào sức không thể bay được nữa, và con chim, không muốn bất cứ thứ gì ràng buộc mình, làm sợi chỉ buộc chân mình. Muốn bay thì bay. Tự do thật thoải mái. Chỉ có Chúa mới có thể ràng buộc mình, khi nào Chúa bày tỏ cho mình thấy rõ ý của Chúa. Đã một lần Chúa buộc chân lại thành phố Greenville trong hơn 5 năm, làm người chăn chiên trên đồng cỏ, trong khi vẫn đang muốn bay đi. Chúa đã buộc thì buộc chặt, không mở được, cho đến khi Ngài muốn mở.

Rồi khi Sài gòn vừa trở mình sau cơn sốt lâu ngày, chuẩn bị ngồi dậy, thì vội vã bay đi.

Thật lạ lùng khi vâng phục ý muốn của Chúa, điều gì cũng đâu vào đấy, khi nắng ấm ngay cả lúc mưa rơi, mưa lớn, không chỉ ướt tóc, mà ướt cả người, thì vẫn thấy ý Chúa, mọi cái Ngài làm dù bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng làm ích lợi cho kẻ yêu mến Ngài. Nắng thì dễ rồi, mưa mới là khó. Kiên nhẫn cầu nguyện, cầu nguyện không thôi là bài học. Chẳng lẽ cứ trái gió trở trời một chút thì đã vội bỏ cuộc? Lúc Chúa còn chưa dạy được bài học nào thì đã vội bỏ cuộc? Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn nạn, thì sức lực con thật nhỏ mọn thay.

Còn một câu nữa, câu này đã theo mình từ những ngày đầu biết Chúa cho đến sau hơn 30 năm, nó vẫn ở đấy, nằm đấy, khi nhớ lại, muốn mở ra, thì vẫn mới, luôn luôn mới: Nếu ngươi chạy thi với kẻ chạy bộ, mà còn mỏi mệt, thì làm sao thi được với ngựa? Khi trong xứ yên lặng, ngươi được an ổn, nhưng khi sông Giô-đanh tràn, thì ngươi sẽ làm thế nào? Giê-rê-mi 12:5.

Chúa đã buộc lần nữa, lần này cũng trên một cánh đồng, nhưng là một cánh đồng khác. Cánh đồng quê nhà. Lần này thì không nói là thích hay không thích, vì nó đã là… số mệnh ? Không phải là một cánh đồng để vui hưởng tuổi già, vui hưởng tâm hồn nghệ sĩ của mình như ước muốn. Sau gần 30 năm trên đất Mỹ, thì Chúa cho phép về hưu một cách an toàn, rồi khi tâm hồn chưa kịp enjoy với cảnh quan mới, thì Chúa vẽ cho một con đường mới. Trở về quê nhà làm việc khác. Chúa cứ nói hãy nhướng mắt lên nhìn, mà khi nhướng mắt lên thì chẳng thấy gì ngoài quê hương Việt Nam. Chúa cứ nhất định can thiệp vào cuộc đời của mình, có lẽ vì một lời… nguyền ngày xưa, hứa với Chúa là dâng cuộc đời mình cho Ngài, nên Ngài có toàn quyền xử lý cuộc đời của mình, can thiệp mọi nơi mọi lúc, mà mình không thể cãi, không dám cãi ?.

Cánh đồng quê hương Việt Nam là mênh mông, trải dài từ cuối đất miền Nam cho đến địa đầu miền Bắc. Không phải là đồng lúa thật, mà là cánh đồng người. Dân số là trên 90 triệu người, chỉ có khoảng 2% tin Chúa Jesus, phần lớn là người sắc tộc. So với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, số người Việt tin Chúa Jesus vào hàng thấp nhất. Tin Lành của Chúa Jesus vẫn đứng ở ngoài hàng rào nhìn vào bên trong mảnh đất rộng mênh mông của đất nước. Chúa Jesus nói đồng lúa đã chín vàng, nhưng dường như câu nói ấy không phải nói về Việt Nam. Cánh đồng lúa Việt Nam hãy còn xanh lắm.

Nguồn Sáng vẫn chỉ mới ở khoảng 6500-7000 số mỗi kỳ. Con số ấy ở trong giấc mơ tôi mỗi đêm, có khi tôi hỏi Chúa: được chưa Chúa. Rồi tôi tự trả lời, chắc đủ rồi. Vì sức tôi chỉ chừng đó. Tôi nhớ đến câu Kinh Thánh tôi làm được mọi sự nhờ sức Chúa ban cho tôi. Rồi tôi cũng tự giải thích: sức Chúa ban, nhưng tôi không đủ sức để nhận lấy sức của Chúa. Tôi thấy mình bé mọn, yếu ớt. Khi đi bộ vòng quanh xóm mỗi ngày tôi lại bị thúc giục bởi những con số, tại sao chỉ vài ngàn, trong khi dân Việt là hàng chục triệu, gần trăm triệu. Điều gì sai? Mình chỉ mới bắt đầu thôi mà. Tôi tự an ủi mình. Nhưng Chúa không để tôi tự an ủi. Chúa lại vẽ thêm trong lòng tôi những con đường khác. Đi như vầy nè. Đi thêm chút nữa. Chậm quá. Không còn thời gian nhiều nữa.

Tôi ngước mắt nhìn trời. Sự tiếp trợ tôi đến từ đâu?

Vào buổi sáng, tôi lại mở youtube, mở Greenfields, nhìn cánh đồng xanh ngắt, tôi không quan tâm nữa tiếng hát của Nam, tôi nhớ khải tượng của mình, sẽ đi từ đầu đến cuối đất Việt, giấc mơ đó có bất khả không Chúa? Có cái gì mà Chúa không làm đươc? Còn con thì đã dần mòn mỏi rồi. Môi-se thỉnh thoảng đã mỏi tay, xụi tay xuống. A-rôn và Hu-rơ đâu?

Mục sư Lữ Thành Kiến

 


Bài viết cũ trang Cùng Suy Gẫm Với MS Lữ Thành Kiến được lưu trữ tại đây:
Cùng Suy Gẫm Với MS Lữ Thành Kiến (2004-2022)

Ngày đăng: 07/29/2022